TIN TỨC

Cuộc “vượt vũ môn” ngoạn mục

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-07 17:44:03
mail facebook google pos stwis
1591 lượt xem

BÙI VIỆT THẮNG

Anh Võ Minh là cựu chiến binh, thương binh hạng nặng (mất 81 phần trăm sức khỏe, xếp loại ¼). Chàng thanh niên quê Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An (sinh 1952), khoác áo lính từ khi tuổi mười tám phơi phới thanh xuân (1970); trải qua bốn năm trận mạc ở chiến trường ác liệt miền Đông Nam Bộ (lính của Trung đoàn 271 Anh hùng, có lẽ vì thế mà tạo  Email/vominh271@gmail.com).

Bị thương trong chiến trận, ròng rã một năm (1974) điều trị vết thương nặng, năm 1975 mới trở về  sống với đời thường, với bút nghiên đèn sách. Từ 1975-1980, anh Võ Minh dùi mài kinh sử ở ngành Điện khí hóa, Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội; ra trường công tác tại Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải. Chàng Kỹ sư điện trẻ tuổi mang trên mình thương tật nặng nề (đến nay vẫn còn 7 mảnh đạn trong đầu), nhưng yêu nghề, yêu đời và đặc biệt yêu văn chương. Cuộc sống của người lính giữa đời thường không thể nói là suôn sẻ, xuôi chiều mát mái, bằng anh bằng em. Những khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại hành hạ. Những cơn đau từ đâu sầm sập kéo đến như những trận lốc xoáy cơ hồ kéo ném Võ Minh ra tận ngoài đảo xa giữa biển Đông hay quẳng lên trên những đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn. Sống được đã là khó huống hồ còn nặng nợ nghiệp văn chương chữ nghĩa. Nhưng phải sống để mà nhớ lấy và ghi lại cả quá khứ đau thương và anh hùng của một thế hệ. Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn mà không phế”, anh Võ Minh đã làm được điều phi thường với danh dự của Anh bộ đội Cụ Hồ. Năm 1984, kỹ sư điện Võ Minh là người đầu tiên ở Việt Nam đã thiết kế thành công hệ thống điện cho loại cần cẩu 3 tấn trên tàu biển, cần cẩu tháp trong xây dựng.


Nhà văn Võ Minh

Nhưng có thể nói, tấm gương lao động chân chính, tích cực và hiệu quả nhất của cựu chiến binh, thương binh nặng Võ Minh lại ở lĩnh vực sáng tác văn học, không phải là tay ngang, cũng không phải chỉ là cuộc chơi chữ nghĩa “vô tăm tích” như ai đó thiển cận phát ngôn. Ở lĩnh vực “văn” anh cũng nghiêm túc và nhiệt huyết như trong lĩnh vực “điện”, nghĩa là cũng năng nổ tìm tòi và phát huy sáng kiến. Năm 2007, anh trình làng tập hồi ký “Có một thời như thế” (NXB Thanh niên, tái bản lần thứ 7, năm 2022). Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận xét về văn chương của đồng đội mình: “Võ Minh lại góp phần giúp ta lật lại điềm tĩnh cuốn lịch chiến tranh mà ở đó mỗi ngày đều gầm rú đạn bom, đều thấm đẫm máu người lính trận. (...). Trong suốt hơn 200 trang hồi ký được dựng lại theo thể nhật ký, gần như không có trang nào không thấy rớm máu, không có trang nào không thấy thủng lỗ chỗ vết đạn bom”. Hồi ký “Có một thời như thế” được tái bản tại NXB Chính trị quốc gia Sự thật, số lượng 25.000 cuốn (Sách cấp phát cho quận, phường, xã và thư viện trong cả nước); sách được đưa vào Tủ sách Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20. Người đồng hương xứ Nghệ, dịch giả Hoàng Xuân Thường (Phó Trưởng khoa Điện tử, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Nghệ An) chuyển ngữ tập hồi ký “Có một thời như thế” sang tiếng Ba Lan, sẽ ra mắt độc giả tại quê hương nhạc sỹ thiên tài thế giới Chopin (Sô Panh) một ngày không xa. Vì thủy chung với văn chương, anh quyết tâm dấn thân, khi in tập truyện ngắn “Nghị quyết cây khế” (NXB Hội Nhà văn, 2014). Trong tác phẩm thứ hai, Võ Minh chủ yếu viết về cuộc sống đời thường với nhiều cảnh ngộ, số phận, bằng giọng văn hài hước có vẻ nhẹ nhàng nhưng hàm ẩn sâu sắc tinh thần phê phán nhân văn thói vô cảm (nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là “thói máu cá”) của con người trước đồng loại. Sách được lưu hành trong Hệ thống thư viện tưởng niệm NICHOLSON, HOA KỲ. Tên tuổi Võ Minh trên văn đàn càng định vị khi ra mắt tác phẩm thứ ba “Lốc xoáy” (tiểu thuyết, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022). Bốn năm trăn trở, tu chỉnh (có khi tưởng như phải dỡ ra viết lại), bằng ấy năm nữa tìm lối ra cho đứa con tinh thần khiến Võ Minh cũng không ít hao tâm tổn sức. Không phải không có lúc nản chí. Nhưng tinh thần của người lính đã giúp anh nghị lực, lòng tin, niềm lạc quan. Phía trước là bình minh.

Nếu “Lốc xoáy” chỉ xoáy vào biến cố Cải cách ruộng đất thì tác giả sẽ khó vượt được những người đi trước. Nhưng cơn lốc xoáy Cải cách ruộng đất chỉ là một trong nhiều cơn lốc xoáy - những cuồng phong lịch sử  - khác đã diễn ra trên đất nước ta thời hiện đại. Viết về một thời kỳ lịch sử đầy phong ba bão táp, thông qua con người, là cách nhà văn khác nhà lịch sử chỉ quan tâm và tôn trọng sự kiện. Tác giả đã thực sự “khôn ngoan” chuẩn bị “sân chơi” cho các nhân vật xuyên suốt tác phẩm dài hơi, trong khoảng thời gian bốn thập kỷ. Vì thế “ Lốc xoáy” được nối mở bằng ba phần (I, II, III): Trời long đất lở - Ma quỷ cõi người - Luật đời nhân quả. Phần I, là câu chuyện đấu tố, oan khuất, đập phá chùa chiền, bài trừ văn hóa phong kiến, cho đến ra đời hình thức hợp tác hóa nông nghiệp đều là cuộc bể dâu, dưới ngòi bút của tác giả, hiện lên trần trụi, gai góc qua từng con chữ. Cảm hứng hiện thực phê phán trên tinh thần nhân văn thấm đậm ngòi bút. Cơn lốc xoáy thứ hai là chiến tranh với những cảnh tàn phá, chết chóc nơi hậu phương và những hành động xả thân nơi chiến trường của những người lính quả cảm. Người ta sinh ra vốn không phải là lính. Nhưng những ký ức về chiến trận thường sâu lắng nhất và cũng da diết, bền lâu nhất, lương thiện nhất. Trong “Lốc xoáy” các trang viết về chiến tranh, theo cách viết “có đầu có đuôi”, vẫn đứng được vì nó liền mạch, cố kết, hòa mạng được với phần I và III. Cơn lốc xoáy thứ ba không có tiếng rít của đạn bom song không kém phần khốc liệt vì thị trường cũng có khi đổ máu như chiến trường, cũng nhiều thân bại danh liệt, cũng nhiều lao lý, cũng bể dâu ngút trời, cũng khủng hoảng vỡ trận. Không gian và thời gian sinh tồn của nó có đặc điểm “cộng sinh - chúng sinh - hiện sinh”. Cộng sinh (chung sống) là cái nền tảng cho chúng sinh (toàn dân) và hiện sinh (hiện hữu) mọc lên như một thân cây có gốc rễ tươi tốt. Các nhân vật đều được tô đậm tính chất “đa nhân cách”, “phi truyền thống” (không chia thành chiến tuyến xấu tốt, chính nghĩa - phi nghĩa theo thi pháp văn học dân gian và văn học truyền thống). Nhân vật được đặt trong một hoàn cảnh điển hình, họ đều không có khả năng tự/ được khai phóng. Nói như nhà văn Nga hiện đại tài danh I. Bondarev, tác giả tiểu thuyết “Tuyết nóng” đã được dịch ra tiếng Việt thì: “Một sự thật không thể chối cãi và đau đớn khi tất cả chúng ta đều là tù binh của hoàn cảnh”. Những “hiệu ứng domino” và “ma trận” (matrix), tôi nghĩ, chính là kỹ thuật/bí kíp viết riêng của tác giả được vận dụng thành công trong tiểu thuyết đầu tay “Lốc xoáy”, đã để lại nhiều dư âm.

 Sáng 27/7/2023, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An diễn ra sự kiện văn học đặc biệt “Tọa đàm về tác phẩm của nhà văn Võ Minh” do Tạp chí Sông Lam (Hội LHVHNT Nghệ An), Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Chi hội VHNT Thị xã Cửa Lò đồng tổ chức. Kỷ yếu tọa đàm đã tập hợp 13 bài viết của đồng nghiệp, bạn hữu nhà văn Võ Minh trong và ngoài tỉnh (Vũ Ngọc Tiến, Chu Lai, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thụy Kha, Đinh Trí Dũng, Nguyễn Văn Hùng, Hoàn Nguyễn, Phạm Thùy Vinh, Hà Vinh Tâm...). Riêng về “Lốc xoáy” đã có 7 bài viết (có 4 bài đăng báo Văn nghệ, Thời báo VHNT, Nghệ An Cuối tuần và tạp chí Sông Lam). Phần “tọa đàm” rất sôi nổi, chân tình qua ý kiến phát biểu của đồng đội, bạn hữu và các nhà văn tham dự sự kiện (Lê Phương Liên, Nguyên An, Mai Nam Thắng). Trong ý kiến phát biểu của mình, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhấn mạnh đến công lao của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là Giám đốc - Tổng biên tập Khúc Thị Hoa Phượng, đã đồng hành, đồng tâm, hiệp lực làm “bà đỡ mát tay” cho “đứa con tinh thần” của nhà văn Võ Minh ra đời - tiểu thuyết “Lốc xoáy”. Ông chia sẻ: “Người ta nói đằng sau một người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ. Nhưng với sự ra đời của “Lốc xoáy”, có thể nói, đằng sau nhà văn Võ Minh có hai người phụ nữ - người vợ đảm lược và Giám đốc Khúc Thị Hoa Phượng tràn trề tinh thần đổi mới và sáng tạo”.


Các tập sách của nhà văn Võ Minh.

Năm 2020, cựu chiến binh - thương binh nặng anh Võ Minh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là vinh dự đồng thời là trách nhiệm cao của người cầm bút phụng sự lý tưởng “chân - thiện - mỹ”. Rõ ràng quỹ thời gian của nhà văn Võ Minh không còn dư dả, nên anh đang nỗ lực hết sức mình để vượt khó trong đời sống và trong lao động nghề văn. Nhà văn Võ Minh vẫn còn nung nấu ý tưởng viết tiếp như là cách trả món nợ tinh thần với đồng đội đã không trở về sau chiến tranh, cũng là cách tri ân với đời, với người./.

 Hà Nội, tháng 7-2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm