- Lý luận - Phê bình
- Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Tác phẩm đã khắc họa một con người triết học đơn độc, với những chiêm nghiệm về sự sống và cái chết, với nỗi chơi vơi trong sự hiện hữu của chính mình, khắc hoải về bản ngã và ái ngại về tha nhân. Đọc Người xa lạ bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh để lắng nghe lời thỏ thẻ của cuộc đời phi lý, thấu hiểu về cõi người và để thấy rằng Camus đã tạo ra một thế giới mà trong đó, tồn tại không chỉ là một sự thật tối thượng mà còn là một vấn đề đầy nghệ thuật và triết lý.
Cuộc đời phi lý: Chấp nhận hay phản kháng?
“To be, or not to be?” (W. Shakespeare) – “Tồn tại hay không tồn tại?” là câu hỏi cứ bảng lảng, rập rờn trong từng câu chữ, từng trang viết của Camus. Tác phẩm của ông lột tả chân thật đến rợn ngợp trải nghiệm của những cơn khủng hoảng thân phận của con người trong một cuộc đời phi lý, một xã hội phi lý. Trong tình thế đó, sự từ chối từ cộng đồng hay từ chối chấp nhận chính mình chính là sự triệt tiêu bản thể, tạo nên những thổn thức hiện sinh. Với “cái chết của bản thể”, con người trở thành thứ trùng khít với cái biểu nghĩa (signifier), như thể ký hiệu cho một sinh thể sống vì đã bị tước bỏ hoàn toàn những giá trị người. Bấy giờ, cái chết tự nhiên đối với họ như là đoạn kết tất yếu, là một sự giải thoát khỏi bi kịch của sự vong thân, vong bản. Cuộc kiếm tìm bản thể và khẳng định sự tồn tại, khẳng định quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc trong Người xa lạ được kể với một thứ văn xuôi rõ ràng, thoát thai từ nhiều chiều kích của ngôn ngữ, được rèn giũa tỉ mẩn đến độ không còn thấy dấu vết của sự dụng công nghệ thuật nào.
Chủ nghĩa phi lý (absurdism, đối lập với rationalism – chủ nghĩa duy lý) là một đặc trưng của chủ nghĩa hiện sinh. Các nhà hiện sinh coi mọi tồn tại đều là phi lý. Nếu Soren Kierkegaard cho rằng sự phi lý của một số sự thật tôn giáo (religious truths) đã ngăn cản chúng ta tới gần Thượng Đế, Jean-Paul Sartre nhận thức sự phi lý trong các kinh nghiệm cá nhân (individual experiences) thì Albert Camus được nhắc đến với sự “nghịch lý của phi lý” (the paradox of the absurd). Sự hiện diện của con người, ngay từ bản chất, được coi là một hiện tượng phi lý. Mỗi cá nhân chỉ đơn thuần được “ném” vào thế giới, tồn tại tại thời điểm và không gian cụ thể này, mà không có một ý định rõ ràng hay lý do chính xác cho việc đó.
Đối với Mersault, bản thân xã hội, cuộc đời và những hệ thống của nó không hoàn toàn phi lý. Ngay từ đầu, nhân vật vẫn là kẻ tuân thủ những quy ước cộng đồng khi tham gia vào vòng quay lao động, sinh hoạt, tang ma, ái tình,…, thậm chí đến lúc bị tống giam, kết án, anh ta vẫn biết rõ: mình mang tội. Là nghịch lý của phi lý, nên chính trong sự bình thường ấy, Meursault được khắc họa là một người thậm chí dửng dưng trước tin mẹ của mình qua đời; đi tắm biển với người tình rồi “ngẫu nhiên” phạm tội giết người. Một vụ hạ sát hoàn toàn vô nghĩa, không có động cơ cụ thể. “Bị kết án giết người nhưng xử tử vì tội không khóc trong tang lễ của mẹ thì quan trọng quái gì?” Ngay cả khi đối diện với án tử, Meursault cũng chỉ mong có thật nhiều người tới xem buổi hành hình và chửi rủa.
“… Mẹ đã luôn nghĩ thế và nhắc đi nhắc lại rằng, rốt cục người ta cũng phải thích nghi với mọi thứ” – lời của mẹ Mersault được anh nhớ lại trong thời khắc đã phải ở trong tù như một sự chấp nhận thực tại, chấp nhận sự phi lý của thực tại. Mọi sự phủ định và phản kháng của nhân vật chính, cũng như mọi tội lỗi của anh ta, bắt nguồn từ việc chính anh đã từ chối tham gia vào “trò chơi cuộc đời”. Trò chơi đầy nghiệt ngã và giả dối đó cần có luật lệ để vận hành, nhưng Meursault lại không thể hiểu được chúng. Hoặc có thể anh hiểu, nhưng lòng yêu sự sống chân thật đến tuyệt vọng, chán ngán của anh không thể hoà nhập vào. Với anh, quyền lựa chọn không chỉ riêng ý thức mà còn là một sức mạnh của vô thức, một nguồn động lực mạnh mẽ ẩn tàng. Trong cuộc vẫy vùng khỏi vòng xoáy phi lý của cuộc đời và con người, Mersault lạc lõng và cô đơn ngay giữa cộng đồng người quanh anh. Sự cô đơn của một thân thể trần trụi với nỗi khắc khoải về sự hiện hữu nguyên khôi của chính mình.
Tác giả Giàu Dương
Chọn lựa và tự do
Trong mọi lựa chọn của đời mình, Meursault luôn trung thành với quyền chọn lựa cá nhân. Với anh, mọi sự áp đặt từ bên ngoài trở nên không có ý nghĩa, thậm chí bị phủ nhận bởi sự hoài nghi sâu sắc về mục đích của chúng. Meursault cho rằng chân lý có thể chỉ thuộc về cá nhân, được xây dựng từ kinh nghiệm thực tế, không chỉ là các quy tắc của một tổ chức hay chế độ. Anh chính là một con người tự do tuyệt đối với những lựa chọn của riêng mình.
Có thể nói, sự hoài nghi, chối từ của Meursault đối với những điều được xem là lớn lao của con người: hôn nhân, đạo đức, pháp luật… là biểu hiện cho ý niệm trở thành một bản thể tự do, một khát khao giải phóng con người khỏi những rào luật và định kiến. Hành động phạm tội của Meursault không chỉ đơn thuần là biểu thị tội ác. Bên cạnh sự phản kháng, đó còn là lựa chọn của một hữu thể nhỏ nhoi chống chọi lại với “ách phi lý” của cuộc đời.
Meursault không có đức tin, hoài nghi con người và từ chối cộng đồng. “Ngày hôm nay thế là xong hết rồi, anh phản Chúa ạ”. Anh duy chỉ tin vào tự do và lựa chọn của riêng mình. Thế nên suy cho cùng, khi bị buộc mất đi tự do vì tội lỗi, anh đã nhận ra hình phạt của mình, cái chết đã hiện rõ và bản án đã ở ngay trước anh,, trước cả khi bị kết án bởi phiên tòa. “Tôi từng đọc nhiều rằng, ở trong tù người ta rốt cục sẽ mất đi khái niệm thời gian. Nhưng chuyện đó chẳng liên quan lắm đến tôi. Tôi từng không hiểu làm sao một ngày lại có thể vừa ngắn vừa dài. Dài hẳn nhiên để sống, nhưng đằng đẵng tới độ ngày nọ tràn lên ngày kia thì chúng đã mất đi ý nghĩa. Tôi chỉ còn khái niệm về ngày hôm qua và ngày mai nữa thôi”.
Tự do theo triết lý hiện sinh được hiểu là khả năng lựa chọn chủ quan của cá nhân, không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào từ bên ngoài. Đây là sự tự do tuyệt đối, không bị chi phối bởi phong tục, tập quán, giá trị đạo đức, hay các quy tắc xã hội. Trong bối cảnh triết lý hiện sinh vô thần, không có Thượng đế để định hình hành vi hoặc quy định đạo đức con người, tạo điều kiện cho sự tự do tuyệt đối trong mọi tình huống. Meursault là một con người như thế. Anh không đặt bất kỳ nguyên tắc nào lên quyết định của mình. Sự suy ngẫm của Meursault về tự do không phụ thuộc vào những giá trị ngoại vi, mà thay vào đó, anh tìm kiếm sự tự do từ bên trong, gắn chặt với những lo âu, trăn trở của bản thể.
Quan điểm tự do theo triết lý hiện sinh là quan điểm tự do cá nhân cực đoan, không bị ảnh hưởng bởi người khác hay các yếu tố xã hội. Những lựa chọn gắn với tự do của Meursault thường đi kèm với sự cô đơn và trăn trở về ý nghĩa của cuộc sống. Anh không chấp nhận một cái nhìn lạc quan, mà thay vào đó, thường xuyên nhìn nhận thế giới xung quanh một cách bi quan, từ chối ý tưởng về hạnh phúc và một thực tại ngập tràn ý niệm vô nghĩa, trống rỗng.
Memento mori[1] – hãy nhớ mi sẽ chết!
“Hình như tôi đã hiểu ra vì sao đến cuối đời, mẹ lại kiếm cho mình một “bạn đời”, vì sao mẹ lại muốn khởi sự tất cả một lần nữa”… Tôi chỉ còn mong mỏi có thật nhiều khán giả tới xem buổi hành hình và chửi rủa, để tôi không cảm thấy lẻ loi, để mọi điều trọn vẹn”. Mỗi một thời khắc hiện hữu, mỗi một sát na ta sống đều xứng đáng được trân trọng. Chính vì cuộc đời đã phi lý ngay từ khi con người được sinh ra, nên thay vì buông xuôi nó, chống cự nó, ta chấp nhận và “hòa giải” với nó. Những chiêm nghiệm về cái chết trong Người xa lạ cho người đọc cái nhìn vô cùng chân thật về một cõi tha nhân hỗn độn và bất khả tri. Vậy, liệu cuộc sống này có ý nghĩa khi chúng ta bị bao phủ bởi sự phi lý? Meursault đã trải qua những khoảnh khắc hoàn toàn lạc lõng, ngay giữa những con người (tưởng chừng là thân thuộc), trên mảnh đất quen thuộc – quê hương của mình. Khi chấp nhận cái chết như một phần không thể tránh khỏi của số phận, những suy tư của anh ta cho người đọc cảm thức về sự tái sinh bởi cuộc quay về với bản thể sơ nguyên nhất của con người. Dường như tồn tại không gì khác hơn là khả năng quay trở về với bản ngã và khởi nên ý niệm về một thế giới nguyên sơ.
Meursault không chối bỏ cái chết, mà chấp nhận nó như một điều không thể tránh khỏi và nhìn nhận nó một cách hết sức bình thản. Sự nhận thức về cái chết đã dẫn Meursault vượt lên trên xã hội nhưng cũng khiến anh ta trở nên xa lạ với xã hội. Chính trong những thời khắc ấy, Meursault cũng nhận ra sự lạnh lùng của thế giới. Anh ta thấu hiểu rằng, cũng giống như bản thân mình, thế giới này không tránh được sự phán xét, không kiểm soát được những biến cố của cuộc sống con người. Tuy vậy, Meursault không chìm đắm trong tuyệt vọng với số phận của mình. Điều cuối cùng anh ta trải nghiệm “Trước cái đêm đầy sao và những dấu hiệu khác thường, lần đầu tiên tôi mở lòng mình trước sự vô tình êm ái của thế giới. Và, cảm thấy thế giới cũng giống như tôi, như anh em với tôi, tôi thấy tôi đã hạnh phúc và vẫn đang hạnh phúc.”
Nhân vật tự đặt mình nằm ngoài những vòng tròn của tha nhân, những cuộc đối thoại đầy nhiệt thành của tập thể. Chọn lựa ấy, khiến anh cũng trở thành người vắng mặt trong chính phiên tòa xử tội mình. Cái phi lý, một lần nữa, lại dấy lên bi kịch của tình trạng mất tiếng nói trầm trọng khi con người đã trở nên xa lạ ngay bên cạnh đồng loại. “Theo một cách nào đó thì có vẻ như người ta đang xử lý vụ này mà không có sự tham gia của tôi. […] Song nghĩ cho kĩ, tôi chẳng có gì để nói cả”. Một bản án vắng mặt dành cho một cuộc đời đã tự phân tách mình khỏi một cộng đồng mà anh ta không còn đức tin, không còn cảm hứng và hoàn toàn mất khả năng đối thoại. Phải chăng ấy cũng chính là cái chết, một cái cúi đầu truy điệu cho sự vong bản của một con người.
“Trên đời chỉ có những kẻ được hưởng đặc quyền. Những kẻ khác, một ngày nào đó cũng sẽ bị kết án”. Văn chương Camus vì thế là một trò chơi, một cái cười khẩy, một sự phản kháng, chống trả với những khắc nghiệt của cõi trần ai bằng một thế giới hoang tưởng ngập tràn ý niệm về sự phi lý. Mỗi nhân vật là một âm bản, mỗi trang viết là một lát thái ngang cuộc đời, mỗi câu thoại là một lần nhân vật được mổ xẻ, phơi ra những chấn thương, đau đớn đến kiệt cùng của một kiếp người. Vậy phải chăng đi đến tận cùng cố niệm của sự hiện hữu là một cách buông bỏ triệt để, chữa lành sâu gốc cho những hữu thể chằng chéo những vết xước của cuộc sinh tồn? Hay là một cái cúi đầu truy điệu những bản thể đã vong thân ở phía xa xăm, nơi không còn nhìn thấy nữa?
Song, bạn đọc nên chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng và một tinh thần tỉnh táo khi đến với vũ trụ của Người xa lạ, nghĩa là không để những phi lý, những ảm đạm của tội lỗi và cái chết trùm lấy tâm hồn. Bởi lẽ bên cạnh phơi lộ lương tâm của con người, đặt sự tồn tại của con người rọi dưới ánh sáng của triết học, chủ nghĩa hiện sinh cũng rất dễ dẫn đến những “con đường lầm lạc”. Chính vì vậy, độc giả cần nâng tầm đón nhận, trang bị cho mình những “màng lọc” để chắt chiu lấy tinh hoa của một tác phẩm vừa gây sững sờ, kinh ngạc, vừa xoa dịu và nâng đỡ con người.
Giàu Dương
[1] Memento mori là một câu thành ngữ, tiếng Latin có nghĩa là “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết”, là một lời nhắc nhở mang tính nghệ thuật hoặc biểu tượng về việc không thể tránh khỏi cái chết. Thời La Mã cổ đại, câu này được nói trong buổi lễ long trọng đón những người chiến thắng trở về. Ngồi sau lưng vị tướng thắng trận trở về là một nô lệ có nhiệm vụ thường xuyên nhắc cho người chiến thắng biết rằng dù vinh quang có lên đến tận mây xanh thì cũng đừng quên rằng anh là con người và anh sẽ phải chết.