TIN TỨC
  • Truyện
  • Mưa nguồn | Trầm Hương

Mưa nguồn | Trầm Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-26 17:31:28
mail facebook google pos stwis
605 lượt xem

TRẦM HƯƠNG

LTG: Trong hàng chục truyện ngắn, ngồi đọc lại, tôi chợt có ý định gởi truyện Mưa nguồn cho Văn nghệ. Đây không phải là truyện được giải thưởng, hay nhất của tôi mà là truyện ít người biết đến nhưng đọc lại tôi luôn có cảm xúc kỳ lạ. Mảnh vườn của nội, ký ức tuổi thơ luôn đi theo suốt cuộc đời tôi. Tôi chợt nhìn thấy bà nội như đang sống dậy. Bà nhìn tôi bằng ánh mắt năm xưa. Ánh mắt của bà nhắc tôi một nỗi buồn vạn thuở. Con người không có gì bất hạnh hơn mất gốc. Có nỗi buồn nào sâu thẳm hơn sự diệt vong!

Nước mưa ra biển lại quay về nguồn …”

Chỉ mới vài thập kỷ trôi qua mà cuộc sống đã thay đổi đến thế sao? Ngày ấy tôi có cả một khu vườn tuổi thơ. Cứ mỗi độ hè về, những cơn mưa đầu mùa tưới mát đất đai, khu vườn cằn cỗi của nội bỗng bừng lên sức sống. Những nõn lá xanh như ngọc. Ôi, tôi đã từng ngẩn ngơ vì màu xanh tràn ngập sức sống ấy. Tiếng dế kêu râm ran trong khu vườn, những con bọ rầy xoè cánh. Nội tôi cũng như những cành cây khẳng khiu kia, chợt sống dậy với những tất bật ngày mùa. Bà mang những hạt giống cất giữ trong bồ ra phơi. Bàn tay chai sần của bà chắt chiu từng hạt nẩy mầm. Bà cho tôi tha hồ bắt dế dưới những gốc cây được ủ bằng rơm mục ải nhưng rất phẫn nộ nếu như tôi dùng sào đập những cành cây tìm bù rầy, làm rơi những nụ non. Bà khẩn khoản giằng lấy cây sào từ tay tôi: “Đừng làm đau lá, tội chết!”. Anh tôi đang nằm trên bộ ván bóng ngời đọc sách kiếm hiệp, bĩu môi: “Tội, tội cái con... Bà thì cái gì cũng tội!”. Nội không nói gì, giở kính ra lau, chợt thở dài: “Phải chi hai anh Đông, Tây tụi bây còn sống!”. Anh tôi cười nhạo: “Con cá mất bao giờ cũng là con cá to!”. Bà nhìn anh tôi, phẫn uất, bất lực. Anh tôi luôn cho bà là lẩn thẩn. Bất cứ điều gì trên đời bà cũng cho là thiêng liêng, quan trọng. Còn bà cho anh là “thằng người không có trái tim” vì không có gì là anh không báng bổ, chế nhạo. Lúc ấy sấm đầu mùa rền vang. Nước mắt nội lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, mà tay vẫn thoăn thoắt lựa hạt.

Anh tôi đích thực là một “thằng không có trái tim”, chỉ chực nhận lấy những gì ngon và tốt nhất, không loại trừ cả khi anh cướp giật từ tay hai anh Đông, Tây. Tôi là một con bé vô tích sự, mảnh khảnh như tăm nhang, hay mơ mộng. Còn hai anh Đông, Tây dường như được sinh ra từ thế giới huyền bí, xa xăm khác. Nội kể hai anh sinh bọc điều. Bà mụ mở bọc và hai bé trai kháu khỉnh cất tiếng khóc chào đời. Cô tôi vì không chịu nổi đau khổ triền miên chờ người thương với cái thai hoang, chết ngay sau lúc sinh con. Nội nuôi hai anh bằng những bữa bú thép, nước cơm và đường tán. Hai anh lớn thêm chút nữa, bà nhai cơm mớm. Hai anh giống nhau như đúc, chỉ có nội là phân biệt được Đông, Tây. Khi các anh lớn lên, tôi còn bé lắm. Hai anh cưng chìu tôi rất mực, nhưng xa lạ và dè chừng với anh tôi. Tính cách những đứa cháu của nội ngay từ hồi còn bé đã trái ngược nhau. Hai anh Đông, Tây thông minh; siêng năng, học giỏi và ngoan ngoãn bao nhiêu thì anh tôi dở tệ bấy nhiêu. Hai anh giúp nội vun đắp khu vườn. Hè về, hai anh lại đào giếng nước, giúp bà ươm cây, bứng cây con trồng vào những chỗ bị khuyết. Hai anh chăm chút từng chiếc lá, từng nhánh hoa. Khu vườn vì thế thật chỉn chu, xanh biếc, sực nức hương hoa. Mỗi khi phát hiện ra cây có trái chín đầu mùa, hai anh vui mừng hái cho nội. Mắt nội sáng lên niềm hạnh phúc khó tả. Bà đặt dĩa trái cây đầu mùa lên bàn vọng thiên, đốt nhang tạ ơn trời đất. Khi nhang tàn, bà đem trái cây phân phát cho lũ cháu. Lẽ tất nhiên anh tôi nhận được phần ngon và nhiều nhất rồi đến tôi. Và hai anh Đông, Tây nhận lấy những quả đèo đẹt cuối cùng …

“Ngoại ơi, ba con bây giờ ở đâu?!”. Hai anh Đông, Tây thường hỏi nội như thế. Tình yêu của bà không khoả lấp được nỗi trống vắng trong lòng hai anh. Từ nơi sâu thẳm, tiếng gọi cội nguồn vẫn da diết, thôi thúc các anh tìm đến một người cha. Nội gạt nước mắt, nhìn xa xăm vào màn đêm, mơ hồ nói: “Ba của tụi con bây giờ ở xa lắm. Đó là một người tài giỏi nhưng … không sống được ở đây. Cái đầu của người ấy được treo giá một ngàn cây vàng. Thương nội đừng hỏi về người ấy nữa. Hãy giúp bà chăm sóc khu vườn vì nó là tương lai của các con!”. Nội né tránh nhưng từ nơi sâu thẳm, tiếng gọi cội nguồn vẫn da diết, thôi thúc các anh đi tìm một sự thật về người cha của mình. Tôi ngày ấy còn bé lắm nhưng vẫn bắt gặp ngọn lửa lấp lánh khát vọng trong mắt hai anh. “Người phía bên kia”, lệnh truy nã đầu dượng được treo giá “một ngàn cây vàng”… Ôi, những điều răn đe, cấm kỵ mơ hồ ấy sao mà quyến rũ hai chàng trai mới lớn. Hình ảnh dượng tôi đã trở thành huyền thoại đầy sức hấp dẫn. Bất chợt một ngày các anh không về nhà. Nội cuống lên. Bà đến trường hỏi thăm thầy giáo, từng đứa bạn Đông, Tây rồi trở về nhà đốt nhang cầu khẩn Trời Phật. Rồi cũng thật bất chợt, hai anh trở về nhà mang lại cho nội niềm vui và hy vọng. Hai anh hát luôn miệng, những câu hát lạ. Ngực hai anh cuộn vòng, những nhát cuốc bổ xuống vườn hăm hở, mắt hai anh rực lên những tia sáng kỳ lạ…

Ba mẹ tôi không hề biết những gì đã diễn ra trong khu vườn của bà, bởi ba mẹ có cơ ngơi riêng và luôn bận rộn. Ba mẹ dành cho nội quyền quản lý khu vườn. Bà cuốc xới, trồng tỉa, để khi đến mùa, bà kiêu hãnh cầm trên tay những trái cây bụ bẫm, sắp vào từng cần xé cho thương lái mang đi. Sau đó bà cầm những nắm tiền phân phát cho chúng tôi nhân năm học mới. “Cái này cho thằng Đông, Tây, con Muỗi tiền mua cặp, thằng Tống tiền mua quần…”. Hai anh Đông, Tây không bao giờ đòi hỏi nội cho thêm, cầm những đồng tiền trịnh trọng, lặng lẽ bỏ vào con heo đất. Tôi mừng rơn đi mua sắm những gì tôi thích. Còn anh tôi bao giờ cũng nhèo nhẹo xin thêm. Tôi giống anh tôi ở tật xài tiền vô tội vạ. Hai anh Đông, Tây có nhiều tiền để dành vì hai anh ít khi cần đến những thứ xa xỉ mà chúng tôi cố giành cho được. Thậm chí, con heo đất của hai anh bị anh Tống tôi khoét một lỗ to dưới đít và bị “rút ruột” đến tàn nhẫn. Hai anh dù điếng người thất vọng cũng không hề hô hoán lên để bà phân xử. Và tôi bỗng ngạc nhiên vì sự thay đổi của hai anh. Nếu trước đây hai anh hờ hững với tiền thì giờ đây hai anh rất cần tiền. Bà mua sắm cho anh rất nhiều thứ, không phải sách, vở, bộ đồng phục, giày bata… mà là những bộ quần áo bằng nilông dầu, những tấm võng cũng bằng nilông. Hành vi của nội tôi cũng khác. Nội chăm chút cho hai anh từng ly từng tý, thể như không còn dịp nào để thể hiện tình thương bà cháu nữa. Nội rất vui mà cũng rất dễ buồn, có lúc nội chợt ngồi thừ, vẻ lo lắng, suy tư hiện trên nét mặt. Lúc ấy, tôi nhận ra nội già đi thêm nhiều tuổi…

Rồi hai anh Đông, Tây ra đi…

Tôi còn nhớ mãi đêm trăng sáng ấy. Tôi nô đùa cùng hai anh bên vuông sân đầy hoa mẫu đơn. Những bông hoa trắng tinh dưới ánh trăng bàng bạc. Hai anh ôm lấy tôi, cù vào nách tôi, khiến tôi bật cười lên khanh khách. Hai anh hôn chùn chụt lên mái tóc còn non tơ của tôi, thể như sẽ không bao giờ được hôn tôi nữa. Tôi còn quá bé làm sao hiểu được sự thân ái khác thường ấy. Hai anh trao cho tôi con heo đất mới tinh, rủng rẻng những đồng tiền, cười thật dễ thương: “Bé Muỗi để dành tiền trong con heo này để lấy chồng. Chừng nào hai anh trở về em mới được đập con heo dất, đừng khoét đít rút ruột nó sớm mà tội nghiệp, nghen em!”. “Hai anh đi đâu mà phải trở về?!”, tôi cầm con heo đất, tròn mắt nhìn hai anh. Hai anh Đông, Tây vội trả lời tôi: “À hai anh đi học xa, trên tỉnh ấy mà…”. Tôi ngoan ngoãn dúi đầu vào lòng hai anh: “Ứ, ừ, em sẽ để dành con heo đất, không phải lấy chồng mà để tiền cho hai anh mua sách”. Hai anh Đông, Tây ôm chầm lấy tôi, hôn lên má tôi trìu mến. Tôi thiếp đi trong lòng hai anh tự lúc nào, trong tiếng dế kêu râm ran, tiếng vạc sành nỉ non trong vườn, thoảng hương hoa bưởi, hoa chanh và những đoá mẫu đơn... Tôi tỉnh dậy trên chiến giường quen thuộc của mình. Vứt tung mùng mền, tôi thảng thốt gọi: “Hai anh Đông, Tây ơi!”. Không có tiếng trả lời. “Hai anh ơ…i!”. Nội từ gian bếp đầy khói bước đến bên tôi, mắt đỏ hoe. Giọng bà nghèn nghẹn, vẻ nghiêm trọng, thì thào: “Hai anh con đã đi rồi. Đừng có la um sùm, Muỗi à!”. “Đi đâu?”. Tôi thảng thốt hỏi. Nội như tự nói với chính mình: “Đi về phía bên kia…”. Dù trí óc còn non nớt tôi cũng hiểu, phải đi về “phía bên kia”, hai anh mới hy vọng gặp lại người cha huyền thoại của mình. Khu vườn của bà dù xinh đẹp nhưng đã trở nên quá bé nhỏ, chật hẹp với khát vọng hải hồ của hai anh. Bà cũng biết vậy chăng nên đã lặng lẽ tiễn đưa hai anh đi về “phía bên kia”, dù cõi lòng bà tan nát…

Hai anh đi rồi, khu vườn của bà cây có nhiều quả chín bói mà không ai hái. Thường ngày, hai anh Đông, Tây không nề hà thoăn thoắt trèo lên cây, hay bằng cách này, cách khác hái những quả treo vắt vẻo trên cành. Bà đã già, chân tay run rẩy. Tôi thì bé dại, mảnh khảnh, còn anh Tống tôi lười chảy thây, hết ngủ lại đọc sách kiếm hiệp trên bộ ván gõ bóng ngời màu thời gian của bà. Anh tôi giờ đây còn thêm tật đánh bài, nói chuyện với bà đã phì phà thuốc lá… Tôi cắm đầu trong những pho truyện tranh về những hoàng tử và công chúa, mặc bà với những hạt giống, những liếp cây non, những cành cây phải chiết. Và mùa tựu trường lại đến, bà lại mua cho tôi chiếc cặp da mới. Nội hoàn toàn mù chữ. Thời con gái nội xinh đẹp nhưng vì con nhà nghèo nên thu mình trong vỏ ốc của sự mặc cảm, thua thiệt. Ông nội tôi là con trai một, nhà giàu, lấy vợ đã năm năm mà bà nội lớn vẫn không sinh được cho ông đứa con nối dõi. Ông buộc lòng bỏ bà nội lớn để lấy một cô gái “tốt giống”. Bà nội tôi lọt vào mắt xanh của ông sau hàng chục cuộc mai mối. Nội cũng chỉ sinh được cô tôi và ba tôi. Mới ngoài hai mươi, nội đã góa chồng, và ở vậy nuôi con. “Con một cháu bầy là phúc lớn”. Mắt nội sáng lên khi nghe người trong làng suýt xoa, khen tặng bà về việc có cả cháu nội lẫn cháu ngoại. Có phải chăng, vì đổi lấy cái phúc ấy, bà đã lam lũ cam chịu suốt cuộc đời. Anh tôi thường lấy sự dốt nát của bà làm trò tiêu khiển. Bà không biết làm tính, không biết những con chữ và số, xa lạ với dấu cộng, trừ, nhân, chia… Nhưng thật kỳ lạ, bà tính nhẩm rất giỏi. Bản năng làm vợ, làm mẹ, làm bà đã cho nội có được năng khiếu tính nhẩm nhanh chóng, chính xác theo cách của bà, để đối phó với chất chồng khó khăn của cuộc mưu sinh. Anh tôi thường ra đề toán cho bà một cách ngẫu hứng, bất chợt: “Này bà, 174 cộng với 87 là bao nhiêu?”. Bà xoè tay lẩm bẩm: “170 cộng với tám chục, cộng thêm…”. Anh tôi gắt ầm lên khi biết cách tính nhẩm ấy của bà sẽ làm anh thua cuộc: “Không, bà phải lên bảng làm toán như tụi con kìa!”. Bà ngồi thẩn thờ, gương mặt già nua thẹn thò. Tôi đỡ cho bà: “Cách nào cũng được, miễn là nội nói đúng thôi chứ!”. Anh tôi bĩu môi, gầm gừ “Hừm, tính theo cách mấy bà nhà quê thì nói làm gì!!!”. Tôi mở to mắt nhìn anh tôi. Từ bao giờ, anh đã trở thành một vị công tử áo quần chim cò, chải chuốt. Ba tôi thường hay nói “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.  Anh tôi là con trai nên đặc biệt được cưng chìu. Nhưng hai anh Đông, Tây cũng là con trai… À không, dù hai anh là con trai nhưng là con của cô tôi - người phụ nữ dám vượt qua bức tường thành của lễ giáo gia phong để sinh con, hai anh là cháu ngoại của bà tôi, vì vậy hai anh cũng cùng chung sự rẻ rúng của ba tôi. Nhưng sao anh tôi nỡ tàn nhẫn với bà như vậy. Bà không làm toán được như cách của anh tôi nhưng bà đã phải tính toán suốt cuộc đời, để những bữa ăn đong thời thơ bé được no đủ, bà đã nhẩm tính từ những giọt mồ hôi đổ xuống khu vườn, để sau mùa thu hoạch chúng tôi không thua kém ai. Bà đã phải giật gấu vá vai, làm những phép hoán đổi đáng khâm phục về sự thừa và thiếu để giữ lấy đất đai cho con cháu...

Rồi một mùa thu mất mát ập xuống mái đầu bạc trắng của nội. Đêm trung thu năm ấy rền vang tiếng sấm, ánh trăng không thể vượt qua nổi đám mây nặng màu nước đen đặc. Bầu trời tối sầm. Mưa trút nước. Nội tôi mặc áo tơi chầm bằng những tấm lá, run rẩy, lập cập đi ra bàn vọng thiên mấy lượt thắp nhang, khấn khứa. Trông bà bất an như có lửa đốt cháy bên trong. Nồi chè bắp thơm lừng để trên bàn, bà không đụng đến. Tôi ăn no nê rồi trùm mền chìm vào thế giới mộng ảo của những hoàng tử và công chúa… Giấc mơ của tôi bị đổ sụp, tan tành vì tiếng sấm vang rền hoà lẫn tiếng bom đạn đâu đó. Mặt đất rung rinh, tôi choàng thức dậy, hốt hoảng hỏi: “Bom ở đâu hả nội?”. “Xa lắm, ngủ đi con!”. Tôi biết nội nói cho tôi yên tâm nhưng chính vì sự “xa xôi” ấy càng làm cho trái tim thơ dại của tôi nổi lên dông bão, lo âu. Bom nổ ở xa mà còn làm mặt đất rung rinh như vậy thì chính nơi bị bom dội ấy sẽ ra sao? Tôi hình dung mặt đất bị bừa thành những hố bom, những thân hình không toàn vẹn, bê bết máu mà rùng mình kinh sợ. Ôi, sao lại có tiếng bom rền khi những đoá mẫu đơn bất chấp mưa gió dập vùi vẫn trắng tinh, toả hương thơm bát ngát. Những chú dế râm ran trong vườn gợi tôi nhớ hai anh Đông, Tây làm sao! Chợt ba tôi mặc áo mưa ập vào nhà. Không biết ba nói gì mà nội chạy ra cửa, nhìn ra màn mưa dày đặc, kêu lên đau đớn: “Thằng Đông, thằng Tây!”. Một loạt bom nổ rền cắt đứt lời bà. Những trái sáng làm bầu trời đầy những hạt mưa cũng sáng lên một thứ ánh sáng sáng đùng đục đến não lòng. Nhìn những vệt trắng cắt trên nền trời bà chợt gào lên điên dại: “Ở tận cửa sông! Trời ơi, làm sao cứu các cháu tôi!”. Ba tôi cúi đầu bất lực. Những giọt nước từ chiếc áo đi mưa nhỏ giọt thành vũng dưới chân ông. Anh tôi nghe động, thức dậy, càu nhàu: “Kệ mẹ tụi nó!”.

Tôi điếng người khi biết ra mọi chuyện. Hai anh Đông, Tây bị máy bay quần ngoài cửa sông. Trong lúc hai anh dong thuyền vượt qua “phía bên kia” của dòng sông, bị máy bay “phía bên này” phát hiện. Từ khu vườn của bà đến cửa sông quả là mù tịt, xa xăm lắm nhưng mặt đất nơi tôi đang đứng rung chuyển và những quầng sáng từ trên cao vẫn ánh lên qua màn mưa trắng đục. Nội hoảng loạn: “Làm sao bây giờ, làm sao?”. Ba tôi cúi mặt: “Dù gì thì cũng đợi yên mẹ à!”. “Đợi yên thì các cháu tôi còn gì nữa?!”.  Phải. Nội tôi biết chắc không có cách nào cứu được hai cháu ngoại. Một bà già cô độc, yếu đuối làm sao chống đỡ với cả một thế lực chiến tranh, để giành lại mạng sống của những người thân yêu. Khi tiếng bom ngừng, bà con lối xóm đi tìm xác hai anh. Chiếc thuyền hai anh lập lờ trên mặt nước, lỗ chỗ vết đạn. Xác hai anh không biết trôi dạt phương nào, máu còn loang đỏ khúc sông quanh chiếc thuyền bị nạn. Người ta nói nơi cửa sông có nhiều dòng chảy mạnh đã cuốn xác hai anh đi xa. Sông rộng mênh mông, biết đâu mà tìm!

Nội thất vọng trở về, thắp nhang, đôi bàn tay đầy gân xanh run rẩy: “Hai đứa Đông, Tây sống khôn thác thiêng, hãy quay về nguồn để ngoại còn đắp mộ cho tụi con!”. Khói hương lan tỏa trong khu vườn in đậm hình bóng của hai anh. Những bông hoa mẫu đơn dường như cũng chia sẻ nỗi đau của bà nên héo sầu, ủ rũ. Những cây bưởi cũng héo hắt, úa màu. Tôi chợt nhớ cả tuần nay không ai tưới cây trong vườn. Chắc linh hồn hai anh còn quấn quít trên những tàng lá nên nghe được lời bà. Vào một ngày nước ròng. Xác hai anh va vào hàng đáy. Người ta nhận ra Đông, Tây một cách dễ dàng, dù thân xác hai anh bị tôm, cá rỉa xác xơ, tơi tả. Cho đến giây phút ấy, hai anh vẫn còn cắp chặt tay nhau. Giữ nguyên sự âu yếm, thương yêu với cặp song sanh, bà tôi cho tẩm liệm xác hai anh và chôn Đông, Tây chung một nấm mồ. Bà khấn trong nước mắt: “Các con đã sinh ra cùng một bọc thì nội chôn chung các con cùng một huyệt. Sống đã không rời nhau thì chết ở bên nhau!”. Mộ hai anh Đông, Tây nằm giữa những cụm hoa mẫu đơn trắng tinh, toả hương bát ngát khắp khu vườn …

Từ đó, mỗi khi nghe tiếng sấm đầu mùa vang ngân từ bầu trời ngột ngạt mùa hè, bà tôi lại mang những hạt giống trong bồ ra phơi phóng. Vừa lựa hạt bà lại chép miệng thở dài: “Phải chi hai anh Đông, Tây tụi bây còn sống!”. Anh tôi đang dán mắt vào pho tuyện kiếm hiệp trên bộ ván ngời bóng nước mỉa mai: “Con cá mất là con cá to!”. Bà tôi lại ném về phía “thằng người không có trái tim” nỗi phẫn uất. Ôi, cái nhìn của bà làm sao tôi quên được. Nó bị dồn nén từ một cuộc đời đắng cay, cam chịu và mất mát mới nhức nhối làm sao. Nó vượt lên mọi ngôn ngữ để giải thích và diễn giải. Nội kiệt sức vì niềm hy vọng đã mỏi mòn, tàn lụi. Trước đây, nội chăm sóc khu vườn cho hai anh Đông, Tây trở về nhưng hai anh đã vĩnh viễn ra đi, khu vườn ngày càng trở nên tiêu điều, xơ xác. Cỏ phủ đầy lối đi, cát bụi phủ đầy trên những tàu lá chuối, những cây bưởi cho trái đắng nghét vì thiếu nước, những cây mãng cầu đã già lão - già lão như chính thân xác của nội. Trong vườn, hương hoa mẫu đơn từ lâu đã tắt tịm. Nội gắng dùng sức tàn dọn lại khu vườn theo quán tính hay lam hay làm của bà. Anh tôi đã vô tình giết bà bằng những thanh sắt rỉ sét vừa vứt bừa bãi ngoài vườn mà bà đã dẫm phải, khi chân trần nhổ cỏ. Bà không quan tâm đến vết thương ra máu bầm ấy. Vả chăng, bà đã có quá nhiều vết thương lòng gậm nhấm, tê dại. Bà bị sốt cao, lưng bị uốn cong từng hồi rồi trút hơi thở cuối cùng trên chiếc giường đơn độc. Trước đó mấy ngày, bà dúi vào tay tôi chiếc hộp nhỏ gói trong mấy lần vải, thều thào: “Con cất cái này, lỡ mai này có việc dùng. Nội đi…”.

Nội ra đi trong đau đớn nhưng thanh thản. Đám tang nội được tổ chức rình rang, dù hồi còn sống, ba mẹ tôi cũng chẳng ngó ngàng nhiều đến nội. Nội mất rồi, khu vườn mới đìu hiu, xơ xác làm sao. Cây đến mùa ra quả đèo đẹt, chát ngầm. Quạ về làm tổ trên những cành cây. Tôi và anh Tống lên tỉnh học, ngôi nhà của nội mục nát, xiêu vẹo, bậc thềm đầy rêu. Người ta đồn vườn nội tôi có rất nhiều ma. Tôi biết rõ cội nguồn những lời đồn đãi ấy bởi từ những cây mục làm hàng rào ngoài vườn mọc lên vô số những cây nấm giàu chất lân tinh. Chúng phát sáng đến rợn người, kỳ ảo trong đêm tối. Người ta đi qua đấy vào ban đêm nghe tiếng chim cú mèo kêu, trông thấy những cây nến sáng rực như mắt ma là đã ù té chạy. Chỉ có tôi mỗi dịp hè về là còn dám lang thang trong vườn. Tôi chăm sóc những cụm mẫu đơn trước mộ hai anh Đông, Tây và trồng trước mộ nội một cội mai vàng, với niềm hy vọng bà được tắm trong hương thơm bát ngát của đất trời và hiện hữu trên dương thế, bằng những nụ mai nẩy ra từ những cành cây khẳng khiu. Kỳ lạ thay, hoa mai trước mộ nội không trổ vàng mà ánh lên màu xanh thạch ngọc. Người ta gọi đó là thanh mai, một loài mai quý, không ngớt lời trầm trồ. 

Đâu ai biết được cuộc đời dâu bể nhưng dự cảm của nội hoàn toàn đúng về anh tôi. Cơ nghiệp của ba tôi mất sạch bởi sự phá hoại của “thằng người không có trái tim”. Anh tôi lên đại học, được ba má tôi cưng chìu hết mực. Anh muốn gì được nấy mà không hay chiều cả ý muốn dùng ma tuý của anh. Ba má tôi buồn rầu đến sinh bệnh mà chết. Anh tôi bán nhà xưởng, dinh thự, bán cả những câu liễn đối của dòng họ mấy trăm năm còn lưu giữ được. Tôi tách khỏi anh, xấu hổ với bạn bè, chui vào ký túc xá đại học để nương thân. Nỗi nhục nhã và đau đớn khiến tôi hùng hục lao vào sách vở. Và niềm mơ mộng từ khu vườn nội năm xưa đã xui khiến tôi lao vào nghề viết lách. Tôi viết như điên dại dù không biết làm gì với đống bản thảo mà chẳng nơi nào chịu in, không một ai thèm đọc. Lúc ấy, kỷ vật của nội đã cứu sống tôi. Đó là chiếc vòng gia bảo. Bà tôi trăn trối lẽ ra nó phải thuộc về anh tôi - cháu đích tôn nhưng bà xin phép với ông bà một lần dám phá bỏ luật lệ, khi quyết định trao nó lại cho tôi. Tôi bán nó dần để trang trải những ngày học tập, dè sẻn từng đồng. Số còn lại tôi mua một chiếc máy chữ…

Máy chữ! Trời ơi, ngày có được nó tôi mừng đến phát khóc. Đó là cả gia tài lớn của tôi ngày ra trường. Giờ đây, tôi có được nhiều thứ mà trước kia tôi nào dám mơ đến: ngôi nhà, những tiện nghi, máy vi tính, laptop, iPhone … Nhưng chiếc máy chữ vẫn là vật kỷ niệm thiêng liêng nhất của cuộc đời. Tôi đã từng gắn bó với nó trong gian nhà trọ tồi tàn, tối tăm và ẩm thấp. Từng phím chữ nhẫn nại, tôi đã gõ nên những bài viết. Nó đã chứng kiến bao giờ phút vinh nhục của tôi, những giọt mồ hôi tôi rơi mặn chát, những phím chữ đã mòn nhẵn đi rồi… Những âm thanh vang lên, những tia nắng ngoài khung cửa soi vào những phím chữ lấp lánh, tôi đắm chìm trong niềm say mê sáng tạo. Và lúc ấy, nội hiện hữu bên tôi, hoá thân trong chiếc máy chữ này. Bà không chết. Có con bướm trắng bay vào phòng. Bà đã trở về bằng con bướm trắng ấy chăng?! Ôi, mảnh vườn tuổi thơ, tôi nhớ nó đến quay quắt. Vả chăng, người ta làm sao cắt đứt được quá khứ, một quá khứ thấm đẫm hương đất và cây đã cấu thành nên tôi…

Nhưng anh tôi đã bán mảnh vườn của nội, bán luôn cả cội thanh mai quý xanh màu thạch ngọc trước mộ nội, bán miếng đất cuối cùng còn gắn bó chúng tôi với quê cha đất tổ. Tôi thảng thốt kêu lên: “Còn mộ của hai anh Đông, Tây, mộ của nội, của ba mẹ?!”. Anh tôi khinh khỉnh đáp: “Hai thằng cha ấy là liệt sĩ, tao sẽ bốc mộ vào nghĩa trang, còn bà nội, ba mẹ hả?! Ăn nhằm gì! Nói cho cùng chỉ là một nắm tro!”.

Anh tôi chợt triết lý. Triết lý của “Thằng người không có trái tim” mới tàn nhẫn làm sao! Trước mặt tôi mọi vật đều tối sầm. Anh tôi đang có trong tay mọi giấy tờ mua bán đất. Anh không cần đến quá khứ vì cơn ghiền đã che mờ tất cả, huống chi, anh vốn là một “Thằng người không có trái tim”. Tôi không có quyền gì để ngăn cản anh. Tôi là con gái, luật bất thành văn của ba tôi đã hằn sâu vào sự tham lam và vô lương của anh tôi: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng tôi đau đớn đến tê dại. Khu vườn tuổi thơ của tôi vĩnh viễn mất đi, tôi không muốn tin vào điều khủng khiếp đó! Trời ơi, người ta sẽ làm gì với mồ mả của hai anh Đông, Tây và nội tôi, ba mẹ tôi!  Hai anh đã đi về phía cửa sông vĩnh viễn để giữ lấy khu vườn mà bà tôi suốt một đời đổ mồ hôi vun đắp nó. Còn có nơi nào để tôi trở về, bấu víu khi cuộc sống của tôi giờ đây không còn gốc nữa. Mỗi độ xuân về, tôi còn biết có nơi nào để ngắm thanh mai nở bừng trước mộ nội, được dọn cỏ trên những nấm mồ người thân và thắp nhang tạ ơn cùng trời đất. Những mái nhà lô xô, những căn phòng hình hộp, còn đâu hương hoa mẫu đơn bát ngát dưới ánh trăng, còn đâu những cơn mưa thấm vào đất đai, chảy tràn thành sông suối đổ về nguồn… 

1995-2013

Nguồn Văn nghệ số 24/2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm