- Tư liệu văn học
- Tâm sự với nhạc sĩ Ngọc Khuê về bài hát Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Tâm sự với nhạc sĩ Ngọc Khuê về bài hát Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Đại tá, nhạc sĩ quân đội Ngọc Khuê, ông Làng lúa làng hoa, đã tâm sự với chúng tôi nhiều điều xung quanh bài Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh - tác phẩm mới của ông.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Phòng không - Không quân, là một tên tuổi lớn trong giới âm nhạc của Quân đội và nước nhà. Ông từng được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, cùng rất nhiều giải thưởng âm nhạc khác. Đặc biệt, bài hát Mùa xuân làng lúa làng hoa của ông gần như không người dân nào không hát, không thuộc, đã nằm trong top 10 bài hát hay nhất về Thủ đô Hà Nội của chúng ta.
Mới đây, nhạc sĩ Ngọc Khuê lại có một sáng tác mới rất xúc động lòng người là Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, phổ thơ Châu La Việt. Bài hát thì nóng bỏng, nhưng ngồi nghe ông ôm đàn guitar hát giữa Hà Nội bời bời gió lạnh thì lại thấy ấm áp và xúc động vô cùng.
Đại tá, nhạc sĩ quân đội Ngọc Khuê, ông Làng lúa làng hoa, đã tâm sự với chúng tôi nhiều điều xung quanh tác phẩm mới này của ông.
Nhà thơ Châu La Việt và nhạc sĩ Ngọc Khuê trao đổi về tác phẩm
Xin ông chia sẻ một chút về bài hát "Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh"?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Tôi được nhà văn Châu La Việt tặng tập Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, có lẽ là những bản in đầu của tập trường ca do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Tôi rất vui vì đây là tác phẩm mới nhất của Việt và đã đọc liên tục tập trường ca dày đến 146 trang suốt đêm. Tôi thật sự xúc động trước những trang viết của Châu La Việt, anh đã khắc họa bằng thơ những chân dung tinh thần, những đời sống nội tâm của một thế hệ cầm súng ra chiến trường, viết về một vùng đất lửa của Nam bộ, đó là Tây Ninh. Khi đọc tập trường ca rất giàu nhạc điệu và xúc cảm này, tôi đã nghĩ đến việc phổ nhạc. Thì, như hiểu lòng tôi, nhà thơ Châu La Việt đã gửi ngay cho tôi một trích đoạn - có biên tập lại - rồi cũng lấy tên bài thơ trùng tên tập trường ca làm tên bài hát.
Ở bài thơ này, tác giả đã nói lên được tình cảm của mình khi trở lại thăm vùng đất lửa Tây Ninh, trước mắt nhà thơ như tái hiện lại toàn bộ khung cảnh của cuộc chiến tranh năm xưa, đặc biệt là lực lượng an ninh Tây Ninh thời kỳ đó. Mà nổi lên là chiến công của Anh hùng an ninh Tô Quyền, đã lấy tên con (Tô Lâm) làm bí danh để hoạt động, và tình cảm của bà con Tây Ninh sâu nặng với người cán bộ an ninh mang tên Tô Lâm.
Từ niềm xúc cảm đó, tôi bắt tay vào phổ nhạc cho bài thơ, lấy chất liệu từ những bài dân ca Nam bộ, đặc biệt là từ những bài dân ca nguyên gốc của Tây Ninh. Chất liệu là thế, nhưng vận dụng chất liệu ấy vào ca khúc của mình như thế nào, lại là một vấn đề nhiều trăn trở. Nếu dựa vào nguyên gốc mà "đặt lời" thì lại là một việc khác, mà thầm nghĩ ở đây cần phải có sự sáng tạo của người nhạc sĩ. Dù vậy, thì âm hưởng, giai điệu dân ca Tây Ninh chính là "chìa khóa" để mở ra một cách làm mới, sao cho vừa có âm hưởng dân ca, lại vừa thấy được sự sáng tạo của người phổ nhạc. Ấy là chưa kể đến lời thơ, cần phải "biên tập" lại theo dòng chảy của giai điệu nữa mới phù hợp.
Sau khi phổ nhạc, được hòa âm phối khí và được ca sĩ Võ Thành Tâm thể hiện, nghe xong tôi vô cùng xúc động. Một bài hát mà lần đầu tiên tôi lấy chất liệu dân ca Tây Ninh làm nền tảng để phổ nhạc, được ca sĩ hát bằng chính giọng hát của người Nam bộ, thật phù hợp và xúc động làm sao!
Nhà thơ Châu La Việt đã gửi gắm những tâm sự gì khi mong muốn ông phổ nhạc bài thơ này?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Tôi biết anh Châu La Việt viết trường ca này trong Trại viết về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Tam Đảo tháng 8/2024 vừa qua. Bản thảo vừa ráo mực, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã đưa vào in ấn ngay để kịp đợt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và phát hành rộng rãi trong quân đội, đến tận tay từng chiến sĩ.
Mặc dù thành công như vậy, nhưng Việt vẫn nói với tôi: "Giá như Ngọc Khuê phổ nhạc". Tôi biết Việt rất yêu mảnh đất Tây Ninh, thân thiết với những người nghệ sĩ giải phóng những năm chiến đấu trên mảnh đất Tây Ninh như Trần Mùi, Tô Lan Phương, Diệu Hùng, Thế Hải, Mai Lâm... và đặc biệt rất cảm xúc về Đại tá, Anh hùng an ninh Tô Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó ban An ninh Tây Ninh, chỉ huy trưởng của chiến dịch Quyết tử giữ Gò Dầu mà chiến công đến nay còn chói lọi.
Những con người, mảnh đất anh hùng như thế, thơ ca ngợi ca chưa đủ, mà còn cần tới âm nhạc chắp cánh cho những vần thơ về người anh hùng vang xa.
Tôi cũng rất đồng cảm với Châu La Việt, chúng tôi từng thân thiết với nhau nhiều năm, bởi thế đã bắt tay ngay vào phổ nhạc bài thơ.
Đại tá, Anh hùng Tô Quyền cùng người vợ hiền và các đồng chí: Bùi Thiện Ngộ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thị Minh - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh về thăm lại chiến trường Gò Dầu, Tây Ninh
Theo cá nhân tôi, người phổ nhạc cho bài thơ Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, sau khi hoàn chỉnh ca khúc, một lần nữa tôi cảm nhận được quá khứ anh hùng của bà con nhân dân, của các chiến sĩ quân đội, an ninh miền đất lửa Tây Ninh, càng thêm đồng cảm và thán phục tinh thần chiến đấu, truyền thống anh hùng của người chiến sĩ an ninh. Và càng hiểu hơn tầm vóc và xuất xứ của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, người lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước, được hun đúc nên từ quê hương Xuân Cầu, một dòng họ Tô giàu truyền thống cách mạng, được hun đúc nên từ chính truyền thống anh hùng của gia đình và người cha - Đại tá Anh hùng Tô Quyền suốt cuộc đời vì nước vì dân.
Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
LỘC HÀ (thực hiện)/ Văn nghệ