TIN TỨC

Một chút tâm tình, suy nghĩ về thơ Phù Sa Lộc.

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-11-28 16:16:17
mail facebook google pos stwis
1031 lượt xem

Bảo Bình

“Nghệ thuật chỉ làm nên vần thơ, trái tim làm nên thi sĩ” (André Chenien)

Thơ là gì? Có bao định nghĩa về thơ? Tôi thực sự cũng không rõ lắm. Chỉ biết rằng, tôi yêu thơ. Yêu những vi diệu, biến hoá của câu từ, yêu những âm điệu rung cảm sâu lắng, yêu những cái đẹp, cái hay, cái tinh tế mà thơ đã chắt lọc, kết tinh. Cả những phổ quát về nhân sinh, tình yêu, lý tưởng… Thơ như người bạn tâm giao, ôm ấp, tâm tình và xoa dịu tôi trên mọi cuộc hành trình.

Nhà thơ Phù Sa Lộc

Rồi tôi thuộc lòng những câu thơ yêu thích, cùng tên tác giả. Phù Sa Lộc, một trong những cái tên mà tôi chẳng thể quên. Phù Sa Lộc - cái tên đã vang xa trên thi đàn từ thập niên 80, 90 - cái tên mà tôi đã thân quen từ những ngày ôm cặp sách tới giảng đường. Cơ duyên cũng lạ lùng, giờ chúng tôi thành những người bạn, thường cùng nhau cà phê cuối tuần, cùng nhà thơ Trúc Linh Lan, Huỳnh Duy Lộc, nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết, Cao Thanh Mai, Thạch Sene, nhà báo Huỳnh Kim… một góc cà phê Bảo Tàng Cần Thơ trở thành điểm để thơ văn được hít thở, sinh tồn.

“Tôi nay về lại đồng bằng

Nơi con sông chảy như dòng thời gian…

Bao nhiêu nhung nhớ ân tình

Làm cay con mắt của mình, không hay!”

(Về lại với sông)

Một duy cảm, một ngậm ngùi, một tình yêu… Phù Sa Lộc đã nén lại thành thơ. Bằng sự rung cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, tác giả như mở toang lồng ngực của thi nhân giữa đất trời, sông nước đồng bằng. Nơi chất chứa ân tình như những dòng chảy miệt mài, son sắc và phù sa chẳng lúc nào vơi. Đất và người đồng bằng là vậy, yêu thương, cần mẫn và sống hết mình. Tôi nghĩ, tình yêu anh dành cho đồng bằng là chẳng thể đếm đong, tâm hồn anh đã thuộc về nơi này, anh tự gọi mình là Phù Sa Lộc, một cách để khẳng định trái tim và sự chọn lựa quê hương.

“Một mình tôi với tôi đây

Mấy trang báo đọc buồn đầy kín trang

Nắng chiều héo ngọn buồn sang

Lá cây ngọn cỏ võ vàng buồn dâng!”

(Buồn)

Trong mỗi người thơ, cái buồn luôn hiện diện, không giấu được, nó như là “nghiệp” vậy. Và, bằng cách nào đó, cái buồn buộc phải tuôn ra, để rồi lại lắp vào một nỗi buồn khác. Đau đáu, day dẳng, nhức nhối… thơ cứ vậy mà tràn ra.

Cảm hứng sáng tác, chất liệu và tâm thái sẽ làm nên những nhà thơ với phong cách riêng biệt. Trúc Linh Lan buồn cho số phận đa đoan người đàn bà cùng những thăng trầm, đổi thay cuộc sống. Huỳnh Duy Lộc buồn trước cái đẹp mong manh, dễ tàn, dễ mất… Phù Sa Lộc thì mang nỗi ngậm ngùi nhân tình thế sự, bên cạnh một tình yêu ngọt lành dành cho mảnh đất chín rồng. Thế cuộc đẩy đưa phải rời quê xa xứ, rồi neo đời mình, về lại đồng bằng trong tiếng thơ. Kiểu buồn trong thơ Phù Sa lộc cũng thuộc hàng “độc nhất vô nhị”, vừa rất Đời, vừa rất Tình, lại cũng rất chân phương.

“Muộn rồi em muộn chiều rồi

Muộn cây khép lá muộn trời nắng tan

Muộn đêm con phố đèn giăng

Muộn sao nở rộ muộn trăng ngủ rồi

Muộn em và muộn cả tôi

Bâng khuâng bốn bức tường vôi lặng thầm”

(Muộn)

Cái “muộn” lặng thầm như đêm vắng, buồn tênh và khắc khoải. Cái “muộn” không khó để bắt gặp ở kiếp người. Kiểu lỡ chuyến đò, kiểu xuống nhầm ga, kiểu “Ráng đỏ chiều bay chân trời triều gió” (Bùi Giáng)… vừa đẹp,vừa hụt hẫng, xót xa vừa tróng hoác. Cái “muộn” được tác giả thể hiện bằng giọng điệu trữ tình trang nhã, ý vị và không kém phần sắc sảo.

Trong tâm thức mỗi con người, những khắc khoải, dỡ dang, tiếc nhớ… như càng quặn thắt, diết da hơn mỗi độ mưa về. Giọt mưa như giọt nhớ, đến rồi đi, rồi lại trở về, nhẹ nhàng mà cứa vào tâm tư ta nỗi xót xa, mờ mịt.

“Thôi rồi chân bước đã qua

Bên kia bờ nhớ xót xa bờ chờ

Miệt vườn cây trái mịt mờ

Mưa! Mưa! Mưa – nước mắt mùa nhớ nhau!”

(Qua cầu)

Với thủ pháp độc thoại, nhà thơ đã đẩy ngôn ngữ nội tâm từ trong sâu thẳm ẩn ức biểu đạt ra bên ngoài văn bản. Diễn tả tròn đầy một xúc cảm chân thành, tha thiết.

Về Bạc Liêu nhớ đến ai

Những đêm hiu hắt tàn cây phủ dài

Cả em và cả tôi gầy

Bóng nghiêng đường phố cho đầy bước chân

(Về Bạc Liêu)

Phù Sa Lộc sinh 1946, tên thật là Diệp Ngọc Sơn, cha mẹ anh là người Hoa di cư, đất Trà Vinh là nơi anh chào đời và Cần Thơ được anh chọn để làm nơi sinh sống.

Buồm từ biển bắc xuôi Nam Việt

Khách trú dừng chân lạ muỗi mòng

Miệt trên lục tỉnh ai danh liệt

Vạn dặm Phù Nam lúa mướt đồng

Đến đây châu thổ gây cơ nghiệp

Đất đãi niềm tin sức rất hồng

(Nam tiến hào ca)

Rồi từ đó, anh ngân thơ mình dọc theo nam kỳ lục tỉnh, mỗi nơi mỗi âm điệu, thâm tình, sâu lắng, luyến lưu và cũng đầy trăn trở:

“Đêm phương Nam nằm nghe gió lùa

Đêm phương Nam lắng tiếng mưa khua

Đêm phương Nam thức dòng sông chảy

Đêm phương Nam cá quẫy tư mùa”

(Đêm Phương Nam)

Phương Nam, đêm, với “gió lùa”, “mưa khua”, “sông chảy”, “cá quẫy”… ai đã từng sống nơi đây, sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị sông nước, cá tôm hoà với cây trái bốn mùa mưa nắng cùng những con người chân chất, nghĩa tình. Nhưng “mưa khua” nghe có gì hơi lạ? mưa rơi, mưa trút, mưa về… chẳng phải là thuận ý hơn sao? “mưa khua” nghe như ngỗn ngang tâm sự, lòng dạ rối bời; “cá quẫy” như có gì đó xáo trộn cõi sâu, tứ bề khắc khoải. Kiểu miêu tả vừa thực vừa gợi cảm làm nên một phương nam gian khổ, thương đau nhưng cũng vô cùng hiền hoà, sống động.

Hay nói về một mặt trái của xã hội, những phận đời. Cách mà Phù Sa Lộc đối diện cho ta một sự kính trọng về cái nhìn vị tha, sự đồng cảm chân thành ở anh:

“Đêm cuối năm những vì sao xanh xa vắng

Chỉ có mình em cùng ngọn chướng đang về”

(Thơ tặng một cô gái điếm)

Dù cuộc đời có vùi dập, dù phải bi ai giữa cơn sóng dữ, đàn bà miền tây vẫn đầy dũng khí. Xưa, trước kẻ thù họ vẫn hiên ngang, chết vẫn hiên ngang mà chết, vì mảnh đất họ đã khai khẩn, vì dân tộc mà họ đã thuỷ chung, nên “còn cái lai quần cũng đánh”(Nguyễn Thi). Và, người mẹ - người đàn bà - trong cảm quan của Phù Sa Lộc lại như cây đước cây tràm, nào có xá gì bão to hay sóng đập, người đàn bà ấy vẫn “chân cứng” hiên ngang góp sức mình bám đất giữ biên cương.

Mẹ giống như cây đước cây tràm

Chân bám trụ bên bờ biển lớn

Sóng cứ đập cứ nhồi theo bão

Mẹ yêu ơi chân cứng sóng mềm

(Mẹ)

Nay, trước đoạn trường dâu bể, họ vẫn kiên cường như Sen vậy, dẫu ngụp lặn giữa bùn nhơ thì vẫn ngoi lên toả hương điểm sắc cho đời. Tỉnh táo để thấy rằng, không cần phải rên la khi đau nhức, mọi vết thương đều có thuốc bôi lành. Đó cũng chính là tư tưởng nhân văn cao đẹp ở nhà thơ.

“Đứng trước cuộc đời – em đẹp lắm gương soi

Sự trong sạch của bùn nhơ đọng lắng

Sao sánh được những con người đê tiện

Nhỏ mọn như sâu mà lớn bóng trong đời.”

(Thơ tặng một cô gái điếm)

Đó chính là chân lý, chân lý về giá trị sống. Không quan trọng ta làm nghề gì? Ta đứng ở đâu? Quan trọng là ta đã sống để đem lại cái gì cho cuộc đời này. Cô gái điếm - một người không được chọn lựa bởi số phận - đã hết sức cố gắng để có thể nuôi dưỡng tốt đứa con mình sinh ra. Để có thể giúp đỡ cha mẹ già khốn khó. Để đối mặt và vượt qua “ngọn chướng” cuộc đời không kêu ca, vọng tưởng…“Em thanh khiết như hoa lài, hoa cúc/Nở ngát lòng tôi suốt cả bốn mùa” cô gái điếm ấy vẫn là “hoa lài”, “hoa cúc”, hơn hẳn bọn “Nhỏ mọn như sâu mà lớn bóng trong đời”. Thâm ý nhà thơ đã rõ, “lớn bóng” mà “như sâu” thì rõ là còn thua xa “một gái điếm” lành, giàu đức hy sinh. Lối so sánh tương phản, kiểu đòn bẫy làm bật lên một triết lý sống minh triết, dứt khoát và chân thành dành cho kiếp hồng nhan giữa cuộc bể dâu. Thấp thoáng tôi nghe vọng về tâm sự của nàng Kiều “Một mình cay đắng trăm đường/Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!” (Nguyễn Du) đắng đót, đớn đau và trần trụi. Gái điếm thời nay với nàng Kiều ngày ấy, suy cho cùng chẳng khác nhau là mấy, cũng vì đồng tiền bát gạo nó đẩy đưa thân phận đến khốn cùng.

Đồng bằng Nam bộ với các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… làm nên một đời sống văn hoá đa sắc màu, độc đáo. Đời sống lao động sản xuất cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Đời sống tinh thần phóng khoáng, bộc trực, hy sinh. Tất cả, quyện vào nhau, làm nên một đồng bằng trù phú, cuốn hút và say đắm.

Lâu rồi gắn với phố đông

Loanh quanh chạy vạy giữa dòng khói xe

Ngất ngây một tán cây che

Và sung sướng với tiếng ve lạc loài

(Miệt vườn)

Mảnh đất chín rồng này đã luôn là đề tài khai phá đầy hứng khởi của các văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật, từ thơ văn, hội hoạ đến điện ảnh, cải lương, vọng cổ… mảnh đất chữa lành những vết thương; cho nhau tình yêu, niềm tin và hy vọng.

“Đêm phương Nam mùi cầu vọng cổ

Mái dầm ai nhịp gõ be xuồng

Đêm phương Nam đèn chai bấy ngọn

Là nhớ thương mình một ánh trăng”

(Đêm Phương Nam)

Nếu nói đến “đờn ca tài tử” thì không đâu bằng Nam bộ, một lối chơi tao nhã, mê đắm lòng người, đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể. Mỗi khi chiều xuống, xong việc đồng áng, hay những đêm trăng sáng, trước hiên nhà, tiếng đờn lại réo rắt vang xa, rồi những câu hò, câu ca mùi mẫn được cất lên, ngọt ngào, da diết. Đã bao cô thôn nữ vì mê giọng ca tiếng đàn mà sẵn lòng theo về nâng khăn sửa túi cho những chàng lực điền có tài xuống câu vọng cổ. Vậy đấy, và nhà thơ của chúng ta cũng “một ánh trăng” của riêng mình nơi miền sông nước hữu tình này. Đất rừng phương nam trọng khí khinh tài là vậy, thuỷ chung son sắc là thế.

Rồi, Đồng Tháp với “bông súng cá kho”, Cần Thơ với “gạo trắng nước trong”, Hậu Giang với “cá lóc nướng trui”, hay muốn ngắm “cảnh đẹp người xinh” thì đến Vĩnh long, “Muốn ăn mắm sặc mắm linh” thì cứ thẳng hướng Châu Đốc, rồi “Ai về thẳng tới Năm Căn/Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu” (ca dao)… Đồng bằng Nam bộ đa dạng, trù phú, đủ cả sắc màu từ cảnh vật, cây trái, cá tôm đến con người hiền lương, chất phát, nghĩa tình.

Còn với Phù Sa Lộc, anh xuôi dòng, anh ngược hướng rong ruỗi đồng bằng trong bước chân thăm thú như một người tình. Yêu thích và mê đắm, rồi vọng vang tiếng thơ dìu dặt, lắng đọng tự cõi sâu hồn mình bằng sự tinh tế, khéo léo của dụng câu, dụng từ, dụng ý:

Khẽ khàng chạm một bàn tay

Uống thêm miếng nước dừa say suốt đời”

(Bến Tre - ngày tôi về)

Vậy đó, dừa đã làm nên một Bến Tre huyền thoại, kiên cường, hiển hách. Từ “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, “Dừa ơi!” của Lê Anh Xuân… đến “Bến Tre - ngày tôi về” của Phù Sa Lộc. Anh đến Bến Tre không để say rượu, chỉ say nước dừa, mà say suốt đời luôn chứ, chỉ bởi “chạm một bàn tay” rất “khẽ khàng”. Lối tả tình trong thơ Phù Sa Lộc rất đổi nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng cũng hết sức mượt mà, nồng ấm.

“Bạn gởi ta một chục chuột đồng

Đã làm sẵn. Chiều mưa dông tới

Vợ bắc chảo rồi đem lên rán

Cái mùi thơm… Thơm nức cả nhà!”

(Tình bạn)

Chuột đồng rán, thứ đặc sản miền tây ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được hương vị của nó. Những món ăn bình dân mà hảo hạng níu giữ chân người khi đến với vùng ruộng đồng bát ngát cánh cò bay. Thứ đặc sản kết chặt thêm tình bè bạn. Chỉ là những câu thơ tả thực, nhưng sống động và hàm ý sâu xa, cái thơm nức không chỉ “mùi chuột rán”, đó còn là “cái mùi thơm” của tình bạn giữa lúc “mưa dông”, khiến ấm lòng người mấy nỗi. Tả thực mà ẩn dụ, tưởng như đùa với chữ nhưng kỳ thực thi sĩ lại là đang lọc chữ, tạo nên cái hồn trong nét giản đơn.

Khu chợ rộn ràng dậy một mùi hương

Thơm lựng mũi sao cầm lòng được

Ăn tô bún nước lèo đậm đà vị mặn

Ngọt lòng tôi thế hở người dưng?

(Đến Trà Vinh gặp Sóc Trăng)

Sóc Trăng, nơi ai một lần ghé qua thì không thể không một lần thử “ăn tô bún nước lèo đậm đà vị mặn” để rồi vương vấn mãi. Phù Sa Lộc thì “ngọt lòng” với cả “người dưng”, thế mới thấy cái tài của thợ nấu. Cũng là cái tài của nhà thơ vậy.

Đã từng đến thăm chùa Dơi

Sao vẫn thích những đàn chim quần tụ

Trên ngọn sao cao ngọn dầu ồn ĩ

Mái chùa cong sư sãi áo vàng tươi

(Đến Trà Vinh gặp Sóc Trăng)

Chùa Dơi - một nét cổ kính với kiến trúc Khmer độc đáo - đến, và rời đi, không riêng nhà thơ, mà với bất cứ ai, sẽ mang theo về âm vang rộn ràng tiếng chim kêu. Sẽ vấn vương một không gian trầm mặc, sẽ u hoài với những bí ẩn về đàn dơi, những truyền thuyết ma mị. Cùng bóng mát từ những gốc cổ thụ sẽ dịu dàng ấp ôm ta. Cái tuyệt cảnh, cùng bao điều cuốn hút, thú vị ấy quyến luyến bước chân bao du khách, nói chi là thi sĩ? Phù Sa Lộc đã rất chỉnh chu trong cuộc du ngoạn thơ của chính mình, cách miêu tả sắc nét gợi hình lại tượng thanh làm nên một bức tranh sống động về cảnh sắc và con người nơi Chùa Dơi cổ kính.

Một lần nữa, đồng bằng đậm thêm vị, đậm thêm hương, đậm thêm tình… bởi những vần thơ của Phù Sa Lộc.

Ở đây tứ hải giai huynh đệ

Nửa nụ cười thôi tình cũng tràn

(Nam tiến hào ca)

Là người đồng bằng, tôi yêu và cảm kích những vần thơ của anh. Với chất giọng tự sự trầm tĩnh chen lẫn cái Tôi trữ tình mượt ấm, thơ Phù Sa Lộc ấn tượng người đọc bởi khả năng sử dụng từ ngữ giàu tính tạo hình, gợi cảm, kết cấu linh hoạt, cùng sự rung cảm mãnh liệt, cái nhìn sâu sắc về con người và cuộc sống. “Ngọn khói”, “Thơ tình tuổi bốn mươi”… đã không còn xa lạ với người yêu thơ. Trừ một vài bài còn mang tính dàn trãi, kể lể, nhìn chung cảm hứng thơ của tác giả như trái chín cây, vừa đủ tự nhiên, ngọt dịu cũng vừa đủ truyền cảm, thâm sâu mang tầm triết luận. Nói như Lê Đạt "Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn..." (Theo "Đối thoại với đời và thơ", NXB Trẻ, 2008, tr. 115).

Và cuối cùng, xin được mượn hai câu thơ của nhà thơ Phùng Hiệu để làm lời kết cho chút suy nghĩ về thơ Phù Sa Lộc trên bước đường tìm về đồng bằng trong tiếng thơ dìu dặt mà nặng tình của chính anh.

“Tôi nghĩ thế giới này có thể mất đi

Nhưng còn lại vần thơ nhân cách”

(Ngôn ngữ lên ngôi).

Cần Thơ, ngày 19 tháng 10 năm 2023

B.B

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người trẻ thử sức với phê bình
Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.
Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm