TIN TỨC

Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
465 lượt xem

Cao Thị Hồng

1. Lời dẫn

Không phải ngẫu nhiên khi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật của Văn Cao (1923 – 1995), Tạ Tỵ (1921-2004) phát hiện: “Trong nỗi bơ vơ của kiếp người, lớn lên với bao nhiêu cực nhọc, chịu thiếu thốn thường xuyên về cơm ăn, áo mặc, Văn Cao mong vượt thoát bằng sự ước mơ, bằng trở lui về quá khứ thơ mộng, bằng đam mê với suy tư trong ảo ảnh xa lìa. Văn Cao muốn tự giải thoát bằng sáng tác” (1). Nhận định trên của Tạ Tỵ đã khẳng định yếu tố quan trọng nhất để làm nên Văn Cao – một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất của tân nhạc Việt Nam, đồng thời là một họa sĩ, thi sĩ tài hoa của dân tộc đó là bản lĩnh vượt lên mọi giới hạn, mọi rào cản của thực tại khách quan để khẳng định nhân vị nghệ sĩ, để sáng tạo những tác phẩm văn nghệ đích thực, mang giá trị sâu sắc dâng tặng cuộc đời. Bên cạnh âm nhạc, hội họa, Văn Cao đã để lại cho đời sau những áng thi ca độc đáo. Những vần thơ cất lên từ trái tim chưa bao giờ yên ổn vì tình yêu thương con người của Văn Cao như một bản giao hưởng nhiều nốt lặng, trầm buồn, vang ngân xuyên thấu thời gian, khởi lên trong tâm thức bạn đọc những tái tê, da diết sẻ chia… Song, trên tất cả, đó chính là khát vọng, sự trăn trở của thi nhân về sự tồn tại Người – một giá trị nhân bản độc đáo của thơ Văn Cao mà thiết nghĩ cần được luận giải với một tinh thần khách quan, khoa học để tiếp tục góp phần khám phá và khẳng định những đóng góp của Văn Cao cho văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Nhà thơ Văn Cao


2. Nội dung

Tư duy của nhân loại tiến bộ đã khẳng định thế giới này chỉ có thể tồn tại nếu mỗi cá nhân đều được tôn trọng, được sống, được trải nghiệm, suy tư về cuộc đời. Thế giới của một người chỉ có thể tồn tại nếu bản thân anh ta tồn tại. Chính những suy nghĩ, nhận biết, khám phá về thế giới sẽ làm nên thế giới của “con người bên trong con người” của mỗi cá nhân. Trong văn học nói chung và thi ca nói riêng, con người được ý thức trên cấp độ cá thể, con người tự nhận ra, cảm thấy mình qua những thể nghiệm của mình trong cuộc sống và con người được hiện ra trước hết như một tồn tại. Sự tồn tại ấy chỉ được nhận ra bằng trạng thái phi lý tính của con người, tức là thông qua những thể nghiệm nội tâm: buồn khổ, đau đớn, lo âu, hoang mang, mà thậm chí nói như Sartre: “Tôi kinh hãi là tôi tồn tại”. Theo các nhà khoa học hiện sinh, sự kinh hãi xã hội xuất hiện “như một cấp độ đầy ắp của sự phát triển tinh thần, để bảo vệ thế giới tinh thần con người khỏi bị phá huỷ, và mặt khác, điều tiết sự phát triển từng hình thức tinh thần riêng biệt, dường như bắt nó tự soi mình vào tấm gương của trạng thái tràn đầy của chính mình” (2). Như vậy, đồng thời, khi con người ở trạng thái kinh hoàng là thấy mình không an toàn, là nỗi niềm của kẻ lưu đày, cô đơn, bị ruồng bỏ.  

Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?

Thật vậy, cuộc đời Văn Cao gắn bó cùng dân tộc trong giai đoạn lịch sử đất nước khi nô lệ, lầm than, lúc chiến tranh khốc liệt. Do đó cũng như nhiều người cùng thời, Văn Cao nếm trải sự khắc nghiệt của cuộc sống “giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy (…)/ Đêm đêm, dài canh tan tác/ Bốn vực nhạc động, vẫy người/ Giãy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời/ Ta về gác chiếu chăn gào tự tử (Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc); hoặc: Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non/ Mất chim mất bướm mất chân trời/ Lòng không biết nghĩ điều gì/ Như con sơn ca bị bẫy/ Thấy mắt lưới sáng nào cũng nhảy/ Đâm lên khoảng không giữa tỉnh/ Tháp chuông nhà thờ/ An ủi những người khổ sở/ Chung quanh hỏa lò trại lính/ Cha tôi nghe tiếng chuông đổ đầu tiên/ Giữa buổi chiều không cơm cháo/ Bàn tay mẹ tôi quờ trong thạp gạo…” Trong tâm thức của mình, Văn Cao thấm thía nỗi đớn đau của con người sống trong thời loạn, đổ vỡ hy vọng, đói nghèo túng quẫn phải vật lộn mưu sinh, hoang mang, mất phương hướng, thậm chí là nỗi cô đơn đến cực điểm của thân phận nghệ sĩ “bị chối bỏ” trong những biến động của thời cuộc. Phải chăng, đó là cơ sở để bạn đọc có thể “giải mã” thơ Văn Cao và thấu hiểu hơn: tất cả những ám ảnh đen tối của cuộc sống đã hắt bóng lên những câu thơ ẩn chứa bao mỹ cảm văn chương, vọng lên những thông điệp nhân văn, nhân bản mà hôm nay đọc lại và ngẫm ngợi chúng ta nhận ra trong những thử thách nghiệt ngã, bi đát của hoàn cảnh, Văn Cao đã bản lĩnh lựa chọn hành động, vượt thoát khỏi sự bất lực và tuyệt vọng, sự hữu hạn của thời gian, sự cô độc để sống một cuộc đời ung dung, tự tại đầy ý nghĩa – đó cũng chính là hành trình gian khổ để khẳng định nhân vị, cá tính sáng tạo, nhân cách nghệ sĩ của Văn Cao.

Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Báo Lao Động

Trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao là một trong những thi sĩ sớm tiên phong đổi mới tư duy thơ. Sau thời kỳ Phong trào Thơ mới đã kết thúc sứ mệnh lịch sử mở đường của nó, trong bài viết Một vài ý nghĩ về thơ, Văn Cao nêu quan điểm của ông về phương hướng phát triển của thơ Việt Nam hiện đại: “Chúng ta đã đi qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?”(3). Ngược dòng chảy của thi ca du dương “một giọng”, thiên về tả, kể biểu đạt cảm xúc và cảm giác, Văn Cao đã nhận ra tính tư tưởng là vấn đề cốt yếu nhất để thơ có thể trường tồn theo thời gian và thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: “Thơ làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử” (Shelly). Có lẽ sớm thức nhận sáng tạo thơ khác với nhiều người cầm bút đương thời, cho nên mặc dù Văn Cao viết không nhiều nhưng thơ ông luôn ấn tượng trong lòng bạn đọc với những nét riêng, mới lạ. Văn Cao thường kiến tạo một thi giới bằng tất cả những gì nhà thơ “tự cảm thấy” – đó là một thi giới được tạo nên bằng trí tưởng tượng phong phú và sự sắp đặt ngôn từ một cách tài hoa, đạt đến độ cao của sự hấp dẫn, đánh thức mọi giác quan của bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm.

Trong bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, không – thời gian nghệ thuật được đặt trong thảm họa nạn đói lịch sử năm 1945. Một bức tranh với lớp lớp xếp chồng những cảnh tượng não nùng, thê thảm. Bài thơ quả thật “là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm” (Leonardo DeVinci). Lấy hình ảnh tương phản giữa chiếc xe xác chở thi hài của những kẻ nghèo đói đi ngang qua một xóm ăn chơi sa đọa rác rưởi ở Hà Nội làm tâm điểm quan sát, từ đó nhìn rộng ra nhiều góc khác nhau, thi nhân tái hiện cuộc sống của con người bị phân cắt thành nhiều mảnh lạnh lùng, u tối rã rời: Ai hủy đời trên tang trống nhỉ? Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya! Đảo điên… mê say…Thể phách chia lìa/ Nghe reo mạnh, chuỗi tiền cười lạnh lẽo! Tiền rơi! Tiền rơi! chùm sao huyền diệu/ Lấp lánh hằng hà gạo rơi! Tiền rơi!

….Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch/ Đầm đìa rả rích phương Đông/ Mang mang thở dài hồn đất trích/ Lưỡi thép trùng trùng khép cố đô/ Cửa ô đau khổ/ Bốn ngả âm u (Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu/Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)

Đêm đêm, dài canh tan tác/ Bốn vực nhạc động, vẫy người/ Dãy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời/ Ta về gác chiếu chăn gào tự tử/ Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ/ Kèn nhịp xa điệu múa vô luân/ Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm/ Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc/ Kiếp người tang tóc/ Loạn lạc đòi xương chất lên xương/ Một nửa kêu than, ma đói sa trường/ Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc/ Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác/ Đi vào ngõ khói công yên/ Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền/ Hương nha phiến chập chờn mộng ảo/ Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo/ Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe/ Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề/ Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực/ Mưa, mưa hằng thao thức/ Trong phố lội đìu hiu/ Mưa, mưa tràn trên vực/ Hang tối gục tiêu điều/ Mang linh hồn cô liêu/ Tiếng xe càng ám ảnh/ Tiếng xa dần xa lánh/ Khi gà đầu ô kêu (Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc).

Ánh sáng, bóng tối, sắc màu, âm thanh, hành vi cử chỉ của con người, những chuyển động của sự vật, hiện tượng… tất cả khiến tính chất hiện thực trong thơ Văn Cao trộn lẫn với huyền hoặc trở thành một bức họa siêu thực ma quái. Bạn đọc như bị dẫn dụ, lôi cuốn, chìm vào dòng chảy buồn khôn dứt của bài thơ. Văn Cao đã khắc họa vô cùng sinh động những vật vã, giãy giụa, bất lực của cả người chết và kẻ sống. Cuộc sống của con người ủ rũ thảm hại, hoang tàn, đầy tử khí. Con người tồn tại vật vờ giữa cõi dương gian mà tối tăm, mù mịt, nghẹt thở như ở chín tầng địa ngục. Có cái gì như uất nghẹn trong lồng ngực… Cảm xúc thẩm mỹ được đẩy lên đến cao trào, ào ạt, triền miên dồn dập, đầy ắp hình ảnh pha trộn giữa ảo và thực… Có cảm giác nhà thơ như đắm đuối chìm trong một cơn ác mộng. Thi giới Văn Cao là thi giới của tưởng tượng phong phú, điệp điệp lớp lớp hình ảnh sống dậy từ tiềm thức… Dường như lắng sâu dưới lớp vỏ ngôn từ, chúng ta cảm nhận rõ thi nhân kinh sợ, đau đớn khi chứng kiến những bi kịch chất chồng bi kịch của cõi nhân sinh, suy tư về thân phận con người, và trên hết là sự cảm thương về những bất hạnh của kiếp người trong xã hội lầm than tăm tối, đắm chìm trong kiếp đời nô lệ.  Từ góc nhìn tích cực, nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh có thể thấy bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc của Văn Cao đã truyền được sang người đọc nỗi khiếp đảm, bàng hoàng, đau đớn tột cùng, niềm day dứt khôn nguôi khi ngẫm về những điều phi lý đổ xuống những kiếp người bé nhỏ, đáng thương. Và phải chăng mượn cảnh tượng cụ thể Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, đằng sau những nét phác họa sắc sảo khiến người tiếp nhận lạnh gáy “kinh hoàng” trước bức tranh với nhiều đường nét tương phản, hỗn loạn, Văn Cao muốn khái quát một chân lý: chừng nào trên thế giới này, con người còn đối xử tàn độc với nhau, con người đẩy con người chìm trong chiến tranh, đói nghèo, ham hố tham lam, tăm tối, trụy lạc thì chừng đó cuộc sống trở thành vô nghĩa, dẫu chết hay sống cũng chẳng khác nhau. Và xúc động từ nỗi đọa đày của thân phận con người, tiếp nhận thơ Văn Cao, chúng ta có quyền suy ngẫm và khát vọng cần đổi thay để thế giới tiến bộ hơn, để con người được sống hạnh phúc và cõi dương gian không còn xảy ra bi kịch bị biến thành của cõi ma quỷ lạnh lùng ghê rợn. Thiết nghĩ, đây là một giá trị nhân văn, nhân bản có giá trị vượt thời gian cần được ghi nhận trong thơ Văn Cao.

Thơ Văn Cao mang nội dung biểu hiện nội tâm tan nát của con người thời loạn, con người hoang mang, lo âu trước sự tàn phá tàn khốc liệt của chiến tranh.

Những ngã tư đời đau khổ bê tha/ Nơi lầy lụa rác kinh thành chất đống/ Nơi sa sục hôi tanh vùi cửa cống/ Chảy lớp người nghèo khổ lẫn lưu manh/ Gái đĩ bồi tiêm cặn bã đô thành/ Nơi xưa tối đèn, trăng che lấp rãnh…Dư mấy vườn hoa lạnh/ Vẫn lối xanh trúc dằng/ Phố cũ giờ hẳn đã chết rồi chăng? Trở lại dăm hàng chiến lũy/ Dòng ngõ lầy ca kĩ/ Gạch đá đã ngập đầy/ Trên chiến hào, đổ gục mấy hình cây/ Phố chết rồi mảnh rêu ngơ ngác/ The thé thất thanh giọng kêu tàn ác/ Quạ dăm con, chập choạng cánh dơi xa/ Lơ láo tường vôi, than bụi rui nhà/ Với dáng cỏ khô dấu chìm xe ngựa (…)
Một dãy phố nghiêng cả thành Hà Nội/ Dòng ngõ chợ xưa máu dâng ngập lối/ Mấy xác quân thù bên cống tanh hôi/ Sọ nứt toang óc chảy lẫn với giòi/ Có tiếng rú cười vang trong lửa đạn/ Xác anh vùi lửa đạn/ Xác em vùi bên anh/ Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/ Lửa bừng cháy lên rực phía đô thành/ Nhà đổ thép quằn rung/ Xóm âm u/ Thành khối đen đặc quánh… (Ngoại ô mùa đông 1946).

Bức tranh ngoại ô Hà Nội mùa đông năm 1946 đầy máu lửa, tang thương. Chiến tranh với những cái chết kinh hoàng, thương tâm, ai oán, chiến tranh cuốn phăng tất cả mọi giá trị của đời sống, không những về kinh tế làm cuộc sống con người chìm sâu trong đói nghèo, cơ cực, tha hóa, tội lỗi, tàn ác… mà chiến tranh còn tàn phá các công trình, di sản văn hóa quý giá vốn là kết tinh của văn minh nhân loại đã trường tồn theo bao năm tháng:

Xác gỗ thân trơ và bóng tối nghĩ gì/ Nghe đồ đạc đụng kêu trên đất lạnh/ Đây một tượng Đức Bà/ Đã gãy lăn từng mảnh/ Đây tử thi bậc thánh/ Đã tan tành sau cuộc đấu tranh qua/ Nirvana mờ nhạt bóng Thích Ca/ Mắt truyền giáo trên Hằng Hà cũng tắt/ Chữ Phạn, La tinh nhường màu tô diệt Pháp/ Gió lạnh lùng khi qua viện tàng thư/ Cháy cong queo, bìa giữa chút di từ Kierkegaard, Heideger và Nietzsche/ Sách Lão Trang và mùi Thiền Kinh Phật/ Anh chủ kho tàng trôi nổi nơi nao? (…) Trên ngõ lầy hiu quạnh/ Lều vắng dựng chơ vơ… (Ngoại ô mùa đông 1946).

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Văn Cao nhắc đến trong thơ tên những nhân vật thuộc về chuẩn mực văn hóa nhân văn của nhân loại như Đức Bà, Thích Ca và tên của những nhà hiện sinh nổi tiếng thế giới Kierkegaard, Heideger và Nietzsche mà quan điểm triết thuyết tiến bộ, dân chủ của họ đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho bao người mở rộng tư duy để hướng đến tương lai tươi sáng. Với độ lùi của thời gian hôm nay nhìn lại, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, Văn Cao đã lựa chọn cho ông một con đường tiếp nhận văn hóa nhân loại riêng. Ông trân trọng bao nhiêu thì lại càng xót xa cho những giá trị cao quý đó đã bị chiến tranh và những giới hạn nhận thức của con người thời đại chà đạp, tàn phá bấy nhiêu. Cái nhìn của Văn Cao đối với chiến tranh và hiện thực cuộc sống thật sâu sắc, bởi lẽ, sau chiến tranh người ta có thể nhanh chóng xây dựng lại những ngôi nhà, những cây cầu đổ nát nhưng để lấp đầy một khoảng trống văn hóa thì khó khăn gấp muôn vạn lần, và đó cũng chính là nỗi buồn hơn tất cả mọi nỗi buồn mà chúng ta bắt gặp trong thi phẩm của Văn Cao.

Trong những bài thơ như Linh cầm tiến, Ly khách Văn Cao bộc lộ rõ trạng thái cay đắng, thấu rõ cuộc đời nơi cõi tạm chứa chất đầy những phi lý. Ông chia sẻ, thương cảm một cô gái chơi đàn tài hoa, nhân hậu nhưng phải làm nghề “bán hoa” để tồn tại: Em quỳ lạy dâng cầm/ Tạ lòng người sương gió/ Sau giờ phút giao thân/ Đầm đìa hàng lệ nhỏ/ Nhạc công ơi!(…) Đời em phải lúc Rợn âm ba/ Dây nhỏ máu loan hoàng/ Tình đàn chung thủy/ Lời đàn rồi an ủi lúc chàng đau/ Tuy phận đàn mỏng mảnh cũng đừng sầu/ Ai giữ nổi được chiếc bình phỉ thúy? Khách chơi đàn lụy Kẻ dâng đàn tri kỉ một ngày vui/ Rồi mai sau thế kỉ khác ngậm ngùi/ Tấu nhạc điệu của chàng cung số mệnh (Linh cầm tiến). Thi nhân xót xa cho người lính vùi thân nơi sa trường:
Lắng nghe dòng máu ta đang sôi/ Say nữa, say lên, tráng sĩ ơi! Lòng thép vang rền xương gãy rạn/ Sa trường, than ơi là tơi bời!
Chuyện thê nhi? – Bẻ trâm vàng đi! Khăn lụa người cho? – Lau máu đi! Ảnh tặng? – Giấu vào trong ngực áo! Trở về? – Không! Chỉ có ra đi.
Xót đời lính thú không tên tuổi/ Cả một nghìn thây đổi lấy thành/ Nói đến cuộc đời còn chẳng tiếc/ Tiếc gì nước mắt đón đưa anh (Ly khách)

Trên hành trình thức nhận của mình, Văn Cao hòa mình vào cách mạng và kháng chiến trong sự ý thức sâu sắc về nỗi đau thân phận của riêng mình và nỗi đau chung của dân tộc lầm than, nô lệ thời thuộc Pháp. Trường ca Những người trên cửa biển được viết vào năm 1956, trong trường ca có nhiều đoạn như lời tự bạch chân thành về chính tác giả. Câu thơ: “Tôi không có quê hương/ Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam Phủ Lí/ Như Nam Định” hé lộ cho thấy lịch sử gia đình Văn Cao, trong quá trình phiêu bạt mưu sinh cũng không xác định được rõ đâu là quê gốc của mình. Nhưng Hải Phòng là nơi Văn Cao chôn nhau cắt rốn, là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ, “đi hết cuộc đời cùng khổ”, trên hành trình cuộc sống lênh đênh có thể nay đây, mai đó nhưng tình cảm gắn bó nồng nàn da diết với quê hương Hải Phòng chưa khi nào nguôi ngoai trong trái tim ông. Quê hương trong ký ức thẳm sâu của thi nhân là “tiếng mẹ hát bên nôi”, “tiếng người trong xóm”, “tiếng con sông, mảnh đất viên đá”, là tuổi trẻ trải nghiệm nhiều gian khổ, có những tháng gia đình gặp biến cố, rơi vào cơn bĩ cực, tuổi trẻ mới bước vào đời đã bị những đòn đau số phận, mất phương hướng, hoang mang: Lòng không biết nghĩ điều gì/ Như con sơn ca bị bẫy… Chung quanh hỏa lò trại lính/ Cha tôi nghe tiếng chuông đổ đầu tiên/ Giữa buổi chiều không cơm cháo/ Bàn tay mẹ tôi quờ trong thạp gạo… Xóm tôi nghe tiếng kinh chiều văng vẳng/ Từ những khoang thuyền những gian nhà tối lạnh/ Đêm đêm cầu nguyện bên đèn/ Chưa thấy ngày mai hửng sáng/ Chỉ thấy những xác thiêu than/ Chết trên mặt bìa những cuốn thánh kinh/ Những pho tượng không bao giờ nói… Và chính vì gắn bó với quê hương bằng tình yêu máu thịt nên trong Văn Cao, những nỗi đau thương, mất mát của quê hương trong cuộc bể dâu triền miên cũng nhức nhối như vết thương trên chính thân thể con người ông vậy:

Những năm tháng Hải Phòng đầy biến động/ Đời tôi như cái phao trên mặt biển… Bạn cha tôi về chết bên cây mận/ Có năm xóm bạc trắng màu vôi/ Những bó chiếu kìn kìn đi ngoài ngõ/ Chỉ thấy bàn chân người chết dịch… Có năm bão từ biển dạt vào/ Những cây bưởi vừa trổ hoa đã chết/ Hàng trăm thuyền không về/ Giêsu/ Sao người chết mãi không thôi… Có năm Hỏa Lò dựng lên máy chém/ Cả Hải Phòng sau những án đau thương/ Không ai dám nhìn một con gà bị giết… Có năm những đoàn ngựa Nhật đi vào tỉnh/ Xóm tôi không còn một buồng chuối chín/Có năm bom Mĩ đổ xuống quanh nhà/ Chỉ còn tiếng kêu trời khóc ra máu / Xóm tôi càng nghèo xơ xác/ Đàn gà cũng không kiếm ăn được trên đống rác/ Hàng trăm ngàn người lại theo tàu ra biển/ Ai biết cao su đất đỏ là đâu/ Thỉnh thoảng một xác trôi về bến/ Bà con không nhìn rõ mặt/ Những năm tháng bồng bế nhau lũ lượt… Trong ngục tối âm u… Hải Phòng thành một đống sắt/ Hòm đạn vỏ chai vỏ hộp/ Một đống quần áo lính/ Một cái chợ buôn người/ Chúng nó đi như đàn bọ hung/ Rũi vào lòng đất nước chúng ta/ Chúng nó đi/ Như đàn châu chấu năm nào/ Về phá lúa mùa sắp gặt/ Chúng ta nhớ gì những ngày kháng chiến/ Một vết đạn giữa trán em bé lên năm/ Một vết dao trên ngực người con gái đương thì/ Chúng ta nhớ gì những ngày kháng chiến/ Một nền nhà máy một hố bom sâu/ Một mồ chôn chung/ Một dãy người bị bắn/ Chúng ta nhớ gì những ngày kháng chiến/ Mất cả mùa xuân mất cả tình yêu/ Mất đôi mắt thật rất nhiều rung cảm…

Đúng như Văn Cao khẳng định: “Dĩ vãng sống với tôi/ Sâu như lòng sông khúc biển”, như một thước phim đen trắng, những sự kiện diễn ra trên quê hương trong năm tháng nhiều biến động lịch sử hiện về chồng chồng lớp lớp… bao nhiêu cảnh đời là bấy nhiêu nỗi nhớ, niềm thương và nhức nhối khôn nguôi. Số phận quê hương, dân tộc phải gánh chịu quá nhiều tai ương, bi kịch, tưởng chừng như không thể còn sức lực để gượng dậy. Văn Cao đã cố gắng vui, cố gắng lạc quan đây đó: “Tâm hồn ta tràn theo sóng ra khơi/ Đến chân trời vào các bến xa xôi…” Nhưng trái tim nhạy cảm và sự trải đời đã giúp nhà thơ sớm phát hiện ra một nguy cơ nguy hiểm khác đang đe dọa đối với tương lai của quê hương, đất nước:

Đất nước đang lên da lên thịt/ Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống/ Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng/ Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang/ Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hi vọng/ Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người/ Chúng nó ở bên ta, trong ta, lẻn lút/ Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men/ Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi/ Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt/ Hãy dừng lại/ Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc/ Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non (Những người trên cửa biển).

Những năm tháng gian khổ, khó khăn đó, trong hoàn cảnh xã hội còn rất nhiều giới hạn về tư duy nhận thức, Văn Cao – người nghệ sĩ chân chính và bản lĩnh đã sớm dám cất lên tiếng nói thành thực của lòng mình trước sự tha hóa, băng hoại đạo đức, phẩm giá của con người, cảnh báo sự xuất hiện những “loài sâu” cản trở bước tiến của dân tộc. Tất nhiên, sự khởi đầu tuyên chiến với cái xấu, cái ác là điều không dễ dàng gì, nhiều khi sự bất công lại đổ xuống thân phận nghệ sĩ. Nhưng Văn Cao đã lựa chọn và chấp nhận tiếp tục dấn thân trên hành trình nghệ thuật để xác lập nhân vị và khẳng định giá trị tồn tại Con Người của chính mình. Quả đúng như Song Thao đã nhận định: “Ở những người tài hoa chân chính, tư tưởng và tình cảm trong họ rất dễ biến thành hành động cao cả khi phải đứng trước một hoàn cảnh đau thương chung của quê hương đất nước. Đặc biệt ở các nghệ sĩ đích thực, cảm xúc nơi họ thường rất nhạy bén với những cảnh đời lầm than cơ cực của quần chúng, trước những nỗi thống khổ đọa đày của nhân dân để từ cơ sở xúc động ấy mà tiến lên phấn đấu không ngừng cho sự thắng lợi của chính nghĩa”(4).

Tiếp nhận thơ Văn Cao, chúng ta còn nhận thấy, một trong những ám ảnh sâu sắc là bi kịch thân phận nghệ sĩ cô đơn. Văn Cao là nhà thơ luôn nhận thức và khám phá chính bản thể mình. Thơ ông như tấm gương phản chiếu thân phận con người nghệ sĩ của chính ông. Các bài thơ Thu cô liêu, Cánh cửa, Trôi, Biến khúc tuổi 65, Thời gian, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế… ít nhiều đều cho chúng ta hình dung dáng hình lặng lẽ, âm thầm, đơn độc của nhà thơ hoặc đang suy tư hoài niệm muốn níu giữ lại những vẻ đẹp đang phôi phai, đang “trôi” theo thời gian mà con người cảm thấy bất lực và tuyệt vọng “Tôi thả con thuyền giấy/ con thuyền giấy trôi/ tôi thả một bông hoa/ bông hoa trôi/ tôi thả một chiếc lá/ chiếc lá trôi/ tôi ôm em trong tay/ em vẫn trôi” (Trôi)”, hoặc bắt gặp một chân dung con người trong không gian tĩnh tại tuyệt đối: “Một chiếc cầu thang nhà trên gác/ Và ánh sáng/ Không động đậy/ Một giọt mồ hôi/ Lăn trên trán (Cánh cửa)”; và có những khoảnh khắc chúng ta thương cảm và xót xa cùng thi nhân khi rơi vào sự tuyệt vọng và bế tắc nhưng chỉ một mình loay hoay trong sự bủa vây, giăng mắc: “Tôi rơi vào mạng nhện/ Mạng nhện cuốn lấy tôi/ Không còn cách gì gỡ được/ Tôi như con sâu tằm/ Cuộc đời cứ như thế/ Muốn phá cái mạng nhện/ Tôi không đủ tay (Ba biến khúc tuổi 65).”

Sự thất vọng và đổ vỡ niềm tin khiến con người dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Cảm thức cô đơn, nhiều ưu tư, trăn trở thậm chí có lúc u uất đến nghẹn ngào đau đớn trở đi trở lại trong thơ Văn Cao. Tư duy nhân loại đã khẳng định cô đơn là một yếu tính của thân phận con người. Nếu chối bỏ, không thừa nhận sự cô đơn chính là đã vô tình tước bỏ những phẩm tính Người trong mỗi Con Người. Cô đơn như người bạn đồng hành mang đến một sức mạnh nội tâm để hướng tới sự thông giao mầu nhiệm với thế giới xung quanh. Do đó, thực chất của cô đơn là tập trung năng lực để sáng tạo, cô đơn được coi như một giá trị tinh thần. Dường như nỗi buồn, sự cô đơn đã đánh thức tiềm năng sáng tạo của Văn Cao. Trái tim nhạy cảm dễ “vỡ” của thi sĩ đã không thể ngủ yên trước cuộc đời vốn dĩ tồn tại nhiều điều phi lý, và bi kịch cô đơn xuất hiện cũng là bởi thi nhân với tất cả trách nhiệm và sự trân quý cuộc sống đã không thừa nhận cái xấu, cái ác làm tổn thương giá trị Người, và ông lựa chọn chấp nhận cô đơn để đối đầu với những phi lý đó.

Bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật là năm buổi sáng của những ác mộng mà nhà thơ tưởng tượng bỗng nhiên con người bị cô lập, bị bỏ rơi, bỏ quên: “Ngủ dậy một sáng/ Cả phố biến đâu mất/ Không một bóng người đi/ Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm (…) Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót/ Một buổi sáng không thực/ Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi/ Cả thành phố cùng tôi im lặng/ Tất cả những con người/ Chỉ thấy mắt đen lay láy/ Cả tiếng xe không thành tiếng/ Tại sao? Tại sao?/ Không ai nhìn miệng tôi/ Gào thét không ra tiếng/ Trong kinh hoàng tôi chạy trên đất/ Một mình/ Giữa thành phố mọi người im lặng/ Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói/ Không tiếng động, không sự sống/ Tại sao thành phố sa mạc/ Không nghe gió thổi/ Những hình người như bị đẩy/ Qua nhanh/ Hình như nơi đây/ Bị đày trong im lặng (…) Những cánh cửa đều khóa chặt/ Trong gian phòng trong suốt thủy tinh…”

Không – thời gian dường như không có sự tồn tại của hơi ấm tình người và vạn vật, tất cả đều chuyển động rời rạc, không có bất kỳ sự kết nối nào. Những câu hỏi: Tại sao? thảng thốt vang lên, lặp đi lặp lại và tự chìm sâu vào im lặng không có câu trả lời. Chúng ta có thể nhận ra sự cuống quýt, vật vã, hoang hoải trong nội tâm của nhà thơ khi sống trong bi kịch bị cô lập, tách biệt khỏi môi trường cuộc sống bình thường. Tồn tại trong thế giới lạnh lùng, vô cảm, con người bị rơi vào trạng thái hụt hẫng, hoang mang, lo sợ, trơ trọi, cô đơn tột độ. Phải chăng, sau những “thét gào” dữ dội, đó là một thông điệp khẩn thiết Văn Cao muốn gửi đến cuộc đời: trong muôn vàn hoàn cảnh của cuộc sống, con người thường ích kỷ, không chịu thấu hiểu nhau, xa lánh buông bỏ nhau, cho nên con người hãy giao hòa nhân ái, nói lời yêu thương để cứu lấy sự tồn tại Người? Bởi lẽ, sự tồn tại Người hay nói một cách đúng hơn là nhân tính của con người chỉ có thể nảy mầm và phát triển trong tình yêu thương, bao dung, mối gắn kết chia sẻ giữa con người với con người. Thiết nghĩ, triết luận nhân sinh sâu sắc này của thơ Văn Cao chính là một giá trị cơ bản khiến thi phẩm của ông mang giá trị vượt thời gian.

Từ lâu nhân loại đã nhận ra: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng” (Bêlinxki). Nhưng tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là những biểu hiện các mối quan hệ giữa con người với những vấn đề về thế giới xung quanh của nhà thơ. Tư tưởng trong thơ không phải những cái có sẵn, đóng khung từ trước. Nó được nảy sinh trên một nền tảng triết học đã thấm sâu trong tâm thức nhà thơ, nó phát sinh trong quá trình nhà thơ suy tư về cuộc sống và con người, được ẩn giấu sau lớp ngôn ngữ mà phải những người có chiều sâu suy tư về cõi nhân sinh mới có thể phát hiện và sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật đa thanh, nhiều sắc màu. Có lẽ bởi trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Văn Cao đã ý niệm rõ tính tư tưởng chính là nhân tố quan trọng nhất để thi ca còn lại với mai sau, và vì vậy những thi phẩm để đời của ông đã chạm đến những giá trị thuộc về hằng số văn hóa mang tầm nhân loại.

3. Lời kết

Như một quy luật hiện sinh, thời gian qua đi là vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Sự nghiệt ngã ấy chính là bi kịch của phận người, con người không thể nào nắm giữ, níu kéo được được thời gian. Sinh thời, trong bài thơ Thời gian Văn Cao đã ý thức sức mạnh tàn phá của thời gian với vạn vật, “thời gian làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn”. Trong dòng chảy vô định của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng Văn Cao cũng khẳng định: “Riêng những câu thơ/ còn xanh/ Riêng những bài hát/ còn xanh/ Và đôi mắt em/ như hai giếng nước”. Ông cho rằng Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và luôn vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó luôn mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp. Điều này quả đúng như Cyprian Norwid đã nói: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác”.

Cùng nhân loại trên con đường khám phá những giá trị vĩnh hằng để vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian, “Thi sĩ chọn con đường thi ca tưới bằng mồ hôi và máu tươi cách mạng, là một đóng góp một hiến dâng cho cuộc đấu tranh chung, giải phóng con người khỏi những áp bức bị động”(5). Văn Cao đã đi đến đích trong sự tôn vinh và kính trọng của nhân dân. Cả cuộc đời sống và viết của Văn Cao là cuộc dấn thân trải nghiệm không ngừng những cảm xúc, suy tư, trăn trở về sự tồn tại Người – đó là những khát vọng hướng về phía ánh sáng của thiên lương, khát vọng đạt đến những ý niệm thuộc về Chân lý vĩnh hằng. Với bản lĩnh kiên cường cùng trí tuệ mẫn tiệp và một trái tim nhân hậu yêu thương, Văn Cao đã tự mình thoát khỏi mọi giới hạn hoàn cảnh thời đại để khẳng định nhân vị của một nghệ sĩ lớn. Thi ca nói riêng và sự nghiệp nghệ thuật nói chung mà Văn Cao đã dâng hiến với mục tiêu cho con người và vì con người mãi mãi dâng tràn sức sống, mang lại niềm tin, khích lệ con người hướng về Chân – Thiện – Mỹ, và mãi mãi âm vang giai điệu “một trưa nắng cho bao tâm hồn” như bài ca Mùa xuân đầu tiên mà sinh thời Văn Cao từng khát vọng.

CHÚ THÍCH:

(1). Tạ Tỵ, “Văn Cao, một tinh cầu giá lạnh”, Mười khuôn mặt văn nghệ, tác giả xuất bản, Sài Gòn 1970, tr.179.

(2). Trần Đình Sử, Cái buồn như phạm trù hiện sinh, https://trandinhsu.wordpress.com/2016/11/10.

(3). https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%99t_v%C3%A0i_%C3%BD_ngh%C4%A9_v%E1%BB%81

(4). Song Thao, “Văn Cao, một nghệ sĩ tài hoa đang bị cuộc đời ruồng bỏ”, Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr.35

(5). Huỳnh Hữu Ủy “Thi ca trước tình cảnh cực đoan”, Ý Thức số11(15/3/1971), tr.13,14

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh, Nxb.Văn học, Hà Nội

2. Tạ Tỵ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ, tác giả xuất bản, Sài Gòn.

3. Song Thao, Văn học số 114 (1/11/ 1970)

4. Huỳnh Hữu Ủy, Ý Thức số 11(15/3/1971).

5. Jean Paul Sartre (2016), Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

6. https://www.thica.net/tac-gia/van-cao/

TAGGED:Văn Cao

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm