TIN TỨC

Hoài Vũ - thơ và nhạc bay bổng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-14 15:16:57
mail facebook google pos stwis
1937 lượt xem

TRẦN THỊ THẮNG

Tôi được gặp Hoài Vũ đầu tiên vào hôm chuyển cơ quan, tháng 1-1973 tại Chô trên nước bạn Cam-pu-chia. Bữa cơm trưa hôm ấy, ngày 23 tháng Chạp năm 1972, cơ quan ăn Tết sớm để tiễn tôi xuống chiến trường vào đất mẹ Củ Chi.

Bước vào liên hoan, tôi gặp anh Hoài Vũ, lòng thầm nghĩ, người có nhiều bài thơ tình tha thiết như Vàm Cỏ Đông mà sao trông sạm đen, nhỏ thó vậy, chỉ có nụ cười lớn mà vang, rạng rỡ. Mới kịp nhận mặt các anh trong bữa cơm, chiều đó xe đã đón tôi “xuống đường” trước. Hình như điều này lại lặp lại một lần nữa vào ngày 19-4-1975, Hoài Vũ cho mời tôi, Hà Phương, Phùng Đức Thắng lên giao nhiệm vụ chúng tôi xuống đường trước. Được cử tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng địa bàn lần này là chiến trường miền Tây nơi đầy sông nước. Lúc đó tôi tự nghĩ: sao cứ xuống đường trước, các anh văn nghệ lại thường điều nữ đi vậy. Anh Phùng Đức Thắng không nhận hai bạn nữ chúng tôi đi cùng với lý do, hai chị này có ai biết bơi đâu mà các anh ném các chị ấy xuống chiến trường miền Tây, chiến trường đầy sông nước.

Hoài Vũ ớ người ra một lúc rồi thanh minh:

- Các anh không biết hai em gái không biết bơi, nhưng báo danh sách lên cấp trên, đã được đồng ý!

- Cũng chẳng sao, làm khó cho các anh làm gì. Các anh cứ để danh sách như vậy, Thắng, Hà Phương sẽ đi!

Lúc đó tôi thoáng nghĩ, những ngày ác liệt như ở Củ Chi, có lúc bên kia bắn pháo sang xới tung cả đất nơi tôi đang nằm trên võng mà có sao đâu. Còn việc sông nước, tới đâu tính tới đó. Sáng sớm, anh Dương Trọng Dật, Lê Quang Trang, Trần Đức Cường, mỗi người một xe đạp đèo chúng tôi ra sông Vàm Cỏ. Hoài Vũ là thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi sang chào tạm biệt nói mạnh miệng: Anh em ta lại gặp nhau ở Sài Gòn “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”!

Đoàn đi trên đường đầy cát và gió bụi, ba chiếc xe đạp phải vất vả lắm mới lăn nổi trên những lằn cát. Nắng trưa như lôi hết mồ hôi trên người các anh ra để chưng trên áo, lớp muối trong mồ hôi khô lại ướt đóng vào lưng áo, đến một phố nhỏ ven đường, chúng tôi dừng để nghỉ trưa tạm. Dương Trọng Dật mang bánh mì, thịt rán, nước uống ra, bạn bè tôi chu đáo quá, các anh lo cho chúng tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất mà chúng tôi đôi khi không hình dung ra nổi. Trưa nằm trong nhà dân, tôi thấy ai cũng mở chiếc đài con nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông”. Cứ nghĩ ở đây mọi người sẽ mở nghe chương trình cải lương của Lệ Thuỷ ca suốt ngày đêm của đài Sài Gòn cũ, lâu lâu mới được nghe chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Giải phóng với bài hát Vàm Cỏ Đông, chúng tôi đang vui thì thấy mấy người dân còn nhún nhẩy theo. Một bà già giải thích cho tôi nghe

- Ở đây làm ăn chính với bộ đội miền Bắc, họ mua quân lương, đồ ăn cho các anh chở về xuôi, các anh thích những bài hát này, lây sang cả con cháu chúng tôi, và giờ cũng lây sang cả tôi nữa, thích ca nhạc, thích buổi tiếng thơ! Lúc đầu nghe nó kỳ kỳ, nghe mãi thấy cũng được, nghe riết thấy hay hay!

Tôi mới biết đây là vùng đất bên dòng Vàm Cỏ, chiều ra bến Da, thuyền quân hội tụ về đông như hội chen, người lên, hàng xuống ghe chuyển sầm sập. Phải tạm chia tay ba anh để đi về hướng Vàm Cỏ Đông. Chiếc xuồng giao liên đi ra đến giữa dòng thì gặp bao thuyền chở vũ khí, lương thực đi sàn sạt như lá tre. Mỗi thuyền có một chiếc đèn bão con con che ánh sáng lên trời, để nguyên làn ánh sáng toả dưới chân đèn như hoa tiêu báo thuyền đang đi xuôi. Trên thuyền, radio mở những bài ca nhạc, thậm chí có cả băng với bài hát về Vàm Cỏ Đông nghe đi nghe đi lại. Sức sống của bài hát ở miền sông nước này đã được nhân lên gấp bội, tôi nghĩ nếu Hoài Vũ đi dọc sông lúc này, chắc anh là người sung sướng nhất.

Vốn là nhà thơ, nhưng anh cũng viết nhiều bút ký, truyện ngắn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hình như đi để viết trở thành nhu cầu sống của các nhà văn nghệ hoạt động trong thời kỳ “đâu có giặc là ta cứ đi”. Những tập truyện ngắn: Tiếng sáo trúc, Bên sông Vàm Cỏ, Quê chồng… của ông ghi lại không khí chiến đấu những năm chiến tranh, con người trong cuộc chiến, nhân dân trong cuộc chiến là những con người lạc quan, bởi ở họ có tấm lòng yêu nước cao cả. Bài thơ “Vàm Cỏ Đông”, sau này được phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, ra đời ở thập niên 70 như sự kết dính hai miền Bắc Nam, cũng là lời tuyên ngôn của bao đôi trai gái thời chiến, dường như là những tuyên ngôn của cả dân tộc.

Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ

Từng chiếc xuồng, tấm lưới , cây dầm

Từng con người làm nên lịch sử

Và dòng sông trong mát quanh năm

Vàm cỏ Đông đây, ta quyết giữ

Từng mái nhà nép dưới rặng dừa

Từng thưả ruộng ngời lên màu mỡ

Từng mối tình hò hẹn sớm trưa…

Ảnh do nhà văn Trần Thị Thắng cung cấp

Những năm đó, chúng ta phải cám ơn các nhà thơ nhà văn đã đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ghi lại những hình ảnh sinh động của cuộc chiến, những bài thơ tình thời ấy đã đi song hành cùng vận mệnh của cả dân tộc. Sau này, tác giả đã ra mắt bài thơ “Anh ở đầu sông em cuối sông” cũng được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Bài hát cùng bài thơ đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, đi vào lòng bạn đọc, bạn yêu nhạc. Ông còn có bài “Đi trong hương tràm” được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. Nếu ai có dịp đi xuống đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy bài hát này rất được bà con ưa thích. Ông là nhà báo vào chiến trường Nam Bộ từ năm 1964-1965 sau chuyển sang Hội văn Nghệ Giải phóng cuối năm 1972. Tôi chuyển về Hội văn nghệ Sài Gòn - Gia Định, anh Giang Nam làm phó ban, Hoài Vũ làm uỷ viên. Cứ chúng tôi đóng ở xóm Thuốc, Củ Chi. Tháng 3-1973, các anh Hoài Vũ, Giang Nam cùng chúng tôi đi dự hội nghị “Chiến sĩ thi đua” của huyện Củ Chi họp tại Hố Bò. Hai ngày nghe báo cáo của các chiến sĩ vùng ven, vùng ấp chiến lược, khi hội nghị vừa kết thúc, bom pháo từ Đồng Dù bắn lên, dội xuống, tan tành cả hội trường vừa họp. Tất cả trở về cứ và phải đương đầu với những đợt càn liên tiếp. Tháng tư, giặc càn vào cứ, chúng tôi xuống hầm bí mật. Tháng năm chúng càn quy mô lớn với hàng trăm trực thăng, thả lính nhẩy dù xuống trảng cỏ Mỹ tại Củ Chi, gần cứ Văn nghệ. Cậy lính đông, vũ khí tối tân, địch càn diện rộng vào khu căn cứ Sài Gòn – Gia Định. Chúng tôi xuống địa đạo cùng chống càn với tiểu đoàn Sài Gòn của ta. Giang Nam, Hoài Vũ, Thạch Cương là ba cây bút bám trụ tới phút cuối cùng, các anh kiên cường trụ từng tấc đất để chống giặc. Là lính của các anh, chúng tôi rất yên tâm chống càn với các thủ trưởng. Khi có lệnh của thành uỷ, chúng tôi mới tạm rời sang bên sông Sài Gòn, lập cứ tại vùng núi rừng Tà Leng. Trong khu căn cứ này, Giang Nam, Hoài Vũ đã tổ chức “Đại hội Văn nghệ Sài Gòn Gia Định” vào tháng 9-1973. Đến dự đại hội có đồng chí Năm Xuân (tức Mai Chí Thọ), Bí thư Sài Gòn- Gia Định, nhà điện ảnh Hoàng Thanh, nhà thơ Viễn Phương, Hồ Thiện Ngôn… và nhiều anh chị em hội viên khác như: Trần Thị Thắng, Trần Văn Tuấn, Hà Phương, Lam Giang, Phan An, Phan Xuân Biên, Hà Công Tài, Khuynh Diệp, Nguyễn Khắc Thuần… Sau đó đại hội mở lớp “viết văn” 30 ngày học tại Long Nguyên, trong đó chúng tôi mời được các nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, nhà thơ Đồng Tháp. Trong chiến khu chúng tôi triệu tập cả các cây bút như Lam Giang, Đoàn Minh Cừ (thơ), Trần Văn Tuấn (văn) vào trại sáng tác. Từ lớp học này, Lê Duy Hạnh hoàn thành kịch “Bạo chúa” gửi ra miền Bắc bằng con đường của Hội Văn nghệ, sau đó anh được mời ra miền Bắc nhận giải thưởng kịch. Lớp học còn có nhiều sinh viên đang học, hoặc đã ra trường cũng được “mời” ra dự “lớp viết văn” ngắn hạn. Chính các em sẽ là những nòng cốt văn hoá văn nghệ trong các giảng đường đại học, trong thành Sài Gòn. Sau ngày hoà bình, anh em trong lớp viết văn thời đó đã trưởng thành như: Đồng Tháp có bài thơ Ta đứng bên này châu Á, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh có nhiều bài hát nổi tiếng trong giới sinh viên, Đỗ Thị Mỹ trở thành Tổng biên tập báo Khăn quàng đỏ, Đặng Văn Tuấn là Phó tổng biên tập báo Thời báo kinh tế, Hải Nam - phóng viên Trưởng ban thời sự báo Sài Gòn Giải phóng. Anh Hoài Vũ đã mời cả các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà đến giảng cho anh em lớp viết văn trẻ trong thành nghe. Sau một tháng học tập, chúng tôi đã thu được nhiêu tác phẩm do học viên của lớp học để lại. Ngày bế giảng, đồng chí Bí thư thành uỷ Năm Xuân (Mai Chí Thọ) đến nói chuyện với lớp, sau đó chụp ảnh cùng anh em ngay cạnh miệng hố bom. Trong “Ngày ký giả đi ăn mày” (10-10-19740, dự định có 300 ký giả xuống đường đi từ đường Nguyễn Huệ đến công trường Quách Thị Trang nên đã chuẩn bị 300 nón lá, bị, gậy cung cấp cho các ký giả. Không ngờ các dân biểu, quần chúng tham gia lên tới hàng ngàn người. Lúc đó lập tức Giang Nam, Hoài Vũ cùng anh em chúng tôi in tức tốc hai tập thơ và truyện ngắn Cơn lốc, Mầm xanh để mấy hôm sau gửi vào Sài Gòn cho bà con đón đọc. Những tháng năm này, tình hình tương đối ổn định, chúng ta đã bao lần tấn công vào Rạch Bắp, Bến Cát, giặc co cụm lại. Thành uỷ đứng ra móc nối cho gia đình các anh chị được tạm thời xum họp. Giang Nam đón được vợ và con gái lên cứ Văn nghệ ở được thời gian. Lữ Phương cũng đón vợ đi đường Bến Cát vào. Vợ Hoài Vũ theo đường Thành đoàn. Khi nhắc về vợ con, ông luôn cảm động và khoe: “Hôm đám cưới, đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ) đứng ra làm chủ hôn cho chúng tôi”. Họ là đôi uyên ương giống như “ông Ngâu bà Ngâu”. Hoài Vũ trong chiến khu, vợ hoạt động trong thành, họ muốn gặp nhau là phải có bàn tay của tổ chức. Ông có một cô con gái, đó là niềm tự hào: “cách mạng tặng tôi người vợ và một cô con gái”

Hoài Vũ vốn là nhà báo, nhà thơ. Đầu năm 1974 chuyển sang Hội Văn nghệ Giải phóng, làm uỷ viên thường trực, ông cùng Giang Nam phụ trách tờ Văn nghệ Giải phóng. Anh là người làm báo Văn nghệ rất tinh và nhậy, biết thẩm định, lắng nghe ý kiến của anh em trong toà soạn. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh đặt ra trên bàn mỗi tờ báo, ông đã cử chúng tôi xuống miền Tây đúng ngày 19-4-1975. Những bài báo khai thác được sớm, ông cho cắm cờ “đỏ” để ghi nhận sự nhanh nhậy của phóng viên hay của biên tập viên. Ngày giải phóng 30-4-1975, ông cùng anh em trong báo tiến vào Sài Gòn rất sớm. Ngày 3-5-1975, Hoài Vũ điều động một tổ cùng ông phá cửa sắt căn nhà 190 Công Lý để lấy chỗ cho báo Văn nghệ Giải phóng làm việc và anh em ở. Cũng tại địa chỉ trên, bao nhà văn từ Bắc vô, miền Trung vào, tất cả đã tề tựu tại báo Văn nghệ Giải phóng. Chúng tôi gọi đó là mái nhà sum họp ba miền. Số báo 49 là số đầu tiên in sau ngày giải phóng định ra mắt bạn đọc dịp 19-5-1975 nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng không in kịp, phải lùi tới ngày 28-5-1975 mới in được đẹp, trang trọng ngay giữa lòng Thành phố. Tiếp đó là những số ra đều kỳ, số lượng in lên đến 10 vạn bản. Tại địa chỉ 190 Công Lý chúng tôi đón Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Thu Bồn, Nam Hà, Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải… tề tựu một nhà. Lúc này vai trò của Hoài Vũ rất quan trọng, anh lo toàn bộ bài vở, bên dưới là hàng ngũ trưởng ban như Thạch Cương, Lê Giang, Lê Quang Trang… Tờ Văn nghệ Giải phóng có bản sắc riêng, không phải là em của tờ Văn nghệ trung ương. Hoài Vũ làm báo Văn nghệ cộng với sự làm việc bốc lửa của Trần Bạch Đằng, nhiều số báo đã có tiếng vang với cả nước, người dân cùng tầng lớp trí thức Sài Gòn. Họ tiếp nhận tờ Văn nghệ Giải phóng một cách tự nhiên. Văn nghệ Giải phóng in đến số 100 thì làm lễ kỷ niệm long trọng, anh em trí thức cũ mới trong thành phố tới dự rất đông. Số 135 là số cuối cùng của Văn nghệ Giải phóng, cuối tháng 4-1975 có chủ trương sáp nhập hai tờ báo là một. Anh em phóng viên, biên tập viên đang làm báo Văn nghệ Giải phóng tan đàn xẻ nghé, người ra Bắc, người đi làm báo khác. Chúng ta không những đánh mất thương hiệu của tờ báo cùng với mấy vạn độc giả, mà còn chưa chú trọng nhiều đến vai trò anh em làm báo từ thời kháng chiến trên R. Người buồn nhất lúc đó là Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Hoài Vũ. Cán bộ của báo Văn nghệ ra vào 190 Công Lý, ghi cả từng chiếc quạt, điều hoà, két sắt, thùng hồ sơ đựng tài liệu, sau đó chuyển lên tầu đưa ra trụ sở 17 Trần Quốc Toản. Sau này, Báo Văn nghệ giữ chỗ làm việc ở 43 đường Đồng Khởi. Ở 190 Công Lý, chúng tôi tìm được rất nhiều tài liệu chiêu hồi của địch, vội đem nộp lên cấp trên. Anh Phùng Đức Thắng, phóng viên của chúng tôi vào 190 Công Lý để ở, lật tấm đệm giường đã có một quả lựu đạn đã mở chốt sẵn, chỉ cần ghé nằm là phát nổ, may có anh em vô hiệu hoá. Toà nhà 190 Công Lý cũ dành cho các gia đình đã từng làm báo Văn nghệ Giải phóng về ở từ ngày giải phóng. Nơi ấy một thời là toà nhà đẹp, nay cũngđã xuống cấp nghiêm trọng

Vốn là người thích viết, ông vẫn say mê làm báo khi đất nước về một mối. Ông làm Uỷ viên ban biên tập báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó giám đốc NXB Tác phẩm mớí, uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của thành phố, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng phụ trách ấn phẩm tiếng Hoa.

Riêng với sáng tác thơ văn, như lời tâm sự của ông, ông có kỳ vọng nho nhỏ nhưng đó là niềm hạnh phúc lớn của người cầm bút: “Tôi viết văn làm thơ với niềm đam mê không bao giờ cạn. Hạnh phúc lớn nhất đến với người cầm bút là dầu năm tháng qua đi, người đọc vẫn nhớ tác phẩm của mình như một hình bóng đáng yêu thoáng qua đời họ…”

Ngoài làm báo, sáng tác văn thơ, ông còn dịch những tác gia điển hình của văn học Trung Quốc. Hoài Vũ đã dành cả đời cho sự nghiệp làm báo, sáng tác văn học, dịch thuật. Thơ văn của ông cứ êm ả đi vào lòng người và được bạn đọc yêu mến bởi ông đã nói thay những khát khao của họ.

(Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2008 ).

Các nhà thơ Hoài Vũ và Trần Mạnh Hảo tại Lễ tang nhà thơ Văn Lê. Ảnh: Nguyên Hùng.
 

Nhà thơ Hoài Vũ đề tặng sách mới cho các đồng nghiệp từ Hội Nhà văn TP. HCM. Ảnh: Nguyên Hùng.
 

Đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM đến thăm và chúc Tết lão nhà thơ Hoài Vũ (04/2/2021).
Ảnh: Nguyên Hùng.

Nhà thơ Hoài Vũ tiếp các nhà văn Bích Ngân, Trầm Hương và nhà thơ Huệ Triệu. Ảnh: Nguyên Hùng.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm