TIN TỨC

Có một người thương binh như thế

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-07-26 09:10:25
mail facebook google pos stwis
695 lượt xem

NGUYÊN ANH

Anh, một người lính xuất thân từ một vùng quê nghèo miền Trung gió lào, cát trắng. Từ giã tuổi học trò khi đang học dở Lớp chín, trốn cha và nhờ bạn khám tuyển thay, Anh xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi, ra đi mang theo nhiệt huyết của lớp trẻ Việt Nam trong những năm đánh Mỹ:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Anh từng là người lính trinh sát rồi đặc công dũng cảm, đầy mưu trí có mặt trên các chiến trường Nam Lào, Quảng Trị Thừa Thiên Huế trong những năm chống Mỹ cam go, ác liệt nhất từ năm 1964 - 1971. Với trí nhớ đặc biệt và sự thông minh trời phú cùng với tính gan góc của người dân xứ Nghệ, Anh đã nhanh chóng trưởng thành trong chiến trận, có vai trò quyết định khi chỉ huy nhiều trận đánh trên chiến trường Trị Thiên. Cũng như bao người lính cùng thời, Anh đã nếm trải những gian khổ, hiểm nguy nơi chiến trường khốc liệt, từng vào ra sinh tử chiến đấu cùng với đồng đội.


Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu.

Anh, một người lính đã từng viết Di Chúc trong những ngày cam go ác liệt nhất, khi vừa tròn hai mươi tuổi để gửi Cha mình như một lời hứa danh dự kế thừa truyền thống gia đình, dòng họ: Sống hết mình vì Tổ quốc, quê hương. Anh đã sống và chiến đấu đúng như lý tưởng của mình, những trận địa trinh sát gay go nhất Anh đều có mặt, những trận đánh ác liệt nhất Anh đều tham gia trong vai trò vừa chỉ huy, vừa chiến đấu. Hòn tên mũi đạn chẳng chừa ai. Sau bảy năm chiến đấu, năm 1971, Anh bị thương nặng trong một trận chiến đấu ở chiến trường Đường 9 - Nam Lào. Một viên đạn của kẻ thù đã chui sâu vào lá phổi của Anh. Do bị mất máu nhiều và vết thương quá nặng, tưởng chừng không qua khỏi, anh đã nói lời trăng trối cùng đồng đội, nói lời chào từ biệt mọi người. Với tia hi vọng hết sức mong manh, đồng đội đã chuyển Anh về tuyến sau cứu chữa. Sau nhiều tháng vật lộn với tử thần, Anh đã được hồi sinh nhờ sự tận tâm của các y, bác sỹ quân y, và có lẽ cũng nhờ sự che chở của Tổ tiên linh thiêng hướng tới người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Đình. Anh được chuyển về Quân y viện 108 với một cơ thể suy nhược, gầy gò, nặng chỉ còn 36 kg, và không thể tự phục vụ được mình, cùng với viên đạn nằm vĩnh viễn trong cơ thể. Tỷ lệ thương tật của Anh lên tới 63% ( sau này cộng thêm 35% nhiễm chất độc da cam ). Tính ra, Anh đã để lại nơi chiến trường phần lớn sức khỏe của mình. Anh trở thành một thương binh! Hồi đó, Anh có thể được giải ngũ trở về quê hương như bao nhiêu người thương binh khác. Thế nhưng, Anh vẫn muốn được tiếp tục theo đuổi con đường binh nghiệp mà Anh đã lựa chọn. Phải chăng, đây là số phận của Anh? Anh đã chọn binh nghiệp hay binh nghiệp lựa chọn Anh - một con người TRÍ DŨNG SONG TOÀN.

Rời chiến trường, Anh được điều về công tác ở Cục Chính sách TCCT. Cố quên đi những nỗi đau đớn của thương tật, bằng ý chí, nghị lực và sức trẻ , anh đã miệt mài làm việc và hối hả học tập như để bù đắp lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường đã phải gác bút nghiên. Khi không còn tuổi học sinh nữa, Anh tham gia học bổ túc văn hóa. Mặc dù nghỉ học đã ngót mười năm, nhưng khi đi học lại bổ túc chương trình Cấp ba, Anh đã đọat giải trong kỳ thi học sinh giỏi Toán BTVH của Thủ đô Hà Nội. Thật đáng nể cho trí tuệ và ý chí của Anh. Sau đó, Anh đã bền chí học hành có hai tấm bằng tốt nghiệp đại học ở Hà Nội

Trên chặng đường công tác của mình, Anh đã trải qua nhiều cương vị khác nhau: Là Cục trưởng Cục Chính sách TCCT; là Phó hiệu trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1; Là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng… Ở cương vị nào, Anh cũng cống hiến hết mình và để lại dấu ấn đặc biệt cùng với sự tin tưởng của cấp trên và lòng kính trọng, khâm phục của anh em, đồng đội.

Về tài năng, đức độ và cống hiến của Anh trong chặng đường Binh nghiệp thì đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng cấp bậc quân hàm Trung tướng và các tấm huân chương Chiến công, Quân công cao quý. Một sự đánh giá công lao xứng đáng và một vinh dự lớn lao không chỉ cho cuộc đời Anh mà còn là niềm kiêu hãnh, tự hào cho Gia đình, Dòng tộc, Quê hương. Điều tôi muốn nói tới trong bài viết này là sự trọn nghĩa, vẹn tình của Anh - một người thương binh đối với đồng chí, đồng đội và quê hương.

Là một người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường , từng vào ra sinh tử nơi trận mạc, Anh hiểu những mất mát đau thương cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người lính. Do vậy, Anh đã tham mưu và đề đạt nên những chính sách thích hợp và thỏa đáng cho những người có công với cách mạng. Trong đó, không thể không nhắc đến việc phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Một việc làm hết sức cao cả, có ý nghĩa nhân văn, thể hiện được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sống trọn nghĩa thủy chung của dân tộc ta, góp phần xoa dịu nỗi đau cho các Mẹ và hương hồn các liệt sĩ.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng trong Anh luôn khắc khoải nỗi đau đớn, xót thương những người đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Anh đã gửi lòng mình vào những lời thơ như xé ruột trong những trang thơ viết về đồng đội:

.

Đất nước ta bao năm ròng binh lửa

“Ai đếm nổi khăn tang

Ai đong màu chiến trường”

Ai tính hết số làng quê chìm dưới đạn bom

Chiến thắng- hi sinh, quyện hòa cùng lịch sử

.

Bao mẹ già đau đáu ngóng tin con

Người vợ trẻ trông mong chồng mòn mỏi

Biết bao người ra đi

Xiết bao người chờ đợi.

Chiến thắng rồi...

Ngày đoàn tụ lùi xa!

(Trích “Đất nước ta”- In trong tập Một chữ tình).

Đồng đội có thấu cho chăng, Anh đã giải tỏa nỗi day dứt, nhớ thương của mình vào hồn cốt từng bài thơ như chuyển lời tri âm tới hương linh các anh hùng, liệt sĩ.

Khi đã nghỉ hưu, Anh vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi, Anh lại miệt mài “cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa” để sáng tác văn chương. Chỉ trong mấy năm mà Anh đã cho ra đời hai tập thơ với hàng trăm bài thơ để trải lòng mình với anh em, bè bạn. Anh đã ôn lại những năm tháng trong cuộc đời binh nghiệp bằng tập hồi ký : “Những nẻo đường thời gian” như những lời ghi nhớ công lao và tri ân đồng đội. Để quê hương không lãng quên những người có đóng góp nhiều cho Cách mạng, Anh đã tẩn mẩn sưu tầm và viết về “Những tướng lĩnh, anh hùng quê hương Nghi Lộc - Nghệ An”.

Anh còn thể hiện những quan điểm, những chính kiến sâu sắc của mình về nhân sinh, thế thái qua những bài viết trong tập "Suy ngẫm Luận bàn”. Không chỉ dừng lại ở đó, Anh còn tham gia thẩm bình, đánh giá các tác phẩm văn chương một cách hết sức xuất sắc. Thật đáng kính nể cho năng lực và cường độ làm việc của một thương binh như Anh!

Chiến tranh đã lùi xa, Anh đã từ giã cuộc đời binh nghiệp trở về nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Nhưng di chứng của chiến tranh vẫn còn hằn sâu trên cơ thể Anh. Đó là nỗi đau nhức nhối do vết thương hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời, khiến Anh nhiều đêm thao thức không ngủ:

Em hỏi, đêm qua ngủ được chăng

Anh rằng, vẫn vậy suốt bao năm

Mỗi bận trở trời y chang thế

Vết thương lại nhức- thức tròn canh !

.

Thỉnh thoảng trở trời , chẳng có sao

Đã quen nhức nhối vết thương đau

Nhớ bao đứa bạn cùng trang lứa

Chẳng có ngày về- để thức đâu !

(Đêm không ngủ)

.

Anh hình như đã quên đi tỷ lệ thương tật và tỷ lệ mắc chất độc da cam trong cơ thể mình để vui sống và tiếp tục làm việc trong quãng đời còn lại. Trong tâm niệm của Anh: So với đồng đội mình còn may mắn hơn nhiều. Như Anh đã thổ lộ trong một bài thơ: «Thuở cả nước hành quân ra trận- Mất mát hi sinh đâu chỉ có riêng mình». Nghĩ sao làm vậy. Anh đã sống với cái tâm coi trọng ân nghĩa bằng tất cả sự thủy chung với quá khứ, với đồng đội. Điều đó được thể hiện bằng hành động đáng trân trọng ở Anh là những chuyến viếng thăm thường xuyên hàng năm của Anh tới các Nghĩa trang liệt sĩ, tới những nơi mà Anh đã từng tham gia chiến đấu. Anh muốn hàng năm được tới viếng thăm đồng đội như một sự trả nghĩa cho đời và tri ân đồng đội. Giờ đây, đã bước qua tuổi “cổ lai hi”, nhưng trong những ngày hè nắng như đổ lửa, gió lào hầm hập như thiêu đốt, không quản ngại đường sá xa xôi, Anh vẫn tiếp tục rong ruổi vào miền Trung, tới nghĩa trang Việt Lào, nghĩa trang Trường Sơn hay đi thăm lại chiến trường Thừa Thiên. Người người đã nghẹn lòng khi nghe đọc những lời văn khấn anh linh đồng đội từ tâm mình viết ra :

Mấy mươi năm sinh tử biệt ly

Đôi ngả âm dương cách trở

Vĩnh hằng đồng đội thấu chăng

Ân tình khôn bề giải tỏ

.

Xin cúi mình tưởng nhớ tri ân

Đồng đội một thời binh lửa

Hỡi vong hồn liệt sĩ anh linh

Tình nặng nghĩa sâu

ngàn sau còn đó

.

Kính cẩn dâng hương.

(Trích: «Văn tế các liệt sĩ ....»

Động lực nào đã tạo nên sức mạnh như vậy cho một người thương binh? Phải chăng, đó là ý chí, là bản lĩnh của người lính chiến xông pha trên chiến trường năm xưa cộng với tình người mang nặng ân nghĩa với cuộc đời. Cho nên, Anh muốn sống hết mình để trả nghĩa cho Đời. Để xứng đáng với sự hi sinh của lớp lớp đồng đội đã đổ xương máu cho Độc lập của Tổ Quốc hôm nay.

Anh rời xa quê khi chỉ mới tròn 16 tuổi, là một thương binh đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho đất nước trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước… Ngót 60 năm xa quê, nhưng lòng Anh vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ, day dứt khi nghĩ về vùng quê nghèo khó của mình. Anh vẫn băn khoăn mình chưa đóng góp được gì cho quê hương. Anh thương những đứa trẻ vùng thôn quê không đủ sách vở tới trường nhưng vẫn ráng vươn lên học hành chăm chỉ. Trong mỗi chuyến trở về thăm quê, nhìn lại mái trường xưa, Anh như thấy lại tuổi thơ của mình. Để khơi dậy lòng hiếu học cho các cháu học sinh, Anh đã dùng 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm của mình để lập Quỹ khuyến học mang tên Anh, gửi cho trường Tiểu học xã nhà. Nghĩa tình sâu nặng của Anh dành cho quê hương thật đáng trân trọng !

Người Thương binh đó không những tài năng và nghị lực mà anh còn là một con người LỊCH LÃM, HÀO HOA, VĂN VÕ SONG TOÀN. Anh, một người lính- một vị Tướng phong trần, lãng tử lại giỏi văn thơ, đàm luận thì khúc triết, sâu sắc, nói năng thấu tình, đạt lý. Ai đã tiếp xúc với Anh thì khó có thể không ấn tượng về Anh. Hơn nữa, ở Anh lại còn có cách sống quan tâm chu đáo tới mọi người, sống vô tư, hết mình, chí tình chí nghĩa, giàu lòng trắc ẩn.

Tôi thực sự khâm phục Anh - Một thương binh giàu ý chí và nghị lực, sống xứng đáng với danh hiệu Anh bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với gia đình, dòng họ giàu truyền thống yêu nước từ bao đời nay.

Người thương binh đó là: Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, người Nghi Lộc quê tôi.

Nhân Ngày 27/7, xin chúc Anh mạnh khỏe, hạnh phúc!
 



 

ANH, NGƯỜI CHIẾN SĨ NĂM XƯA

(Thơ: Nguyên Hùng - Nhạc: Đỗ Tiến Lập - Thể hiện: NSƯT Vũ Tiến Lâm)


Dựng clip: Nguyên Hùng.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vu vơ ngày cuối tháng Ba – tản văn của Võ Thị Như Mai
Cuộc đời tôi, dẫu có những ngày lặng lẽ bước qua những con đường cũ, vẫn là một khu vườn đầy ắp màu sắc - có cả xanh tươi của hy vọng, cả vàng úa của hoài niệm, nhưng quan trọng nhất, vẫn còn đó những chồi non kiên trì vươn lên sau mỗi lần đổi thay.
Xem thêm
Hélène – con gái ông Tây Việt Minh
Bài của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Cô bé và đóa hoa hồng – Tạp bút của Võ Đào Phương Trâm
Chiếc xe đạp lộc cộc băng qua con đường đông đúc, lách qua những làn xe liên tục của Sài Gòn, cái dáng mỏng manh, độ chừng mười hai tuổi, bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng, nghe cót két, hình như chiếc xe bị hư gì đó nên thấy nó đạp một cách cực nhọc hơn bình thường.
Xem thêm
Thành phố của lòng nhân ái - Ký của Nguyên Hùng
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Về Tiên Động nhớ Ngư Phong – Nguyễn Quang Bích
Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm