TIN TỨC

Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
13 lượt xem

Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ

Bùi Việt Mỹ giúp việc cho cả ba vị Chủ tịch đã nói ở trên cho đến năm 2001 mới sang báo Người Hà Nội. Mười năm ấy ông dựng văn phòng thành hình cơ quan trực thuộc Thành phố là cả một quá trình. Nhất là thuở các Hội chuyên ngành mới lập còn chưa đâu vào đâu. Bùi Việt Mỹ đã tham mưu cho lãnh đạo và trực tiếp xắn tay thực hiện làm cho mọi việc dần đi vào quỹ đạo.

 Thế là Bùi Việt Mỹ, được sự đồng ý của Ban Chấp hành, làm cuốn Kỷ yếu Nhà văn Hà Nội năm 1997, Kỷ yếu Nhà Điện ảnh Hà Nội năm 1998, ra sách chuyên đề Thăng Long Văn hiến từ năm 1998 mỗi quý một tập để hưởng ứng cuộc Vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng tới Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là tập chuyên đề đầu tiên ra mắt vì việc này.

Còn nữa, trong khoảng tài chính tự lo, chúng tôi còn ra được tập Hà Nội Thơ tình tuyển chọn. Sau này khi xuống báo Người Hà Nội, Bùi Việt Mỹ còn chủ biên một tập thơ dày đến nghìn trang tuyển các bài thơ viết về Thăng Long – Hà Nội. Khi làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, ông cũng cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra phụ trương Nghệ Thuật Mới rất hay. Không kể ông cùng với đồng nghiệp ở báo dựng tờ Người Hà Nội Điện tử đáp ứng được nhu cầu báo mạng Internet.

Có thể nói, ba mươi năm công tác ở Hội Liên hiệp, Hội Nhà văn Hà Nội và báo Người Hà Nội, nhà thơ Bùi Việt Mỹ  vừa trung thành, vừa dựng giữ cho văn học nghệ thuật Thủ Đô. Ông kiên nhẫn và sáng tạo, nhưng trên cơ sở của hiểu biết và vận dụng. Công việc thì như thế, nhưng là nhà thơ, trên hết vẫn là thơ. Chúng ta cùng đọc thơ ông để thưởng thức và đánh giá “con mắt thi sĩ” của ông khi nhà thơ Bằng Việt nhận xét về thơ Bùi Việt Mỹ.

Thơ Bùi Việt Mỹ, Đầu những năm 1990, là tức cảnh sinh tình. Lúc này, ông mới tiếp cận sự thay đổi. Ta hãy đọc hai bài thơ bộc lộ tài năng thi họa “trong thơ có ảnh” của ông. (Cũng nên chú ý đến hình tượng gió bắt đầu từ đây trong thơ ông).

Vườn nắng

Mưa,

để lại những mặt trời nằm im trên lá

mỗi bận mưa về, đi êm ả,

Nay, mưa vừa đi qua

để lại em và vệt sáng nghiêng ánh mắt

vườn thêm mỡ màng.

Đàn chim nào đã bay ngang

hẹn mùa hoa trái

Cánh gió nào đã dẫn mưa đi, đón mặt trời trở lại

luyện lên mùa màng.

 

Anh ngắm nhìn em lòng xốn xang

một vườn mưa đầy nắng.

1992.

 

Ngày về

Kìa gió láng Đồng già (*)

Ta nhớ lắm

Gió đã nhuộm cuộc chia xa

Vùng nước lợ

Con đê

Một bên lúa

Một bên cửa biển

Nhìn mây trời trong vắt

Gió mang màu nắng xanh.

 

Ta đã mang màu xanh ấy ra đi

Nguỵ trang suốt chiều dài chiến dịch

Giống như trong cổ tích

Gió là thần ta

Tạt khuất lửa thù.

 

Lại đây gió

Để cho lá chim chung chiêng

Thuyền xa bờ

Bồng bềnh

 

Bồng bềnh câu hát

Quyện chặt lấy con đê đồng làng

Gió còn mang màu xanh ấy

Ta muốn hỏi

Làng có ai vẫn mang áo tim ?

 

Lại đây

Thì ra vẫn cơn gió cũ

Vờn ven đê

Bụi nhoá mặt trời

Đầu sóng,đầu gió bạc

 

Thật thế sao

Làm ta kinh hãi vô cùng.

 

Kìa gió

Dẫu ta về muộn

Mọi đổi khác của Đồng Già biến ta thành xa lạ

Nhưng đó là cái vươn xa

Của chính quê hương so với đời người.

 

Dẫn ta đoạn đường

Gió vượt sóng mà bay lên

Để bất cứ cuộc sống nào

Cũng đi qua đây.

Trà linh, 1992.

 

Thời gian sau, mảng thế sự công dân chiếm vị trí quan trọng và bền chặt trong thơ ông.

Hình dung

Khép cửa, biết mai rồi lạnh tới
Một mình dịu vợi nỗi đua chen
Nhìn chân chiều thấy trời vỡ ối
Đông thế mà sao chẳng lắm người.

 

Khối đá quý ở Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử

Giời đặt một con ngươi mắt mình
Hòng thu phục nhân gian.

6/2007

Hai bài này chủ ý rõ ràng. Riêng Người về phố bán dao thì ẩn ý. Cái thời kỳ có nhiều u nhọt, sâu bệnh xã hội, lại tập trung nhiều ở phố phường, nhức mắt, mà không làm gì được. Mà có công cụ đấy “Những con dao khoe sáng trước bàn tay”, “Dao thì sắc nhưng không chặt được”, nên đành “Anh tiếc cho mình đem dao sắc bán rao.”.

Người về phố bán dao

Chẳng nặng gì mà đè lệch vai
Đôi chân bằng mà anh đi tập tễnh
Suốt ngày mỉm cười với mọi người, không chán
Vai vẫn không nhẹ vơi.
Cả thành phố lúc nào cũng rậm lời
Anh không thấy tấc vỉa hè nào dành cho mình cả
Nếu có một khách hàng (chỉ là nấn ná)
Anh nén dừng trong tư thế đi ngay.

Những con dao khoe sáng trước bàn tay
Còn người khách ném vài câu gầy guộc:
Dao thì sắc nhưng không chặt được
Nào đoán trông sự cần lao lết bước.

Ôi, cao thấp gì đâu, đồng quà, bát nước
Anh tiếc cho mình đem dao sắc bán rao.

 

Cái bàn chân đi trên cát để lại dấu chân. Dấu chân sâu đọng nước biển in cả sắc trời. Chỉ là dấu chân của cá thể thôi cũng là một riêng tư đấy. Vẻ đẹp của sự nông nổi thăng hoa đến Dã tràng trên cát  của động thái anh hùng so với các nguyên mộc em cứ dẵm gót hồng trên cát bạc tạo liên tưởng em để lại vũng nước sắc trời hơn xa sóng vờn mặn nhạt.  Ý tứ bài thơ vượt qua chuẩn thông thường.

Cuộc sống được gắn kết bởi những sự việc rời rạc

 Gửi Hiền

 

Những động thái anh hùng là vẻ đẹp của sự nông nổi thăng hoa

Chúng đi suốt cả quãng đời thuần khiết

Dẫu biết mai đây

Chẳng bao giờ ai biết

Và kia rồi biền biệt chia xa.

Có thể,

Cứ như thế kia

Chẳng ai xây nhiều những ngôi nhà

Bằng Dã tràng trên cát

Chỉ một chúng với sóng vờn mặn nhạt

Kẻ vun,

Người dỡ

Suốt chiều dài năm tháng đã ưa nhau.

Đấy như là cuộc sống

Em cứ dẵm gót hồng trên cát bạc

Sẽ chẳng có sự thật nào hơn thế được đâu

 

Những vệt màu đuổi nhau

Vô tư và nhàu nhĩ đến ngộ nghĩnh

Nhưng đấy là khởi nguyên vẻ đẹp muôn loài.

Hãy cứ để dại khờ quen bước đi trống trải

Vết trũng nước dấu chân thường in đậm sắc trời.

1/2010

Trong các tác phẩm: Vườn nắng – 1992, Chuyển khúc – 1997, Ngoại ô mùa nắng – 2002, Giữa hai chiều thời gian – 2006, Những luống cày vắng mùa – 2010. Bùi Việt Mỹ, với con mắt nhìn thi sỹ, dạo bước ngoại thành với cảm hứng du tản lãng mạn. Vào thơ ông, vệt ngoại thành trở thành một đóng góp dấu ấn biểu tượng hiện thực của thơ ca Hà Nội.

Đấy là vào khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Tôi còn nhớ trong một chương trình văn nghệ trên VTV3 do nhà thơ Vũ Quần Phương dẫn, Bùi Việt Mỹ, cũng như chúng tôi vẫn nặng lòng với dòng sông Trà Lý quê nhà, dù lúc ấy, ông ở Hà Nội đã hai mươi năm có lẻ. Rồi như bắt được vàng, ông có những bài viết về chợ Dâu, về vườn dâu Mai Lĩnh, về phía Đông Anh, Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh,…

Phượng vàng

Lại gặp nữa một mùa hạ trắng
Ve chơi vơi rơi cánh phượng vàng
Tôi lạc nhìn theo lối rẽ ngang
Bởi chợt nhớ, nghẹn đến nhàu vệt cỏ.

Hẳn đến muộn em không còn đứng đó
Trưa tan dần về xa tít cơn mưa
Ngọn gió đùa, tiếng ve thành hai nửa
Hát theo mùa nên lạc chút riêng tư.

Vệt cỏ nhàu lặng dấu gót chân ư?
Tôi đến muộn, đâu phải em không đến
Vịn vào câu thơ tránh nỗi buồn da diết
Đứng bóng rồi, trơ cánh phượng bơ vơ. 


Trở về Ngoại thành, câu thơ Bùi Việt Mỹ mềm mại hẳn đi. Và chỉ ở đây câu chuyện tình mới đọng sâu nỗi nhớ. Đó là gợi ý mỹ học.

Ngày

Con
 Bận bịu với chùm bóng bay
Để ngày nằm ì trên lưng cỏ
Diều đứt dây ngả nghiêng tai thỏ
Trâu no tròn cười bâng quơ,

Trời giật mình sau mơ
Bóng râm quẹt vào lần ngủ gật
Mấy tiết học bức tranh gà nhem bẩn
Kim giờ vẫn trơ trơ.

Tôi 
Vừa sang chợ về

 

Mặt trời đánh vèo qua đê, bóng nước
Chưa kịp khô vết bước
Nắng  xuyên lẹm gót chân,

Còn lại đây dấu vết mùa xuân
Rét dai, mạ già, cấy lại
Cũng chưa kịp gặt hái
Tóc đã hoa râm.

 

Vừa ngả lưng, cặp mắt cay nồng
Ngoài hiên đã nghe rì rầm
Ông, bà ngước sương, sao:
Đêm nay nhiều sao
Ngày mai còn nắng.

 

Nhớ những năm 1960, nông thôn miền Bắc là của Anh Chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông “Anh dơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh/…/Bên này kho thóc , nhà chăn nuôi/…”, của Tố Hữu với “Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn/ Màu áo mới nâu non nắng chói/…”, nhất là “Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung/ Người hợp tác nên lúa dầy thêm đó”; Thì ta chỉ thấy tập thể, đâu thấy cá nhân, nhất là chuyện tình. Bây giờ, làng tuy vẫn còn hương ước. Cờ đỏ vẫn thiêng liêng biểu tượng. Nhưng làng giờ cũng là của riêng tư. Đất giờ không tập thể hóa theo kế hoạch cấp trên nữa, mà của nông dân. Cô gái trong thơ Bùi Việt Mỹ là nhân vật trữ tình của thơ. “tiếng hát vắt qua cánh đồng còn vương mãi nhịp chèo”. “Tôi vội lọc hơi thở sâu từ lúc giao mùa/ ngoại thành của xưa nhường chỗ cho phố về gõ cửa/ có sự đổi trao nào làm hạn hẹp bờ sương.”.

Như vậy, Ngoại thành của Bùi Việt Mỹ là của khoảng 15 năm từ 1990 trở đi. Cái Ngoại thành ấy vẫn đẹp, nhưng không đứng yên như một bức tranh tĩnh mặc cổ điển cây đa giếng nước con đò, cũng không của chung tất cả thời “Đời trẻ lại tất cả đều cách mạng” (Bài ca mùa xuân 1961) nữa. Đây là thời điểm của cuộc chuyển giao. Mười năm sau, những gì là cảm hứng cho thơ Bùi Việt Mỹ đã thay đổi chóng mặt, thậm chí biến mất, khi ở nông thôn “tấc đất tấc vàng” hiểu theo nguyên nghĩa. Cho nên, Làng hiện sinh là bức họa được trân trọng lưu niệm.


Làng hiện sinh

Bờ sương và những cây số dài,
                 em theo chiều cây lúa nước
tiếng hát vắt qua cánh đồng còn
                            vương mãi nhịp chèo
của Ô-diên, đoạn sông nhỏ bâng quơ
                                    bờ bãi tự xa xưa
mượn cây cầu nối về miền vó ngựa  
                                          Trưng vương
Rộn rã, rạo rực chung chiêng sắc màu
sau phía cuối làng, ngõ về không dừng lại
áo em phơi từ góc thu sang
vội vã cánh gió lui tàn, ngọn tường vi rũ áo
đặt chiếc xương cá lên mái chùa cổ tích
và em lớn lên qua kỳ ngủ đông.

Bỗng chốc mưa rộng, dài thong thả rắc như không hạn định
làng hiện sinh từ những giọt mưa ấm áp
trong không gian Ô-diên, tiếng sáo nghẹn đục vượt lên
đoản khúc ngàn thu
trong mây mưa chùng rắc những vạt tép lên bụng sông Đáy.
Tôi vội lọc hơi thở sâu từ lúc giao mùa
ngoại thành của xưa nhường chỗ cho phố về gõ cửa
có sự đổi trao nào làm hạn hẹp bờ sương.

Bức tranh này, ta còn thấy ở tứ bình ngoại ô. Cái thể lục bát thân thuộc được Bùi Việt Mỹ dùng làm phông bút vẽ lên cái khung cảnh bản sơ, không biết thời nào, còn trong tâm tưởng.

Ngoại ô

 

1.Bố cục

Nhành xanh chắn một khoảng trời

Vờn mây hút gió thảnh thơi bóng tà

Cung đường thoăn thoắt vào xa

Gót mòn thôn nữ, nếp nhà nguyên sơ.

 

2.Gió

Xạc xào lá hát vườn thơ

Nhẹ đưa vào ánh trăng mờ nao nao

Vừa khô vệt mái mưa rào

Lạnh lùng khuya đã rắc vào thềm xương.

 

3. Mưa

Mây vừa thả sấm đầu đường

Mở cờ ngọn lúa mười phương vỗ về

Tắm mình chim chóc thoả thuê

Phây phây ngực áo non thề phôi phai.

 

4. Nắng

Vàng loang cả vệt rộng dài

Ném vào mất hút một vài cánh chim

Bờ ao mây, cá trốn tìm

Dưới hoa khoe sắc ai nhìn mặc ai.

Bức tranh ấy treo ở trong tâm. Bước vào đời thực, nhà thơ không thoát ngoài thơ, nhưng ông tin tưởng. “Cây cầu mới vút lao tầm xa rộng, /Bỏ lại dòng trôi lận đận thác ghềnh.

Viết ngày giao mùa


 Vẫn là những chiều về cuối phố
Bao vui buồn chen lẫn tháng, năm
Mấy bạn già nhưng không bụi bặm
Vài quyền thơ mời gọi bạn bầu.

Từ bĩ vận chẳng đâu vào đâu
Mà vui đến nhĩ nhàu khóe mắt
Tứ họa thế thời, chênh chao trước mặt
Ngữ nghĩa gụi gần thoắt hóa xa xăm.

 

Ngày vượt cạn mang xuân vắt qua năm
Lời hát cũ nguyên trong mình sức mới
Chỉ mái đầu không còn xanh màu tuổi
Và miệng cười vơi cạn đến nôm na.

 

Bao ghềnh thác của một thời đã qua
Đem gửi nhớ, gửi quên vào cõi sống
Cây cầu mới vút lao tầm xa rộng,
Bỏ lại dòng trôi lận đận thác ghềnh.

12/2015

Dù ngoại thành gần ta lắm, gần đến độ cứ qua cầu là đã bên kia sông Hồng dậy hương lúa chín. Nhưng nhiều khi những cái gần gụi thành thân thuộc lại làm ta cứ lãng quên đi dù lòng ta không cố ý. Giá cứ ồn ào nội đô chói ngời màu sắc hay xa lắc, xa lơ một miền quê vùng châu thổ có khi lại khơi dậy trong ta những cái gì mãnh liệt.

Ở cánh đồng giao mùa

Em mải mê với cọng gió khô cánh đồng tháng Mười

Ngọn khói chảy dài về phía bờ tre thong thả trút lá

Những ô, thửa tự xa xa vẫn điềm nhiên chia cắt không gian

Làm dấu vết Ngoại thành xa phố

 

Như chợt nhớ đã qua mùa thi cuối cùng cởi mở

Những cọng gió vàng bắt đầu lẩn quất

Trời xà xuống, đám hạt vương lấm tấm rắc rây mưa

Em một mình cài bông hồng cuối đông, hơi thở ấm nức chật khuy áo

Gót xuân thánh thót in vào làng xa.

Dĩ nhiên, ba mươi năm đã qua, làng xưa nên phường, huyện xưa thành quận. Thơ hóa ra như địa chí một thời.

Cho nên, một ngày vùng ngoại thành Hà Nội đọng vào ta một vệt sáng qua thơ Bùi Việt Mỹ với những lời ẩn hiện bâng khuâng:

Thấp thoáng nắng nắng la đà vờn khô lối cỏ

Ráng chiều xa tim típ cánh chim trời.

(Chiều ngoại ô)

Ừ nhỉ, cái lối cỏ có gì lạ đâu; cánh chim trời có gì lạ đâu mà tim típ chiều xa, mà vờn nắng la đà, mà như quen như lạ. Vậy nên, khi:

Em khép cửa để Ngoại ô mình thay áo mới

Có gì đâu mà ngày cứ vội

Hạt đã khô giòn còn nỗi nhớ vẫn tươi nguyên. (Chiều ngoại ô)

Thì sự níu kéo ta lại chính là em rồi. ở đây, cái gắn kết giữa hạt thóc, mà nhớ lại là hạt khô giòn tức ta có thể cất vào kho, nhưng cái nỗi nhớ vẫn tươi nguyên ấy ai mà cho vào kho được. Chao, cái ngoại ô hoá ra còn thơ hơn cả người thơ ấy chứ.

Thơ đưa ta ra phía xa thành phố để ta còn ngắm dòng sông, để:

Xin dặn này thêm nữa sông ơi !

Đừng ngước mắt chạnh lòng ta đấy nhé.

 Để một:

Chút se lạnh hàng cây nườm nượp gió

Bánh thời gian mòn vẹt vết ngoại thành

Ngày tháng ba có cái gì chập chững

Cả bầu trời tung hứng rắc ngang cây.

(Phía xa thành phố)

Bùi Việt Mỹ tìm vệt ngoại thành trong thể thơ tự do có vần. Ở thơ ông, ảnh và nhạc cứ đan quyện vào nhau thành đoạn phim có âm thanh

và màu sắc. Có một vài bài gây tác động mạnh về sự phát triển của Thủ đô mà điểm dừng là “Khoảnh khắc Thành phố”. Song, thành công nhất vẫn là mảng rộng của nắng gió vườn ngoại ô. Mảng này được tạo bởi sự quan sát, tư duy của những lần đi đi, lại lại thời gian làm cho sức anh mòn vẹt đi. Và dù vậy thì:

Sớm sớm

Tôi chở em từ ngoại thành vào thành phố/

 Vai áo gầy lấm tấm bờ sương xuân

(Phố sớm)

Và đáng yêu hơn ở một chút vụng về mùa:

Và bụi mưa vây rối mặt trời lên

Nặng màu phù sa, con đường dải lụa

Có một điều rất lạ là khi ra ngoại thành thường ta đi dọc triền đê. Triền đê ấy có cỏ may, hoa dại nhưng không phải là ấn tượng ban đầu bởi từ lâu những điều ấy đã ở trong thơ rồi. Nhưng một lần nữa, ngoại thành thật đẹp:

Nơi ấy lúa và triền đê gặp nhau dưới tiếng sấm đầu mùa

Mưa từng hạt như tép rắc đầy mặt nước

Con đê trườn như con rắn khổng lồ đuổi theo vệt mương

Trời xuống thấp dần không hẹn trước khi nào mưa chấm dứt.

(Mùa trước mùa sau)

Câu thơ trải ra như muốn vượt khuôn khổ của thơ tự do nhưng vẫn chưa sang địa hạt thơ văn xuôi. Có lẽ ở đây dù ngôn từ nghe hơi khúc khắc nhưng nhịp thơ chưa đến nỗi thành một liên khúc vì hình ảnh trong thơ làm ta chấp nhận được. Đứng trước hội làng, Bùi Việt Mỹ thấy:

 Chen chen kim cổ rộn ràng

Ngoại ô mới để hội làng thêm xưa

Còn nguyên điệu đón lời đưa

Câu thơ đổi khúc, hạt mưa chuyển mùa

(Làng mới ngoại ô)

Đối ý rất chặt, cách thể hiện quan hệ giữa kim cổ bằng điệp ngữ chen chen là đắt, gợi nhiều hơn tả.

Tôi muốn dừng một chút ở bài thơ được giải cuộc thi thơ 1999 - 2000 do báo Người Hà Nội tổ chức: Tản mạn ngoại thành.

Ở ngoại thành hầu như nơi nào cũng thả diều, điều mà ở nội thành những bạn cùng trang lứa khó làm được. Chúng ta hãy cùng thử tưởng tượng các giới hạn ước lệ về đường biên ngoại thành. Nơi ấy thật lạ. Cái khoảng không gian rộng lớn lại được buộc vào bờ cỏ bằng dây diều, còn thời gian hạn hẹp lại được thả buông ra với cách lý giải độc đáo:

Lẫn mây trời cánh diều đứng gió

Những sợi dây căng dài níu không gian vào bờ cỏ

Đàn trâu no tròn

Tung tăng trẻ nhỏ

vào bờ cỏ

Thả buông thời gian.

Cũng là nơi:

Mưa cuối cơn chia đoạn đường làm hai nửa

Bên kia,em lỡ bữa

Bên này chờ, tím thẫm hoa mua

Rồi gắn cái ước lệ ấy vào với bóng chiều:

Con đường từ Thành phố đi về đâu không ai biết

Chiều rạn chân chim, cầu Đôi soi mình mải miết

 Những cái bóng giống nhau y hệt

Cầu mong sao cho những em gái của ta, ở xứ cầu Đôi, ở vệt ngoại thành đừng giống nhau y hệt, cũng đừng lỡ bữa; cầu mong sao cho con đường bây giờ đừng chia làm hai nửa, dù có cái gì như lá rơi rơi.

Khoảng giá nắng

Ta vẫn nghe thấy những điều gió hát 

Mà chưa nhận ra người gió bao giờ

 Có thể gió còng như thân tre

 Ngày đốn dưới bão giông, xóc gù gánh lúa 

Có thể gió tròn như vỏ ốc

Ngày cát xoáy trơ gốc rạ ven sông.

 

Thì vẫn hòa chung cái nắng oi nồng 

Nhưng chưa thấy nắng hiện thân củi lửa 

Có thể nắng hình cánh núi cong vênh 

Ngày chiếc bi-đông khát khô vòng trận mạc

Có thể nắng tròn như cái mũ

Ngày sốt cao, con vẫn đội tới trường.

 

Ta đâu nhận ra điều bất bình thường

Cứ lăn lộn, gửi tin vào nắng, gió

 Rồi không gian già nua, rạc rời lối phố

Khoảng mưu sinh hụt hẫng bước chân mình.

 

Rồi cũng có một ngày, cái cũ không thể như trước được nữa. Ngày ấy, cái mới, sau một thời gian dài ngắn ấp ủ, đã tiếp bước ra đời, thường là một hợp lý tồn tại tiến bộ hơn. Nông thôn đô thị hóa, nông nghiệp hiện đại hóa, nông dân công nhân hóa. Tất cả các giá trị cũ đều đổi thay theo hướng thị trường. Bùi Việt Mỹ không còn chậm rãi cùng em gái Ngoại thành chở hoa, chở rau, chở lúa, chở nắng về làng. Ông ngồi trên tốc độ thời đại mà đi trên đường Láng – Sơn Tây để tiếp nhận sự thay đổi. Nhưng ông không bắt đầu bằng những cao ốc rực rỡ ánh đèn, mà từ những bàn tay xây dựng, từ cô gái hái nho về thả leo phố cổ. (nho chứ không phải lúa nhé – ý thơ đã khác thời xa).

Khoảnh khắc thành phố

Không có ngọn gió nào

Xe chạy căng xuôi, ngược Láng - Sơn Tây

Nhấp nhoá mặt đường nắng đổ

Lưa thưa cây

Cạn lòng sông Đáy.

Thành phố mới bắt đầu từ đây

Những thợ cầu đường đã quen xếp găng tay

Lặng thinh quẹt mồ hôi trán,

Vẫn kịp nhặt chùm nho em bày bán.

Để lại sự sống tràn ra lẫn trong bụi bặm,

Có thể họ mệt lắm

Nên đường chưa có tên.

 

Thành phố nhằm hướng núi vượt lên

Đón rừng, đón nước và đón gió

Em đã mang chùm nho về thả leo phố cổ

Tôi ngược xe với hành trang nho nhỏ

Mặc nắng tấp vào trang sử,

Làng văn hoá đượm vàng.

 

Thành phố tám hướng đường, bốn vòng xoay ngang

 

Giống như tay lái tàu đóng đinh

Xoè cánh mặt trời lấp lánh.

Tôi bơi trong thênh thang

Mắt ngút tầm xa

Gọi tất cả lại gần.

Không phải ngẫu nhiên, mà bằng tài năng, thơ Bùi việt Mỹ đã được độc giả đón nhận. Ông cũng được Giải thưởng Cuộc thi thơ báo Người Hà Nội 2000 – 2001; Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam. Tôi, và chúng ta, cùng Bùi Việt Mỹ, “bơi trong thênh thang”, không phải là con đường “rộng thênh thang tám thước”, mà là “mắt ngút tầm xa” để “Gọi tất cả lại gần”.

 

Hà Nội, tháng 10/2024.

B.V.K

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm