TIN TỨC

Một chút tâm sự khi đọc thơ Nguyễn Tuyển

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1431 lượt xem

Đặng Xuân Xuyến

 Tôi đọc thơ Nguyễn Tuyển không nhiều, cũng không thường xuyên nên hiểu về thơ của Nguyễn Tuyển không được sâu nhưng có lẽ Cha Mẹ và Quê Hương là mảng đề tài chiếm dung lượng khá lớn trong thơ anh thì phải.


Nhà thơ Nguyễn Tuyển

Cũng là nhớ về đấng sinh thành nhưng với nhà thơ Nguyễn Tuyển (trong “Ngỡ”) thì khác, anh hạnh phúc hơn khi còn bố còn mẹ nên nỗi nhớ cũng nhẹ nhàng hơn và ít nước mắt hơn so với nỗi nhớ của những ai không còn bố, không còn mẹ. Cho dù trong anh có quắt quay nhớ đấng sinh thành thì cũng chỉ ở mức rưng rưng ngấn lệ, nhưng vẫn còn đầy ắp hạnh phúc của sự chờ đợi được cha mẹ chằm bặp, yêu thương:

“Tôi mơ mùi thơm gạo mới

Nồng nàn vị mặn đất quê

Tôi mơ những chiều mẹ đợi

Bố lên nương rẫy chưa về”

(Ngỡ)

Hay những câu thơ thấm đẫm sự nhớ thương, lòng biết ơn và niềm tự hào về đấng sinh thành của người con khi phiêu bạt xa xứ:

– “Nhớ khói lam chiều quyện mái nhà tranh

Mùi cơm mới thơm nồng mồ hôi mẹ

Cha gánh hoàng hôn bước về lặng lẽ

Phía triền đê lúa trở dạ ngậm đòng”

(Thương nhớ quê nhà)

– “Mẹ nằm đếm tháng tính ngày

Tay lần tràng hạt cầu may mùa vàng

Cha ngồi bên bếp lửa tàn

Mơ trong gió thoảng những làn khói rơm”

(Tháng Ba hạt lúa nghẹn lòng)

– “Vườn của mẹ bỗng như bừng thức giấc

Những sớm mai cha mỉm cười tất bật

Chiếc áo sờn mẹ gánh cả mùa Xuân”

(Mùa Xuân đã đến phía sau mình)

Đọc những câu thơ ăm ắp tình mẹ, ăm ắp tình cha như thế hỏi ai chẳng nao lòng?!

Nỗi nhớ bố nhớ mẹ nhớ quê cứ hồn nhiên trong trẻo ngân lên như thế, rồi chợt lắng lại, trầm xuống với thoảng nhẹ chút hương nhớ vị thương đằm nét hồn quê của riêng Nguyễn Tuyển:

“Bây giờ quê xa vời vợi

Chợt thèm một khúc bánh xôi

Giận mình một đời nông nổi

Chiều rơi, ngỡ mình… mồ côi…”

(Ngỡ)

Câu “Chợt thèm một khúc bánh xôi” bằng cảm xúc rất thật, đã xóa đi cảm xúc còn chênh, chưa thật của câu: “Chiều rơi, ngỡ mình… mồ côi… “, khi Nguyễn Tuyển đẩy cảm xúc cao hơn tâm trạng thực để kết thúc bài thơ.

Không chú trọng vào việc tìm tòi cách thể hiện tứ “mới – lạ – độc” như nhiều nhà thơ trẻ hoặc thích “được trẻ hóa”, Nguyễn Tuyển lặng lẽ chọn lựa câu chữ để thể hiện được tình nồng ấm, hồn hậu trong thơ anh. Những câu thơ anh viết về quê hương dễ chạm được vào trái tim người đọc bởi những nét đẹp yên bình như được lan tỏa từ trái tim nồng ấm, đôn hậu của Nguyễn Tuyển:

“Và chú chim líu lo trên cành biếc

Mổ hạt sương tan ở sau vườn

Con mèo nhỏ vùi mình trong xó bếp

Khúc khích đùa trông thật dễ thương”

(Mai về với Mẹ)

Những câu thơ trong trẻo hồn nhiên như thế đem lại cảm xúc rất khác với những câu thơ hay và đẹp trong bài “Tìm về ngày xưa”, ví như:

“Tôi về vén bóng tre làng

Nghe bao thương nhớ cũ càng ùa xô

Con đò gác mái sóng nhô

Bờ sông thiêm thiếp, câu hò lạc trôi”

hay:

“Ngược chiều theo cánh thiên di

Ngày trôi qua đáy, mùa đi không về

Ngọn nồm quất rạc triền đê

Lòng tôi ngân ngấn bên lề nhớ quên”

Đọc những câu thơ hay và đẹp với kha khá chữ ấn tượng, gợi nhiều cảm xúc, thể hiện kỹ thuật thơ của người có tay nghề: “Bờ sông thiêm thiếp”, “Ngày trôi qua đáy”, “quất rạc triền đê”, … , với những hình ảnh gần gũi thân quen như đã từng gặp ở đâu đó dễ làm bạn đọc nao lòng nhưng cũng chính những câu thơ với những hình ảnh, những ngữ điệu dễ nao lòng đấy lại tạo cảm giác thiêu thiếu cái hồn, cái tình vốn mộc mạc chân quê trong thơ Nguyễn Tuyển, khiến người yêu thơ Nguyễn Tuyển gợn chút nỗi bâng khuâng nhơ nhớ. Có lẽ, anh muốn tạo thay đổi diện mạo cho trang thơ Nguyễn Tuyển bớt đồng điệu đồng màu nên “Tìm về ngày xưa” với những tìm tòi học hỏi để làm mới mình trong ý tưởng cấu tứ nhưng thi tứ thi ảnh chưa thật sự tạo được rõ dấu ấn riêng của thơ Nguyễn Tuyển nên những câu thơ hay và đẹp đó vẫn gợn chút bâng khuâng nhơ nhớ chất thơ, hồn thơ mộc mạc và trong trẻo của Nguyễn Tuyển trong tâm trí bạn đọc.

Tôi thích những câu thơ mang nặng dấu ấn miền Trung nắng gió – quê hương Quảng Ngãi của nhà thơ Nguyễn Tuyển, ví như:

“Bình yên quá, gối đầu lên ngày cũ

Ta mơ màng bên hương khế xốn xang

Mơ dáng ngoại khẽ khàng ru ta ngủ

Chợt giật mình…

mùi cơm mới bay ngang.”

(Bình yên quê Mẹ)

Hay:

– “Tôi nhớ làng như đứa trẻ lên ba

Ngồi ngóng mẹ đi chợ phiên ngày tết

Kể sao hết bao sắc màu xanh biếc

Con dế trong tôi cắn nát những đêm dài”

(Ngày bình yên)

– “Sáng ngồi

vẽ một bình minh

Ngờ đâu mưa xối thình lình ướt tôi

Giọt rơi rát bỏng hơn vôi

Cho tôi uống lấy bời bời niềm đau”

(Vẽ ngày bình yên)

– “Có vạt nắng chiều gầy guộc góc sân

Mẹ ngồi hong nhúm khoai mì đang mốc

Thương bông lúa trổ mầm ngoài rộc

Đàn gà con nhao nhác tìm mồi.”

(Bài thơ tháng Mười)

– “Hơn nửa đời phiêu bạt đó đây

Giữa phố phồn hoa, rộn còi tàu hú

Tiếng dế nỉ non vẫn theo vào giấc ngủ

Như lời quê thầm thĩ nơi xa”

(Ngày bình yên)

Những câu thơ như thế rất dễ chạm vào trái tim người đọc bởi những câu thơ đấy được tinh lọc, phản chiếu từ cái nhìn trong trẻo mà run rẩy rung lên tiếng lòng từ trái tim hồn hậu của Nguyễn Tuyển.

Viết về Mẹ, Nguyễn Tuyển có khá nhiều câu thơ tinh tế, có sức ám ảnh người đọc với sự lan tỏa thầm lặng, ví như:

“Lời ru chìm giữa mênh mông

Tháng ba ai đốt khói đồng mắt cay

Cánh cò hun hút chân mây

Đồng sâu mẹ đội bóng ngày liêu xiêu”

(Dỗ mình)

Hay:

– “Men theo sợi khói lam chiều

Tôi về quê mẹ – nắng liêu xiêu gầy

Hương trầm ai đốt mà cay

Giọt tràn đáy mắt bỗng ngày rưng rưng”

(Khẽ khàng quê)

– “Mẹ giờ như cọng rơm gầy

Cuối mùa sót lại sau ngày nắng mưa

Chuồn chuồn bay giữa ban trưa

Sợ cơn bão nổi về lùa qua truông”

(Gió ơi lay khẽ thôi nào)

– “Rồi một chiều muốn bỏ chốn phồn hoa

Về bên mẹ hít hà mùi cơm mới

Mái tranh nghèo nhuộm vàng bao sợi khói

Nghe à ơi… bên cánh võng năm nào.”

(Chợt thèm một chút ngày xưa)

– “Tuổi của mẹ theo ngày trôi qua tóc

Mỗi xuân sang thêm vài sợi úa màu

Nồi nếp mới của vụ mùa khó nhọc

Mẹ gói vào cời lửa suốt đêm thâu.”

(Mai con về tạ lỗi với quê hương)

– “Mẹ ạ!

chiều nay con lại nhớ

Chiếc chõng tre ọp ẹp thủa nào

Thèm một giấc ngủ vùi như chưa có

Để nghe tròn một khúc ca dao.”

(Khóc giữa ban chiều)

– “Mặc cho giông thét bão gào

Âm thầm mẹ vá khuyết hao lở bồi”

(Mẹ ơi mùa trở gió rồi)

Bên cạnh hình ảnh Mẹ là tượng hình Cha với những khắc họa thật đẹp, đẹp lồng lộng, hào sảng với những lắng đọng ấm áp từ trong da diết nỗi nhớ của nhà thơ Nguyễn Tuyển:

“Cạn đêm kí ức cựa mình

Thấy cha cõng nắng chùng chình bước chân

Miệng cười gánh cả xuân sang

Hương đồng theo gót mênh mang gió lùa”

(Chợt mơ về với quê nhà)

Bốn câu thơ khá hay, với Tứ thơ đã được nhiều nhà thơ sử dụng khi khắc họa tượng hình người Cha nhưng tượng hình người Cha trong “kí ức cựa mình” của Nguyễn Tuyển đẹp đôn hậu hào sảng với những nét vẽ dễ chạm vào trái tim và găm sâu vào trí nhớ bạn đọc của riêng Nguyễn Tuyển. Thật tiếc, nhà thơ Nguyễn Tuyển đã không đầu tư thêm chút thời gian cho việc chọn chữ gieo vần để bốn câu thơ đó được tròn trĩnh hơn.

Hay những câu thơ khác Nguyễn Tuyển viết về Cha không cố ồn ào to tiếng mà anh đào sâu vào tâm thức với suy tưởng điềm tĩnh đến trầm lặng:

– “Mấy canh chầy cha tựa cửa lo âu

Canh con nước lớn ròng theo mùa lũ

Bóng cha nhoè lem trên bức tường rêu cũ

Đèn khuya hiu hắt bên thềm.”

(Bài thơ tháng Mười)

– “Thấy bóng cha ngồi ở phía triền đê

Nối sợi dây diều tuổi thơ tôi vừa làm đứt

Hoàng hôn buông một màu đỏ rực

Chú dế mèn ngậm cỏ hát nghêu ngao”

(Một chút dại xưa)

khiến những câu thơ đó đầy ắp tâm trạng và nặng thêm sức ám ảnh với người đọc.

Thơ Nguyễn Tuyển luôn đầy ắp chất liệu mộc mạc, bình dị của cuộc sống và câu chữ anh dùng cũng là câu chữ chọn lựa từ ngôn ngữ của cuộc sống nên thơ Nguyễn Tuyển dễ gần dễ hiểu với bạn đọc. Có lẽ vì thế mà thơ của anh tuy không chú trọng làm mới cách sử dụng câu chữ và sáng tạo ngôn từ, cũng không làm mới hình thức thể hiện nhưng là thơ của cảm xúc chân thật nên bạn đọc đến với thơ Nguyễn Tuyển lặng lẽ, tự nhiên với sự lan tỏa thầm lặng không ồn ào vồn vã.

Hà Nội, sáng 5 tháng 8/2022

Đ.X.X

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm