- Truyện
- Má ơi! | Ngân Kim
Má ơi! | Ngân Kim
NGÂN KIM
Nhỏ Xíu nhập viện. Té. Gãy tay. Không có người nhà, nó tự ký giấy đồng ý mổ, phó mặc cho trời. Kệ, cứ mổ đã, xong tính tiếp. Trong khi nằm chờ đến lượt gây mê, nó loáng thoáng thấy hiện ra hình ảnh hai đứa trẻ con đang tru tréo đòi mẹ. Thằng Rô khóc oặt trên tay cha, còn cha nó thì mặt mũi đỏ gay vì tức và vì cả xót con. Đàn ông tay chân vụng về, bình thường dẫu có phụ vợ chăm con thì khi không có vợ vẫn luýnh quýnh chuyện nọ xọ chuyện kia, rối tung rối mù. Mà mấy đứa con nít bám mẹ quen hơi rồi, không có là ngằn ngặt khóc đòi khó mà dỗ được. Thằng em thì giãy, con chị thì hả mồm la. Thứ âm thanh inh ỏi ấy đập vào tai, đầu óc nào còn bình tĩnh cho được. Phải tay cha nhà khác thì đã ăn mấy phát vào mông, nhưng không, thằng cha nước mắt chảy theo con. Thế là ba cha con ôm nhau khóc.
Nghĩ tới đó nước mắt Xíu lăn dài. Cô y tá nhăn mặt cau có:
- Có mổ thôi mà cũng sợ khóc. Yên tâm, gây mê rồi chẳng đau đâu.
- Dạ - Xíu gắng gượng trả lời cố kìm cơn nấc vừa trào lên cuống họng.
Mình nằm đây khổ một thì ở nhà chồng khổ mười, chỉ thương hai đứa nhỏ, khóc la miết vậy đổ bịnh cho mà coi. Biết làm sao được, không thể gửi hai đứa cho ai, chồng đành ở nhà chăm con. Một mình Xíu bắt xe đò lên bệnh viện đi khám. Cánh tay đã sưng tấy tím bầm lên sau một ngày để mặc, cứ để liều có khi phải cưa tay. Thôi thì má sắp nhỏ đi khám đi, tui dòm chừng tụi nhỏ cũng được, có gì gọi về báo. Hy vọng Trời Phật độ tai qua nạn khỏi.
Ai dè, chả ai thương. Gãy xương phải mổ sắp lại. Khám, nhập viện, chờ xếp lịch mổ. Cả tuần sau mới tới lượt. Đông ghê. Dù bác sĩ cho thuốc uống nhưng cánh tay cứ tím dần đi, đến bữa nay, khi sắp lên bàn mổ, nó thâm đen như thịt ôi. Và đau. Đau buốt đến đỉnh đầu. Chồng có lên hai hôm trước để đem thêm ít tiền, mua cho vợ ít sữa, cầm theo dăm bộ quần áo. Con gửi cho ai mà lên. Gửi cho bà Tư hàng xóm, tối nay mưa bả nghỉ bán. Thôi, tranh thủ mà về lo cho hai đứa nhỏ, con mình mình chăm, người ta sao cẩn thận bằng mình được. Má nó có… có đau lắm không? Không đâu, có thuốc giảm đau rồi đau gì nữa. Tui chỉ nóng bụng, mong cho mổ xong để về. Không vội được đâu, mổ xong còn nằm theo dõi cả tuần, má nó cứ yên tâm để con tui lo, mà má nó nè… Gì thì nói đại đi, ấp a ấp úng hoài vậy? Mốt mổ tui lên nha, có một mình thì biết xoay xở ra sao. Thôi, được rồi, có gì tui nhờ mấy người trong phòng giúp, lên chi.
Nhìn chồng bần thần ra về mà nước mắt Xíu cứ rơi không cản được. Người ra về lòng bần thần lo âu, kẻ ở lại cũng bất an đủ chuyện, mà đành phải phó mặc cho trời. Xíu đâu thấy cảnh chồng vừa chạy xe vừa khóc, nước mắt thấm đẫm khẩu trang vải, nước mắt theo gió bay va vào người chạy phía sau. Trời ơi là trời, sao mà khổ quá vậy! “Chứ không có họ hàng bà con gì để mà nhờ sao?”. Câu hỏi của người đàn bà chăm bệnh cùng phòng làm tim Xíu hức lên từng chập. Không nhắc thì thôi, nhắc đến càng đau hơn. Có chứ, ai chẳng có ba má, em út, nhưng họ làm lơ như không thấy không nghe. Nghe thì phải lên chăm, sao mà đi được chứ, một ngày làm việc những mấy trăm ngàn.
- Tao còn bận đi mua ve chai, nghỉ một ngày đói chết cha! - Bà Hậu biểu.
- Em xin nghỉ công ty hổng được đâu, muốn nghỉ phải viết đơn trước cả tháng chờ xếp lịch - Con Quyên báo.
Ai cũng có lý do chính đáng để làm lơ chuyện Xíu gãy tay. Hàng xóm mà hỏi tới là bà Hậu gạt phăng:
- Gãy tay chớ có gãy chân đâu, vẫn đi đứng được, cần gì ai chăm, nhiều chuyện!
Ờ, nên Xíu phải thui thủi một mình trong phòng bệnh mòn mỏi chờ ngày mổ để nhanh được về. Lâu lâu chồng lại gọi video, hai đứa con lại ông ổng la “Má ơi chừng nào má về?”. Cứ nghĩ đến hai đứa là ruột gan Xíu lại đứt ra từng đoạn. Mỗi lần gọi điện, thấy mặt con qua màn hình, nhìn hai đứa ríu rít giành nhau nói chuyện mà thương quá! Phải nhà người ta bà ngoại đã phụ coi cháu ban đêm rồi, vậy mà nhà mình… Nhắc đến là lại thở dài thườn thượt. Mỗi cây mỗi hoa, nhà ai chẳng có chuyện để buồn, nói ra thì khác nào vạch áo cho người xem lưng, nên thôi, Xíu âm thầm chịu đựng, cười trừ mỗi khi có ai hỏi người nhà đâu sao không vào chăm.
Người nhà. Đôi lần Xíu tự hỏi mình với hai con người ấy có phải là người nhà hay không? Ba người chung một mái nhà được bao nhiêu năm? Đếm đầu ngón tay còn chưa hết. Lên 4, cha bỏ đi theo người đàn bà khác. Má ôm con Quyên còn đỏ hỏn trên tay bỏ lên thành phố, để Xíu lại cho bà ngoại chăm. Đi là đi biệt đó nghen. Ngay cả Tết nhứt cũng chẳng thấy về. Lâu lâu gửi cho hai bà cháu ít tiền, vậy thôi! “Tiền đâu má mầy về con ơi, thôi thì cái số má mày lận đận thì mầy phải chịu khổ theo”. Bà ngoại hay rỉ rả với Xíu như vậy. Biết thân biết phận Xíu chẳng bao giờ khóc đòi má, tiếng “Má” từ đó im bặt, biến mất.
Trời sinh voi trời sinh cỏ. Xíu lớn dần nhờ rau muống, con cua con ốc dưới ao. Mười lăm đã biết cắt rau muống, bó, đem ngồi chợ thay ngoại. Ngoại càng ngày càng yếu. Mấy cậu thay nhau chăm, má tiệt nhiên chẳng thấy tăm hơi đâu. Có ai trách là ngoại lại bênh:
- Có một thân một mình nó bươn chải trên đó cũng khổ lắm, đừng có trách nó mà mang nghiệp.
Xíu khóc như mưa. Nó lờ mờ nhìn thấy tương lai chẳng mấy sáng sủa phía trước. Ngoại mà mất, căn nhà nầy, mảnh vườn nầy chẳng thể dung Xíu nữa. Các cậu sẽ bán chia ra, Xíu phải đi chỗ khác. Chỗ nào? Lên với má ha? Má có về đón Xíu hông? Chẳng thấy má gọi nói năng gì sất. Má đã bỏ rơi Xíu thiệt rồi!
Hằng đêm nó ôm ngoại khóc. Ngoại luồn mấy ngón tay khô gầy vào tóc nó. Nó nghe hơi lạnh thịt da ngoại truyền qua, run rẩy nghĩ tới ngày ngoại nằm yên bất động. Nó càng khóc bạo hơn. Ngoại dỗ: “Nín đi. Con người là phải mạnh mẽ để sống con à. Ngoại đi rồi, ráng mà bươn chải, má bây sẽ về đón bây lên trển, bây đừng có lo”.
Ngoại mất. Má về thiệt. Dẫn theo nhỏ Quyên. Nó đã cao lớn hơn cả Xíu. Xíu nhìn hai người, rụt rè, xa lạ. Dẫu vậy nó vẫn cố bắt chuyện cùng má và em. Hơn ai hết nó hiểu chỉ có hai người đó mới cho nó một chốn nương tựa mới.
Má dẫn nó theo. Căn nhà của má xíu xiu, chỉ một cái phòng, một cái giường, tường còn trơ gạch, má biểu tô phần ngoài cho nước mưa khỏi mục gạch thôi, chứ trong nhà tô chi tốn kém. Bếp được che sơ sài bằng mấy miếng tôn ghép lại. Nhà tắm quây bằng bao. Toilet thì đất phía sau còn đầy, cần gì phải xây, nhiều chuyện.
Đêm đầu tiên ở trong căn nhà của má, Xíu khóc thầm. Nó nhớ cái giường rộng rãi ở nhà ngoại. Nhớ ao nước trong vắt, nhớ đám rau muống đương nảy đọt. Trong căn nhà này thứ gì cũng xíu xiu, thứ gì cũng xa lạ.
Bà Hậu chạy mượn đâu được hồ sơ xin cho Xíu vào xí nghiệp làm công nhân. Ở đây toàn vậy. Mười lăm, mười sáu chưa đủ tuổi thì đi mượn hồ sơ mấy đứa đủ tuổi nộp. Công ty thiếu công nhân trầm trọng, hễ hồ sơ đút vô thấy đủ tuổi là cho qua hết, chẳng kiểm duyệt đối chứng cho mệt. Công nhân chứ có phải làm văn phòng đâu mà kiểm với duyệt. Thế là Xíu đi làm. Bà Hậu báo trước:
- Đi làm thì ráng mà tằn tiện nghen mậy. Ăn công ty đã lo. Lương đem về tao cất cho dành để mà lấy chồng. Cưới xin tự lo đó nghen tao hổng có tiền đâu mà lo.
Xíu làm thinh. Nó đăng ký tăng ca đêm đến 9 giờ tối. Như vậy đỡ phải lo cơm chiều. Mà có về ăn, má cũng hổng mua gì. Dĩa rau dền cơm luộc, dăm con cá nục đã ươn sình kho lên. Nuốt sao vô. Ăn trên công ty còn ngon hơn nhiều dù mấy người làm lâu năm luôn luôn chê dở không ăn nổi. Đó là họ chưa ăn cơm má nấu chứ không là sẽ như Xíu thấy cơm công ty ngon không tả nổi.
Hai tháng sau, Xíu mướn nhà trọ ở. Nó tuyên bố:
- Con lớn rồi, con tự lo không phiền tới má nữa.
- Ờ, đủ lông đủ cánh thì bay chứ ai lo được cả đời.
Thế là nó dọn ra khu nhà trọ. Ở ghép. Ba đứa một phòng. Tiền phòng, điện nước chia ra. Ăn uống thân ai nấy lo. Vậy khỏe. Ngày nào tăng ca thì cơm công ty lo đủ. Ngày nào không tăng ca thì gói mì qua bữa, vừa tiết kiệm vừa tiện.
Thành ra mang tiếng lên ở với má mà quanh năm suốt tháng hai má con có gặp nhau được mấy lần đâu, mâm cơm chung chỉ có 3 ngày Tết. Tết nhất thì phải về nhà chứ ở nhà trọ coi sao được, không vừa lòng cũng phải theo quy củ, nề nếp hồi giờ.
Rồi Xíu lấy chồng. Cùng công ty. Hai mươi tuổi thành vợ, hai mốt tuổi thành mẹ lần thứ nhất, hai ba tuổi làm mẹ lần hai. Xong. Xíu nghĩ vậy. Cuộc đời người đàn bà cần gì ngoài tấm chồng và hai đứa con. Vậy là hoàn thành nhiệm vụ, chỉ lo kiếm tiền. Mà cuộc đời đâu có ngắn gọn cụt lủn như chữ “xong” đâu. Nó dài lê thê, bắt người ta phải lên bờ xuống ruộng, khi ngọt thì ngọt hơn mật ong, khi chua chua hơn trái bần nữa. Nên nói cho đúng thì mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Bắt đầu một đoạn đời mới. Bắt đầu một nhiệm vụ mới.
Xíu bắt đầu làm vợ làm mẹ. Ba năm hai đứa con dại, đeo má hơn sam. Con đẻ ra vừa tròn 6 tháng đã ẵm gửi nhà trẻ. Chứ lấy ai mà gửi. Bà ngoại chúng nó ha? Nằm mơ đi nghen. Bả đã tuyên bố thẳng thừng cái ngày cưới: có vợ có chồng tự mà lo liệu, con ai nấy chăm đừng động chút bà ngoại ha. Vậy thôi, còn nhờ với vả được gì. Được cái ở đây nhà trẻ nhiều, tuổi nào cũng nhận. Công nhân nhiều mà, người ta xa quê đi làm, có cầu thì ắt có cung. Gửi thì có người trông nhưng con còn nhỏ, thiếu sữa mẹ cộng thêm chăm sóc không chu đáo bằng ở nhà, cứ bệnh lên bệnh xuống. Một tháng uống kháng sinh hết nửa tháng. Èo uột chẳng lớn nổi. Cũng đành chịu chứ biết làm sao! Xót con cũng phải cắn răng chịu. Rồi vỡ kế hoạch, đứa sau nối đuôi đứa trước. Hai đứa con, tiền gửi, tiền tã, tiền sữa, tiền thuốc mỗi tháng đã bay hết lương một người. Còn được chút ít thì phải tằn tiện dành dư chút đỉnh phòng lúc bịnh đau.
May hên là còn khoản tiết kiệm đó nha nên khi Xíu té xe gãy tay có tiền đi khám, đi mổ. Chồng còn phải è lưng đi làm, tối về trông con. Nghỉ mà lên chăm vợ thì tiền đâu tháng sau ăn, tiền đâu sữa tã thuốc men cho con, cho vợ.
Xíu thấy thương chồng quá, đêm đêm nằm nhớ chồng nhớ con nước mắt cứ chảy hoài. Càng thương chồng con Xíu càng giận má hơn. Trời ơi, bả có phải má Xíu thiệt hôn ta? Bả có lần nào nhỏ giọt nước mắt khóc vì thương Xíu phải côi cút một mình hông? Không, không, không! Xíu chắc chắn trăm phần ngàn luôn. Cái khuôn mặt lạnh tanh đó chưa một lần vồ vập, vui mừng khi thấy Xíu hay những đứa con của Xíu. Với bả, Xíu chỉ là của nợ, là thứ sót lại của người chồng phụ bạc. Kể mà quăng đi được chắc bả quăng lâu rồi. Với bả sống chỉ có tiền. Sau khi Xíu cưới, má cất cái nhà to đùng hơn 200 triệu. Vậy mà lúc con cưới chẳng cho được ngàn bạc. Còn sốc hơn nữa kìa, con Quyên khoe má có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng mấy trăm triệu lận. Ờ, thì bao nhiêu năm tằn tiện, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, đi mua ve chai không dám nghỉ một ngày dĩ nhiên phải dư ra con số đó.
Thành ra lúc lên bàn mổ, lúc sắp chìm vào cơn mê Xíu chỉ thầm gọi tên chồng chứ chẳng gọi má ơi như người ta. Thuốc mê ngấm dần. Ngủ đi. Ngủ đi. Ngủ đi. Ngủ đi con ơi…
À ơi gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm,
Ngủ… ngủ đi con…
Bàn tay má nắm chặt bàn tay con. Bàn tay lớn bao trọn bàn tay nhỏ. Bóng con tí xíu sánh bước bên bóng má to lớn. Má ơi, mình đi đâu vậy? Đi đi hỏi làm gì? Má ơi, sao ba hông đi cùng má con mình? Đi đi, đừng có hỏi. A má ơi, chỗ kia là đâu mà sao nhiều xe vậy? Đó là bến xe. Hay quá, mình sẽ đi xe ô tô bự ha má? Ờ. Mà Xíu nè, con ở nhà với ngoại cho ngoan ha, má đưa em đi tìm ba về cho con ha. Hông, hông chịu, con muốn đi cùng má, hu hu. Nín đi, hổng theo được đâu, nghe lời, ở nhà với ngoại. Hu hu, con hông ở nhà đâu. Cái con này, chướng vừa thôi, má tét đít bây giờ. Má ơi, má về nhanh nha má. Má ơi! Dáng má mất hút sau cửa xe. Xíu khóc thét lên định chạy theo, bàn tay ngoại nắm chặt áo nó kéo lại. Má ơi, má hổng thương con nữa sao má? Má ơi!
Má có thương con nữa hông má? Có còn thương con nữa hông?
Người đàn bà trên chuyến xe hôm đó chảy hết nước mắt vì thương con, thương phận mình. Ra đi tìm chồng trở về. Bỏ lại con thơ bơ vơ. Con đường trước mắt mịt mù gió giông. Rồi tìm được chồng, thấy chồng hạnh phúc bên người ta. Không sanh được con trai, tiền bạc hông có cắng đắng nhau cả ngày, còn tìm theo chi vậy? Một mình nơi xứ lạ, con còn ẵm ngửa. Lăn lộn kiếm sống. Nuốt đau đớn căm hờn vào trong biến thành sức mạnh để sống. Không có nghề nghiệp gì thì đi mua ve chai, lượm từng cái lon người ta quăng, tích cóp theo tháng năm dành mua được rẻo đất miệt ven thành phố, cất được cái nhà tạm bợ chui ra chui vào. Cuộc đời người đàn bà ấy tủi khổ quá đến độ nước mắt cằn khô. Ngày gặp lại con gái xa cách mười mấy năm, nước mắt chẳng còn chảy được nữa. Sao mà nó giống ba nó, cả cái điệu cười cũng giống. Vết thương ngày cũ lại ri rỉ máu. Nỗi uất hận lại trào dâng. Đó là con của gã khốn đó. Nó là con của gã khốn đó…
Má ơi, sao má hổng thương con? Má ơi! Má ơi!
Xíu giật mình tỉnh dậy bởi ai đó đang vỗ mạnh vào vai. Giọng cô y tá trầm trầm:
- Chị tên gì?
Xíu trả lời như một cái máy. Ca mổ đã xong từ hồi nào. Họ gọi Xíu dậy. Phòng hồi sức. Ai cũng nằm im trên băng ca. Một sự im lặng đáng sợ. Có tiếng người ồn ào ngoài cửa phòng. Lát sau cô y tá vào đọc tên và dẫn Xíu về phòng bệnh.
- Mổ xong rồi ha, qua nay điện thoại cô reo liên tục, chắc người nhà lo nên gọi, tui có bắt máy mà họ chỉ hỏi cô đâu chứ hông nhắn gửi gì.
Bác chăm bệnh cùng phòng báo. Xíu nhận lại đồ đạc bữa nhờ giữ, mở điện thoại ra coi. Chồng gọi. Con Quyên gọi. Mấy chục cuộc. Xíu gọi cho chồng:
- Mổ xong rồi. Yên tâm. Hông sao.
- Ờ. Vậy thì mừng.
- Ở nhà có gì không chồng?
- Có gì đâu, má nó cứ nghỉ cho khỏe.
Xíu gọi cho con Quyên:
- Hai mổ xong rồi. Có gì không Quyên?
- Hai mổ xong thì xin về lẹ lẹ đi.
- Họ bắt nằm cả tuần theo dõi.
- Kêu chồng lên chở về gấp đi.
- Sao vậy?
- Má bị tai biến, đi khám lại lòi ra ung thư. Di căn rồi. Nằm một chỗ chẳng chịu ăn uống gì cứ nằng nặc đòi gặp Hai hoài. Chẳng biết còn sống được mấy bữa nữa.
Tự nhiên đầu óc Xíu đứng hình. Đầu dây bên kia con Quyên cứ alo, alo Hai có nghe hông? Còn nghe hông? Má đang chờ Hai về trong lúc đương tỉnh táo để dặn dò chia tài sản. Có về được hông?
Còn nghe được gì nữa. Chỉ thấy. Má nằm đó co quắp, gầy đét. Người đàn bà Xíu đã hận đến tận cùng nỗi hận giờ nằm đó. Cái miệng thường ngày đanh đá nanh nọc giờ đang rên rỉ kêu tên Xíu. Cuộc đời này người ta có thể chọn lựa bạn để chơi, chọn vợ chồng để cưới nhưng không thể chọn người sinh ra mình. Không ai có thể chọn gia đình để sinh ra. Một giọt máu đào hơn ao nước lã…
Xíu nhờ bác cùng phòng thay giúp bộ quần áo rồi ra bắt xe ôm. Trốn viện. Cuối cùng má cũng nhớ đến Xíu, chờ mong Xíu trở về. Xíu không cần cái sổ tiết kiệm. Xíu chỉ mong được má vồ vập vào lòng như hồi còn nhỏ. Xíu chỉ cầu được má hôn tóc hít hà “Tóc con gái má thơm quá”. Má ơi, chờ con với. Má ơi! Bao nhiêu năm rồi ha, từ cái buổi chiều ở bến xe, hai tiếng “Má ơi” mới được cất lên?