TIN TỨC
  • Truyện
  • Đôi giày của Tấm/ Phương Chân

Đôi giày của Tấm/ Phương Chân

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1275 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

PHƯƠNG CHÂN

Vào thời các vua Hùng, nước ta còn nguyên sơ nhưng an lạc, có gia đình Tấm, sống ở làng Cổ Chu. Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Tấm mất sớm, bố Tấm đi bước nữa với em gái của vợ, là mẹ Cám bây giờ. Ngày ấy, người Việt đậm nét mẫu hệ, mẹ Cám lấy bố Tấm theo tục nối dây. Người chồng sẽ tiếp tục hôn phối với chị hoặc em gái của người vợ đã mất.

Ngày bố mất. Phút lâm chung, bố vẫn không nhìn mẹ Cám mà nhìn Tấm, như nhìn mẹ Tấm ngày xưa: “Giờ bố về với mẹ con đây!”. Đôi mắt bố lặng đi, nhìn về khoảng xa xăm nào đó rồi nhắm lại.

- Ô hay, cuối cùng ông vẫn chọn về bên chị ấy, còn mình phải nuôi con của bọn họ sao?

 Mẹ Cám vô cùng bất nhẫn, bao căm hận đều đổ lên đầu Tấm. Tấm càng lớn càng xinh đẹp, càng giống mẹ ngày xưa, nhưng càng đơn côi và vất vả. Tấm chưa bao giờ được mặc đồ mới và đi giày. Tuy rằng người Việt lúc ấy không có thói quen mang giày, nhưng họ vẫn mang vào các dịp lễ hội.

Tấm không hề có giày. Hằng ngày, cũng như bao nông dân vất vả ngoài đồng ruộng, Tấm đi chân đất, lúc cấy lúa hay lúc bê vác nặng trên sình lầy trơn trợt, phải dùng lực bấm các ngón chân xuống đất để bước đi được vững vàng hơn. Vì vậy, bàn chân của người Việt xưa luôn to rộng, ngón cái vững chắc và hướng ra ngoài, các ngón chân xòe ra để diện tích mặt bám trên đất được rộng hơn. Dì chưa bao giờ cho Tấm may giày, tất nhiên Tấm chưa bao giờ được đi trẩy hội. Mà Tấm có may giày, cũng thật khó khăn. Bởi các ngón chân của Tấm, nhất là ngón cái cứ xòe rộng ra, đến nỗi khi hai bàn chân để song song, hai ngón cái chụm đầu vào, giao lưu trò chuyện.

Chân Tấm rất xấu, nhưng giọng Tấm khá hay, nhẹ nhàng, thánh thót như tiếng chim, nghe vào êm dịu lòng người. Thậm chí khi Tấm khóc, tiếng khóc như nhung lụa, đem mềm mại cuốn vào nơi sâu nhất trong tâm hồn người đối diện.

Một hôm, dì bảo hai chị em thi bắt cá để thưởng yếm thắm. Cũng đến lúc con gái cần yếm thắm của mẹ để chuẩn bị chọn chồng. Dì chỉ có một cái duy nhất. Cả buổi chiều hôm đó, Tấm lặn hụp, bắt tôm cá đầy cả giỏ. Cám lừa Tấm lặn xuống sông gội sạch đầu, để cướp hết cá về nhà lĩnh thưởng. Giỏ cá không còn một con. Tấm cười cay đắng, rõ ràng, dì chỉ muốn cho Cám yếm thắm thôi, Tấm chợt rất nhớ bố mẹ.

Ánh chiều lay nhẹ theo gợn sóng lăn tăn. Tấm thấy mình như bọt sóng, người ta thường chỉ nhìn theo con sóng, chứ có mấy ai để ý tới bọt sóng mong manh như Tấm đâu. Tấm bật khóc. Tiếng khóc thút thít như làn sóng nhẹ vang vào tai Bụt. Bụt hiện lên hỏi: “Làm sao con khóc?”. Tấm ngơ ngác nhìn Bụt, đôi mắt tròn xoe thổn thức, giọt nước mắt còn đọng dưới mi, long lanh như hạt ngọc, khiến Bụt ngạc nhiên nheo mắt nhìn. Tấm kể lại sự tình, Bụt cười ha hả: “Thôi, con đừng khóc nữa, con hãy nuôi con cá bống còn lại trong giỏ nhé!”.

Bụt xoay người biến mất. Tấm vô cùng ngạc nhiên khi cái giỏ trống giờ có thêm cá bống nho nhỏ. Tấm đem cá về nuôi ở giếng nước bên nhà. Hằng ngày, Tấm hát bài “Bống bống bang bang” và cho cá ăn. Cá mỗi ngày mỗi lớn, Tấm mỗi ngày mỗi vui.

Một hôm, mẹ con Cám phát hiện ra cá bống nên lừa Tấm qua làng bên chăn trâu. Ở nhà họ hát gọi bống lên và bắt bống ăn thịt, xương quăng ra hố rác rồi lấp đất lại.

Tấm dắt trâu ra đồi nhỏ bên đường làng. Tấm để trâu ăn cỏ, còn mình ngồi cạnh những khóm hoa, nhìn trời, nhớ bố mẹ, mông lung cất tiếng hát. Tiếng ca êm ái mang nỗi niềm của cô gái mồ côi, theo gió lướt qua từng tán lá, khơi dậy lòng hiếu kỳ của một nhóm người đang ngồi nghỉ bên đường.

   “Ai đi gió lá chợt dừng

Sao khuya chợt lẻ, vạt rừng chợt im

   Ai đi để lại trong tim

Niềm thương chẳng cạn, ai tìm ai đây?

   Còn ai trơ trọi trời mây

Gàu buông nước chảy, lọt tay… ngỡ ngàng!”

Trong nhóm người bên đường, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, nghe tiếng hát mà trầm ngâm. Lời ca của Tấm vừa dứt, chàng trai cũng đứng lên, trầm ấm cất lời đối lại:

   “Ai đi, ai có phụ người

Sao khuya đâu lẻ, vẫn cười với trăng

   Rừng đêm vọng tiếng nói năng

Nghe từ nhịp thở, nhớ giăng mây trời

   Gàu buông, tay vẫn không rời

Nước yêu thương chảy, biển đời… mặn thêm!”

Tấm vô cùng ngạc nhiên nhỏm dậy, nhìn về nơi vang lên tiếng hát. Bài ca này xưa nay chỉ mình Tấm hát, chỉ mình Tấm nghe, giờ đây nó được đón nhận. Sự trải lòng của Tấm như tìm được bến đỗ. Nhưng người đó là ai?

Tấm nhìn người dưới chân đồi, người ấy cũng ngước nhìn Tấm. Trong khoảnh khắc dừng lại, cảm xúc như đọng về. Tấm vội vã gọi trâu. Xuống đến chân đồi, rẽ vào đường làng của mình, Tấm lướt qua người khách lạ.

- Cô gái, xin hỏi đường này vào làng Cổ Chu phải không?

- Vâng, đúng rồi!

- Cô cũng về làng Cổ Chu à?

- Vâng, đúng rồi!

- Vậy chúng ta đi cùng đường!

- Ờ… đúng rồi!

Thế là, Tấm dắt trâu đi trước. Con trâu ngoan ngoãn ve vẫy đuôi. Nhóm người của chàng trai đủng đỉnh theo sau. Chiều chưa tắt nắng, gió nhè nhẹ lay động hai vạt cỏ bên đường. Đột nhiên, tiếng hát của chàng trai phía sau vang lên:

      “Nắng xuân sáng cỏ đôi bờ

Bước chân phía trước có chờ người không?”

Tấm chợt dừng chân, rồi hấp tấp bước đi. Một lúc sau, giọng nhẹ nhàng của Tấm vang lên đáp lại:

   “Bước chân vốn đã chậm rồi

Nếu còn chậm nữa… nắng trôi, cỏ cười!”

Tấm nghe như có tiếng cười khe khẽ nhẹ nhàng ở phía sau. Tấm thấy như có gì rụt rịt trong lòng, muốn quay đầu nhìn lại nhưng mắt cứ nhìn mấy ngón chân đang xòe ra, càng nhìn, đầu càng cúi thấp. Chẳng mấy chốc mà tới cửa ngõ nhà mình. Đường về hôm nay nhanh thật! Tấm chầm chầm dừng lại, con trâu phẩy đuôi dừng lại, nhóm người phía sau cũng ngập ngừng dừng lại. Tấm hít một hơi thật sâu, quay lại nhìn. Ánh mắt của người đối diện thật dịu dàng. Người ấy mỉm cười, từ tốn nhìn Tấm, nói từng lời:

     “Nếu chân đã chịu chờ người

Tháng Giêng, rằm tới, đợi người bến sông!”

Rằm tháng Giêng là lễ hội đua thuyền. Bến sông rộn ràng, trẩy hội xem thuyền là cái lẽ thứ nhất, hẹn hò trao duyên chính là cái lẽ thứ hai. Người ấy muốn hẹn với mình? Tấm ngạc nhiên bối rối, hết nhìn khách lạ rồi quay qua nhìn con trâu. Tấm mất tự nhiên, ngẫm nghĩ giây lát, nhìn vào nụ cười còn ngưng đọng trên khóe môi người ấy rồi nhẹ gật đầu, bẽn lẽn nói:

   “Xưa nay chưa đến hội nào

Lần này nếu đến… cũng trao… chút tình!”

Nói xong, Tấm cúi đầu, quay mặt đi, vội vã kéo trâu nhanh chóng vào trong. Chàng trai cùng nhóm người lưu luyến nhìn rồi tiếp tục bước đi. Xa xa trên đường làng rợp bóng, tiếng bước chân trầm ổn hòa lẫn tiếng trò chuyện mơ hồ.

Tấm về nhà, cảm thấy tay chân thật dư thừa, ăn cơm mà như có ánh mắt của ai đó ở xa kia nhìn mình, gắp rau cũng rớt lên rớt xuống. Chiều nay, Tấm cho cá bống ăn hơi muộn. Tấm hát Bống bống bang bang rồi nhìn trời kể cho bống nghe chuyện gặp gỡ hôm nay của mình. Ngồi bên thành giếng, Tấm đung đưa chân, cọ cọ hai ngón chân cái vào nhau. Bỗng Tấm chợt dừng lại, sao không nghe tiếng quẫy nước quen thuộc của bống? Tấm hốt hoảng gọi. Không thấy bống, chỉ thấy cục máu nhỏ xíu nổi lên, đỏ tươi nhuộm màu mắt Tấm. Tấm đau đớn ôm mặt khóc: “Bống ơi!”.

Bụt nhanh chóng hiện ra hỏi: “Làm sao con khóc?”. Tấm kể lại sự tình. Bụt cười nói: “Thôi, con đừng khóc nữa! Con hãy tìm xương bống mà bỏ vào bốn cái chum rồi chôn ở đầu giường của con. Sau này có sẽ có việc cần dùng đến”. Nói xong, Bụt xoay người rồi biến mất.

Tấm làm theo lời Bụt dạy, đi tìm xương cá bống, nhưng tìm hoài không thấy, Tấm buồn bã rơm rớm nước mắt. Con gà mái thấy vậy, vội cục cục mấy tiếng: “Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho!”. Tấm cho gà nắm thóc. Gà ăn xong liền ra sau hè, tìm chỗ đất trống bới lên, trong hố có rất nhiều xương cá, Tấm không thể nhìn ra đâu là xương cá bống của mình: “Gà ơi, gà có biết xương nào là xương cá bống không?”. Con gà đi qua chỗ khác, tiếp tục bới đất: “Cục ta cục tác, ta chỉ ăn thóc, nào biết xương ai!”.

Tấm ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi tiếp: “Làm sao con khóc?”. Sau khi biết sự tình, Bụt cười: “Thôi, con cứ khóc nữa đi! Để nước mắt của con rơi trên đám xương này. Xương nào gặp nước mắt mà sáng lên thì đó là xương cá bống”. Tấm nhìn Bụt, nước mắt vẫn chảy dài, nghi ngờ hỏi: “Bụt ơi, sao Bụt biết cách này vậy?”.

- Ta là Bụt mà! Cá bống là ta nhìn thấy nước mắt ngày trước của con đẹp quá nên lấy một giọt mà biến thành nó đấy! Giờ cho nước mắt chúng nó gặp nhau, thì chúng nó sẽ mừng rỡ mà sáng xương lên thôi!

Tấm làm theo lời Bụt, tìm được xương cá bống, chôn dưới bốn chân giường. Ngày qua ngày, Tấm vẫn vất vả như xưa, nhưng Tấm cười nhiều hơn, tiếng hát ngày càng mượt mà hơn. Mấy chốc mà đến ngày hội, Tấm xin dì đi hội. Dì nén bực tức, tỏ ra rộng lượng nhìn Tấm: “Con lớn rồi, cũng nên đi hội mà dòm ngó chọn chồng. Nhưng việc nhà vẫn còn, con cố gắng nhặt thúng gạo này cho xong rồi hãy đi nhé!”.

Tấm nhìn cái thúng, thóc vàng ươm át cả màu trắng của gạo. Thế này thì nhặt đến bao giờ mới xong? Dẫu có nhặt xong thì hội cũng tan rồi. Chàng có kiên nhẫn chờ mình không? Hay là chàng cho rằng mình đã tìm bến khác? Nghĩ đến đây, Tấm gục đầu khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi: “Làm sao con khóc?”. Tấm kể lại sự tình. Bụt vuốt râu cười: “Con yên tâm, thúng gạo này để ta lo. Còn con hãy đào 4 cái chum dưới chân giường lên đi!”.

Tấm nghe lời Bụt đi đào 4 cái chum. Chum thứ nhất đổ ra quần áo đẹp. Chum thứ hai đổ ra đôi giày thêu xinh xắn. Chum thứ ba đổ ra chiếc thuyền độc mộc nhỏ xíu được đẽo khắc tinh tế. Chum thứ tư đổ ra mái chèo nhỏ nhắn như con thuyền. Tấm đi ra sân tìm Bụt. Kỳ lạ thay, gạo đã được chim sẻ nhặt xong, còn ông Bụt hài lòng vuốt râu cười.

Tấm mừng rỡ vào trong thay quần áo. Một lúc sau, trong nhà vọng ra tiếng Tấm khóc. Bụt tiếp tục vuốt râu hỏi: “Làm sao con khóc?”. Tấm nức nở: “Bụt ơi, chân con to quá, con mang giày không được!”. Bụt nhìn Tấm ôm đôi giày xinh đẹp, bối rối hỏi: “Ta đã lấy đôi to nhất rồi, vẫn không vừa với con sao?”.

Bụt lại nhìn chân Tấm rồi nhìn đôi giày thêu. Nghĩ nghĩ một chút, Bụt cười ha hả:

- Thôi, con đừng khóc nữa! Đôi giày này sẽ chỉ có mình con mang vừa thôi! Muốn mang giày con phải nói câu: “Xỏe xòe xoe” thì giày sẽ mở ra cho chân con vào.

- Còn thuyền và chèo này thả xuống nước phải không Bụt?

- Đúng rồi! Thôi, ta đi đây!

Tấm cầm đôi giày lên, đọc câu thần chú của Bụt. Kỳ lạ thay, chiếc giày thứ nhất mở ra ôm trọn bàn chân trái của Tấm. Tấm đọc thần chú lần nữa, chiếc giày thứ hai cũng mở ra như thế. Đôi giày êm ái ôm chân Tấm. Tấm nhìn đôi chân mình trở nên nhỏ nhắn mà cảm động vô cùng. Nước mắt mừng rỡ chảy xuống, Tấm thút thít: “Bụt ơi, con cảm ơn Bụt vô cùng!”.

Tấm ra bến sông, thả thuyền xuống, thuyền biến to nổi lên, Tấm vung chèo xuống nước, mái chèo cũng biến to. Tấm sung sướng chèo, thuyền lướt nhanh đưa Tấm đi trẩy hội.

Bến sông mùa hội hiện lên rộn ràng trong đôi mắt ngập tràn hạnh phúc của Tấm. Trên bến người qua lại tấp nập, quần áo nhiều màu sắc lướt qua nhau. Tấm chưa bao giờ được chứng kiến không khí náo nhiệt như vậy. Người ta mời gọi, trao nhau tiếng ca thổn thức cùng ánh mắt vạn lời. Tấm vừa chèo vừa ngâm nga khúc hát, tìm cách cho thuyền cặp bến.

    “Nước sông chở nặng tình ai

Chèo nghiêng khuấy sóng, thuyền đây đến rồi!”

Tiếng ca êm ái của Tấm vừa dứt, sau lưng Tấm bỗng vang lên tiếng ùm, tiếng đập nước hỗn loạn, tiếng người kêu cứu thất thanh: “Cứu em với! Em sợ nước! Em không biết bơi!”.

Tấm giật mình nhìn lại. Mọi người xôn xao, một bé trai từ thuyền bên rơi xuống nước, ngay sát thuyền của Tấm. Tấm vội vàng cởi giày ra, nhảy ngay xuống nước, phút chốc vớt được em bé. Để bé lên thuyền cho bé thở, Tấm nhìn lại mình, cả người ướt sũng. Tấm cho thuyền cặp bến, bảo bé trai lên bờ, còn mình rũ khô nước, mang giày vào. Tấm loay hoay đọc thần chú “Xỏe xòe xoe”, mang chiếc thứ nhất vào. Tấm nhoẻn miệng cười, tiếp tục đọc thần chú, chuẩn bị mang chiếc thứ hai.

Đột nhiên, cậu bé bên cạnh Tấm bỗng rên lên rồi ôm bụng ngã oặt xuống. Mọi người xúm lại hỏi han. Có người bảo Tấm hãy đưa bé qua bờ sông bên kia, nhà thầy lang ở đó. Tấm không kịp nghĩ ngợi gì, vội vàng buông giày, ôm em bé xuống thuyền, nhanh chóng chèo đi. Đến khi đưa em cho thầy lang bắt bệnh, uống thuốc, bé tỉnh lại, yếu ớt nhìn Tấm cười: “Em cám ơn chị!”, Tấm mới chợt nhớ, mình đã lỗi hẹn rồi…

Thuyền của Tấm về bến cũ, hội cũng đã tan. Bến vắng thưa người, người chờ không thấy, chờ mãi, chờ mãi... đến khi nắng tắt, sao lên, bến đâu còn ai nữa. Cái rộn ràng đầu hội còn đâu, chỉ còn ngọn gió lẻ loi lay lay cánh hoa vướng lại trên cành. Tấm buồn bã quay thuyền về. Tấm ngước nhìn bầu trời đêm, trăng chưa đủ sáng để lập lòe bóng nước. Tình cảm của Tấm chưa kịp tỏ bày đã vỡ vụn như bóng trăng dưới mái chèo khua. Tấm không khóc được, cái gì đó cứ nằng nặng trong ngực không thể thoát ra, cũng bởi chính mình đã đành lỗi hẹn. Tấm nhìn xuống chân mình, chân nhỏ còn mang giày, chân to đang xòe ra thô kệch, nhìn không thể hài hòa. Chiếc giày còn lại, Tấm đã tìm mãi không thấy, đành mang dở một chiếc mà ngắm nhìn đầy tiếc nuối. Tấm bật cười chua xót. Giày mang dang dở cũng như tình duyên của Tấm lúc này.

Ngày hôm sau, cả làng Cổ Chu ồn ào nhộn nhịp, lính tráng kéo đến đầy tụ bạ (nhà sàn lớn, nơi dân làng sinh hoạt chung). Người dân hào hứng vô cùng, nhà nhà đều hớn hở dắt con gái mình đến tụ bạ, bởi chỉ dụ của vua Hùng ban xuống: “Đêm qua, quốc tổ truyền về, ban cho ta một chiếc giày. Trong làng Cổ Chu này có người mà quốc tổ đã chọn làm mệ bà (danh xưng để gọi vợ của vua Hùng) cho đất nước. Nay, ta ra chỉ dụ: bất kỳ thiếu nữ nào của làng Cổ Chu mang vừa chiếc giày này, chính là người mà quốc tổ ban cho ta để làm vợ”.

Chỉ dụ vừa ban ra, người dân trong làng Cổ Chu thi nhau bận rộn suốt ngày đến thử giày và xem thử giày. Mẹ con Cám cũng thế. Cả làng Cổ Chu, không có cô gái nào thử vừa chiếc giày xinh đẹp ấy. Nhưng dù thế nào, niềm hân hoan nghĩ làng mình sẽ là quê hương của mệ bà tương lai vẫn luôn rạo rực trong lòng mỗi người.

Tấm không đi thử giày. Tấm giấu mình trong gian bếp nhỏ. Nỗi đau lỗi hẹn còn bồng bềnh trong lòng Tấm.

Không thấy Tấm đến, nhà vua cũng không ngạc nhiên, cho người truyền Tấm đến thử giày. Tấm sững sờ nhìn chàng trai trước mặt, người từng cùng mình trao nhau tiếng hát giờ lại là vị vua trẻ tuổi của đất nước. Tấm kinh ngạc tự hỏi phận mình sao bỗng dưng chuyển biến thần kỳ đến thế? Tấm băn khoăn mình có nên mang chiếc giày này hay không? Giờ đây, mình mang giày là để giấu chân to, hay là để một bước trở thành mệ bà? Cái sâu lắng, gần gũi ngày gặp gỡ ấy liệu có trở thành ký ức chìm sâu mãi hay không? Sao người trước mặt giờ uy nghiêm mà xa lạ đến vậy?

Tấm hoảng hốt, ngơ ngác, rồi lại hoang mang nhìn nhà vua. Tấm chợt nhìn xuống chân mình, bàn chân to xèo bên cạnh chiếc giày xinh xắn. Tấm cụp mắt bối rối, rụt nhanh chân về, hai gót chân cọ cọ vào nhau. Tấm không dám mang giày. Giờ phút này đây, giày xinh xắn ấy không thể phù hợp với chân to của Tấm.

Đột nhiên, mọi người ồ lên khi nhà vua cúi người xuống. Ánh mắt của vua trở nên dịu dàng, nụ cười gần gũi ngày ấy nhẹ nhàng xuất hiện. Vua giơ tay chậm rãi kéo chân Tấm lại, mang giày cho Tấm, miệng thốt lên câu thần chú mà trong buổi hỗn loạn ở bến sông ngày hội, ngài nghe được: “Xỏe xòe xoe”. Kỳ diệu thay, giày nhỏ mở ra, ôm trọn bàn chân to của Tấm. Bao người mừng rỡ reo lên. Vua đã tìm được mệ bà cho đất nước.

Tấm thắc mắc nhìn vua, vua cười ái ngại: “Xin lỗi nàng! Ngày ấy ta cũng ở bến sông và sai người ngã xuống nước. Ta vốn dĩ không cần thử lòng nàng như thế!”.

Thế là sau đó, vua Hùng cưới Tấm. Vua đã thực hiện được di nguyện của bố mình, tìm được người vợ đầy nhân hậu và bao dung. Câu chuyện về một mệ bà xuất thân dân dã, hiền lành, đức độ lan truyền mãi nhiều đời sau. Giai thoại về một mệ bà chân xòe to cũng lan truyền nhiều đời như thế. Nên sau này, khi người Hán sang xâm lược nước ta, nhìn những người Việt với ngón chân cái xòe ra cùng giai thoại bàn chân to của Tấm, chúng đã đặt cho vùng đất này cái tên Giao Chỉ.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm