- Góc nhìn văn học
- Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần V: Khơi dòng văn chương cho thế hệ “công dân toàn cầu”
Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần V: Khơi dòng văn chương cho thế hệ “công dân toàn cầu”
TỐNG PHƯỚC BẢO
Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần V sẽ diễn ra từ ngày 11/10 đến 13/10 với nhiều hoạt động sôi nổi như: Tọa đàm “Đồng hành khát vọng phương Nam”; giao lưu với các cây bút trẻ của Đại học An Giang; giao lưu cùng Phân hội VHNT An Giang. Ngoài ra, Hội nhà văn TPHCM cũng cho phát hành tuyển tập “Dòng chảy của nước” để giới thiệu đến công chúng những gương mặt văn trẻ TPHCM trong giai đoạn 1975 đến hiện nay.
Mảnh đất chấp cánh cho người trẻ
Có thể nhận thấy rằng hoạt động văn chương của TPHCM lúc nào cũng sôi động và đa dạng với sự quy tụ của hầu hết các cây bút đã chọn mảnh đất này làm nơi phát triển sự nghiệp, đặc biệt là những người trẻ. Khi họ hòa chung không khí văn chương hừng hực của nơi đây, dễ thấy nhất đó là sự khởi phát, vượt thoát và dấn thấn. Trần Đức Tín là một ví dụ cụ thể cho sự thăng hoa khi từ miền quê Cà Mau đến TPHCM lập nghiệp, chính sự cởi mở và trẻ trung của một đô thành nhộn nhịp đã cho tiếng thơ anh cất cánh với giải thưởng Tác giả trẻ của Hội nhà văn Việt Nam năm 2022. Hai năm qua, cái tên Trần Đức Tín phủ sóng khắp các mặt báo trên toàn quốc như chứng minh sự dấn thân mạnh mẽ của anh với hành trình viết.
Cũng chính tại đại đô thị trẻ này, cây bút 18 tuổi Vĩ Hạ lần đầu tiên chạm những bước chân mình với văn chương bằng tập thơ đầu tay “Đi tìm những bóng người” mang nhiều suy tư, chiêm nghiệm và cả sự chênh vênh của một người tỉnh lẻ sống tại phồn hoa thị thành. Tập thơ như lời bộc bạch của những người trẻ, quay cuồng với hành trình sống và hun đúc ước mơ. Vĩ Hạ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn và đoạt ngay giải thưởng Tác giả trẻ của Hội nhà văn Việt Nam năm 2022.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM đã chia sẻ đánh giá của mình về diện mạo văn trẻ của mảnh đất phương Nam này: “Một đặc điểm của văn chương trẻ nói riêng và văn chương TP.HCM nói chung, là sự trong sáng dung nạp những sự khác biệt về cá tính sống lẫn phong cách viết. Tác giả trẻ phương Nam không tẩy chay hay miệt thị những biểu hiện không giống mình, nên văn chương đa dạng và phong phú. Người giữ nhịp điệu lục bát truyền thống vẫn đứng chung với người khao khát tân hình thức hoặc hậu hiện đại. Người say sưa tiểu thuyết ngôn tình vẫn đồng hành người mải mê đổi mới cấu trúc truyện ngắn. Họ chấp nhận nhau, họ dìu dắt nhau, họ nâng đỡ nhau để có được tác phẩm như mong muốn của mỗi người. Đáng chú ý, văn chương trẻ TP.HCM đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Họ sinh sau năm 2000, thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.”
Hợp lưu “dòng chảy” thời đại
“Dòng chảy của nước” quy tụ 62 gương mặt đang trong giai đoạn viết sung sức hiện nay của mảnh đất phương Nam này như Huỳnh Trọng Khang, Bùi Tiểu Quyên, Trần Huyền Trang, La Thị Ánh Hường, Trần Đức Tín, Vĩ Hạ, Nguyễn Thị Như Hiền… và những gương mặt vừa bắt đầu chập chững đến với văn chương như Ngô Tú Ngân, Nguyễn Đoàn Anh Minh, Thụy Khải, Đặng Thiên Phong, Đỗ Khắc Tồn… cùng những gương mặt thuộc thế hệ 7X-8X đã định danh trên văn đàn như một bệ đỡ cho lớp viết trẻ của TPHCM như Lê Thiếu Nhơn, Trương Anh Quốc, Hà Thanh Vân, Nguyễn Phong Việt, Nguyệt Phạm, La Mai Thi Gia, Phương Huyền…
Ngoài ra TPHCM đang sở hữu một lừa viết rất trẻ đã mạnh mẽ dấn thân và chứng tỏ nội lực viết của mình khi vẫn còn đang trong độ tuổi học sinh. Trần Phú Minh Anh, cô gái nhỏ nhắn sinh năm 2007, đã ra mắt truyện dài đầu tay mang tên “Bức tranh huyền bí” vào năm 14 tuổi. Năm 2023, khi mới 16 tuổi với tập thơ “Một ngày từ bên trong”, Trần Phú Minh Anh đã đoạt giải A của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Đại biểu trẻ nhất ở Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM 2024 là tác giả Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008, có bộ tiểu thuyết “Người sao Chổi” gồm 3 tập được trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia. Với thế hệ viết đang trong độ tuổi được gọi là “công dân toàn cầu” này, hoàn toàn có quyền hy vọng vào sự hội nhập văn chương quốc tế một thời gian không xa của TPHCM.
Sự đa dạng từ các cây bút trẻ của ngành Công an
Ngoài ra, ở kỳ Hội nghị những người viết trẻ TPHCM lần này có những đại biểu thuộc ngành Công an như Thượng úy – nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Hoa, hiện đang công tác tại CA Quận 5; Đại úy – nhà văn Võ Chí Nhất thuộc CA Huyện Củ Chi và Thiếu tá – nhà thơ Trần Ngọc Mai, CATPHCM. Đây là những cây năng động và ghi nhiều dấu ấn trong thời gian qua với văn đàn TPHCM.
Năm 2022, Thượng úy – nhà văn Võ Chí Nhất đã nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM cho tập truyện ngắn “Muội tro”. Dù còn nhiều hạn chế do công tác trong các đơn vị đặc thù nhưng cây bút 9X này đã nỗ lực rất nhiều, không để khó khăn vùi lấp đam mê. Theo Võ Chí Nhất chia sẻ, chính vị trí công tác cũng giúp ích mình khi đến với văn chương: “Tôi sáng tác mảng trinh thám- hình sự nên được tiếp xúc với nhiều vụ án hay lưu trữ tại đơn vị, hoặc được trực tiếp trò chuyện với các chú, các anh đi trước nghe những mẩu chuyện kể, những kinh nghiệm phá án mà không một giáo trình nào đề cập. Đó là chất liệu quý để tôi sáng tạo thêm vào tác phẩm mình, dễ dàng chinh phục được độc giả của dòng văn học trinh thám”.
Riêng Thiếu tá – nhà thơ Trần Ngọc Mai, cảm giác đầu tiên khi nhận được thư mời dự Hội nghị này là sự vui mừng, vì ít nhiều bản thân cũng đã tạo được sự chú ý nhất định trong sinh hoạt văn học của TPHCM. Trần Ngọc Mai chạm ngõ văn chương từ sớm, năm 2012 anh đoạt giải 3 cuộc thi thơ Bút Mới, mãi 4 năm sau anh mới cho ra mắt thi tập đầu tay mang tên “Sau lưng là biển”. Thế nhưng những năm gần đây làng văn TPHCM chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục với những giải thưởng về văn xuôi của mình như tiểu thuyết “Cổ tích cảnh sát” đã được trao giải Khuyến khích hạng mục “Trại sáng tác văn học” trong cuộc thi viết về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 2022. Tháng 6 năm 2024, Trần Ngọc Mai lại đoạt giải A với truyện ngắn “Kỳ nghỉ phép” trong cuộc thi viết của Bộ Công an về đề tài Công an cơ sở. Trần Ngọc Mai rất háo hức tham gia hội nghị lần này bời theo anh: “Đây là cơ hội cho Mai và những bạn trẻ có cơ hội lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước và là dịp để các cây bút trẻ giao lưu, gặp gỡ, góp phần cùng nhau tạo nên diện mạo mới của văn chương thành phố trong tương lai.”
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đã gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm của mình qua hội nghị này: “Ở nhà sách hay hội sách hiện nay, tác phẩm của người viết trẻ cũng chiếm ưu thế hơn hẳn. Trong các cuộc thi, người viết trẻ đoạt nhiều giải thưởng lớn. Đó là tín hiệu đáng mừng. Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM là nơi hội tụ, gặp gỡ, để lắng nghe nhau, đôi khi chỉ cần cái ôm, cái bắt tay cũng đã là nguồn động viên, khích lệ rất lớn. Những nhà văn đi trước sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, thành công cũng như thất bại trong nghề văn mà mình đã trải qua. Các tác giả sẽ cùng nhau trao đổi các câu chuyện nghề nghiệp và kiến nghị giải pháp thúc đẩy công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn chương.”
Với chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam”, Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần V như một cuộc khơi dòng và hợp lưu văn chương cho thế hệ trẻ tại đại đô thị lớn nhất nước.
Nguồn: Văn nghệ Công An