- Truyện
- Hương cỏ | Đỗ Xuân Thu
Hương cỏ | Đỗ Xuân Thu
ĐỖ XUÂN THU
Tôi đang vệ sinh sáng thì điện thoại reo vang. Rút máy trong túi ra, chẳng kịp nhìn màn hình, tôi vội bấm phím “a-lô” luôn. “Ai gọi đấy?”. “Tao dây! Minh đây! Dậy chưa?”. “Rồi! Có việc gì mà gọi tao sớm thế?”. Tiếng Minh oang oang: “Đang ăn hả? Biết chuyện gì chưa?”. “Ăn đâu mà ăn? Đang đánh răng!”. Tôi lầu bầu trả lời với cái mồm đầy bọt kem tràn cả ra hai bên khóe miệng.
“Thế mày chưa biết chuyện gì thật à?”. Minh hỏi lại. Tôi sốt ruột: “Đã bảo chưa mà lị. Có chuyện gì, mày nói mau đi”. “Chị Thảo của mày… sắp… cưới… đấy!”. Minh dài giọng. Tôi sững người suýt nữa thì bị sặc. Vội khạc bỏ đám bọt đang ở trong mồm ra, tôi hỏi dồn: “Sao? Mày bảo sao? Thảo lấy chồng hả?”. Minh đáp gọn lỏn: “Ừ. Mười sáu này cưới”.
Tôi đứng đực trong phòng tắm. Dưới chân, ngổn ngang mảnh gương vỡ chưa kịp dọn. Hai tai tôi ù đi. Chiếc bàn chải đánh răng bị tôi ngậm cứng ở miệng. Giọng thằng Minh lại vang lên: “Đâu rồi? Mày có nghe tao nói không?”. “Đây. Tao đây. Vẫn đang nghe”, tôi ú ớ. Minh nhắc lại: “Thế mày có về không?”. “Ừ. Để tao tính đã!”. Nói xong, tôi chủ động cắt máy. Minh cũng không gọi lại. Tôi bần thần ngơ ngác. Dạ Thảo lấy chồng? Vậy là em đã đi lấy chồng! Sao lại thế được nhỉ?
Đúng là đã có điềm báo trước cho tôi. Một mình ở phòng trọ, tôi tùy nghi sinh hoạt. Ăn uống, ngủ nghỉ chẳng phụ thuộc ai. Cốt đúng giờ đến công ty là được. Thế mà cả đêm qua tôi trằn trọc không sao ngủ được, toàn nghĩ chuyện linh tinh. Hình ảnh quê nhà cứ ào ạt hiện về. Tuy ồn ào nhưng về khuya Sài Gòn cũng yên tĩnh lắm. Không gian đủ vắng lặng cho những người khó ngủ có được giấc ngủ để lấy lại sức cho ngày làm kế theo. Vậy mà đôi mắt tôi cứ chong chong. Sáng ra, vào phòng vệ sinh, lũ muỗi vo ve, nhặng xị. Bực mình, tôi thẳng tay tát chúng chẳng để ý chiếc gương gắn ở tường. Gương vỡ tan tành, rơi lả tả từng mảnh. Giờ lại thêm tin Thảo lấy chồng nữa. Đúng là điểm chẳng lành chút nào. Đầu óc tôi rối tung lên. Dạ Thảo lấy chồng? Có về không? Về có kịp không? Có phải gần đâu cơ chứ? Hơn 2.000 cây số chứ ít gì? Vừa trở lại Sài Gòn tháng nay, công việc đang dần ổn định mà lại về thì…
Mấy tháng trước, đợt dịch thứ 3 lắng xuống, các chốt phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Hòa cùng dòng người, tôi đã phóng xe máy về quê. Gian khổ vô cùng. Mọi người đùm rúm, tay xách nách mang, nối đuôi nhau bỏ chạy khỏi Sài Gòn. Dọc đường bao hiểm nguy rình rập. Chưa bao giờ tôi thấy dòng người lại đông như vậy. Mấy tháng trời bị phong tỏa, ai cũng sợ. Virus Corona rình rập khắp nơi. Đau thương chồng chất. Không việc làm. Không thu nhập. Không được đi lại. Bí bách. Tù túng. Hoảng sợ… Những kẻ tha hương như tôi chưa kịp lo chết dịch thì đã lo chết đói. Thế nên, khi có lệnh dỡ phong tỏa, không ai bảo ai đều túa ra, tìm đường về quê. Cũng may, trên đường về, quân đội, công an cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ nên chúng tôi cũng đỡ tủi. Thế nhưng, về nhà rồi tôi chẳng biết làm gì để lấy cái bỏ vào miệng. Suốt ngày vào trông ra ngóng, chân tay thừa thãi. Dần dần, dịch cũng yên. Cấp trên chủ trương “thích ứng với bình thường mới”, vận động mọi người trở lại nơi làm việc. Tôi lại dấn thân vào Sài Gòn lần nữa. Công việc đang ổn định, bây giờ mà lại về thì…
Điện thoại lại reo vang. Tôi liếc qua màn hình. Dạ Thảo! Đúng Thảo gọi rồi. Tim tôi đập thình thịch. Người tôi run lên. Vừa mừng tôi vừa giận nàng. Có nghe không? Nghe chứ. Từ hôm vào đến nay giờ nàng mới gọi cơ mà! Thì nghe. Nghe để xem thằng Minh nó nói có đúng không? Nghe để biết nàng dạo này ra sao? Nếu tin thằng Minh đúng thì cũng phải đối mặt với nàng chứ. Tôi hồi hộp ấn phím. Tiếng Dạ Thảo ngọt ngào: “Chào buổi sáng Quang nhé! Quang vẫn khỏe chứ? Công việc thế nào rồi?”.
Dẫu nhớ thương nàng lắm nhưng nghe tin Minh nói vừa rồi, tôi chỉ ậm ừ đáp cho qua chuyện. Có gì thì nói toạc ra đi. Sao cứ vòng vo Tam Quốc mãi thế? “Quang à! Thảo sắp lấy chồng rồi - Nàng nói tiếp - Mười sáu tháng này thì cưới. Biết Quang ở xa chưa chắc về được nhưng Thảo cứ thông báo để Quang mừng cho Thảo nhé… Ơ kìa! Quang! Có nghe Thảo nói không?”. “Có, có, có. Lấy… lấy chồng hả?”. Tôi giật mình ấp úng. “Ừ! Thảo lấy chồng. Quang cũng liệu mà lấy vợ đi nha. Thế nha. Chào Quang!”. Thảo chủ động cúp máy. Tôi đứng đực ra thẫn thờ. Vậy là nàng chỉ thông báo cho mình chứ không mời mình về dự? Người đâu mà vô tình vô nghĩa thế không biết. Bao nhiêu năm trời bên nhau, giờ đùng một cái… đi lấy chồng! Thế là hết! Xong! Không ngờ kết cục cuộc tình đơn phương của tôi lại như vậy.
Tôi và Dạ Thảo cùng ở làng Cổ Cò, một làng quê như bao làng quê khác thuộc miền trung du Bắc bộ. Nhà Thảo chỉ có hai mẹ con, cùng xóm với nhà tôi. Thảo không có bố hay đúng ra là Thảo không biết bố mình là ai. Làng tôi nói Thảo là kết quả của bà Nguyệt với một người đàn ông nào đó. Người này bỏ của chạy lấy người để tiếng chửa hoang lại cho bà. Bà ở vậy nuôi Thảo.
Nhà tôi ở mé gò này thì nhà Thảo ở mé gò kia. Ngày trước, ngoài vườn của hai nhà ra, khu đất còn lại của quả gò chỉ toàn sim mua cỏ dại, là nơi thả trâu tuyệt vời cho lũ trẻ chúng tôi. Mùa hè được thả trâu ở đây thì thôi rồi. Tháng 4, tháng 5, hoa sim, hoa mua tím ngắt sườn đồi. Gió hạ mơn man. Cỏ non mơn mởn. Tha hồ cho lũ trâu đủng đỉnh gặm cỏ. Lúc đó, chúng tôi bày đủ các loại trò chơi. Chơi gì thì chơi, cuối cùng cũng thế, hôm nào cũng phải dàn quân ra đánh trận giả mới đã. Bên địch, bên ta bắn nhau om xòm. Mùa sim chín lại càng khoái. Đứa nào đứa nấy chọn những quả sim mọng căng, quả mua béo mũm để chén. Ngọt lịm, tỉnh người. Mồm miệng chúng tôi toe toét, tím ngắt. Có đứa chui rúc mãi vào bụi rậm để ẩn nấp khi trốn tìm, để hái sim hái mua khi ăn mảnh. Có hôm, chẳng may gặp tổ ong vang, chúng túa ra, tiu vào bất cứ thịt da chỗ nào hở. Nhiều đứa kêu oai oái, chạy bán sống bán chết. Lúc dừng lại thì mặt mũi chân tay đã sưng vù. Tôi cũng bị mấy lần như thế. Đau nhưng mà thích. Chẳng đứa nào chừa. Mấy ngày sau, lại tiếp tục khám phá.
Đúng ra, tôi phải gọi Dạ Thảo là chị và thực sự hồi trẻ trâu tôi đã gọi như thế. Chị hơn tôi 5 tuổi, thuộc trà trật trước. Hồi ấy, khi tôi còn trẻ trâu thì chị đã là thiếu nữ rồi. Cắt cỏ, cấy hái… mọi việc trong gia đình chị đều thành thạo. Không chiều nào đi cắt cỏ là chị không ghé qua đồi chơi với lũ trẻ chúng tôi. Chị chơi chắt, chơi chuyền với lũ con gái. Chị phân xử cho lũ con trai khi chúng tôi tranh cãi nhau. Chị trọng tài cho cả bọn chơi kéo co, chơi âm. Chị trực tiếp tham gia chơi đuổi bắt, trốn tìm, thậm chí cả đánh trận giả nữa. Mười bảy tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, chị vô tư lắm. Chưa hẳn là người lớn, chưa hết thời trẻ con, chị hòa đồng với tụi tôi. Chị xinh gái nhất làng. Da trắng, tóc dài, nhí nhảnh, vô tư. Chị được cả dáng và da, cả tính nết và lời ăn tiếng nói nữa. Ai cũng quý mến chị. Mười một, 12 tuổi đầu, tôi cũng nhận thấy thế. Ai bắt nạt tôi là tôi mách chị. Ngược lại, ai trêu ghẹo chị thì tôi đứng ra bảo vệ bênh vực chị. Tôi tự hào về chị. Hàng xóm cùng với chị mà. Và hình như chị cũng rất quý tôi. Thế nên, tôi đã thầm hứa với mình rằng lớn lên tôi sẽ lấy chị (?).
Một hôm, đang thả trâu trên gò thì tôi nghe tiếng kêu thất thanh: “Có ai không? Cứu tôi với!”. Tôi nhớn nhác ngó quanh rồi vọt chạy xuống đồi về phía đó. Trời ạ! Chị Thảo đang vùng vẫy giữa đám sình lầy. Chỗ này, làng tôi gọi là hố chó. Nó nằm ven đồi nhưng là chỗ sâu nhất. Cỏ thường mọc um tùm. Ngày trước có một con trâu mải ăn đã bị sa lầy ở đây, không tài nào đưa lên được. Cuối cùng, hợp tác xã phải quyết định xả thịt nó. Ai nghĩ cũng tội và thương cho nó. Thế nhưng thời bao cấp, mổ được con trâu khó lắm, phải xin đủ các lệnh. Vậy nên, nhân thể nó thế thì hóa kiếp cho nó luôn. Hôm nay, chắc chị Thảo cũng thấy đám cỏ tươi tốt ngon lành nên mới thế. Càng giãy giụa, chị càng bị lún sâu xuống. Tôi quát to: “Chị hãy đứng yên ở đấy. Đừng cựa quậy nữa!”. Nói xong, tôi chạy một mạch về nhà vác hai cây sào nứa ra, xăm xăm bước tới chỗ chị. “Chị bình tĩnh để hai cây sào này sang hai bên rồi kẹp nách vào nha!”. Vừa nói, tôi vừa lựa làm cùng chị. Khi hai cây nứa đặt được như ý rồi, tôi bảo chị toài người theo mà lên. Đồng thời, hai tay tôi cũng kéo hai cây sào đó. Thế là thoát. Kinh nghiệm này là do mẹ tôi dạy. Làng tôi, nhiều ruộng thụt, các bà các chị đi cấy toàn phải mang theo hai cây sào là vì thế.
Một tuần sau đấy, chị Thảo lại gặp nạn. Số là hôm ấy, sau một đêm mưa tuôn không dứt, sáng ra nước ngập trắng đồng. Lúa đang kỳ đỏ đuôi đều chìm nghỉm. Cả làng nháo nhào í ới gọi nhau đi gặt vớt. Tôi phải nghỉ buổi học để phụ cùng bố. Khoán quản, ruộng chia cho từng nhà, không gặt chạy thì mất trắng. Mọi người thi nhau bì bõm, lóp ngóp. Nước ngập gần đến ngực tôi. Bố tôi lội kéo theo một chiếc thuyền nhỏ. Có nhà dùng cả ghênh (chảo lớn) làm thuyền. Mọi người quơ liềm mò vớt lúa. Được nắm lúa nào thì vứt lên thuyền, lên chảo.
Đỉa! Sao lại nhiều đỉa đến thế? Không biết ở đâu ra mà chúng thi nhau loi ngoi, bu bám vào bố con tôi. Mưa đầu mùa, đỉa ẩn qua đông giờ được dịp chúng túa ra. Mặc dù xà cạp, quần áo quấn kín người, lại cả vôi bột trộn ớt làm bả nữa. Vậy mà chúng không hề sợ. Cứ bả bôi vào con này rụng xuống thì con kia lại tới. Có con dứt mãi, day mãi không chịu rời. Đúng là dai như đỉa đói. Chúng thi nhau ngo ngoe lao vào tôi. Gần trưa, mọi người về hết. Cánh đồng chỉ còn bố con tôi. Sau đó, bố tôi cũng đánh xe lúa về trước. Tôi tranh thủ sang giúp chị Thảo. Mẹ chị bị bệnh, từ lâu đã không làm được gì. Mọi việc đổ tất lên vai chị. Nhìn chị một mình bì bõm vớt lúa, tội đáo để.
Mãi rồi cũng xong. Hai chị em kéo thuyền lúa vào bờ. Lúc lên bờ, chị Thảo bỗng giãy nảy, kêu thét lên. Tôi lập tức lao tới. Chị ú ớ, chỉ chỉ ngón tay vào bẹn mình. Tôi liếc nhanh vào đó. Một con đỉa to như quả chuối treo mình lũng lẵng ngay chỗ tiếp nối giữa xà cạp và mép quần xắn của chị. Tôi nhìn cũng thất kinh. Lấy hết can đảm, tôi thò tay túm chặt nó, giật ra. Máu đỉa phọt tung tóe, văng xuống nước đỏ lòm. Chị Thảo run như cầy sấy. Chỗ đỉa cắn máu vẫn tiếp tục chảy. Giật vội nắm cỏ mực cạnh đó, tôi khoắng xuống nước, bỏ vào mồm nhai trệu trạo. Sau đó, tôi lấy miếng bã cỏ ra khỏi miệng, bảo chị ngồi xuống, dạng chân ra rồi tìm cách dịt vào vết thương của chị. Cứ thế, tôi giữ chặt miếng thuốc vì nếu bỏ tay ra hoặc chị đứng lên thì miếng thuốc rơi mất. Tôi liền giật chiếc quai nón làm băng cuộn vòng quanh bắp vế chị.
Đêm đó, mệt nhoài vì cả ngày vật lộn với mò vớt lúa nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt vào thì hình ảnh chị Thảo lại hiện lên. Trời ơi! Cái bắp chân của chị! Sao mà nõn nà, trắng trẻo đến thế! Cứ như trứng gà bóc vậy. Lúc vòng tay băng vết đỉa cắn, chạm vào da thịt chị, người tôi sởn da gà. Chị thở hổn hển, rên khe khẽ. Một mùi thơm khó tả tỏa ra từ cơ thể chị. Lần đầu tiên trong đời, thằng bé 14 tuổi là tôi đã cảm nhận được điều đó, chỉ thoáng qua thôi. Bây giờ, nằm nhớ lại tôi mới thấy cái mùi cỏ tôi nhai quyện với mùi con gái của chị sao mà thơm tho ngọt ngào đến vậy. Tôi trằn trọc thở dài. Tôi hít hà, lâng lâng...
Những ngày sau đó, tôi để ý đến chị Thảo nhiều hơn. Đặc biệt, không lúc nào tôi không nghĩ về chị. Gặp chị, tôi vừa thích vừa có vẻ ngượng ngập. Ngược lại, chị Thảo vẫn vô tư. “Không có cậu hôm đó thì tôi chết ngất giữa đồng đấy. Cảm ơn cậu nhiều nha!”. Chị cười cười nói với tôi. Tôi vui buồn lẫn lộn. Chị vẫn coi tôi là trẻ con. Còn tôi, cơ thể con gái của chị cứ ám ảnh mãi. Cho đến năm tôi 17 tuổi (lúc đó chị 22) thì hầu như tôi được chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của chị. Đó là cái duyên ông trời ban cho tôi.
Hôm ấy, trên đường đi học về, vô tình nhìn ra sông, tôi thấy một con thuyền lật úp cùng đám cỏ trôi lềnh bềnh. Thấp thoi cạnh đó là cái đầu người và hai cánh tay chới với. Bị lật thuyền chết đuối rồi! Tôi nghĩ vậy vội bỏ xe đạp trên đê, lao xuống. Trời ơi là chị Thảo! Chị đang giã gạo. Túm tóc chị, tôi dìu vào bờ rồi vác ngược chị lên, chạy dọc triền sông. Nước trong bụng chị òng ọc chảy ra. Sau đó, tôi đặt chị nằm xuống và làm hô hấp nhân tạo đúng bài mà thầy giáo vừa dạy tôi ở trường. Bờ sông, ban trưa không một bóng người. Một mình tôi loay hoay vần vò chị. Lát sau thì chị tỉnh. Tôi thở phào. Lúc đó tôi mới nhìn kỹ chị. Cơ thể chị hiện lên những đường cong mềm mại sau lớp quần áo ướt dính trên người. Đặc biệt, khuôn ngực trắng ngần vẫn lồ lộ phơi ra do lúc nãy tôi làm động tác ấn đè hô hấp đã làm bật cúc áo của chị. Chị thoáng giật mình vội lấy tay che ngực lại. Giấu ánh mắt, tôi quay mặt đi hướng khác. Lớp cỏ gà ven sông quanh chỗ chị nằm nát nhừ. Tỉnh lại, chị cho biết là sáng nay chị bơi thuyền sang bãi giữa cắt cỏ. Lúc về, thuyền đầy, gió to, sức yếu chị chèo lái không nổi nên thuyền đã bị lật.
Sau lần ấy, chị Thảo quý mến tôi lắm. Cả mẹ chị nữa. Họ bảo tôi là ân nhân, là người sinh ra chị lần thứ hai. Còn tôi, thực sự đã đem lòng yêu chị. Vì yêu chị nên sức học của tôi giảm hẳn, may mà tốt nghiệp được phổ thông. Về làng, tôi sinh hoạt chi đoàn cùng chị. Hai chị em tôi quấn quýt bên nhau. Lúc đầu là “đồng chí”, sau rồi thì gọi tên, xưng hô trống không. Dạ Thảo cũng vậy. Thanh niên làng xúm quanh tán tỉnh chị, chị vẫn vô tư chẳng nhận lời ai. Tôi thì lo lắm. Cuối cùng tôi liều ngỏ lời với chị thì… trời ơi, chị cười rõ to. “Cậu đùa à?”. Tôi nói: “Quang nói nghiêm túc đấy. Quang yêu Thảo từ lâu rồi!”. Dạ Thảo ngừng cười, nghiêm giọng nói: “Cảm ơn Quang nhé. Chúng mình có duyên mà không có phận đâu. Mình chịu ơn Quang nhiều lắm nhưng lấy nhau thì không thể. Quang tìm người khác đi”. Nói xong, nàng chạy biến. Từ đó nàng tránh mặt tôi. Bố mẹ tôi biết chuyện. Hai cụ ra sức ngăn cản. “Em lấy chị à? Nhà nó không bố. Lý lịch không rõ ràng. Chênh lệch thế lấy sao được? Làng này thiếu gì con gái mà đâm đầu vào đấy?”.
Tôi đau khổ, dằn vặt nếm trải sự thất tình đầu đời. Tuy vậy, tôi vẫn bí mật viết thư tấn công nàng. Thư đi mà không có thư về. Rồi Dạ Thảo cũng gặp tôi. Nàng nói: “Thảo không lấy chồng đâu. Thảo ở với mẹ, trông coi mẹ. Khi nào mẹ chết thì tính sau”. “Nếu vậy thì Quang đợi”, tôi nói. Thảo xua tay: “Cậu không đợi được đâu. Mà tôi không bao giờ lấy cậu”. Dân làng biết chuyện, nhất là thanh niên, họ cười tôi, cho tôi là trẻ con. Trai làng vẫn bâu quanh Dạ Thảo nhưng nàng vẫn nhất mực như thế.
Tôi có lệnh nhập ngũ. Những tháng năm quân ngũ hình ảnh Dạ Thảo và hương cỏ đồng quê cứ ám ảnh tôi. Rồi một tin sét đánh đến, Thảo bị thanh niên làng cưỡng hiếp trong một đêm đi họp về. Tôi đau đớn ngây dại, viết thư cho nàng, khẳng định rằng ra quân sẽ cưới Thảo. Vậy mà khi tôi xuất ngũ, Thảo vẫn tránh mặt. Gia đình, họ hàng tôi càng cấm tiệt tôi đến với Thảo. Tôi bỏ làng vào Sài Gòn làm ăn.
Tuy vậy, tôi vẫn theo dõi tin tức ở quê. Mẹ Thảo mất đã mấy năm. Thảo vẫn một thân một mình đi sớm về tối. Đợt chạy dịch về vừa rồi tôi lại đặt lại vấn đề với Thảo. Thảo buồn bã lắc đầu. “Có còn gì nữa đâu Quang ơi! Gái 30 tuổi đã toan về già rồi. Bố mẹ, họ hàng Quang chẳng bao giờ đồng ý đâu. Quang tìm gái trẻ đám khác mà lấy”. “Nếu vậy thì Quang sẽ đưa Thảo đi thật xa. Chúng mình là vợ chồng, Thảo nhé!”. Thảo kiên quyết từ chối. Tôi lại khăn gói quả mướp ra đi. Và giờ đây tin nàng lấy chồng như sét đánh ngang tai tôi.
Ngày cưới Thảo, tôi như người mất hồn. Xa quá, không thể về được, tôi điện hoa chúc mừng nàng, nhờ Minh làm phong bì tặng quà cho nàng. Minh cho biết chồng nàng là chú Hải, 40 tuổi, vợ chết, có 2 con riêng. Nghĩ mà tội và thương cho Thảo quá. Đúng là hồng nhan bạc phận!
Chiều muộn, tôi chạy xe ra bờ sông Sài Gòn rồi dựng xe trên đường, ngả mình trên bãi cỏ ven sông, dõi về phương Bắc. Tay tôi vô thức rứt rứt đám cỏ xung quanh. Mùi cỏ hăng hăng nồng nồng thơm sực lên mũi. Trời ơi! Hương cỏ! Sao lại nồng nàn thân thuộc đến thế này? Dạ Thảo ơi!
Ngoài kia, những mảng lục bình hoa tím biếc đang lững lờ trôi xuôi…
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.