- Lý luận - Phê bình
- Lửa và Nước trong một bài thơ tình lạ và hay
Lửa và Nước trong một bài thơ tình lạ và hay
PGS -TS NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Trong chùm thơ 7 bài của Như Bình đăng trên “Viết và Đọc” chuyên đề mùa Hạ có 4 bài về tình yêu đôi lứa, 3 bài về chủ đề khác. Trong 4 bài về chủ đề tình yêu ấy “Ảo giác” ; “Trầm cảm 1” ; “Con thú”; “Viết về cái chết” thì bài thơ “Ảo giác” có sức mạnh ám gợi lạ lùng.
ẢO GIÁC
(Như Bình)
Anh sẽ nhớ em nhiều đấy
căn phòng ấy sáng nay gió lùa trở lạnh
tiếng ghế gỗ, tiếng mọt kiên trì kêu trong im lặng
ngoài kia sương giá rơi rồi.
Nỗi nhớ sẽ giày vò anh nhiều đấy
trong bủa vây mùi em trên từng nốt rêu ẩm mốc
cốc trà nguội dấu môi em còn ướt
ai hôn lên bóng em.
Ai gói giùm anh hương em
sợi tóc em hôm qua rụng ngời trên ghế
anh sẽ nhớ em nhiều lắm
khi mùa đông lạnh giá đang về.
Anh sẽ nhớ em nhiều đấy
mùa đã qua
những chiếc lá rụng bên thềm xóa bước chân em rất khẽ
nhấn chìm anh những khắc khoải vừa xa
Chúng ta đã tìm nhau, đã rời nhau, đã vắng xa nhau
chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau
để giờ đây
trong căn phòng chật đầy hương em
anh ngồi ăn kỉ niệm.
Nhà văn Như Bình.
Trong chùm thơ 7 bài của Như Bình đăng trên “Viết và Đọc” chuyên đề mùa Hạ có 4 bài về tình yêu đôi lứa, 3 bài về chủ đề khác. Trong 4 bài về chủ đề tình yêu ấy “Ảo giác” ; “Trầm cảm 1” ; “Con thú”; “Viết về cái chết” thì bài thơ “Ảo giác” có sức mạnh ám gợi lạ lùng. Ba bài thơ còn lại đều lạ và hay nhưng “Ảo giác” lạ lùng nhất, như một cuốn phim quay chậm, nhân vật Em trở về ngắm nhìn nhân vật Anh trong một không gian kì lạ. Cô ta độc thoại chậm, lạnh như nước mùa đông trôi trong suối, nhưng thực ra là đối thoại một phía - nói với Anh mà Anh nào có hay?
Dưới dòng suối mùa đông kia có một ngọn núi lửa phun ngầm - có lửa tình yêu cháy trong nước lạnh. Một cách viết lạ ít gặp trong thơ nữ Việt Nam đương đại: Không gào thét kêu đau và nhớ; Không cuống quýt sôi sục yêu và thương... Sao trong giọng điệu lạnh, điểm nhìn nghệ thuật di chuyển chậm, hệ thống thi ảnh trầm mặc, ít sử dụng những tính từ diễn tả cường độ mạnh, mà khi những câu thơ vang lên, chúng ta vẫn cảm nhận được một dòng thác bị “giam cầm" trong câu chữ.
Năm khổ thơ có bốn câu hỏi được điệp lại: “anh sẽ nhớ em nhiều đấy/ anh sẽ nhớ em nhiều lắm …”.
Hình như môtip “Người xuyên không” được sử dụng ở đây!? Hay thủ pháp dịch chuyển điểm nhìn trong không gian đồng hiện của Điện ảnh?! Nhân vật em như trở về một cách vô hình, vô ảnh, một cách siêu thực khi đứng ngoài không gian yêu thương của hai ta mà đăm đắm nhìn vào, mà đăm đắm độc thoại. Rồi bốn lần độc thoại “anh sẽ nhớ em nhiều đấy /lắm!”. Mà làm sao anh có thể không nhớ khi có bao tín hiệu thẩm mĩ thay mặt em hiện diện bên anh, như lướt qua, như hiển diện, cựa quậy, nói thầm, nhắc nhớ anh về em: “mùi em trên từng nốt rêu ẩm mốc”; “dấu môi em còn ướt”; “ai hôn lên bóng em”; “sợi tóc em hôm qua rụng ngời trên ghế”; “lá xóa dấu chân em rất khẽ…”. Tất cả thay em hiện diện trong căn phòng của anh, trước anh và cất tiếng với anh bằng tiếng nói vô thanh.
Đó là một thủ pháp độc lạ, rất lạ của Như Bình, chị làm người đọc ám thị, nổi da gà, ám ảnh bởi tiếng thổn thức của tình yêu vẫn ở lại, đập khắc khoải trong căn phòng, quấn quýt lấy người đàn ông mình yêu, nhưng hồn vẫn còn đó là thân đã phách lạc, cái thân xác cụ thể hiện thực đã không còn hiển diện nơi đây. Một không gian vắng Em mà vẫn đầy Em, vương mùi em, hương em, và tiếng nói vô thanh của em. Rồi yếu tố ngoại cảnh như gió thổi, than hồng càng thổi bùng nỗi nhớ trong anh mấy lần bùng cháy: “ngoài kia sương giá rơi rồi”; “mùa đông lạnh giá đang về”; “gió lùa trở lạnh…”. Như Bình lạnh, thản nhiên, điềm tĩnh quan sát hồn chị trong những thi ảnh vương vất nơi chị vừa ra đi, hoặc chị đã bỏ đi và chắc chắn một điều người ở lại sẽ không yên ổn dù chị đã xa ngái.
Không có một bản năng thi sĩ mãnh liệt kết hợp cùng Thiên tính Nữ, sẽ không viết được bốn câu thơ này:
Mùa đã qua
những chiếc lá rụng bên thềm xóa bước chân em rất khẽ
cầu thang cũ ngoài kia run lên rất nhẹ
nhấn chìm anh những khắc khoải vừa xa
“Thi trung hữu hoạ”. Thơ Như Bình luôn thế, chị vẽ bằng ngôn từ cả cái hữu hình và vô hình của thế giới, của lòng người. Trong bốn câu thơ trên, sợi tóc em vừa ngời sáng như làm bằng tia nắng trên ghế hôm qua, vậy mà chỉ cần em bước ra khỏi phòng, “Mùa đã qua”! Chao ôi! Bước chuyển của thời gian nghệ thuật: ở trong phòng và bước ra ngoài đã là hai thế giới CÓ ANH và KHÔNG ANH, ấm áp và lạnh lẽo khác nhau đến chừng nào?!
Chả thế mà “những chiếc lá rụng xóa bước chân em rất khẽ”. Anh có nghe thấy “Cầu thang cũ ngoài kia run lên rất nhẹ”?. Hỏi người cũng là hỏi mình. Tôi là người bình thơ cũng cùng cầu thang cũ run lên trong khoảnh khắc chia biệt. Càng nói thầm nhẹ bao nhiêu càng sâu xoáy bấy nhiêu. Khi cảm xúc tình cảm còn ở mức dịu nhẹ thì hay tìm đến ngôn từ ồn ào to tát để bù vào sự nhạt, và ngược lại. Tôi như đã nếm được độ mặn chát đến tột cùng của những câu thơ “ngoài đạm trong nồng” như người xưa từng nói.
Bến sông trăng - Tranh Như Bình.
Đến khổ thơ thứ 5, người đọc giật mình thêm một lần nữa:- câu thơ thứ nhất cắt nhịp 5/3/4, đánh dấu ba khúc đoạn trong đoạn đường đã chạy quanh kỉ niệm bằng 3 động từ TÌM - RỜI - VẮNG. Chỉ một câu thơ đã vẽ lên những bước chạy thập thõm, hơi thở gấp, lời độc thoại cũng đứt làm ba khúc. Lần đầu tiên từ “Chúng ta” xuất hiện trong bài thơ mà đến mấy lần bị chia cắt: “đã tìm nhau”, “đã rời nhau”, “đã vắng xa nhau”. Nụ hôn xuất hiện ở câu 2 tưởng như môt sự bù đắp sau bao chia li? Không! Đó là nụ hôn lạ và đau nhất trong các bài thơ tình tôi từng đọc, của Việt Nam và của thế giới: “chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau”…. Chỉ một từ “đã” mà dĩ vãng dằng dặc tìm về. Chắc chắn có cả ngọt ngào và chua xót.
Mơ rồi phải tỉnh. Em trở về hiện tại, lặng ngắm nhìn một hình ảnh lạ và buồn bã vô cùng:
Trong căn phòng chật đầy hương em
Anh ngồi ăn kỉ niệm.
Kĩ thuật của hội hoạ, của điện ảnh hòa quyện để khắc họa hai nhân vật trữ tình Em và Anh trong đối thoại một phía của em, trong dòng chảy thời gian thay đổi, chồng lấp, đồng hiện qua một không gian: “căn phòng chật đầy hương em”. Động tác “ăn kỉ niệm” của nhân vật Anh khiến người đọc giật mình nhưng cũng khiến cho nỗi buồn ngời sáng lạc quan. Anh không dửng dưng vô tình thì buồn xa cách không bao giờ chuyển thành tuyệt vọng. Anh vẫn “ăn” hương em, kỷ niệm của em như một món ăn tinh thần không thể thiếu để sống tiếp, để đi qua những chông chênh của cõi lòng. Người truyền thống có thể sẽ phản đối chị dùng động từ “ăn kỷ niệm”, nghe nó thô quá chăng? Tôi lại thấy Như Bình sâu sắc. Chị có chủ ý khi chắt lọc ngôn ngữ mạnh, đa nghĩa để đặt đúng chỗ. “Ăn” đau đớn và sâu hơn nhiều, phồn thực hơn nhiều so với hít, ngửi, nhớ. Ăn kỷ niệm đau sâu và đa nghĩa hơn vạn lần “anh ngồi nhớ thương kỷ niệm”.
Thơ Như Bình luôn thế, không bi quan gục ngã, một sức mạnh tinh thần luôn nâng đỡ để thi sĩ vượt lên thử thách, mỉm cười khi trái tim đang chảy máu.
Có lửa cháy ngầm trong nước lạnh và trong. Có hồi quang kỉ niệm trong "Ảo giác". Thành thực và trong veo đến tột cùng trong nội dung. Mới và đẹp cũng đến tột cùng trong hình thức biểu đạt nghệ thuật. Viết cho mình mà đâu còn riêng mình bởi tôi tin khi đọc bài thơ này, có biết bao người phụ nữ tìm thấy cuộc đời và tâm trạng mình trong đó. Đấy là thơ của Như Bình!