TIN TỨC

Khát vọng nhân ái trong “Hồn ma Facebook” của Đỗ Anh Thư

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-06 20:22:57
mail facebook google pos stwis
1270 lượt xem

Sáng nay, 6/5/2023, Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn TPHCM phối hợp với tác giả đã tổ chức ra mắt tập truyện ngắn "Hồn ma Facebook" của nhà thơ Đỗ Anh Thư với sự góp mặt của Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và đông đảo bạn bè văn nghệ. Văn chương TPHCM xin giới thiệu sau đây bài viết của nhà thơ Triệu Kim Loan về cuốn sách, mời quý vị và các bạn cùng xem.
 

TRIỆU KIM LOAN

Đỗ Anh Thư là hội viên Hội Nhà văn TP. HCM. Chị sinh ra ở Mỹ Tho - Tiền Giang, hiện sinh sống và sáng tác tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Năm 17 tuổi, Đỗ Anh Thư tình nguyện tham gia tuyến đầu chiến trường Tây nam vào những năm 1980. Sau khi giải ngũ, chị từng tham gia công tác tại phường 16 quận Tân Bình. Cho đến nay, chị đã cho ra mắt bạn đọc bốn tác phẩm, gồm cả thơ và văn xuôi: Một thoáng phiêu du (Thơ, NXB HNV 2017), Bình thơ trên mạng gặp người trong mơ (Thơ & lời bình, NXB HNV 2018), Ngọc trong đá (Tập truyện ngắn, NXB HNV 2019) và Hồn ma Facebook, (Tập truyện ngắn, NXB HNV 2022).


Nhà thơ Triệu Kim Loan

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, dung lượng cô đúc và có tính xung kích trong đời sống. Nói như Nguyễn Minh Châu: “Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc”. Nhà văn thường chọn một lát cắt của đời sống để gửi gắm một quan niệm nhân sinh. Hồn ma Facebook của Đỗ Anh Thư là một trong 6 truyện ngắn nằm ở vị trí cuối cùng của cuốn sách được tác giả lấy làm tựa đề cho tập truyện. Chọn đề tài đời tư thế sự, nóng hổi tính thời sự, Đỗ Anh Thư đã mạnh dạn thể nghiệm, khám phá con người và đời sống đương đại qua lối viết dung dị.

Thế giới tâm linh và những thánh thần, ma quỷ không phải là đề tài mới lạ đối với thể loại truyện ngắn. Văn học Trung Quốc nổi tiếng với Tấm vải đỏ (Hồng Nương Tử), Địa ngục tầng thứ 19 (Sái Tuấn), Hồ sơ bí ẩn (Khố Kì Kì)… Ở  Việt Nam, từ Văn học dân gian như Ma vú dài, Ông Kẹ, Ông Ba Bị…. đến Văn học viết: Chùa Đàn (Nguyễn Tuân), Vàng và máu (Thế Lữ), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu)… Đỗ Anh Thư đã mạnh dạn sử dụng yếu tố tâm linh kết hợp với kiến thức công nghệ thông tin thời 4.0 để xây dựng một cốt truyện ma quái, rờn rợn đến ám ảnh để gửi gắm những thông điệp giàu giá trị nhân văn, cảm động về tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, lòng khoan dung, vị tha và những chia sẻ cần thiết của con người thời hiện đại.

Truyện viết về nhân vật Hồ Ngọc Dung - cô gái xinh đẹp, có tâm hồn trong trẻo như giọt sương buổi sớm có hoàn cảnh đáng thương, mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, sống cùng cha. Đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Ngọc Dung qua đời vì đại dịch Covid 19. Tác giả đã hóa thân vào nhân vật, trao điểm nhìn và phương thức trần thuật để nhân vật tái hiện số phận bi thảm của những nạn nhân Covid diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời thể hiện niềm khao khát của một hồn ma cô đơn đi tìm người thân, kết nối và hóa giải những đớn đau về tinh thần mà con người dương thế đang phải gánh chịu.

Trong truyện ngắn Hồn ma Facebook, Đỗ Anh Thư đã sáng tạo một không gian kết nối, trò chuyện với các nhân vật đang có nỗi niềm trắc ẩn chính là mạng Internet. Ở tình tiết thứ nhất, hồn ma Ngọc Dung chứng kiến những khoảnh khắc bị đưa vào lò thiêu và trở về gia đình trong một hũ tro cốt. Người nhận hũ tro cốt là bác tổ trưởng dân phố vì cha của cô cũng bị mắc Covid và đang nhập viện. Ngọc Dung cảm thấy cô đơn cùng cực trong chính ngôi nhà của mình. Cha cô cũng bị mắc Covid và đang điều trị ở bệnh viện.

Tình tiết thứ hai hồn ma Ngọc Dung nhận lời kết bạn với nickname Hạnh Phúc và hiểu được trạng thái cô đơn đầy u uẩn của người phụ nữ trạc 60 tuổi. Cuộc đời của cô Hạnh Phúc là một thước phim buồn. Góa chồng khi còn trẻ, cô dành tất cả tình yêu thương vô bờ bến cho cậu con trai hiếu thảo, sáng dạ, thi đậu hai trường Đại học đang bị ưng thư gan thứ phát, giai đoạn cuối. Nhìn con trai tiều tụy, hình hài xơ xác chỉ còn “chưa đến 40 cân”, “bụng con chướng lên, to dần”, cô đau đớn, xót xa, “chỉ biết khóc thầm hằng đêm”, cầu mong một phép màu sẽ đến với con mình. Càng đau lòng hơn nữa khi cô nhận thấy con trai cô trở nên lì lợm, ương ngạnh, không chịu ăn uống và có ý lảng tránh mẹ. Tấm lòng của một người mẹ hết lòng như cô bị tổn thương nặng nề.

Tình tiết thứ ba liên quan đến nickname Bình An. Đó là một người đàn ông vợ mất đã nhiều năm, con gái định cư ở nước ngoài, chú sống với vợ chồng con trai cả và hai cháu nội đáng yêu. Nhưng nickname Bình An lại có những khúc mắc về nề nếp sinh hoạt đời thường, phát sinh mâu thuẫn từ người con dâu. Mang suy nghĩ gia trưởng, không chấp nhận việc con trai phải vào bếp nấu nướng, “tất bật dọn dẹp rửa để vợ nó trong phòng kèm bài vở cho hai đứa cháu nội”, chú thường đem chuyện người vợ đảm đang chu toàn việc nhà của chú kể lể, đối sánh khiến không khí gia đình trở nên mệt mỏi, căng thẳng.

Để hóa giải nỗi cô đơn, đau khổ của bản thân, cô Hạnh Phúc và chú Bình An, Đỗ Anh Thư đã xây dựng một số chi tiết khá đắt, sắp xếp logich để đi đến cái kết có hậu. Nhớ thương cha, hồn ma Ngọc Dung đã lang thang khắp nơi cùng chốn để tìm nhưng không gặp. Ánh mắt cô nhìn thấy chiếc latop- vẫn luôn được cha sạc pin và đọc được những dòng tin nhắn của bạn bè. Cô đã dùng sức mạnh của hệ thần kinh trung ương, thông qua “từ trường cảm xúc”, lập một Nickmame “Trái tim cô đơn” để tìm cha và kết nối với mọi người ở dương thế. Khi thành công, cô sinh viên đã reo lên thích thú: “Trời đất ơi, ba ơi, con thành công rồi! Và tôi chợt hiểu tại sao có MA- đó là bởi vì những người đã chết mà còn quá nhiều khát vọng, nhiều việc chưa hoàn thành, linh hồn họ đã làm như tôi: khao khát, ước muốn đến độ làm chủ được mình trong thế giới siêu nhiên!”. Hồn ma Ngọc Dung tình cờ phát hiện con trai cô Hạnh Phúc đang ghi nhật ký: “Mẹ có biết con khó xử và khổ tâm lắm không?”. “Con không ăn tổ yến mẹ chưng, không uống đông trùng hạ thảo mẹ mua, vì con biết nó chỉ kéo dài chút ít sự sống của con mà không hề khỏi bệnh”, “Bồi bổ làm gì, kéo dài cuộc sống làm gì để rồi khi con chết đi mẹ lại phải quần quật đi làm trả nợ người ta? Con biết mình không còn nhiều thời gian nữa nên điều con có thể giúp ích cho mẹ duy nhất bây giờ là khước từ mọi cố gắng chăm sóc của mẹ, làm cho mẹ tức giận, nản lòng vì thái độ xa lánh, né tránh của con…” 

Qua kênh Facebook, thấu hiểu nỗi đau khổ, dằn vặt của cô Hạnh Phúc, hồn ma Ngọc Dung đã có quyết định chia sẻ bí mật này: “tôi phải hóa giải trạng thái bức xúc của người mẹ tội nghiệp này, để mẹ con họ kịp thời trao gửi sự đồng cảm cho nhau trước khi quá muộn”. Đồng thời cô cũng tâm sự, chia sẻ để chú Bình An cần thay đổi suy nghĩ định kiến, bảo hủ: Thời bây giờ, trai gái thương nhau, tìm hiểu và tự định đoạt hôn nhân. Cuộc sống vợ chồng là phải đồng cam cộng khổ, vui buồn cùng hưởng, sướng khổ sẻ chia. Tôi bảo chú rằng-ngay chính con trai chú cũng tự nguyện gánh vác việc nhà, đỡ đấn cho vợ, chứ có ai bắt buộc nó đâu…

Kết quả thật bất ngờ, hồn ma Ngọc Dung cảm thấy tràn ngập niềm vui vì được cô Hạnh Phúc chia sẻ: “từ nay cô cảm thấy nhẹ lòng và thanh thản hơn trong việc chăm sóc con, đồng hành cùng con tới phút giây bị Nam Tào xóa sổ, Diêm chúa gọi hồn”, “mẹ rất hạnh phúc khi kiếp sau lại được làm mẹ của một đứa con ngoan ngoãn, hiếu đễ và đầy nghị lực như con. Những tự hào, hãnh diện con đã mang lại đủ cho mẹ thấy mình quả thật là một người mẹ hạnh phúc”.  Chú Bình An sau lời chia sẻ của hồn ma Ngọc Dung đã nhận ra suy nghĩ cứng nhắc của mình. Chú vui vẻ đi đón cháu, cùng con cái thu xếp công việc gia đình, dạy bảo con cháu: “từ đấy, quan hệ giữa chú và gia đình đã mở ra một cánh cửa mới ấm áp, tràn ngập yêu thương dưới một mái nhà bình an, vui vẻ”. Cuối cùng, hồn ma Ngọc Dung đã gặp lại người cha của mình. Cha cô đã qua đời cũng vì mắc bệnh Covid. 

Kết thúc truyện ngắn là chi tiết hồn ma theo lệnh của Diêm vương phải trờ về âm phủ. Cô Hạnh Phúc và chú Bình An biết được người thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với họ chỉ là một hồn ma. Khi họ vào trang Facebook của Trái Tim Cô Đơn, chỉ thấy hình ảnh một cô gái “xinh đẹp, dễ thương với nụ cười tươi như đóa hoa hồng buổi sáng”. Họ viết cùng một dòng tin nhắn “chào tạm biệt cô gái tốt bụng, đáng yêu- trái tim không còn cô đơn nữa”.

Chỉ bằng một số ít nhân vật, thông qua tình huống gặp gỡ bất ngờ trên mạng Facebook, truyện ngắn Hồn ma Facebook của Đỗ Anh Thư có sự hấp dẫn, lôi cuốn độc giả bởi giá trị nhân văn và nóng hổi tính thời sự. Để thể hiện tối ưu nội dung câu chuyện, tác giả đã sử dụng lối viết truyện ngắn hiện đại, xây dựng tình huống gặp gỡ thú vị và kết cấu đồng hiện (còn gọi là kết cấu đan xen). Thế mạnh của kết cấu này là các sự kiện trong quá khứ và hiện tại cùng hiện lên một lúc đồng thời sử dụng kiến thức của công nghệ thông tin và sáng tạo một số chi tiết khá đắt như dùng sức mạnh hệ thần kinh trung ương, thông qua “từ trường cảm xúc”, lập một Nickmame “Trái tim cô đơn” hoặc chi tiết cậu con trai cô Hạnh Phúc âm thầm ghi nhật ký để lại cho mẹ. Nhờ những chi tiết này, cốt truyện được thiết lập chặt chẽ, tính cách các nhân vật được bộc lộ tự nhiên và chủ đề của tác phẩm được làm rõ. Giữa cuộc sống bộn bề, hối hả, bon chen của xã hội ngày hôm nay, thông điệp của lòng nhân ái, khát vọng chia sẻ và niềm tin vào những điều tốt đẹp được Đỗ Anh Thư gửi gắm qua nhân vật hồn ma Ngọc Dung thật đáng trân trọng.

Hình ảnh hồn ma Ngọc Dung xuất hiện đậm đặc trong truyện ngắn được Đỗ Anh Thư mô tả khá ấn tượng. Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã từng có những câu thơ tuyệt bút về bóng ma Đạm Tiên:

“Thoắt đâu thấy một tiểu kiều

Có chiều phong vận, có chiều thanh tân

Sương in mặt tuyết pha thân

Sen vàng lãng đãng khi gần khi xa”

Còn Đỗ Anh Thư thì viết: “Tôi vật vờ trong chính ngôi nhà của mình như một người khách lạ, bởi lẽ tôi không thể sờ mó, cầm nắm những đồ dùng hàng ngày mà mình vẫn thường sử dụng. Trái lại, tôi có thể làm những việc trước đây chưa bao giờ tưởng tượng nổi như lướt ra sân, bay lên ngồi trên mái nhà hoặc nhẹ nhàng đu mình trên một cành cây nào đó ven đường mà ngắm cảnh vật chung quanh”, hoặc “ Tôi còn chưa kịp nói thêm với ba lời nào thì đã thấy Hắc-Bạch vô thường xuất hiện, họ đọc lệnh triệu tập triệu hồn của Diêm Vương rồi hóa cha con tôi thành hai luồng sáng bay vút theo họ vào đêm đen dày đặc”.

Xin chúc mừng sự thành công bước đầu với tập truyện ngắn Hồn ma Facebook của Đỗ Anh Thư. Rất mong chị tiếp tục sáng tác, phát huy sự sáng tạo cho những truyện ngắn tiếp theo trên hành trình văn nghiệp của mình.

Sài Gòn, tháng 4/ 2023

Ảnh: Phương Huyền, TMH

Bài viết liên quan

Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm