TIN TỨC

Đội ngũ nhà văn TP.HCM tiếp bước hành trình sáng tạo

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-23 14:59:47
mail facebook google pos stwis
2446 lượt xem


Ông Nguyễn Văn Nên Bí Thư Thành ủy TP.HCM cùng ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố chụp ảnh lưu niệm với một số nhà văn tham dự buổi gặp gỡ “Mừng Xuân, Mừng Đảng giữa Lãnh đạo TP với đại diện văn nghệ sĩ TP vào sáng ngày 12/2/2022 tại Trung tâm Hội nghị TP.HCM.
 

ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN TP.HCM TIẾP BƯỚC HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO
(Bài phát biểu tại buổi họp mặt giữa lãnh đạo Thành phố với Văn nghệ sĩ mừng Xuân,
mừng Đảng năm 2022, tổ chức vào sáng ngày 12/2/2022)

Nhà văn BÍCH NGÂN
Chủ tịch Hội Nhà văn  TP. HCM

Nếu lấy cái mốc năm thành lập là 1981 thì đến nay, Hội Nhà văn TP.HCM đã đi qua một chặng đường hơn 40 năm. Hội Nhà văn TP.HCM hiện có hơn 450 Hội viên, trong đó có hơn 160 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những thành viên sáng lập Hội Nhà văn thành phố và cũng là những hội viên đầu tiên của Hội là những nhà văn nhà thơ tên tuổi với một bề dày đóng góp cho cuộc chiến tranh ái quốc của dân tộc, cho văn đàn, cho xã hội: Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Đoàn Giỏi, nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Trang Thế Hy, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Minh Khoa, nhà văn Mai Quốc Liên, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Lê Duy Hạnh, nhà văn Phi Hùng, nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh…và tiếp nối các nhà văn ở độ tuổi 6X, 7X, 8X…đang sung sức sáng tạo.       

Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh quy tụ được nhiều cây bút từ nhiều thế hệ, nhiều nguồn, nhiều vùng miền, từ những nhà văn từng gắn bó với mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn đến những nhà văn có nhiều tác phẩm viết về cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; từ những nhà văn trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đến những nhà văn từ bốn phương trời trở thành cư dân thành phố, đã tạo nên diên mạo văn chương Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng, phong phú, sôi động và đặc biệt là luôn đồng hành cùng cuộc sống không ngừng đổi mới và đi lên.

 Đó là một tập họp khá đồ sộ về số lượng và chất lượng tác phẩm văn học (thơ, tản văn, bút ký, truyện ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và nhiều, rất nhiều những tác phẩm văn học đã trở thành ca từ, thành kịch bản điện ảnh, thành ý tưởng sáng tạo cho nhiều lĩnh vực sáng tạo khác…) đã phản ánh phần nào hiện thực ngổn ngang được và mất của con người và xã hội Việt Nam đang dò dẫm đổi mới với nhiều thành tựu, song, cũng nhiều rạn nứt, nhiều góc khuất, nhiều số phận, từ chiến tranh sang hòa bình, từ dằn vặt riêng tư đến ưu tư nhân tình thế thái, từ khao khát thể hiện tài năng, tâm huyết cá nhân đến khát vọng cống hiến cho cộng đồng, cho Tổ quốc.

Các tác giả, bằng cách thể hiện khác nhau, mức độ tài năng khác nhau, giá trị của tác phẩm cùng tuổi thọ dài ngắn khác nhau, nhưng cùng miêu tả cái thực trạng con người cố gắng thoát ra, tìm cách thoát ra khỏi cái xã hội bị kềm nén, bị xiết chặt bởi cơ chế kinh tế bao cấp, cơ chế quản lý lạc hậu và mong muốn góp phần xây dựng một xã hội mà con người thực sự là trọng tâm, thực sự được làm chủ, thực sự quyết định số phận của chính mình. Những tác phẩm mang khát vọng đổi mới được người đọc cộng hưởng nồng nhiệt.

Trên đà đổi mới đó, sau những năm tám mươi tiếp đến những năm chín mươi của thế kỷ XX cho đến thập niên hai mươi của thế kỷ XXI này, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn đi đầu trong nhiều hoạt động sáng tạo, nổi bật là lĩnh vực xuất bản. Địa bàn thành phố là nơi tiêu thụ hơn 70% lượng sách được xuất bản của cả nước, trong đó ba nhà xuất bản: Trẻ, Văn hóa văn nghệ; Tổng hợp TP.HCM, đã góp phần lớn cho việc xuất bản sách văn học không chỉ của thành phố Hồ Chí Minh mà còn là những địa chỉ tin cậy của đội ngũ viết văn của cả nước.

Hơn 40 năm, một chặng đường dài. Thơ, tản văn, bút ký, truyện ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu… mỗi thể loại đều có những tác phẩm tạo nên dấu ấn và có những đóng góp đáng trân trọng về việc góp phần làm giàu tâm hồn, làm đẹp nhân cách. Và càng ngày, người cầm bút đã và đang viết với tâm thế sáng tạo là nỗ lực đi vào chiều sâu nội tâm. Người cầm bút đã ý thức hơn, muốn khám phá thế giới u minh rộng lớn không cùng, trước hết phải biết tự khám phá và soi rọi chính mình. Những tác phẩm được nhiều người đọc, được chia sẻ, được hát thành lời, được dựng thành kịch, thành phim, được chọn làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, được trở thành đối tượng nghiên cứu về nghệ thuật, về văn hóa, được dịch và giới thiệu ở nước ngoài…là những tác phẩm có nhiều tìm tòi về nội dung, đặc biệt là bút pháp hiện đại hơn trong hành trình khám phá thế giới nội tâm của con người ở thời đại “thế giới phẳng” nhưng vẫn còn những hố sâu ngăn cách, mà mệnh lệnh trái tim của người sáng tạo là phải nỗ lực để góp phần cùng hệ thống chính trị có thể lắp đầy những hố sâu trong sự khác biệt và cách biệt.  

40 năm, những tác phẩm viết từ mạch nguồn của CHÂN - THIỆN - MỸ, những tác phẩm tôn vinh nhân cách, tôn vinh sự yêu ghét rạch ròi, tôn vinh những con người suy nghĩ và hành động quyết liệt vì sự trung thực, lẽ công bằng, lòng nhân ái và luôn đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân, sẽ không bao giờ mất đi mà trở thành tài sản, di sản tinh thần quý giá.

Tài sản, di sản tinh thần đó, đang được kế tục bởi những thế hệ tiếp nối. Những thế hệ đang nỗ lực trang bị cho mình cả chặng đường 40 năm đi qua với tất cả tài năng, đam mê, nghị lực, thứ thách và thành tựu của nhiều thế hệ.

Năm 2021, trong đại dịch bùng phát dữ dội, gây bao nhiêu mất mát đau thương cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, đội ngũ nhà văn thành phố đã không đứng ngoài cuộc. Hội Nhà văn TP.HCM, ngoài trang viết của người cầm bút, nhiều nhà văn đã tích cực tham gia nhiều công tác thiện nguyện, đóng góp và vận động bạn viết, bạn đọc, kết nối doanh nghiệp đóng góp hàng chục tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm và nhu yếu phẩm, hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho người nghèo, cho y bác sĩ ở tuyến đồng chống dịch; tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” trong thời điểm đại dịch diễn ra hết sức khốc liệt, đã thu hút gần 700 tác giả ở khắp mọi miền đất nước và tác giả ở nước ngoài tham gia cuộc thi, trong đó có những tác giả đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, đã góp phần lan tỏa yêu thương, chia sẻ mất mát, khích lệ tinh thần tương thân tương ái chống chọi và vượt qua đại dịch.

Năm 2021 tuy là một năm chịu nhiều thử thách và mất mát (Hội Nhà văn mất đi 16 nhà văn, trong số này có 3 nhà văn nhiễm covid -19… nhiều nhà văn đã tận hiến cho trang viết cho đến hơi thở cuối) nhưng năm 2021 lại là năm đánh dấu sự khởi sắc của văn chương thành phố Hồ Chí Minh với giải thưởng văn học có những tác phẩm mang tín hiệu bứt phá về đề tài, về cách thể hiện có giá trị nghệ thuật và tư tưởng. 2 trong số tác phẩm văn học được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng (Truyện dài “Mùa tiểu học cuối cùng” của Lê Văn Nghĩa và tiểu thuyết “Nghiệp chướng”của Lưu Vĩ Lân, một lẩn nữa được Hội Nhà văn Việt Nam và Liên Hiệp các Hội Nghệ thuật Việt Nam vinh danh. Số lượng sáng tác mới được hội viên gởi về Hội đề nghị hỗ trợ một phần kinh phí cho sáng tác cũng nhiều hơn và chất lượng cũng được nâng lên. Hội viên mới năm 2021 chiếm ¾ là các tác giả văn xuôi, chiếm phần lớn là các tác giả lứa tuổi 8X, 9X với nội lực văn chương phong phú. Một tín hiệu vui nữa là đội ngũ cây bút trẻ đang “chiếm lĩnh” các trang văn học của nhiều tờ báo, nhiều Tạp chí và là những cây bút được nhiều nhà xuất bản chào đón.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch nặng nề, lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM cũng đã dành thời gian và tâm huyết nghề nghiệp hỗ trợ chuyên môn cho một số địa phương thực hiện thành công Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm, như tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bình Phước…

Năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gây ra hậu quả nặng nề kéo dài từ cuối tháng tư cho đến hôm nay, Hội Nhà văn TP.HCM, với sự quan tâm thường xuyên của Đảng và nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của nhiều Ban ngành chức năng, được sự hỗ trợ của bạn đọc, bạn viết và những yêu quý văn chương…chúng tôi đã nỗ lực không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn, linh hoạt ứng biến, khơi dậy nhiệt tình, trách nhiệm nơi mỗi thành viên Ban Chấp hành cùng các hội viên, đã và đang thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực: phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Tp.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức cuộc vận động viết bút ký văn học về đề tài “Đền ơn đáp nghĩa; phát động Cuộc thi “Truyện ngắn hay 2022” và ngày Nguyên Tiêu 2022 này, khởi động Cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng” viết về những cống hiến to lớn của mọi tầng lớp trong đại dịch…

Dù còn những hạn chế, những khó khăn, song, đoàn kết, gắn bó, sẻ chia, sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau trong từng công việc, từng hoạt động là sức mạnh gắn kết mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM đã và đang làm được. Sức mạnh này cũng đã tác động đến tinh thần sáng tạo nơi người cầm bút, kể cả những người không hoặc chưa gia nhập Hội.

Thời gian tới Hội tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác; chú trọng hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình, thành lập Hội đồng văn học dịch, quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi, kịp thời phát hiện và bồi những cây bút trẻ giàu nội lực văn chương…bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; đẩy mạnh hoạt động quảng bá tác phẩm, các hoạt động kết nối giữa người viết và người đọc, kết nối hoạt động giữa nhiều hội nghề nghiệp, kết nối người sáng tác giữa nhiều vùng miền, kết nối văn chương giữa thành phố với văn chương của một số thành phố quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia trong khu vực Châu Á…

Tuy nhiên, để đạt được nhiệm vụ mục tiêu đó, Hội nhà văn TP.HCM cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đạo Thành phố và của nhiều ban ngành liên quan, cùng sự hỗ trợ  kịp thời và thường xuyên hơn về tinh thần, tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế chính sách tài chính cho những hoạt động đem lại những hiệu quả bền vững và lâu dài: Đầu tư chiều sâu cho sáng tác nhằm tạo điều kiện cho những người có nội lực văn chương viết được những tác phẩm hay, chăm lo tốt hơn cho lực lượng sáng tác trẻ (với lực lượng trẻ, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tài năng phát triển mà còn chú trọng việc chăm bồi phầm chất chính trị và nhân cách sáng tạo. Nếu không làm tốt việc này, chúng ta sẽ tiếp tục bị đứt gãy và đứt đoạn về nhân lực sáng tạo, cả năng lực quản lý…), xây dựng chiến lược quảng bá tác phẩm văn học có giá trị, không chỉ cho độc giả trong nước, với dự án dịch và giới thiệu văn học Tp.HCM cho độc giả nước ngoài…    

Bằng sự nỗ lực không ngừng, đội ngũ nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đang cùng đồng nghiệp cả nước, đồng hành cùng cuộc sống, đồng hành cùng thành phố và đang nỗ lực góp phần tạo nên nhiều tác phẩm văn học có giá trị - và cũng đanglà những con kênh, con suối đang hòa vào dòng chảy của văn học thế giới, góp phần tích cực làm cho sức sống văn chương, sức sống hóa của thành phố, của đất nước được lan tỏa sâu rộng với giá trị vô giá của nó.

TP Thủ Đức, 9/2/2022.

Chủ tịch UBNDTP Phan Văn Mãi trò chuyện với nhà văn trong buổi gặp gỡ…

Bài viết liên quan

Xem thêm
Giá trị bất biến của báo chí cách mạng
Nguồn: Báo Văn nghệ số ra ngày 22/6/24
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng báo Văn nghệ số 22, ngày 01/6/2024
Xem thêm
Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 10/2024
Xem thêm
Nghĩ về chuyện “làm gương” và “nêu gương”
Bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024)
Xem thêm
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư về đội ngũ văn nghệ sỹ
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023)
Xem thêm
Xây dựng lối sống đẹp trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Ban Tuyện giáo tổ chức vào ngày 6/6/2023
Xem thêm
Nhà văn Trình Quang Phú và những sáng tác về Bác Hồ
Chuyên đề Những câu chuyện đẹp của HTV
Xem thêm
Hậu trường đối ngoại văn chương
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Xem thêm
Cuộc gặp chiều cuối năm
Của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TPHCM với lãnh đạo Văn học Nghệ thuật TPHCM
Xem thêm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Xem thêm
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. 
Xem thêm
Trở về Trường Sơn || Ký của Võ Thu Hương
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 50, ngày 17/11/22
Xem thêm
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem thêm
Khi giáo viên các trường phổ thông kêu cứu…
Các giáo viên lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực ra mỗi ngày đến trường là một ngày lo đối phó, thậm chí là sợ hãi, dẫn đến tình trạng họ chọn cách làm việc thúc thủ, giao việc gì làm việc ấy, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân… Khi giáo viên mất động lực làm việc, như người mất sinh khí, dẫn đến tình trạng dạy, học và các hoạt động khác của nhà trường như người ngái ngủ, lờ đờ, mệt mỏi, chán nản…
Xem thêm