- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà văn Văn Lê, cuộc đời tự kể
Nhà văn Văn Lê, cuộc đời tự kể
Phùng Văn Khai
Những ngày nắng nóng tháng 6, không hiểu sao chúng tôi lại rất hay trò chuyện về Văn Lê...
Nhà văn Văn Lê (giữa) trong lần nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM năm 2017
Thật khó định danh ông là nhà văn hay nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn phim, bởi ở lĩnh vực nào anh cũng có những thành tựu rất đáng ghi nhận. Song, trước tiên mọi người biết đến anh với tư cách nhà thơ. Văn Lê từng nhận giải A cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976); giải B thơ tạp chí Văn nghệ quân đội (1994); giải A thơ đề tài chiến tranh cách mạng Hội Nhà văn Việt Nam (1994) với tập Phải lòng. Tập trường ca Những cánh đồng dưới lửa nhận giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1999) và giải thưởng văn học quốc tế Mê Kông (2006). Với những thành tựu về thơ như vậy, Văn Lê trong Tổng tập nhà văn quân đội đã được xếp vào hạng mục thơ. Thơ Văn Lê đậm đặc chất lính với những khoảnh khắc chiến tranh rất đặc biệt. Thế hệ đàn em chúng tôi luôn có cảm tưởng Văn Lê vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, nhất là trong thơ anh: Chiến tranh, tôi đã nghe nhiều/ Muốn nghe anh kể xem yêu thế nào?/ Anh cười gương mặt xôn xao/ Hướng hai hố mắt nhìn vào xa xăm:/ Vợ mình lúc cưới hăm lăm/ Cổ không được đẹp xinh bằng người ta/ Vợ mình được cái nết na/ Biết chạy vạy, biết lo xa mọi bề.../ Cưới xong, giặc đến, mình đi/ Ít khi mới có dịp về vùng sâu/ Vợ chồng như vợ chồng Ngâu/ Mấy năm mới được gặp nhau một lần (Cuộc đời tự kể).
Chao ôi vợ chồng người lính! Chuyện có thật mà cứ như trong giấc chiêm bao. Thật đến buốt lòng mà chiêm bao càng cười ra nước mắt. Gương mặt người lính hiện lên, một người như trăm người, ngàn người với nỗi niềm riêng - chung, với cuộc đời riêng - chung đều là hiến mình cho Tổ quốc. Người lính đương nhiên phải ở chiến trường, ở tuyến đầu lửa đạn vì phận làm trai với non sông phải đi đánh giặc để giữ nước, giữ làng. Cuộc đời tự kể đã đạt đến đỉnh cao của sự dung dị. Câu chuyện có thật đã diễn ra từ lâu, đang diễn ra và còn tiếp tục diễn ra chính là lời nhắc nhớ để có cuộc sống thanh bình hôm nay đã phải trả bằng biết bao mất mát, hy sinh của lớp người đi trước: Bấy giờ vào lúc gian truân/ Ở trong hầm tối, mình lần thăm con/ Chạm vào cuộc sống tí hon/ Tay mình run rẩy như cơn sốt rừng/ Mở to cặp mắt trừng trừng/ Nhìn con cả tiếng mà không thấy gì./ Liệu rồi tới một ngày kia/ Mình còn sống được mà về thăm con?/ Liệu rồi cuộc sống tí hon/ Ngày mai khôn lớn con còn khổ không? (Cuộc đời tự kể).
Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra. Khát vọng chính đáng được đặt ra. Ước mơ của người lính, khát vọng của họ sao quá đỗi đời thường cũng là những câu hỏi lớn, dài rộng, mênh mông dằng dặc của nhân dân, đất nước. Tâm tư gan ruột của người lính cũng là tâm tư gan ruột của tất thảy nhân dân, của hậu phương cần lao, những khát vọng đời thường không dễ gì chúng ta trả lời và giúp họ thực hiện được khát vọng ấy.
Nhưng người lính là người lính. Chiến tranh là chiến tranh với những quy luật khắc nghiệt của nó. Người lính trong Cuộc đời tự kể luôn giáp mặt với bom đạn kẻ thù và sự khốc liệt giáng thẳng vào những người lính cũng là rất thật: Thế rồi vào tổng tấn công/ Mình mù mắt chẳng còn trông thấy gì/ Hòa bình mình mới trở về/ Lại sờ con giống bữa đi ngày nào/ -Thấy con cao tựa con sào/ Mặt con vuông vức, hao hao như mình/ Bây giờ đã hết chiến tranh/ Mình còn giữ được cái danh - CON NGƯỜI/ -Nói xong, anh bỗng mỉm cười/ Trong hai hố mắt, buồn vui hiện về. (Cuộc đời tự kể).
Ôi Văn Lê! Chỉ bằng vào Cuộc đời tự kể thôi đã là trọn vẹn một cuộc chiến tranh, nhiều cuộc chiến tranh và cả những ngày tháng hòa bình. Tài thơ của Văn Lê trong Cuộc đời tự kể không phải là sự phô diễn về câu chữ mà chính là sự thăm thẳm của con người trong cuộc chiến tranh.
Chúng ta đã nhiều lúc quy định thơ ca phải thế này, thế khác, mà đâu biết thơ ca sinh ra là vì chính con người với sự thật trụi trần, đớn đau nhưng cũng rất biết chắt chiu thành niềm vui, hạnh phúc. Để người lính còn phải đi hết cuộc đời mình. Để thế hệ những đứa con người lính phải ngẩng cao đầu, mở rộng trái tim giữ lấy cái danh - CON NGƯỜI ấy.
Cuộc đời tự kể Văn Lê viết ngày 30 tháng 4 năm 1990, nghĩa là chiến tranh mới vừa kết thúc được hơn một thập kỷ, vết thương còn chưa kịp lên da non, người lính mới chỉ vừa trở về gia đình mình. Cuộc trở về ấy chắc gì đã là trọn vẹn? Cuộc trở về ấy chắc gì đã về đến nhà khi hai đầu Tổ quốc phía Nam, phía Bắc lại rộ lên tiếng súng.
Với Văn Lê, dường như chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt. Nó không chỉ vào trong thơ ông mà còn vào trong chính đời sống của ông. Ông lúc nào cũng như đang ở chiến trường, nhất là cái sự sáng tác càng khẩn trương, quy lát, chạy đua từng phút từng giờ. Mỗi bận vào Sài Gòn, ông thường đến số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm dành thời gian cho cánh trẻ chúng tôi tha hồ hỏi về chiến tranh, hỏi về những gập ghềnh khúc khuỷu của các bậc cha anh, trong đó có khu vực văn nghệ trong chiến tranh. Và ông đọc thơ. Và ông kể những câu chuyện như thần thoại chỉ có trong chiến tranh. Và ông nói về lịch sử, ông đọc Kiều, ông dựng lại cuộc đời Nguyễn Du và đọc những câu thoại trong kịch bản Long Thành cầm giả ca mà ông đang viết. Văn Lê lúc nào cũng sống như đang trong thời chiến. Thơ và trường ca in rải rác nửa thế kỷ thì cũng ngần ấy năm là những tập truyện ngắn, tiểu thuyết đồ sộ nối nhau ra đời, đó là: Những ngày không yên tĩnh (truyện, 1978); Chuyện một người du kích (truyện, 1979); Bão đen (truyện, 1980); Đồng chí đại tá của tôi (truyện, 1981); Người gặp trên tàu (tiểu thuyết, 1982); Khoảng rừng có những ngôi sao (tiểu thuyết, 1985); Tình yêu cả cuộc đời (tiểu thuyết, 1989); Khi tòa chưa tuyên án (tiểu thuyết, 1989); Tiếng rơi của hạt sương khuya (tiểu thuyết, 1990); Nếu anh còn được sống (tiểu thuyết, 1994); Đồng dao thời chiến tranh (tiểu thuyết, 1999); Cao hơn bầu trời (tiểu thuyết, 2004); Mùa hè giá buốt (tiểu thuyết 2009); Mỹ nhân (tiểu thuyết, 2013); Thần thuyết của Người Chim (tiểu thuyết, 2014); Phượng hoàng (tiểu thuyết, 2014); Cống nhân (tiểu thuyết, 2020)…
Văn chương Văn Lê, những tác phẩm xuất sắc nhất đều viết về người lính. Mọi ràng buộc, thăng hoa của ông cũng đều xây dựng hình tượng người lính một cách sáng rõ nhất. Cuộc đời Văn Lê đến khi đóng bút trở về thế giới của người hiền (6-9 - 2020 sau cơn đau tim) luôn là cuộc đời của người lính chiến với những cung bậc thăng trầm đặc biệt. Văn Lê, trong tự sự của mình đã khẳng định: “Nếu có một điều gì đó đem đến cho tôi nhiều niềm vui cùng những nỗi ám ảnh phiền muộn, thì đó là cuộc đời người lính.
Nếu có một khoảng thời gian nào đó để lại trong lòng tôi một dấu ấn không thể phai nhòa, thì cũng là thời gian làm một người lính.
Đối với thế hệ chúng tôi, bộ quần áo lính không chỉ là vẻ đẹp, trách nhiệm, danh dự mà còn là số phận. Cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước đã đưa chúng tôi đến sống với nhau một cách thân tình và gắn bó với nhau bằng một tình yêu sâu nặng.
Cuộc đời người lính đã dạy cho tôi biết chiến tranh thảm khốc như thế nào. Và, người ta phải sống ra sao để không bị sỉ nhục. Cuộc đời người lính cũng dạy cho tôi biết thế nào là danh dự. Thế nào là tình đồng đội và thế nào là tình yêu Tổ quốc”.
Đó chính là Văn Lê.
Người chiến sĩ trong thơ Văn Lê luôn rất đặc biệt. Đặc biệt ở những khung cảnh đặc thù, thật đến buốt nhói mà rất nhân văn như bản chất của người lính Cụ Hồ. Trong bài thơ viết tặng đồng đội, Văn Lê đã nhìn ra và miêu tả những người lính chất phác đến tận cùng: Thắng giặc về doanh trại/ Đồng đội cùng liên hoan/ Mời dăm người khách đến/ Thức ăn bày trên bàn - Rượu nhạt dăm ba chén/ Chỉ dưa móp là nhiều/ Đọt chại luộc đầy rổ/ Nồi canh thì trong veo - Khách tìm cơm để xới/ Kín đáo nhìn quanh nhà/ Hiểu nhau cười rung lán/ Nước mắt chực ứa ra (Năm đói).
Viết về người lính Mỹ trở lại chiến trường ngày trước đã từng gieo bom đạn chiến tranh, Văn Lê có cái nhìn đồng cảm, hiểu biết, chia sẻ cũng là muốn khép lại một quá khứ đau thương: Nỗi đau tuy còn đó/ Nhắc lại mà làm gì/ Ta già đâu để bụng/ Lỗi lầm thời xưa kia - Nào cụng ly anh bạn/ Ta uống cho hòa bình/ Người già nâng ly rượu/ Nước mắt thì chảy quanh (Khi cuộc chiến đi qua).
Văn Lê tên thật là Lê Chí Thuỵ, sinh ngày 2-3-1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng năm 1974. Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn nghệ giải phóng rồi tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479 - Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng và nghỉ hưu vào năm 2010.
Nhà văn Văn Lê - cuộc đời ông tự kể, mà không riêng gì kể về ông. Ông đã kể ra nhiều câu chuyện về chiến tranh, về mất mát đau thương để mỗi chúng ta mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Tôi vẫn nhớ mỗi lần ông ra Hà Nội trong các kỳ cuộc gặp gỡ đội ngũ nhà văn quân đội, liên hoan phim Điện ảnh, Truyền hình, hoặc như chúng tôi tới Sài Gòn công tác đến chào ông vẫn luôn là một Văn Lê ấy, trầm hậu và sôi nổi, luôn kể rất nhiều câu chuyện hữu ích với chúng tôi.
P.V.K