- Truyện
- Mồ côi | Truyện ngắn
Mồ côi | Truyện ngắn
Trong căn phòng trọ ọp ẹp, tầm mười hai mét vuông. Thằng Nhớ và bạn nó thuê trong một con hẻm ở Sài thành. Đứa bạn cùng phòng mở cái máy cát sét mang từ dưới quê lên, dò tới dò lui mới được đài phát cải lương để nghe. Nó nằm ngửa để cái máy cát sét trên bụng, chân thì bắt chéo nhau. Miệng thì lẩm nhẩm theo mấy câu vọng cổ, cái điệu bộ nó giống mấy ông già dưới quê. Bất chợt, nó quay sang hỏi thằng Nhớ:
- Khi nào về quê?
Câu hỏi bâng quơ của nó, làm cho thằng Nhớ thấy nhói lòng. Nó nhìn ra cửa sổ, nơi mà mấy hạt mưa đang rơi lộp độp ngoài thành cửa.
Thằng Nhớ nó cũng nhớ quê lắm, nhất là nhớ Ngoại nó. Từ nhỏ đến giờ nó sống cùng Ngoại, chứ nó có nhớ mặt mũi ba má mình đâu. Mà giờ còn đâu nữa, Ngoại nó cũng mất rồi. Cỏ nay cũng đã xanh mộ được mấy lần. Chỉ có cái nhà chầm bằng lá dừa nước, do cậu Ba lợp thì vẫn còn ở đó.
Nghe hàng xóm kể, tầm đâu nó chừng ba tuổi. Má nó gửi cho Ngoại trông nom, hai vợ chồng bơi xuồng mang khoai ra chợ Cái Răng bán. Không may tối hôm đó, gió thổi lớn lật xuồng làm hai vợ chồng đuối nước. Đến sáng hôm sau người ta mới vớt được xác lên bờ, rồi báo cho nhà hay. Ngoại nó biết tin liền đứng không nổi nữa, ngất xỉu không biết bao nhiêu lần trong đám tang của ba má nó. Hàng xóm thấy cảnh đó, không ai kìm được nước mắt vì thương hai vợ chồng chất phác, hiền lành với chòm xóm láng giềng mà không may mất sớm. Thương cho cảnh Ngoại, giờ người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Rồi càng thương hơn, là thấy thằng Nhớ không biết ba má nó mất. Nó khóc kêu Ngoại:
- Ngoại ơi? Ba má con đâu rồi, con hổng chịu đâu.
Rồi nó cứ thế mà khóc miết không chịu nín. Ai dỗ cũng không được, mà nghe đau như cắt.
Thế là từ đó nó sống với Ngoại. Trời hừng sáng, người ta lại thấy dáng của người đàn bà tầm ngoài năm mươi. Một đầu gióng gánh khoai, đầu còn lại gánh thằng nhỏ. Tranh thủ mang khoai ra chợ bán cho kịp trời sáng. Kiếm được mấy đồng bạc lẻ mà mua gạo, mua mấy con tép, con cá lòng tong và bó cải mang về. Bữa nào người ta mua hết thúng khoai, thì mới có thêm tiền mua ít thịt ba chỉ cho thằng Nhớ nó ăn. Thấy mà thương dữ lắm, nên ở xóm ai có thứ chi cũng mang sang nhà cho hai bà cháu.
Trời hè nắng như đổ lửa, thằng Nhớ nói cát nóng nó không đi được. Ngoại liền đặt cái gióng gánh xuống đất, một thúng tre đổ đầy cát, còn thúng kia bà kêu nó ngồi vào giữa. Ngoại móc cây đòn gánh qua hai đầu gióng, rồi gánh nó đi qua bãi cát nóng hướng ra miếng đất giồng. Lòng bàn chân của Ngoại đã chai cứng từ khi nào, mà cứ băng băng qua đám cát nóng. Ngoại có lo cho thân mình đâu, mà chỉ lo cho đứa cháu. Ra đến nơi, Ngoại kêu nó ngồi dưới gốc cây xoài cho mát. Lấy từ trong túi áo bà ba đã sờn hết cả vai, cho nó tán cốm. Nó thích lắm, nói cảm ơn Ngoại lia lịa. Ngoại tranh thủ ra luống nhổ khoai, lâu lâu bà nhìn nó. Thấy trên mặt nó dính đầy hạt cốm, bà vừa thấy thương vừa thấy tội cho cháu mình.
Thằng Nhớ đang ngồi nghịch cát chơi trước sân. Có dáng người đàn ông, tay xách cái túi bước vào.
- Má! Má ơi? Con về rồi.
Thằng Nhớ vội bỏ dở đống cát đang chơi, chạy ù xuống cháy bếp, kêu thắt thanh:
- Ngoại! Ngoại ơi? Thấy Ngoại nó ôm chầm lấy chân bà, bởi nó sợ người đàn ông xa lạ kia.
Ngoại xoa xoa vào lưng nó, người đàn ông từ ngoài cửa bước vào.
- Con chị hai đây hả Má?
- Ừ! Nó đó con, Ngoại nói với vẻ đầy nghẹn ngào.
- Nhớ ! Thưa cậu chưa con?
Nó nhìn chằm chằm người đàn ông kia, rồi thưa với vẻ ấp úng:
- Dạ! Dạ thưa Cậu.
Cậu Ba cười rồi nói:
- Thằng nhỏ nhìn ngoan hén Má.
Rồi cậu Ba bước lên gian nhà trên, thắp nhang cho ông Ngoại và ba má thằng Nhớ.
Ngọn đèn dầu leo loét trong căn nhà sập xệ. Ngoại đang quạt dỗ thằng Nhớ ngủ, bằng chiếc mo cau. Ngoại hỏi cậu Ba:
- Chừng nào con đi?
Cậu Ba nằm trên võng, đưa qua đưa lại đầu võng phát ra tiếng cọt kẹt.
- Tính ở nhà luôn Má ơi! Ở nhà phụ Má nuôi thằng Nhớ.
Ngoại không nói. Mà cất tiếng ru cháu:
“ Ầu ơ...ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lất lẻo, gập ghềnh khó đi...”
Nghe Ngoại ru cháu, mà cậu Ba vừa đau vừa sót lắm chứ.
Ở làng, ai cũng biết chuyện tình của cậu Ba nó với chị Lan con ông giáo Huấn xóm trên. Một gia đình danh giá có tiếng, hai người thương nhau mà cũng vì sợ ngăn cấm của ông Huấn, vì cái gọi là môn đăng hộ đối, mà đã giết chết mối tình của đôi trẻ. Ba má đặt đâu con phải ngồi đó, nên chị Lan đã phải về bên kia sông, làm vợ cho một người đàn ông giàu có.
Cậu Ba buồn tình, nên đã bỏ nhà đi vào vùng miệt thứ. Cậu làm mướn trong đó, tận gần ấy năm trời.
Thằng Nhớ đang tuổi ăn tuổi lớn, nhà thì thiếu trước hụt sau. Nên ngoài việc tát mương bắt tép, cậu Ba theo người ta qua làng khác gặt lúa mướn. Ngoại vẫn vậy, vẫn hằng ngày mang khoai ra chợ bán. Cái nghề mà Ngoại đã làm từ thời theo ông Ngoại về vùng đất này sống. Ông Ngoại mất sớm, một mình bà đã chịu không ít nỗi cơ cực. Dầm mưa dãi nắng để nuôi má thằng Nhớ và cậu Ba. Rồi giờ cũng chính thúng khoai ấy, nuôi lớn thằng Nhớ.
Có lần, Ngoại tâm sự với cậu Ba:
- Thằng Ba này ! Lỡ sau này má có chết sớm, thì mày ráng nuôi thằng Nhớ ăn học nên người.
Câu nói của Ngoại làm cậu Ba bỏ vội ly nước xuống cái bàn, đã bị mọt ăn mục hết bốn chân. Đưa mắt nhìn ra bờ rào xiêu quẹo, nơi mấy dây dậu mồng tơi đang bám xanh dờn. Cậu thấy chạnh lòng:
- Con hứa với Má, sẽ nuôi thằng Nhớ.
- Vậy là má có xuống dưới gặp Ba mày cũng thấy yên lòng.
Nghe Ngoại nói mà lòng cậu Ba đau như thắt lại. Thằng Nhớ đang ngồi chồm hỗm, lặt rau lang ngoài sàn nước. Cậu Ba bước lại gần cái lu, múc vội gào nước mưa xói lên ướt cả người. Nước văng ra tung toé, thằng Nhớ nhìn Cậu mà cười. Cậu hỏi:
- Lặt xong chưa ông tướng?
- Dạ, sắp xong rồi Cậu.
Nó nhăn răng cười trừ.
Thằng Nhớ nay đã lớn, hết đợi nghỉ hè là nó lên trường huyện học. Thằng vậy mà giỏi giang lắm, trong xóm ai cũng thương.
Năm thằng Nhớ học mười hai ở trên huyện, cũng là năm Ngoại bị bệnh nặng, cậu Ba ở nhà chạy chữa thuốc men cho Ngoại. Nhưng có lẽ, do Ngoại đã tuổi cao sức yếu, nên không qua khỏi. Vậy là Ngoại nó mất rồi.
Nó và cậu Ba đau buồn lắm, nhưng cũng phải cố gượng dậy để làm tròn đám tang cho Ngoại. Cái nhà tranh xiêu quẹo này, vốn đã hiu quạnh rồi. Nay còn thấy quạnh hiu hơn, Ngoại đã bỏ cậu Ba và thằng Nhớ đi rồi. Chiều chiều, nhìn về đám mộ nơi mà những người thân thương của thằng Nhớ nằm đó. Người ta nghe tiếng bìm bịp kêu chiều theo con nước lên, mà thấy đau như đứt từng đoạn ruột.
“Ai ơi thương kẻ mồ côi
Như bèo mặt nước, biết trôi bến nào”.
LÊ HOÀNG KHA