- Tư liệu văn học
- Về 3 vị tướng vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Về 3 vị tướng vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI
Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
NGƯỜI CHỈ HUY MƯU LƯỢC – TÀI GIỎI TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN (B3)
Thiếu tướng Hồ Đệ, AHLLVTND (Quân đoàn 3)
Đồng chí Thiếu tướng Hồ Đệ; Tên khai sinh: Hồ Quang Chính; Sinh ngày 02 tháng 02 năm 1926; Quê quán: Xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Từ trần ngày 12 tháng 5 năm 2007.
Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí có 7 năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên; đã đảm nhiệm các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn phó Sư đoàn 10, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên (B3), Tham mưu trưởng Quân đoàn 3. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi trong nhiều trận đánh, chiến dịch, tiêu biểu là:
Từ cuối tháng 10 năm 1969 đến năm 1971 trên cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66; với tác phong chỉ huy sâu sát, tài tình trong việc sử dụng lực lượng và bố trí hỏa lực, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, nắm chắc thời cơ đồng chí đã chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi trong nhiều trận đánh: Tiêu diệt 01 tiểu đoàn biệt kích hỗn hợp (Mỹ - Ngụy) trong công sự vững chắc tại căn cứ Ka Te ở BuPrăng - Đức Lập; vận dụng có hiệu quả chiên thuật "vận động bao vây tiến công liên tục" chỉ huy đơn vị giành thắng lợi trong Chiến dịch Đăk Siêng; tiêu diệt gọn 01 tiểu đoàn và 02 tiểu đoàn khác của địch.
Tiếp đến, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn tiến công địch ở Ngọc Rinh Rua, không những tiêu diệt gọn địch ở ngoài cặn cứ mà còn đánh giỏi địch trong tuyến phòng ngự vững chắc giành thắng lợi.
Năm 1972, trên cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận cánh Đông, đồng chí Hồ Đệ đã cùng với Tư lệnh Nguyễn Mạnh Quân, Chính ủy Đặng Vũ Hiệp chỉ huy Mặt trận cánh Đông thực hiện chủ trương của Đảng "Tiêu diệt địch, giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh", căn cứ quân sự mạnh nhất của địch ở Bắc Tây nguyên. Đây là trận đánh tiêu diệt Sư đoàn địch đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, giải phóng một vùng rộng lớn ở phía bắc tỉnh Kon Tum, làm cho quân địch ở Tây Nguyên lúc đó vô cùng hoảng sợ.
Trong trận chiến đấu tiến công cứ điểm Plei Kần (10/1972), trên cương vị Tư lệnh phó Sư đoàn đồng chí đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy - Bộ Tư lệnh nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng quyết tâm chiến đấu, chỉ huy đơn vị đánh địch tái chiếm Đắk Tô - Tân Cảnh; kiên quyết chỉ huy đánh thắng địch ngay từ trận đầu.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên (04/3 đến 03/4/1975), trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, đồng chí Hồ Đệ đã chỉ huy đơn vị đánh một số trận rất tiêu biểu, giành thắng lợi lớn như: Trận Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, thị xã Buôn Ma Thuột... Sư đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu Sư đoàn 23 ngụy, Trung đoàn 40 (Sư đoàn 22), lữ đoàn 3 dù, liên đoàn 21 biệt động quân, 7 liên đoàn bảo an, 7 tiểu đoàn pháo binh, 2 chi đoàn xe thiết giáp, thu 10.000 súng các loại (có 47 pháo lớn) và hàng chục nghìn quả đạn pháo; thu 307 xe ô tô và toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện chiến tranh ở thành phố Nha Trang, quân cảng Cam Ranh và ở các căn cứ địch mà Sư đoàn đánh chiếm.
Trên cương vị Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, đồng chí Hồ Đệ cùng với Bộ Tư lệnh chỉ huy giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày 23 tháng 01 năm 2025, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho đồng chí Hồ Đệ.
Pleiku – TP.HCM, 26/03/2025.
CHÍNH ỦY MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN (B3) BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ
Thiếu tướng Trần Thế Môn, AHLLVTND (Quân đoàn 3)
Đồng chí Thiếu tướng Trần Thế Môn; Tên khai sinh: Trần Đình Thìn; Sinh tháng 4 năm 1915; Quê quán: Xã Nhận Đạo (nay là xã Trần Hưng Đạo), huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; Từ trần năm 2009.
Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí có gần 7 năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, được giao trọng trách Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3). Đồng chí đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, tiêu biểu là:
Trong Chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh (năm 1967), trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến trường Tây Nguyên đồng chí đã tham mưu với Thường vụ Đảng ủy Chiến trường ra 2 nghị quyết: Nghị quyết về đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng "Chi bộ 4 tốt" và Nghị quyết về công tác cán bộ; đồng thời chủ động tham mưu với Thường vụ, Đảng ủy Chiến trường ra Nghị quyết mở Chiến dịch Đăk Tô 1. Đồng chí đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát động phong trào tự nguyện đăng ký chỉ tiêu diệt Mỹ rộng khắp toàn chiến trường.
Với cách đánh táo bạo đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng, ta đã làm tê liệt sân bay, gây thiệt hại nặng sở chỉ huy dã chiến Sư đoàn bộ binh 4 Mỹ. Sau 20 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã đánh thiệt hại nặng quân địch, giành thắng lợi to lớn.
Trong Cuộc tiến công và nổi dậy năm 1968, đồng chí Trần Thế Môn đã tham mưu, đề xuất với Bộ Tư lệnh Mặt trận chỉ đạo các đơn vị phát động phong trào thi đua giết giặc lập công, phấn đấu trở thành "Đơn vị anh dũng diệt Mỹ", "Chiến sĩ diệt Mỹ"; phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong các đơn vị chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Đồng chí đã kịp thời tham mưu, chỉ đạo tổ chức đợt học tập chính trị cho cán bộ từ cấp đại đội trở lên, đồng thời tham mưu với Thường vụ Đảng ủy ra chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác Đảng ủy; ra chỉ thị về công tác chính trị trong tấn công thị xã, thị trấn và chỉ thị về cuộc vận động "Phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, quyết giành Hè - Thu đại thắng". Chỉ đạo đơn vị tiếp tục xây dựng quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội, thực hiện tốt công tác dân vận và địch vận; nâng cao trách nhiệm chính trị, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, sau 115 ngày tổng công kích, tổng khởi nghĩa toàn chiến trường Tây Nguyên đã giành được thắng lợi to lớn.
Đến mùa hè năm 1969, tại Tây Nguyên nguồn dự trữ lương thực rất mỏng lại phân tán nhiều nơi. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Thế Môn đã tham mưu với Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến trường tập trung mọi trí tuệ, làm việc cả ngày đêm, mở nhiều cuộc họp với cán bộ chủ trì các cấp, các ngành và thủ trưởng các đơn vị, nắm lại thực lực của chiến trường, đánh giá tình hình tư tưởng và khả năng khắc phục khó khăn của bộ đội, tìm ra biện pháp hiệu quả ổn định tình hình. Đồng chí đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh Chiến trường chỉ đạo phát động phong trào thi đua: "Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tự túc, thực hành tiết kiệm"; với khẩu hiệu hành động "Sản xuất như đánh giặc", , các cơ quan, đơn vị vừa chiến đấu, công tác vừa giành từ 10% đến 15% quân số cho nhiệm vụ sản xuất.
Trong Chiến dịch Đăk Tô 2, đồng chí Trần Thế Môn đã tham mưu với Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến trường tổ chức phát động cao trào thi đua: "Trẩy hội Điện Biên, lập công dâng Bác" dấy lên sôi sục khắp chiến trường.... Sâu 45 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Tây Nguyên đã đánh 659 trận lớn, nhỏ, diệt và đánh thiệt hại nặng gần 15 tiểu đoàn Mỹ, thu và phá hủy một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch.
Trong Chiến dịch Xuân hè năm 1971, đồng chí Trần Thế Môn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, giáo dục cho bộ đội thấu suốt nhiệm vụ; đồng thời tham mưu với Đảng ủy Mặt trận ra lời kêu gọi đoàn viên thanh niên toàn Mặt trận lập công chào mừng 40 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên lao động Việt Nam. Từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 16 tháng 6 năm 1971 ta thực hiện 3 đợt của chiến dịch với nhiều trận đánh, làm cho địch thiệt hại nặng nề.
Sau những năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, đồng chí được cấp trên bổ nhiệm qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy. Trên các cương vị công tác, đồng chí đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày 23 tháng 01 năm 2025, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho đồng chí Trần Thế Môn.
Pleiku – TP.HCM, 26/03/2025.
NGƯỜI CHÍNH ỦY KIÊN TRUNG TRÊN MỌI CHIẾN TRƯỜNG
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, AHLLVTND (Quân đoàn 4)
Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện; Tên khai sinh: Lưu Văn Thi; Bí danh: Hoàng Dân, tức Tư Dân; Sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922; Quê quán: Thôn Lê Xã, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; Sinh ra và lớn lên tại thành phố Hải Phòng; Từ trần ngày 05 tháng 9 năm 1995.
Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí tham gia chiến đấu trên các chiến trường Tây nguyên, Nam Lào, chiến trường Nam Bộ; được giao nhiều trọng trách ở các đơn vị, mặt trận. Đồng chí đã tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, tiêu biểu:
Trong trận Bàu Bàng (ngày 12-11-1965), trên cương vị Phó Chính ủy - kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã tham mưu với Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ chỉ huy Sư đoàn tiến hành đồng bộ, linh hoạt và sáng tạo các giải pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu.
Mặc dù được sự phân công của Bộ Chỉ huy Sư đoàn, trực Sở chỉ huy cơ bản (ở Căm Xe, Dầu Tiếng), tuy nhiên đồng chí Hoàng Thế Thiện bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia Ban Chỉ huy Tiền phương và được sự nhất trí của Tư lệnh và Chính ủy Sư đoàn. Suy nghĩ và hành động của đồng chí Phó Chính ủy - kiêm Chủ nhiệm Chính trị đã trở thành tấm gương sáng ngời, động viên và khơi dậy tinh thần, ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn học tập noi theo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu.
Trong trận tiến công Đồi 875 ở phía Tây Bắc Kon Tum trong Chiến dịch Đắk Tô 1 (từ ngày 3-11 đến ngày 22-11-1967). Dưới sự chỉ huy trực tiêp của Tư lệnh Sư đoàn Nguyên Hữu An và Chính ủy Hoàng Thế Thiện; Sư đoàn đã vận dụng linh hoạt chiến thuật chốt kết hợp với vận động tiến công đánh tiêu hao nặng lực lượng của Lữ đoàn dù 173 và Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ.
Tháng 10/1970, đồng chí Hoàng Thế Thiện được bổ nhiệm Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt giành giật giữa ta và địch để giải tỏa trọng điểm Chà Là trên Đường 20 Quyết Thắng, đồng chí Hoàng Thế Thiện và Chính ủy Binh Trạm 14 Bùi Thế Tâm đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo các lực lượng giải tỏả trọng điểm Chà Là.
Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Thế Thiện, Trung đoàn bộ binh 29 và Sư đoàn 968 phối hợp với phân đội xe tăng, pháo mặt đất đánh bật địch về Đồng Hến. Để bảo vệ sườn tuyển vận tải chiến lược phía Tây, đầu tháng 4/1971, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Phó Chính ủy Hoàng Thế Thiện trực tiếp chỉ đạo giải phóng Đồng Hến. Sau 3 ngày bao vây chia cắt, ta tiêu diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn quân Lào - Thái.
Trên cương vị là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã trực tiếp chỉ huy cụm Hạ Lào gồm: Sư đoàn tình nguyện 968, Sư đoàn khu vực 471, các lực lượng chuyên gia giúp bạn phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào mở các đợt tiến công mạnh quân ngụy Lào. Cuộc tiến công liên tục của bộ đội Trường Sơn và bạn Lào kéo dài 128 ngày, giành thắng lợi lớn.
Tham gia chỉ huy Bộ Tư lệnh Khu vực 470 - Cơ quan Tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn mùa khô 1971 - 1972, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470: đồng chí đã trực tiếp xuống tới các trọng điểm, các đơn vị động viên cán bộ, chiến sĩ; cùng với tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo khai thác nguồn hàng từ Campuchia phục vụ cho các chiến trường; tìm nhiều biện pháp đánh địch; tạo nhiều đường vòng, đường tránh, sáng tạo trong tổ chức vận chuyển, tổ chức thu mua tại chỗ, thực hiện vượt mức kế hoạch chi viện cho các chiến trường.
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (5/1973 - 01/1975), đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng với lự lệnh Đông Sỹ Nguyên và Đảng ủy, Bộ Tự lệnh ghi nhiều dấu ấn về đổi mới tổ chức lực lượng và có nhiều quyết định quan trọng.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Chính ủy Quân đoàn 4, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã chỉ đạo quán triệt "Chỉ thị công tác chính trị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh" của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch, ôn lại bảy lời dạy của Bác Hồ trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị
Sau 13 ngày đêm chiến đấu gay go, ác liệt Quân đoàn 4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở cửa cho các đơn vị bạn tiến vào Sài Gòn từ hướng Đông.
Tiếp theo Quân đoàn tiến công các tuyến đề kháng, phòng ngự của địch tại Trảng Bom, Hố Nai, đánh chiếm BTL/Quân đoàn 3 ngụy, Sân bay Biên Hòa, giải phóng thành phố Biên Hòa, góp phần tạo ra thế trận mới, có ý nghĩa chiến lược cho các binh đoàn chủ lực và các lực lượng vũ trang của cánh quân hướng Đông giải phóng Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được cấp trên điều động, bổ nhiệm qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong và ngoài Quân đội. Trên các cương vị công tác khác nhau, đồng chí đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày 23 tháng 01 năm 2025, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho đồng chí Hoàng Thế Thiện.
Pleiku – TP.HCM, 26/03/2025