- Chân dung & Phỏng vấn
- Nguyễn Thị Ngọc Hải làm sống lại một đời, một thời
Nguyễn Thị Ngọc Hải làm sống lại một đời, một thời
Trong khóa 12, khoa Văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc Hải ở cùng tổ 2 với tôi, nên cũng có nhiều gắn bó, nhất là sau này chị và anh Trần Đình Việt cùng tổ, cùng lớp, họ yêu nhau trong trường cũng là lúc chúng tôi có nhiều kỷ niệm.
Nhớ cuối năm 1969 hết năm thứ hai, cả lớp từ La Khê - Hà Đông về Mễ Trì- Thanh Xuân- Hà Nội. Chúng tôi có dịp rủ nhau từ Thanh Xuân ra gặp bằng được nhà thơ Chế Lan Viên. Anh Trần Đình Việt dặn đi dặn lại:
- Ông hoàng của thơ ca cũng kiêu sa lắm, gặp được thì trò chuyện, không thì về, mình có mất vốn lãi đâu mà sợ.
Lần đầu tiên tôi thấy chị đi cun cút không tỏ thái độ gì, tôi phải chạy theo. Vậy là họ sinh ra để cho nhau, người nói kẻ nghe. Còn giả thử ai trong lớp nói vậy, chị sẽ vặn lại hoặc diễu chơi rồi mới chịu đi (chị có tài hài hước trước bất cứ người nào, ai nghe xong cũng phải bật cười vui). Khi bước vào sân nhà 51 Trần Hưng Đạo, cửa sổ nhà Chế Lan Viên mở, đề rằng: Chỉ tiếp khách 15’. Cả hai chúng tôi như bị cửa sổ ấy đẩy ra, hai chị em đi dọc đường phố Huế, Ngọc Hải nói:
- Vào chén bát phở cho đầu óc tỉnh táo, ta lại vào gặp Chế!
Và chúng tôi ra ăn phở Phố Huế, tất nhiên ngon hơn phở Mễ Trì- Thanh Xuân nhiều, chị nói tửng từng tưng:
- Cứ coi như “Một ngày hư hỏng đầu tháng đi!”
Nữ lớp tôi có một ngày đầu tháng khi lĩnh 5đ sinh hoạt phí, tháng nào cũng ra chợ Hàng Xanh ăn quà, thích gì ăn nấy, không cho con trai theo, và có ai vào chợ đã bị chặn ngoài để chị em tha hồ quà quà, bánh bánh. Mà trò này là do Nguyễn Thị Ngoc Hải bày ra và tự đặt tên: Một ngày hư hỏng. Lúc ăn phở, nói chuyện về “Một ngày hư hỏng” tôi lại thấy hết lo, chỉ mấy phút nữa vào gặp nhà thơ Chế Lan Viên, nó cũng giống như bày đàn tôi đi chợ Hàng Xanh.
Bước chân vào đến nhà Chế Lan Viên, chúng tôi mạnh dạn hơn, ông đón tiếp hai chị em rất nồng hậu. Nguyễn Thị Ngọc Hải từng có truyện ngắn Phần việc của người đi vắng in ra đã có tiếng vang, và tập truyện Ánh sáng cây đèn biển (tập truyện ngắn 1969 đã ra đời) nên chị hỏi nhà thơ về văn xuôi là hợp lý. Ông tỏ ra nhân nhượng ngay từ đầu khi nhà thơ ra hiệu chuyện trò 30’ với Ngọc Hải. Chị chuyện trò kéo dài thêm 25’, gương mặt Nguyễn Thị Ngọc Hải rất phấn khởi, tỏa sáng trông thật đẹp. Đến lượt tôi hỏi về thơ Mới có phải là tòa lâu đài quá đẹp để nhiều nhà thơ trú ngụ dài trong đó. Tôi thấy gương mặt Chế Lan Viên vừa đau vừa mạnh mẽ vừa rạng rỡ khi ông không chối bỏ thơ Mới. Ông đọc nhiều bài thơ của các nhà thơ Mới theo kháng chiến và cả thơ ông, kéo sang thơ chống Mỹ. Chưa bao giờ tôi thấy một ông “Hoàng thơ” thăng hoa khi trả lời và đọc thơ như ngọn lửa cháy bùng không bao giờ biết tắt trước mặt hai chúng tôi. Câu chốt lại khi Chế nói, tôi ngẫm đã năm mươi năm còn hiệu nghiệm: Thơ không có bến bờ, luôn chảy ra biển cả. Phong trào thơ nào không hay về nội dung và nghệ thuật thì bạn đọc quên đi nhanh chóng.
Và kết thúc câu chuyện văn thơ giữa hai chúng tôi và nhà thơ Chế Lan Viên vào lúc 11g. Ông đã nói chuyện với chúng tôi 1g40’. Cả hai ra về như một thắng lợi lớn mà trước khi bước vào cả hai không dám nghĩ Chế Lan Viên lại tiếp chúng tôi lâu và nói chuyện say sưa như vậy.
Tôi và Nguyễn Thị Ngọc Hải, anh Trần Đình Việt hay ra Hà Nội, xuống Bờ Hồ. Đứa nào đói quá thì được ưu tiên. Chị Hải đói xót cả ruột, anh Việt chạy mua bắp ngô nướng, chị cũng nhường nhịn bẻ làm ba, nhưng chúng tôi chỉ ăn ít ỏi, còn dành cho chị, ngược lại tôi và anh Việt đói chị cũng chạy vạy mua lúc thì củ khoai nướng, hay bắp ngô.
Quà với sinh viên ra Bờ Hồ có vậy đã là sang. Có đi cùng anh chị tôi càng hiểu Việt Hải họ sinh ra là để cho nhau.
Tháng 9 năm 1970, chúng tôi mới lên trường Quảng Bá học khóa 4 trường viết văn để đi Nam, Ngọc Hải chỉ nói ngắn gọn với tôi:
- Yếu vậy có đi được không? Còn nếu đi thì cố gắng nhé!
Khóa K12 khi đã về Mễ Trì cuối năm 1969 sang 1970, càng như cái trống luôn bị đánh thúc. Lúc thì mấy bạn nam bị gọi đi bộ đội, lúc thì khóa 4 chúng tôi đi miền Nam, có cả 11 người (Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Hà Phương, Nguyễn Bảo, Đào Văn Cổn, Hồng Việt, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Hồng, Hà Công Tài, Khuynh Diệp, Nguyễn Văn Đông). Vậy là tôi đứt liên lạc cùng Nguyễn Thị Ngọc Hải và lớp sau mấy năm đi miền Nam. Năm 1977 trở về Hà Nội với hai bàn tay trắng, một đứa con sáu tháng tuổi. Điều xấu hổ là ba tôi phải mang cả quạt con voi từ Phú Thọ cho gia đình chúng tôi dùng. Năm sau gặp lại Ngọc Hải chị công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam, một mình nuôi con, chồng dạy ở Sơn Tây. Chị gầy gò, dáng vất vả, hai con thì mẹ tự gửi và đưa đón vào nhà trẻ, rồi lớn hơn thì vào lớp một. Thì giờ còn lại chị lo viết bài vở thêm tiền cho mẹ con sống. Chị nhiều lần nói: “Chúng tự lớn, tự học hành, cũng chẳng có thời gian xem con học ra sao, vào lớp có gì vướng mắc không? cứ vậy chúng lớn, ốm sốt thì cho uống thuốc vài hôm cũng khỏi”.
Sau này anh Trần Đình Việt được về Hà Nôi, gánh nặng gia đình có người dơ vai đỡ đần. Ở báo Phụ nữ Việt Nam, chị là Ủy viên Ban biên tập và có cùng tham gia mục Chị Thanh Tâm: Khuyên nhủ, hay tâm sự với chị em những vướng mắc trong tình cảm. Thời đó chiến tranh chống Mỹ vừa xong, chiến tranh biên giới hai đầu đất nước, bao nỗi niềm tâm sự của người viết gói trong những bài gửi chị em hậu phương, như một người gỡ những nút thắt cho mỗi phụ nữ có chồng đi xa còn nhiều nỗi niềm trăn trở. Ngoài ra Nguyễn Thị Ngọc Hải còn là phóng viên viết nhanh và đi ở những mũi nhọn của cuộc chiến đấu. Khi Mỹ bỏ bom ở Khâm Thiên Hà Nội, chị đã có mặt ngay. Hay biên giới phía Bắc xẩy ra, chị cùng các phóng viên có lên Lạng Sơn rất sớm. Sau một thời gian dài làm báo phía Bắc, chị xin chuyển về Sài Gòn. Để sự chuyển vào Sài Gòn yên ổn, đỡ xáo trộn lớn cho các con học hành, chị một mình xách một cháu vào trước, sau là chồng và con lớn. Có lẽ đất phương Nam là đất cho Nguyễn Thị Ngọc Hải dựng võ thành công trên luống cày văn học. Với tập truyện ngắn đầu tay Ánh sáng cây đèn biển, đây là tập truyện: Văn viết mượt mà, lóng lánh. Một lần nhà văn Nguyễn Thành Long gặp tôi, ông trân trọng nói: Em chắc đọc văn của Nguyễn Thị Ngọc Hải, đây là gương mặt có văn, văn đẹp. Nhưng đem văn ấy viết về con người hư cấu với truyện ngắn thì phung phí biết bao, giống như cho bao muối để vừa một thúng cá cơm hả em. Văn ấy viết bút ký, viết về một con người thực nào đó có ích hơn nhiều. Tôi nhìn ông qua đôi gọng kính trắng, không biết ông nói đúng hay sai, nhưng ai cũng bảo ông là “phù thủy” trong văn chương, dám nắn dòng văn cho một con người như vậy. Với Nguyễn Thành Long văn ông kỹ càng, đẹp, ông không nghĩ nhiều về chính trị trong văn là mấy, ông đặt văn lên trên hết. Có một thời chúng tôi háo hức đợi ông đi thực tế về để được đọc những bài ký văn hay, trong veo như một bản nhạc đánh vào lúc bình minh. Sao ông lại nắn dòng một nhà văn, ông có tài tiên đoán gì không? Tôi lại nhìn ông một lần nữa với bao câu hỏi lớn về ông. Khi ông mất năm 1991, Nguyễn Thị Ngọc Hải vào Sài Gòn năm 1987, là chuyên viên báo chí thành ủy Sài Gòn. Chị từng viết tiểu thuyết: Kẻ lãng mạn đi qua (1993). Như vậy chị đã qua viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhưng đến năm 1997 chị ra quyển sách mà ai đọc cũng không khỏi mủi lòng, rơi lệ, đó là: Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống (ký sự nhân vật). Khi đọc cuấn sách này, tôi thấy lời tiên đoán của nhà văn “phù thủy” Nguyễn Thành Long là đúng. Có điều ông mất từ năm 1991, ông không được đọc quyển ký sự này. Ông ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông hiền lành, kiệm lời, nhưng khi đã nói ra nghiệm là đúng đến nỗi chúng tôi thế hệ trẻ gọi là “phù thủy” với một sự yêu mến và kính trọng. Khi nhắc đến một ngày nào đó, tháng nào đó, năm nào đó, tôi hay gắn sự kiện lịch sử ngày tháng năm. Nguyễn Thành Long gọi tôi ra và nói: Anh có đọc mấy truyện ngắn của em, chi tiết đắt, dẫn dắt truyện nhẹ mà như không. Nhưng viết mãi vậy lại là dở, chi bằng với trí nhớ lịch sử ấy viết về nhân vật trong lịch sử, tận dụng sở trường của mình. Nhưng trong truyện lịch sử phải hư cấu những nhân vật phụ hay, tính cách rõ ràng rồi cắt, sau lại xây dựng những nhân vật phụ khác, họ là nhân chứng, là đất cho nhân vật lich sử lớn lên thành núi.
Tôi hiểu “phù thủy” yêu mến của chúng tôi đã ra “chưởng”. Có những nhà văn, viết ít, nhưng chất lượng lại cao, nói ít nhưng nói như có rồng mây cuồn cuộn và tôi biết ông nói tôi và Ngọc Thị Ngọc Hải là ông bắt mạch đúng hướng của Nguyễn Thị Ngọc Hải sau này. Còn tôi vẫn đang say mê truyện ngắn và thơ ở đằng trước mặt kia. Tôi băn khoăn: Nguyễn Thành Long bắt mạch trúng đến đâu? Bởi những năm đó ông nói với tôi là năm 1987. Tôi chơi với Nguyễn Thị Ngọc Hải đã lâu, tôi chưa bao giờ nói ý kiến “phù thủy” Nguyên Thành Long cho chị nghe. Vì đời văn đôi khi ngắn ngủi rồi tắt, nhưng cũng khi đời văn nối dài vô tận. Bỗng năm 1987, Nguyễn Thị Ngọc Hải chuyển vào miền Nam, hai vợ chồng mới xum họp lại tách xa. Và năm 1997: Ký sự nhân vật đầu tiên của Nguyễn Thị Ngọc Hải Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống là cuốn sách kể về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của bác sĩ Trần Văn Bản. Ông bắt đầu từ lời hứa trong tổ tam tam: “Nếu sống mang xác tao về cho mẹ” và rộng ra trong xã của anh có 29 người nhập ngũ cùng ngày, chỉ còn có một mình Bản trở về khi đồng đội đã mất cả. Và cũng thật trớ trêu, tám năm sau anh trở về, tấm ảnh thờ anh, mẹ treo trên bàn thờ cùng giấy báo tử. Bắt đầu từ mình, từ những người bạn, từ tấm lòng nghề nghiệp là bác sĩ, anh không chữa được cho đồng đội, họ phải hy sinh thì anh chữa cho những người mẹ, người cha ở nhà thấp thỏm ngày đêm đón nhận tin con với hy vọng mang được hài cốt của con về quê. Một lần đưa hài cốt của liệt sĩ Đỗ Văn Đông về xã Trấn Đông, Hải Phòng khi mẹ Lê Thị Manh đang hấp hối. Nghe tin hài cốt của con đã về, bà bật dậy ôm chặt bộ hài cốt của con trai. Hình ảnh hạnh phúc ấy, anh mang suốt đời và để 20 năm đi tìm mộ đồng đội từ Củ Chi, Bến Cát tới Trảng Bàng. Một lá thư gửi cho Thành phố Hồ Chí Minh, có Củ Chi địa bàn nằm trong tam giác sắt, ông Hiệu đã nói về bác sĩ Trần Văn Bản đã tìm được hàng ngàn mộ liệt sĩ với lòng ngưỡng mộ.
Trong cuộc đời, sự may mắn thuộc về những người chịu khó, chịu thương và sống nhân hậu. Với nhà báo Nhật Bunyo Ishikawa tác giả: Cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam, ông từng theo sư 25 nổi tiếng của Mỹ tại vùng Trung An (Củ Chi). Thì nay ông đi tìm hài cốt cùng bác sĩ Trần Văn Bản ở đơn vị trực tiếp đánh sư 25 Mỹ ở giai đoạn tháng 6-1969 khi nhà báo Bunyo có mặt bên sư 25 Mỹ. Còn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, khi chị đọc được một tin viết về bác sĩ Trần Văn Bản tại quận Tân Bình, đi tìm mộ liệt sĩ, nhà văn liền đi tìm và theo bác sĩ tới những nơi anh đi tìm đồng đội. Thời gian chị theo bác sĩ và nghe anh kể suốt những năm 1993-1995, chị mới hình thành để viết Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống, dày 200 trang sau hơn mười năm. Năm 1997, quyển sách ra đời và được giải B (không có gải A) của Hội Nhà văn Việt Nam. Quyển sách được tái bản lần thứ tư.
Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống, nặng tính nhân văn đã được các phóng viên thế giới quan tâm. Một nhà báo Nhật Bản làm thành bộ phim về quá trình bác sĩ Bản đi tìm hài cốt Nguyễn Bá Hòa (liệt sĩ). Công việc bắt đầu khai quật tại Củ Chi đến khi đưa về Hải Phòng (họ tìm đào hài cốt hoàn toàn bằng quốc xẻng thủ công, chỉ có tấm lòng của người đi tìm là kiên định và quyết tâm cao) để đưa bằng được liệt sĩ về quê hương. Những thước phim bằng hành động cụ thể, chân thật, chính nó đã thuyết phục bao trái tim ở Nhật Bản. Để mỗi thanh niên Nhật khi đã đến Việt Nam, có một địa chỉ để họ thường ghé qua là Hội chữ thập đỏ Quận Tân Bình. Họ mong được gặp người bác sĩ đã cất công đi tìm đồng đội để biếu 5 đô la, đây là tấm lòng vàng góp tiền mua nhang khói. Câu chuyện thứ hai: Một anh phóng viên tờ Washington Post (còn rất trẻ), cùng đi tìm mộ với Trần Văn Bản. Lần đó tìm không thấy, nhưng phóng viên trẻ phải khóc khi thấy bác sĩ Bản lội ao, ngụp lặn để tìm đồng đội mình. Sự lan tỏa ở quyển sách này là thành công của Nguyễn Thị Ngọc Hải, chị đã tìm lối viết thuyết phục bạn đọc một cách chân thật và giàu tính nhân văn. Quyển sách được ra đời, mỗi mẩu chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ đã cảm động như người Mỹ trẻ tuổi đã phải khóc ở trên. Nhưng chuyện trao cho người nhà thân nhân liệt sĩ hài cốt của con họ cũng không kém phần sinh động để chúng ta cũng phải rơi nước mắt. Khi tìm được liệt sĩ Nguyễn Đức Hiền, sinh năm 1958, hy sinh 1980, ở dơn vị F367, bác sĩ Bản đã gửi hai công văn về tỉnh, đều không trả lời. Đích thân anh phải đến Hà Tĩnh cho họ xem dòng chữ trong chiếc lọ trên tay. Từ chứng cứ đó họ lục tung giấy tờ mất một buổi mới ra liệt sĩ Nguyễn Đức Hiền, quê Hương Sơn. Anh đi bộ về đội 3 Sơn Lĩnh tới nhà liệt sĩ Thắng. Rồi đi sang Hương Sơn vào nhà Nguyễn Đức Hiền, tìm theo chân người cha làm đồng xa. Nghe người nhắc tên con trai hy sinh, ông già 80 tuổi, đội nón mê, manh áo rách đã ôm Bản mà khóc. Và ông hẹn một ngày vào thăm mộ con ở miền Nam. Nhưng cái đuôi của câu chuyện nghiệt ngã biết bao khi gia đình nhờ anh Bản tìm hài cốt ông chú của Hiền cũng hy sinh. Chuyến đi về nơi xa thẳm vùng biên giới Hà Tĩnh - Hương Khê, nhà nào cũng nghèo, không có điện, nhưng nhà nhà có con là liệt sĩ, và đa phần họ không có tin tức về người mất. Khi ra về bác sĩ Bản gặp trẻ con chân đất đi hoc, quần áo vá chằng chịt, bỗng người bác sĩ trùng lòng đến rớt nước mắt. 200 trang giấy, biết bao nỗi niềm đau sót của những thân nhân và nhưng người đi tìm mồ liệt sĩ được Nguyễn Thị Ngọc Hải viết ra chân thật, bằng giọng văn dung dị, dễ cảm dễ vào lòng người. Điều đáng quan tâm là quyển sách có bạn đọc, người đọc nhiều lại là giới trẻ, nên được tái bản đi tái bản lại. Tác giả đã khẳng định: Sự thật lớn nhất không phải viết sử, mà là chân dung sống động của họ trong các biến cố. Tôi chuyên tâm viết chân dung con người; để bạn đọc được trực tiếp nói chuyện và nghe họ kể. Những thứ mà khi họ mất đi, chả bảo tàng nào giữ được.
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, chị đã dùng nghề văn cùng nghề báo viết nên những trang sách lay động lòng người một cách chân thật nhất. Và càng khâm phục “Phù Thủy” Nguyễn Thành Long, ông đã tiên đoán con đường đi của một tác giả còn rất trẻ tuổi đời khi đó là năm 1987. Gần đây trong một lần đi thực tế, chị hé lộ: Người chị yêu quý ở Hội Nhà văn Việt Nam là nhà văn Nguyễn Thành Long, tôi hiểu ra hai nhà văn họ trọng nhau về văn chương.
Khi nhắc đến nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, chúng ta không thể không nhắc đến: Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời (ký sự nhân vật) (xuất bản năm 2002). Đây là quyển sách hay nhất và công phu nhất của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Chúng tôi nói vậy, bởi chị nhiều lần gặp nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông từ chối không nói chuyện. Bằng tấm lòng chân thật, Nguyễn Thị Ngọc Hải đã chinh phục được nhà tình báo để ông tự kể cho tác giả nghe về cuộc đời hoạt động của mình. Khi quyển sách ra đời là sự im hơi lặng tiếng suốt hai bảy năm của nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn, nay mới được công chúng biết đến. Nhưng với người viết đây là một thách thức, vì tài liệu đi khai thác thì chính quyền không muốn cung cấp, tất cả động đến đâu cũng là tài liệu mật. Chị phải đi đối chứng những sự kiện với nhiều nhân chứng khác, cùng với sự thuyết phục công phu và có lý để chị được tiếp cận phần nào tài liệu “mật của nghề tình báo”. Sự ra đời Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời là một quả bom pháo hoa nở tung trời Sài Gòn, nhiều ký giả, những nhà nghiên cứu, nhà tâm lý chiến tranh phải quan tâm đến.
Đời văn của Nguyễn Thị Ngọc Hải gắn liền vời sự kiện và nhân vật. Nếu một người không có tài xới sự kiện gắn với nhân vật lên thì sẽ thành mẻ lạc rang khô khốc, làm bạn đọc bỏ lại tác giả đằng sau. Nhưng với Nguyễn Thị Ngọc Hải, bằng chữ nghĩa khá nhiều, chị biết dẫn dắt người đọc bằng văn phong trong trẻo, uyển chuyển, nên người đọc cuốn theo tác giả từ tarng này sang tarng khác, từ quyển này sang quyển khác. Vậy là “phù thủy” Nguyễn Thành Long tiên đoán tương lai cho một nhà văn thật trúng và đúng.
Rút từ tập GÁNH CHỮ TRÊN NGÀN, Nxb Hội Nhà văn, 2022.