TIN TỨC

Bi kịch của nhân vật Hoạn Thư trong ‘Truyện Kiều’

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-06-05 02:18:03
mail facebook google pos stwis
9228 lượt xem

“Truyện Kiều” là tác phẩm lớn, là sản phẩm sáng tạo tuyệt vời của Đại Thi hào Nguyễn Du. Không chỉ nội dung ý nghĩa của tác phẩm không ngừng thay đổi theo thời gian mà nhiều nhân vật trong tác phẩm cũng được nhìn nhận, đánh giá theo những quan điểm khác nhau.

Nhân vật Hoạn Thư là một trong những nhân vật bị lên án nhiều nhất. Không ít người xếp chị vào thế giới nhân vật phản diện… Cái ghen của Hoạn Thư đã trở thành điển hình cho sự cay nghiệt của đàn bà khi ghen tuông. Nhưng gần đây quan điểm trên ít được sự đồng thuận, không ít bài viết bênh vực cho Hoạn Thư, thậm chí họ cho Hoạn Thư là “nhân vật bản lĩnh nhất trong Truyện Kiều” [6] và gọi cái ghen của chị là “cái ghen nhân từ” [5].

Theo chúng tôi, hai quan niệm trên đều có phần cực đoan. Hoạn Thư là nhân vật không thể phân định một cách rạch ròi thuộc loại chính diện hay phản diện mà đó là nhân vật bi kịch.


Theo các nhà nghiên cứu, Hoạn Thư chính là một nhân vật đa diện, đời thường nhất bởi chứa đựng các tính cách của một con người.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi trình bày ba bi kịch chính trong cuộc đời Hoạn Thư.

1. Bi kịch về hôn nhân không môn đăng hộ đối

Hoạn Thư là tiểu thư khuê các, xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, cha cô làm đến chức Thư thương Lại bộ:

Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư.

Nguyễn Du giới thiệu rất trân trọng bằng những từ ngữ Hán Việt: “danh gia”, “quan Lại bộ”, “tiểu thư”,… Mặc dù quan Lại bộ Thượng thư không xuất hiện (có thể đã mất), chỉ có quan bà và quan cô lộ diện mà quyền lực vẫn nghiêng một góc trời. Không kể cái cơ ngơi tòa rộng dãy dài, lộng lẫy, nguy nga, bà quan thì ngồi trên giường thất bảo, ban ngày vẫn thắp sáp sáng trưng:

Ngước trông tòa rộng dãy dài,
Thiên quan trủng tể có bài treo trên.
Ban ngày sáp thắp hai bên,
Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà.

Đối với gia đình Hoạn Thư, chính quyền không được động đến, nhà chùa cũng phải sợ, nhà buôn cũng phải nể. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, kể cả đốt nhà, bắt người về hành hạ mà không sợ gì pháp luật. Nhưng Hoạn Thư phải kết duyên với Thúc Sinh, một thư sinh xuất thân trong một gia đình thương gia:

Vốn người huyện Tích, châu Thương,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri.

Tác giả không giới thiệu tường tận về gia thế nhà họ Thúc nhưng qua cách tiêu tiền như nước của chàng, người đọc có thể đoán định được việc kinh doanh, buôn bán của cha con

Thúc Sinh rất phát đạt:

Thúc Sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

Không chỉ thế, Thúc Sinh còn bỏ ra rất nhiều vàng bạc (phải nhiều hơn số tiền “vàng ngoài bốn trăm” mà Tú Bà – Mã Giám Sinh đã bỏ ra mua Kiều) để chuộc Kiều khỏi lầu xanh:

Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
Chiến hòa sắp sẵn hai bài,
Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.
Bắn tin đến mặt Tú Bà,
Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.
Rõ ràng của dẫn tay trao,
Hoàn lương một thiếp, thân vào cửa công.

Dù gia đình Thúc Sinh rất giàu có nhưng xã hội phong kiến coi trọng “danh gia vọng tộc” hơn “đại gia”. Trong xã hội phong kiến Việt Nam tầng lớp thương gia không được coi trọng. Về địa vị xã hội, họ bị xếp ở thang bậc cuối cùng: “Sỹ-nông-công-thương”. Nhiều câu châm ngôn dân gian đã lên án lái buôn: “Mồm cá chép, mép lái buôn”; “Thật thà cũng thể lái trâu” hoặc “Lái buôn nói ngay, bằng thợ cày nói dối”…

Từ thế kỷ XVI, Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục đã lên án bọn thương gia giàu có dùng tiền bạc, mánh khóe xảo quyệt phá hoại hạnh phúc những gia đình lương thiện. Điển hình là thương gia Đỗ Tam (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) đã dùng mưu gian, kế hiểm bắt Trọng Quỳ phải gán vợ trên chiếu bạc.

Ngay trong Truyện Kiều, Mã Giám Sinh đã phải mạo danh là sinh viên Quốc tử giám khi đi mua Kiều: “Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh”. Dù hắn rất kiệm lời và ăn mặc, trang điểm rất kỹ: “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng hành động vô học, không biết lễ nghĩa: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” và bộ mặt con buôn bị lật tẩy:

Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.

Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Bản chất con buôn của hắn tiếp tục bị tác giả vạch mặt khi hắn tính toán chi li trước nàng Kiều thanh tân, xinh đẹp (vừa muốn được thỏa mãn, vừa sợ Tú Bà trừng trị) và cuối cùng chấp nhận “mất một buổi quỳ” để “nước trước bẻ hoa”.

Mặt khác, sau vài ngày tiếp xúc, khi lờ mờ nhận ra bản chất con buôn của Mã Giám Sinh, Kiều vừa căm tức vừa sợ hãi. Nàng đau đớn thổ lộ với cha mẹ:

Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già.
Khi về bỏ vắng trong nhà,
Khi vào dúng dắng, khi ra vội vàng.
Khi ăn khi nói lỡ làng,
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh.
Khác màu kẻ quí người thanh,
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.

Như vậy, trong xã hội phong kiến tầng lớp thương gia không phải là tầng lớp có địa vị xã hội cao sang và không được trọng vọng như tầng lớp quý tộc, quan lại. Cuộc hôn nhân không “môn đăng hộ đối” này chính là bi kịch đầu tiên và là nguyên nhân sâu xa gây ra những bi kịch tiếp theo trong cuộc đời Hoạn Thư.

2. Bi kịch về hạnh phúc gia đình

Hoạn Thư đã phải hạ mình kết hôn cùng Thúc Sinh. Hôn nhân của họ có hôn ước theo đúng lễ giáo phong kiến. Nhưng quan hệ vợ chồng Thúc Sinh – Hoạn Thư không hề bình thường bởi nó bị mối quan hệ mang tính đẳng cấp chi phối. Thúc Sinh chưa bao giờ là một người chồng theo đúng nghĩa. Người vợ quá thông minh, xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc khiến Thúc Sinh trở thành một anh chàng lép vế. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho Hoạn Thư không chiếm giữ được trái tim chồng. Đương nhiên còn một sự đối lập nữa đó là tính cách của cặp đôi này, nếu Thúc “tự do lãng tử”, thì Hoạn Thư lại “ở ăn thì nết cùng hay”, nếu Thúc “bay bổng phóng đãng” thì Hoạn Thư lại là người “lý trí khuôn phép”. Sự đối lập tương phản về tính cách giữa vợ chồng Thúc – Hoạn là nguyên nhân dẫn đến bi kịch cay đắng của Hoạn Thư, đó là nỗi đau của người đàn bà danh giá chẳng những không được chồng yêu mà còn bị phụ bạc.

Cái đau nhất của Hoạn Thư là một tiểu thư con quan Lại bộ đầy quyền thế đã phải hạ mình lấy chàng thư sinh con nhà thương nhân không môn đăng hộ đối mà còn bị chồng phản bội bí mật lấy vợ bé, lại được bố chồng đồng thuận, sống với nhau cả năm trời mà không nói với chị một lời. Chẳng những thế, bên tai chị luôn nghe rì rầm nhỏ to tiếng ong, tiếng ve rằng chồng chị mê vợ bé khiến chị càng thêm căm uất, hờn giận:

Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa.

Chị càng đau đớn hơn khi biết chồng phản bội mà vẫn phải âm thầm chịu đựng. Dù “lửa tâm càng dập càng nồng” song Hoạn Thư vẫn âm thầm nuốt nỗi đau đớn xót xa, nỗi uất hận vào lòng để suy tính thật cặn kẽ, chu đáo nhằm bảo vệ uy tín cho gia đình mình, cho chồng và nhà chồng. Chị nghĩ: “Dại chi chẳng giữ lấy nền/ Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình” và thầm trách Thúc Sinh: “Ví bằng thú thật cùng ta/ Cũng dong kẻ dưới mới là người trên”.

Một mặt, chị bỏ ngoài tai những dư luận về sự phản bội của chồng:

Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.

Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
Mặt khác, chị trừng trị những kẻ mách lẻo tâng công:
Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi trận đùng đùng,
Gớm tay thêu dệt, ra lòng trêu ngươi.
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi.
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.

Bề ngoài, Hoạn Thư vẫn “Ra vào một mực nói cười như không” và phủ nhận những tin đồn: “Chồng tao nào phải như ai/ Điều này hẳn miệng những người thị phi” nhưng trong lòng chị đau như cắt: “Đêm ngày lòng những giận lòng”. Chị đã bộc bạch tất cả nỗi đau bấy lâu phải chịu đựng cho mẹ mình:

Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen.
Nghĩ rằng ngứa ghẻ hờn ghen,
Xấu chàng mà có ai khen cho mình.
Vậy nên ngoảnh mặt làm thinh,
Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.

Sinh ra trong gia đình quyền quý, danh gia, được giáo dục lễ nghĩa phong kiến từ nhỏ, Hoạn Thư hiểu rất rõ các mối quan hệ và các chuẩn mực của lễ giáo phong kiến như: “Tam cương ngũ thường, Tam tòng tứ đức”. Những phẩm chất hàng đầu của người quân tử là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, của người phụ nữ phong kiến là “công, dung, ngôn, hạnh” và của người vợ là “xuất giá tòng phu”. Ngay khi biết chồng phản bội, Hoạn Thư dù rất căm giận: “Lửa tâm càng dập càng nồng/ Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa” nhưng chị vẫn không muốn làm to chuyện mà chấp nhận cho chồng “đèo bồng”:

Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.
Nhưng Thúc Sinh là kẻ nhát gan, sợ vợ, lại nghĩ:
Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
Những là e ấp dùng dằng,
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi.

Thậm chí kể cả khi Hoạn Thư gợi ý, nói gần nói xa, Thúc Sinh vẫn cố tình lảng tránh, không thú thật với chị:

Rằng trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
Thiếp dù bụng chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười.

Vì thế, Hoạn Thư buộc phải dùng thủ đoạn đê tiện, bỉ ổi là bắt cóc Kiều, đày đọa Kiều nhằm trả thù Thúc Sinh. Chị đã “lao tâm khổ tứ” hoạch định mưu lược trả thù:

Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

Tiếp đó, chị nhờ mẹ sai bọn Khuyển, Ưng sang Lâm Tri đốt nhà, bắt Kiều đưa về nhà Hoạn bà. Kiều bị đánh đập, bị ép làm con hầu, đổi tên thành“Hoa nô”, ghép vào hàng tôi tớ trong nhà.

Sau đó, Hoạn Thư bắt Kiều phải hầu rượu, hầu đàn, tạo nên cảnh đối lập giữa vợ chồng Hoạn Thư (chủ nhà) và Thúy Kiều (đứa ở):

Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.

Đòn ghen của Hoạn Thư không ồn ào mà hiệu quả, không đánh vào thể xác mà đánh sâu vào tâm hồn làm cho Kiều vô cùng nhục nhã, đau đớn ê chề. Sau màn hạ nhục đó, cả đêm trường Kiều thổn thức: “Một mình âm ỷ đêm chầy/ Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh”, để mặc cảm về địa vị. Hoạn thư khéo léo phá vỡ dây tơ giữa Thúy Kiều với Thúc sinh, buộc Kiều tự nguyện ra đi:

Xót vì cầm đã bén dây,
Chẳng trăm năm cũng một ngày, duyên ta.
Liệu bài mở cửa cho ra,
Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu!

Thúc Sinh cũng “tự nguyện” cắt đứt tình cảm, rũ sạch trách nhiệm làm chồng với Kiều:

Sinh rằng riêng tưởng bấy lâu,
Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường?
Nữa khi giông tố phũ phàng,
Thiệt riêng đấy, cũng lại càng cực đây.
Liệu mà cao chạy xa bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi!

Cách trả thù này này rất ghê gớm, rất hiệu quả nhưng đó không phải là chủ tâm từ đầu của Hoạn Thư. Chị bất đắc dĩ phải làm điều mình không muốn và không tương xứng với phẩm hạnh, danh giá của tiểu thư khuê các, thuộc dòng họ Hoạn danh gia.

3. Bi kịch về sự sỉ nhục khi cúi đầu xin tha mạng

Từ một tiểu thư khuê các, con quan Lại bộ Thương thư quyền hành nghiêng một góc trời, phút chốc Hoạn Thư trở thành tội phạm, bị quân Từ Hải bắt về hỏi tra. Hơn thế, người ngồi trên ghế quan tòa để luận tội Hoạn thư lúc này lại chính là người cách đây không lâu đã bị chị sai Khuyển, Ưng bắt về làm nô tì (Hoa nô) và bị đày đọa đủ điều.

Hoạn Thư không những bị xếp vào “các tích phạm đồ” để tra hỏi, trừng trị (cùng hạng với Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc bà, Khuyển, Ưng) mà còn bị coi là “chính danh thủ phạm”, tra hỏi đầu tiên:

Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Thoạt đầu, Kiều thực hiện chiến thuật “mèo vờn chuột” để thị uy, khủng bố tinh thần làm cho Hoạn thư “hồn lạc phách xiêu”:

Thoắt trông nàng đã chào thưa,
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?

Tiếp đó, Kiều đã đanh thép luận tội Hoạn Thư tàn nhẫn, độc ác, cay nghiệt có một không hai, gây nên biết bao nỗi oan trái, tủi nhục cho nàng:

Đàn bà dễ có mấy tay?
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều!

Để cứu mạng sống, Hoạn Thư buộc phải “khấu đầu dưới trướng” nhận lỗi lầm “gây việc chông gai” và xin kẻ đã từng bị mình “Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay” khoan dung tha mạng:

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca.
Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng, riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót đà gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Dù được Thúy Kiều tha bổng: Truyền quân lệnh, xuống trướng tiền tha ngay nhưng sự tổn thương về tinh thần, về tâm hồn và lòng tự trọng luôn âm ỉ, nhức nhối, quặn đau trong lòng Hoạn Thư. Ký ức về nỗi sỉ nhục phải cúi đầu, tâng bốc kẻ bị mình coi là nô tỳ, mở rộng lượng hải hà thương xót luôn ùa về, gặm nhấm, dày vò, ám ảnh tâm hồn chị.

Thế giới nhân vật trong Truyện Kiều luôn có nhiều cách đánh giá khác nhau. Thúy Kiều, Thúy Vân, Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư… luôn nhận được những sự đánh giá trái chiều. Nhân vật Hoạn Thư là một trong những nhân vật rất phức tạp, không thể phân định một cách rạch ròi thuộc loại chính diện hay phản diện và cũng là nhân vật thể hiện thái độ phân vân của thi nhân khi miêu tả, đánh giá. Từ trong thai nghén, khi chưa “chào đời” đến nay nhân vật này luôn nhận được những đánh giá trái chiều, có khi rất gay gắt, cực đoan.

Theo chúng tôi, Hoạn Thư của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là nhân vật có những mặt cần phê phán, có những mặt cần được thông cảm. Chị là người chịu nhiều đau khổ về mặt tinh thần. Ba bi kịch đau đớn, tủi nhục, xót xa trong cuộc đời chị là: bi kịch về hôn nhân không môn đăng hộ đối, bi kịch về hạnh phúc gia đình khi bị chồng phản bội và bi kịch về sự sỉ nhục phải “cúi đầu dưới trướng” xin kẻ từng bị mình coi là nô tì tha mạng. Mặc dù, trong hoàn cảnh nào chị cũng chiến thắng (dành lại được chồng trong tay Kiều, chối tội thành công để được tha bổng) nhưng Hoạn thư luôn bị tổn thất về tinh thần.

Từ một con người đạo lí, một nhân vật hành động trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, Nguyễn Du đã lột xác Hoạn Thư thành một nhân vật tâm trạng với đời sống nội tâm phong phú, đa dạng, luôn dằn vặt, ám ảnh với nỗi đau tinh thần.

Nguyễn Công Thanh – Nguyễn Thị Huyền Linh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Như Bình (2012), “Vẻ đẹp của nhân vật Hoạn Thư”, Kỷ yếu Hội thảo về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.
[2] Nguyễn Du (1978), Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội.
[3] Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Đinh Gia Khánh (Chủ biên)-Bùi Duy Tân-Mai Cao Chương (2001), Văn học Việt Nam (Thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Tạ Quang Khôi (2001), “Cái ghen nhân từ của Hoạn thư”,http://www.asia-religion.com.
[6] Đường Mạnh Hùng (2011), “Hoạn thư là nhân vật bản lĩnh nhất trong Truyện Kiều”, http://www.blogtiengviet.hungmanhduong.com.
[7] Nguyễn Đăng Na (Chủ biên)-Đinh Thị Khang-Trần Quang Minh-Nguyễn Phong Nam-Lã Nhâm Thìn (2005), Văn học trung đại Việt Nam, Tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[8] Trần Đình Sử (2004), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[9] Phạm Tuấn Vũ (2014), “Nghĩ về nhân vật Hoạn thư”, Tạp chí Đất Quảng số 3.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm