TIN TỨC

Hương quê | Tặng Vũ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1481 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

 TẶNG VŨ

Mùa hè năm nay dường như chẳng còn êm dịu, trong lành như mọi năm. Cái nắng gắt gỏng xiên ngang tán lá cành cây đổ vào cánh cửa văn phòng nơi tôi đang cặm cụi với từng con số trong báo cáo công ty. Trời trong xanh không một gợn mây, phố xá ồn ào hừng hực mùi khen khét khiến mọi người chẳng muốn ra khỏi phòng, khi những con đường cũng mềm nhũn, hư ảo hơi nước như tan chảy. “Cuối tuần sắp xếp về ăn xôi mới, tiện ra chùa với mẹ con nhé! Anh là phải lấy vợ đi thôi để tôi có cháu bế, cháu bồng”. Cuộc gọi bất ngờ của mẹ, giọng nói thôn quê mộc mạc, trầm ấm khiến tôi nhẹ nhàng đi đôi chút. Tôi cười mỉm “Dạ vâng” nhưng chưa biết có về hay không?

Trưa ngày sau, An - thằng bạn thân nơi quê nhà điện thoại báo tin “Cuối tuần về khai trương công ty tao nhé! Phải có mặt đó chí cốt. Còn một số chuyện, về đi tao sẽ nói”. Ừ, nhỉ! Sao lại không về nhỉ, đã lâu rồi vì mướt mải với công việc nơi phố thị tấp nập mà tôi chưa được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, yên bình nơi làng quê cách hơn 100 cây số. Sao mẹ và An lại gọi điện trùng hợp và đúng lúc? Còn chuyện gì An giấu mình, thằng bạn chăn trâu cắt cỏ, đi guốc trong bụng có khi nào úp mở, mập mờ vậy đâu.

Tranh xé dán Lâm Chiêu Đồng

Suy nghĩ vẩn vơ rồi tôi chìm trong giấc chiêm bao tự bao giờ. Trong giấc mơ, tôi thấy mình và An đang tay trong tay đi trên con đường làng lát gạch nung khói gồ ghề trơn trượt được khoác lên mình tấm áo xanh trắng của những cánh hoa hòe rùng mình rơi lã chã, lấm tấm khi cơn gió nhẹ khẽ luồn qua. Quê tôi yên bình đâu đâu cũng là lúa xanh mướt như trong ca dao câu hát của bà của mẹ, cánh đồng sải cánh cò bay. Con đê dài với những bãi cỏ mơn mởn từng là nơi tụ tập của những đứa trẻ chăn trâu, đánh khăng đánh đáo, chơi trận giả mỗi khi chiều về. Dòng sông quanh năm nặng đỏ phù sa bên lở bên bồi, ồn ào sóng cuộn đỏ bừng như kẻ say không nghĩ mình đã ngà ngà khi triều lên, có khi lại êm đềm lăn tăn gió thổi mát dịu mỗi trưa hè như thiếu nữ thẹn thùng e ấp khép mình dưới làn tóc dài thoảng hương bưởi tháng giêng khi triều xuống. Cây bàng tán rộng, xếp tầng như quả đồi nhỏ nặng trĩu những trái chín vàng ươm thơm lừng từng là món ăn khoái khẩu của tụi trẻ, thân cây gồ ghề chi chít những vết thương ứa lòng từng là nơi lưu giữ bao chuyện tình, chuyện đời của xóm Đầm chân quê.

Không biết cây bàng có tự bao giờ! Nhưng khi tôi còn là thằng bé con hiếu động thì nó đã xanh rì 2 đứa nhỏ ôm không hết thân cây. Chuyện tình của tầng lớp bố mẹ tôi đã in dấu hình bóng với nó. Cô chú Ba - bố mẹ thằng An và cô chú Tư - bố mẹ nhỏ Phận nằm trong số đó! Tôi, An và Phận là 3 đứa bạn chơi chung từ nhỏ, nhà sát vách nên mọi thứ của 3 đứa luôn dính líu. Chúng tôi gắn bó đi học, đi chơi cùng nhau ngặt nỗi mối quan hệ giữa gia đình thằng An và nhỏ Phận không được êm đềm như vậy! Chuyện chẳng là: Tầng lớp phụ huynh chúng tôi trạc tuổi, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lấy năng suất cấy hái làm nguồn thu nhập chính nên đời sống vật chất đôi khi hơi “nghèo” nhưng đời sống tinh thần lại đậm đà như bát chè xanh giữa trưa hè oi nóng.

Tôi từng được nghe mẹ kể lại rằng: Bố mẹ nhỏ Phận và bố thằng An là một chuyện tình tay ba chưa có hồi kết, 3 người bạn vào sinh ra tử cũng vì chữ “tình” thề non hẹn biển để rồi tuyệt giao quan hệ. Chú Ba vốn hiền lành, chăm chỉ có lòng thương cô Tư thật lòng, hai người thương mến nhau thật dạ nguyện bên nhau đến hết đời. Ấy vậy mà cũng chỉ vì lời hẹn ước của bố mẹ hai bên, sợi “dây chỉ hồng” ông bà đã trao kết tình thông gia mà một mực cô Tư phải nâng khăn sửa túi cho chú Tư - người đàn ông vượng khí, có phần hơi ma mãnh.

Gác nỗi buồn sâu nặng, sau một thời gian làm ăn xa, chú Ba trở về quê nhà nên duyên vợ chồng với cô Ba xóm bên. Ngỡ tưởng mọi chuyện trôi vào dĩ vãng, oan gia ngõ hẹp chú Ba xây nhà sát vách chú Tư như cách nhủ lòng thương con “chốt” qua sông mà mình lỡ duyên phận. Sóng gió tiếp tục xảy ra từ đây! Hai gia đình lời qua tiếng lại từ hàng thịt, hàng cá cô Ba, cô Tư buôn bán ngoài chợ; đến cuộc sống thường nhật chuyện con gà qua nhà, cành cây lấn vách. Ôi chao! Như mặt trăng mặt trời, âm vang cả xóm Đầm mỗi khi chiều về. Riết thành quen. Đôi khi không có âm vang the thé cất lên từ hai nhà, hàng xóm mặc định có gì không bình thường.

Gốc bàng rợp lá cũng là nơi hội tụ của mối quan hệ tương tàn đó, âm vang cả một triền đê. Chú Ba, chú Tư - hai kì phùng địch thủ tỷ thí cờ tướng, loại cờ tao nhã chỉ dành cho người quân tử. Nếu chú Ba khéo léo thế “bình phong mã”, đánh pháo đầu, thì phía bên kia chú Tư nguy hiểm với thế “nửa cõi sơn hà”, mỗi lần đánh bay mất quân chốt của đối thủ. Chú Tư lại nghêu ngao, lặp đi lặp lại “Nửa cõi sơn hà ta chẳng tiếc - Tiếc người đẫm lệ chốt sang sông” đánh trúng tâm lý khiến đối thủ ức chế. Rằng thì là chú Ba hùng hồn tuyên bố “Có chết cũng không thông gia với người”.

Chuyện người lớn vậy! Mà 3 đứa tôi không rời nhau nửa bước, đặc biệt An và Phận. Phận dịu dàng xinh đẹp từ nhỏ, mái tóc dài đen nhánh chảy dài trên tấm lưng gầy luôn thoảng hương bồ kết, vòng eo con thon gọn khiến bao đứa si mê, đôi mắt bồ câu mộng mị làm đổ gục bao gã si tình. An không ngoại lệ. Nhưng tình cảm An dành cho Phận lớn hơn tất cả. Nó như cái gai trong mắt khiến không ít lần hai đứa bị no đòn khi bố mẹ phát hiện đi chơi chung. Khoảng sân chùa luôn là địa điểm lý tưởng để chúng tôi cùng nhau học bài mỗi chiều cuối tuần. Ngôi chùa quê tôi đẹp lắm! Mái ngói đỏ ngả màu loang lổ rêu xanh khiến không gian thêm huyền bí; kiến trúc đuôi rồng cong vút, mềm mại, những trụ gỗ to chắc tỏa mùi hương dịu ngọt thân quen. Hai bức tượng Hộ Pháp sừng sững trước bậu cửa càng tỏ thêm vẻ uy nghi. Mùi nhang khói len lỏi, bay lơ lửng dưới vạt nắng chiều đổ xuống rặng liễu phản chiếu sau cánh sen hồng mỏng manh giữa lòng hồ càng tô thêm vị trầm mặc. Khoảng trước sân chùa tọa lạc hai cây nhãn cổ thụ trái chín trĩu cành, đường dẫn vào chùa thoang thoảng mùi thơm của hàng dài hoa mẫu đơn xanh tốt, điểm xuyết những chùm hoa đỏ tựa như đang ôm ấp bao sinh linh bé bỏng. Ngoài đêm giao thừa đi hái lộc chùa về cầu may cho một năm đủ đầy sung túc, thì với lũ trẻ chúng tôi “Bụt đẻ” là ngày mà đứa nào cũng háo hức như cảm giác ngóng mẹ về sau mỗi buổi chợ phiên.

Khi mặt trời còn e thẹn, ẩn nấp sau rặng tre già, tôi và An đã trèo tít lên cây mít sau nhà hái những chiếc lá to bản còn ướt đọng sương đêm thả xuống để nhỏ Phận cần mẫn, nhẹ nhàng nhặt vào rá tre mang về cho các bà, các mẹ làm đế lót oản, làm chén đựng cháo. Oản được coi là sơn hào hải vị với mỗi đứa trẻ quê nghèo ngày đó, nếu ăn cùng chuối ngô thì tròn vị oản lộc chùa. Oản - chuối tốt đôi. Oản đơn giản được làm từ gạo nếp cái hoa vàng mẹ ngâm trong nước mưa bố hứng trong đêm, trước khi đổ xôi để có độ rền, dẻo, thơm. Khuôn làm oản cũng được làm từ gỗ mít, một loại gỗ tưởng chừng không giá trị nhưng nhẹ, chắc, tượng trưng cho thanh cao. Mỗi đứa lẽo đẽo đi sau các bà các mẹ đội những mâm oản đã lên khuôn lên hình mà rảo bước lên chùa. Qua cây bàng lá rợp bắt gặp mấy chú đang tụm năm tụm ba giết thời gian với quân cờ xanh đỏ. Thấy cô Ba đi cùng thằng An, chú Tư nhếch mép nhổ râu láu lỉnh “Đi bổ mông hả em?”.

- Phui phủi cái miệng nhà anh. Đừng có hỗn láo với thánh thần - Cô Ba thé lên.

- Anh còn đang bắt thần sống đây này! - Chú Tư cười vang.

Thấy chú Ba đang ngồi đối diện vò đầu bứt tóc trước thế cờ khó, tập trung đến độ như thoát tục trần, cô Ba nguýt dài với ánh mắt sắc lẹm mà ngoảnh mặt bước đi.

Sân chùa ngập lối khói hương, những dáng người trong bộ áo nâu sòng thành tâm khấn bái. Lũ trẻ nối đuôi nhau đổ cháo trắng trong những chiếc chén làm bằng lá mít khéo léo cắm từ ngoài cổng vào đến sân chùa. Trên chiếc chiếu mới đặt giữa sân bày ra đủ bánh kẹo, hoa quả; đứa nào đứa ấy xếp hàng nheo nhúc sau lưng sư thầy đang khấn. Chỉ chờ sư thầy hô “Cướp” là nhanh như đánh trận giả, cả đám lao vào mà ôm mà nhặt nhiều nhất những thứ có thể lấy được lộc chùa. Nhỏ Phận yếu ớt, luôn bị bỏ lại phía sau nên chỉ lấy được vài quả mận, mặt nó buồn hiu. Lễ xong, mỗi đứa được phát dây áo Bụt đỏ tươi, mà ai cũng trân quý. Với tụi tôi, sợi dây đó như tấm hộ bài khi mang bên mình sẽ chẳng còn sợ ma nữa. Thằng An chẳng sợ ma nhưng nó luôn mang ra khoe với tụi bạn để thể hiện sự mạnh mẽ của mình. Ngày sau trong lúc đi học, hậu đậu để bay mất, nó về khóc như mưa.

Chiều tà đi chăn trâu bên triền đê, nhỏ Phận nhẹ nhàng khoe sợi dây Bụt đỏ được thêu tỉ mỉ thành nhụy hoa đỏ gắn trên chiếc áo nó đang mặc, trông thật dễ thương. “Của mày đâu An”. Tôi hỏi nhưng An lầm lũi nhổ từng cọng cỏ may bực tức ra mặt hét lên “Tao buộc trong vòng cổ để ở nhà rồi”. Tối về thấy thằng con mặt đìu hiu, đăm chiêu không nói không rằng. Hỏi ra lẽ. Chú Ba vỗ vai thằng An: “Có thế mà phải buồn hả ông tướng. Mang cái quần đùi đỏ cũ ra đây”.

- Làm tin hả thầy? - An láo liên tò mò.

- Thầy xé cho chục dây, anh đeo đến mùa quýt.

- Có thế mà con không nghĩ ra - An ngân nga khắp nhà.

Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm, ngọt ngào như vị quê lúa mới. Sau bao tháng ngày bận bịu với công việc nơi phố xá. Cảm giác vững tay lái trên vô-lăng, thả hết kính xe hít hà hương thơm của hương đồng gió nội khiến tôi rạo rực biết chừng nào! Bình yên. Thân thuộc. Con đường gạch đất nung giờ đây được trải nhựa thẳng dài chạy dọc triền đê, duy chỉ cây bàng là vẫn rợp lá. Bao vết tích xa xưa vẫn còn in hằn trên thân cây. Xa xa phía cuối đường, vùng đất lau sậy chập chờn tụi tôi đánh trận giả ngày nào được thay thế bằng khu công nghiệp hiện đại. Ngày đó đâu đâu quanh triền đê, lau sậy mọc tua tủa, chiếm lấy khoảng không. Thân cây khẳng khiu mà sao sức sống mãnh liệt. Cứ vạt đi, sau trận mưa rào, từ những gốc rễ trơ trọi, dưới lớp đất phèn cằn cỗi loạt mầm non vươn lên, không chịu khuất phục mà vẫn xanh tươi, nhưng chỉ có lau sậy thì cuộc sống cũng chỉ mãi loanh quanh không lối thoát, không giá trị, không thể thay đổi ngoạn mục như cuộc sống người dân xóm Đầm hôm nay.

Dăm năm trở lại đây, khi nông thôn đổi mới, đường sá, cơ sở hạ tầng được nâng cấp thì mảnh đất xóm Đầm thay da đổi thịt và người ta hết sức vui mừng khi biết rằng ngay dưới vùng lau sậy cằn cỗi là mỏ than nâu trữ lượng lớn. Sau bao vất vả khó khăn mưu sinh, giờ đây phước đức ông bà để lại con cháu đã hưởng phần nào. Dạo mới phát hiện, có ông giám đốc công ty Đài Loan qua đàm phán, ký kết trúng gói thầu đầu tư. Thân hình lão tròn như trái bưởi héo cuối mùa, đầu hói phân nửa, thậm thụt sau cặp mắt kính trễ xuống mũi là đôi mắt hý nhìn không mấy cảm tình. Nhỏ Phận mê “Hoàn châu cách cách” phải lòng với lão, Phận không chịu an phận, Phận muốn thoát khỏi vùng đất làng quê, theo tiếng gọi con tim mà nên duyên. Lão giám đốc đền bù giải phóng mặt bằng cho nhà chú Tư nhỉnh hơn đôi chút nên đi đâu chú Tư cũng cổ súy, tung hô cho dự án này.

Cho đến một ngày, khi Phận dẫn lão về ra mắt thì cô chú Tư lấy làm nở mày nở mặt với bà con xóm làng. Tiếp chuyện chàng rể quá tuổi mình, dù chẳng nói được tiếng nào để lão hiểu, mà chú Tư đon đả nhiệt tình chu đáo. Lão giám đốc chỉ gật gật thỉnh thoảng nói: “Xie Xịe... Xie Xịe...”.

Chú Tư tròn mắt giật nhỏ Phận lại sau: “Nó Sậy sậy kìa con! Trời đất ơi, bao năm quanh quẩn lam lũ với lau sậy chưa đủ khổ hay sao, mà mày còn rước thêm sậy về nhà hả con?”.

- Họ nói “Cảm ơn” đó thầy.

- Ôi trời ơi! Làm tao tưởng. Vậy thì mừng. Tam hợp tam hợp.

- Xie Xịe... Xie Xịe...

Đám cưới tổ chức linh đình, nhiêu khê nhất xóm. Cô chú Tư mát lòng mát dạ với con gái. Ai cũng xì xào: “Nhất ông Tư rồi!”. Thằng An ngậm đắng nuốt cay khi nghe tin mà bỏ quê lên thành phố quyết tâm học tập. Hạnh phúc đến nhanh và ra đi chóng vánh như chính đám cưới đã tổ chức. Không bao lâu sau, mộng ước của Phận về miền đất hứa chưa thành thì chàng rể ngoại quốc bị bắt vì liên quan đến đường dây lừa đảo, bị trục xuất khỏi Việt Nam. Trở về lũy tre làng, Phận mở tiệm may nhỏ, chẳng nói chẳng rằng yên phận số kiếp hồng nhan khiến nó tỉnh giấc.

Trở về làng quê với kiến thức tích lũy, An ngày nay không còn yếu lòng, ủy mị mà luôn thận trọng trong mọi thứ. Duy có tình yêu là vẫn vẹn nguyên chung thủy và chờ đợi. Chờ đợi ngày hoa đủ nắng, chiến thắng sẽ về tay ta. Từ nền móng công ty lão giám đốc, An mạnh dạn đầu tư từ chính vấp ngã, cơ cực, đắng cay. Mảnh đất lau sậy chơi trận giả năm nào, nơi đó có An, có tôi và có hình bóng nhỏ Phận mà An vẫn kiên trì theo đuổi từng ấy năm qua mặc bão dông đến cuốn đi của An nhiều cơ hội. Nhà máy nhiệt điện thai nghén bấy lâu dần được lên hình hài.

Nhặt cọng cỏ may mà bao ký ức tràn về trong tôi, tiếng chim cuốc gọi bầy vang lên sau bụi lau sậy phía bên kia sông sau vạt nắng chiều đổ xuống mặt sông lấp loáng mênh mang cho tôi quay về thực tại. Xa xa bóng dáng người phụ nữ tần tảo bên chiếc xe đạp tróc sơn, tóc búi sau gáy, gương mặt hao gầy in hằn những nếp nhăn, khoác trên mình chiếc áo sờn màu, quần đen còn vương vị đất giọng văng vẳng từ đằng xa như tiếng gọi tôi thuở nào: “Về thôi Bình ơi! Anh để mẹ chờ lâu quá”.

Trở về nhà, bước qua cánh cổng gỗ xỉn màu, tôi đã cảm nhận mùi xôi nếp mới thân thương thoang thoảng đâu đây. Trong nhà rộn ràng tiếng nói cười thân thuộc. Nhận ngay ra An, tôi nhanh như ngựa chạy trạm mà ôm chầm lấy thằng bạn chí cốt: “Giám đốc qua nhà bạn luôn hả?”.

- Đâu phải một mình. Còn vợ tôi sắp cưới nữa nhé! - An cười giòn tan.

Phía trái bếp, Phận bưng mâm cơm được chuẩn bị lên nhà, nhẹ nhàng: “Rửa tay chân lên ăn cơm với vợ chồng Phận nào Bình”.

- Vợ chồng?

- Xie xịe... Xie xịe... - An láu lỉnh.

- Phải là: Sậy sậy... Sậy sậy... chứ nhỉ? - Tôi phá lên cười.

Nhỏ Phận thẹn thùng hai má đỏ ửng hồng mà rảo bước lên nhà trên. Trước khi đi không quên nhéo cho mỗi đứa cái đau điếng người.

- Tiên sư bố nhà các anh! Lớn cả rồi đấy mà cứ như phường chèo - Mẹ tôi cười mỉm.

- An phải có Phận thôi bu à. Mà Bình An nữa thì phường chèo nào sánh lại bu nhỉ? - An hí hửng vừa nói vừa bóp vai mẹ tôi.

Vọng ngoài cổng tiếng cười hào sảng của chú Tư: “Nửa cõi sơn hà ta vun đắp. Chí trai thê tử vẹn đôi đường”. Sải bước chung đường khoác vai chú Tư, chú Ba cũng gật gù: “Thương chốt qua sông nẻo dặm trường. Oan gia khép lối tình thủy chung”. Mọi người còn đang xốn xang thì cô Tư trìu mến phía sau:

- Có con mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng mang cho. Hoài con mà gả chồng xa. Trước là mất giỗ, sau là mất con. Con Phận nó lỡ một lần đò, anh chị tính nhanh để hai nhà cùng hưởng phúc.

- Đời mình cực khổ đủ đường, phận mẹ cha khiêm nhường để các con một lòng sắt son anh chị nhỉ? - Cô Ba hớn hở với theo.

- Song hỷ... Song hỷ... - Mẹ tôi vừa nói vừa kéo cô chú vào nhà.

Tôi cứ tròn mắt bối rối như món canh hẹ đậu hũ Phận mới mang lên nhà. Mà sao lòng cảm nhận vị ngọt tình thương đã lưu lạc chạy trốn bao năm nay.

Buổi nhậm chức khánh thành công ty xong. Chúng tôi theo các mẹ nhanh chân lên chùa thành tâm nguyện ước. Cảnh chùa vẫn trầm mặc nhưng lòng người đã bớt trầm tư. Già trẻ gái trai ai nấy đều phấn khởi. Sư thầy phát cho tôi tấm áo Bụt đỏ năm nào.

Bẵng đi vài tháng, trong tiết trời cuối xuân, ngồi nhâm nhi ly cà phê ngắm đôi chim bồ câu đang rỉa lông trên cành sấu bên phòng, nhận điện thoại An: “Bác Bình chuẩn bị về thắt dây Bụt đỏ cho cháu nha! Cháu trai hiền lành như cha, đảm đang như mẹ”. Hương quê lại rạo rực trong tâm hồn tôi.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm