TIN TỨC
  • Truyện
  • Vết xước | Truyện ngắn của Thái Thuận

Vết xước | Truyện ngắn của Thái Thuận

Người đăng : tranductin
Ngày đăng: 2023-03-04 15:13:56
mail facebook google pos stwis
2017 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Chiều nay mưa không nặng hạt, nhưng gió cứ thốc từng hồi, những hạt mưa hắt lên khung cửa kính kéo thành những vết dài như những vết cắt thủy tinh, tôi bất chợt rùng mình dù ô cửa vẫn đóng kín, gió không thể lọt vào. Nhìn những vết cắt thủy tinh ấy, tôi chợt thấy nhói trong lồng ngực, bỗng tự hỏi sao lòng mình đau? Gần nửa cuộc đời đã đi qua, còn vết xước nào chưa lành? Có vết thương nào còn đau? Vết hằn nào vẫn nhói? Vết nào người gây cho tôi? Vết nào tôi tự cứa?

Tôi mười mấy tuổi đầu đắn tới đo lui, suy đi nghĩ lại, lo trước lắng sau, viết mấy dòng thư cho cô bạn nhà bên. Mẹ em bắt gặp truy xét răn đe đủ điều, em chịu đòn mà ruột gan tôi tím tái, nhà cạnh nhau nên đôi bên đều nghe thấy, em vì tôi chịu trận, còn tôi lại lóng ngóng không biết phải làm thế nào, tiếng mắng cứ vang trong tâm trí, tiếng roi thì cứ như đang quất vào tim mình, những vết xước không làm chảy máu nhưng sao cứ bỏng rát khó lành. Thời phổ thông cũng lặng lẽ qua nhanh, tôi đỗ vào trường y, cái thời mà người ta bảo nhau “Nhất y, nhì dược” tôi bỗng thành người có giá, lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà có con gái, vài ba nhà săn đón chẳng ngại sang tận cửa xin hứa kết thông gia. Vết sẹo vẫn còn, nhưng những câu nói, những cái nhìn làm lòng mình rách nát giờ như được xoa nhẹ, phủ mờ. Tôi cố vá lại niềm đau, vì em tôi không nề hà gì.

Tôi lên thành phố học, em thì ở lại quê, tôi yên tâm với lời hứa của ba mẹ hai nhà. Quê hương tôi chật quá, tin tức tôi đỗ ngành Y, tin tôi được nhà em hứa gả cứ bay khắp chốn, người lành thì chúc phúc, bảo tôi mà vào được nhà em coi như tương lai đã được đảm bảo, học xong ra trường, kiểu gì mà không mở cho con rể một phòng mạch. Kẻ xấu thì dèm pha, nói tôi vào được nhà em thì khác gì chuột sa hũ nếp. Mẹ tôi bảo “Không sao, miệng đời xưa nay vẫn vậy”. Tôi tự biết tôi thích em chỉ vì em. Ba em xưa nay là người nhã nhặn, trước giờ vẫn hành nghề y, có lẽ em giống ba nên nhỏ nhẹ, ngoan hiền. Mẹ em rất đẹp nhưng cũng rất chua ngoa, nổi tiếng khắp chợ là biết giữ chồng, người ta đồn thổi nhau mẹ em rất hay ghen, nhưng bắt ghen kiểu của mẹ em thì phụ nữ ở chợ chỉ đáng theo xách dép. Tôi không biết thực hư thế nào, chỉ nghĩ đó là chuyện của người lớn, tôi chỉ thấy em xinh giống mẹ, xinh mà không kiêu căng đua đòi. Tôi thích em chỉ vì em, nhà cạnh bên nên thích tự lúc nào cũng không biết, em thì cứ chạm mặt là cúi chào, sao mà dễ thương đến vậy, cứ khiến tôi mới từng ấy tuổi đầu đã nơm nớp sợ mất em. Giờ thì nỗi lo sợ làm tim mình mong manh đã trút vơi, tôi được lời khác nào vớ được vàng, nề hà gì những tổn thương cũ, trái tim trẻ nên những vết xước cũng chóng lành. Nhưng cái chợ quê tôi rõ chật, chật đến đỗi không dung nạp được một tương lai có vẻ sẽ tươi sáng, một mối tình thơ ngây vụn dại. Không biết ghen ăn tức ở thế nào, ai đó đã quái ác gởi một phong thư hay một tờ đơn thưa kiện tố cáo gì đó, họ tố rằng tôi con ngụy quyền, cha từng bị đưa đi học tập cải tạo, cớ gì lại đường hoàng trường y? Cái trường được xếp hàng danh giá nhất thời ấy. Thời ấy không cởi mở như bây giờ, tôi bị gọi lên xác minh lý lịch, tôi bị trả về nơi mình sinh ra. Tôi uất ức đến ngạt thở, tôi thoi thóp dưới vết cắt chí mạng ấy, cổng trường đóng sầm lại, tim tôi vỡ vụn, tôi mới tập tễnh ngành y nên không thể tự khâu lại cho mình. Chưa 20 tuổi trái tim đã tan nát, tôi lơ ngơ láo ngáo quay về.

Mối lương duyên vốn bấp bênh từ buổi đầu, chỉ buộc bởi sợi dây tơ mong manh, chỉ ràng bằng vài ba câu hứa hẹn đã đứt băng khi tôi còn chưa về đến cửa. Mẹ an ủi tôi “Không sao, không có mối này mình còn mối khác”. Tôi trong đầu chỉ một mối duy nhất “Mối tương lai về đâu? Làm sao tháo được mối thắt này? Ai sẽ là người tháo?”. Ai đó đã tai ác buộc tôi lại ở thời quá khứ để tôi cứ lơ ngơ láo ngáo không biết bao nhiêu tháng ngày. Mẹ tôi hay khóc hỏi “Có gì trên trần nhà mà con cứ nằm nhìn lên đó hết ngày này qua ngày khác?”. Tôi mở miệng nhưng họng cứ cứng lại, ai đó đã cào rách cổ họng mình hay mình tự cứa, tự đóng sập thanh quản cũng không hay.

Ba mẹ tôi bán căn nhà ở chợ, mua một mảnh đất, dắt díu nhau về vườn, hai đứa em tôi suốt ngày cắm câu, bắt ếch, mò ốc, moi cua, chúng có vẻ thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh mới. Ba mẹ bắt tôi tưới cây, gieo hạt, sau còn bắt tôi lùa gà lùa vịt, tôi bắt đầu cạp cạp cúc cúc khi cho chúng ăn. Những lúc ấy ba mẹ cũng cúc cúc cạp cạp cùng tôi. Ba trúng gió té ao rời bỏ chúng tôi. Mẹ lại bán mảnh đất vườn đưa chúng tôi về lại chợ, rõ là cái vòng loanh quanh luẩn quẩn. Em gái tôi tình nguyện đi làm không công trong một tiệm uốn tóc để được học nghề, em trai tôi nói sẽ đi cắm câu kiếm cá bán kiếm tiền phụ giúp mẹ vì học cũng không có tương lai. Mẹ bảo “Giờ cũng chưa muộn, cứ cố gắng học hành, biết đâu sau này sẽ khác, học để hiểu biết cũng tốt, anh hai con đã vậy, giờ chỉ còn trông vào con”. Nghe vậy tôi cũng chỉ biết vậy. Nhưng ngày ngày cứ nhìn những gánh nước gánh thuê nặng đè trên vai mẹ, tôi thấy mình bị ghì xuống, bị dìm sâu, cứ như sắp chết đuối chết chìm. Tôi phải cố ngoi lên, phải cố đứng dậy, phải cố bước đi, không thể cứ nằm mãi với những vết thương vết cắt của cái tuổi đôi mươi để rồi tàn rồi phế, tôi phải cố gắng làm cái gì đó, dù cái gì đó nhỏ nhất để giúp mẹ, giúp các em.

 Cuộc đời đã lấy của tôi tuổi mộng, nhưng may vẫn có người cho tôi chút ước mơ. Thấy tôi ú a ú ớ nhưng sáng dạ, bác Ba bảo sang nhà bác sẽ dạy cho sửa đồ điện sau còn có cái nghề để kiếm cơm. Mẹ cứ thay tôi cảm ơn rối rít. Có bác hàng xóm nói với mẹ tôi “Thời buổi này điện còn không có, học làm gì sửa đồ điện”. Có bác khác còn bảo “Sửa đồ điện không phải dễ học, người bình thường còn học không ra nữa là”. Lại có bác còn bảo “Cứ nhìn anh Ba xem theo ảnh để nghèo rớt mồng tơi à”. Mẹ tôi trả lời từng bác một: “Giờ không có điện, vài năm nữa chắc sẽ có chứ, đến khi ấy thì nhà nào mà không có tivi máy hát như xưa”. “Khó mới phải học chứ, đầu óc nó thông minh lắm, bị cú sốc nên mới thế, từ từ rồi cũng qua”. “Anh Ba thấy vậy chứ cũng có cái ăn cái mặc, theo ảnh cũng không đói, ảnh chịu nhận thằng nhỏ là phúc của nó”. Tôi sang học với bác ấy, học tháo ráp các máy móc cũ, học các chi tiết trong máy, không có nhiều đồ điện để sửa nên ai nhờ sửa gì bác ấy cũng bảo “để tui thử xem có sửa được không”, nhiều nhất là mấy cái bình ắc-quy, mấy cái radio. Ai đến sửa đồ, lấy đồ bác ấy cũng bắt tôi ra giao nhận, ngày tháng lâu dần tôi cũng giao tiếp được nhiều hơn. Sau này khi tay nghề tôi đã vững, khi chợ quê tôi người ta mua bình ắc-quy lớn hơn, mua ti-vi, máy cassette nhiều hơn, khi đồ mang đến sửa nhiều hơn và thấy tôi đã khá hơn nhiều, bác ấy bảo tôi tự mình mở tiệm. Mẹ tôi bảo “Làm người không thể làm thế, con cứ ở đó làm trả ơn bác ấy vài năm cũng không sao”.

Vài năm sau đó quê tôi có điện thật, giờ thì thêm cả tủ lạnh, máy giặt, những cái máy cồng kềnh phải đến tận nhà để sửa, tôi thường được bác cử đi. Tôi lại bắt đầu được săn đón. Mẹ lại bảo tôi có nhà này nhà kia. Tôi vì đã có kinh nghiệm thương đau, vì máu trong trái tim bị băm nát vẫn âm ỉ rỉ, vì những vết sẹo vẫn còn in còn hằn nên lần nào cũng cứ lắc đầu. Em trai tôi học hết phổ thông cứ nhất quyết thi vào trường y, tôi không nói gì nhưng lòng cứ phập phồng. Nó bảo cải cách mở cửa mấy năm rồi, giờ người ta cởi mở nhiều rồi, không phải lo chuyện xưa lặp lại. Em gái tôi giờ cũng là bà chủ một tiệm uốn tóc. Từ ngày em mở tiệm mẹ tôi không gánh nước thuê nữa mà ra phụ giúp em những việc vặt trong tiệm. Quanh tôi ai cũng có vẻ khá hơn. Cuộc sống vẫn luôn vận động, tôi cũng không giẫm chân một chỗ, nhưng hình như tôi bước đi quá chậm. Bạn bè, em út hình như đều vượt qua tôi. Em - cô bạn nhà bên cũng đã theo chồng xa xứ từ lâu, chồng em là một bác sĩ thành đạt, tôi vẫn mãi là sinh viên dang dở của trường y. Em cứ thỉnh thoảng lại về thăm nhà, tôi biết đấy nhưng lần nào cũng cố lánh mặt, chỉ một vách ngăn thôi mà cách cả một đời.

Chiều nay mưa không nặng hạt, em lại dắt mấy đứa nhỏ về thăm nhà, khung cửa nhà tôi đang đóng kín, gió không thể lùa vào nhưng hồn tôi vẫn lạnh buốt, những hạt mưa hắt lên khung cửa kính đang kéo thành những vệt nước dài, không phải nước mắt tôi đang chảy, nhưng sao vẫn nghe mặn đắng trong lòng. Gần nửa cuộc đời đã đi qua, vết xước nào hãy còn rát? Vết thương nào hãy còn đau? Vết sẹo nào vẫn chưa mờ? Em sẽ còn trong tôi đến bao giờ?

T.Th

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm