TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Trần Ngọc Phượng với câu chuyện kể cảm động về hai bài thơ được viết trên đường ra trận

Trần Ngọc Phượng với câu chuyện kể cảm động về hai bài thơ được viết trên đường ra trận

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-06-09 15:23:29
mail facebook google pos stwis
4239 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Nhà thơ, Cựu chiến binh Trần Ngọc Phượng sinh năm 1945 tại Sài Gòn, quê quán Nam Định. Trong kháng chiến chống Mỹ, anh là Đài trưởng Vô tuyến điện Đoàn 814 Cục hậu cần B2. Anh làm thơ từ rất sớm, ngay từ những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường. Nhiều bài thơ được viết trên đường hành quân và có liên quan đến những địa danh, những con người người của một thời đạn lửa. Trong số đó có bài thơ: Dốc Năm CuaNgã Ba Cây Cầy được rất nhiều đồng chí, đồng đội của anh biết đến. Thời gian cứ trôi đi cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, những chi phối của cuộc sống cá nhân tưởng những 2 bài thơ trên sẽ đi vào quên lãng. Nào ngờ, ngày họp mặt vào cuối tháng 4/2015, Trần Ngọc Phượng được chính người đồng đội của mình là Đỗ Thanh Hà trao lại bản chép tay bài thơ trên mà Trần Ngọc Phượng gửi anh của hơn 40 năm trước...

Sau ngày đất nước hòa bình, Trần Ngọc Phượng chuyển ngành về công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện anh đã về hưu, Hội viên Cựu Chiến Binh, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.


Nhà thơ Trần Ngọc Phượng và tác giả bài viết

Năm 1971, Đoàn 814 thuộc Cục Hậu cần B2 được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đoàn Hậu cần 81 và 84. Trần Ngọc Phượng là người chiến sĩ trực tiếp tham gia Đoàn 814. Anh đã đi qua những năm tháng gian lao của cuộc chiến lại là người chiến sĩ có tâm hồn thơ ca nên những điều gì xảy ra trên đường hành quân cũng đều để lại cho Trần Ngọc Phượng những rung cảm. Trong thời khắc khó khăn, ác liệt nhất ở chiến trường mà Trần Ngọc Phượng vẫn dành tình yêu với thơ ca, chép vội trên giấy pơ luya... để ghi lại cảm xúc của mình với những người đồng chí, đồng đội và cả với những điều anh chứng kiến trên đường hành quân. Điều ấy thật đáng trân quý biết nhường nào!

Trên đường hành quân, phải di chuyển đến nhiều nơi nên mọi khó khăn, thách thức đè nặng trên vai của người chiến sĩ. Đặc biệt là những năm tháng cuộc chiến tranh ở vào giai đoạn ác liệt nhất. Vậy mà Trần Ngọc Phượng vẫn âm thầm ghi chép, vẫn lặng lẽ làm thơ. Những nơi anh và đồng đội đã đi qua, những địa danh, tên đất, tên làng... đi vào thơ anh một cách tự nhiên, hồn hậu. Trong tất cả những nơi đã đi qua, có 2 địa danh được Trần Ngọc Phượng nhắc đến ở 2 bài thơ: Ngã ba Cây Cầy (1973), Dốc Năm Cua (1974) để ca ngợi các chiến sĩ vận tải. Ngã ba Cây Cầy, Dốc Năm Cua là những điểm mốc quan trọng mà bất cứ người chiến sĩ nào đi qua cũng đều ấn tượng và không thể nào quên. Hai bài thơ này đã trở thành dấu mốc quan trọng và có nhiều điều đặc biệt hơn so với những bài thơ khác sáng tác trong thời điểm này. Người chiến sĩ Trần Ngọc Phượng đã trực tiếp ghi lại những cảm xúc của mình với những người đồng đội, chiến sĩ đã đi qua trên những những cung đường đầy hiểm nguy ấy.

Trần Ngọc Phượng bồi hồi nhớ lại: “Khi viết xong Ngã ba Cây Cầy Dốc Năm Cua tôi gửi ngay bản chép tay cho bạn mình là Đỗ Thanh Hà (lúc đó là nhân viên quân giới ở Đoàn bộ) để góp ý, sửa chữa và đăng báo tường. Liền sau đó là cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bận rộn với công việc nên tôi cũng quên đi. Mấy chục năm sau khi về hưu, tình cờ gặp lại anh Hà đã trao lại cho tôi bản chép tay ngày xưa mà tôi gửi anh sửa chữa, góp ý để đăng báo tường. Tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào không ngăn được nước mắt khi nhận lại tờ giấy pơ luya chép tay thơ đã mấy mươi năm mà anh Hà vẫn còn giữ để trao tận tay cho mình”. Niềm vui vỡ òa cùng với đó là những kỷ niệm một thời đạn lửa, nhọc nhằn ùa về. Tôi đem về và vội đánh máy gửi 2 bài thơ trên để gửi đăng báo. May mắn thay cả hai bài Ngã ba Cây CầyDốc Năm Cua được đăng trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói ở đây là 2 địa danh trên là do chính những người chiến sĩ đi qua cung đường này và tự đặt. Và trong số đó có người đã hy sinh, số còn lại có người không còn biết cụ thể 2 địa danh đó giờ nằm ở vị trí nào bởi thời gian và sự thay đổi... May thay, khi đọc được 2 bài thơ này đăng báo, những người đồng chí, đồng đội của Trần Ngọc Phượng đã cung cấp thêm tư liệu và thông tin cụ thể về 2 địa danh trên. Vẫn còn những nhân chứng sống, biết và kể chi tiết về Ngã ba Cây Cầy và Dốc Năm Cua. Nhờ thế, mà việc tìm hài cốt đồng chí, đồng đội cũng có phần thuận lợi hơn.

Dốc Năm Cua Ngã ba Cây Cầy đã trở thành dấu mốc quan trọng trong những năm chiến tranh và cả trong những năm tháng hòa bình. Nhiều đồng chí, đồng đội của anh đã qua đây có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Để rồi, sau ngày đất nước hòa bình người ta đã về lại những nơi này để tìm/ lấy hài cốt những liệt sĩ đã hy sinh.

Dốc Năm Cua nằm trên cung đường qua lộ Trần Lệ Xuân, ngầm Mã Đà, sân bay Rang Rang (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) xuống sông Đồng Nai. Dốc này rất cao, có nhiều khúc cua gắt, anh em gọi là Dốc Năm Cua. Anh Đinh Văn Long, lái xe của Đại đội vận tải V21 (Đoàn 814) kể rằng: “Anh em dùng xe REO của Mỹ. Xe cũ, phanh hỏng. Mỗi lần lên dốc phải gài số 1, thả tời buộc vào gốc cây cho xe bò lên từng đoạn. Mùa mưa đường trơn, nhiều lúc xuống dốc xe trôi tự do, nhiều lần lật xe. Không những thế còn thường xuyên bị địch thả pháo sáng, ném bom và tập kích bằng pháo bầy. Nhiều anh em đã hy sinh ở đây”.

Còn Ngã ba Cây Cầy nằm ở Cánh 1 phục vụ các đơn vị thuộc khu vực Thủ Dầu Một. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Đại đội V21 chở hàng từ Bình Cơ (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) xuống Phước Vĩnh (nay là thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) để phục vụ cho Sư đoàn 7 đánh Chơn Thành, Hớn Quản (nay thuộc tỉnh Bình Phước), lập nên những chiến công vang dội, được báo chí ca ngợi, nêu kỷ lục 150 này đêm chốt chặn bám trụ kiên cường trên đường 13.

Anh Đặng Đường, nguyên Trợ lý Tiểu đoàn 6 (Đoàn 814) kể một cách rành mạch chuyện tìm mộ liệt sĩ ở Ngã ba Cây Cầy: “Tháng 9/1974, có 6 anh em của Tiểu đoàn 6 và 2 lái xe của Đại đội V21 vận chuyển hàng trên chiếc xe GMC đã hy sinh ở đây khi trúng mìn của địch. Chính tôi và một số anh em đồng đội khác đã chôn cất các anh em vừa hy sinh tại Ngã ba này (nằm trên địa phận xã Tân Lập, huyện Phú Giáo, Bình Dương)”. Chiến tranh kết thúc, cảnh vật nơi đây đã thay đổi. Ngã ba Cây Cầy giờ đây đã không còn vết tích, thay vào đó là rừng cao su bạt ngàn. Thế nhưng anh Chính, một cựu chiến binh ở địa phương vẫn còn nhớ và dẫn mọi người đến bãi cỏ, chỉ chính xác nơi chôn cất các anh em. Và địa phương đã khai quật đưa hài cốt các chiến sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Xoài. 4/8 người đã có bia ghi tên họ, còn 4 người chưa xác định được tên. Anh Đường nói thêm: “Đêm đó, chúng tôi an táng các anh trong ánh pháo sáng cầm canh của địch nên không bỏ được lọ penicillin ghi tên tuổi, đơn vị, quê quán”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hân, nhân viên quân nhu Đoàn 814 ở Cánh 1 cho biết: “Cũng tại nơi này, chiếc xe chở gạo và anh chị em về họp chi bộ cũng bị địch phục kích bắn cháy. Nhiều anh chị em trên xe đã hy sinh...”.

Sau hơn 40 năm, qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử, của bản thân nhưng Trần Ngọc Phượng vẫn còn may mắn nhận lại được bản chép tay thơ trên giấy pơ luya viết vội của chính mình từ người đồng đội Đỗ Thanh Hà. Kỷ vật tinh thần mà anh cố gìn giữ cẩn thận cho đến ngày hôm nay.

Cầm trên tay bài thơ anh chép trên giấy đã ngã màu thời gian mới thấy được tình yêu thơ và sự trân quý đặc biệt của người chiến sĩ Trần Ngọc Phượng dành cho bạn bè, đồng chí, đồng đội của mình. Càng đáng quý hơn nữa là người đồng đội Đỗ Thanh Hà vẫn gìn giữ cẩn thận bài thơ chép tay của bạn trong mấy mươi năm và trao lại tận tay cho chính tác giả.

Nhà thơ nhận ra cái chân lý sâu xa trong những điều giản đơn, bình dị, gần gũi, ấm áp, nghĩa tình từ cuộc sống bằng cảm quan riêng của người giàu sự trải nghiệm.

Giờ đây, sau gần 50 năm đất nước hòa bình, những người may mắn như Trần Ngọc Phượng vẫn còn sống đó là điều vô cùng hạnh phúc. Ngày họp mặt Sư đoàn, bao ký ức thuở nào lại ùa về, nhà thơ Trần Ngọc Phượng hồi tưởng: Hồi ấy lính tụi mình trẻ lắm/ Vượt Trường Sơn sốt rét xanh rờn/ Vào sư đoàn mang tên lạ lẫm/ Công trường 5, đất đỏ miền Đông// Núi Mây Tàu lá reo suối hát/ Buổi xuất quân đánh Võ Đắc, Ông Đồn/ Đêm rừng Lá nghe chân voi rậm rịch/ Tiếng pháo bầy, bom tọa độ nổ dồn// Ngày giặc càn đói quay đói quắt/ Hái măng le, đào củ chụp thay cơm/ Bên miệng hầm võng mắc chung một cọc/ Điếu thuốc rê chia nhau hút xoay vòng// Rồi đến trận Long Tân, Núi Đất/ Đường trượt trơn úp lật bàn chân/ Tiểu đoàn mình vơi đi gần hết/ Xác đến nay đồng đội vẫn đang tìm.

Những năm tháng gian lao mà hào hùng ấy đã trở thành niềm tin yêu bất diệt cho những người may mắn còn sống đến hôm nay. Anh trân trọng, kính phục và dành tình yêu thương vô hạn với những người đã khuất.

Trần Ngọc Phượng không giấu nổi những cảm xúc nghẹn ngào khi nghĩ về những người đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống ở khắp các chiến trường. Sau mấy mươi năm đất nước hòa bình nhưng có người đến hiện tại vẫn chưa tìm được hài cốt. Đó cũng chính là nỗi đau đến khôn cùng của những ruột thịt và cả những người đồng chí, đồng đội như anh.

Sau ngày đất nước hòa bình, dù bận nhiều công việc nhưng Trần Ngọc Phượng vẫn dành thời gian để làm thơ, viết văn. Anh xem đó như là thú vui tao nhã, là sự tri ân với bạn bè, đồng chí, đồng đội một thời khói lửa... Và nhất là từ lúc nghỉ hưu đến giờ, Trần Ngọc Phượng có nhiều thời gian hơn để anh ngẫm ngợi, suy tư và cho ra đời những tác phẩm mới. Trần Ngọc Phượng có dịp thủ thỉ, tâm tình, chuyện trò, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của lòng mình, thế hệ mình về một thời đã qua và cả những điều đáng nói hôm nay.

Năm tháng cứ trôi đi, năm tháng khác lại về; những ngày tháng cũ và cả những tháng năm của hiện tại, của tương lai... có điều gì đó giăng mắc, có điều gì đó làm cho Trần Ngọc Phượng rưng rưng:

Tháng Bảy/ Tri ân/ Những người đã mất/ Nhớ bạn xưa/ Đói rừng quay quắt/ Mâm cỗ cao đầy/ Gọi nhau về họp mặt/ Những linh hồn/ Uẩn khuất bốn phương/ Hãy về đây/ Phán xét/ Bao dung (Tháng Bảy).

Điều đặc biệt ở Trần Ngọc Phượng là anh làm thơ từ những năm tháng tuổi trẻ, ấn tượng và đáng trân trọng là anh ghi lại trực tiếp những cảm xúc, suy ngẫm thành thực ngay ở chiến trường. Nhưng mãi đến lúc nghỉ hưu, Trần Ngọc Phượng mới chính thức công bố các sáng tác của mình.

Cho đến thời điểm này, Trần Ngọc Phượng đã in 5 tập thơ (Vầng trăng ký ức, Nắng và Gió, Hồn tóc, Tiếng vọng, Sóng đời) và 1 tập Ký - Tản văn (Tìm dấu chân xưa).

Xin giới thiệu 2 bài thơ Ngã ba Cây CầyDốc Năm Cua được Trần Ngọc Phượng viết vào năm 1973, 1974.
 

Ngã ba Cây Cầy

Tặng đồng đội  Đoàn vận tải 814
 

Đường phía trước qua ngã ba này

Cứ yên tâm có cây cầy chỉ lối

Cành tán xòe như bàn tay vẫy gọi

Lòng bồi hồi nghe tiếng lá reo

 

Vào chiến dịch quân nối theo nhau

Đường vận chuyển ầm ầm thác đổ

Cái ngã ba là nơi gặp gỡ

Những bàn chân mang bụi đất trăm miền

 

Đã bao lần xe ta vượt lên

Nơi trọng điểm pháo bầy bom giội

Thương thân cây máu tuôn nhựa xối

Vẫn hiên ngang đứng vững giữa trời

 

Bao buồn vui trên chặng đường dài

Ta lấy nơi đây làm điểm mốc

Bao nét mặt lầm lỳ gan góc

Sáng bừng lên trong chớp lửa chập chờn

 

Dù nơi đây cây cỏ chẳng còn

Cái ngã ba không bao giờ đổi hướng

Khi tim ta đỏ hồng máu nóng

Lửa chiến công giục giã vòng quay

 

Đêm tiền phương lấp lánh sao mai

Có phải mắt em nhìn anh đấy

Cả hậu phương dồn trong tay lái

Anh sẽ đi tới đích đưa hàng

 

Qua đây rồi thấy đất mở mênh mông

Hạnh phúc em ơi! Ta đã thắng

Từ ngã ba đầu làng em đưa tiễn

Anh đã đi giữ trọn niềm tin

 

Anh đã cùng đất nước đi lên

Trong cuộc đời có trăm ngàn bước ngoặt

Em biết không? Mùa xuân đang hát

Từ ngã ba này đi tới tương lai.

1973

 

Dốc Năm Cua

Tặng anh em Đồng đội Đại đội vận tải Đoàn 814 - B2
 

Nào xong chưa

Ta vượt Dốc Năm Cua

Hơi thuốc cuối sáng mặt

người bình thản

dốc dựng đứng 

che vầng trăng sáng

Xe ta vào khoảng tối đêm trăng

Hồi hộp rồi sẽ qua nhanh

Đừng ngợp mắt

trước độ cao chót vót

Khi xe vào cua một

Máy reo ta hiểu sức mình hơn

 

Mới cua đầu mà sao chênh vênh

Xe mấy lần leo lên trượt xuống

Ánh đèn quét

trên vũng lầy loang loáng

Vết xe ai tụt dốc còn hằn

 

Cua Hai chẳng kém gian nan

Nhưng quen rồi

sẽ không khó nữa

Bàn tay anh lái xe như múa

Qua khung sàng

nhảy nhót những hạt sao

Có gì yên đâu?

Cái yên tĩnh trong nhịp tim ta đó

 

Khi xe nghiêng qua miệng

hố bom nham nhở

Khoảng cách hai vực sâu

là sự sống con đường

Từ trong đêm mênh mông

Thơ bật sáng trăm ngàn ý đẹp

 

Còn anh lái xe

Chỉ nhìn lên phía trước

 

Nơi những bánh xe

tự tin gan góc

Đang lăn qua điểm

chạm chí anh hùng

Trên đỉnh đầu

thoáng ánh trăng soi

 

Qua Cua Ba rồi

xin đừng sốt ruột

Cơn gió lạnh kéo dài đỉnh dốc

Tỉnh táo xe ơi!

Từng nấc bám dần lên

 

Cua Bốn, Cua Năm

Vòng ngoặt sát liền

Nhớ chỗ này, tăng ga sang số

Xe chồm lên dập dồn hơi thở

Như tung mình

                     trong tư thế xung phong

 

Chỉ chút nữa thôi

Niềm vui như ánh trăng rực rỡ

Sẽ ùa ra từ ánh mắt thâm quầng

 

Đất quê ta đèo dốc chon von

Đường phía trước

                  bom cầy đạn cấy

Cánh hậu cần xòe ra rộng mãi

Từ con đường vận chuyển

                             Dốc Năm Cua

                                 11/ 1974

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm