TIN TỨC

Khơi nguồn văn hóa Việt qua xuất bản sách

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-11-21 15:59:01
mail facebook google pos stwis
239 lượt xem

Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) từ ngày 16 - 19.11. Tại đây, 2 đầu sách về văn hóa VN đã được giới thiệu với bạn đọc ngoài nước.

Những bước tiến mới

Có tên cũ là Hội sách Quảng Tây, năm nay, sự kiện nói trên được tổ chức đặc biệt nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, cũng như xây dựng cộng đồng Trung Quốc - ASEAN thêm gần gũi, bền chặt. Tại đây, 4 quốc gia gồm VN, Thái Lan, Singapore và Malaysia đã góp mặt với các khu triển lãm đa dạng cùng chuỗi hoạt động thú vị như đối thoại về chủ đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Trung Quốc - ASEAN, triển lãm nhiếp ảnh di sản văn hóa thế giới của Quảng Tây và ASEAN cũng như các buổi tọa đàm, gặp gỡ tác giả trong và ngoài nước…

Đại diện NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) và Chibooks - bà Nguyễn Lệ Chi, ký kết bản quyền Tủ sách Văn hóa Việt tại TP.HCM tháng 5 vừa qua

ẢNH: VŨ ĐOAN

Đến với sự kiện năm nay, Công ty sách Chibooks cũng vừa kịp giới thiệu phiên bản tiếng Trung của 2 tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt là Vắt qua những ngàn mây của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng nói về văn hóa vùng Tây Bắc và Người Hà Nội - Chuyện ăn chuyện uống một thời của tác giả Vũ Thế Long nói về văn hóa ẩm thực Hà Nội. Đây là nỗ lực sau nhiều năm theo đuổi của Chibooks ở thị trường này. Vào tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp cũng đã ký kết bản quyền với NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây nhằm xuất bản Tủ sách Văn hóa Việt sang "thị trường tỉ dân" và trở thành văn phòng đại diện của trang web Dịch vụ thương mại bản quyền Trung Quốc - ASEAN tại VN.

Theo đó, đây là dự án trọng điểm của Tập đoàn Xuất bản Truyền thông Quảng Tây, có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành như chủ sở hữu bản quyền, đại lý bản quyền, nhà xuất bản, các tổ chức văn hóa khác ở Trung Quốc và các nước ASEAN, qua đó thúc đẩy thương mại bản quyền và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Chibooks cho biết theo kế hoạch, sau 2 tác phẩm đã ra mắt kể trên, lần lượt các tựa sách văn hóa Việt khác (phiên bản tiếng Việt đã có 10 tựa) sẽ được giới thiệu trong 3 năm tiếp theo. Ông Từ Châu - Phó tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, tin rằng: "Sự hợp tác hôm nay chỉ là bước khởi đầu, bởi triển vọng hợp tác trong lĩnh vực xuất bản giữa hai nước vẫn còn rất lớn".

Nói về sự hợp tác này, bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks, cho biết: "Hơn 16 năm qua, chúng tôi đã rất nỗ lực đưa sách VN xích lại gần độc giả quốc tế. Đó là một quá trình dài và gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với một công ty sách tư nhân". Với những bước tiến vừa qua, "có thể nói rằng những trái ngọt đầu tiên đã được gặt hái, qua đó độc giả quốc tế có cơ hội được tiếp cận những nét đặc sắc về văn hóa bản địa, cảnh đẹp, phong tục tập quán, đất nước, con người VN ở nhiều vùng miền. Hành trình đưa sách Việt ra thế giới đã và đang còn nhiều thử thách, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vì giá trị lớn mà nó có thể mang lại".

Hành trình gian nan

Chia sẻ với Thanh Niên về thực trạng ngành xuất bản VN ở Trung Quốc, bà Chi cho biết: "Thực ra phía nước bạn cũng không hiểu gì nhiều về xuất bản VN. Việc hợp tác xuất bản giữa hai quốc gia vẫn còn quá ít ỏi, chủ yếu mới dừng lại ở việc mua bản quyền sách Trung Quốc. Theo đó, một số đầu sách văn học Việt từng được dịch ra tiếng Trung, xuất bản tại Trung Quốc phần lớn là do NXB của các trường đại học thực hiện, lưu hành nội bộ dưới dạng sách nghiên cứu, là tài liệu phục vụ học tập... nên độc giả đại chúng khó có thể tiếp cận. Ngoài ra, việc giao lưu với tác giả Việt, ra mắt sách Việt tại Trung Quốc... vẫn chưa thấy diễn ra (trừ một lần tôi tổ chức ra mắt sách dịch Truyện Kiều tại thành phố Nam Ninh hồi năm 2006, với cố dịch giả vốn là người Trung Quốc và sống tại đây)".

Có thể nói với 2 tựa sách vừa được ra mắt, bà Nguyễn Lệ Chi và Chibooks hiện đang tiên phong cho hành trình khơi nguồn văn hóa VN tại Trung Quốc. Một thập niên trước, bà từng tập trung giới thiệu Tủ sách Văn học Việt ra nước ngoài với các tác giả như Hồ Anh Thái, Nguyễn Vĩnh Nguyên… và đã bước đầu giới thiệu được sơ bộ tổng quan văn học trong nước tại các hội chợ sách nổi tiếng quốc tế như Hội sách Frankfurt (Đức). Việc giới thiệu Tủ sách văn hóa Việt lần này đã có những thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Có thể kể đến như việc độc giả Trung Quốc hiện vẫn còn thiếu rất nhiều thông tin về đất nước ta cũng như vấn đề dịch thuật đang khá nan giải, khi thời gian để chuẩn bị cho một tựa sách lên đến vài năm mà nguồn nhân lực có đủ khả năng còn hạn chế...

Bà Chi nói thêm: "Sách văn hóa Việt được giới thiệu tại Trung Quốc có thể nói vô cùng khan hiếm. Hai tác phẩm mà Chibooks xuất bản tại Trung Quốc lần này có thể được coi là hai ấn bản sách văn hóa Việt đầu tiên được phía NXB Trung Quốc mua bản quyền và xuất bản. Điều này đánh dấu một bước đi lớn trong lịch sử xuất bản Việt khi đưa sách ngoại ra nước ngoài".

Với cuốn sách về ẩm thực Hà Nội, tác giả Vũ Thế Long chia sẻ: "Tôi mong muốn những mẩu chuyện mà mình viết trong cuốn sách này giới thiệu được về người VN ăn các món ăn Trung Hoa ở VN như thế nào, và các món ăn Trung Hoa ở Trung Quốc mang sang VN có gì khác nhau…".

Phí Thanh Đóa - dịch giả Trung Quốc của cuốn sách Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, bộc bạch thêm: "Tác giả Vũ Thế Long là người Hà Nội chính gốc, ông dùng những câu từ lưu loát, thoải mái mà tinh tế để kể cho chúng ta nghe về Hà Nội trong ký ức của ông. Trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy bản thân như đang cùng trò chuyện với một ông lão, nghe ông ấy kể những câu chuyện ngày xưa vậy [...] Tôi rất muốn giới thiệu cho những ai có hứng thú với văn hóa VN có thể thử đọc cuốn sách này, nếu ai đang học tiếng Việt cũng có thể tìm đọc bản gốc cuốn sách. Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn NXB hai nước đã cùng nỗ lực để ngày càng nhiều độc giả Trung Quốc có cơ hội được cảm nhận vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng thông qua những con chữ".

THEO THANH NIÊN

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hành trình về Chiến khu Đ
Bài và videoclip về chuyến về thăm Chiến khu Đ của các văn nghệ sĩ thành phố.
Xem thêm
Văn nghệ Giải phóng họp mặt nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Tin và videoclip về buổi họp mặt của cán bộ, nhân viên và văn nghệ sĩ Tiểu ban Văn nghệ Khu Sài Gòn – Gia Định/T4 và báo Văn nghệ Giải phóng.
Xem thêm
Vĩnh biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cùng giới văn nghệ sĩ cả nước vô cùng thương tiếc báo tin: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, đã từ trần.
Xem thêm
Nhà văn Bạch Nhật Phương (nhà giáo Bạch Phương Lan) tạ thế.
Nhà văn Bạch Nhật Phương (nhà giáo Bạch Phương Lan), nguyên giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà văn Khuất Quang Thụy
Trong khoảng 30 năm quân ngũ, tôi có khá nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Khuất Quang Thụy, người vừa vĩnh biệt chúng ta để trở về với thế giới của người hiền.
Xem thêm
Phát động Cuộc thi viết “Đất K – Miền ký ức”
Cựu chiến binh Sư đoàn 315 đã phát động Cuộc thi viết “Đất K – Miền ký ức” lần thứ IV, dành cho tất cả các cựu chiến binh ở các sư đoàn, đơn vị chiến đấu trên chiến trường K và thân nhân của các đồng đội. Tác phẩm dự thi hợp lệ là hồi ức, hồi ký, giới hạn trên 1.500 từ và không quá 2.000 từ, chưa đăng tải trên bất kì cơ quan thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào…
Xem thêm
Nhà văn Khuất Quang Thụy đã về phía bên kia thềm nắng
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và người thân của nhà văn Khuất Quang Thụy
Xem thêm
Cánh chim cô độc – Hồi ức một điệp viên chiến trường
Tin ảnh về Tọa đàm giao lưu ra mắt sách Gãy cánh điệp viên của cựu điệp viên Hồ Duy Hùng
Xem thêm
Hồng Quang – Em gieo con chữ trên đồi núi
Lúa ngô nắng thức nương đồiVáy hoa nắng ngủ tay người dệt thêuVi vu nắng gọi sáo diềuNắng cài mây tím đón chiều trăng lên
Xem thêm
Thể lệ Giải thưởng Thơ 1-2-3 lần thứ I
Kể từ khi thể thơ 1-2-3 ra đời vào mùa thu năm 2018 đến nay, ngoài hàng trăm tác giả trong và ngoài nước sáng tác thể nghiệm, đã có nhiều tập thơ 1-2-3 được xuất bản, chưa kể những bài thơ 1-2-3 in chung với các thể loại thơ khác trong các tập thơ. Đó là thành quả chung của những người yêu thơ và làm thơ 1-2-3.
Xem thêm
HTV và VTV nói gì về Ngày thơ Việt Nam 2025?
Vài chương trình của HTV và VTV xung quanh chủ đề Ngày thơ Việt Nam Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam 2025 Tại TP. HCM: Vang vọng Bài ca thống nhất
Tin tổng hợp và các videoclip hình ảnh chọn lọc về Ngày thơ 2025 tại TPHCM.
Xem thêm
Bài ca thống nhất trong Dòng chảy thơ phương Nam
Phát biểu khai mạc Ngày thơ 2025 của nhà văn Trịnh Bích Ngân, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM
Xem thêm
Nhiều hoạt động trong Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 12/2, Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức khai mạc với chủ đề “Bài ca thống nhất”. Đông đảo bạn yêu thơ đã cùng hội tụ tại Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh để nhìn lại dòng chảy thơ ca sau nửa thế kỷ Bắc - Nam sum họp.
Xem thêm
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM
Ngày 12/2/, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Q3, TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM khai mạc “Ngày thơ Việt Nam 2025” với chủ đề “Bài ca thống nhất”.
Xem thêm