TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Chất lý trí sắc sảo, chất tâm hồn đậm đà trong các tác phẩm báo chí của một Nhà báo, Luật gia

Chất lý trí sắc sảo, chất tâm hồn đậm đà trong các tác phẩm báo chí của một Nhà báo, Luật gia

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-06-13 12:31:05
mail facebook google pos stwis
736 lượt xem

Th.S. nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH MINH

Luật gia, nhà báo Nguyễn Văn Mạnh đã  gắn cả đời mình với làm báo viết, đi qua các thời kỳ bao cấp rồi đổi mới… Chịu áp lực của hoàn cảnh riêng và chung của những quy phạm nghề làm báo ngặt nghèo, nhưng Nguyễn Văn Mạnh đã vượt mình, anh không chỉ dừng ở vai trò như một phóng viên viết tin bài đơn thuần; ngược lại anh đã tạo lập nên không ít tác phẩm phóng sự và bút ký báo chí ấn tượng, nó có đặc điểm khá gần với bút ký văn học; và khi đọc nó lên hình ảnh chân dung cuộc sống, con người dưới ngòi bút của tác giả được tái hiện sinh động gắn với những tư tưởng mà tác giả muốn phản ánh.

Nguyễn Văn Mạnh viết gì?

Tiếp cận với các bài viết của anh từ vài chục năm nay và những bài gom lại trong tập sách “Theo dấu chân cuộc sống” Có thể nhận diện ngay một chủ đề quan trọng mang phẩm chất của một nhà báo đầy năng lực, đó là phản ánh những sự thật trần trụi của cuộc sống bằng cách riêng khá rõ. Điểm nhìn khám phá của tác giả rất chọn lọc, anh không tham đề tài mà luôn trọng việc chọn lọc khai thác đề tài để tạo dựng một mảng hiện thực nóng bỏng hoặc khuất lấp và gửi vào đó một thông điệp cuộc sống. Nó có thể là cuộc chiến cam go của các lực lượng chức năng với hoạt động buôn lậu “Nóng bỏng “Cuộc chiến thuốc lá lậu”; có lúc anh đồng hành lặng lẽ cùng ngòi bút để soi tìm và phơi bày cả sự thật ẩn núp trong cái “Thiên đường cờ bạc”… để rồi khi vấn đề vỡ ra người đọc thấy được những hiểm nguy, sự dũng cảm của các lực lượng chức năng đối mặt với nạn buôn lậu. Đồng thời, dựng được cả một thế giới ăn chơi sa đọa với thói lọc lừa, xảo trá… như những chiếc “bẫy mật” tha hóa nhiều nhân phẩm và nhấn chìm nhiều số phận. Cũng với “vỉa” đề tài này, nhiều lúc dường như thấy tác giả nghiêm lạnh phân tích những hiện tượng đời sống để tìm ra cái căn nguyên vì sao việc quy hoạch khu dân cứ Rạch Miếu ở quận Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh không được ủng hộ từ lòng dân. Có lúc, anh chia sẻ thương cảm nhưng cũng rất sáng rõ trong thông điệp cảnh báo cách tìm con đường sống bất hợp pháp khi viết về số phận người Việt trong trại thu dung lao động bất hợp pháp người nước ngoài ở Đài Loan. Cũng với cách thức thâm nhập vào đời sống như vậy, tác giả khi thì hòa vào cơn “sốt chung cư cũ”, khi lại nhẩn nha tìm chuyện bên lề sân quần vợt hay soi tìm góc tối các vũ trường để tố lên cái hiện thực bi hài của một bộ phận người trong xã hội với cách làm ăn luồn lách, mập mờ… thời kinh tế thị trường đang góp phần làm băng hoại nền văn hóa dân tộc và chính họ cùng nhân viên của mình trong ấy cũng tự chuốc lấy những thảm cảnh bi kịch…

Số lượng những bài viết về mảng đề tài này ở Nguyễn văn Mạnh rất lớn và khó thống kê hết số bài anh viết vì anh là nhà báo và sứ mệnh anh được trao chính là viết về sự thật này. Khái lược một vài ý như vậy để thấy được sự nhạy cảm tinh tế cũng như cái “dũng” của một nhà báo như anh bằng tài năng nghiệp vụ đã dám đến với hiện thực, nói tiếng nói hiện thực bằng lương tâm và chính kiến của mình.

Điều trân quý là ngòi bút của Nguyễn văn Mạnh là khi dùng ngòi bút phản ánh sự thật thì anh dành trọng số cho việc viết những nội dung về thân phận con người. Ta cảm nhận thấy tác giả luôn đứng về “phe nước mắt” để bênh vực người yếu thế và chống lại bất công, cái ác, thói gian tham… Ở đây có thể nói đến chùm bài viết về thân phận những cô gái Việt lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc: “ Chuyện đời cô dâu Việt ở xứ Đài”,“ Những điều trông thấy ở trại thu dung Tam Hiệp – Đài Loan”... Ở những phóng sự này, ngòi bút sắc sảo của anh tái hiện được những số phận bi đát của nhiều cô dâu lấy chống ngoại quốc, nhưng đổ vỡ trong tâm hồn họ khi sống trong sự thật đầy bi kịch nơi miền đất hứa mà họ mộng ảo về nó một thời. Ngay trên đất Việt, khi mà mặt trái của cơ chế thị trường tác động nhiều số phận cũng nổi nênh bi đát. Những bút ký của tác giả có dấu ấn gần gũi như những câu chuyện kể mà khi đọc và ngẫm thấy xót lòng: “Vất vưởng thợ may công nghiệp”, “Nài ngựa, sinh nghề tử nghiệp”, “Thương lắm tóc dài ơi”… Những bức chân dung về con người thời mở cửa cũng được phản ánh sinh động ( Ông “vua” khoai mì, “Nữ chúa” đảo hoang, Săn hung thần biển cả) hay “Người gieo chữ ở Trường sa”… Họ là những con người vượt khó, dũng cảm trong lao động, trong đấu tranh với tự nhiên nhưng hào hiệp, nghĩa khí, trái tim tràn ngập yêu thương, họ sống vì mình đồng thời vì đồng loại vì xã hội. Câu chuyện về họ được thuật, kể bằng ngôn ngữ đại chúng nhưng lại khá giàu màu sắc văn chương.

Nguyễn Văn Mạnh, đi nhiều viết nhiều, trong số những sản phẩm báo chí anh gom lại được có một mảng đề tài về quê hương, đất nước, bè bạn… Đọc những bài này, cái sắc lạnh phê phán, những hiện thực trần trụi của đời sống dường như mờ chìm đi khá nhiều thay vào đó là những trang viết đằm thắm yêu thương. Có lẽ đây cũng là một khía cạnh khác góp phần tạo nên giọng điệu đa thanh trong phong cách viết của anh. Hình ảnh quê hương làng xóm (Về lại quê hương), tình cố nhân với nhiều vui buồn hoài niệm (Bạn học ngày ấy – bây giờ). Trong nhiều trạng huống khác anh đắm mình với cảnh sắc thiên nhiên hay thăng hoa với âm thanh rộn rã của cuộc sống (Một thoáng Sa Pa), có lúc chùng xuống nao lòng đầy tâm sự với nỗi niềm con người giữ khoảng không gian thời gian điển hình cho tâm trạng nhớ thương (Bất ngờ chiều giáp tết)… Trong trường khúc viết về quê hương đất nước ấy có những bài báo ấn tượng và mang tầm tư tưởng chiến đấu cao, dù sự kiện trong bài không nhiều ví như “Trường sa”; ở đây thông qua tường thuật một cảnh sinh hoạt của các chiến sỹ trên biển, nhưng giữa trùng khơi lại gợi lên những  xúc cảm xót thương căm giận bọn xâm lược… nhưng cũng rất đỗi tự hào về những người đồng chí đã quyết tử khẳng định chủ quyền dân tộc năm nào…

Những tác phẩm báo chí của anh viết theo hướng này rất gần gũi với văn học, chất văn khá rõ, bởi vậy người ta có thể nhìn thấy từ các con chữ tiếng vọng tâm hồn của một nhà báo.

Đọc tập sách của anh ta dễ hình dung ra con người Nguyễn Văn Mạnh,  anh hăm hở đi, hăm hở viết với dấu ấn nhiều vùng miền đất nước và nước ngoài. Hình như mỗi địa danh anh đến đều có một tác phẩm. Từ quê cha đất tổ của anh, đến Trường Sa, Tây Bắc, Tây Nguyên đến các nước Lào, Thái Lan, Singapo… Cái khác biệt trong những tác phẩm báo chí này của Nguyễn Văn Mạnh nó biểu hiện ở chỗ không chỉ dừng ở bên ngoài như sự miêu tả phản ánh đơn thuần, nó có chiều sâu không gian nhiều lớp và có cả những vùng tối cũng lộ diện trước ánh sáng khám phá của ngòi bút. Có thể minh chứng điều này qua các tác phẩm “ Thâm nhập thiên đường cờ bạc”,  “Góc khuất đêm Sài Gòn”, “ Xóm vé số”…

Sứ mệnh của anh nhà báo là dùng đủ mọi thứ giác quan để chứng kiến sự thật và rồi dùng kỹ thuật, kỹ năng cả cảm xúc nữa và bằng ngôn từ để hình thành một bức “chân dung cuộc sống” thật sống động mà độ trung thực lại phải cao. Cái khó của người làm báo chính là ở chỗ không được hư cấu, câu từ dùng phải giảm thiểu tối đa lớp nghĩa văn chương; ngôn ngữ cơ bản của một tác phẩm báo chí mà nhà báo sử dụng là ngôn ngữ phổ thông, trong sáng, hầu hết chỉ mang một lớp nghĩa cho tất cả người đọc ở mọi trình độ đều nhận biết được. Đứng trước áp lực về tính tư tưởng và phong cách báo chí mang tính quy ước như một mặc định, Nguyễn Văn Mạnh đã khéo léo hòa hợp được chất báo chí với chất văn chương làm cho bài báo của anh đọc lên không phải khô khan sắc lạnh mà từ đó còn thấm đẫm chất tình…

Trong cuốn sách này có lẽ Nguyễn Văn Mạnh muốn gom lại vốn gia tài báo chí của mình với những bài viết mà anh tâm đắc đã được in trên rất nhiều báo chí: Bảo vệ pháp luật, Văn hóa doanh nghiệp, Quân khu Bảy, Sài Gòn giải phóng, Nhân đạo & Đời sống, Tác phẩm mới, Giáo dục & Đời sống…tất nhiên có rất nhiều bài báo anh không thể lưu giữ được vì thời gian đi và viết của anh dài tới mấy chục năm, đặc biệt những bài anh viết ở thời kỳ công nghệ số còn chưa xuất hiện. Mặc dầu vậy với vốn gia tài hiển thị trong cuốn sách này ta cũng đủ thấy được chân dung một nhà báo có tâm có tầm luôn hướng ngòi bút của mình cho cái thiện cái đẹp, cho nhân dân, đất nước và vì sự tiến bộ.

N.Đ.M

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm