TIN TỨC

An Bình Minh: Im lặng sống - Im lặng... viết

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-03 20:05:39
mail facebook google pos stwis
612 lượt xem

CHÂU LA VIỆT

Nhà văn An Bình Minh - dù tôi thường quen gọi anh theo tên cha sinh mẹ đẻ là Bùi Bình Thiết - sinh ra trong một gia đình có truyền thống về văn học nghệ thuật.

Thân sinh của anh là Mục sư Bùi Hoành Thử - Tổng thư ký Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Thống nhất của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa III, IV, V, VI- Người được Cụ Hồ rất trân trọng, bác của anh là Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khoá I của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người rất thân thiết và từng được Cụ Hồ tặng thơ:

Tặng Bùi Công

Khán thư sơn điểu thê song hãn,

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì.

Tiệp báo tần lai lao dịch mã,

Tư công tức cảnh tặng tân thi.

Dịch là:

Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn

Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi ghé nghiên soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài

Ấy là bên nội. Còn bên ngoại thì ông ngoại của anh là nhà điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Đức Thục, và người con trai của cụ, mà An Bình Minh gọi là cậu ruột chính là nhạc sĩ quân đội Nguyễn Đức Toàn, tác giả của những bài hát nổi tiếng như Quê em miền Trung du, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Mời anh đến thăm quê tôi, Hà Nội ơi một trái tim hồng, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng...

Lại cũng phải kể bên vợ của anh - bố vợ anh là nhà thơ Xuân Hoàng lẫy lừng thời đánh Mỹ của đất lửa Quảng Bình, từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Bình, còn vợ anh là một nữ sinh khoa văn xứ Huế, từng hàng chục năm cầm bút làm thơ, viết báo khá nổi danh...


Nhà văn An Bình Minh

Tôi thân thiết với An Bình Minh cũng đã khá nhiều năm, từ thuở là những chàng trai Hà Nội. Nhà tôi ở số 1 Lê Phụng Hiểu, nhà anh ở số 2 Ngõ Trạm, cùng khu Hoàn Kiếm có Tháp Rùa và Tháp Bút thiêng liêng. Rồi cả hai cùng lên đường nhập ngũ,” Mày lên đường hôm trước/ Tao ra đi hôm sau/ Trường Sơn gánh cả nước/ Hai đứa mình đuổi nhau” (Thơ Châu La Việt), anh là pháo thủ Đồ Sơn, Hải Phòng, tôi là pháo thủ ở Cánh đồng Chum đánh máy bay Mỹ chí chết, rồi anh về Đoàn văn công phòng không không quân và tôi về Đoàn nghệ thuật của một Binh trạm lính vận tải Hậu cần... 

Chiến tranh qua đi, chúng tôi lại cùng tụ hội ở TP Hồ Chí Minh, anh làm báo Người lao động và tôi ở báo Thanh niên. Lại cùng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, dù anh viết khỏe hơn tôi nhiều, đã là tác giả của 10 tập truyện ngắn và ba tập tiểu thuyết dày dặn, mà tập tiểu thuyết Im lặng sống là tập thứ 4, là sáng tác mới nhất của anh những ngày tháng 8 vừa qua, khi anh cùng chúng tôi, bao gồm những Hoàng Dự, Hà Đình Cẩn, Hà Phạm Phú, Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Trọng Tân, Trần Khánh Toàn, Châu la Việt... hội tụ tại Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2023 do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Nẵng.


An Bình Minh (ngoài cùng bên phải) tại Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2023

“Im lặng sống” của một người trầm tư “Im lặng... viết”, An Bình Minh nói gì?

Cùng ở TP Hồ Chí Minh nên chúng tôi cùng thầm hiểu: Phòng chống Covid-19 là một cuộc chiến toàn dân, toàn diện; mỗi căn nhà, mỗi chung cư, thôn xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Chống dịch như chống giặc, vì thế chúng ta đã quy định ngặt nghèo thực hiện khoanh vùng diệt dịch. Chúng ta đã có những mất mát đau thương, những sai lầm  không đáng có, cách ly tuyệt đối giữa các phường xã, giữa các quận, huyện và giữa các tỉnh thành phố. Tất cả những điều ấy đã khiến hoạt động phòng chống covid trở thành một cuộc chiến tranh với đầy đủ ý nghĩa dẫu đó là kẻ thù vô hình đã trôi qua. Cuộc chiến tranh có thể thuộc về quá khứ và dần phải quên đi để tiếp tục sống.

Đã từng có một phạm trù nhân sinh thế này: Ai cứ đăm đắm nhớ về một cuộc chiến tranh, kẻ đó không có đầu óc. Nhưng ai quên một cuộc chiến tranh thì kẻ đó không có lương tâm. Với cuộc chiến chống covid là như thế. Còn với tiểu thuyết Im lặng sống thì hơn thế. Tác giả không kể về một cuộc chiến tranh với những điều xưa cũ từng được nhiều người biết đến mà về một cuộc chiến tranh đặc biệt với những tình tiết không phải ai cũng được biết.


Bìa tiểu thuyết “Im lặng sống”

Trong Im lặng sống, cuộc chiến đấu với covid được khúc xạ, thu nhỏ vào một thành phố có tên Bình Hải, là nơi có dịch covid bùng phát mạnh nhất, khốc liệt nhất trong cả nước. Ở đó, cuộc chiến chống covid với sự thảm khốc, sự chết chóc hy sinh, những con số thật về người chết khó có thể đo đếm. Ở đấy đã diễn ra một cuộc chiến hơn cả một cuộc chiến tranh khi mà lần đầu tiên chúng ta đã phải chiến đấu với một kẻ thù không rõ hình hài, nằm ngoài cả sự hiểu biết của khoa học hiện đại. Hơn cả một cuộc chiến tranh bởi không có đối kháng, không kẻ thù hiện hữu để có thể biến đau thương thành hành động cách mạng. Ở đấy là những cái chết bất ngờ, tức tưởi. Sự bất lực của những phương tiện khoa học, của những kinh nghiệm thực tiễn sự hiểu biết của ngoài người...

Im lặng sống kết thúc ở “Ngày bình thường mới” với một ao ước giản đơn  của người dân được trở lại nhịp sống bình thường, được đi lại được nói cười, được nghe những âm thanh quen thuộc của cuộc sống. Nhưng niềm vui ấy chưa trọn thì bất ngờ xảy ra “vụ nổ” khủng khiếp khiến cả nước chao đảo, hoảng sợ và mất mát niềm tin. Đó là vụ nổ của “hai trái bom” Kit xét nghiệm Bắc Á và Cầu hàng không hồi hương. Hai quả bom khổng lồ này đã thêm một minh chứng cho cuộc chiến tranh đặc biệt, hơn cả một cuộc chiến tranh.

Để chiến thắng covid, chúng ta đã phải áp dụng chính sách thời chiến, với nhiều điều khoản nhân đạo. Vậy mà “Cầu hàng không hồi hương” đã lợi dụng chính sách đẩy giá vé máy bay và chỗ lưu trú lên cao ngất ngưởng để tham nhũng, hối lộ và chạy án hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là “Kit xét nghiệm Bắc Á”, với toàn bộ hoạt động từ nghiên cứu, sản xuất đến mua, bán đã thể hiện một chu trình lũng đoạn chính sách đẩy giá kit xét nghiệm lên cao để tham nhũng và hối lộ hàng nghìn tỷ đồng - Hàng trăm nghìn tỷ đồng, xin nhắc lại và tất cả đều do ngân sách chi trả.

Cũng chính vì vậy, thời gian này dư luận xã hội đã rộ đồn đoán về một “trùm cuối”. Một mình Bắc Á không thể vơ vét tiền của Nhà nước một cách trơn tru như không hề có pháp luật. Phải có một ai đó là trùm cuối hoăc, các trùm cuối đã lũng đoạn chính sách, tạo ra hành lang pháp lý cho Bắc Á thao túng trục lợi. Chính trùm cuối với sự lũng đoạn này, đã khiến cho việc thực hiện chính sách và những người thụ hưởng chính sách khủng hoảng niềm tin, “lệch pha” trong các quyết sách phòng chống dịch bệnh.  

Tiểu thuyết Im lặng sống kết lửng ở vụ án Bắc Á đang trong thời gian điều tra với nhận định: Cũng như Covid biến thể, Trùm cuối biến thể đang treo lơ lửng trên đầu người dân, ngay ngáy về một nỗi bất an xã hội trong tương lai. Chính vì thế, Im lặng sống đã có một thông điệp hãy im lặng để lắng nghe mệnh lệnh của sự sống, như đã từng nghe trong suốt cuộc chiến tranh chống covid. Và cuối cùng là phá vỡ sự im lặng ngăn không cho trùm cuối biến thể có đường trở lại tác họa cuộc sống. Để những người đã chết im lặng trong cuộc chiến chống covid được siêu thoát.

Hãy đọc Im lặng sống để thấy thông điệp ấy.

*

Tập tiểu thuyết không dày, quãng 200 trang in, cách viết và bố cục nhiều mới lạ. Trong buổi tổng kết Trại viết, Ban tổ chức đánh giá cao tiểu thuyết này và NXB Quân Đội đã đưa ngay vào kế hoạch xuất bản.

Đồng thời, nhà văn Hoàng Dự - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi tiểu thuyết của Thời báo Văn học nghệ thuật vì chất lượng  của tiểu thuyết Im lặng sống, đã đề nghị tác giả và tác phẩm (ùng một số tiểu thuyết khác hoàn thành trong Trại sáng tác) tham gia cuộc thi tiểu thuyết của Thời báo.

Nâng ly mừng An Bình Minh, anh em tủm tỉm: Năm xưa người anh ruột - nhà văn Bùi Bình Thi dậy sóng tưng bừng trên văn đàn nước, nay đến lượt ông em Bùi Bình Thiết (tức An Bình Minh) cũng lại sẽ dậy sóng tưng bừng...

Văn chương nhà họ Bùi hẳn nhiên là thế!

Nguồn: Thời báo Văn học & Nghệ thuật.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm