- Lý luận - Phê bình
- Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Như thế là tôi đã đọc liền hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố). Hai năm khoảng 150 bài. Năng suất cao. Rất cao so với mọi người viết bây giờ.
Anh tìm thơ ngay trong đời sống thực của nơi anh sống và của chính lòng anh. Thơ anh như phóng sự xã hội và thấp thoáng trong ấy là nhật kí lòng anh.
Bút pháp giản dị, ngôn ngữ gần với văn báo chí. Rất ít mỹ từ pháp, ít gần như không ẩn dụ, biểu tượng. Đọc lên thấy nghĩa ngay hiểu ý ngay. Nhiều khi anh lập tứ cũng dễ dàng:
- Đây là một cách: lấy ý chính của bài, ý một nửa, làm cái bản lề xoay ra các phía mà tìm chi tiết, những chi tiết đồng dạng về hình thức nhưng đối nhau, hoặc bổ sung nhau, về ý. Cứ thế mà kéo một hơi đến hết bài. Bài thơ mười khổ, mỗi khổ hai câu Xin trich hai khổ
Mang danh nghệ sĩ nửa vời
Nửa ngồi, nửa đứng, nửa đời tỉnh mê
Nửa cơm áo, nửa khen chê
Nửa con tim giữ lời thề hôm xưa
- Bài thơ mang tên Ru thì lấy luôn động từ ru ấy mà ru mọi thứ
Ta ngồi ru cỏ ngày xưa;
Ta ngồi ru nắng bên cầu;
Ru cau tỏa bóng trầu không;
Ta ngồi ru những cơn mưa;
Ta ngồi ru mấy câu thơ
vv…
Nhà thơ Vũ Quần Phương (phải) và họa sĩ Lê Tiến Vượng.
Những câu tôi vừa trích đều là các câu mở đầu cho mỗi khổ thơ, bốn câu. Để làm đầy cho bốn câu đó thì nhân ru cỏ anh kể ra cỏ may cỏ gà. Rồi từ vần gà anh ru chiếc lá đa. Rồi từ đa anh ru sang chú Cuội chả chú cuội ngồi gốc cây đa mà. Còn ở khổ thơ ru nắng thì không hiểu sao anh lại Chí Phèo Thị Nở đi lâu không về. Cái khô thơ Ru cau ru trầu thì anh ru luôn rặng duối ý hẳn ru các lọai cây thân thuộc ở quanh nhà: Ru cau tỏa bóng trầu không Ta ru rặng duối tơ hồng nghêu ngao. Đến đây thì cái vần ao nó kéo anh ru ngược lên trời Ta nằm ru mấy vì sao. Chắc là các ông sao trong đồng dao: một ông sao sáng hai ông sáng sao… vì câu sau chõng tre bầy trẻ hát gào bi bô. Tôi đoán thế. Nghĩa là nguyên liệu làm nên khổ thơ tưởng xa nhau nhưng vẫn trong một không gian cảm xúc. Cả bài thơ cứ hồn nhiên, câu gọi câu, tự lôi nhau đến, do ý hoặc do vần, thanh thoát lắm. Người xưa sẽ khen là văn hoạt chứ chưa phải văn già. Nhưng cả bài thơ không chỉ chạy trên một mặt phẳng ấy mà chấm hết. Ở những câu kết, Lê Tiến Vượng, vẫn trong tư thế ngữ pháp ấy nhưng nâng lên một mặt phẳng khác, cao hơn, đụng vào trái tim người đọc, ở đây, tới ba nấc đụng, đụng vào thân phận, kiếp người rồi, chứ không phải gặp đâu ru đó như phía trên:
Ta ngồi ru mấy câu thơ
Làm con thuyền nhỏ bơ vơ trở về
Ru tình tình vẫn đang mê
Ru đời, đời vẫn tái tê nỗi đời
Ta ngồi ru với ta thôi
Lời ru mẹ dạy
ta ngồi ru ta.
Nếu các khổ trên ru cỏ ru cây ru nắng ru mưa… có hơi thơ tự sự, thống kê đồng mức thì ở phần kết, thơ hóa trữ tình ở mức sâu và nặng hơn. Thủ pháp này hay được anh áp dụng nhưng với nhiều biến hóa. Cũng là một khía cạnh tài tử tài tình. Có bài thật như phóng sự, trong chất liệu, trong giọng kể. Người đọc thú vị tiếp nhận lượng thông tin, thoáng và vui. Nhưng đến hết bài thì hóa lại ra đang tiếp nhận lượng tâm hồn, thấm thía, hàm xúc. Có bài cấu tứ kiểu định nghĩa, cứ hai câu thành một khổ, câu trước tả sự câu sau tả tâm. Xin trích, ở bài tuổi thơ, làm bằng chứng:
Tuổi thơ vùng vẫy cầu ao
Có con đom đóm bay vào giác mơ
Tuổi thơ là chiếc gầu đôi
Mẹ cha tát nước ta ngồi đếm sao
Tuổi thơ trắng chiếc khăn tang
Bom rơi nhà cháy cả làng đưa ma
Đấy là phần đóng góp làm nên nét đặc sắc dễ đọc dễ thân dễ phổ cập của thơ Lê Tiến Vượng. Nhưng để hưởng thụ được ưu điểm ấy, chúng ta cần đọc vào toàn khối bài thơ, nắm lấy ý bao quát, nhận ra cái giọng xuyên suốt của nó. Bỏ qua những du di chữ nghĩa. Lê Tiến Vượng, có lẽ do muốn đạt tính liền mạnh của hơi thơ, anh ít chịu dừng lại trong lao động chữ. Phía trên tôi dùng cụm từ “du di chữ nghĩa” là muốn nói có những chữ anh dùng như một nét nhòe của nghĩa chứ không phải nét mảnh chính xác của nó. Tôi không dám nghĩ đây là một nhược điểm vì trong nét nhòe bạn đọc có thể nhận ra nhiều nghĩa gần đúng của câu thơ. Sự tiếp nhận có thể phong phú hơn chăng. Tuy nhiên, như trong bài thơ Ru vừa nói trên, Ta ngồi ru chiếc lá đa / lại thương chú Cuội bỏ nhà đi đâu thì ba từ chiếc lá đa sợ không chính xác. Người ta có thể lẫn ý nghĩa của nó với chiếc lá đa trong câu ca Sự đời như chiếc lá đa... Vả lại lá đa thì không dính gì đến chú Cuội. Chú Cuội ngồi gốc cây đa kia mà. Giá anh viết Ta ngồi ru gốc cây đa/ Lại thương chú Cuội… thì mạch thơ tung hứng thanh thoát hơn nhiều.
Một đặc điểm trong việc tìm thơ của Lê Tiến Vượng là anh tôn trọng tính chân thật. Dù là thơ, nơi người ta nói rộng vô bờ bến tính lãng mạn, anh vẫn muốn miêu tả hiên thưc như nó vốn có. Bài Hà Nội trong tôi, chủ đề cố nhiên là ngợi ca Hà Nội, nhưng trong thân xác các câu thơ thì nó như một phóng sự nghiêm cẩn: Sông thì đục, khói thì đen / Ta hòa Hà Nội vào đêm tự tình. Đêm tự tình thì mơ mộng quá, thần tiên quá nhưng nước ô nhiễm trời ô nhiễm thì vẫn cứ phải nói là ô nhiễm. Nói, mà tự tình thì vẫn cứ tự tình. Đấy là bản lĩnh của phép trữ tình Lê Tiến Vượng. Nhà thơ phải nấu chính mình. Nấu mình, cho mình thử lửa chứ không phải nịnh mình. Phải chăng anh đã học vào cảm xúc khỏe mạnh của dân gian trong ca dao. Ca dao nịnh vợ mà dám nịnh đến thế này:
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Ngáy thì phải tả là ngáy, tượng thanh hẳn hoi o...o, gợi cảm lắm (kinh!) nhưng chồng yêu vợ lại thấy đó là du dương thì cứ nói du dương, chứ sao!
Lê Tiến Vượng quan niệm công dụng của thơ:
Thơ là thuốc chữa tin yêu
Cho bao tâm sáng ngộ điều chúng sinh
Tác dụng giác ngộ, tác dụng tỉnh thức, nhận ra khát vọng của “chúng sinh", Tìm là tìm chất thơ lớn lao vất vả của đời. Chứ không phải những giác mơ tiên, nhân tạo con con xinh xắn. Tôi nghĩ đấy là một quan niệm đúng, để thực hiên được không dễ:
Những khi trời đất đaỏ điên
Có thơ tung giấc mơ tiên...mà về
Thực thi quan niệm ấy, thơ Lê Tiến Vượng đã thu đươc một công dụng phụ, có sức hấp dẫn, ấy là tính trào lộng trong cảm xúc trữ tình. Đôi khi nhà thơ tự hạ mình xuống vì tính thật thà. Nhưng câu thơ thật thà, nhiều khi bài hước ấy lại nâng anh lên. Thế mới sướng, tác giả đứng cao hơn bài thơ:
Ví đời như giọt mắt em
Ta kẻ chết đuối vớt lên... lại chìm
Tôn trọng hiện thực trong cảm xúc, trong tư duy… đã đành, anh còn vận dụng ngôn ngữ thường ngày của đời sống thành ngôn ngữ thơ. Anh khuyên người tình:
Em à, em cứ thơ ngây
Đừng mang cái vẻ ta đây làm gì
Đâu phải Phật để từ bi
Người quê chất phác có gì dùng thôi
Cái vẻ ta đây, có gì dùng thôi nó là ngôn ngữ nói để mộc, vào đây nó lại rất nên thơ vì thơ cũng đang khuyên người yêu cứ để mộc mà sống, vôi ve vào làm gì:
Em à, hãy nhẹ nước son
Để anh tỉnh táo mà còn nhận ra.
Bài thơ đến đấy thôi. Hai câu anh viết cho đủ khổ lại phá cảm xúc.
Tính chân thật phát huy lợi thế nhất khi thơ nói về chính người viết. Giọng tự trào hồn nhiên xuất phát từ sự dám nói. Nói trong một ngày sinh nhật:
Sen từ bùn đất lớn lên
Ta từ cái khó cái hèn bước ra
Phập phù nửa Phật nửa ma
Tổ tiên phù trợ nay ta thành người
Nói, khi chính mình chạm đến tuổi già
Tuổi già đang đến thật gần
Bây giờ đến cái khóa quần cũng quên
Vào ra chẳng nhớ tắt đèn
Đêm nằm ngủ ngáy như kèn đám ma
Năm mươi bạn bảo là già
Mấy em bảo trẻ, suy ra… bình thường
Câu thơ có duyên ở cái logic “suy ra” này. Cái giọng thơ này là một thương hiệu của Lê Tiến Vượng. Nó nhất quán trong cả 150 bài tôi đọc liền hơi.
Viết cứ như đuà mà nhiều bài sâu sắc sự đời. Bài thơ về Mặt có sức khái quát xã hội:
Cùng là cái mặt ở đời
Kẻ thì gớm ghiếc, kẻ hơi bị lành
kẻ “mặt thớt" kẻ đành hanh
Mặt la mày lém, mặt xanh nanh vàng
Kẻ thì mặt đỏ như vang
mặt vàng như nghệ mênh mang cõi đời
Cùng là cái mặt thế thôi
Sao em lại cứ rạng ngời thế kia
Từ trào phúng sang trữ tình thật nhẹ nhàng. Vui, tếu mà thâm trầm. Bài thơ viết đêm trung thu, nhân trẻ con chơi trò mặt nạ. Cuối bài lại có gì thấm thía nhân tình, hỏi vào trời đất tiêu tao: Bao nhiêu là mặt, mặt nào cho ta. Bài thơ Làm vua (tr47) vừa bi vừa hài, tùy cách nhìn của bạn đọc nhưng nó là chân thực. Thực nên mới bi và cũng vì thực nên mới hài:
Cuối cùng còn một cái tên
Lưu danh muôn thuở hay quên muôn đời
Lê Tiến Vượng đã tuyên dương vua bằng giọng của hề chèo. Các bài Công sở, Chạy, Đi chợ, Làm quan… cũng có kiểu khái quát như vậy. Khái quát bằng thống kê gạch đầu dòng… mà thuyết phục. Có lẽ nó đã là những việc nhỡn tiền từng được nhiều người của nhiều thời nói đến. Hiện thực đã thành biểu tượng mà anh vốn là họa sĩ rất tài sáng tạo logo.
Giọng thơ anh là một yếu tố thẩm mỹ quan trọng. Nó nói ra được tâm trạng ẩn giấu vốn khó nói hoặc không muốn nói. Ngay trong thơ thất tình, vốn dễ khêu gợi tình cảm, anh cũng không nói quá, Mà trong đời thì nghiêm túc với khôi hài nhiều lúc lẫn vào nhau. Tình cảnh đáng khóc mà lại làm người ta cười. Dào dạt, buồn thương gì gì thì cũng cứ nói như nó vốn thế. Ấy vậy mà lại hóa ra đúng mức trong sự vui buồn. Chỗ này vốn khó. Thất tình ư. Cố nhiên buồn. Nhưng mếu máo quá thì thành hài hước, mà hùng hổ quá thì cũng vô duyên. Anh Vượng viết như tự thú. Thật thà nên dễ được chia xẻ:
Cái buồn em chẳng mang đi
Anh đành cất kỹ phòng khi em đòi
Cau vàng trầu héo khô vôi
Không em...rồi cũng có người khác em
Bồ hòn ngậm mãi cũng quen
Rượu buồn uống mãi đứng lên... lại nằm
Rượu buồn uống mãi đứng lên...đà lãng mạn ái tình đang đà bay bổng, bỗng rơi bịch: lại nằm. Đứng lên...Mà say thì... nằm. Vương tướng gì thì cũng đến thế
Cũng nên chú ý cái giọng chủ đạo của thơ Lê Tiến Vượng là hơi dân gian, bình dân. Nhưng ngay trong không gian ấy lại ủ chứa nhiều mầm suy tưởng rất hàn lâm. Gần như bài nào cũng có câu hay kiểu ấy. Đôi khi, như ở bài Tô Thị ngày nay (tr 70), 5 khổ, 20 câu, nếu chỉ tách 6 câu bút pháp “hàn lâm" ra đủ tạo nên bài nhưng ở một giọng thơ khác. Có khi lại sâu nặng hơn. Tôi nghĩ thế, Lê Tiến Vượng kiểm tra xem:
Đâu cần Xứ Lạng xa xôi
Đã bao Tô thị làng tôi chờ chồng
Chồng người về đã lên quan
Chồng mình vẫn phía non ngàn biệt tăm
Ngày nay Tô thị sao nhiều
Nào ai có thấu những chiều... Vọng phu
Nếu điều đó đúng, thơ Lê Tiến Vượng còn nhiều tiềm ẩn để biến hóa, còn đất trống, ở cả tứ lẫn tình, để hoàn thiện. Xin được gói lại trong ba chữ: Chúc mừng anh!
23-4-2019
V.Q.P.