TIN TỨC

‘Mùa xuân’ trong thơ Trần Ngọc Phượng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
636 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Trần Ngọc Phượng sinh năm 1945, sinh tại Sài Gòn nhưng thời trẻ sống ở Nam Định. Năm 1962 anh lên đường nhập ngũ vào chiến trường Nam Bộ trên cương vị Đài trưởng Vô tuyến điện. Sau năm 1975, anh chuyển ngành về công tác tại TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu.

Tính từ bài thơ đầu tay viết ở chiến trường cho đến nay Trần Ngọc Phượng đã có hơn 50 năm làm thơ. Hành trình sáng tạo của Trần Ngọc Phượng có thể chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn từ khi cầm bút ở chiến trường đến trước 1975: Cảm xúc chân thành, tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết với tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Giai đoạn từ 1975 đến 2005: Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trần Ngọc Phượng vui vì mình còn may mắn sống sót để trở về gặp lại gia đình, người thân, bạn bè… nhưng anh mang một nỗi buồn khôn xiết vì biết bao nhiêu những đồng chí, đồng đội của anh đã vĩnh viễn nằm lại ở khắp các chiến trường. Tình cảm ấy vừa riêng tư vừa là tình cảm chung mang tính thời đại.

Ngày thống nhất vỡ òa hạnh phúc/ Khắp phố phường đỏ rợp cờ sao/ Người ôm người khóc cười trong nước mắt/ Nén trong lòng những vết cắt thương đau.

Ngày đất nước thống nhất, đứa con gọi mẹ trong niềm hân hoan bằng lời thông báo: “Con sống rồi mẹ ơi!”. Đọc bài thơ người đọc không khỏi rưng rưng, xúc động với những gì mà đứa con giãi bày. Tiếng gọi mẹ trong niềm vui trào dâng nhưng đằng sau đó cũng là nỗi xót xa khi những người bạn, người đồng chí của mình đã ra đi mãi mãi.

Con sống rồi/ Tưởng không ngày trở lại/ Tưởng như thật như mơ/ Đất nước reo vui đỏ rợp sắc cờ/ Tiếng reo đầu tiên/ Con xin dâng cho Mẹ/ Và có lẽ phía bên kia cũng thế/ Người lính hàng binh./ Vất quân trang vũ khí xuống đường/ Cũng chắp tay gọi Mẹ…// Con gục đầu vào Mẹ/ Mà không dám reo vang/ Bao bà Mẹ mất con/ Bao người vợ mất chồng/ Nước mắt nhòa bảng Tổ quốc ghi công/ Khói nhang bay trên nấm mồ Liệt sĩ/ Ai biết hòa bình/ Bao máu xương phải trả?/ Con của mẹ sống rồi/ Trong đất nước trường sinh!

Đất nước hòa bình, anh tiếp tục cống hiến, góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Những ngày lễ, các dịp Tết đến, xuân về, các buổi hội họp… làm cho anh càng thương nhớ hơn những người đồng chí, đồng đội của mình năm nào. Chứng kiến những đổi thay, phát triển và cả những mặt trái của đời sống cũng làm cho Trần Ngọc Phượng trăn trở, suy tư. Ở đó vừa thấm đẫm niềm tin, khát vọng vừa có điều gì đó tiếc nuối, xót xa.

Giai đoạn từ 2005 đến nay: Đây là lúc hồn thơ Trần Ngọc Phượng sâu lắng nhất, mang nặng những suy tư, trăn trở của một con người có nhiều trải nghiệm. Từ lúc nghỉ hưu, anh có thời gian để làm thơ, yêu thơ và sống nhiều hơn với thơ. Nhiều tập thơ của Trần Ngọc Phượng được xuất bản ở giai đoạn này.

Điều đặc biệt, trong hành trình sáng tạo của mình, trong từng giai đoạn Trần Ngọc Phượng có những bài thơ viết về mùa xuân mang nét riêng và gắn với những sự kiện, nhân vật, hình ảnh, con người… với những cảm xúc rất mực chân thành của một trái tim nhạy cảm và da diết yêu thương. Trần Ngọc Phượng có nhiều bài thơ giàu cảm xúc viết về chủ đề mùa xuân như: Lá thư Mậu Thân, Ký ức Mậu Thân, Con sống rồi mẹ ơi, Nắng xuân Sài Gòn, Tiếng xuân, Rượu xuân, Giọt xuân, Con tàu năm mới…

Biểu hiện rõ nét trong thơ Trần Ngọc Phượng nói chung và những bài thơ Xuân nói riêng đó là kiểu kết cấu bài thơ theo dòng cảm xúc, tâm trạng. Tứ thơ thường được xây dựng trên cơ sở những phạm trù đối lập. Đó là sự trăn trở, khắc khoải, suy tư, chao đảo giữa hạnh phúc - khổ đau; vui - buồn; được - mất; bình yên - bão tố; chiến tranh - hòa bình; xuân sắc - tàn phai…

Bài thơ Ký ức Mậu Thân với bao nụ cười và nước mắt, niềm tin yêu, hy vọng vào ngày đất nước hòa bình; ở đó là những hy sinh, mất mát, nỗi day dứt khôn cùng của nhà thơ với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương.

Bao máu xương tạo ra bước ngoặt/ Thế tiến công tạo dáng đứng Việt Nam/ bao xương cốt còn trong lòng đất/ Những hố chôn tập thể vẫn đang tìm.

Tâm trạng của người xa quê hương, nhớ về tổ ấm. Có dịp trở lại lòng dậy lên bao nỗi niềm, ký ức thuở nào bỗng trỗi dậy. Bên cạnh niềm vui, sự ấm áp còn là nỗi đau đáu khi: “Bao người bạn cũ đi xa không về” (Rượu xuân).

Diễn tả một cách tự nhiên, chân thật dòng cảm xúc của nhà thơ trước những biến động của đời sống.

... Tiếng xưa chìm nổi đoạn trường/ Tiếng nay ào ạt phố phường vào xuân/ Đời người một kiếp trầm luân/ Bốn mùa mưa nắng cũng ngần ấy thôi/ Mà sao lòng dạ bồi hồi/ Bâng khuâng thời khắc đất trời chuyển giao (Tiếng xuân).

Không gian nghệ thuật trong những bài thơ Xuân của Trần Ngọc Phượng có sự kết hợp của nhiều yếu tố: cảnh sắc thiên nhiên, cảm xúc, rung động của con người…

Nắng xua đi những ưu phiền/ Vui bên con cháu an nhiên cuộc đời/ Bến Thành tấp nập ngược xuôi/ Dòng kênh Nhiêu Lộc, nắng cười gió reo// Đường đi còn lắm cheo leo/ Chuông chùa bái vọng những điều bình an/ Bên nhau lời chúc hân hoan/ Mang bao khát vọng ngập tràn nắng xuân (Nắng xuân Sài Gòn).

Thời gian trong trong thơ anh không chỉ là thời gian diễn ra theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa mà sự đan cài, đồng hiện giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Ở tuổi xế chiều của đời mình, trước thềm năm mới Trần Ngọc Phượng lại có những cảm xúc, sự nhìn nhận tinh tế và rất đỗi chân thành.

Mặc thân già rệu rã tuổi hoàng hôn/ Theo con tàu bước vào năm mới/ Vẫn náo nức những chân trời vẫy gọi/ Tiếng còi tàu thôi thúc những sân ga// Tàu băng qua những đồng lúa bao la/ Những thảm cỏ ta ngã mình ngày trước/ Những ngọn núi chon von ta đã trèo lên được/ Và dòng sông thác đổ những đêm mưa.// Mỗi ngày qua đi, thay đổi đến không ngờ/ Những thành phố nguy nga, những công trình đồ sộ/ Tàu lướt qua bao mặt người rạng rỡ/ Nụ cười tươi trong sắc nắng bình minh.// Cảm ơn người cho đất nước bình yên/ Trong thế giới giết nhau bằng pháo, bom tọa độ/ ta gắng chạy theo thời công nghệ số/ Để cháu con vùng vẫy bay cao// Những đau buồn hãy để lại phía sau/ Còn trăn trở lúc nào chẳng có/ cứ anh nhiên, con đường, ai cũng đi tới đó/ Ta bước vào năm mới thế rồng bay (Con tàu năm mới).

Có dịp du xuân ở Đà Lạt vào dịp Tết Canh Tý - 2020, Trần Ngọc Phượng có ngay bài Tết Đà Lạt: Tết đi chơi Đà Lạt/ Tìm suối hát, thông reo/ Người kéo về dày đặc/ Kẹt xe đến chân đèo/… / Đà Lạt đang trẻ lại/ Còn ta đã già đi/ Đời sóng xô, thác nhảy/ Đừng ngẩn ngơ làm gì.

Trần Ngọc Phượng ý thức sâu sắc về sự trôi chảy của thời gian, anh trân trọng thời gian mình được sống, được yêu. Nhất là những tháng năm được ở bên em, vượt qua bao thăng trầm, buồn vui của cuộc sống. Những cung bậc yêu thương da diết, sâu lắng, đầy niềm tin và sự khát vọng của nhân vật trữ tình.

Giọt xuân lóng lánh sắc màu/ Lung linh năm tháng bên nhau đến giờ/ Đọng trên mái tóc bạc phơ/ Giọt xuân ấm mãi bên bờ vai em/ Lúc sóng gió, lúc dịu êm/ Buồn vui chia sẻ nỗi niềm tâm giao/ Tinh khôi như thuở ban đầu/ Càng dài năm tháng càng sâu nghĩa tình (Giọt xuân).

Nhà thơ hồi tưởng, tìm về những năm tháng tuổi trẻ, những năm tháng ác liệt ở chiến trường. Thời gian qua đi, kéo theo sự thay đổi của vạn vật, những địa danh năm nào gắn với bao nhiêu trận đánh, bao chiến công hiển hách cùng với đó là những người đồng chí, đồng đội của anh đã ngã xuống… Giờ đây, những nơi đó đã đổi khác. Nơi cửa ngõ anh nằm (viết nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Thành phố Thủ Đức) là một trong số những bài thơ đầy xúc động, gợi nhắc về quá khứ đã qua và thực tại cuộc sống hôm nay.

Nơi cửa ngõ anh nằm/ Cầu Rạch Chiếc, Ngã ba Cát Lái/ Đường tiến quân xưa/ Dòng đời vẫn chảy/ Sông Sài Gòn hối hả, ngược xuôi// Anh nằm đây/ Trẻ mãi tuổi hai mươi!/ Cách đích đến chỉ vài gang tấc/ Máu xương anh tan vào lòng đất/ Kết tụ thành Linh khí Quốc gia// Đồi không tên xưa/ Thành Nghĩa trang Liệt sĩ*/ Các Anh về quây quần/ Quanh Mẹ Việt Nam/ Đường sắt trên cao như dải lụa vắt ngang/ Đây Đại học Quốc gia* căng tràn sức trẻ/ Kia Khu Công nghệ cao tinh hoa trí tuệ/ Viết tiếp thay anh/ Những ước mơ dang dở/ Cuộc sống chuyển mình/ Công nghệ số tương lai// Nơi anh nằm/ Bãi cỏ hoang mọc lên/ Những tòa nhà hiện đại nguy nga/ Ánh đèn đêm như vạn ánh sao sa/ Cầu Ba Son* giương cánh buồm khao khát/ Thủ Thiêm* như cô gái bao năm giấu mặt/ Nay hiện dần vóc dáng tươi xinh!// Hương khói bay.../ Khu Tưởng niệm Vua Hùng*// Về bên mộ anh/ Muôn vàn thương nhớ/ Nửa thế kỷ đi qua/ Mỗi bước đi, bao ngọt bùi cay đắng/ Chậm hay nhanh?/ Dài hay ngắn?/ Vẫn chưa hết đâu những tham nhũng bất công/ Nhưng niềm tin như sắc nắng ửng hồng/ Như tiếng trẻ reo vui/ Bên Suối Tiên* thác đổ/ Thủ Đức chợ hoa, mai vàng rực rỡ/ Nơi cửa ngõ anh nằm/ Thành phố mới** vào xuân!

Điều dễ nhận thấy trong các bài thơ xuân của Trần Ngọc Phượng là dù viết về điều gì bao giờ anh cũng có sự nuối tiếc về thời gian - khi mình đã không còn trẻ nữa, niềm tin tưởng vào tương lai của đất nước. Tự thức sâu sắc điều này nên anh đã sống và làm theo cách của riêng anh bằng tinh thần trách nhiệm của một công dân trước thời cuộc. Nhà thơ đi sâu vào thể hiện những chủ đề, khía cạnh khác nhau bằng cảm xúc trữ tình của thời đại mình đã và đang sống. Những sự kiện lịch sử, những biến cố thời đại, những cảnh đời dâu bể… qua sự thẩm định, trải nghiệm, giàu suy tư và khát vọng làm cho tiếng thơ đau đáu và nhân bản hơn. Những kỷ nguyên đất nước là một trong số những bài thơ hay của anh. Bởi ở đó, Trần Ngọc Phượng đã giãi bày được rất nhiều điều mà trong hành trình sống, chiến đấu, làm việc đến khi nghỉ hưu   và cả những năm tháng tuổi già này anh đúc rút được. Cái đau đáu nhất với anh vẫn là làm thế nào để cho dân được sống trong no ấm, văn minh, hòa bình và nhân văn nhất có thể...

Cả đời ta tắm mình trong kỷ nguyên đất nước/ Khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập/ Đất nước đứng lên phá vỡ xiềng gông/ Ba mươi năm chinh chiến bão giông/ Bao thế hệ hy sinh, bao máu xương đã đổ/ Để Tháng Tư về rợp trời cờ đỏ/ Người ôm nhau nước mắt vỡ òa// Khi non sông đã thuộc về ta/ Cái đói cái nghèo cứ bám theo dai dẳng/ Đổi mới ra đời từ khát vọng vươn lên/ Những lý luận giáo điều vứt sang một bên/ Thi nhau làm dân giầu nước mạnh/ Các tỷ phú ra đời, các công trình đồ sộ/ Hàng Việt Nam rạng rỡ bốn phương/ Kinh tế thị trường đủ thứ bán buôn/ Người tốt nhiều và kẻ gian cũng lắm/ Bán lương tâm mua quan bán chức/ Quan triều đình cũng rơi rụng như sung/ Chỉ có tình dân rộng mở đến vô cùng/ Chở che nhau qua bão giông lũ lụt// Đất nước nay/ Chuyển mình vào công nghệ số/ Trong trái đất mong manh như quả cầu dễ vỡ/ Giữa thời thế đảo diên /Giết nhau bằng pháo bom siêu thanh tọa độ/ Ta quý sao đất nước bình yên/ Chọn con đường vươn lên giầu có/ Chọn cơ hội, xin đừng bỏ lỡ/ Kinh tế xanh, kinh tế sạch tuần hoàn/ Tương lai như quả ngọt trên cành/ Cho dân mình nhân ái thông minh./.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền - nhìn trời thấy hiện dòng sông
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 157, ngày 2/1/2025
Xem thêm
Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
Bài viết của Khuất Bình Nguyên về thơ Mai Quỳnh Nam đăng trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
“Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
Về tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của Nhà văn Hoàng Phương Nhâm, tác phẩm được trao giải thưởng của TPHCM...
Xem thêm
Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
Cảm tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Tôn thờ mảnh hồn quê thô mộc mà thiêng liêng trong Vẽ nhớ”
Thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm tư, ưu nhã nhưng nhiều nỗi bồn chồn: Nỗi bồn chồn mang tên Thanh Hoàng. Tâm sự lòng riêng của một hồn thơ chọn vị trí kẻ làm con để tạo tác cái đẹp nén đau
Xem thêm
Anh Đức: Nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của nền văn nghệ cách mạng miền Nam
Tham luận của PGS-TS Võ Văn Nhơn đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Anh Đức, cuộc sống và quan niệm sáng tác
Bài viết của nhà phê bình Bùi Công Thuấn
Xem thêm
“Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
Bài của nhà văn Lê Thanh Huệ về truyện ngắn “Minh Châu tỏa sáng” của Nguyễn Trường
Xem thêm
Thơ tạo sinh nghĩa của Mai Quỳnh Nam
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
Nhân đọc tập Thơ – Ký chân dung Những người gánh sông trăng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người …
Bài viết Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người của nhà thơ Xuân Trường qua giọng đọc của Kim Ngọc.
Xem thêm
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ
“Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ” (Ca dao)
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm