TIN TỨC
  • Chân dung & Phỏng vấn
  • Trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn học Nguyên An về một cuốn sách mới xuất bản

Trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn học Nguyên An về một cuốn sách mới xuất bản

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-06-20 07:52:15
mail facebook google pos stwis
691 lượt xem

Nhân đọc: Văn học thiếu nhi Việt Nam - Khảo luận và chân dung - NXB Hội Nhà văn, 2023

TUYẾT MAI
(Đài tiếng nói VN)

Có người bảo với chúng tôi rằng nhà nghiên cứu văn học Nguyên An là một trong những người thạo tin, dịch giả văn học Nguyễn Chí Hoan có vẻ xác nhận thế. Nhưng gặp Nguyên An, ông lại nói: Không hẳn thế đâu, trong số những anh chị em hay viết bình luận và giới thiệu văn học - văn chương, thì các vị như Bùi Việt Thắng, Vũ Nho, Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp… mới là người thạo tin.

Nói đi nói lại, e mất thì giờ, tôi hỏi Nhà NCVH Nguyên An:

- Ông vừa xuất bản cuốn chuyên khảo - chân dung Văn học thiếu nhi Việt Nam. Nghe nói vừa ra lò, đã có lắm người đọc, đã bán được cả trăm cuốn, được chứ?

- Tin này thì đúng, nhưng cũng phải “nói thêm cho rõ” là biếu, tặng, xin, cho… cũng có. Tại sao ư? Đồng nghiệp và các giáo viên, học sinh nữa. Người ta tìm đọc cho là quý rồi chị ạ.

- Gần đây nhiều nhà NCVH và cả người sáng tác văn nghệ hay nói đến văn học phong trào…, như hàm nghĩa là chất lượng chưa được cao lắm, họ còn dẫn chứng rằng văn học thiếu nhi nước ta là văn học phong trào, trong sách mới của ông có đề cập đến vấn đề này không? Ý của ông là…

- Có chứ! Hơn nhiều dòng văn chương khác, như văn chương chiến tranh - cách mạng, sáng tác về nông dân - nông nghiệp - nông thôn… thì văn chương - văn học thiếu nhi Việt Nam ta có tính chất phong trào rất rõ. Và tôi xin nói ngay rằng: Nếu không có, rồi thiếu đi những đợt vận động sáng tác theo chủ đề, nếu không có phong trào Nghìn việc tốt, Kế hoạch nhỏ,… thời những năm 1960, 1970… thì ta không có được dòng (có người gọi là nền) văn học thiếu nhi Việt Nam ngày nay đâu!

- Nhưng sáng tác văn chương là công việc của những lao động cá nhân, của những cá tính sáng tạo cơ mà. Không ai viết hộ cho ai cả. Nhà biên tập có thể nhắc ông/ bà tác giả là nên viết rõ viết thêm thế này, trang này, hoặc bỏ bớt chi tiết kia, mấy dòng/ đoạn kia… nhưng tác giả người ta đâu đã dễ làm theo!

- Ấy là nói chung thôi, còn với văn học thiếu nhi, nhất là ở nhóm tác giả là các cháu đang học phổ thông, thì người lớn đã và còn nên gợi ý cho các cháu dùng từ ngữ - chi tiết, hình ảnh… nữa ấy chứ.

- Chả có nhẽ thế? Văn chương trẻ con thì phải hồn nhiên mới hay chứ.

- Đồng ý. Văn chương hay, đẹp… thường là, phải là những áng thơ, dòng văn được viết ra từ cảm xúc hồn nhiên, từ những ý tưởng trong sáng, dẫu có giận hờn, dẫu có buồn thương…

- Vậy phong trào trong sáng tác có ý nghĩa gì? Ai tham gia vào phong trào văn học thiếu nhi ấy?

- Câu chuyện này có tính lịch sử đấy nhé. Vắn tắt là thế này: Từ xưa, ông bà cha mẹ rồi anh chị em trong một số gia đình đã khuyến khích trẻ thơ sáng tác đấy. Bé Lê Quý Đôn sáng tác bài thơ về các loài rắn ngụ ý từ nay con sẽ chăm ngoan, hàng nghìn cháu đã múa hát dung dăng dung dẻ, tập tầm vông… nữa. Còn vào thời ta, ở buổi đầu của văn học thiếu nhi đương đại, các tổ chức Đoàn, Đội, các Hội phụ nữ, Hội Nhà văn, các trường phổ thông… đã động viên, khuyến khích các cháu, các em viết báo tường. Ông Trần Đăng Khoa là một ví dụ điển hình cho phong trào văn học thiếu nhi Việt Nam, tôi có ông bạn là Nguyễn Xuân Khang, vốn là tay báo tường cự phách, nay làm Hiệu trưởng Trường Liên cấp lừng danh vẫn động viên các cháu học trò vừa học vừa sáng tác. Các cháu ở trường ông Khang viết cho nhau đọc, nếu tuyển mà in ra, có lẽ các nhà “sáng tác chuyên nghiệp” cũng giật mình.

- Cứ như ông nói, thì văn học thiếu nhi Việt Nam ngày nay nếu thiếu đi yếu tố phong trào vận động thì gay quá ư?

- Đúng vậy. Văn học thiếu nhi rất cần được đặt trong một quá trình tuyên truyền - vận động, tổ chức với sự phối hợp của nhà trường và cả xã hội thì mới có nền tảng trực tiếp, từ đó mới xuất hiện các nhà thơ nhà văn có thành tựu được. Rất may là hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam đang xốc lại phong trào này bằng các cách như mở Trại Sáng tác, tái lập Hội đồng, xét duyệt tác phẩm hay để trao giải văn học thiếu nhi…

- Trong tập chuyên khảo này ông có đưa ra một số ý mới chứ?

- Vâng, rất hào hứng, rất hồi hộp và băn khoăn khi viết đi viết lại các ý mới này.

Ví dụ: Lâu nay các nhà nghiên cứu văn chương của ta nói đến văn học thiếu nhi Việt Nam, là hầu như chỉ cho rằng bộ phận văn chương - văn học này có từ 1945, hoặc trước đó, là từ 1930; các vị này cũng thường giới thiệu và bình luận văn học thiếu nhi Việt Nam ở miền Bắc Tổ quốc ta. Tôi có bổ sung thêm rằng: VHTN VN có từ thời thượng cổ, qua cả thời phong kiến tự chủ, thời Pháp thuộc cho đến nay… và muốn khẳng định: Văn chương khác (của người lớn, cho người lớn) thì có thời đối kháng - tất nhiên; nhưng văn chương cho thiếu nhi, suốt cả nghìn năm nay, nhất là ngay giữa thế kỉ XX cũng không đối kháng, mà đều gieo mầm yêu thương anh em bè bạn, làng quê phố thị… mà nuôi dưỡng nguyện ước và ý chí tự cường, hòa hợp dân tộc.

- Tại sao vậy, thưa ông?

- Qua khảo sát và phân tích, tổng hợp thực tiễn phát triển VHTN VN thì cho phép nhà nghiên cứu viết được như vậy. Và cũng vì căn nguyên này nữa: Xưa nay, các tác giả VHTN nước ta khi đặt bút viết cho con trẻ, đều rất tự nhiên, đã dồn cả tâm hồn sáng trong cho con cháu của mình, từ khối tình cao cả ấy, họ có thêm sự minh tường, sự sâu sắc với ý tứ sâu xa để hạ bút nữa.

- Ông có thể nói rõ hơn không? Ví như: nhân vật trung tâm trong văn học thiếu nhi Việt Nam như thế nào? Chúng ta đều biết rằng nhân vật trung tâm, hình tượng trung tâm của sáng tác văn học là chuyện có vẻ dễ thấy nhưng lại khó bàn. Có phải là một dòng văn học nào đó, phải phát triển đến mức nào đó với sự ra đời của những tác phẩm, tác giả lớn thì mới xuất hiện nhân vật trung tâm?

- Cảm ơn chị đã dẫn gợi.

Theo tìm hiểu của tôi, thì trải qua cả ngàn năm ra đời và phát triển, dần dần, VHTN VN ta đã xây dựng được ba kiểu/ dạng nhân vật chính là: người hồn nhiên, thơ ngây, cả tin - người để/ được gửi gắm ý tưởng, khát vọng - người trẻ mà có tốt chất anh hùng. Ba kiểu/ dạng nhân vật chính này vừa có sự đan cài, đồng hiện.

- Nhân vật thiếu nhi có tính chân thực lịch sử ra sao?

- Có chứ. Thánh Gióng, hai anh em nhà kia trong truyện Cây khế, Thạch Sanh và Lý Thông, rồi Tân và Lang trong truyện Trầu Cau… đều có tính chân thực lịch sử theo cách riêng của VHTN. Nghiên cứu các khúc hát đồng dao của trẻ, ta cũng thấy như vậy.

Thời xưa, nhân vật của VHTN thường có tính biểu trưng, ẩn dụ và siêu thực, từ truyện Người thiếu phụ ở Nam Xương, với nhân vật chú bé Đản, thì sự chân thực ở phần oái oăm của cuộc đời đã xen vào, Đản ngây thơ thật thà (như đời) rồi thành nạn nhân rồi! Cuối thế kỉ XIX, trẻ em trong thơ Cụ Đồ Chiểu “bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy”, cũng là nạn nhân của một hoàn cảnh khác… Đến cuối thế kỉ XX, nhân vật trẻ em trong VHTN nước ta mới thực hơn, đa dạng hơn. Có nhân vật đã trở thành biểu tượng của cả dân tộc, từ trang văn thơ, các em bước thẳng vào đời thường, thành bạn bầu thân mến, được yêu quý tôn vinh.

- Gần đây nhiều người kêu là VHTN chưa hay lắm, thậm chí là nhạt… nhưng nghe ông nói thì không hẳn là thế?

- Thói quen và cảm quan thiếu đồng nhất thì nhận xét khác nhau là bình thường thôi. Nhưng nhà nghiên cứu thì phải kỹ lưỡng mới mong nói/ viết được một cái gì cho phải. Nếu có thì giờ, tôi đề nghị ta hãy đọc thêm thơ văn của một số vị như Vương Trọng, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Nhật Ánh, Phong Điệp, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Toàn Diện, Bảo Ngọc… và thơ của một số tác giả trẻ nữa, ta sẽ thấy là không nhạt đâu. Thơ văn của mấy nhà này đã có phong vị và giọng điệu khác nhiên tươi mởn của tuổi thiếu thời, mà cũng trầm tư cả nghĩ nữa. Ấy là chưa kể đến những tác giả sớm thành danh với VHTN gần đây như Nguyễn Ngọc Thuần…

- Có người cho rằng một số thành công của VHTN nước ta có thể đại diện cho cả nền văn học đương đại, ông có thấy như vậy không?

- Có, nhưng chưa có tỉ lệ cao. Mong là sau thành công, các tác giả trẻ này tiếp tục sáng tác nữa.

VHTN là ánh xạ đời sống của trẻ thơ và của cả cha mẹ, ông bà các cháu. Đời đang tấp nập nhiều dòng lắm nỗi hơn, thì văn chương cũng vừa “theo đời”, vừa “đi trước” một chút đấy… Đã có vẻ trầm tư trước tuổi bên cạnh cái rộn ràng tươi trẻ vốn có trong VHTN ta những ngày này rồi.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm