- Lý luận - Phê bình
- Trong “Thời nắng xanh…” của Trương Nam Hương
Trong “Thời nắng xanh…” của Trương Nam Hương
CHÂU HỒNG THỦY(*)
Bạn có thấy điều gì đặc biệt khi nhìn ảnh chân dung Trương Nam Hương, cũng như khi Hương chụp ảnh chung cùng bè bạn? Ấn tượng nhất trong tôi là đôi môi của Hương luôn nở nụ cười - nụ cười hiền, tự nhiên, trong trẻo. Dù đứng giữa, hay đứng cạnh, nụ cười của Hương như tỏa sáng cho toàn bức ảnh. Cho đến khi gặp Hương ở ngoài đời thực, dẫu lúc ấy Hương không còn trẻ nữa, tôi thấy nụ cười anh vẫn tươi tắn, hiền hậu trẻ trung như thưở đôi mươi.
Đọc thơ Trương Nam Hương đã từ lâu, thỉnh thoảng tôi lại được bạn học cùng lớp là nhà thơ Vũ Xuân Hương kể về người bạn, người em thân thiết cùng tên với anh. Tại Đại hội Nhà văn lần thứ X (tháng 11 năm 2020) ở Hà Nội, Vũ Xuân Hương dẫn tôi đến gặp Trương Nam Hương và nhà thơ Bùi Phan Thảo từ Sài Gòn ra. Ngay lần đầu tiên tiếp xúc, đã thấy cả hai bạn đều hiền hậu, dễ gần, chúng tôi trò chuyện với nhau cởi mở như những người thân lâu ngày gặp lại. Ở Trương Nam Hương luôn toát lên vẻ mềm mỏng, nhẹ nhàng thanh lịch, làm tôi chợt nhớ đến câu thơ Hương viết về vùng Kinh Bắc quê ngoại của anh:“Vẻ thanh thoát nét hào hoa của trúc/ Cũng nói lên cốt cách của làng”. Đọc hết tập thơ “Thời nắng xanh và những bài thơ khác” mà Trương Nam Hương vừa gửi tặng, tôi thấy con người ngoài đời và con người trong thơ Hương như là một hệ quả tất yếu: Người thế nào, thơ thế ấy. Nhân vật trữ tình trong thơ Trương Nam Hương nhìn đời nhân hậu và trong sáng, dẫu có nỗi buồn, niềm ưu tư, nỗi xót xa thì vẫn thể hiện một tâm hồn thánh thiện. Ví như khi viết về nỗi đau mất mát trong chiến tranh, anh vẫn thiên về cảm thông, chia sẻ: “Chiến tranh ủ máu trong lòng đất/ Mẹ bới tìm con dọc cánh rừng/ Xin hóa gió ngồi lau mắt mẹ/ Chết là tỉnh thức! Vẫn rưng rưng” (Tỉnh thức)
“Thời nắng xanh và những bài thơ khác” là tập thơ do Trương Nam Hương tự chọn một số bài tiêu biểu đã in ở các tập trước, cùng những bài thơ mới viết gần đây. Trừ hai bài “Thời nắng xanh” và “Miền em” tương đối dài, còn lại trong tập đa phần là những bài thơ ngắn, ngắn nhất là thơ 4 câu (có tới 46 bài). Thơ anh kiệm lời, hình ảnh cô đọng, nhiều bài có cảm tưởng như những bức tranh màu trên lụa, hoặc như tranh thủy mặc. Đã có bao người làm thơ về sông Kỳ Cùng, nhưng Trương Nam Hương với con mắt nhìn tinh tế, đã vẽ lên trong thơ một bức tranh thật độc đáo của riêng mình:“Tưởng đây đã Kỳ Cùng nơi cuối đất/ Gặp dòng sông dắt núi lên trời/ Gió hào phóng những rừng hồi Đông Bắc/ Cô gái Nùng gùi mây núi về xuôi” (Nhớ Kỳ Cùng). Ta gặp một lão ông giữa buổi chiều Đông trong thơ anh, ngỡ như từ cổ xưa hiện về trầm mặc:“Chiếc gậy chống vào năm tháng/ Dìu tuổi già qua mùa Đông/ Tóc ông đánh lừa mây trắng/ Màu chiều cổ tích rêu phong/… Lá đằng sau lơ đễnh rớt/ Lưng ông bóng nắng đổ dài”. Ông lão đang tìm về quá khứ, và chính bản thân ông đã thuộc về quá khứ:“Và thể môi ông lẩm bẩm/ Gọi tên một người ông yêu/ Khi tay quờ trong hụt hẫng/ Lão ông hóa thạch giữa chiều” (Lão ông Văn Miếu). Lên miền đất thiêng Yên Tử, nhiều người đã làm thơ ca ngợi, nhưng chỉ có Trương Nam Hương càng lên cao càng cảm nhận được cái vô hình của thời gian và cái hữu hình của không gian, “mỏng” hơn, “mờ” hơn, cái hữu thanh (tiếng chuông) “rõ” hơn: “Ngày mỏng mờ hơn chuông rõ hơn/ Trúc vin nghìn bậc đá rêu mòn”. Anh tìm ra được hình ảnh so sánh không thể nào đẹp hơn, đắc địa hơn để vẽ lên một vùng đất, cả núi non, cả cỏ cây cùng hướng tới sự thiêng liêng cao cả của cõi Phật, của vũ trụ: “Núi khom khom vái mây dâng lễ/ Tùng thắp xanh trời vạn nén thơm” (Lên Yên Tử). Thơ tứ tuyệt là một trong những thế mạnh của Trương Nam Hương, mà “Lên Yên Tử” là bài thơ hay nhất.
“Thời nắng xanh và những bài thơ khác” là tập thơ hướng về nguồn cội, là những lát cắt của ký ức. Bao trùm tập thơ là hình ảnh quê hương, là ký ức tuổi thơ và tình yêu. Trong đời mỗi con người, những dấu ấn tuổi thơ ảnh hưởng rất lớn tới tâm hồn, tính cách, số phận cả cuộc đời sau này của họ. Có lẽ vì thế quê hương và tuổi thơ góp phần làm nên những bài thơ hay của Trương Nam Hương.
Thời nắng xanh là thời của tuổi thơ nhìn đời thơ ngây, trong trẻo: “Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu”. Tuổi thơ trong ký ức là những hình ảnh thật cụ thể, sâu đậm. Đó là một vùng quê có “những đầm chũm ao chuôm” cùng bạn bè ngụp lặn trưa hè, có bờ đê “cỏ may giăng vấp víu gấu quần” (Hồi tưởng), có “rau má rau sam…vào bát canh ngọt mát/ Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình” (Thời nắng xanh). Đó là Hà Nội với “Những mái ngói âm dương/ Những mảng tường rêu phong trượt lở/…Những cây sấu đã thành cổ thụ/…Tiếng leng keng tàu điện mơ hồ/ Chén nước chè xuýt xoa ngày rét… Ngọn đèn vàng ủng phố khuya…”(Nhớ xanh), Hà Nội với“Sương cong mái phố, khói nghiêng mặt hồ”, có “Hè phố Khâm Thiên vị bàng chát mãi”.
Gắn với quê hương, với tuổi thơ là hình ảnh của bà ngoại, của mẹ cha, những nhân vật trung tâm, linh hồn của cả thời nắng xanh. Miếng cau, lá trầu, những thứ rất bình thường trong đời sống sinh hoạt của bà ngoại, trong con mắt trẻ thơ hóa thành chiếc thuyền cổ tích: “Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/ Chở sớm chiều tóm tém/ Hoàng hôn đọng trên môi bà quạch thẫm/ Nắng xiên khoai qua vách liếp không cài…” Gia tài của bà ngoại là cháu con, nhưng gia tài của ngoại cũng là những vật dụng của một thời nghèo đói:“Là chảo nồi chum vại lọ và chai/ Là mắm muối tương cà gạo đỗ. Là mụn vải vá viu ngày thương khó”. Đói nghèo là hoàn cảnh chung của nhiều thế hệ ở một đất nước có chiến tranh: “Tủi thân khói bếp ngày xưa/ Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông/ Tiếng reo củi ướt đỡ buồn/ Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh giầy” (Khói bếp xưa). Nhưng tuổi thơ không chỉ có đói nghèo, mà còn có những giây phút hạnh phúc thần tiên, dẫu đơn sơ bé nhỏ, vẫn chắp cánh cho tâm hồn nhà thơ tương lai:“Tuổi thơ tôi thơm thao bùn đất/ Rặng duối cho không quả duối hươm vàng/Tôi ngửa mặt nhìn trời đêm thổn thức/Thấy bóng người đã khuất đặc như sao/ Con đom đóm nháy điều gì bí mật/ Cứ đêm đêm xanh nhói phía bên rào” (Thời nắng xanh). Đọc thơ Hương, thế hệ chúng tôi thấy tuổi thơ mình trong đó..
Trong thơ, Trương Nam Hương hay nhắc đến hình ảnh con mèo (Quý Mão là tuổi của Hương) nằm trong bếp trấu. Đó là một hình ảnh dễ thương, biểu hiện của sự bình yên, của sự tựa nương, tin cậy. Bà ngoại chính là bếp ấm bao bọc tuổi thơ:“Tôi như thể chú mèo dim dím mắt/ Trong lòng bà tro trấu thật bình yên/ Mây ngơ ngóng dưới vòm trời cổ tích/ Dưới vòm trời tóc ngoại - một bà tiên…” (Thời nắng xanh). Con “mèo” ấy khi trưởng thành, thì lại lấy tình yêu lứa đôi làm trấu bếp sưởi ấm cho cả cuộc đời mình: “Mẹ cho anh tuổi… Mèo tam thể/ Thả bóng ban trưa, bắt bóng chiều/ Câu thơ đêm thức, ngày thiu ngủ/ Thích vùi trấu bếp của tình yêu” (Tự họa)
Hương dành nhiều bài thơ viết về các bậc sinh thành của mình trong hồi tưởng, khi mà “Mẹ hóa mưa phùn, cha hóa gió” (Câu hát ấy). Tình yêu ấy gắn liền với những hình ảnh về Kinh Bắc (quê mẹ), về Huế (quê cha) và Hà Nội (nơi tuổi thơ gắn bó), và sau này từ phương Nam nắng gió, nhiều lần anh trở lại tìm dấu vết của tuổi thơ, nhưng theo tôi, những bài thơ anh viết về Kinh Bắc, đặc biệt là Hà Nội, là những bài thơ hay hơn cả. Sông Cầu, sông Thương và Quan họ, sông Hồng và sông Hương xuất hiện đậm trong thơ anh. Làm nên hình hài đứa trẻ, làm nên một nhà thơ Trương Nam Hương không chỉ có tình yêu của cha và mẹ, mà còn là kết tinh của trời đất, của sông núi quê hương:“Trăng thắp nến đợi ngày sông trở dạ/ Con chào đời cùng lúc với phù sa/ Con nhận nước sông Hồng làm máu đỏ/ Cát ôm con từ hơi mẹ ấp òa/ Con mượn cỏ bờ đê làm chỏm tóc/ Mắc vành nôi lên dợn sóng la đà/ Khi bập bẹ âm đầu, con gọi mẹ/ Chạm mảng trời run biếc của bèo hoa/ Mẹ nuông ấm đời con bằng Quan họ/ Thưở trúc xinh gọi chú ớt ơi à…” (Nhớ sông Mẹ). Còn đây là dòng sông quê Cha, một nửa dòng máu và tâm hồn của nhà thơ:“Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca/ Con từ xa Huế sinh ra/ Nắng mưa thấm tiếng oa oa đầu đời/ Cha dòng sông nhớ con bơi/ Đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ/… Hồn cha giờ hóa con đò/ Mênh mang đẩy cả giấc mơ - suối nguồn/ Con cùng tên với dòng Hương/ Thơ con trắc ẩn cánh buồm cha ơi” (Lời thưa). Thơ anh thường không miêu tả cụ thể hình ảnh cha mẹ, mà chỉ đi sâu vào miêu tả nỗi đau mất mát trong tâm hồn:“Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ/ Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn/ Khói thắt se vòng lo mẹ nặng/ Cõi về cong vít cả thân nhang” (Mẹ), hoặc nỗi buồn trống vắng không thể nào bù đắp:“Tết này nhà lại vắng cha/ Thuốc không thơm nữa ấm trà bớt ngon… Rưng rưng tàn thuốc quặn vòng/ Thương cha khói cũng nặng lòng không bay” (Dâng cha).
Tình yêu dành cho quê hương, cho bà ngoại, cho mẹ cha gắn với tuổi thơ, và tình yêu ấy còn theo suốt cuộc đời tác giả, dung lượng chiếm đến nửa tập thơ này. Tình yêu lứa đôi trong thơ Hương cũng chiếm dung lượng không kém. Nó không chỉ ở những bài thơ trực tiếp nói tới quan hệ giữa anh và em, mà còn hiện diện cả ở những bài thơ viết về cảnh sắc thiên nhiên, khi nói về một ngọn gió mùa, về một bông hoa, một buổi ban mai cà phê với bạn bè, với con gái, trong trường liên tưởng và suy tưởng, liên hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thơ Trương Nam Hương tài hoa, nhẹ nhàng, tinh tế, có nhiều bài đọc lên nghe dịu êm, như một chiếc lá lặng lẽ rơi, như một thoáng hơi thu man mác, giống như “hơi thở nhẹ” (tôi mượn tên một truyện ngắn của Bu nhin - nhà văn Nga, để nói về thơ Hương). Đó là những mối tình tuổi học trò giờ chỉ còn là niềm tiếc nuối bâng khuâng:“Em không đến trường mùa Thu năm ấy/ Em không đến trường mùa Thu năm sau/ Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa/ Theo mùa Thu tiếc nuối chảy qua cầu…” (Xa lắc mùa Thu). Mối tình thuở đầu đời lãng mạn, ào ạt, say mê dâng hiến, mà không biết có được đền đáp hay không:“Dành cả đấy cho em - dành cả đấy/ Anh gom mây ngũ sắc bọc thơ tình…. Dành cả đấy cho em - dành cả đấy/ Nguyên cơn mưa không thiếu hạt nào… Dành cả đấy cho em - dành cả đấy/ Mượn thời gian hăm mốt tuổi, anh đền… Ai bảo nhớ, bảo dành cho em hết/ Anh tìm em mắt cứ nhóng lên trời/ Câu thơ viết tan vào mây ngũ sắc/ Cuối sân trường vô vọng xác ve rơi” (Sau lưng mùa hạ cũ).
Tình yêu có nhiều cung bậc, có nỗi nhớ nhung trong xa cách:“Cà phê khuấy mãi chưa tan nhớ/ Muỗng gõ thành ly đã đắng môi” (Mùa gọi), có lúc lại gần gặn trong một vòng tay ôm chặt. Hình ảnh cô gái đang đến nơi hò hẹn, trong con mắt của người đang yêu thật đẹp: “Em lặng đến cuối cơn mưa bất chợt/ Lộng lẫy sau lưng bảy sắc cầu vồng/ Những giọt trong veo mở lòng mùa Hạ/ Gió thiên đường cuồng dại dưới môi cong” (Cuối cơn mưa). Nụ hôn say đắm của hai kẻ đang yêu khiến đất với trời cũng rạo rực muốn cùng nhau giao cảm: “Giữa phông sóng, voan sương và cát biển/ Anh cúi hôn em ở thế trăng quỳ/ Em nở lên anh đóa sen hây múa/ Đất với trời cuống quýt khỏa xiêm y” (Trăng biển). Trong thơ tình yêu của anh có những hình ảnh gợi sex, có lúc được miêu tả một cách kín đáo, ước lệ:“Mơ chiếc cúc chiều xưa lỡ rơi/ Tôi nhặt trả em năm mười bảy tuổi/ Một mắt tôi nhắm bối rối ngấn trời/ Một mắt ngây mở ngày tròn hai mươi” (Chuyện ở công viên). Bài thơ của Hương gợi cho tôi nhớ tới bài thơ “Tan vỡ” của Dư Thị Hoàn cũng về chiếc cúc áo:“…Tất cả sẽ qua đi/ Chúng mình sẽ thành chồng thành vợ/ Nếu không có một lần/ Sau những phút êm đềm trên ghế đá/ Anh quên không cài khuy áo ngực cho em” (Dư Thị Hoàn, tập thơ Lối nhỏ, 1988). Nhưng cũng có lúc tình yêu được miêu tả thật ngây ngất với vẻ đẹp phồn thực: “Một gò trăng viên mãn giữa tay anh/ Tình yêu dẫu trăm năm còn thiếu nữ/ Cỏ đêm nay trăng mật với con người… Ba mươi tuổi thơ anh òa giọt khóc/ Lúc hôn lên trinh bạch ngực trăng rằm” (Trăng mật). Vẻ phồn thực này thật thánh thiện. Viết về cuộc tình Chí Phèo - Thị Nở bên bờ sông Châu Giang, anh có câu thơ tuyệt hay: “Gió đầm đìa hớp thở/ Lá chuối vườn giãy yêu” (Trăng Thị Nở). Có tình yêu, con người mới hoàn thiện chính mình, như Chúa sinh ra A đam và E va để thành một thể thống nhất: “Anh chắc từ em anh mới anh/ Mẹ sinh em trước để anh thành/ Nếu không em nữa sông lơ lạc/ Biển nhắc Thu về giọt máu xanh…”(Khúc em). Thiên nhiên và Tình yêu là nơi nương tựa của nhà thơ. Đại diện của thiên nhiên là Cỏ, và Em là tình yêu của anh: “Hai chỗ ngả đầu yên ả nhất/ Cỏ với vai em những lúc buồn” (Cỏ và em). Rất nhiều lần Trương Nam Hương nhắc tới cỏ trong các bài “Hồi tưởng, Trăng mật, Lỗi hẹn với sông Cầu, Thoáng nghĩ về cỏ, Góc cỏ…”. Cỏ trong thơ Hương mặc kệ sự biến đổi của đất trời, sự thay đổi của lòng người, cỏ sống vẫn đời cỏ, cỏ thản nhiên xanh, cỏ chứa đựng và bao dung tất cả…
Hai bài thơ Hương nói với con, là hai bài thơ cực hay về tình yêu. Hương viết trong tâm thế ngược về quá khứ, soi mình trong hạnh phúc tình yêu của các con trong hiện tại và tương lai. Ngày “nhà mình” xuất hiện chàng trai “cầm mười bảy bông hoa ngát thơm” đi tới, với con gái Mai Hạ là một bầu trời mới mẻ, với người cha là ký ức đẹp hiện về:“Sao giống màu hoa xưa cha tặng mẹ/ Mây cũng thế, cả màu trời cũng thế/ Lại vô cùng mới mẻ lúc con yêu!” (Sẽ có một ngày). Khi con gái Thiên Thanh mời cha và bạn trai ngồi cà phê buổi sáng (như để ra mắt) thì:“Ba gặp mẹ trong con ngày rất trẻ/ Hoa cúc ơi hoa cúc dịu dàng/ Tay con khuấy hương cà phê ngát nhẹ/ Ba lặng ngồi nghe ký ức ngân vang… Ba mươi năm sau/ Lại có một chàng trai mang lòng ba sớm ấy/ Đặt những câu thơ lên môi/ Đặt cả đất trời lên ngực/ Hoa cúc ơi hoa cúc thật vàng/ Khi mắt lá xanh đầm mắt lá/ Nắng khẽ dìu cho những ngón tay đan” (Cà phê ban mai).
Một mảng thơ rất ấn tượng trong thơ Trương Nam Hương là những bài thơ viết về các tác giả và các nhân vật văn học, cũng xoay quanh chủ đề tình yêu: yêu dân, yêu nước, yêu tự do, và tình yêu đôi lứa. Với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Sơn Nam, bằng những bài thơ 4 câu, Trương Nam Hương tóm tắt được thần thái chân dung của từng tác giả, mà “Nỗi niềm Nguyễn Du” là bài thơ tiêu biểu: “Từ hội Đạp Thanh đến Tiền Đường nước mắt/ Hai trăm năm sóng cỏ cuốn xanh về/ Không vớt nổi Thúy Kiều qua mực bút/ Nguyễn Du buồn sợi tóc nhớm hoa lê!” (Nỗi niềm Nguyễn Du). Hình ảnh “sóng cỏ cuốn xanh về”, “sợi tóc nhớm hoa lê” như tóm được thần thái của Truyện Kiều và tấm lòng thương yêu cao cả nhưng bất lực trước thời cuộc của Nguyễn Du.
Với các nhân vật Thị Mầu, Thúy Kiều, Thúy Vân, Chí Phèo, Thị Nở, thì hai bài thơ về Thị Mầu và Thúy Vân thành công hơn cả. Tác giả thay mặt Thị Mầu giãi bày tâm tư, khát vọng được yêu của nàng (thứ bị cấm kỵ trong xã hội cũ). Vì khát vọng tình yêu mà Thị Mầu gây nên bi kịch cho Thị Kính và bi kịch của chính mình: “Đời em nào dám mong gì/ Cầu xin lòng chị nhu mì thứ tha/ Chị em mình phận đàn bà/ Cỏ dù cao thấp vẫn là cỏ thôi/ Đừng buồn em, Thị Kính ơi/ Nỗi oan của chị có đời hiểu cho/ Tên em bồ hóng cửa chùa/ Gỡ tai tiếng mãi đến giờ chưa bong” (Ưu tư Thị Mầu). Còn đây là nhân vật Thúy Vân, trong sự so sánh với Thúy Kiều. Thúy Vân lấy Kim Trọng không vì tình yêu, khao khát được một lần được yêu như chị:“Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim…Là em nghĩ vậy thôi Kiều/ Sánh sao đời chị ba chiều bão giông/ Con đò đời chị về không/ Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường/ Chị nhiều hờn giận yêu thương/ Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò/ Em chưa được thế bao giờ… Giấu đầy đêm nỗi khát khao/ Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu” (Tâm sự nàng Thúy Vân).
Con mắt của Trương Nam Hương nhìn sự vật luôn có những phát hiện mới mẻ, những phát hiện ấy lại được diễn đạt thật độc đáo theo cách riêng chỉ có ở Hương. Nhìn người đàn bà ngồi đan lưới, tác giả không chỉ nhìn thấy cuộc sống lao động vất vả, mà còn nhìn thấy ở họ những giấc mơ, niềm tin cao cả, diễn tả bằng những hình ảnh rất “biển”: “Người đàn bà ngồi đan lưới/ Biển căng giấc mơ mặn đầy/ Hy vọng chưa lần thôi quẫy/ Trong từng lớp sóng gân tay” (Gân sóng). Nhìn những bông cúc họa mi Hà Nội trên bình hoa ở Sài Gòn, với người bình thường chỉ thấy đơn giản là hoa đẹp, thì nhà thơ lại thấy cả những làn gió heo may đất Bắc trong ký ức thổi qua hồn mình: “Dịu từng cánh trắng mong manh/ Có em nắng phố hóa thành heo may…Bồi hồi ơi cúc họa mi/ Bên em, anh gọi một ly gió mùa”. Khi từng trải, anh có những đúc kết về tình yêu thật hóm hỉnh: “Tình người lắm lúc cũng hay/ Đầu tiên ở mắt mai này ở lưng/ Bàn dửng dưng ghế dửng dưng/ Hai dửng dưng ấy đã từng yêu nhau”(Tình buồn).
Trong thơ Hương đôi lúc có nụ cười tủm tỉm, có chút hài hước, rộng lượng chứ không cay nghiệt trước thực trạng xã hội: “Quán vườn mỗi rượu và nem/ Cũng khăn ướp lạnh cũng em cực kỳ/ Váy người ngắn đến mê ly/ Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài/ Áo sương cúc gió lơi cài/ Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm…” (Viết ở Nghi Tàm). Mặc kệ người đời bon chen tranh nhau danh lợi, nhà thơ không phê phán theo thói thường, mà xử sự như một người đạo sĩ tránh xa nơi trần tục: “Lúc người đánh bóng tuổi tên/ Anh đi tìm hộp xi đen… đánh giầy” (Không đề).
Thơ Trương Nam Hương hay đều cả ở thơ lục bát lẫn thơ tự do. Hương không cách tân hình thức thơ mà thơ Hương vẫn cứ mới mẻ. (Một vài bài thơ với những khổ thơ ba câu, với cách gieo vần khác lạ cố ý thể hiện manh nha ý định cách tân của tác giả, nhưng chưa thật thành công, khiến Hương lại quay về với truyền thống).
Thơ truyền thống, tức thơ Lục bát - gia tài của cha ông từ xưa truyền lại, và những thể thơ mới định hình từ phong trào Thơ Mới (1932-1945), ai muốn giãy giụa cách tân, đổi mới cũng vẫn chỉ trong cái vòng cương tỏa Thơ Mới. Hoàn cảnh xã hội, điều kiện thời đại chưa tạo ra những tiền đề cho một cuộc cách mạng của Thi ca Việt Nam hiện nay. Tôi nhớ, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh đã kỳ công tìm hiểu nền Thơ Việt Nam, tìm ra được chu kỳ cứ mỗi 125 năm, thơ ca mới tạo ra được sự đổi thay. Chúng ta hiện vẫn năm trong chu kỳ của phong trào Thơ Mới.
Cái mới trong thơ Hương, chính là cái mới ở tâm hồn, trong cách cảm cách nghĩ, cách diễn diễn tả hình ảnh, cách sử dụng câu chữ của riêng mình. Thơ Hương đằm thắm và nhuần nhuyễn trong tứ thơ, lời thơ và trong từng câu chữ, vần điệu. Đọng lại trong tôi là thơ Hương tràn đầy yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Khi viết những dòng cuối về tập thơ của Hương, tôi lại rưng rưng cùng những câu thơ anh gửi cho bạn mình là nhà thơ Vũ Xuân Hương đang đơn độc giữa rừng Nga: “Hãy về thôi Hương ơi/ Con thú buồn lơ lạc/ Ném vốc tuyết lên trời/ Xin chớ lầm với cát/ Chiều hoang mang bạn khóc/ Gọi tên con giữa rừng/ Cách nửa vòng trái đất/ Ta bên này rưng rưng” (Gửi rừng Nga). Ngỡ như Hương cũng gửi cho cả tôi, bởi nỗi cô đơn của Vũ Xuân Hương cũng là của tôi nơi đất khách quê người. Đã lâu, tôi ít đọc thơ ca Việt đương đại. Nhưng “Thời nắng xanh và những bài thơ khác” của Trương Nam Hương đã đem lại cho tôi niềm tin với thi ca.
Viết trong những ngày về quê tránh dịch Covid
Lý Nhân, Hà Nam 4/4 – 15/4 -2022
Nguồn: Chuyên đề Viết & Đọc số Mùa Thu 2022.
(*) Nhà thơ Châu Hồng Thủy (ảnh đầu bài) sinh sống và làm việc tại LB Nga từ năm 1990.