TIN TỨC

Dấn thân vào con đường văn chương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-19 18:51:02
mail facebook google pos stwis
140 lượt xem

KIỀU BÍCH HẬU  (thực hiện)

Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông. Dường như viết thơ là sống, in sách là trao tặng cho đời. Vốn liếng cuộc đời và biết bao tích lũy làm việc, ông dưỡng già bằng cách viết thơ và ra sách thơ. Không chi phí một xu cho những thứ như áo quần hay vật dụng mới khác như người thường, ông là một cây thơ trĩu nặng quả ngọt và cả trái đắng…

Trò chuyện chân tình với Trần Nhuận Minh để hiểu ông và gắng học chút gì từ ông…
 

1. Ông nghĩ gì về quan điểm cho rằng sáng tạo văn học là một hành động bao quát và hùng vĩ? Trong quá trình sáng tác, liệu ông có nhận thấy sự bao quát và hùng vĩ đó thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của mình?

Tôi nghĩ quan niệm này, trước hết dành cho lao động nhà văn. Bởi đã có một thời, những tác phẩm “bao quát và hùng vĩ” đã ra đời, như Đông Kisốt của M. Cervantes (Tây Ban Nha), Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung (Trung Hoa), Những người khốn khổ của Victor Hugo (Pháp), Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi (Nga)... Khỏi phải nói những tác phẩm đó “bao quát và hùng vĩ” như thế nào. Đó là một loại sáng tạo văn chương. Còn một loại khác, như A Q chính truyện của Lỗ Tấn (Trung Hoa), Ông già và biển cả của E. Hemingway (Mỹ La tinh)... tôi nghĩ nó cũng không kém phần “bao quát và hùng vĩ”, dù số chữ của nó chỉ có vài “vốc tay” (tôi dùng 2 chữ này của Trần Đăng Khoa). Là một nhà thơ, tôi rất yêu thơ Đường tứ tuyệt Trung Hoa, số chữ còn ít hơn rất nhiều, mỗi bài (mỗi tác phẩm) chỉ có 28 chữ… Đặc biệt bài “Đăng U châu đài ca” (bài ca lên đài U Châu, tức là Lên thành Bắc Kinh ngày nay) của Trần Tử Ngang (661 – 701) cũng 4 câu, 2 câu đầu mỗi câu 5 chữ, 2 câu sau mỗi câu 6 chữ, cộng lại chỉ có 22 chữ mà bao quát cả cõi người và hàm chứa cả cảm quan của nhà thơ về cái hùng vĩ đến vô cùng của vũ trụ...(1)

Còn tôi, tôi rất có ý thức học xưa, đặc biệt là thơ cổ Trung Hoa và Việt Nam, ngay từ lúc bắt đầu có thơ đăng báo (1960), lúc ấy tôi 16 tuổi. Nhưng phải nhiều chục năm sau, tôi mới dần dần hiểu ra sự thẩm thấu sâu sắc các tầng nghĩa trong những câu thơ giản dị của cha ông. Trong *Bản Xônat hoang dã* (2003), tôi có đoạn thơ: “Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn / Ngàn năm bay ngược bão / Mang sấm sét của những vùng chưa qua / Mang ánh trăng của những thời chưa tới / Cái mong manh thắng được cả sắt thép / Bền vững đến muôn đời…” là một trong những kết quả học tập của tôi về giá trị và sức mạnh của văn chương. Tôi chờ để được nghe thêm sự chỉ dẫn của các bạn đọc.

(1) Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả / Niệm thiên địa chi du du / Độc thương nhiên nhi thế hạ. (Người trước chẳng thấy ai / Người sau thì chưa thấy / Ngẫm trời đất thật vô cùng / Riêng lòng đau mà lệ chảy)
 


Sách thơ Trần Nhuận Minh trưng bày trong Liên hoan thơ Mỹ lần 10-2023
 

2. Làm sao để ông biết rằng việc dấn thân vào con đường văn chương là một quyết định sáng suốt? Đã có lúc nào ông cảm thấy hoài nghi về lựa chọn này, và nếu có, điều gì đã giúp ông kiên định với con đường của mình?

Thực tình, tôi chả nghĩ ngợi gì. Dường như không phải tôi đã chọn thơ, mà thơ đã chọn tôi, để bộc lộ cái điều gì đó, có tính tất yếu của nó. Tôi làm thơ rất thoải mái, hồn nhiên, ngay cả trong 25 năm đầu (1960-1985), dường như tôi chỉ làm thơ để phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt, tôi cũng viết rất thật lòng, thoải mái hồn nhiên và tuyệt đối không có động cơ gì, kể cả động cơ chính trị (ở đây là tính cơ hội).

Tôi thuộc lòng cả quyển “Truyện Kiều” của Nguyễn Du từ năm lên 10 tuổi. Kiệt tác này của cụ Nguyễn đã thấm vào tôi “như nước thấm vào cát, như máu hòa vào thịt da người” đồng thời cái ánh sáng trí tuệ và nhân văn của nó cũng thấm vào tôi như một thứ tôn giáo, dạy tôi tất cả mọi điều. Có lúc tôi nghĩ, nếu không có quyển Kiều của cụ Nguyễn dạy tôi về lòng thương người, tôi không biết mình sẽ sống và viết thế nào. Tôi có bài viết dài “Truyện Kiều, thánh kinh của tâm hồn tôi*, là vì thế.

Tôi học chữ A từ Cách mạng ở một làng kháng chiến – “tề hai mang”, thầy giáo đầu tiên dạy tôi là một du kích. Lúc ấy, thầy vẫn đi chân đất và mặc quần đùi, nói: “Cách mạng sẽ làm mới tất cả”. Thơ tôi học ở tất cả các năm, và sau này tôi ra dạy cấp 2 cũng dạy ở tất cả các năm, đều là thơ căm thù và tiêu diệt đế quốc phong kiến. Từ năm còn là học sinh cấp 2, tôi đã tham gia vào đội tuyên truyền của huyện, chỉ viết, thường là 4 câu ca lục bát (*) để phổ biến các nhiệm vụ chính trị của địa phương, theo hướng dẫn của cấp trên, được huyện cho in trên đất sét phát cho các làng xã. Tôi viết thế, cũng hoàn toàn trong trẻo hồn nhiên, vì nghĩ, dĩ nhiên là thơ phải như thế rồi.

Năm 1976, có một lần Trịnh Công Sơn và tôi tình cờ gặp nhau. Lúc ấy, tôi không biết ông nhạc sĩ biệt tài này là ai, trong tâm trí tôi không có một nét nhạc nào của Trịnh cả (và nói chung của các văn nghệ sĩ Sài Gòn). Mãi sau năm 1986, tôi mới hiểu biết dần trong tầm ảnh hưởng sâu sắc của Nguyễn Du, để viết như hiện nay: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nguyễn Du, cụ Tổ của thơ tôi đã nói thế, và vì thế, tôi làm thơ thế sự là lẽ đương nhiên, tự nhiên nhi nhiên…

Tôi cũng không cho là mình có chủ trương “cách tân” hay thay đổi “sứ mạng” gì. Từ lòng tôi thế nào thì tôi viết thế ấy. Tôi làm thơ vì dường như không làm thơ, tôi không làm được việc gì khác. Và không làm thơ theo cách ấy (bây giờ gọi là thơ thế sự), thì cũng không làm thơ theo cách khác. “Thuận theo tự nhiên” của lòng mình, có lẽ với tôi, đơn giản chỉ là như vậy thôi. Trước sau vẫn như vậy, nên không có lúc nào tôi “hoài nghi” về con đường mình đã chọn. Thực ra, tôi cũng có chọn đâu. Nếu có kiếp sau, tôi cũng vẫn chỉ làm thơ mà thôi…

(*) Huyện đưa cho tấm ảnh chụp 4 thanh niên ngồi 4 góc chiếu trải trên ngọn lúa đang chín mà lúa không đổ, đề khuyên nhân dân cấy lúa theo hướng dẫn kỹ thuật của Trung Quốc. Tôi viết: “Ai ơi cấy lúa 5 x 5 / Tháng ba ngày tám cứ nằm cũng no / Đến khi mà lúa chín vàng / Trải chiếu bốn chàng ngồi cũng không xiêu”. Kết quả hoàn toàn mất mùa. Làng tôi có nhiều người chết đói.
 


Gian Paolo Vitale - Kiến trúc sư người Ý - Tổng giám đốc Fienco với sách thơ Trần Nhuận Minh song ngữ Việt - Anh

3. Theo ông, đâu là những điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công của một tác phẩm văn chương? Có phải là sự chân thành trong cảm xúc, hay cần có thêm những yếu tố khác để một tác phẩm có thể chạm đến trái tim độc giả?

Một bài thơ sinh ra từ trái tim, thì chẳng cần có thêm bất cứ một điều gì, tự nó sẽ “chạm đến trái tim độc giả”. Tôi nghĩ, bạn cũng biết điều ấy, vì bạn là nhà văn, đồng thời là một nhà thơ.

Một người mẹ sinh con, dường như không có một “điều kiện tiên quyết” nào. Trừ việc đã có một cái thai trong bụng. Và đến tháng, thì đưa con ra đời, có thể ở bất cứ đâu. Làng tôi trước đây, có một số bà mẹ sinh con ngay trong lúc đang làm đồng. Bà bác tôi sinh con đầu khi đang rỡ khoai lang và anh được đặt tên ngay là thằng Khoai. Sau này là cụ Khoai. Cụ cũng mới mất cách đây mấy năm, gần 90 tuổi. Tôi nghĩ sự sinh thành ra các tác phẩm văn chương cũng tương tự như thế, và những tác phẩm để đời như ta thường nói hiện nay, đều nằm trong số này.

Nhà văn Tô Hoài sinh ra con Dế Mèn cũng như vậy. Ông Tô mất rồi mà con Dế của ông vẫn sống, không ai biết nó sẽ sống đến bao nhiêu năm sau, vài trăm năm, hay hơn… Ông Tô cũng đẻ nó ra “bên ruộng khoai” của văn chương ông. Tôi có may mắn được gần ông hơn 1 tháng trời tại Moscow, năm 1990, được ông dạy bảo rất nhiều điều. Ai cũng biết, ngoài con Dế, ông còn tạo dựng nhiều biểu tượng đẹp trong khoảng 80 tác phẩm chính. Nhưng rồi vài mươi năm sau, “các vị ấy” đã chết trước mắt ông. Năm 2004, tôi đưa ông đi chơi Vịnh Hạ Long, ông mỉm cười kiểu rất Tô Hoài và nói với tôi như thế… Như có lần tôi đã viết, văn chương có định luật Archimedes của nó. Nghĩa là, nếu nó được người đời đưa lên cao hay hạ xuống thấp, cũng chỉ một khoảng thời gian nào đó thôi, rồi tự nó, lại tự nhiên trở về chỗ đứng mà nó có thực (hay không), và có đến đâu, trong đời sống tinh thần của người đọc. Nó có cần sự hỗ trợ của “cảm xúc” hay các “yếu tố tiên quyết” nào nữa không? Thưa bạn, tôi nghĩ, nó thế nào thì sẽ được sinh ra như thế, và cứ thế, nó sống, với năng lượng nội tại, nếu có, của nó.
 

4. Khi viết tác phẩm "Bốn mùa", ông đã trải qua những tâm trạng và tâm thế như thế nào? Liệu ông có hình dung rằng tác phẩm này khi ra đời sẽ ghi dấu ấn lâu dài và mạnh mẽ như thế không?

Trong năm, không thời gian nào đẹp và vui như mùa Xuân, nhưng chỉ sau Tết ít ngày, hàng loạt biểu hiện của nó lại làm ta khó chịu, trời cứ âm âm, lạnh không ra lạnh, nóng không ra nóng, cảm giác bức bối, mưa rầm rề, nhà cửa quần áo hôi mù… Lại muốn mùa Hè đến mau, mưa nắng cho rõ ràng, đi lại cho thoáng mát… Nhưng rồi… mùa Hè lại cho ta biết “thế nào là lễ độ”: Cái nắng được chờ đón, nay thiêu đốt, làm “trắng tóc râu người”, đã kinh rồi, nhưng nóng đến nỗi “sợ cả người tình cũ”, nếu nàng đến thăm ta, là sự hủy diệt cảm xúc tự nhiên dễ thương nhất, từ trong lòng người. Lại mong mùa Thu đến nhanh lên! Và mùa Thu, lại làm ta vừa “buồn”, vừa “bực” vì thành quả của mùa Hè đã bị tàn phá: “Cây tàn uá rồi chết trong im lặng”, “im lặng” mà chết mới thực sự ghê sợ. Lại mong mùa Đông. Và mùa Đông đến, với “bụi mù trời, rét cào cấu thịt da”, và tiếng “quạ rít lưỡi”… làm chết cả không gian... Và lại mong mùa Xuân vui tươi đến ngay đi… Từ hàng tỉ năm trước, trái đất đã quay trong những hi vọng không cùng và dang dở như vậy… Bây giờ và mãi mãi sau này…

Dĩ nhiên, đây là những vùng có cùng đới khí hậu như miền Bắc Việt Nam, quê hương sinh thành của bài thơ này, vào lúc chất lượng sống, còn ở mức thấp. Nhưng bài thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đồng cảm ở những vùng không có khí hậu bốn mùa, chất lượng sống cao, thậm chí rất cao… nhưng có chung “thời tiết” của lòng người, trước bao vấn đề của đời sống xã hội, với những chờ đợi, hi vọng, thất vọng, rồi xua đuổi nó đi bao nhiêu, thì lại hào hứng đón nó về bấy nhiêu… Và cứ luẩn quẩn trong cái vòng tuần hoàn ấy mà qua nhiều kiếp người, qua nhiều thời đại… Sự đồng cảm mà tôi rất cảm ơn ấy, ở ngoài hình dung của tôi.
 

5. Nguyên cớ nào khiến ông cảm thấy mình buộc phải cầm bút viết, mặc dù văn chương không đem lại sự giàu có về vật chất mà lắm khi còn gặp họa khi sơ sẩy? Nếu không viết, ông có cảm thấy một phần nào đó của mình sẽ chết đi không?

Như tôi đã nói trên, nếu bà mẹ có một cái thai trong bụng, thì đến tháng đủ ngày, nó buộc phải ra đời. Cái chính là bà mẹ ấy (cũng như các nhà thơ) có cái “thai” của sự sống hay không? Xưa, ai cũng biết câu nói “chửa là cửa mả”. Nghĩa là có thể chết vì sinh con, nhưng không bà mẹ nào từ nan… Nhà thơ cũng vậy, bài thơ ra đời một cách tự nhiên, cũng bất chấp mọi thử thách… “Sống trong chữ, nếu có chết cũng sẽ chết trong chữ”… Tôi đã viết về mình như thế.

Có lần tôi nói, nhà thơ là tác giả của các tập thơ ư? Không phải. Đó là anh thợ thơ, và thơ anh ta sẽ chết trước lúc anh ta chết. Nhà thơ phải là tác giả của một “nỗi niềm chung thân” nào đó, suốt đời anh mang nó không chỉ trong bụng, mà trong cả tâm trí, nó dày vò anh, thôi thúc anh, buộc anh phải viết nó ra, để giải tỏa cho chính mình, như bà mẹ phải sinh ra con, không sinh ra được, thì không thể sống bình thường được. Tôi có câu thơ: “Có thể sau này, khi tôi chết / Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan”… Nỗi niềm của tôi là số phận của Nhân Dân. Ví như một người ăn mày: “Tay chìa ra, sâu như cõi thế gian”… Nỗi đau thương, niềm bất hạnh của Nhân Dân, của Con Người, ám ảnh suốt đời tôi và tôi viết mãi, đến 30 tập thơ rồi, vẫn không hết nguôi ngoai… Còn không viết ư? Có nghĩa là tôi đã chết…
 

6. Trong trường hợp những thôi thúc sáng tác mạnh mẽ đến mức khiến ông không thể ăn ngủ, nhưng tác phẩm ông viết ra chưa chắc được công chúng hoặc chính quyền chấp nhận, ông sẽ đối mặt với tình huống đó như thế nào? Liệu ông có tiếp tục sáng tác bất chấp mọi trở ngại hay sẽ tìm một con đường khác để bày tỏ tâm tư của mình?

Thực tình, tôi chỉ quan tâm đến bạn đọc chấp nhận thơ mình đến đâu. Tất nhiên mình không hoàn toàn chiều theo ý bạn đọc. Từ cảm nhận của bạn đọc, mình có thể học được nhiều điều, nhưng cũng có điều mình phải hướng dẫn bạn đọc nữa.

Suốt đời tôi, tôi làm thơ về Nhân Dân, cho Nhân Dân và vì Nhân Dân. Tôi mong phản ánh được, không chỉ bằng nghệ thuật thơ, mà bằng cả tâm hồn mình, số phận của Nhân Dân vì những va đập ghê gớm của thời cuộc. Nỗi vui buồn, bi kịch và khát vọng của tất cả các lớp người… Chính quyền là của Nhân Dân, nên Chính quyền ủng hộ thơ tôi, cũng là lẽ đương nhiên. Chính Chính quyền đã trao giải thưởng cho tôi và quảng bá thơ tôi trong cộng đồng. Nhà thơ Vân Long viết: “Trước Trần Nhuận Minh, Việt Nam không có loại thơ này”. Vì thế, người đọc nào chưa quen với nó, chưa hiểu nó, có ý kiến này nọ là điều dễ hiểu. Đã có một lần, tôi bị làm phiền, cũng nhẹ nhàng thôi, nhưng rồi chính Chính quyền đã ra văn bản, xác nhận tôi không có sai sót gì… Bạn thấy đấy, Chính quyền đã bảo vệ những giá trị của Nhân Dân. Vì thế, tôi đã nói nhiều lần rằng: Công cuộc Đổi mới sau năm 1986 là có thật, với những kết quả thật, phù hợp với lòng người.
 

7. Ông có đồng ý với quan điểm rằng không phải không có đề tài không hay, mà chỉ có người viết không đủ tài quan sát? Trong sự nghiệp của mình, ông đã làm thế nào để khám phá và thể hiện những đề tài tưởng chừng như tầm thường nhưng lại chứa đựng những giá trị sâu sắc?

Câu đồng dao: “Con vỏi con voi / Cái vòi đi trước / Hai chân trước đi trước / Hai chân sau đi sau / Còn cái đuôi thì đi sau rốt / Tôi xin kể nốt / Con vỏi con voi…” Từ trẻ con đến người già, ai cũng thuộc. Tôi nghĩ, những điều ấy là rất rõ ràng, giản đơn, lại  viết quá đơn giản, quá dễ hiểu, ai cũng biết rồi “khổ lắm, nói mãi…” vậy tại sao nó được truyền tụng từ đời nọ sang đời kia… Đến “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi suy ngẫm, mới vỡ ra cái lẽ huyền bí của nó. Đó là “số phận” con người, như “trời sinh ra”. Chưa nói cái đuôi, chỉ nói cái chân sau thôi, mà lại đi lên trước, thì cả con voi sẽ bị “nấu”, để “lấy nước sáo”... Còn “người sinh ra” ư? Cũng người thợ ấy, công nghệ ấy, chất nhựa ấy, nhưng, người làm ra cái ca thì ta đặt lên môi, còn làm cái bô thì ta để ở dưới… Câu ca “chứa đựng giá trị sâu sắc” là như vậy đấy. Từ đó, nó dạy ta về “tri túc”, về cách hiểu mình, hiểu người, cả cách dùng người của nhà cầm quyền… Dĩ nhiên, nó có cái tiêu cực của nó, nhưng điều đó, ta sẽ bàn sau. Ở đây là bàn về lí luận sáng tác, về đề tài. Và cái làm nên thành công của mọi tác phẩm văn chương, từ xưa tới nay, không bao giờ ở đề tài. Đề tài chỉ là cái cớ, cái nhân đó để mà viết. Còn viết như thế nào mới là giá trị của tác phẩm. Tôi đã học từ đó để mà viết.

Trân trọng cảm ơn ông?

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm