- Tư liệu văn học
- Hyền thoại cánh diều Hải Thượng Lãn Ông
Hyền thoại cánh diều Hải Thượng Lãn Ông
Bài viết phục vụ Lễ Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông (1724-2024) và vinh danh Người Danh nhân văn hóa thế giới vào tháng 12/2024
Năm 1746, anh Cả mất, lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, Hải Thượng Lãn Ông “bẻ tên, cởi giáp” rời binh ngũ về quê ngoại Tịnh Diệm Hương Sơn mang danh Ông già lười, nhưng âm thầm, lặng lẽ dấn thân vào con đường tu thân, lập nghiệp, chữa bệnh, cứu người… Những lúc nhàn rỗi, Hải Thượng Lãn Ông lên núi Giả, hồ Sen đọc sách, ngâm thơ. Gặp lúc trời thanh, gió mát đem diều ra thả. Cho đến nay, ít có tài liệu nào còn lưu lại thú thả diều của cụ Thượng.
Huyền thoại cánh diều Hải Thượng Lãn Ông
Nhân dân trong vùng lưu truyền nhiều giai thoại. Giai thoại về cụ Thượng vào núi Nen không chỉ lấy thuốc mà còn lấy vỏ gai về xe sợi dây diều. Dưới bóng tre xanh, những buổi trưa hè, trên chõng tre, cụ Thượng lim dim mắt, lắng lòng theo sáo diều lúc trầm, lúc bỗng.
Lúc bệnh trọng, biết mình không qua khỏi, cụ dặn con cháu: Diều đứt dây, rơi ở đâu thì sau này đặt mộ cụ ở đó! Cánh diều đứt dây rơi xuống chân núi Minh Tự, phía trước là sông Ngàn Phố. Tên gọi núi Cánh Diều ra đời từ đó. Khi Hải Thượng mất, con cháu Lê Hữu nhớ lời Người dặn đặt mộ cụ đúng địa điểm cánh diều rơi xuống.
Cho đến nay không ai biết giữa cánh diều đứt dây rơi ngẫu nhiên với huyệt mộ có ý nghĩa gì về phong thủy để Hải Thượng Lãn Ông quyết định khác thường như vậy!? Hải Thượng ra đi mang theo bí ẩn tâm linh, để người đời thêu dệt nhiều huyền thoại về cánh diều, trong đó không thiếu chuyện thần bí. Hai trăm ba ba năm (1791-2024), kể từ ngày cụ Thượng ra đi, biết bao biến cố, bao “vật đổi sao dờì” ấy vậy mà khu mộ Hải Thượng Lãn Ông vẫn bình yên. Chỉ tính mấy chục năm giặc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc, Hà Tĩnh”chảo lửa, túi bom”, Cầu Nầm, Cầu Chuối Bù, đường 8A quê ngoại Hải Thượng là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù, ấy vậy mà Cánh Diều vẫn không bom rơi, đạn lạc!
Năm 1975, đất nước thống nhất, đường 8A rộng mở, nối liền với nước bạn Lào, Thái Lan. Đường Hồ Chí Minh “xẻ dọc Trường Sơn” xuyên suốt chiều dài đất nước đi qua Cánh Diều. Cùng với Chùa Tượng Sơn (Sơn Giang), Nhà thờ Lê Hữu (Quang Diệm) khu mộ Hải Thượng được đầu tư, nâng cấp nằm trong quần thể du lịch tâm linh kết nối với Khu di tích lịch sử Trần Phú (Đức Thọ), Ngã Ba Đồng Lộc (Can Lộc), Khu di tích Lịch sử Văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhiều khách du lịch đặt chân đến nơi đây ngạc nhiên trước thế núi hình sông. Núi uốn cong hình cánh diều, chân núi khum khum cánh diều, dải đất trước khu mộ nống ra như cánh diều. Truông Mung khum khum hình cánh diều. Sông uốn cong cánh diều. Bãi nổi như cánh diều no gió… Cánh diều là biểu tượng của Khu du lịch sinh thái tâm linh Hải Thượng Lãn Ông. Vì vậy, cánh diều Hải Thượng Lãn Ông đâu chỉ đơn giản là cánh diều; thả diều với cụ Thượng đâu chỉ là thú chơi của ông già lười mà còn chứa đựng huyền thoại hư hư, thực thực…
Lễ hội thi diều sáo tại Nhà thờ Hải Thượng (thôn Hải Thượng, xã Quang Diệm)
Nhiều tài liệu chép năm 1782, niên hiệu đời Cảnh Hưng thứ 43, Hải Thượng nhận chiếu chỉ Chúa Trịnh ra kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán…Sau thời gian chữa bệnh cho Thế tử, lúc trở về quê cũ, Hải Thượng được Chúa ban thưởng lụa là vàng bạc, nhưng Người khước từ, chỉ xin nhà Chúa cặp sáo diều. Trải qua năm tháng, ống sáo Chúa ban thất lạc, cánh diều cũng chẳng còn.
Kỳ lạ là chưa một ai “mục sở thị” cánh diều Hải Thượng Lãn Ông, nhưng ai cũng có thể kể vanh vách diều cụ Thượng. Này nhé, sườn diều cụ Thượng chuốt tre dây mà phải tre đực, cây nhỏ, thịt dầy, lòng đều, khoảng 5 năm tuổi vừa chắc, vừa dẻo. Áo diều lợp bằng vải diềm bâu hay vải lụa tơ tằm. Ngày xưa vùng Thịnh Xá có nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Thứ tơ mịn dùng dệt vải, may mặc, làm áo diều, còn sợi thô/to xe làm dây diều. Lại có người kể: Cụ Thượng vào núi Nen tìm cây dứa dại, lá to bản đem về chuốt sợi lấy dây… Cũng có người quả quyết: “Dây diều cụ xe toàn bằng sợi dây gai cả đấy!”
Người làng trên cho rằng diều cụ có hai sáo, bốn miệng. Sáo đại, đường kính ống sáo 28 cm; sáo tiểu, còn gọi là sáo còi, đường kính ống sáo 5 cm. Người làng Hạ quả quyết diều cụ Thượng hai sáo nhưng chỉ có ba miệng. Sáo đại to gấp rưỡi cái ấm tích, chỉ có một miệng, còn gọi là sáo ngồi. Ống sáo bằng tre dây. Nắp sáo bằng gỗ vàng tâm. “Ôi, ngày xưa để tìm được ống tre làm sáo đại phải săn tìm khắp cả tổng. Tre được phơi khô, ngâm bùn ao ba tháng mười ngày đem phơi trong bóng râm cho âm dương hài hòa”.
Về chuyện hài hòa âm dương, nhân dân Tịnh Diệm kể rằng: Rừng già Hương Sơn có nhiều gỗ quý vàng tâm. Đó là gỗ, lõi/ruột màu vàng, mềm, tươi lâu, bền, hương thơm, nhẹ. Vì vậy, ngoài xẻ làm ván trần hay thưng nhà, gỗ vàng tâm còn được đóng hậu sự/quan tài, khoét sáo diều. Nhưng không phải gỗ vàng tâm nào cũng dùng khoét sáo diều. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, phải tầm được thứ gỗ vàng tâm cất mả mới là tay chơi anh chị.
Thuở nhỏ, tôi chứng kiến, cha tôi lấy gỗ vàng tâm cất mả về gác ở chuồng gà, chuồng lợn nhằm trấn yểm dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Chẳng hiểu làm sao dân sánh chơi diều biết, tìm đến nhà xin bằng được để khoét sáo, với lý do: “Phải vàng tâm cất mả, gỗ được chôn âm, thấm ẩm, âm thanh không chỉ vút chín tầng trời mà thấu tận chín tầng đất”. Để gia tăng giá trị lời mình nói, họ còn quả quyết rằng: Sáo diều cụ Thượng, ngày xưa cũng làm bằng thứ gỗ vàng tâm này! Chả biết điều đó có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng câu chuyện sau đây, Hải Thượng Lãn Ông kể trong “Thượng kinh ký sự” là sự thật một trăm phần trăm. Rằng ông từng có một mối tình với cô con gái con quan tả thừa ty tỉnh Sơn Nam ở Huê Cầu, đã mang sính lễ cầu hôn, nhưng sau đó, hai người lưu lạc, mất nhau…
Năm 1782, Chúa Trịnh triệu Hải Thượng ra kinh chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Một ngày nọ có hai lão ni cô đến chỗ Hải Thượng Lãn Ông trọ và cho biết, ở chùa Huê Cầu đang đúc chuông lớn nhưng công quả chưa thành nên họ lên kinh thành để khuyến hóa (quyên góp ủng hộ). Thậm chí, một trong hai vị ni cô để tạo lòng tin với ông còn tiết lộ, bà chính là con gái của quan tả thừa ty tỉnh Sơn Nam ở Huê Cầu. Hải Thượng giật mình nhận ra người cũ, mắt rớm lệ. Ni cô Huê Cầu mặt đỏ bừng, nhận ra người tình cũ và vội vàng bỏ đi. Ngay lập tức, Lãn Ông cho người kín đáo đi theo, tìm cho ra chỗ người xưa đang ở…
Sau nhiều đêm trằn trọc, day dứt, Hải Thượng đã quyết định xin phép chúa Trịnh về thăm lại quê cũ ở Huê Cầu nhưng kỳ thực là thăm và tạ lỗi với người xưa, xót xa khi biết người xưa thủy chung mòn mỏi chờ đợi, đã quy y cửa Phật! Hải Thượng ngõ ý xin được làm anh trai bảo dưỡng em gái suốt đời, xin rước về gõ mỏ tụng kinh trong cái am ngay vườn nhà ở Hương Sơn quê mẹ để: “Mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là báo ân, hai là để chuộc lỗi. Vì ta bất cẩn trong việc này, có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận mà ta mang tiếng là bạc bẽo”. Ni sư Huê Cầu mặc dầu rất cảm kích nhưng tìm cách chối từ: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu dám trách ai. Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh lung lạc vậy. Chỉ xin nếu quan nhân còn nghĩ đến tôi, nghe nói Hoan Châu có nhiều gỗ tốt và rẻ, xin nhờ mua giúp một cỗ quan tài”. “Gỗ tốt” mà ni sư Huê Cầu nhắc đến là gỗ vàng tâm…
Câu chuyện tình đã ám ảnh, khiến Hải Thượng day dứt không yên. Tiếng lòng ấy đã thành thơ, sau được Hải Thượng in trong tập: “Thượng kinh ký sự”. Bản phiên âm Hán Việt bài thơ như sau: “Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa/ Kim nhật tương khán khổ tự ta/ Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,/ Song mâu xuân tận kiến hình hoa./ Thử sinh nguyện tác can huynh muội,/ Tái thế ứng đồ tốn thất gia./ Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,/ Túng nhiên như thử nại chi hà?”
Ngô Tất Tố đã dịch rất hay: “Vô tâm nên nỗi luỵ người ta,/ Trông mặt nhau đây luống xót xa./ Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ,/ Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa./ Kiếp này hãy kết làm huynh muội,/ Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia./ Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ,/ Dở dang, dang dở biết ru mà?"
Từ kinh trở về, Hải Thượng Lãn Ông tập trung thời gian vào chữa bệnh cứu người, đặc biệt hoàn tất bản thảo nhiều tác phẩm quan trọng, một phần vì say mê với lý tưởng đeo đuổi, một phần để quên đi, lắng lại những xáo động trong lòng. Lúc rỗi rãi, cụ Thượng, cùng người nhà đem diều ra thả. Diều cụ Thượng nổi tiếng cả vùng không chỉ lên lọt gió côi, mà bởi tiếng sáo lúc trầm, lúc bỗng. Sự phối hợp giữa âm trầm sáo đại với véo von sáo còi tạo nên giai điệu trầm bỗng của trúc của tre. Sau khi thả hết bành dây, cụ Thượng buộc diều ở đầu làng, trở về, nằm trên chõng tre dưới gốc cây, phe phẩy quạt giấy, vắt chân chữ ngũ lắng nghe từng âm thanh trong đục rồi lim dim mắt mơ màng. Nhưng, thói quen của cụ Thượng là vào lúc đêm khuya thanh vắng, qua giờ Dần, khi sương lộp độp trên tán lá, không khí dịu êm, sáo diều dịu lại, âm thanh trầm xuống như thủ thỉ, như tâm tình, khi dìu dặt, lúc buông lơi, khi thổn thức, khi chìm hẳn. Cụ Thượng thẩm cả những quãng lắng, ngồi bật dậy, vào thư phòng, châm nến, ghi ghi chép chép rồi mới buông màn nghỉ ngơi….Có thể, tiếng sáo diều cho thêm cứ liệu dự báo thời tiết ngày mai, biết được khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe để kê đơn, bắt mạch cho người bệnh….
Đến Lễ hội thả diều Hải Thượng Lãn Ông
Di sản của Hải Thượng Lãn Ông để lại cho hậu thế vô giá. Di sản ấy đã đi vào đời sống, trở thành một phần đời sống.
Tại Hương Sơn, quê ngoại của Hải Thượng Lãn Ông, hàng năm tưởng nhớ đến Đại danh y đã tổ chức nhiều lễ hội: Lễ hội đua thuyền trên dòng sông Ngàn Phố; Lễ hội kéo co, vật tay rèn luyện sức khỏe; Lễ hội chế biến các món ăn được Hải Thượng Lãn Ông trình bày trong sách:”Nữ công thắng lãm” và đặc biệt là Lễ hội thi làm diều sáo…
Lễ hội thi đã hội tụ các nghệ nhân đến từ các làng có truyền thống thả diều từ vùng Hạ như: Ninh, Thịnh, Hòa, Châu, Bình Hà, đến vùng Trung như: Bằng Trung Phú, vùng Thượng: Tây Kim Lĩnh, Giang, Quang Diệm.
Có mặt trong lễ hội từ sáng sớm, tôi tận mắt chứng kiến sự đa dạng trong màu sắc, kiểu dáng, chất liệu.
Có cánh diều cong như lưỡi liềm, có cánh diều như vầng trăng khuyết, có cánh diều mô phỏng máy bay, lại có cánh diều xòe ra như cánh bướm. Nhưng kỳ công nhất phải là bộ sáo diều được khoét, mài, dũa công phu. Mọi ánh mắt đổ dồn về siêu diều, siêu sáo của ông Hồ Nam đến từ Sơn Trung. Ý tưởng thiết kế siêu diều đeo đẵng ông suốt thời gian dài. Năm 2023, ông mạnh dạn thiết kế siêu diều bằng cấu trúc lắp ghép. Các bộ phận làm rời, khi thả diều mới lắp ráp hoàn chỉnh.
Tất cả vòng trong, vòng ngoài quay quần xem ông Nam “trình diễn”. Ông bày ra sân khung diều được cố định bằng ống nhôm mỏng. Đoạn ông xâu áo diều (bằng tơ lụa) vào cánh diều tre, rồi nhẹ nhàng lắp vào ống nhôm. Phải hai người hỗ trợ mới lật được cánh diều để ông lắp sáo khủng. “Làm sao tìm được ống tre khủng thế!?” Tôi hỏi. Ông Nam cười: “Bác nhìn kỹ xem, ống tre này do tôi lắp ghép đấy. Gần 50 mảnh tre ghép lại với keo dán, mới ra cái sáo khủng này! Để ghép cái sáo này, tôi mất gần tuần lễ đấy!”. Ông Nam nói. “Ái chà! Ra thế!”. Nhiều người chép miệng.
Lễ hội càng về trưa càng thu hút đông đảo người tham gia. Sau buổi học, các em học sinh ghé qua, chật kín cả sân, tràn ra cả bờ sông đến lối vào...
Ban Giám khảo làm việc vất vả, vì cánh diều nào cũng xứng đáng được trao giải. Cuối cùng, BGK thống nhất trao giải quán quân cho cánh diều ông Hà đến từ Sơn Thịnh. “Điều đáng nói là qua lễ hội ấy, chúng tôi chọn được cánh diều hợp lý nhất để trao tặng nhà thờ Lê Hữu tại Hưng Yên”. Ông Nam- Trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Sơn chia sẻ.
Được biết, tháng 10 năm 2023, Chi hội VHNT Hương Sơn trực thuộc Hội VHNT Hà Tĩnh đã mang món quà ý nghĩa ấy đến Yên Mỹ, Hưng Yên trao tặng nhà thờ họ nội.
Sau lễ hộị, nhân dân ước ao có cuộc thi thả diều. Nào là:” Không dừng lại thi diều khủng, diều đẹp mà phải thi diều ai lên cao, sáo hay chứ!”. Nào là:” Lễ hội thi diều cụ Thượng phải có tiêu chí diều cụ Thượng ra sao chứ? Kích thước? Kiểu dáng? Chất liệu? Chứ BGK đặt ra tiêu chí chưa hẳn đã đúng! Vì trong tất cả chúng ta đã mấy ai thấy diều Hải Thượng!?”. Lại có ý kiến:”Lễ hội diều chỉ là hình thức tưởng nhớ cụ Thượng đồng thời truyền cảm hứng cho sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí trong cộng đồng”. Mỗi người một ý khó lòng ghi lại hết.
Trong lúc đó, tôi nhìn lên núi Giả phía phải vườn nhà thờ. Núi Giả khum khum cánh diều, cỏ mọc xanh rờn. Phía trước là hồ sen bán nguyệt. Mùa này, sen nở hoa, tỏa hương thơm ngát. Có phải Hải Thượng Lãn Ông đang ngồi trên núi Giả, xem hướng gió, rồi nhẹ nhàng lẫn vào những lão nông râu tóc bạc phơ, những nam thanh nữ tú, những người nông dân vừa cày ruộng trở về, những học sinh đang quanh bành dây hay nghiêng ngó cánh diều khủng….
Tôi biết, mỗi người mang trong mình một cánh diều Hải Thượng Lãn Ông. Cụ gìa tóc râu trắng muốt, buông bỏ hết bụi bặm đời thường, thả hồn vào cánh diều phiêu lãng. Những người nông dân sau công việc đồng áng vất vả, tìm thấy cánh diều phút thư thái, ở tiếng sáo diều bản nhạc của tre, trúc của làng quê. Người ở ven bãi sông Ngàn Phố, đâm cánh diều lên thấy diều hay là dải lụa mát rượi giữa trưa hè. Người ở núi Nầm lại nghe sáo vi vút với tiếng thông reo. Người làng Hạ, hay làng Thượng đi đâu nghe tiếng sáo diều lại cồn cào nỗi nhớ quê, nhớ nhà.
Còn tôi, tôi đang nhớ về tuổi thơ, những đêm trăng sáng, khi cánh đồng đã gặt xong, lũ chúng tôi thả diều bay vút lên trời xanh, cột diều vào cây tre, nằm ngữa lên rơm rạ giữa cánh đồng, nghe sáo diều vi vu, ngỡ là hồn rơm rạ, hồn đồng quê thăng hoa lên bầu trời.
Có lần, nhìn về núi Minh Tự, cánh diều ai thả như mảnh trăng liềm. Dưới cánh diều, mây trắng bồng bềnh, ngỡ như cụ Thượng từ cánh diều bước xuống Truông Mung.
Hà Tĩnh tháng 5/2024
LÊ VĂN VỴ