TIN TỨC

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-06-05 14:55:05
mail facebook google pos stwis
242 lượt xem

 Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.

Nhà thơ Lê Khánh Mai

“Chọn nghề văn, được đào tạo nghề văn, suốt đời chỉ làm duy nhất nghề văn, tôi thấm thía đến tận cùng nỗi khổ ải và niềm hạnh phúc của nghề này. Yêu con người, trách nhiệm cao, lao động kiệt lực và dấn thân như bị “giời đày” là phẩm chất tự thân của nhà văn. Đôi khi tôi cảm nhận một sức mạnh quyền năng vô hình nào đó mách bảo và điều khiển ngòi bút của mình như là định mệnh.” (Lê Khánh Mai – Suy nghĩ về nghề văn)(1)

Qua phát biểu của tác giả, có thể nhận thấy quan niệm và quá trình sáng tạo nghiêm cẩn của một ngòi bút suốt đời sống và cống hiến cho văn chương nói chung, thơ ca nói riêng. Chính vì thế, luôn cách tân thơ, khát vọng bứt phá không chỉ ở cách lập ngôn mà quan trọng hơn, nó xuyên thấm trong từng tác phẩm, từng câu chữ của nhà thơ Lê Khánh Mai.

Thơ Lê Khánh Mai và quan niệm nghệ thuật

Nhà thơ Lê Khánh Mai từng viết: “Tôi có thói quen, khi đọc bất kỳ tập thơ nào, tôi tìm những câu thơ chứa đựng chỉ dấu về quan niệm nghệ thuật của tác giả, vì tin đó là chiếc chìa khoá có thể mở ra bí mật đằng sau những con chữ.”(2)

Đó là kinh nghiệm tiếp cận thơ xuất phát từ thực tiễn sáng tạo của một cây bút đầy tràn năng lượng và năng lực. Mở tập thơ nào của Lê Khánh Mai, chúng ta cũng có thể gặp được “chiếc chìa khoá” ấy để mở ra một thế giới nghệ thuật tầng tầng những ẩn ngôn về tình yêu thi ca, tình yêu con người và sự sống. Rất nhiều những thi phẩm được Lê Khánh Mai ký thác một cách nghệ thuật quan niệm của mình về thơ, nhà thơ, yêu cầu sáng tạo, như: Nhà thơ nữ bứt phá, Khát, Ơi người!,

Nhà thơ, Tôi và thơ, Tâm sự thơ ca, Uống rượu với bạn thơ Đăk lăk, Hát một mình trong sương mù, Xanh, Em yêu Anh, Không điểm tựa, Tri kỷ, Vũ trụ đơn côi, Sống, Miền hoang tưởng,…

Thơ là tiếng nói trữ tình. Tình cảm, cảm xúc trong thơ không nên hiểu đơn giản chỉ là tâm, tình của riêng nhà thơ, mặc dù nếu không có sự rung động, rung cảm mãnh liệt thì nhà thơ không thể làm thơ. Thơ là tiếng lòng của một người mà ngân rung cho nỗi niềm bao người. Với những nhà thơ lớn, những vấn đề được đề cập trong tác phẩm của họ tuy xuất phát từ cảm quan cá nhân nhưng không dừng lại ở chuyện cá nhân. Khi nhà thơ cất tiếng, thi tứ nảy sinh từ thực tiễn sống của chính nhà thơ nhưng đích đến lại là độ phổ quát. Vì thế, những ý thơ, tiếng thơ giàu giá trị có thể vượt qua được quy luật thời gian nghiệt ngã:

đường đời thăm thẳm

thơ dìu nỗi khổ đau

trong vô lượng thời gian

(Hát một mình trong sương mù)

Là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, thơ cũng hoá bất định, thơ là cả một thế giới diệu kỳ, huyền ảo, bất định giữa thực và ảo, thực và mơ, thực và mộng:

thơ em chao giữa hai miền hư thực

cơn mơ lành cũng hoá chênh vênh

(Khát)

Bản chất, cốt cách của thi sĩ vốn rất nhạy cảm, nhạy cảm đến đa cảm. Thi sĩ vốn giàu tình yêu thương, lòng trắc ẩn vì thế mà đa tình và cũng đa đoan:

thương sao cái kiếp đa tình

lấy hư ảo để ru mình người ơi

(Ơi người!)

Trong sáng tạo và có khi cả trong đời, người làm thơ thường trực một cảm giác cô đơn. Nói cách khác, với nghệ sĩ, cô đơn vừa là trạng thái có thực vừa là yêu cầu để sáng tạo (trạng thái cần phải có). Chỉ một mình nhà thơ mới có thể hoá giải nổi trạng thái cô đơn ấy bằng cách tạo tác. Quá trình sáng tạo chân chính thực sự không hề dễ dàng:

Thánh giá của riêng mình

Mang trong tim khó nhọc

Cuộc hành trình đơn độc

La Mã vời vợi xa.

(Nhà thơ)

Không chấp nhận lao động chữ nghĩa dễ dãi, mỗi bài thơ là cả một hành

trình dài và nhọc. Muốn có được nó, nhà thơ đã phải lao tâm khổ tứ như vắt kiệt mình:

Mỗi câu thơ mang bóng dáng nụ cười

hay nước mắt buồn đau số phận

tôi đã đổi bằng bao cay đắng

có khi như vắt kiệt chính mình

(Tâm sự thơ ca)

Nhà thơ Lê Khánh Mai cũng cho rằng thơ có sức mạnh của một chỗ dựa, là điểm tựa để con người vượt qua yếu đuối, thất vọng, thất bại. Thơ là sức mạnh tinh thần có thể nâng đỡ, vực dậy con người từ trong đau khổ, mất mát, gục ngã:

Tôi đói

thơ không thể là cơm ăn

Tôi khát

thơ không biến thành nước uống

Tôi nợ nần

thơ không đem cho tiền bạc

Nhưng khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau

thơ vực tôi đứng dậy.

(Tôi và thơ)

Để thơ phát huy được chức năng nâng đỡ con người, nhà thơ luôn tìm tòi, bứt phá để mỗi tứ thơ thực sự là một đóng góp mới mẻ, chí ít cũng không phải là một cái bóng, mà tác giả gọi là “dị bản”, dù là cái bóng của chính mình:

Em muốn xoá bóng mình – dị bản

để chỉ còn đích thực em thôi

(Dị bản)

Để đạt được sự bứt phá liên tục trên hành trình sáng tạo, nhà thơ Lê Khánh Mai luôn cảm nhận có tiếng gọi khẩn thiết từ trong sâu thẳm tâm hồn mình: phải viết khác, muốn viết khác phải sống khác. Không thể làm thơ trong không gian, công việc quá quen thuộc đến đơn điệu, nhàm chán, nhà thơ chọn con đường tự trải nghiệm để sống sâu với cuộc đời và con người:

Người khuyên thơ nên bám vào đời sống

bạn chê thơ ta cũ rồi

ta cũng chán điệu thơ đều chằn chặn, hiền lành, ướt đẫm

vang tự hồn sâu phải sống khác thôi

không sống khác không thể nào viết được

mơ hồ tiếng gọi phía chân trời

nhưng tiếng gọi từ máu là rất thật

(Nhà thơ nữ bứt phá)

Những câu thơ chứa đựng quan niệm về thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai không khác nào những tấm chân dung nổi bật trên bức tường nghệ thuật phong phú những mảng màu sắc, hình ảnh, đường nét của tác giả. Mà nói như nhà thơ Lê Khánh Mai, đó chính là những chỉ dấu quan trọng đường lối khám phá thế giới nghệ thuật của chính tác giả – một nhà thơ nữ tài hoa nhưng không ngừng bứt phá trên hành trình sáng tạo.

 

Thế giới thơ Lê Khánh Mai và một số chỉ dấu bứt phá

Có thể nhận thấy, thơ Lê Khánh Mai viết nhiều, rất nhiều về người nữ, hình thành một thế giới hình tượng người đàn bà trong thơ: người đàn bà bán rau (Người đàn bà bán rau), người đàn gom rác (Người đàn bà gom rác), người đàn bà nội trợ (Người đàn bà đi chợ), người đàn bà goá bụa cô đơn (Chiều ơi!, Cơn giông lúc nửa đêm, Ở cuối con đường, Giãi bày, Khoảng cách này đâu phải vĩnh hằng, Gió,…), nhiều nhất và quan trọng nhất là người đàn bà làm thơ (Bạn gái, Cho một người đàn bà, Người đàn bà im lặng như cát, Nhà thơ nữ bứt phá, Người đàn bà đi tìm tiếng chuông,…).

Điểm chung của hình tượng người đàn bà trong thơ Lê Khánh Mai là họ luôn đối diện với định kiến của xã hội đối với người nữ, đặc biệt là người nữ làm thơ – những cá nhân-cá thể tinh hoa:

Nơi vực tối của thân phận, em nhận rõ bất công tạo hoá

và nhẫn nại cưu mang nỗi mặc cảm không lời

……………………………….

nắng mê muội ngã vào hoa để lên hương sắc

gió đa mang hôn lá biếc nhiệt cuồng

trách chi người không nhận ra em

phía khuất chìm hồn đau ngọc nát

(Cho một người đàn bà)

Nhà thơ Lê Khánh Mai thường chìm đắm suy tư về phận, thân phận người nữ. Nhiều lần, nhà thơ dùng từ “phận”, “thân phận”, “bổn phận”, có khi gọi thẳng ra là “cam phận” (Kiếp vọng phu, Bổn phận, Đoản ca về nỗi cam phận):

Như thân cây bị đốn dần dần

không gục ngã, sẹo dày lên chai ráp

còn một chút phôi xanh

dịu mềm ẩn trong khô xác

bí mật dìu nỗi cam phận đi trên thế gian

(Đoản ca về nỗi cam phận)

Với tư cách là người trong cuộc, Lê Khánh Mai không ít lần đề cập đến “phận thơ” của người nữ làm thơ. Bài thơ Nhà thơ nữ bứt phá chiếm một vị trí khá đặc biệt trong vườn thơ Lê Khánh Mai, bởi giọng điệu vừa trần tình vừa chua chát, vừa day dứt vừa giằng xé:

Gom từng đồng còm nhuận bút ta đi hoang

vừa khỏi nhà đã thân gái dặm trường

đi đâu, về đâu?

“Đi hoang” – đi ra khỏi nhà, thoát ra khỏi nhịp sống đơn điệu, nhàm quen – để thay đổi không khí, để tìm cảm hứng cho thơ. Bởi vì đến ta, “ta cũng chán điệu thơ chằn chặn, hiền lành, ướt đẫm” của ta, huống chi, “bạn chê thơ ta cũ rồi”. Khát vọng đi tìm nguồn cảm hứng cho một thứ thơ mới, quả là chính đáng và đầy trách nhiệm. Nhưng rồi:

bạn cùng ta “bứt phá”

lang thang quên mình là đàn bà

sông đấy – như ta lững lờ

cây kia – giống mình ta tù hãm

bao đền đài thơ sừng sững

ta gieo xác chữ ích gì

Khổ cuối đọng lại nỗi buồn chơi vơi, hụt hẫng khi trở về với “phận thơ”, sau khi đã biết va đập với cuộc đời, thơ với người nữ là sự hi sinh, là chấp nhận, là định mệnh “oan nghiệt”:

Về nhà con vui thoát được bếp núc

mắt ai ngun ngún buồn

ta ru bình yên ngày thường

oan nghiệt phận thơ – tiếng kêu máu vỡ

Khi nhà thơ Lê Khánh Mai bộc bạch hành trình đi tìm “bản thể” (tên một bài thơ trong tập Mật ngôn của tình yêu), bạn đọc chúng ta có thể tin rằng, đây không phải là chuyện tìm kiếm bản thể cá nhân mà là hành trình xác nhận bản thể nữ giới, xác nhận nữ quyền. Bởi, nhà thơ hiểu rõ, rất rõ mình là ai, mình muốn gì trên con đường lên tiếng khẳng định bản thể – một người nữ sống hết mình cho thơ:

tự bao giờ bản thể sống cô đơn trong thân xác ta mà ta nào

biết, ta mải miết đi tìm những thứ ở ngoài mình

hạnh phúc biết bao khi ta được trở về đích thực là mình sau

những kiếm tìm, trải nghiệm điều đắng cay, mất mát

dù nhỏ bé, bản thể vẫn là vũ trụ của riêng mỗi người, nó chỉ

một lần được sinh ra giữa vô vàn thực thể và sống dài hơn một kiếp

sống.

(Bản thể)

Chính ở điểm “sống dài hơn một kiếp sống” ấy tưởng là phi lý nhưng khi lắng đọng lại, có thể hiểu đó là khát khao của người sáng tạo: tác phẩm của họ còn lại giữa cuộc đời khi tác giả của nó không còn hiện hữu nữa sẽ tự có cách phát ngôn riêng, hướng đến khát vọng bất tử. Ai làm thơ mà không mơ ước, mơ mộng như thế?

Khi đã thấu thị về mình, rộng ra là về giới nữ làm thơ, nhà thơ Lê Khánh Mai không ít lần muốn thơ vươn về phía ánh sáng màu nhiệm, vĩnh cửu của nghệ thuật:

ánh sáng chống lại bóng tối

đánh thức những cơn mê

bật dậy những hạt máu li ti

mạnh hơn ngựa chiến

………………………….

ở đâu

và bất cứ lúc nào

sự tái sinh của ánh sáng

không bao giờ là muộn.

(Ánh sáng)

Hiểu rõ như vậy nên nữ sĩ luôn vươn tới những giấc mơ, những chân trời rất riêng – “chân trời màu lam” – ở đó, cái tôi bản thể được thể hiện và sinh tồn:

Giấc mơ tôi hái từ cơn giông

không hình thù, màu sắc

nhưng tôi biết nó rất mỏng manh và tơ non

tôi nâng niu cất giữ trong ngăn tủ tâm hồn

như báu vật

………………

Có ai biết

tôi đã vắt kiệt mình

để nuôi một giấc mơ

(Giấc mơ tôi hái)

Tập thơ mới nhất – tập Mật ngôn của tình yêu – là đỉnh điểm trong hành trình sáng tạo của nữ sĩ Lê Khánh Mai (tính đến thời điểm hiện tại). Ở đây, những thi phẩm mang màu sắc suy tư, triết lý về thi ca, về vũ trụ, về nhân sinh, về bản thể,…phát triển thành hệ thống trong lối thơ tự do, thơ văn xuôi khiến cho tập thơ mang sức hấp dẫn bởi vẻ đẹp trí tuệ:

đôi khi trong dàn đồng ca ta hoà giọng

chỉ để hát bài hát của riêng mình

không cần ai nghe thấy

(Không điểm tựa)

Khoảng trống – một “Con Người” không hình dạng, không gương mặt, không tiếng nói nhưng đã che chắn cho ta, nâng đỡ ta, an ủi ta. Và ta biết đó là người duy nhất sẽ đi cùng ta về phía vô biên.

(Khoảng trống)

 

Nghệ thuật biểu đạt luôn sáng tạo

Nói nhà thơ Lê Khánh Mai là nhà thơ của tình yêu thật không sai. Thơ Lê Khánh Mai viết nhiều về tình yêu, nhất là tình yêu vợ chồng với một lối biểu đạt tài năng và rất cá tính – đầy khao khát, nồng nàn đến nồng cháy, bùng vỡ. Nồng nàn, mê đắm nhưng vẫn tinh tế, thi vị nhờ những so sánh, ẩn dụ, tượng trưng bàng bạc khắp những trang thơ. Nhà thơ không chọn lối biểu đạt bằng cách diễn tả táo bạo đến táo tợn vốn là tâm điểm của trào lưu hậu hiện đại đang rất phổ biến trong giới nữ thi sĩ. Trái lại, lối biểu đạt ở đây nghiêng về thi pháp thơ tượng trưng:

em mở toang cánh cửa đón gió vào nhà

gió quấn em mê mải, hệt như anh trở về sau chuyến đi xa

(Khoảng cách này đâu phải vĩnh hằng)

đêm

căn phòng trống trải

bỗng ngập tràn mùi hương ân ái

cái mùi hương đi vắng đã mười năm

trở về

ướp lên mái tóc em

ủ thơm chăn gối

mơn man da thịt hồi sinh

nồng nàn hơi thở thương quen

riết róng vòng tay êm ấm

thảng thốt nụ hôn muộn mằn sau quên lãng

ngân lên da diết cung đàn xưa

bản tụng ca tình yêu dang dở

nước mắt đọng bờ mi hạnh ngộ

em như cây khô vừa nhú lộc non

(Mật ngôn của tình yêu)

Sự khát khao nhân bản của người nữ được tác giả diễn tả khéo léo, tránh được sự thô vụng, tránh được luôn sự xơ cứng. Quả là những câu thơ được viết bằng trực cảm xuất phát từ trong tâm cảm:

những câu thơ

như chú ngựa bất kham trong lồng ngực

mơ một ngày tung vó thảo nguyên

theo ráng đỏ

chân trời huyễn hoặc

(Khát)

Thơ Lê Khánh Mai rất giàu hình ảnh, hình tượng, nhiều hình tượng trở đi trở lại, gây cảm xúc mạnh mẽ và ám thị lâu dài. Giấc mơ, cơn giông, gió mạnh (giông gió), mưa gió, nước mắt,… là những biểu tượng đầy mỹ cảm của thơ Lê Khánh Mai. Tập thơ Giấc mơ hái từ cơn giông có nhiều bài thơ đề cập trực tiếp đến những biểu tượng này: Giấc mơ, Khóc giấc mơ gãy cánh, Cõi mưa, Nước mắt chảy về đâu, Cơn giông lúc nửa đêm, Giấc mơ tôi hái, Gió,… Dễ nhận thấy, sự thiệt thòi của “phận” lộ rõ ở đây mà những khát khao hoặc âm thầm hoặc dữ dội của “giới” cũng bộc lộ ở đây:

Cơn giông đổ về lúc nửa đêm

sấm vỡ oà

mưa trút đá

cây lá vặn mình rên tơi tả

trời đất say cuồng giao hoan

Cánh cửa ngôi nhà đã bị giật tung

em chợt tỉnh cơn mơ hái được chùm mây ngũ sắc

……………………………………

em như vừa sinh ra giữa buổi hồng hoang

mắt chưa mở được

chỉ nghe lao xao tiếng vọng trần gian

ngôi nhà giống như con tàu đứt neo, dạt về cõi lạ

và em xa lạ với chính em

cố níu vào đêm

mong chạm hơi thở anh quen thuộc

thất lạc những ngón mềm, chới với hư không

(Cơn giông lúc nửa đêm)

gió rào rạt reo bên những lùm cây

gió ùa về chật đầy không gian rỗng

gió lùa tóc em líu ríu tung bay

gió quấn thân thể em riết róng

anh đi đâu xa vừa về phải không?

em biết gió là linh hồn anh đấy

(Gió)

Trong các tập thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai – nhà thơ xứ biển – xuất hiện rất nhiều hình tượng biển, sóng, cát, bờ,… như trong Biển thầm, Đêm ở biển, Nghĩ bên biển, Biển tím, Sóng, Bờ và sóng, Cát mặn, Tính cách biển, Người đàn bà im lặng như cát,… Cách nghĩ về biển của Lê Khánh Mai cũng thật khác lạ, biển vô tình, biển chẳng đau khổ bao giờ nên biển vĩnh hằng:

ta biết lắm biển ơi, người chẳng đau khổ bao giờ

những gươm đá dựng bên ghềnh sắc lạnh

con sóng rơi đầu, con sóng lại chồm lên

chai lì những vết thương, chai lì muôn khát vọng

có phải vĩnh hằng kia làm biển vô tình

(Biển thầm)

Tương quan giữa biển – sóng là tương quan giữa người nam – người nữ nhưng ngẫm kỹ thì sóng (em) dữ dội hơn biển (anh) rất nhiều, chai lì hơn nhiều, kiên định hơn nhiều. Vì thế, đã có lúc nhà thơ hỏi:

Và anh, có giống như biển cả

có đủ mặn mà để nuôi tình em

đủ mạnh mẽ để vượt qua bão tố

đủ vô biên để trọn kiếp bên nhau?

(Nghĩ bên biển)

Ở một tứ thơ khác, Lê Khánh Mai dùng cặp biểu tượng sóng – đại dương để tượng trưng về khát vọng thay đổi, nhưng khát vọng ấy bị cái giới hạn đóng khung, câu thúc ngay. Lúc này, đại dương ngàn trùng mà trở nên bé tí – cách lạ hoá thật ấn tượng, sâu sắc:

bao nhiêu con sóng đi hoang

vẫn không thoát được đại dương ngàn trùng

(Sóng)

Nhìn vào tên những tập thơ, văn của Lê Khánh Mai, có thể thấy sự suy tư, ưu tư sâu thẳm trong tư tưởng-cảm xúc nghệ thuật của tác giả: Trái chín (tập thơ), Nước mắt chảy về đâu (tập thơ), Cổ tích xanh (tập thơ), Cát mặn (tập thơ), Đẹp, buồn và trong suốt như sương (tập thơ), Giấc mơ hái từ cơn giông (tập thơ), Mật ngôn của tình yêu (tập thơ), Vọng âm của mạch ngầm (phê bình văn học), Những mạch sống nâu trầm (tản văn và tuỳ bút),… Có thể nói, đó là những tựa sách được chọn lựa kỹ lưỡng, tự hiểu “bản thể” và mang nhiều thông điệp thông qua ẩn ngữ đa tầng, đa nghĩa. Nhìn tổng thể, tựa sách Lê Khánh Mai đậm tính trí tuệ và giàu tính biểu tượng.

Như ở trên đã nói, Lê Khánh Mai say mê yêu – yêu “anh”, yêu người, yêu đời và yêu thơ – không hiếm khi yêu đến mê cuồng, thậm chí muốn phá bỏ, cởi bỏ ẩn ức. Vậy nhưng nhà thơ vẫn trung thành với phong cách thể hiện nghiêm cẩn. Vẫn ở đường biên của sự nghiêm cẩn, thế giới nghệ thuật thơ Lê Khánh Mai làm nên một gương mặt thơ nữ sâu sắc, sâu lắng. Nữ tính nhưng cá tính là giọng điệu chính của thơ Lê Khánh Mai.

Đôi dòng kết luận

Thơ Lê Khánh Mai xoay quanh nhiều đề tài: tình yêu đất nước, quê hương, tình gia đình (vợ chồng, cha con, mẹ con), tình bạn bè,… nhưng nhiều và sâu đậm nhất vẫn là tình yêu dành cho thơ và người bạn đời quá cố. Những tứ thơ của nữ thi sĩ giàu cảm xúc, suy tư, triết lý nên có thể gọi đó là thơ suy cảm, suy cảm từ cả hai phía: người tạo tác và người tiếp nhận. Một số bài thơ quả như có “một sức mạnh quyền năng vô hình nào đó mách bảo và điều khiển ngòi bút như là định mệnh”, nhất là khi nhà thơ “tuyên ngôn” về thơ và nhà thơ.

Đọc thơ Lê Khánh Mai, từ Trái chín (1990), Nước mắt chảy về đâu (1998), Cổ tích xanh (2000), Cát mặn (2001) đến Đẹp, buồn và trong suốt như sương (2005), Giấc mơ hái từ cơn giông (2008), đặc biệt là Mật ngôn của tình yêu (2019), có thể hình dung một dòng thơ luôn chảy thao thiết, sâu thẳm, càng lúc càng mở rộng bờ bãi trù phú, xanh ròng sự sống. Thơ Lê Khánh Mai là dòng chảy miên man của niềm khát sống, khát yêu, khao khát được sáng tạo của một nhà thơ nữ đích thực. Quan trọng hơn cả, trên dòng sông thơ ấy, một thế giới nghệ thuật bừng lên thứ ánh sáng rỡ ràng từ cao xanh như một định mệnh màu nhiệm:

bừng sáng một khoảng không gian

xa thẳm

đột nhiên

không nhìn thấy gì khác bên ngoài ánh sáng

(Ánh sáng)

CHẾ DIỄM TRÂM/VANVN

————————————————————

(1) Nhà văn Việt Nam hiện đại, Hội Nhà văn Việt Nam, 2007, trang 593.

(2) Lê Khánh Mai, Những mạch sống nâu trầm, NXB Hội Nhà văn, 2023, trang 135.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm