TIN TỨC

Khát vọng Dế Mèn

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
205 lượt xem

Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…

Nhà văn Tô Hoài thành công với tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” từ lâu hẳn có mối liên hệ với Giải thưởng Dế Mèn thường niên của Báo Thể thao & Văn hóa hiện nay

Dế Mèn là nhân vật chính trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Trong đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, đấy là tác phẩm được nhiều người biết nhất của Tô Hoài, là thiên đồng thoại xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, là truyện thiếu nhi Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Mức độ nổi tiếng của Tô Hoài với Dế Mèn phiêu lưu ký còn được sánh với tên tuổi Andersen, anh em nhà Grim. Thành công của một tác phẩm xuất bản từ năm 1954 (thời điểm Dế Mèn phiêu lưu ký được in hoàn chỉnh ở Nhà xuất bản Thanh niên) hẳn có mối liên hệ với Giải thưởng Dế Mèn thường niên của Báo Thể thao & Văn hóa được phát động từ cuối tháng 5 năm 2020 dành cho những tác phẩm về thiếu nhi và của thiếu nhi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ về giải thưởng: “Việc xây dựng giải thưởng Dế Mèn bắt nguồn từ ý thức mang lại một đời sống tinh thần sâu thẳm nhất, trong sáng nhất, quyến rũ nhất cho những đứa trẻ. Đừng nghĩ đây chỉ là một giải thưởng mà hãy nghĩ đây là một ý thức, một thái độ, một hành động của chúng ta đối với tương lai của mình” (2)

Sự ra đời của giải thưởng cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà. Trong tác phẩm của Tô Hoài, nhân vật Dế Mèn trải qua hành trình phiêu lưu vượt lên không gian tù túng, chật hẹp để khám phá cuộc đời “ở cuối cánh đồng mênh mông”. Cuối hành trình ấy, nhân vật đã “lột xác” về thể chất lẫn tinh thần, đã có thể thư thái lòng “nằm duỗi chân nhìn lên qua khe cỏ ấu, thấy mảnh trời biếc như ước vọng đời mình đương bay xa”. Nhà văn qua nhân vật đồng thoại này mà khơi thêm ước vọng tuổi trẻ với lí tưởng sống đẹp, biết khám phá chứ không bằng lòng với cuộc sống tầm thường.

Khát vọng của văn học thiếu nhi Việt Nam, ngẫm sâu, cũng là tìm kiếm, phát quang những đường đi, đường bay rộng rãi, thoáng đãng để trưởng thành. Một kiểu khát vọng Dế Mèn, phóng khoáng, đẹp đẽ. Nhưng khát vọng ấy bị mắc kẹt, bị nghẽn lại ngay từ thuở mới được tạo sinh. Vì thiếu vắng đội ngũ người viết thực tài hoặc có thể toàn tâm toàn ý dành sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi; vì thiếu hụt các cây bút phê bình tâm huyết có khả năng nhận diện, phát hiện, “nâng đỡ” văn học thiếu nhi; vì sự đánh giá không đúng mức vai trò/ ý nghĩa của bộ phận văn học này; vì thiếu sự bảo hộ/ bảo trợ/ truyền lửa cho đội ngũ sáng tác và sản phẩm tinh thần của họ… Thỉnh thoảng, nhân các Hội thảo, các ngày lễ liên quan đến thiếu nhi, mớ bòng bong đó được bày ra, được gợi nhắc với mong mỏi tháo gỡ. Thế nhưng mọi sự vẫn lắm gian nan.

Có câu nói của nhà văn Cao Huy Thuần phù hợp để nói về văn học thiếu nhi Việt Nam lúc này: “Thà thắp cây diêm bé còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Thay vì thất vọng hay chỉ ngồi trông đợi sự hỗ trợ/ ủng hộ, nên chăng, các nhà văn hãy tự thắp những cây diêm bé. Đấy là điều các tác giả hoàn toàn có thể làm được, mà hẳn nhiên, lúc đó, cái lời lãi còn quý hơn vật chất bội lần. Đó là niềm vui khi cầm bút viết cho thiếu nhi/ về thiếu nhi dù công việc viết lách này chưa bao giờ là điều dễ dàng. Sau những lao xao của cuộc đời dài rộng, may mắn thay trong mỗi nhà văn, nhà thơ vẫn tồn tại một đứa trẻ để gợi cảm hứng và ý tưởng để họ sáng tác. Cư dân của văn học thiếu nhi là những đứa trẻ còn sống sót trong người lớn và tất nhiên là cả trẻ con nữa. Đám đông cư dân ấy một thời nằm ngửa trong nôi, ngôi nhà là bầu trời lớn nhất, tiếng nói đầu đời là những thanh âm bập bẹ. Vậy mà chỉ cần nghe lời ru của mẹ, câu chuyện kể của bà là giấc ngủ đã ngoan lành. Thuở ấy, những cư dân nhí này chưa biết chữ nên tác phẩm văn học vẫn chơi trốn tìm trong những trang sách. Tựa vào đồng dao, tựa vào những bài vè và những câu chuyện dân gian để làm rộn ràng thêm ấu thơ là cái khôn ngoan đáng yêu của bao nhiêu đứa trẻ.

Có thể nói, nhu cầu được tưới tắm bằng văn chương dường như đã ríu rít trong mỗi đứa trẻ từ thời xa xưa ấy. Vì thế, một nền văn học phụng sự thiếu nhi là điều tối thiểu của một dân tộc. Nhà văn đối diện với vùng thẩm mĩ đó chính là kiếm tìm sự hài hòa giữa cảm xúc riêng tư với những giấc mơ bé thơ chấp chới, lấp lánh bên ngoài. Đó là cuộc chơi vừa dịu dàng vừa tươi tắn, có thể đồng thời làm dịu ngọt kí ức – hiện tại – tương lai.

Trong một bài báo in trên Văn nghệ Công an số Tết Quý Tỵ 2013, nhà văn Tô Hoài kể: “Tôi ngồi tha thẩn đầu làng bên cửa sông Tô Lịch, trông ra dòng nước quanh co. Trên bãi cỏ cạnh gò cỏ, có mấy đám trẻ đang múc nước đúc dế. Chúng tôi hàng ngày những lúc thong thả vẫn ra bãi sông để chơi đúc dế. Những con dế mèn được đúc bỏ vào rọ, đêm đi chơi cho dế vật nhau. Tôi đã đúc dế, chơi dế từ năm lên mười, bên cây gạo có hoa đỏ ối từ bao năm nay. Tôi chợt nghĩ: hay là ta viết chuyện con dế mèn, con dế mèn ta đúc, ta chơi chọi dế từ bao năm nay”(3). Thế là Dế Mèn phiêu lưu ký ra đời. Trước khi độc giả thỏa thuê phiêu lưu cùng Dế Mèn chắc hẳn Tô Hoài đã có những trải nghiệm thú vị trong quá trình sáng tác, được quay về đằm mình trong ấu thơ bình yên, trong trẻo bên cánh bãi Cơm Thi.

Ngẫm cho cùng, sáng tác văn học thiếu nhi chính là nhu cầu của tác giả. Theo tiếng gọi riêng tư ấy, một số tác giả đã viết không bằng với ý thức rành mạch, rõ ràng là sẽ tạo ra các tác phẩm văn học thiếu nhi nhưng lại được độc giả nhỏ tuổi đón nhận. Trần Đăng Khoa khẳng định, ông hoàn toàn không phải là người viết cho trẻ con. Ông chỉ viết cho “tôi” thời thơ bé. Cái “tôi” ấy gặp gỡ tất cả các em thiếu nhi và người ta tưởng Trần Đăng Khoa là nhà văn viết cho thiếu nhi. Lại có trường hợp viết nhiều về đề tài thiếu nhi nhưng lại không được tính là người viết cho trẻ con. Tạ Duy Anh – chủ sở hữu của rất nhiều tác phẩm viết về thiếu nhi như: Những chuyện không phải trong mơ, Hiệp sĩ áo cỏ, Ngày hội cuối cùng, Đối thủ còi cọc… từng chia sẻ rằng anh viết cho trẻ con như một nhu cầu, không ai tính anh là người viết cho trẻ con cả. Đồng cảm và trân trọng với quan điểm viết cho trẻ con như một nhu cầu của tác giả, nhất là khi những áng văn chương đó là nơi lí tưởng để Tạ Duy Anh cứu rỗi kí ức tuổi thơ, là nơi giúp anh thoát khỏi những bi kịch nặng nề, gai góc để sống cuộc sống thuần khiết, hồn hậu.

Không riêng Tạ Duy Anh, việc kể những câu chuyện diễn ra trong thời thơ ấu cũng đã giúp một số nhà văn cởi bỏ gánh nặng mà vì nhiều lí do họ đã đằng đẵng mang theo cả một đoạn đời dài. Tác phẩm vừa giúp họ bao bọc nỗi nhớ, hoài niệm riêng vừa là sự giải tỏa bao nhiêu nỗi niềm về được mất, đắng ngọt cuộc đời. Những tự truyện của Phùng Quán (Tuổi thơ dữ dội), Duy Khán (Tuổi thơ im lặng), Nguyễn Quang Sáng (Dòng sông thơ ấu), Trần Hoài Dương (Miền xanh thẳm), Lê Bầu (Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa), Bình Ca (Quân khu Nam Đồng)… tồn tại đúng nét nghĩa ấy. Mỗi tác phẩm là điều đặc biệt trong đời văn của các tác giả – nơi họ bản lĩnh, bình tĩnh, khí khái nhìn lại ấu thơ qua màng lọc ký ức.

Viết Tuổi thơ im lặng từ năm 1977, Duy Khán lặng lẽ tách khỏi dòng chảy văn học lớn của thời đại. Ông chắt chiu những góc quê, người quê bé mọn; tìm kiếm bình yên trong cổng chùa, mảnh vườn, tấm chăn, cái cối, bàn chân, bờ vai hay con chèo bẻo, bồ nông, liếu điếu… Ông gợi lại cái khốn cùng, tang tóc của phận người trong sự bủa vây của chiến tranh và nạn đói. Vì thế, nông thôn Bắc bộ một thời không chỉ “thấp thoáng mộng bình yên” mà còn mang sự im lìm đáng sợ và tủi hờn nghẹn đắng. Trong lời tự bạch của Duy Khán, tự truyện này là “đứa con ngoài kế hoạch” của nhà văn bởi ông đang viết dở cuốn sách về biển. Nhưng hễ bắt tay viết cuốn sách đó là ông nghĩ đến nguyện vọng chính đáng của các con thơ muốn hiểu hơn về vùng quê lam lũ mà chúng vẫn gọi là quê nội. Vậy là ông đã kể cho các con nghe. Câu chuyện ngay từ khởi nguồn đã chảy về hai ngả. Một ngả đến với những đứa con của Duy Khán: Khánh, Khoa, Khải. Và ngả kia tự động chảy về nặng trĩu thương nhớ, day dứt của nhà văn. Duy Khán thương cuốn sách là điều dễ hiểu. Nhưng có lẽ ông cần cảm ơn “đứa con ngoài kế hoạch” này vì đó là nơi giúp ông cởi bỏ những ẩn ức cháy lòng của mười lăm năm tâm tư trĩu nặng.

Những điều ý nghĩa mà nhà văn nhận được từ công việc viết lách cho thiếu nhi cũng đồng thời hé mở nỗi niềm nhức nhối của chính họ khi vì những lí do khách quan và chủ quan mà phải dừng nghiệp viết. Quế Hương – tác giả của rất nhiều tác phẩm và giải thưởng về văn học thiếu nhi đã không thể tiếp tục cầm bút vì quá nhiều bệnh tật, cái chết luôn hiển hiện trước mắt. Trong rất nhiều nỗi đau bệnh tật, nhà văn mong được chết trước khi mù với ý nghĩ, mắt để nhìn ngắm vẻ đẹp trần gian, để thấy, để đọc, để viết mà hỏng nặng quá rồi thì tốt nhất là chết. Con người ấy tâm vẫn “thấy” rõ mồn một những thanh âm, dáng điệu cuộc đời nhưng không thể cầm bút. Không những mắt mà những thứ khác cũng có “vấn đề”. Quế Hương khó khăn khi tìm từ, diễn đạt. Nghĩ gì hôm nay, mai lại biến mất không tăm tích. Nhà văn khổ sở vì bất lực, và cứ thế, tàn dần, hư dần, quẩn quanh, tù đọng, trầm cảm. Thân và tâm đều bệnh nên cuộc sống không còn chất lượng. Quế Hương ngậm ngùi thừa nhận điều giản dị: Ngẫm cho cùng được khỏe để sống, làm việc là hạnh phúc thật nhất.

Thực tiễn đời sống văn học thiếu nhi cho thấy đã có những tác phẩm được viết không với tâm thế/ quan niệm sáng tác rõ ràng về văn học thiếu nhi nhưng lại trở thành những ấn tượng/ điểm sáng bền vững trong văn học dân tộc. Đã có những tác phẩm lan tỏa nhiều đợt sóng xúc cảm đẹp trong tâm hồn người đọc, hơn thế, còn có thể tác động đến nhiều đối tượng độc giả. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc nhớ về Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán với niềm thương không giấu được: “… Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời…(4)

Truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhà văn Hồ Anh Thái bâng khuâng lạc giữa thế giới văn chương Nguyễn Ngọc Thuần – một thế giới lãng mạn tuyệt vời, văn phong đẹp, trong vắt đến mức người đọc soi vào đấy là thấy cả những ao ước tuổi thơ mình. Nguyễn Nhật Ánh thì cho rằng Nguyễn Ngọc Thuần là “tín hiệu mới”, qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Thuần thế giới quen thuộc của chúng ta bỗng hiện lên mới mẻ, tinh khôi như mới sinh thành.

 

Không những thế, một số tác phẩm văn học thiếu nhi còn nhận được những giải thưởng ý nghĩa trong và ngoài nước, có tác phẩm còn được chuyển thể thành phim. Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan… và được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập vào năm 1997. Phùng Quán nhận Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội. Vào năm 1989, tác phẩm đã được dựng thành phim. Bộ phim Tuổi thơ dữ dội của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn được nhận giải Bông sen bạc, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở liên hoan phim năm 1990. Nhà văn Vũ Hùng với sêri sách về rừng đã giành giải “Sách hay” của Hội Xuất bản Việt Nam vào năm 2016, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải “Sự nghiệp Văn học”; tại “Lễ Trao giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2017”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần nhận giải A Cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ III, giải Peter Pan (giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất) năm 2008, giải thưởng Sách hay năm 2011 với tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

Và không thể không nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa với hành trình vượt lên dải đất hình chữ S để kết nối với độc giả nhiều nơi trên thế giới. “Tháng 9 – 2020, hai tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và Đi qua hoa cúc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được NXB Nikkei và Quỹ Daido Life của Nhật Bản chọn mua bản quyền để xuất bản tại Nhật, nối tiếp hai tác phẩm khác đã được xuất bản tại xứ sở hoa anh đào trước đó là Mắt biếc (NXB Terrainc, 2004) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (NXB Canaria, 2017). Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ từng được dịch và xuất bản tại Thái Lan năm 2011 (NXB Nanmee Books), tại Mỹ năm 2014 (NXB Overlook Press). Ngoài ra, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng được NXB Hannacroix Creek Books mua bản quyền và phát hành tại Mỹ năm 2020” (5).

Ngoài những tác giả, tác phẩm đã nhắc đến ở trên, còn có những hành trình khai mở lặng lẽ khác diễn ra với Mun ơi! Chạy đi của Nguyễn Phan Quế Mai và con gái Farnhammer Mai Clara, Xóm bờ Giậu của Trần Đức Tiến, Mãi mãi một thời thiếu sinh quân (Ma Văn Kháng), Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của Nguyễn Quang Thiều, Câu hỏi tuổi thơ (Lê Phương Liên), Thì thầm tiếng cát (Nguyễn Hữu Quý), Chú bé đeo ba lô màu đỏ của Nguyễn Đình Tú, Em béo và hội Cầu vồng của Đỗ Bích Thúy, Ngôi nhà trong cỏ (Lý Lan), Ông ngoại (Nguyễn Ngọc Tư), Siêu nhân cua của Võ Diệu Thanh, Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa, Trên đồi, mở mắt và mơ (Văn Thành Lê), Mật ngữ rừng xanh của Lê Hữu Nam, Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm của Cao Khải An, Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây của Trương Huỳnh Như Trân,… Đấy là những tác phẩm có khả năng lôi cuốn, dẫn dụ trẻ, tạo dựng cho các em đời sống tinh thần trong sáng và nhân hậu.

Những thành công như thế ít nhiều đều có mối liên hệ với khát vọng Dế Mèn của mỗi nhà văn. Đâu đó trong những phát biểu ngoài lề trang viết, các nhà văn đã gọi tên, đã diễn giải khát vọng ấy. Nguyễn Nhật Ánh phát biểu: “Tôi tin văn chương không chỉ đem lại mỹ cảm mà đó còn là một phương tiện tuyệt vời để khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc. Đó là lý do tôi hy vọng những cuốn sách của nhà văn Việt Nam sẽ giúp bạn đọc quốc tế thêm yêu mến con người và đất nước chúng ta (6).

Chúng ta không có quyền can thiệp vào hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Mọi lời khuyên đều có thể trở thành sự can thiệp/ phủ quyết thô bạo cá tính lẫn cảm xúc của người nghệ sĩ. Nhưng mong đợi sự nối dài những giấc mơ như thế – giấc mơ văn học thiếu nhi trở thành phương tiện quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới, là điều chính đáng. Những khát vọng ấy cần được nhen nhóm, lớn dậy trong đội ngũ cầm bút. Đó là cơ sở để tạo ra những tác phẩm hay, vượt thoát lên mọi định kiến. Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi theo như nhận định của Hữu Thỉnh là đã làm thay đổi nhận thức vốn là định kiến trong giới, rằng một tác phẩm viết theo đơn đặt hàng sẽ bị gò bó, trói buộc cả đề tài lẫn cảm xúc bởi Đoàn Giỏi hoàn toàn tự do với đơn đặt hàng và trở thành một trong những tên tuổi viết cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam. Quân khu Nam Đồng của Bình Ca trong vòng 4 năm tái bản 15 lần với 32.000 bản sách được phát hành đã xóa bỏ định kiến văn học thiếu nhi là “chiếu dưới”, là “nhi đồng” trong mối quan hệ với văn học người lớn với tư cách là “chiếu trên”, là “người lớn”, xóa bỏ luôn định kiến về nhà văn không chuyên nghiệp.

Quan niệm văn học thiếu nhi chỉ phù hợp để nói về những điều bé mọn sẽ bị lung lay trước thành công của các tác phẩm: Tháng ngày ê a (Lê Minh Hà), Chú bé đeo ba lô màu đỏ (Nguyễn Đình Tú), Đi trốn (Bình Ca)… Những tác phẩm được nhắc đến trong bài viết này đều phù hợp với chiến lược xây dựng thế giới tâm hồn cho thế hệ trẻ, có thể tạo ra sự đa dạng trong trải nghiệm cảm xúc, khai mở những góc nhìn mới về các vấn đề quen thuộc, dạy trẻ cách lắng nghe và nhìn nhận cuộc sống bằng trí tưởng tượng bay bổng, bằng lòng tự trọng, khoan dung. Phần lớn trong số đó là sản phẩm của những nhà văn chuyên nghiệp, những người đi đường dài với văn học thiếu nhi kiểu như Võ Quảng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Hùng, Lê Phương Liên, Nguyễn Nhật Ánh. Nhập cuộc văn học thiếu nhi không bằng sự nửa vời đã giúp họ tích lũy dày dặn cảm xúc lẫn trải nghiệm cho sáng tác. Họ đau đáu hơn với hành trình sáng tạo nghệ thuật và đã dấn thân cho hành trình ấy một cách khá quyết liệt. Tuy nhiên, đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp ấy không nhiều. Vì thế song song với công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thì những cú tạt ngang hay viếng thăm bất ngờ kiểu Bình Ca (Quân khu Nam Đồng, Đi trốn), Lê Hoàng (Sao thầy không mãi teen teen)… cũng là điều chúng ta chờ đợi. Một đôi lần bén duyên thôi nhưng những tác giả này đã mang đến làn gió mới cho văn học thiếu nhi.

Vậy nên cái căn cốt cần gieo trồng và vun vén vẫn là tình yêu, trách nhiệm đối với thiếu nhi và với chính bản thân người cầm bút. Tình yêu và trách nhiệm đó đến độ chín sẽ tạo ra sự thăng hoa của những áng văn chương được xem là những tấm gương soi đẹp đẽ của đời sống, tâm hồn trẻ thơ trong mối quan hệ với các vấn đề khác của xã hội, lịch sử, văn hóa, tự nhiên… Đấy là lúc khát vọng mang tên Dế Mèn của văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ được hiện hữu qua những sản phẩm tinh thần có khả năng làm tươi mới cảm xúc, đánh thức trí tưởng tượng bay bổng và góp phần vào “sự nên người” của trẻ thơ. Thậm chí, nếu làm tốt hơn, chúng ta sẽ có những tác phẩm có tiềm năng quảng bá văn hóa Việt Nam đến bè bạn thế giới.

NGUYỄN THANH TÂM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Tác giả trẻ chinh phục cuộc thi Thơ Hay!
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm