TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của nhà văn Hoàng Phương Nhâm là bản Thánh ca về nỗi đau đất nước thời hậu chiến

Tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của nhà văn Hoàng Phương Nhâm là bản Thánh ca về nỗi đau đất nước thời hậu chiến

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-11-09 14:37:58
mail facebook google pos stwis
188 lượt xem

LỜI TỰA

NHỊ NGUYÊN

Cuốn tiểu thuyết về tình yêu thời hiện tại với tất cả những éo le phức tạp, những hỉ nộ ái ố thường gặp nhưng nguồn gốc thành phần xuất thân của những nhân vật hiện hữu trong cuộc tình lại khiến người đọc quan tâm đến những điều ẩn sâu trong đó. Đó là những vấn đề của hậu chiến, là khát vọng của những linh hồn lính chiến của cả hai phía đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh, là sự hòa hợp dân tộc. Những di chứng mà bất kì một cuộc chiến tranh nào cũng để lại sau khi nó kết thúc bằng những phân định thắng thua.

Hiếu Tuệ, cô sinh viên Y khoa trong một lần từ trường trở về nhà để kịp làm lễ sinh nhật mẹ- Bà Quyên Ái-  đã bất ngờ gặp một tai nạn. Cô thấy mình bị rơi xuống một vùng đất lạ: “Hiểu Tuệ ngơ ngác đứng giữa hoang hoải nắng. Cả vùng đất rộng hút tầm mắt chỉ một màu vàng cháy rụi của cây cỏ, mặt đất bị cày xới nham nhở, những hố lớn hố nhỏ đè lên nhau. Không gian khét lẹt mùi hóa chất, mùi thịt nướng quá lửa, mùi thối rữa như mùi động vật đang kỳ phân hủy. Hiểu Tuệ hoảng sợ, cô không hiểu làm sao lại đến nơi đây. Cô nhón chân hối hả mong chạy khỏi vùng đất khủng khiếp này để tìm đường về nhà. Những mảnh gang sắc nhọn ẩn khuất trên mặt đất cứa vào bàn chân trần của cô. Nơi cô chạy qua đều để lại một dấu chân đỏ máu. Gần như kiệt sức, Hiểu Tuệ hét gọi…” Cô không biết đây là vùng đất chết- Nhưng như một run rủi của số phận, chính trong lúc vô cùng hoảng sợ này cô bất ngờ được Nhậm Thành cứu giúp. “Đứng trước cô là một người trai trẻ chững chạc trong bộ quân phục rằn ri. Dáng người anh cao to nổi bật trong ráng chiều chạng vạng. Hiểu Tuệ thấy bộ quân phục anh mặc giống như trong bức hình của ông ngoại chụp khi ông là lính Việt Nam cộng hòa vừa ở mặt trận về trong bức ảnh cưới với bà ngoại. Mà thời đó đã lâu lắm rồi, sao giờ người này lại vẫn mặc bộ đồ y chang vậy?!” Hiểu Tuệ lại càng không biết Nhậm Thành vốn là một sỹ quan Cộng hoà, bạn thân của Vĩnh Lộc ông nội cô. Ông nội cô là con của một chủ trại ngựa đua. Cả hai đều đã tử trận trong cuộc chiến trước đây và Nhậm Thành đang trên đường đi tìm Vĩnh Lộc (Người đang cùng bị mắc kẹt trong một vách đá bên bờ vực ở vùng núi sâu hoang vắng cùng một người lính Bắc Việt: Giang Tử Quang). Nhậm Thành không để ý đến thái độ đó của Hiểu Tuệ. Anh nắm tay cô chạy nhanh ra khỏi vùng đất chết đó đưa cô đến một nơi có phong cảnh kì thú đẹp như cảnh nơi tiên giới: Vườn Đà La. Và từ đây Hiểu Tuệ tỉnh lại thấy mình trong bệnh viện có ánh mắt trìu mến của An Đông- người bác sỹ trẻ. Có thể đó cũng lại là một sắp đặt đầy thử thách của số phận. An Đông là cháu nội của ông Giang Tử Quang và bà Kim Thư- Hai cán bộ cách mạng, hai bác sỹ giỏi của ngành Y tế miền Bắc. Giang Tử Quang ra mặt trận và hy sinh. Bà Kim Thư sau khi thống nhất đất nước chuyển công tác vào Sài Gòn với ý đồ sẽ được gần nơi chồng hi sinh, có thể thuận lợi cho việc đi tìm kiếm hài cốt của chồng và em chồng. Bà có thời gian tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Bà là một người tài giỏi, mẫn cán nhưng cũng không ngừng nuôi trong lòng mối hận thù với “Phía bên kia”, những người đã sát hại chồng bà. Bi kịch bắt đầu. Khi biết An Đông yêu Hiếu Tuệ- Một cô gái có nguồn gốc thuộc phe đối kháng trước, bà đã tìm mọi cách để ngăn cản… Cuộc tình của Hiểu Tuệ và An Đông bị đặt trước muôn vàn thử thách, những thử thách của đời thường, cạm bẫy cùng những quan niệm, những định kiến và của những quá khứ buồn trước đây. Nhưng cuối cùng, như một sự an bài cần thiết cho mọi cuộc tình, cho mọi đổ vỡ, bằng sự chân thành, bằng tình yêu đích thực… cuối cùng sau bao giông bão, thử thách, con thuyền tình yêu của Hiếu Tuệ và An Đông đã cập bến Hạnh Phúc. Một cái kết có hậu.

 Và để thực hiện cuốn sách cho phù hợp nội dung, nhà văn đã dùng nhiều thủ pháp, đa phong cách và đa thể loại. Từ hiện thực tới siêu thực, tới hiện thực huyền ảo. Từ cổ điển kết hợp liêu trai. Từ chi tiết đến ước lệ. Tất cả được sử dụng đan xuyên một cách khéo léo và tinh tế. Những nhân vật của đời thực như Bà Kim Thư, bà Quyên Ái. Âu Dương Văn: chủ tịch tập đoàn AUDUONG Đài Loan. Âu Dương Vệ Trân: Con gái Âu Dương Văn, Phương Minh: Bạn Hiểu Tuệ. -Khải Ninh: Chồng Phương Minh…. Đươc đặt cạnh những người đã mất như Giang Tử Quang, Nhậm Thành, Vĩnh Lộc, Uyển Vy… Khung cảnh đời thực như Thành phố, bệnh viện cho đến vườn tược, những khuôn viên rực rỡ sắc màu cùng dòng sông đêm huyền ảo mà ở đó những con người thật đang sống cuộc đời thật với yêu thương tràn đầy cùng bao toan tính đời thường được đặt bên ngôi làng Chó Lạc, ấp Giáng Hương, Làng Chiến Binh của người chết hay bãi đất trống hoang vu trong ánh chiều ma quái. Những ngôi làng của những linh hồn người lính của cả hai phía trước đây đối địch nhau thì bây giờ vì lí do nào đó di cốt của họ họ chưa được đưa về, vẫn gửi thân nơi rừng hoang núi lạnh. Và họ tụ lại với nhau thành làng, tự an ủi nhau, truyền cho nhau niềm vui. Ở đây thù hận không còn tồn tại. Cũng có lúc những linh hồn lính trẻ nhớ lại trận đánh mà họ đã “Nhắm vào nhau” bằng một chút ưu tư mẫn cảm nhưng rồi lại ôm vai nhau, kể cho nhau nghe về kỉ niệm tươi đẹp ngày chưa nhập ngũ, những yêu thương gửi lại quê nhà…Tất cả những điều đó đã tạo nên một không gian truyện đầy hấp dẫn với cái nhìn vừa thiết thực, vừa nhân bản. Hận thù, chia rẽ, những vết thương hay sự đổ vỡ của con người gây ra cho nhau cuối cùng rồi cũng phủ bụi thời gian chỉ TÌNH YÊU, TÌNH YÊU đích thực và chân thành cùng với lòng vị tha, thông cảm và chia sẻ còn tồn tại. Và đó sẽ là phương thuốc cứu cánh duy nhất có thể hàn gắn và đem lại cho con người sự an nhiên, sự tĩnh tâm để những điều tốt đẹp nảy sinh.

 Dù thời tiết thế nào, khung cảnh nào thì cái đẹp vĩnh cửu như HOA CHO TÌNH YÊU vẫn nở.

Hà Nội tháng 5 Năm 2024


Nhà văn Hoàng Phương Nhâm

 

Tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu”  là bản Thánh ca về nỗi đau đất nước thời hậu chiến

VĂN CHINH

Cuộc tìm kiếm nào cũng đáng quý, bởi vì khi còn tìm là còn niềm tin và hy vọng - hai động lực làm nên sức hấp dẫn của kiếp nhân sinh. Mùa hè năm 2024 cư dân mạng xôn xao về sư Thích Minh Tuệ tu 13 hạnh đầu đà, là xôn xao về một cuộc tìm kiếm vĩ đại vậy. Cho nên tiểu thuyết xưa nay nhiều cuốn viết về những chuyến đi tìm. Gần gũi và ngắn hạn như An Đông tìm hoa hồng đẹp tặng người yêu Hiểu Tuệ, như Vĩnh Lộc tìm kiếm hoa đẹp tặng người chiến hữu tử sĩ Nhậm Thành- oái oăm thay, mẹ Hiểu Tuệ - bà Quyên Ái, lại là con gái bà chủ quán hoa Tư Hồng, những năm 1970 là vợ của Vĩnh Lộc. Vậy là trước hàng hoa ấy, đã có ba thế hệ yêu nhau, họ đều giống nhau ở chỗ nhờ chủ quán chọn giúp mình một bông hồng đẹp để tặng người yêu. Một minh triết hàm chứa ẩn dụ về sự NHƯ NHAU giữa các thế hệ người trước tình yêu và cái đẹp dù họ khác nhau niềm tin, vùng miền, chiến tuyến.

Nhưng tìm kiếm hài cốt, linh hồn của người thân và đồng đội chưa rõ danh tính mới thật đáng quý, nhất là ở những người từng đối diện nhau qua họng súng. “Đi tìm đồng đội” là một chuyên mục của đài phát thanh, truyền hình Việt Nam suốt mấy chục năm qua - đồng đội là danh từ chung, nhưng với số đông, nó có nghĩa là quân Giải phóng bao gồm bộ đội miền Bắc theo dọc Trường Sơn mà vào. Chỉ đến tiểu thuyết HOA CHO TÌNH YÊU này, qua nhân vật Nhậm Thành và Vĩnh Lộc, qua các “làng tử sĩ” - nơi quần cư của những linh hồn mà hình hài còn bị mắc kẹt đâu đó trên sa trường, nó có thêm hàm nghĩa mới. Những trang viết về cuộc gặp gỡ giữa hai động đội cũ Nhậm Thành và Vĩnh Lộc lại cũng là cuộc gặp mới giữa Nhậm Thành với Giang Tử Quang là bác sĩ bộ đội giải phóng  - vì Vĩnh Lộc và Giang Tử Quang bị mắc kẹt ở vách đá hoang vu sau nửa thế kỷ trong oải mục họ là hàng xóm của nhau, họ đã thành bạn bè. Đây là những trang văn xuôi mới mẻ, thấm thía tình người lại cũng đầy ẩn dụ.

Người H’Mông có câu, khi đã lấy chồng, sống là người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Ở “HOA CHO TÌNH YÊU”, câu nói sắt son chung thủy này đã thành nghĩa: “là người Việt, sống trên đất Việt, chết làm ma đất Việt”. Thường nghe câu, trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Đi tiếp định đề ấy, ta nhận ra: Có lẽ, khi qua sông Nại Hà, con người rũ bỏ mọi thành kiến, tội nợ, oan nghiệt để nhập trại di cư trung chuyển trước khi đầu thai đến kiếp khác, ở một không gian khác. Con người theo thời gian nối gót nhau đi đến cuối cuộc đời, khi bị cái chết khựng lại thì theo lực quán tính, linh hồn bị văng về phía trước cùng căn nghiệp vẫn còn dang dở nên tiếp tục hóa giải chăng? 

Nhưng rũ bỏ là một quá trình. Không kỳ hạn, như sông Nại Hà dài rộng ra sao không ai đo được. Như với bà Kim Thư, khi đã già, đã sống rất lâu trong phú quý giàu sang nhưng vẫn không thể quên mối thù những kẻ đã bắn chết chồng bà. Chúng cắt ngang tuổi thanh xuân chất chứa khao khát tình yêu thương, ân ái, để chỉ còn đời mẹ góa con côi dài thăm thẳm. Càng thương nhớ chồng, càng sống lâu trong niềm sắt son chung thủy thì mối hận thù càng như nêm khắc trong lòng của bà. Bà không thể chấp nhận cháu nội bà, bác sĩ An Đông yêu cháu nội kẻ thù, bác sĩ Hiểu Tuệ. Bà không biết có một cõi khác, nơi linh hồn của những cựu thù Vĩnh Lộc, bác sĩ Giang Tử Quang - chồng bà đã dần trở nên thân thiện sau khi cùng tắm nước Nại Hà, lại sống bên nhau suốt nửa thế kỷ ở cõi tuyệt không tiếng súng. 

Tuy hận thù oan trái nhưng cũng kỳ diệu thay, cuộc đời! Trong khuôn viên biệt thự của bà Kim Thư là hoa viên gồm nhiều cây ăn trái cùng kỳ hoa dị thảo. Hoa trong tiểu thuyết này chẳng những làm dịu lại lòng thù hận đối với người sống, hoa còn làm lồng ấp nuôi thần thái Hiểu Tuệ trong thời gian cô bị ngất. Đó là những trang văn đẹp: “Cô thấy mình bị bất ngờ rơi xuống một vùng đất lạ- Hiểu Tuệ ngơ ngác đứng giữa hoang hoải nắng. Cả vùng đất rộng hút tầm mắt chỉ một màu vàng cháy rụi của cây cỏ, mặt đất bị cày xới nham nhở, những hố lớn hố nhỏ đè lên nhau. Không gian khét lẹt mùi hóa chất, mùi thịt nướng quá lửa, mùi thối rữa như mùi động vật đang kỳ phân hủy. Hiểu Tuệ hoảng sợ, cô không hiểu làm sao [... ] khi thấy Nhậm Thành, một người lính Việt Nam cộng hòa như vừa ở mặt trận về. [... ] Anh nắm tay cô chạy nhanh ra khỏi vùng đất chết đó đưa cô đến  một nơi có phong cảnh kì thú đẹp như cảnh nơi tiên giới: Vườn Đà La.” Nhậm Thành bằng tuổi ông nội cô, nhưng ông chết khi còn được gọi là “anh” - nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet, viết về “Em bé Hirosima:” “Bây giờ em vẫn bẩy tuổi thơ/ Những em chết không còn lớn nữa.”  Vâng, hoa trong khuôn viên biệt thự Hoa Tường Vi làm dịu hận thù của bà Kim Thư, hoa ở Vườn Đà La nơi tiếp dẫn những linh hồn trước khi siêu thoát đã thức tỉnh thần thái coi như từ cõi chết của Hiểu Tuệ. Ở đây, hoa vừa là thực thể đời sống, vừa là ngôn ngữ nghệ thuật khiến cả người sống lẫn linh hồn người chết đều nghe hiểu mà không cần phiên dịch. Cái đẹp là ngôn ngữ chung của nhiều loại chúng sinh, nhiều cảnh giới.

Hoa ở hoa viên trong biệt thự Hoa Tường Vi cùng với các cảnh giới Nhậm Thành tìm ra Vĩnh Lộc và Giang Tử Quang, “cuộc sống” đầy phúc âm tại các “làng tử sĩ” rồi ra đã hóa giải hận thù ở bà Kim Thư, sẽ gắn bó hạnh phúc giữa hai cháu nội cựu thù như một tất yếu đời sống. Và đầy sức thuyết phục.

Tôi vừa nói đến phúc âm. Nó là kết tinh giữa ký ức tôi hòa phối với âm hưởng tiểu thuyết này. Có ký ức ấy là vì tôi từng đọc “Người hát thánh ca” - một trong những truyện ngắn khoảng những năm 1980 đã làm nên tên tuổi Hoàng Phương Nhâm. Khi đặt tên truyện, bà chừng như muốn nhận mình chỉ là người hát đồng ca trong nhà thờ và chỉ tụng ca thánh Chúa. Thế rồi, quả nhiên, chúng ta có nhà văn Hoàng Phương Nhâm khiêm nhường. Vậy mà không ngờ, đến tuổi bẩy mươi ngoài, nữ sĩ bỗng vút lên lĩnh xướng bằng giọng đơn ca độc đáo về hậu chiến và hòa hợp dân tộc. Và, khi đã có tư tưởng nghệ thuật hay, văn chương cũng trở nên khoáng hoạt về thi pháp, có hiện thực phối trộn tự nhiên với hiện thực tâm linh đồng hiện, có chương như là thơ văn xuôi không vần, lại có chỗ như bi kịch cổ điển. Đa thanh sắc nhưng nhuần nhuyễn, ấy là thế năng của bút lực dồi dào vào độ chín.  Tiểu thuyết HOA CHO TÌNH YÊU đặt ra những vấn đề lớn lao, nóng bỏng mà êm ái như nghe hát thánh ca mặc dù vẫn có khúc căm hận, có khúc xót xa, có khúc đau đớn muốn gào thét, có khúc lại bùi ngùi do nỗi đau âm u kìm nén quá lâu trong tâm hồn chuyển hóa mà thành. Tiểu thuyết như là bản thánh ca về nỗi đau đất nước, được hát lên trong quá trình hóa giải, như một phương thuốc chữa lành, nó tích cực hơn thời gian. 

Nó xứng đáng để tôi trân trọng đề tựa.

Hà Nội ngày rằm quý Hạ Giáp Thìn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm