- Bút ký - Tạp văn
- Cuộc chiến nhân tính – Tiểu luận của Hoàng Thuỵ Anh
Cuộc chiến nhân tính – Tiểu luận của Hoàng Thuỵ Anh
Nhà văn Hữu Phương là một trong số những cây bút văn xuôi kỳ cựu của miền Trung, đã khẳng định sở trường, sự điêu luyện khi nhìn sâu và cắt nghĩa tính tàn bạo của chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch.
Chân trời mùa hạ là một tiểu thuyết có giá trị về mặt tư liệu, mang chất tự sự của một giai đoạn lịch sử về văn học hiện thực đơn thuần, đơn tuyến; mặc dù bị thi pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa ràng buộc, chi phối nhưng nó vẫn phản ánh chân thực thân phận con người cũng như sự dẻo dai của người dân miền Trung trong những năm tháng bom đạn.
Sự kiện Chân trời mùa hạ đạt giải B, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2011 và Cúp Bông lúa vàng do Bộ NN&PTNT trao tặng đã chứng minh bút lực dồi dào của nhà văn Hữu Phương trong dòng chảy ấy. Nhưng nếu Chân trời mùa hạ còn mang đậm cảm hứng sử thi thì đến Quay đầu lại là bờ – tiểu thuyết đoạt giải nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, hoà trong sự vận động của văn học thời hậu chiến, trong sự thay đổi quan niệm, tư tưởng nghệ thuật, đề tài chiến tranh và người lính đã được Hữu Phương soi chiếu ở góc nhìn thế sự, đời tư. Những mâu thuẫn, hận thù không đội trời chung giữa bên này với bên kia được Hữu Phương đặt trong mối quan hệ tình nghĩa, máu mủ gia đình. Không gian gia đình là điểm trung tâm, là sợi dây hàn gắn mọi khúc mắc. Nằm trong dòng mạch văn học hậu chiến, nhưng Trăng mọc nơi bến phà xưa (NXB Văn học, 2023) vẫn thể hiện được ngòi bút tinh tế, sắc bén của nhà văn Hữu Phương khi đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật; những luận bàn cởi mở, đa chiều, bộc lộ suy ngẫm về bản chất, nhân tính của con người đã mang đến cho tiểu thuyết nhiều góc nhìn mới lạ, kịch tính.
Nhà văn Hữu Phương (1949 – 2023)
Chiến tranh – trò đùa của cuộc đời
Tổng Thủy, đã có vợ và hai cô con gái, trong lần đi thăm và kiểm tra tiến độ thi công của Công ty Thịnh Đạt, Công Ty Ánh Dương, kí ức những năm tháng chiến tranh hiện về trong ông rõ mồn một, từ chuyện Trái Tim Quỷ, chuyện khoan trúng xương cốt của đồng đội, chuyện Thu Cúc, Phan Vững đến chuyện gặp và yêu chính con gái của mình. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ giữa Thủy và ông Chất, đồng đội của ông, sau ba mươi năm, đã bày ra số phận trái khoáy, oan nghiệt. Cứ tưởng Thủy vĩnh viễn giấu chặt đêm ái tình với Thu Cúc – mà chính Thủy đã ăn cắp hạnh phúc cuối cùng của Phan Vững, nhưng cuộc đời đâu dễ dàng thế, kẻ ăn cắp hạnh phúc của người đang cận kề cái chết phải bị trừng phạt, trả giá bằng chính sự dày vò, phỉ báng, đớn đau tột cùng. Thủy chiếm đoạt Thu Cúc thì cuộc đời trả giá Thủy bằng cuộc gặp gỡ oan trái với chính con gái mình – Lệ Thu, lúc Thủy xấp xỉ gần 60 tuổi, cái tuổi mà “con người như nhìn thấy đoạn cuối của đời mình” (tr 196).
Thủy “thuộc loại muốn tròn vai, tròn danh. Luôn ướp danh thơm” (tr.196) nên Thủy mãi mãi “như cây cột gỗ, loại gỗ không có lõi roòng, bao năm sơn phết hào nhoáng” (tr.289). Đây là căn bệnh của những người muốn làm anh hùng ngay từ khi còn trẻ, mặc kệ những thương tổn của người khác, sẵn sàng táng tận lương tâm để thực hiện mưu đồ của mình. Nhân vật Thủy làm chúng ta nhớ đến nhân vật Bá trong tiểu thuyết Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh, họ đều là những di họa của chiến tranh, lợi dụng triệt để hoàn cảnh chiến tranh nhằm bảo toàn tính mạng và thăng tiến. Nếu Bá bộc lộ bản chất một cách trực diện, không giấu diếm thì Thủy lại khéo che đậy, sự quay trở lại quá khứ của Thủy lúc này là lợi thế để Hữu Phương khơi dậy, cật vấn mặc cảm tội lỗi của Thủy. Nhưng hòn đá mà Thủy đeo vào cuộc đời quá nặng, quá sắc, buộc Thủy phải trả giá bằng hình phạt khủng khiếp. Chỉ trong hình phạt khủng khiếp ấy, Thủy mới thực sự tỉnh thức.
Thủy che giấu được cái đen tối, xấu xa bên trong của mình gần 30 năm qua, để mãi trong cái mác là bậc đáng kính, nghiêm chỉnh, lịch lãm. Bản thành tích Thủy viết lần này lần khác cùng với thanh âm trầm bổng đã lấy đi nước mắt của nhiều người và cũng là bàn đạp để Thủy đào tẩu một cách danh dự và vững vàng trên lưng ngựa. Trước sự dẫn dắt của những người chuyên đi “xây dựng anh hùng”, Thủy diễn hết sức tinh vi, càng ngày càng dày dặn kinh nghiệm, từ cuộc sống hằng ngày trong chiến tranh, tình cảm cá nhân đến danh vọng, chức quyền, rốt cuối Thủy phi chuẩn xác: từ bến phà Long Sọ, thẳng sang Mạc Tư Khoa, rồi về Hà Nội rong ruổi với các công trình, trở thành Tổng giám đốc Tổng công ty Ánh Dương. Nhưng trăng mọc nơi bến phà xưa cứ lung linh, huyền ảo, trêu ngươi, soi rọi, lật tẩy cuộc đời Thủy.
Thủy trốn tránh nhiệm vụ quét sạch bom từ trường trên dòng Nhật Lệ, thông tuyến cho sà lan chở tăng đi bằng cái tờ quyết định cử đi Liên Xô học. Người cho Thủy sự sống bằng cái chết của chính mình ấy là Phan Vững và Toàn. Cả hai đã mãi mãi nằm lại lòng sông. 2 lần Phan Vững được truy điệu sống, 2 lần xung phong lái ca nô cảm tử nhưng may mắn không đến với anh lần thứ 2. Nếu phù sa Nhật Lệ “đắp cho Phan Vững ngôi mộ bùn” thì cuộc đời trả cho Vững nỗi oan Thị Mầu qua thước phim “tội ác và trừng phạt” của Thủy.
Tiểu thuyết Trăng mọc nơi bến phà xưa của nhà văn Hữu Phương
Chiến tranh không can dự về mặt đạo đức, nhân tính
Nhưng cái kim trong bọc có bao giờ yên? Nỗi đau có bao giờ lắng xuống khi lòng đầy vướng mắc, âu lo, ngay cả giấc mơ cũng bị trì níu, dày vò? Sự hi sinh thêm lần nữa của những đồng đội nằm lại dưới đá ngầm Tà Khơn do mũi khoan của Công ty Thịnh Đạt lúc đang thi công cầu chữ U, ngôi mộ bùn của Phan Vững dưới đáy sông,… dần dần mở ra chuỗi tội lỗi của Thủy. Năm xưa, nếu quả bom từ trường của Mỹ đã lấy đi xác của cậu Toàn, cậu Vững để Thủy nhanh chóng thực hiện con đường đi của mình thì dẫu quả bom từ trường của Thu Cúc không thể giết chết Thủy lúc ấy, nhưng gần 30 năm sau, sự trở lại của quả bom từ trường Thu Cúc bằng hình hài của đứa con Lệ Thu, đã đẩy Thủy vào tột cùng bi kịch, đớn đau, thảm hại hơn ngàn vạn lần.
Hữu Phương rất khéo léo khi đặt ra tình huống oái ăm, tréo ngoe, đó là mối tình tay ba, giữa Thủy – Thu Cúc và Thủy – Lệ Thu, đứa con ruột rà của Thủy. Thu Cúc xin về Trung đội thanh niêm xung phong bờ bắc phà Long Sọ, toàn nam, là phà Long Sơn bom dội đêm ngày, để gột rửa vết đen lý lịch con địa chủ. Nàng về đơn vị sống động, thay đổi hẳn, trái tim nàng chỉ dành cho Phan Vững, người đàn ông hiền lành, tốt bụng. Nhưng sự ngẫu nhiên của cuộc đời lại cho Thủy quá nhiều cơ hội, kể cả cơ hội được 2 lần ở với Thu Cúc, mà chính Thu Cúc cũng không hề hay biết. Và tất nhiên, cái gì đến nó sẽ đến. Chiến tranh mở ra trò đùa của cuộc đời. Nhưng cuộc đời lại mở ra trò đùa của cái chết tâm hồn. Sống mà như đã chết. Chết khi đang còn sống.
Lệ Thu là kỹ sư cầu đường, một đời chồng, có con gái gần 5 tuổi, là một cô gái vừa sắc sảo, thông minh vừa hoang dã, dịu dàng, nhưng rất thẳng thắn, trách nhiệm, đã khiến giám đốc Thông và kỹ sư tư vấn giám sát Hồ Rật khiếp vía khi vấp phải sự cố về quy trình kỹ thuật rải thảm bê tông nhựa. Việc Hồ Rần bị căn bệnh nan y, hay bản thân đã phải lòng Tổng Thủy cũng không làm Lệ Thu nương tay, bỏ qua chuyện lấp liếm, đồng lõa, dối trá trong xây dựng, thiết kế một đàng làm một nẻo, dẫn đến chất lượng cầu đường kém, nhanh xuống cấp. Con người, tính cách Lệ Thu khác hẳn với Thủy. Nhưng Lệ Thu lại bị sức cám dỗ mãnh liệt của con người khéo che đậy ấy. Để rồi, cô nhanh chóng trở thành chất xúc tác trình hiện những mặc cảm tội lỗi, hành hạ và trừng phạt Thủy. Sự xuất hiện của Lệ Thu khiến Thủy bị ám ảnh bởi đôi mắt Trái Tim Quỷ – Thu Cúc nhiều hơn. Đôi mắt ấy vừa khơi dậy Trái Tim Quỷ cách đây gần 30 năm đã từng khiến Thủy sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng, vừa mê hoặc, dẫn dắt Thủy thêm lần nữa bước vào động Trái Tim Quỷ.
Mặc cảm tội lỗi chiến thắng thể xác Thu Cúc luôn ám ảnh, quấy rối Thủy, đến độ ông cảm tưởng như Trái Tim Quỷ – Thu Cúc luôn thấy tất cả việc ông làm, nhận ra con người giả, anh hùng giả của ông. Trái Tim Quỷ còn trêu ngươi ông, đặt ông trong những tình huống oái ăm: sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Thu ôm một bó hoa dại đứng trước hang Hàm Rồng lúc ông chuẩn bị làm lễ thi công cầu Long Sơn của Công ty Bình Minh y như hình ảnh Trái Tim Quỷ đã từng ôm bó hoa rừng dõi theo con đường Mười Lăm; cái hoang cỏ ngày xưa nơi ông cởi áo ngực Thu Cúc cũng giống cái hoang cỏ mà ông gặp Lệ Thu.
Sự đồng nhất giữa huyền thoại, Thu Cúc và Lệ Thu trong hình dáng, giọng nói, ánh mắt của Trái Tim Quỷ dựng nên biểu tượng trạng thái chấn thương. Chiến tranh vừa gây nên nỗi mất mát, đớn đau vừa gọi tên đầy đủ về nỗi mất mát, đớn đau của con người. Trong tiểu thuyết, có hai gia đình, một gia đình ảo và một gia đình thật. Phan Vững, Thu Cúc và Lệ Thu là một gia đình ảo nhưng lại chịu nhiều oan khuất, đớn đau. Thủy, Thu Cúc và Lệ Thu là một gia đình thật nhưng không ai biết. Sự đánh tráo đầy nghịch lý này một mặt vừa tố cáo tính khốc liệt, bi thương của chiến tranh, mặt khác bày ra những bi kịch của người phụ nữ bị cuộc chiến dày xéo, bị cuộc đời “giỡn mặt”.
Kỹ sư Vũ Lượng, 30 tuổi, tổng chỉ huy công trình cầu Long Sơn là con của ông Chất, Thủy là thủ trưởng của ông Chất, sau cũng là thủ trưởng của cậu Lượng. Cuộc gặp gỡ giữa ông Chất và Thủy theo chuyện tình cảm giữa Vũ Lượng và Thảo Duyên, phóng viên báo ngành, đã bày ra số phận hết sức oan nghiệt, ông Thủy đã yêu con gái của mình mà ông không cách gì bôi xóa, tẩy trắng được. Ông Thủy ghê tởm chính mình. Ông tự xỉ vả mình. Nhưng ai đã chơi khăm ông? Ai đã gây ra tai họa, đẩy ông vào ngõ cụt, phải trả giá? Cuộc đời? Số phận? Ma quỷ? Hay chính con người hám danh của ông?
Nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh
Trái Tim Quỷ đã đưa đường dẫn lối để Thủy phải trả giá, một cái giá quá kinh khủng, nghiệt ngã. Thủy muốn đập nát Trái Tim Quỷ nơi hang Hàm Rồng mà bấy lâu nay trong mắt mọi người cứ ám người này đến người khác, song thực ra, Trái Tim Quỷ không đâu xa, nó ở ngay trong con người ông, cái con người chỉ sắm vai đẹp mã, còn bên trong giả dối, rỗng tuếch. Cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, quặn quại trong vết thương, cùng những lời tự thú trước hang Hàm Rồng như là quy luật nhân quả tất yếu mà ông phải chịu trách nhiệm, phải mang vác.
Từ một bến phà Long Sọ xưa, kí ức chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt hiện lên rõ mồn một. Nhất là hình thức lễ truy điệu sống tại bờ sông với chiếc quan tài cùng hương hoa vải liệm gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Ở nơi được xem là túi bom này, chỉ có nước mắt, máu và cái chết hiện hữu. Nhưng Hữu Phương mượn chiến tranh làm nền để nhân vật của mình đối diện với cuộc chiến kinh hoàng khác nữa, cuộc chiến nội tâm. Cảm thức tội lỗi trong những năm tháng chiến tranh dày vò, đè nặng lên cuộc đời Thủy, đặt Thủy trước những mâu thuẫn tự thú hay không tự thú. Mặc dù Thủy đã hơn 2 lần tự thú trước người khác rằng mình không phải là anh hùng, trước Hồ Rần – khi ông đang bị căn bệnh ung thư hành hạ và trước Hồ Rật, con trai Hồ Rần, nhưng bản thân ông vẫn không vượt qua được cám dỗ của danh vọng, vẫn bị cái vòng kim cô anh hùng thít chặt, ghìm lại, vì thế, sống trong hiện tại mà lúc nào ánh trăng nơi bến phà xưa, bóng ma của kí ức, phức cảm tội lỗi cứ mải miết bủa vây, chất vấn ông.
Chiến tranh không can dự về mặt đạo đức, nhân tính, nó chỉ góp phần bóc trần đạo đức, nhân tính của con người. Thủy, Thu Cúc, Phan Vững… đều là nạn nhân của chiến tranh. Nhưng Thu Cúc và Phan Vững không bị chiến tranh hủy hoại nhân tính, Thủy ngược lại. Hữu Phương đã gọi tên được vùng tối nội tâm Thủy: đó là sự thoái hóa nhân tính. Vẫn là kiểu kết cấu chuỗi nhân quả như một số tác phẩm trước đây nhưng Hữu Phương đã tinh tế truy tìm, lắng nghe được tiếng nói nỗi đau vang lên từ con người đang đi giữa hai lằn ranh phi luân và đạo đức, thực tế và danh vọng,… Đó là thành công của tiểu thuyết Trăng mọc nơi bến phà xưa của nhà văn Hữu Phương.
HOÀNG THỤY ANH
Báo Văn Nghệ số 37/2023