- Góc nhìn văn học
- Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
1. Đặt vấn đề Công tác sưu tầm và in ấn các tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nói chung đã được các nhà Nho thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII với các sưu tập bằng chữ Nôm, chữ Hán. Sang đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thì các sưu tập văn học dân gian được phát hành phổ biến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong giai đoạn này phần lớn vẫn là các sưu tập miền Bắc hay ở một số tỉnh thành miền Trung, ở Nam Bộ việc sưu tầm và phổ biến văn học dân gian dưới dạng các tuyển tập in ấn vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức, do vậy không gian nghiên cứu văn học dân gian vùng miền cũng đồng thời bị bỏ ngỏ. Từ sau năm 1945 tình hình sưu tầm văn học dân gian Nam Bộ cũng đã có nhiều khởi sắc, các nhóm sưu tầm và nghiên cứu lần lượt công bố trữ lượng văn học dân gian của cả vùng Nam Bộ nói chung hay từng địa bàn tỉnh nói riêng. Đồng thời những đợt điền dã sưu tầm có quy mô lớn, được tổ chức với số lượng thành viên tham gia có năm lên đến 200 người đã diễn ra rất mạnh mẽ ở Nam Bộ trong hơn hai mươi năm trở lại đây. Văn học dân gian của các tỉnh thành Nam Bộ đã được sưu tầm trên diện rộng và đã có những kết quả đáng kể là các bộ sách văn học dân gian của địa phương được chọn lọc, chỉnh lý, phân loại và sắp xếp tỉ mỉ theo từng thể loại tiêu biểu, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa dân gian vùng miền. Tuy nhiên hầu hết các tuyển tập đã công bố đều được sưu tầm ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, mảng văn học dân gian miền Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai vẫn còn là một địa hạt mênh mông đang chờ khai thác. 2. Diện mạo văn học dân gian người Việt ở Nam Bộ sau 1945 Sớm nhất có thể kể đến bộ sách Hương hoa đất nước - những câu hát cũ của Nguyễn Trọng Toàn do NXB Dân Chủ Sài Gòn phát hành năm 1949, sau đó NXB Bốn Phương in lại vào năm 1956, gần đây nhất là bản in của NXB Trẻ vào năm 2017 có bổ sung thêm những lời ca dao được Trọng Toàn ghi chép cẩn thận trong từng thẻ tư liệu mà gia đình ông lưu giữ được. Cũng trong năm 1949, Nguyễn Trọng Lực cho công bố công trình Tiếng nói của đồng ruộng (hay là nghề nông Việt Nam qua ca dao, tục ngữ), do NXB Vĩnh Bảo ở Sài Gòn phát hành, đây là một sưu tập gồm những câu tục ngữ ca dao truyền lại kinh nghiệm của dân gian về nông nghiệp và những hoạt động lao động sản xuất ở đồng quê nói chung. Năm 1961 NXB Khai Trí, Sài Gòn xuất bản cuốn Phong tục miền Nam qua mấy vần ca dao của Ðào Văn Hội. Trong phụ lục sưu tập của cuốn sách, nhà biên soạn chia ra từng nhóm các câu ca dao theo chủ đề như tả cảnh, tu thân, tình gia tộc, phong tục thôn quê, ngoài xã hội, những câu hát vặt. Sau đó một năm, vào 1962 thêm một công trình sưu tập và khảo cứu về ca dao miền Nam được xuất bản, đó là cuốn Hoa đồng cỏ nội (biên khảo về thi ca truyền miệng) của Minh Hương do NXB Hàn Thuyên phát hành. Phần sưu tập trong cuốn sách gồm cả 1000 lời ca dao, trong đó có những lời đã được hát lên theo các làn điệu dân ca khác nhau được nhà biên soạn chia thành các nhóm chủ đề khác nhau. TS. La Mai Thi Gia đọc bài tham luận Năm 1964 NXB Á Châu phát hành cuốn Ca dao giảng luận của Thuần Phong với phần tổng quan rất kỳ công về khái niệm, phân loại, thi pháp, đặc điểm nội dung và nghệ thuật của ca dao cùng việc gọi tên và phân biệt các làn điệu dân ca khác nhau như lý, hò, hát, trống quân, đò đưa, ru em… Ông nhận định “ca dao là một phương tiện tuyên truyền, một thể thức liên lạc vượt qua tất cả đèo ải, núi sông, qua suốt cả thời gian, triều đại. Trải qua tất cả chướng ngại vật chất và vô hình, ca dao sát theo gót “Nam tiến" và có khi tung bay ra hải ngoại lân bang". Đến năm 1969, NXB Sáng Tạo Sài Gòn phát hành bộ Tuyển tập văn chương nhi đồng, trong đó có quyển một là Ca dao nhi đồng do Doãn Quốc Sĩ chịu trách nhiệm biên soạn. Tuy nhiên các bài ca dao mà Doãn Quốc Sỹ tập hợp đưa vào trong sách này theo chúng tôi thuộc rất nhiều thể loại văn học dân gian theo các khái niệm và cách phân chia của các nhà nghiên cứu văn học dân gian hiện nay. Đó là các bài vè về thổ sản ở Nam Bộ như cây trái, chim muông, tôm cá, các con vật; hay là những bài đồng dao kèm theo cách thể thức vui chơi của trẻ khi hát lên. Bên cạnh đó còn nhiều lời ca dao thuộc các làn điệu dân ca khác như hò, hát ru, lý. Một nhóm lớn những lời ca dao là các bài thơ giáo huấn của người xưa dùng để dạy con trẻ, học trò… Đến năm 1974, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu hoàn thành bản thảo cho công trình Văn học miền Nam lục tỉnh, tuy nhiên đến năm 2012, con trai ông là kỹ sư Nguyễn Bạch Trúc mới kết hợp cùng NXB Trẻ cho xuất bản bộ sách này thành ba tập Miền Nam và văn học dân gian địa phương; Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới; Văn học Hán Nôm thời kháng Pháp và thuộc Pháp. Tập một của cuốn sách ghi nhận những đóng góp công phu của ông trong việc sưu tập và khảo cứu văn học dân gian Nam Bộ, trong đó đa số là thể loại ca dao, hò vè, thơ rơi, truyện thơ. Đến năm 2014, NXB Trẻ cho xuất bản bộ sách gồm 2 tập của Nguyễn Văn Hầu với tựa đề Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ. Trong hai bộ sách này tuy không có phần sưu tập riêng biệt về các tác phẩm văn học dân gian nhưng trong các chương, khi nghiên cứu về từng thể loại, Nguyễn Văn Hầu cũng đã cung cấp đến cho người đọc rất nhiều tác phẩm văn học dân gian mà ông hoặc là chọn lọc sử dụng lại từ các tuyển tập được xuất bản trước 1945, hoặc từ những ghi chép của ông trong quá trình sưu tầm nghiên cứu điền dã. Các thể loại văn học dân gian Nam Bộ được ông khảo cứu trong bộ sách này là tục ngữ, câu đố, truyện cổ, ca dao, hò, vè, nói thơ, thơ rơi và một vài làn điệu dân ca phổ biến ở phương Nam . Sang đến thập niên 80 của thế kỷ XX, văn học dân gian Nam Bộ được sưu tầm và xuất bản nhiều hơn, đa phần là các tuyển tập chọn lọc riêng về từng thể loại văn học dân gian cụ thể. Có thể kể đến trước tiên là năm 1984, tuyển tập Ca dao dân ca Nam Bộ dày hơn 500 trang của một nhóm tác giả sưu tầm và biên soạn do nhà thơ Bảo Định Giang làm chủ biên cũng được phát hành (NXB T.PHCM). Năm 1987, tuyển tập Truyện kể dân gian Nam bộ của Nguyễn Hữu Hiếu được công bố do NXB TP.HCM chịu trách nhiệm phát hành. Sau đó một năm, 1988 NXB Văn nghệ Châu Đốc xuất bản cuốn Ca dao dân ca Châu Đốc của Nguyễn Vạn Niên. Cũng trong năm đó tuyển tập Vè Nam Bộ của Huỳnh Ngọc Trảng được in ấn (NXB TP HCM). Nhóm tác giả Bùi Mạnh Nhị, Trần Tấn Vĩnh, Nguyễn Tấn Phát cũng công bố tuyển tập Truyện cười dân gian Nam bộ do nhóm điền dã sưu tầm và biên soạn (Nxb TP.HCM). Sau đó gần 10 năm, tuyển tập Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long do cán bộ và sinh viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Cần Thơ điền dã sưu tầm với quy mô lớn cũng được phát hành (NXB Giáo Dục, 1997). Việc in ấn các công trình sưu tầm văn học dân gian Nam Bộ tiếp tục khởi sắc trong hai thập niên từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Bắt đầu có những tuyển tập văn học dân gian đầy đủ thể loại được xuất bản từ các cuộc sưu tầm có quy mô lớn của Khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV TP.HCM như hai tuyển tập do Chu Xuân Diên chủ biên là Văn học dân gian Sóc Trăng (NXB TP.HCM, 2002) và Văn học dân gian Bạc Liêu (NXB Văn nghệ in lần đầu năm 2005, NXB Đại học quốc gia Hà Nội tái bản năm 2011). Nhóm các tác giả này cũng tiếp tục công bố các bộ sách tiếp theo do Nguyễn Ngọc Quang chủ biên như Văn học dân gian Châu Đốc (NXB Dân Trí, 2010); Văn học dân gian An Giang (NXB Văn hóa dân tộc, 2016) và Văn học dân gian Bến Tre (NXB KHXH in lần đầu năm 2015, NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản năm 2022). Những bộ sách về văn học dân gian các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long khác cũng được nhóm nghiên cứu điền dã khoa Văn học tiếp tục công bố vào những năm gần đây do La Mai Thi Gia chủ biên như Văn học dân gian Tiền Giang (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2019); Văn học dân gian Vĩnh Long (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020); Văn học dân gian Trà Vinh (NXB ĐHQG HN, 2022). Ngoài ra trong 20 năm đầu thế kỷ này còn có những tuyển tập văn học dân gian được sưu tầm và công bố như công trình biên soạn Ca dao dân ca Nam Kỳ lục tỉnh từ các tuyển tập câu hát dân gian xuất bản trước 1945 của Huỳnh Ngọc Trảng được NXB Đồng Nai phát hành năm 2006. Tuyển tập Sưu tầm văn học dân gian vùng sông Hậu của Nguyễn Anh Động (NXB Khoa học xã hội, 2015); Tuyển tập Văn học dân gian An Giang : Khảo luận và sưu tầm do Huỳnh Công Tín chủ biên (NXB Giáo Dục, 2021). Đáng chú ý nhất là bộ công trình đồ sộ Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ dự kiến bao gồm 7 tập – 12 quyển do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng thực hiện từ 2017 đến nay. Đây là bộ sách được ông biên soạn công phu từ những tài liệu do mình trực tiếp sưu tầm cùng nguồn tài liệu đã được công bố từ các tuyển tập đã được xuất bản của các nhóm nghiên cứu khác (trong đó có tham khảo nhiều từ các tuyển tập văn học dân gian các địa phương của nhóm Khoa Văn học nói trên), hiện nay đã xuất bản được 3 tập gồm các thể loại: truyện kể, ca dao dân ca và vè. 3.Tình hình sưu tầm và công bố văn học dân gian Đồng Nai Có thể khẳng định rằng, cho tới nay chưa có một công trình riêng biệt nào nghiên cứu về văn học dân gian tỉnh Đồng Nai hay một tuyển tập văn học dân gian Đồng Nai nào được xuất bản. Tuy nhiên bằng sự cố gắng và tâm huyết của các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ của địa phương thì nhiều thể loại văn học dân gian của tỉnh nhà cũng đã được sưu tầm và công bố trong những công trình khác nhau. Với sự cố gắng tối đa trong tập hợp tư liệu và nhận diện thể loại, chúng tôi xin được phác thảo ra đây tình hình sưu tầm và công bố nguồn tư liệu văn học dân gian của tỉnh nhà từ những nguồn tài liệu đã xuất bản mà chúng tôi có được. Nếu không kể đến những truyện kể dân gian riêng lẻ có liên quan đến các địa danh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được công bố trong các tuyển tập như Truyện kể dân gian Nam Bộ (Nguyễn Hữu Hiếu biên soạn) nói riêng hay tuyển tập Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số (Vũ Ngọc Khánh chủ biên)... nói chung thì phải cho rằng tuyển tập Truyện dân gian Đồng Nai do nhóm các tác giả Huỳnh Tới, Đình Dũng, Yên Trị, Tuyết Hồng biên soạn, chỉnh lý, NXB Đồng Nai phát hành năm 1994 là một công trình sưu tầm đầu tiên tập trung nhất về thể loại truyện kể dân gian trong kho tàng văn học dân gian của tỉnh Đồng Nai Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, công trình khảo cứu về lịch sử địa lý, văn hóa văn học, kinh tế giáo dục của vùng đất được một nhóm các nhà khoa học tâm huyết của địa phương thực hiện rất công phu. Công trình mang tên Biên Hòa – Đồng Nai, 300 năm hình thành và phát triển do NXB Đồng Nai phát hành. Trong đó Chương 5 – Văn hóa – nghệ thuật có dành 14 trang để giới thiệu về các thể loại văn học dân gian của Đồng Nai. Sau đó một năm, toàn bộ chương văn học nghệ thuật trong sách này cũng được in lại trong công trình Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, của nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tới (NXB Đồng Nai, 1999). Trong phần giới thiệu về kho tàng văn học dân gian của Đồng Nai ông đã cho rằng “Chỉ với số ít truyện kể, thơ ca, hò vè được sưu tầm trong thời gian gần đây đủ cho thấy kho tàng văn học dân gian của người xưa rất phong phú, giàu giá trị nhân văn, đậm màu sắc địa phương". Trong chương này, ông dành 14 trang để giới thiệu về đặc điểm văn học dân gian với các thể loại truyện kể, ca dao dân ca, và tục ngữ phương ngôn sưu tầm được ở địa phương. Cuối công trình này tác giả cũng cho công bố gần 200 lời ca dao đã được ông sưu tầm trong các địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cũng trong năm 1998, bảo tàng Đồng Nai cho biên soạn công trình Cù Lao Phố - Lịch sử và văn hóa. Trong sách này có phần giới thiệu về các hình thức diễn xướng dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống của địa phương. Trong đó các tác giả có đưa ra kết quả điều tra khảo sát của mình trên địa bàn Cù Lao Phố và các xã bên kia bờ sông quanh cù lao, theo các tác giả thì “các hình thức diễn xướng dân gian ở đây gồm có hò, hát, lý, nói vè, nói thơ cùng các hình thức diễn xướng nghi lễ tổng hợp" như diễn xướng trong lễ hát cúng đình, múa bóng rỗi và hát đưa linh. Năm 2013, NXB Đồng Nai cũng cho phát hành công trình biên khảo Đồng Nai – góc nhìn văn hóa của nhóm tác giả Huỳnh Văn Tới và Phan Đình Dũng. Trong cuốn sách dày 350 trang này, các tác giả đã dành gần 17 trang để giới thiệu vể các sắc thái văn học dân gian Đồng Nai nói chung (phần này chủ yếu đã được công bố trong sách Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai của Huỳnh Văn Tới). Đáng chú ý có 45 trang sách tập trung giới thiệu riêng về văn học dân gian của vùng Hiệp Phước – Nhơn Trạch. Các tác giả đã công bố phần tư liệu sưu tầm điền dã của mình về văn học dân gian ở địa bàn này bao gồm các truyền thuyết về địa danh, lễ tục của vùng đất cùng thể loại ca dao, hò, vè và thơ giáo huấn dân gian đang được lưu truyền trong đời sống của người dân địa phương. Phần này cũng được in trước đây trong công trình Di sản văn hóa làng Hiệp Phước do NXB Đồng Nai ấn hành năm 2011. Mảng văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong tỉnh Đồng Nai cũng được quan tâm sưu tập, và được giới thiệu rải rác trong các công trình biên khảo chung về lịch sử, tộc người, văn hóa… Có thể kể đến như Người Châu Ro ở Đồng Nai của nhóm tác giả Huỳnh Tới, Yên Trị và Đình Dũng xuất bản năm 1998. Phần đầu của cuốn sách khảo cứu về văn hóa, dân số, cấu trúc xã hội, gia đình và tục lệ người Châu Ro; giới thiệu về những anh hùng Châu Ro trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ. Phần sau của cuốn sách là 30 truyện cổ của người Châu Ro đã được nhóm tác giả dày công sưu tầm và chỉnh lý. Các thể loại diễn xướng dân gian như dân ca, múa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã được sưu tầm và công bố trong các công trình như Dân ca Châu Ro của nhạc sỹ Trần Viết Bính (NXB Văn hóa dân tộc, 2004) và Múa dân gian các tộc người Mạ, Chơro, Xtiêng vùng Đông Nam Bộ của Nguyễn Thành Đức (NXB Văn hóa Dân tộc, 2004). Dù chủ yếu tập trung vào nghệ thuật múa của các dân tộc nhưng trong công trình của mình Nguyễn Thành Đức cũng quan tâm phác thảo và giới thiệu được một vài nội dung chủ đề của các thể loại văn học dân gian Châu Ro. Năm 2014, nhóm tác giả Huỳnh văn Tới và Phan Đình Dũng cho phát hành công trình Truyện kể người Mạ ở Đồng Nai (NXB Văn hóa Thông tin) mà họ đã chỉnh lý, biên soạn từ nguồn tài liệu sưu tầm điền dã trong địa bàn tỉnh. Các tác giả cho rằng “Người Mạ có kho tàng văn hóa dân gian phong phú; trong đó có loại hình truyện kể. Thế nhưng, do không có chữ viết và nhiều yếu tố xã hội tác động, những loại hình văn hóa của họ ngày càng mai một, không được bảo tồn. Loại hình truyện kể của người Mạ ngày càng ít được truyền lại do những người lớn tuổi biết đến ngày càng mất đi". Từ đó có thể thấy rằng, việc sưu tầm và công bố nguồn tài liệu văn học dân gian của các tộc người thiểu số không chỉ trong địa bàn tỉnh mà trong cả nước luôn là một việc làm cần thiết và cấp bách. Năm 2016 Hội Văn nghệ dân gian VN cho xuất bản công trình Ca dao dân ca Đông Nam Bộ do Huỳnh Văn Tới sưu tầm và biên soạn (NXB Sân KHấu, HN). Phần đầu côn trình dành 40 trang để giới thiệu về vùng đất và ngọn nguồn sáng tạo của thơ ca dân gian vùng miền cùng một vài nhận định về nội dung chủ đề và nghệ thuật của thể loại ca dao dân ca vùng Đông Nam Bộ. Phần sau hơn 200 trang là đóng góp quan trọng của nhà biên soạn khi cung cấp văn bản ca dao dân ca đã sưu tầm, chỉnh lý và phân loại theo các chủ đề: (1) Địa danh sản vật địa phương; (2)Đời sống, văn hóa xã hội; (3) Tình yêu, hôn nhân gia đình. Có thể thấy được trong sưu tập tác phẩm ca dao dân ca được công bố trong sách này có một phần lớn những lời ca dao chứa đựng từ chỉ địa danh, sản vật hay những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Đồng Nai. Kết luận Qua khảo sát tình hình sưu tầm và công bố xuất bản các tuyển tập văn học dân gian Nam Bộ nói chung và văn học dân gian của từng tỉnh thành tại Nam Bộ nói riêng từ sau năm 1945, chúng tôi nhận thấy, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã được quan tâm khảo sát trên diện rộng trong nhiều năm với những chiến lược cụ thể của các nhóm sưu tầm và nghiên cứu. Ngược lại vùng văn học dân gian Đông Nam Bộ trong đó có Đồng Nai lại ít được quan tâm khai thác. Nhóm nghiên cứu Khoa Văn học, trường đại học KHXH&NV, TP.HCM cũng đã triển khai sưu tầm trên diện rộng nguồn tư liệu văn học dân gian của các tỉnh Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu, hứa hẹn sẽ có tuyển tập văn học dân gian địa phương gồm đầy đủ các thể loại được xuất bản trong những năm tới. Về văn học dân gian Đồng Nai, dù đã được quan tâm thực hiện từ tâm huyết của các nhà khoa học tại địa phương nhưng do lực lượng sưu tầm còn mỏng chưa thể tiến hành như một chiến lược tập trung trong một thời gian ngắn nên nguồn tài liệu được khai thác vẫn còn khá khiêm tốn so với bề dày văn hóa và lịch sử của một tỉnh thành như Đồng Nai trong diện mạo khu vực Nam Bộ nói chung. Theo chúng tôi, trong thời gian tới, tỉnh nhà cần tổ chức những đợt sưu tầm có quy mô lớn với lực lượng tham gia điền dã đông đảo, có kiến thức cơ bản để nhận diện các thể loại văn học dân gian và đã được tập huấn về phương pháp sưu tầm điền dã văn học dân gian. Đây là một nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay để có thể giữ lại được nguồn vốn di sản tinh thần quý giá của địa phương đang dần mất đi cùng với các nghệ nhân dân gian cũng như đang chịu sự biến đổi và biến dạng khác với truyền thống do những tác động về mọi mặt của đời sống công nghiệp hiện đại. TS. La Mai Thi Gia
(Bài tham luận được trình bày tại buổi Tọa đàm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của TS. La Mai Thi Gia - Trưởng Bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM)
Tài liệu tham khảo 1. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Yên Trị, Tuyết Hồng (1995); Truyện dân gian Đồng Nai; NXB Đồng Nai. 2. Huỳnh Văn Tới, Yên Trị, Phan Đình Dũng (1998); Người Châu Ro ở Đồng Nai; NXB Đồng Nai. 3. Huỳnh Văn Tới (1999); Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai; NXB Đồng Nai. 4. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2011); Di sản văn hóa làng Hiệp Phước; NXB Đồng Nai. 5. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2013); Đồng Nai – góc nhìn văn hóa; NXB Đồng Nai. 6. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2014); Truyện kể người Mạ ở Đồng Nai; NXB Văn hóa thông tin. 7. Huỳnh Văn Tới (2016); Ca dao dân ca Đông Nam Bộ; NXB Sân Khấu, HN. 8. Nguyễn Thành Đức (2004); Múa dân gian các tộc người Mạ, Chơro, Xtiêng vùng Đông Nam Bộ; NXB Văn hóa Dân tộc. 9. Nhiều tác giả (1998); Cù Lao Phố - Lịch sử và văn hóa; NXB Đồng Nai. 10. Nhiều tác giả (1998); Biên Hòa – Đồng Nai, 300 năm hình thành và phát triển; NXB Đồng Nai. 11. Trần Viết Bính (2004); Dân ca Châu Ro; NXB Văn hóa dân tộc.
|