- Tin tức - Hoạt động Hội
- Bạn văn trẻ: Vì sao chúng ta viết? – Kỳ 4
Bạn văn trẻ: Vì sao chúng ta viết? – Kỳ 4
Một không khí sôi động đang rộn lên ở Đà Nẵng khi các bạn văn trẻ về phố biển miền Trung tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Tiếp theo chuyên đề kỳ này, chúng ta nghe tiếng nói của các cây bút trẻ: Trương Mỹ Ngọc, Mạc Yên, Lâm Long Hồ, Diệu Phúc, Nguyễn Anh Nhật, Lê Ngọc Dũng, Hà Thy Linh, Phạm Giai Quỳnh, Võ Đăng Khoa.
Nhà thơ trẻ Trương Mỹ Ngọc (TPHCM):
Tôi đến với văn chương vì những gì đẹp đẽ của thế giới này khiến tôi tin rằng mình cần phải viết.
Nếu như những người khác khám phá thế giới bằng đôi chân rong ruổi khắp nơi, bằng đôi mắt nhìn thấy muôn vàn mỹ quan kỳ vĩ, thì tôi tin rằng mình cũng có thể khám phá thế giới dài rộng bao la này bằng ngòi bút của chính mình. Tôi tin rằng những điều đẹp đẽ nhất trên thế giới này cần được lưu giữ theo một cách nào đó. Đó có thể là một cảm xúc rung động khi ngang qua cánh đồng vàng hoa, cũng có thể là cảm xúc thổn thức khi lướt qua một nghệ sĩ cô đơn ngồi ôm đàn trên phố. Tôi lưu giữ cái đẹp mà mình trông thấy bằng ngôn ngữ và câu từ, và tôi cũng tin rằng bằng cách này hay cách khác những gì tôi viết sẽ luôn được lan tỏa và đón nhận. Giống như một nhiếp ảnh gia ghi lại bất kỳ khoảnh khắc đẹp đẽ mà họ nhìn thấy, nhưng tôi không có máy ảnh, thứ tôi có chỉ là một cây bút và một tờ giấy mà thôi.
Nhà thơ trẻ Trương Mỹ Ngọc
Tôi không có một dự định nào cụ thể cho những trang viết mới của chính mình. Vì với tôi, văn chương chính là sự ngẫu hứng đẹp đẽ nhất. Có thể tôi sẽ viết về một em bé quần áo lấm lem nhưng đôi mắt vẫn lấp lánh xoe tròn khi đi theo mẹ trên những gánh hàng rong. Cũng có thể tôi sẽ viết về một chuyến rong chơi ngang qua những cuộc đời đầy màu sắc khác. Tôi không cố tình ngồi vào bàn và viết, những gì tôi cần viết có trong đầu, trong đôi mắt, trong lồng ngực phập phồng và trong những lần gặp gỡ tình cờ nhất mà cuộc đời này sắp đặt. Nhưng dù thế nào, thì tất cả những trang viết mới sau này của tôi điều sẽ phản ánh chân thật và lưu giữ những khoảnh khắc nhỏ nhoi quý giá nhất cuộc sống này. Tôi không mong mình viết ra những áng văn đao to búa lớn, chỉ mong trong mỗi câu văn, câu thơ tôi viết có ai đó đồng cảm và sẻ chia. Nếu phải đặt cho chính mình một dự định nào đó khi gắn bó với văn chương, tôi chỉ mong bản thân là một ngòi bút nhỏ với khao khát to lớn đó là được góp thêm một vệt màu tươi đẹp cho thế giới triệu triệu sắc màu này.
Với riêng tôi, văn chương có vai trò lớn nhất đó là an ủi tâm hồn và làm giàu cho cuộc sống của mỗi người, tất nhiên là làm giàu trên phương diện tinh thần.
Tôi không mong những gì tôi viết ra sẽ lợi hại đến mức có thể thay đổi thế giới này, mà với tôi, văn chương giống như ngọn lửa nhỏ, sẽ âm ỉ cháy trong lòng mỗi người, để sưởi ấm lòng người cô quạnh. Nhờ có văn chương, đời sống tinh thần của mỗi người sẽ phong phú và bớt cô đơn hơn.
Văn chương không giống như áo quần, gạo muối, không thể làm no bụng nhưng văn chương sẽ làm lòng người ấm lên. Khi con người vẫn dùng ngôn ngữ để làm tổn thương nhau thì văn chương đúng nghĩa cũng sẽ dùng ngôn ngữ để xoa dịu từng nỗi đau đó. Tôi tin rằng văn chương chính là thứ ngôn ngữ đẹp nhất, chân thành nhất vì nó được cất lên từ trái tim người viết.
Nhà văn trẻ Mạc Yên (Cần Thơ):
Tạo hóa sắp đặt những trật tự ngôn từ độc bản là tôi, đặt vào một điểm không thời gian nơi tôi được tạo sinh, chờ đợi những sản vật hỗn loạn ngôn từ trong tâm trí tôi dần trở nên trật tự. Vậy trật tự nào trong đó là văn chương? Không. Tôi không đến với văn chương, và văn chương cũng không đến với tôi. Chúng tôi chưa bao giờ là khách thể của nhau. Vì văn, tôi tồn tại. Và vì tôi tồn tại, văn sẽ tiếp diễn hiện hữu của tôi và văn bằng tôi và văn.
Nhà văn trẻ Mạc Yên
Với rất nhiều dự định cho tương lai, và để tránh khỏi khổ tâm lẫn buồn phiền hay bất kì tị hiềm nào nảy mầm sinh sôi giữa những đứa trẻ bon chen vào cõi đời, tôi nghĩ rằng tất cả nên được giữ nguyên bản trong im lặng. Tuy nhiên, có một điều trùng hợp thú vị xảy ra với những người đã biết mình là ai, sinh ra từ đâu và sống để làm gì, quá khứ sẽ bất biến như định mệnh còn tương lai thì hóa thành thứ phương trình bí ẩn luôn đưa ra kết quả nằm trong một tập nghiệm định trước.
Vậy nên để nói về tương lai tôi hướng tới, chắc sẽ là một vòng trôn ốc thú vị nào đó bên trên một vòng trôn ốc được thí dụ trong phép suy ra đôi phần mù quáng của sử luận. Cái vòng trôn ốc nơi tôi sẽ không sáng tác nghệ thuật nếu nó không phải là chiều hướng nghệ thuật tận cùng; không khai sinh một tác phẩm nào nếu nó được phép dễ dãi buông bỏ những tư tưởng quặn xoắn lấy nhân loại; và không chỉ tồn tại vì thời không này mà cho mọi thời không nhân loại, cho bất kì ai muốn vượt thoát, hay nhìn ngắm sự vượt thoát hàng rào não trạng trì trệ đeo bám tâm trí con người.
Vì văn chương là nghệ thuật nên văn chương có đầy đủ quyền năng của nghệ thuật. Văn chương có thể tạo nên sự sống. Và có thể dập tắt sự sống. Văn chương tạo ra hòa bình. Và văn chương tạo ra chiến tranh. Văn chương là thần. Văn chương cũng là quỷ. Văn chương có thể là vàng, và là rác. Là bất cứ cái gì phản chiếu lấy tâm hồn, tâm trí, trí tuệ của người sáng tạo và người hưởng thụ văn chương ấy. Văn chương vượt quá mọi giới hạn trong thói tự huyễn vô hạn của con người. Và ngay khi con người kịp nghĩ ra một nhà tù kinh hoàng kín kẽ nhất, nó cũng hình hài văn chương.
Còn những văn chương thật sự chỉ đơn giản là vẫy lên quyền năng sáng thế của mình, rồi, một thực tại, một lịch sử, một chiều không gian nào đó giáng sinh, và, cái vai trò tưởng bất khả ấy ngang nhiên thống trị, như một trò đùa. Bất kì ai giới hạn quyền năng của văn chương hay nghệ thuật, đặt ra những định kiến và rào chắn, tiếc thay, họ chẳng những không thấy cái vô hạn trong lòng bàn tay mình, mà còn ngục tù cả đôi mắt và tâm trí. Và, liệu, dưới tay họ, có phải là nghệ thuật không?
Nhà thơ trẻ Lâm Long Hồ (An Giang):
Tôi đến với văn chương với cái duyên nghe có vẻ buồn cười, là thi theo người yêu vào ngành Sư phạm Ngữ Văn, may mắn đậu vào đại học rồi phát sinh tình cảm với văn chương. Nói về những dự định, đối với tôi, có hơi lớn lao vì tôi đang viết theo hứng là chính, vẫn chưa có tính toán cho các tác phẩm lớn hoặc dài hơi, hiện tôi bồi dưỡng cho bản thân bằng cách đọc, trong tương lai gần, tôi nghĩ, mình vẫn phải đọc nhiều, và song song đó là tập viết có kế hoạch.
Nhà thơ trẻ Lâm Long Hồ
Văn chương giúp tôi trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, giúp tôi hướng thiện, và cân bằng trong cuộc sống. Nếu phải nói về vai trò của văn chương với đời sống, tôi nghĩ nó là một đời sống tinh thần mà bất cứ xã hội nào cũng không thể thiếu. Đời sống văn chương có “giàu mạnh” thì chân, thiện, mỹ mới thắng thế, và xã hội vì vậy sẽ tốt đẹp hơn.
Nhà văn trẻ Diệu Phúc (Đà Nẵng):
Ba tôi là một giáo viên dạy văn. Từ lúc tôi còn nhỏ, ba đã sớm truyền cho tôi niềm say mê, yêu thích đối với văn học. Tuy vậy, tôi chưa từng nghĩ đến sẽ có ngày mình trở thành một tác giả. Trong tiềm thức của tôi ngày đó, “nhà văn” hẳn phải là những con người thông thái, tài hoa.
Sau ba lần bị nhiễm trùng máu cùng với những biến cố thăng trầm trong cuộc đời, tôi tìm đến văn chương như một nơi nương náu. Nơi đó, tôi có thể tạm rời xa những mệt mỏi, đau thương của cuộc sống hiện thực để đắm chìm vào những mộng cảnh do mình tự tạo ra. “Chiếc thẻ bài” là truyện ngắn đầu tiên tôi gửi tạp chí. Khi được bạn đọc đón nhận, tôi có thêm động lực để viết và gửi những truyện ngắn tiếp theo đến tạp chí Sông Hương hay Non Nước. Ba năm sau, tôi xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Thiên Hồ hay là chuyện Bản thảo hồi sinh.
Nhà văn trẻ Diệu Phúc
Tôi thích viết truyện dã sử. Khi Nguyện, Nhã Lang hoàng tử, Trần ai lạc định lần lượt ra đời, tôi nghĩ đến việc thời gian tới sẽ chỉ viết về đề tài dã sử để có thể xuất bản tập truyện ngắn tiếp theo. Nhưng lịch sử là một đề tài khó. Và tôi biết mình sẽ phải mất rất nhiều thời gian cũng như sự nỗ lực để có thể thực hiện ước muốn của mình.
Nếu không có văn chương, một năm vẫn có đủ bốn mùa nhưng mỗi mùa dường như mất đi sự thi vị. Không có văn chương, con người vẫn sống, vẫn yêu, nhưng cuộc sống ấy, tình yêu ấy dường như khô khan, nhàm chán, dung tục và không có nhiều cung bậc cảm xúc đến vậy. Văn chương khiến đời sống tinh thần của chúng ta trở nên phong phú hơn, đẹp đẽ hơn.
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật (Bình Định – TPHCM):
Tôi đến với văn chương hồn nhiên như một đứa trẻ quê lần đầu nhìn thấy những trang sách. Ham muốn đọc dẫn tôi đến ham muốn viết, đó là sự tự nhiên và tự thân. Tôi viết khi bạn học tôi đang làm toán, tôi viết khi người tôi yêu đang giận dỗi và tôi viết khi mọi người trong nhà tôi đang ngủ.
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật
Tôi viết văn, trước để giải tỏa mình, sau là mong đợi những phản chiếu rất riêng đến từ hành trình mỗi người đọc. Tôi thật tình muốn viết về những khả thể mới, và tôi đang viết về nó. Mong muốn làm mờ đi những phạm trù rõ ràng, đó là cách tôi có thể tạo ra những khả thể mới trong sự vận động của xã hội. Chính vì không tự giới hạn mình trong những chủ đề, tôi tự do khám phá những kiểu cách mới mẻ trong việc nhìn nhận và trở thành.
Văn chương là đời sống, đồng thời tách khỏi đời sống. Văn chương cho xuất hiện đời sống và cũng đồng thời khêu gợi để thay đổi đời sống, hay là cách nhìn về đời sống ấy. Chính vì lí do đó mà văn chương không đơn thuần phản chiếu, và không nên chỉ đơn thuần phản chiếu đời sống. Để khích lệ những định hướng mới mẻ, để trở thành những sự biến hình (métamorphoses); tôi tin rằng văn chương có thể làm đời sống đa nguyên bên trong và bên ngoài mỗi người thật xứng đáng để đấu tranh có được.
Nhà thơ trẻ Lê Ngọc Dũng (Đắk Nông):
Tôi đến với văn chương theo một cách tự nhiên như là trời định mà không một thành tố khách quan nào tác động đến cả. Suốt quá trình từ khi bắt đầu viết cho đến nay toàn bộ những gì xảy ra đối với tôi mà nói như được sắp đặt trước (Gặp ai? Làm gì? ở thời điểm nào?…). Khi ấy, năm 2019 tôi đã mặc định trong chính suy nghĩ của mình là cuộc đời tôi sẽ gắn bó với thơ ca như một định mệnh, mặc dù trước đó chẳng có ham muốn gì cả, như trời xui đất khiến, để rồi tôi phải gánh trên mình cái nghiệp này vậy.
Tôi cho rằng thơ văn phải viết về nhân dân, về quê hương, về những con người bất hạnh, khốn cùng trong xã hội hay tâm trạng, sự giải tỏa u uẩn,… của mình, của người hướng đến cái đẹp toàn bích bằng một ngôn ngữ đẹp đó là ngôn ngữ văn chương. Làm văn chương là hành trình khát khao và đi tới cái đẹp bằng ngôn ngữ đẹp, bằng tình người trong vắt, thẳm sâu.
Nhà thơ trẻ Lê Ngọc Dũng
Tôi đã nhận ra được cái hồn cốt của vùng đất nắng gió Tây Nguyên đang quyện với cơ thể mình. Tại đây, vùng đất này tôi muốn viết về nó (về con người, về văn hóa, về những vẻ đẹp mà không nơi nào có). Ngoài ra, tôi trăn trở, muốn viết về người thân của mình. Bởi vì từ trước tới nay tôi đã viết rất nhiều, nhưng không một câu thơ, câu văn nào khiến người thân của tôi nhớ đến cả, và điều này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều (Đến người thân của mình còn không ấn tượng và đồng điệu thì những đối tượng khác lớn hơn ở ngoài kia làm sao có thể đồng cảm chứ). Hơn nữa, tôi cũng viết cho tâm trạng mình khi nhận được nguồn cảm hứng từ các sự vật, hiện tượng, đặc biệt ở những phận người trôi nổi giữa cái bèo bọt nhất, cát bụi nhất, sỏi đá nhất, cỏ rác nhất của dân tộc mình, tôi khát vọng được nói điều gì đó cho kiếp người, phận người,… Cho nên dự định sắp tới của tôi là tập trung xoáy sâu vào những chủ đề này bằng một hệ thống tổ chức ngôn ngữ, khám phá, sáng tạo mới. Hứa hẹn mang tới cho bạn đọc nhận thức, cảm giác được nguồn năng lượng nội sinh và dòng tâm cảm thống nhất tuyệt đối của một tác giả trẻ.
Văn chương bây giờ đối với đời sống, xã hội là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng văn chương chân chính sẽ làm cho đời sống tinh thần con người thêm đẹp đẽ, trong sáng và phong phú. Văn chương phải góp phần duy trì, bảo vệ, gìn giữ và tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hóa của xã hội. Bằng sức mạnh nghệ thuật ngôn ngữ thì văn chương là vũ khí bén nhậy để giải mã những thầm kín bên trong con người, cảm nhận và nắm được những chuyển động phức tạp của một thân phận nào đó. Từ đó phỏng đoán, dự toán số, phận nhằm hướng người đọc nhận thức được cái gọi là khúc mắc của cuộc đời, kiếp phận và thôi thúc người đọc tìm và nghĩ về tương lai của chính bản thân mình.
Nhà lý luận phê bình trẻ Hà Thy Linh (Hà Nội):
Từ nhỏ, tôi đã rất thích đọc. Với tôi, sách như một kho tàng quý giá và chính chúng là khởi nguồn cho cái sự ham học, ham khám phá của tôi. Sách đưa tôi vào một thế giới với bao điều kỳ thú. Sách mở ra những chân trời mới, giúp tôi thêm hiểu và yêu cuộc sống này. Mỗi khi thấy một cuốn sách chưa đọc là mắt tôi sáng rực lên, vội vàng đọc lấy đọc để, như ngấu nghiến từng trang. Đặc biệt là sách văn học. Chúng hấp dẫn tôi tới độ, có những trang, những đoạn tôi thuộc làu làu, có thể đọc vanh vách, không sót chữ nào.
Những truyện ngắn, những bài thơ, những trích đoạn tiểu thuyết… trong sách đã nuôi dưỡng niềm đam mê văn học và thắp sáng ước mơ trở thành nhà văn của tôi. Văn chương có thể xoa dịu những tổn thương và mang con người đến gần nhau hơn. Bởi vậy, tôi muốn viết nên những tác phẩm giá trị và ý nghĩa, muốn góp chút sức nhỏ bé để làm những việc lớn lao, muốn đem ngòi bút lan tỏa niềm tin và tình yêu cuộc sống tới mọi người…
Nhà lý luận phê bình trẻ Hà Thy Linh
Tôi đã viết truyện ngắn, tản văn và lý luận phê bình. Tôi rất yêu thơ nhưng cảm thấy để làm được một bài thơ hay, giàu cảm xúc thì thật khó. Vì thế, tôi rất hâm mộ các nhà thơ. Trong tương lai, tôi muốn viết tiểu thuyết. Bởi đường xa mới biết ngựa hay. Hoàn thành một cuốn tiểu thuyết là việc không hề dễ dàng, người viết phải kiên trì và nỗ lực, đầu tư rất nhiều thời gian và tâm sức. Tôi muốn biết khả năng của bản thân đến đâu, để vượt qua giới hạn của chính mình.
Tôi rất thích lịch sử, nên thể loại mà tôi theo đuổi là tiểu thuyết lịch sử. Vì trong một cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê chia sẻ rằng, muốn học cái gì thì hãy viết về cái đó. Bởi vì trong khi viết, chúng ta sẽ phải tìm hiểu rất kỹ mọi vấn đề liên quan đến nó. Tôi biết đó sẽ là thử thách rất lớn với mình, nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại để hoàn thành tác phẩm và đưa đứa con tinh thần của mình đến với bạn đọc. Tôi đặc biệt đắm đuối và say mê Hà Nội, nên tôi mong mình có thể xuất bản một cuốn sách về Thủ đô yêu dấu. Ngoài ra, có lẽ hơi tham vọng, nhưng tôi cũng muốn viết tiểu thuyết trinh thám.
Trong một bài tiểu luận của mình, tôi viết: “Sức sống của nghệ thuật không chỉ nằm ở cái đẹp bên ngoài, mà phải phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của con người, bởi con người là trung tâm nhận thức của nghệ thuật. Nghệ thuật bộc lộ cái đẹp, cái có ích cho con người, và vì nhân đạo mà nghệ thuật mới tồn tại bền lâu. Những giá trị nghệ thuật sẽ mãi trường tồn, vĩnh hằng cùng thời gian”.
Văn học cũng vậy. Không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống, văn học còn tiếp thêm sức mạnh để con người có thể chống lại điều ác, xóa bỏ bất công trong xã hội. Theo Bài giảng Nghệ thuật học đại cương, tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, công chúng sẽ tìm thấy ở đó một cách tự giác những bài học về nhân cách, về tình yêu con người, lòng vị tha, công lý, tình yêu quê hương đất nước và cả những tình cảm riêng tư… Như vậy, văn học chân chính nói riêng và nghệ thuật chân chính nói chung mang lại cảm hứng, giúp con người hướng thiện, tự hoàn thiện bản thân, sống đẹp và sống có ích hơn.
Nhà văn trẻ Phạm Giai Quỳnh (Hòa Bình):
Hành trình đến với văn chương của tôi khá bất ngờ, bởi thực ra tôi có định hướng sẵn sự nghiệp cho mình từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tuy nhiên sau này khi đọc được nhiều tác phẩm hơn, đọc được nhiều sách vở hơn, đặc biệt là khi “gặp” được nhà văn Nguyễn Tuân, tôi bỗng nhiên muốn thử sáng tác một thứ gì đó.
Nhà văn trẻ Phạm Giai Quỳnh
Ban đầu những câu chuyện ấy non nớt và để chuyền tay nhau đọc cho vui, song dần dà tôi nhận ra là mình không thể không đi theo con đường văn chương. Giống như một nhà văn từng nói, rằng nếu không sáng tác sẽ không tìm được chốn dung thân trên thế gian này. May mắn trên hành trình này, dù có chông gai, tôi vẫn nhận được sự giúp đỡ và góp ý từ các nhà văn có danh tiếng rất quan tâm tới những tác giả trẻ, sự giúp đỡ những bạn văn đồng lứa nhiệt huyết.
Trong thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục sáng tác các chủ đề mang chất liệu lịch sử, dã sử, văn hoá, không chỉ văn hóa dân tộc mà còn cả văn hóa của những vùng đất khác như một cách thể nghiệm. Cụ thể trong năm nay thì tôi sẽ hoàn thành chỉnh sửa bộ tiểu thuyết dã sử mà mình đã viết trong mười năm trở lại đây, và viết một bộ tiểu thuyết dã sử mới, tiếp tục sáng tạo ở mảng truyện ngắn.
Đối với cá nhân tôi, văn chương có một phần vai trò trong việc làm dịu đi nội tâm của mỗi người trải nghiệm nó trong một xã hội thay đổi từng ngày và từng giờ, thậm chí là từng giây này; nó chạm tới khả năng sáng tạo, cho phép người ta sống nhiều hơn một cuộc đời và thay đổi nhiều cuộc đời dù chỉ là một phần nhỏ.
Nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa (An Giang):
Tôi đến với văn chương như tìm một người bạn! Thế giới của tôi mở rộng hơn, mới mẻ và hoài niệm; những trang sách là sự khởi đầu của tôi, cho văn chương và tình yêu cuộc sống. Bắt đầu từ việc lắng nghe, rồi đến nói những tiếng bập bẹ đầu tiên. Một ngày, một người quen biết bảo tôi hãy tự viết gì đó cho mình. Thế là tôi viết!
Nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa
Mẹ là độc giả nhiệt tình và mong muốn đọc của tôi nhiều nhất! Tác phẩm đầu tiên tôi viết về những chiếc “gu” tay của mẹ và cho mẹ. Tôi không ép mình phải theo một quy tắc nào trong viết, chỉ cần tôi cảm thấy hài lòng. Tôi cũng không muốn những câu chuyện tôi kể bị cầm tù mãi một không gian, một kết cục,…
Tôi nghĩ, mình thất bại nếu mọi người đọc tác phẩm mới của mình và thấy nó hao hao với một tác phẩm khác, kể cả tác phẩm đó là chính mình từng viết. Mới hơn của tôi cũ, đó là điều tôi mong muốn.
Tôi nghĩ, văn chương luôn hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Một người yêu văn chương thật sự, là một người có tấm lòng nhân ái, biết cảm thông và chia sẻ với người khác. Văn chương nuôi dưỡng con người và làm đẹp tâm hồn! Không chỉ vậy, văn chương còn là nơi để giãi bày, trút lòng mình ra. Một người bạn luôn luôn biết lắng nghe và không bao giờ phản bội!
(Còn tiếp)
Theo Vanvn