TIN TỨC
  • Bút ký - Tạp văn
  • Tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế: Từ diễn ngôn về con người qua lăng kính nghệ ẩm thực đến những giá trị bất biến

Tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế: Từ diễn ngôn về con người qua lăng kính nghệ ẩm thực đến những giá trị bất biến

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1623 lượt xem

Hà Thị Liên

Diễn ngôn tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế được kiến tạo trong sự chi phối của trường tri thức thời đại khi đời sống tinh thần con người đón gió mới muôn phương, các hệ giá trị đang trong chu trình lắng kết và chọn lọc, tinh thần cởi mở và tự do hơn. Trong chiều lịch đại, diễn ngôn tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế chịu áp lực thể loại và bóng dáng của những người đi trước. Nhưng bằng sự tinh tế, tài hoa, nhà văn của miền trung du Phú Thọ đã có “lối chơi độc tấu” riêng tạo nên phong cách tùy bút độc đáo. Gọi dậy hồn dân tộc, khơi nguồn cái đẹp thiện lành, nhà văn phô bày chân giá trị về lẽ sống cao đẹp cho con người. Vì vậy, từ diễn ngôn về con người, ẩm thực, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế vươn tới giá trị phổ quát của muôn đời: thiên lương.


Tác giả Hà Thị Liên – Học viên cao học K30 – Lí luận văn học, Trường ĐHSP Hà Nội

I. Tùy bút là thể loại tôn trọng sự thật.

Chủ thể phát ngôn đóng vai trò như một chứng nhân đáng tin. Mang “gene thể loại” đặc trưng đó, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế là diễn ngôn về sự thật. Ông lựa chọn một “vùng” sự thật đời sống miền trung du Phú Thọ với tên đất, tên người, lối sống, văn hóa, ứng xử, sản vật quê hương. Tuy nhiên, toàn bộ bức tranh đời sống con người, ẩm thực được bao bọc bởi miền kí ức và kỉ niệm từng trải của chính nhà văn từ thơ dại đến tuổi trưởng thành. Nguyễn Tham Thiện Kế sở hữu một gia tài kí ức đa diện và sâu sắc về miền trung du của riêng ông. Hiện thực ấy có người thật, việc thật đã chứng, đã trải qua và đông kết theo thời gian.

Tùy bút gắn với muôn chiều sự thật nhưng đó chỉ là điểm tựa để tùy bút vươn tới tư tưởng thẩm mĩ của văn học nói chung. Từ lớp ngôn từ sự thật, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế đối thoại, chất vấn, tự vấn về những giá trị văn hóa truyền thống qua lăng kính nghệ thuật ẩm thực đang dần phôi phai, về vẻ đẹp thiên lương của con người vẫn lặng lẽ ngời sáng giữa thời cuộc núi lở sông bồi. Vì vậy, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế hướng tới những giá trị bất biến: tính văn hóa, thẩm mỹ của nghệ thuật ẩm thực, giáo dục con người bằng giá trị thiên lương.

II. Tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế: từ diễn ngôn con người, nghệ thuật ẩm thực đến những giá trị thiên lương

1. Kí ức về những người thân yêu

Kí ức khi tường thuật lại không tránh được bị khúc xạ bởi trí nhớ con người và trầm tích văn hóa, ý thức hệ. Trong tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế, bộn bề kỉ niệm về tuổi thơ, chị, thầy mẹ, và Nội, Ngoại… Đó là miền nhớ thương, là nơi trở về của cội nguồn tâm hồn nhà văn và sự định vị lại các giá trị. Nhà văn không chú trọng tự sự mà sự kiện chỉ là cái cớ để giãi bày những trực cảm tinh tế về kỉ niệm với người thân trong gia đình. “Ưu tư của bà, lo toan của mẹ, xăng xái chị cả đã nhòa vào hương nếp cái hoa vàng chờ nở mộng giấc xanh, vào gió mưa trung du vào nắng dãi lộng bên đồng, vào chuông nguyện sớm mai, vào mõ tụng kinh chập choạng. Bao kiếp sinh ra để san ngọt sẻ bùi, ảnh hình người thương nhân nhu chờ vẫy, tôi dang ôm chỉ những tay vương vơi khoảng trống” (Đợi nắng lên gieo mộng nếp hoa vàng). Gia đình lưu lạc đến miền khẩn hoang, lập xóm, lập làng và sống hài hòa chốn bán sơn địa. Từ miền đời sống ấy, nhà văn trình hiện về người thân, về những tâm hồn, tính cách, số phận, lối sống của con người vùng làng đồi trung du.

Những người thân yêu hiện lên trong kí ức của nhà văn như một tập hợp về lối sống của con người làng quê xưa. Thuần hậu, bình dị mà thanh cao. Lao động vất vả nhưng không lấm lem, cùng cực. Sống giữa làng đồi trung du nhưng không quê mùa, cục mịch, u mì, tọc mạch. Có lẽ điều mà nhà văn muốn trình hiện với người đọc chính là thái độ sống và phong cách sống, cách ứng xử của con người với thời cuộc. Dù số phận xê dịch, ở nơi tản cư, Ngoại vẫn giữ lề thói sinh hoạt rất tao nhã: “Bữa tiệc rượu cốm nhà ông ngoại bày chiếu hoa cạp điều giữa sân gạch, đêm mười tư trọng Thu. Đèn lồng. Nến trắng. Áo the khăn đóng, veston giày đen, quần đũi áo lụa, các cụ quây vai ngồi bên”(Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm). Cốm nếp cái hoa vàng họ nhâm nhi với rượu nếp, khai vị chè cốm sen. Đó là dịp giữa trung thu, con người tận hưởng cuộc sống trong sự giao hòa cùng trời đất.

Thưởng thức trà vối hương, Nội chính là bậc thầy tinh tế của khoa thẩm vị. Từng vị trà thanh, đạm, nồng, hội tụ tinh khí của trời đất, thổ nhưỡng đều được Nội phân biệt tường tận. Nội nói: “Hương năm nay trường và dày bà ạ … Nước chắc sẽ hậu vị lắm”(Cả một xuân thì trong chén đắng). Những thói quen và phong thái sống thanh tao ấy của Nội từng gây nên phiền toái. Người ta nói ông là “phong cách tư sản lẫn địa chủ chơi ngông” nhưng Nội chỉ cười nhẹ: “Thì sự bình an cũng cần phải đánh đổi chứ”. Có rất nhiều lớp ý nghĩa văn hóa chìm ẩn sau diễn ngôn trên. Với xã hội đương thời, lối sống thanh cao, tao nhã là không phù hợp với nhịp sống khẩn trương, tiến lên nền sản xuất lớn. Sống bình dị và giản tiện mới đúng lề thói dân quê. Kiểu cách và cầu kì sẽ bị coi là tư sản. Như vậy, lối sống tư sản như là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân và bị bài trừ gay gắt. Và với Nội dù bị gán cho lối sống tư sản, Nội vẫn giữ gìn phong cách sống cho riêng mình. Đó là phong thái sống đẹp, thư thái, an bằng tĩnh tại và an nhiên trong tâm hồn. Cốt cách nho nhã ấy là sự nối tiếp truyền thống của các bậc túc nho xưa!

Trong kí ức của Nguyễn Tham Thiện Kế, người thân yêu là những con người đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp, những tấm lòng thơm thảo và nghệ thuật ứng xử nhu hòa trong gia đình. Mẹ khéo léo, chu đáo và giỏi giang trong nghệ thuật ẩm thực. Năm nào mẹ cũng sửa cốm để hầu ngoại. Lối sống sinh hoạt trong gia đình cầu kì nhưng mẹ là người ôn hòa và không quản ngại nhọc nhằn để làm cốm bằng cả tấm lòng. “Sửa xong một việc là một lần gương mặt Mẹ thắm ngời khó tả. Đăm chiêu và cười nụ lướt đến thoáng qua. Vai áo rịn mồ hôi. Bước chân mau mà khoan thai” (Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm).Mẹ khéo léo, tinh tế và đôn hậu nâng niu từng chiếc bánh: “thi thoảng mẹ âu yếm đặt tay lên nắp vung lót lá chuối tươi, như lắng nghe tiếng nói của những chiếc bánh. Mẹ ru rín và cưng nựng chúng như là sắp sửa hát cho chúng nghe”(Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Người mẹ được trình hiện ở đây gắn liền với bổn phận, nghĩa vụ của người vợ, người con. Nhưng điều nhà văn dày công thể hiện không phải là gánh nặng bổn phận khiến người phụ nữ, người mẹ bất hạnh. Mà trên hết là tấm lòng yêu thương, trân trọng lẫn nhau và nâng niu giá trị sống tốt đẹp.

Trong gia đình, bà Nội, ông Nội, thầy mẹ đều là những tấm gương tiêu biểu về lối sống nhường nhịn, ôn hòa. Ngay cái cách thưởng trà, hành động tôn kính lẫn nhau đủ nói lên nghĩa tình sâu bền của con người. “Nội nâng chén nước bằng cả hai tay, đưa về phía bà.- Mời bà dùng trước và phát biểu ý kiến xem nào…Bà đỡ chén Nội mời – Chết, ông làm thế này sao tôi dám…- Thì có được ấm nụ ngon, không có công quả của bà làm sao thành. Đặt chén của mình xuống khay, bà lại nâng chén ở phía Nội lên vẻ như giận hờn – Mời ông…”(Cả một xuân thì trong chén đắng). Nhịp sống bình lặng và tình người thắm ngời như thế giữa sơn nguyên.

Thế hệ những người thân trong gia đình Nguyễn Tham Thiện Kế đồng thời là chứng nhân của thời cuộc. Do sự xê dịch của số phận mà gia đình phải tản cư lên Thanh Thủy, rồi Thanh Sơn. Theo như lời chứng của tác giả, vật đổi sao dời, thế cuộc đổi thay, những long đong phận người đã mất cả một đời táo tác khẩn hoang kinh tế mới. Nhiều lần tác giả nhắc đến chi tiết đó. “Nơi chân núi lưỡi Hái, nơi cha mẹ gồng giú anh chị em Tôi đến khẩn hoang, Tôi sớm biết thế nào là sắn” (Phận sắn). “Núi lở sông bồi, dòng họ Tôi tay trắng, lỡ vận” (U già). Biến thiên của đời sống, cảnh thương hải biến vi tang điền không nổi sóng, nổi gió như một xung đột nghiệt ngã mà chìm khuất sau những đổi thay u buồn da diết của kiếp người. Trở lại góc hoa xoan vườn mẹlà nỗi niềm sầu tím cả một thời bởi ngôi nhà cổ gỗ xoan của cụ nội bị “chia năm xẻ bảy bởi thời cuộc”. Dù gia đình có công với cách mạng, nuôi giấu Việt Minh nhưng vẫn bị quy vào phú hào địa chủ, ngôi nhà vẫn bị chia cắt. Nội bị quy vào giai cấp bóc lột, rồi hưởng xóa án, hạ thành phần. Lịch sử đã đi qua, những phải trái đã định luận xong xuôi và im lìm giữa bộn bề kiếp sống. Với nhà văn Thiện Kế cũng vậy, cụ Nội đã hòa mình vào đất – người đã mang theo lịch sử cải cách ruộng đất vào muôn xưa. Những chi tiết sự thật đời sống này chỉ được lẩy ra từ miền kí ức để nhà văn dụng ý nói về những phong cách sống mang tính phổ quát sâu xa hơn thuộc về những giá trị thiện, mĩ.

2. Kí ức về ẩm thực

Đưa chất liệu của kí ức, kỉ niệm vào diễn ngôn, Nguyễn Tham Thiện Kế dành phần đa số các trang kí viết về ẩm thực bình dị, dân dã của quê hương. Đây là vấn đề không mới. Thạch Lam – ông vua tùy bút từng được mệnh danh là “nghệ sĩ khoa thẩm vị” (Nguyễn Vĩnh Phúc). Dù vậy, Nguyễn Tham Thiện Kế vẫn vững vàng bước vào địa hạt ấy với tâm hồn thông thênh và điểm tựa là kí ức, hoài niệm. Cùng một nội dung diễn ngôn về ẩm thực nhưng ý nghĩa liên văn hóa được tạo ra của mỗi nhà văn sẽ khác nhau. Đó chính là hứng thú riêng đặc biệt của diễn ngôn nghệ thuật.

Trong kho tàng ẩm thực của Nguyễn Tham Thiện Kế, nổi bật đầu tiên là diễn ngôn về cốm. Nguyễn Tham Thiện Kế nhớ hương cốm mẹ giữa hanh hao dòng chảy thời gian. Đúng hơn, nhà văn tâm tình bằng những kỉ niệm về cốm: “Tôi ẩn ức nhớ hương cốm lá sen dù trên tay đang nâng lá sen hương cốm … Vâng, đó là thức cốm ngọc thạch của nếp cái hoa vàng. Đẳng cốm Mẹ dày công dụng sửa” (Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm). Hương cốm là niềm yêu, tình riêng của tâm hồn Việt.

Sửa cốm và đẳng cốm đã đủ nói lên công phu tỉ mỉ, cầu kì của quá trình làm ra hạt cốm. Mẹ sửa cốm không phải để bán xuôi Hà Nội mà là để “hầu” Ngoại. Một từ “sửa” đã đủ dụng công, dụng tâm, dụng tứ của người làm cốm. Tinh diệu chữ “sửa”- sửa là phải sửa soạn, chuẩn bị công phu và thực hành trịnh trọng theo trình tự lớp lang trong một thời gian nghiêm ngặt. Chữ “sửa” bao trọn cái qui chuẩn “công nghệ” mà thân mẫu nhà văn nghiệm sinh, thực diễn nơi trung châu; trong khi những địa chỉ cốm lừng danh khác của xứ Bắc, thì người ta vẫn gọi nôm là giã cốm, làm cốm.


Từ phải sang: Hai nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế và Văn Chinh, họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa và nhà thơ Phan Hoàng.

Đồ đạc dụng cụ làm cốm là kì sửa soạn đầu tiên. Khâu hái bông nếp cũng phải đúng thì: “Đầu bông nếp cúi xuống nửa đường cong e lệ như con mắt thanh nữ rũ mi, thì đi thăm đồng hãy nhón tay ngắt đôi hạt chắt, cắn nhẹ, thấy vị ngọt dịu của đường chìm xuống và hương hoa lúa vọng lên trong chất bột mát mượt phai ra, ấy là lúc không thể dừng đợi thêm một ngày sửa cốm” (Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm). Hái bông nếp lựa tỉ mẩn, mỗi khóm chỉ được hai bông. Chà thóc nếp, giã thóc bằng cả sự nhẫn nại đến khi ba “róc” hai “quằn”. Qua bảy lần dừng chày đảo cốm thì một lần vời cốm ra sàng sảy.

Bày biện cốm trong chiếc hộp gỗ kim giao tinh xảo nhỏ nhắn như trái trứng gà ri trắng ngà quả thực chỉ có riêng ở Nguyễn Tham Thiện Kế. Hộp ấy để lưu giữ hương vị nguyên sơ nhất của cốm. Bởi vậy chăng mà cốm từ phẩm vật bình dân thăng lên sự cao sang muôn phần.

Thẩm cốm thì Nguyễn Tham Thiện Kế là bậc thầy của siêu cảm giác. Những hạt “cốm thần thoại dẻo thơm” hàm chứa cả “tinh khí trời Đất”. Đặc điểm hạt cốm sẽ nói lên tinh chất của trời Đất se kết đã đủ độ chưa. “cốm vón có màu xanh thậm là hậu duệ của những hạt đã đông sữa, chưa kịp đọng hương, chưa đậm tinh bột”. Tiêu chuẩn để đánh giá cốm là: “Mãn hương, mãn vị… Hương cốm mộc làm nền cho hương cốm tửu, nương và nâng nhau cùng thăng suốt cảm giác” (Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm). Mãn trong sự sung mãn, đẫy đà, đầy đặn và viên mãn. Đẳng cốm mẹ “sửa” cho người “thiện” cốm là tinh túy của nghệ thuật ẩm thực.

Như vậy, nhà văn Thiện Kế cũng đã góp thêm về một trình độ “sửa” cốm thượng đẳng. Cốm là hương cốm mẹ, gắn liền với hương vị mẹ tảo tần. Cốm gắn với lề thói tao nhân mặc khách của những Ngoại và bạn Ngoại, thưởng rượu, thưởng cốm, chơi cờ mỗi độ thu về. Cốm gắn với lối sống giao hòa cùng đất trời, hòa mình cùng thiên nhiên. Thực sự trang kí của Nguyễn Tham Thiện Kế đã tạc nên một văn hóa cốm, một đẳng cốm trong pho sách về ẩm thực.

Đưa cốm lên hàng cao lương mĩ vị, không mĩ miều cung đình mà là bình dị đến tinh tế tột cùng, đó là dụng công của Nguyễn Tham Thiện Kế. Nhưng trước đó Thạch Lam đã nói tới cái “quốc hồn, quốc túy” của cốm. Với nhà văn của Hà Nội, cốm là “cái lộc của trời” kết hợp với “cái khéo của người”.“Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam” (Thức quà của lúa non).Vũ Bằng cũng trải lòng về cốm:“một món quà trang nhã của Thần Nông đem từ những đồng quê bát ngát của tổ tiên ta lại cho ta, không thể hứng chịu được những cái gì phàm tục”(Cốm Vòng).Thạch Lam, Vũ Bằng rất tinh tường trong cảm giác khi bộc lộ đủ đầy vẻ nhã của cốm. Điều khác biệt cơ bản giữa Thạch Lam, Vũ Bằng và Nguyễn Tham Thiện Kế trong diễn ngôn cốm là điểm tựa trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Thạch Lam chủ yếu là khai thác ấn tượng, cảm giác trực quan tinh tế thiên phú của mình còn Nguyễn Tham Thiện Kế có điểm tựa ở kí ức, kỉ niệm từ chính mẹ và Ngoại, ở nết phong nhã trong sinh hoạt đời sống. Cho nên diễn ngôn cốm của Nguyễn Tham Thiện Kế đã dụng công diễn giải cái công phu đến tỉ mẩn của con người, tao nhã đến nho nhã, tinh tế đến hài hòa chuẩn mực, điển nhã đến trang trọng trong lối sống, thanh tao mà bình dị. Cốm đã trở thành nếp sống và những phong vị sống của con người.

Diễn ngôn về ẩm thực của Nguyễn Tham Thiện Kế còn nhiều đẳng, nhiều vị phong phú khác mang đậm vẻ phong nhiêu của miền trung du. Trà vối trong “Cả một xuân thì trong chén đắng” là cả tinh túy của hồn người và khí trời. “Xoáy ngầm tụ dòng khí đất Thăng Long chứa phong vật muôn nhà nông xứ Bắc mà đắp bồi nên văn hiến Việt của giai tầng quý tộc vẫn có nụ vối hương song hành những ngàn năm” (Cả một xuân thì trong chén đắng). Chén trà vối của Nguyễn Tham Thiện Kế và “Chén trà trong sương sớm” của Nguyễn Tuân đều mang cái đẳng tao nhã, phong thái như một triết nhân điềm đạm giữa dòng chảy vô thủy, vô chung của thời gian.

Nổi bật trong diễn ngôn ẩm thực của tập sách Dặm ngàn hương cốm mẹ là quy trình tạo tác món ăn cầu kì, là nghi lễ thưởng thức tao nhã trang trọng.  Những món ăn đậm mĩ cảm thị dân lẫn món ăn, thức uống bình dân nhất của quê hương như cốm nếp cái hoa vàng, bún chả, bánh khúc, chè sen nhãn, xôi lúa, bánh đúc, canh rau sắn, canh cá Anh Vũ; cũng trầm thăng lắng đắng như thân phận con người… Nếu Thạch Lam trong “Hà Nội băm mươi sáu phố phường” tạo tác gương mặt Hà Nội qua góc dân sinh và ẩm thực thì Nguyễn Tham Thiện Kế dụng tâm chạm khắc gương mặt miền trung du Phú Thọ đất Tổ cũng bằng ẩm thực –  nghệ thuật thực hành văn hóa của con người.

Nguyễn Tham Thiện Kế đã tạo nên vẻ riêng mình trong diễn ngôn ẩm thực chính từ dư vị thanh thoát, tao nhã mà không lặp lại bóng của tiền nhân. Từ lâu Tản Đà trong Tản Đà thực phẩm đã viết về món ăn nổi tiếng. Thạch Lam trong Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Vũ Bằng trong Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam đã rất sành, rất tinh tế và tạo nên một đẳng riêng trong văn hóa ẩm thực của con người Việt Nam xứ kinh kì. Hơn nữa, bậc thầy Nguyễn Tuân với những trang viết về “thổ ngơi” đầy hương vị, giàu thẩm mĩ và lắng kết một bề dày văn hóa. Tuy nhiên, điều Nguyễn Tham Thiện Kế muốn lập ngôn là tuyên bố về một lẽ sống thanh cao, nhã nhặn của con người miền trung du. Dù con người quê mùa, nông phu xứ Bắc, dù con người sống ở kinh kì hay dạt về miền làng đồi trung du để khẩn hoang thì họ vẫn luôn lưu giữ nếp sống tao nhã, cao đẹp. Chiến lược diễn ngôn trong tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế còn thể hiện ở vũ điệu ngôn từ, ở khả năng làm cho những từ đã cũ sống dậy “lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương” (K. Pauxtôpxki). Đọc ông người ta có cảm giác về một thế hiện thực nhưng lấp lánh xa vợi, khó nghèo nhưng đượm sắc phong nhiêu, sang trọng dù có tấu lên giai điệu buồn bã thì chúng vẫn gieo mầm hy vọng phải sống thiện lành.

Tác giả là người trong cuộc, thấu hiểu mọi lẽ đắng cay của hạt cốm hay mỗi món ăn. Chúng biểu tượng cho phận người, trong thời cuộc nhiều động loạn, không cho phép người ta nghĩ đến cái riêng. Nhưng càng không cho phép, thì người ta càng hướng tới cái riêng. Chính điều khao khát đó là động lực cho văn hóa Việt trường tồn…

Tác giả chỉ ra rằng: tinh hoa ẩm thực, trầm tích văn hóa Việt không chỉ lưu tồn ở trung tâm Hà Nội ngàn năm mà còn phổ diện ở ngoại biên, ở vùng trung du đất Tổ hay toàn cõi tứ trấn bao quanh Thăng Long. Tinh cốt của linh hồn dân tộc bồi tụ nên Văn hóa Bắc Việt.

3. Diễn ngôn về giá trị thiên lương

Lưu giữ thiên lương tốt lành cho con người luôn là giá trị chuẩn mực của đời sống mọi thời. Trong kí, Nguyễn Tham Thiện Kế đã trình hiện những con người mang tình cảm thơm thảo, hiền hậu, nhẫn nhịn và lạc quan. Dù khi vật đổi sao rời, họ không oán trách số phận, vẫn bền bỉ, nhẫn nại gìn giữ cái tâm trong sáng, hồn hậu như thiên nhiên, cây cỏ chốn làng quê.

Cách ứng xử giữa con người với con người hiền hòa, nhân ái. Mẹ và cha tương kính, nhường nhịn. Mẹ hầu ngoại xếp nếp thượng tôn. Ông bà Nội nhường nhau chén trà thưởng thức. Nội và những người bạn sư Trụ Trì, cha Xứ tâm tình bên khu vườn thường xanh và lắng nghe nhau: “Ba người già không còn ngồi giữa khu vườn. Họ không giúp được gì cho nhau nữa, nhưng khi sống, họ đã lắng nghe nhau, cùng im lặng, cùng thỉnh trà, thỉnh rượu. Sự có mặt của nhau đã làm giàu có thêm thế giới bình an trong họ nơi trần thế” (Dặm ngàn xanh cố hương). Cuộc sống hiền hòa như thế giữa trung du. Thời cuộc nhiễu động đổi thay nhưng lòng người vẫn vậy. Dù Ngoại đã hóa vào hư không, sư chùa đã thành xá lị dưới mười tầng tháp, cha Xứ ngủ yên nhưng họ trở thành biểu tượng của cuộc sống đẹp thường hằng, bình an nơi trần thế.

Tâm điền tốt, lương thiện của con người trở thành giá trị sống cốt lõi, bền bỉ nhất giữa thời cuộc. Khi phong trào hợp tác xã hóa bừng bừng. Sửa cốm, nấu rượu bị quy là ăn thóc non, phá hoại sản xuất và lãng phí lương thực thì hệ giá trị về sự thanh cao, tao nhã của thưởng cốm bị lung lay. Hội rượu cốm thưởng trăng của Ngoại cũng rã ra như diều giấy gặp mưa. Trong sự xung đột về quan niệm, tư tưởng và các hệ giá trị thì thời cuộc đổi thay chỉ có thể làm tan rã về hình thức tổ chức đời sống chứ không thể xoay chuyển nhân cách sống của con người. Mẹ tóc cước phơ bay vẫn nhớ thì sửa cốm. Bởi dù hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn thấy ở họ nguồn sống, ý thức vươn lên, chân thành, bền bỉ, hiền hậu. Ngoại triết lí về thái độ sống đúng đắn: “Mọi vật phải đúng cách và hợp thức với trời đất thì mới bền. Sao ẩu tả phá phách được. Và cũng đừng oán hờn cuộc sống. Phận người thì phải trải qua mọi thử thách của tạo hóa con ạ” (Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm).

Thuận theo tự nhiên, theo quy luật là một quan điểm sống dung hòa thuộc về bản sắc của người Việt. Thiên lương lành vững của con người cũng là hợp lẽ trời. Vì vậy, con người không oán hờn, không trách móc số phận. Đó là thái độ sống tích cực, hiền hòa của đời sống.

Giữa bể dâu của phận người nhưng con người làng quê vẫn gìn giữ tâm hồn lương thiện. “Có những con người tốt đẹp, sống ở miền quê tốt đẹp với bao phong vị tốt đẹp vậy mà không thể sống cùng nhau chung mái nhà … bởi vì họ quá thiên lương … bởi làng quê quá hiền hòa… bởi rằng đã là như thế” (Ngàn dâu chẳng vị một cây). Biết bao duyên phận dở dang bởi tục lệ, bởi giới luật của làng nhưng con người vẫn lặng lẽ, âm thầm, hiền hòa như thế.

Thăng trầm là vậy, lòng người vẫn gieo sự sống tiếp diễn vào những mầm xoan, gieo hi vọng dựng lại ngôi nhà cổ trên miền đất trung du bán sơn địa. Ngôi nhà gỗ cổ bỗng dưng bị chia năm xẻ bảy do thời cuộc. Dừng bước cuối đường nơi giáp ranh khu đồn điền cũ của cụ nội, thày mẹ không nguôi mơ ước tự tay dựng lại ngôi nhà gỗ xoan. Mẹ nói: “Chúa sẽ phù hộ, trên mảnh đất này nhà ta sẽ trồng xoan, đợi cây lớn. Rồi sẽ tới ngày chúng ta mời thợ mộc dựng lại ngôi nhà y hệt ngôi nhà ông bà nội các con để lại” (Trở lại góc hoa xoan vườn mẹ). Giữa những nhặm nhuội khổ cực, điều nhà văn muốn nói là những con người hiền hòa đôn hậu vẫn luôn âm thầm lặng lẽ, bền bỉ một kiếp sống giữa nhân sinh. Họ thắp lên giữa cuộc đời những điều tốt đẹp.

Con người miền trung du hiền hậu mang phẩm cách, tâm hồn tiêu biểu của người nông phu đất Việt. Nguyễn Tham Thiện Kế khẳng định: “Lẽ tự nhiên ở miền đất nhiều hoa thơm trái ngọt thì con người cũng là sự phản ánh chân thực những giá trị tự nhiên” (Miền trái ngọt). Nhà văn đồng nhất vị thảo thơm của hoa trái chính là hương vị tình người hòa quyện. “Về Phù Ninh miền trung du của trung du. Về miền cọ xanh, nón trắng. Về Phù Ninh miền trái ngọt đi em. Ta đón đợi. Về nơi tình người, phẩm cách người hiển hiện vào vị thơm hoa trái” (Miền trái ngọt). Nếu ca dao xưa hát lên tâm hồn lạc quan của những con người lầm lụi thân cò, một nắng hai sương dưới gốc đa, dưới lũy tre xanh ngàn đời thì Nguyễn Tham Thiện Kế lại trình hiện một giá trị cốt lõi nhưng đóng đinh vào không gian, thời gian của con người làng quê là thiên lương.

III. Trình hiện về làng quê, về giá trị và phong vị sống chân tình, hiền hòa, nhân hậu của con người miền thượng du đất Việt, nhà văn đã tạo ra cuộc đối thoại với văn minh đô thị hiện đại hôm nay

Văn minh đi liền với tiến bộ và hiện đại để cải thiện mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần. Thế nhưng, thiên lương là phẩm chất không thể đổi thay. Truyền thống nghĩa tình của người Việt cũng được xây đắp từ thiên lương. Nhưng thực tế, biết bao nhiêu cái xấu, cái ác đã bóp méo đi giá trị tốt đẹp ấy. Từ đó, nhà văn đặt ra lời đề nghị về lẽ sống cho con người đương thời và mai sau: gìn giữ thiên lương tốt lành là căn tính cần có.

Chân lí mà nhà văn nói đến khiến số phận con người chìm nổi với những cắc cớ phải chấp nhận chính là sự đổi thay của thời cuộc, là chính sách hợp tác xã thời kì đổi mới. Cải cách để phát triển, đổi mới để dựng xây đất nước, đó là bước đi của thời cuộc. Đó là quy luật vận hành của xã hội. Tuy nhiên, qua tùy bút của Thiện Kế, chúng ta nhận thấy, chính sách hợp tác xã bên cạnh những yếu tố tích cực thì đâu đó vẫn có những con người bị tổn thương, những phận người chìm nổi.

Viết về vấn đề này, nhà văn chọn lập trường phát ngôn từ phía những người dân quê bị tổn thương bởi chính sách một thời của chế độ xã hội. Tuy nhiên, thái độ của người nghệ sĩ không gay gắt, không lên gân phê phán mà chỉ gợi, chỉ khẽ chạm như để nỗi đau đủ ngời sáng lên nỗi ẩn ức của thân phận con người khi được Thượng đế tạo sinh. Những lớp người là chứng nhân của thời đại ấy đã hóa hư không, đã về với đất nhưng nỗi niềm phận người của một thời vẫn luôn còn hiện diện một kí ức buồn trong veo xiết bao day dứt, để người ta giật mình tự vấn. Nhà văn đã từng nói: Thời đại nào cũng có vấn đề riêng, chẳng thời đại nào toàn hảo, sống, viết là chấp nhận và thương yêu cái tôi và cả nhân quần…

Theo Hà Thị Liên/Vanvn

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm