TIN TỨC
  • Truyện
  • Người về Sông Khán | Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú

Người về Sông Khán | Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
286 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

  1.  

Có quá nhiều việc phải làm trong thời gian cơ quan tôi tuyển người xây hồ chứa nước Sông Khán, bởi vậy khi duyệt lại danh sách, tôi khá ngạc nhiên khi bắt gặp tên bạn mình trong đó. Đang là Đội trưởng nổi tiếng của công ty bạn, dạng hot, cớ gì Quang nhảy sang công ty tôi rồi tình nguyện đi xây hồ?

- Có chuyện gì vậy? - Tôi hỏi khi thấy Quang vào ngày hôm sau.

Quang nhìn tôi, một cái nhìn vô định hình, lấp lửng:

- T…h..ay đổi môi trường làm việc ít lâu mà! 

 Chúng tôi từng chung lớp cuối tiểu học. Quang giỏi toán nhưng thích chơi với bọn “xóm nhà lá”!

Xóm nhà lá nghĩ ra nhiều trò nghịch ngợm. Quang là đứa hay bị bắt nạt.  Có lần, chúng tôi tụt quần Quang xem chim rồi khiêng đi lòng vòng trong sân trường, mặc Quang giẫy giụa. Ấy thế, hắn không giận. Ngày thi, hắn chìa phao để… cả bọn năm sau còn gặp nhau. Lên lớp trên được hai năm, đùng cái Quang không đến trường nữa rồi nghe tin hắn vô rừng. Đầu những năm 80 thế kỷ trước, tôi và Quang lại cùng ngành xây dựng. Quang học dần lên rồi thành kỹ sư nổi tiếng vì mấy lần nhận giải công trình chất lượng của Bộ. Tôi quý Quang vì như nhiều công nhân nói, bạn tôi không hề hà lạm vật tư công trình. Rất nghiêm khắc với chất lượng công trình, thương công nhân.

Trở lại việc Quang lên hồ Sông Khán. Đang ở vị trí nhiều người ao ước sao lại đi? Thần kinh? Không thể! Hay công ty Quang đấu đá nội bộ và Quang thuộc nhóm yếu thế phải bỏ đi? Gia đình có chuyện trục trặc? Vợ Quang, Ngọc, tuổi 40, đẹp và đài cát. Ngoài chuyện giúp chồng quản lý một cơ sở kinh doanh, người phụ nữ đó tỏ ra đặc biệt yêu chồng hay chờ cơm chồng dù Quang thường về đến nhà rất trễ. Mới đây, trong đám cưới con người bạn, vợ chồng Quang khoát tay bước đi, rất hạnh phúc. Như thế không thể nói, vợ là tác nhân dẫn đến việc Quang đi xa.      

- Ông về chỗ tôi, tôi như thêm cánh… Nhưng nếu vì lý do nào đó mà đi… thì nên nghĩ lại. Bọn mình có tuổi rồi. Ngựa già không leo được núi cao!

 Quang khẽ chớp mắt:

- Thôi bỏ chuyện đó đi. Vài ngày nữa, ông ghé mình. Có chai rượu ngon dành cho bạn.

Hơn tháng sau tôi đến Quang khi việc tuyển người xong xuôi. 

Quang sống trong con ngõ nhiều cây xanh, trong ngôi biệt thự tường cao màu mận chín. Lần nào cũng là con bẹc-giê to cao đón tôi trước khi chủ nhân đón. Lần này con vật gâu gâu một hồi mới thấy Quang ra mở cổng. Mặt Quang đỏ, hai túi mắt dày cộm trông mệt mỏi. Sau cái bắt tay, chúng tôi đi vào phòng khách, một căn phòng rộng đến 6 mét ngang. Giữa phòng kê bộ sa-lông kiểu ngai vua, nhìn ra bức tranh sơn dầu, bức tranh gỗ khắc chữ NHẪN trên bức tường đối diện. Bên trái phòng, một cánh cửa gỗ, dẫn lối vào nhà trong. Ở một góc bộ sa-lông, chị Ngọc ngồi trong tư thế hơi cúi, tay đỡ cằm, đăm chiêu. Nghe tiếng bước chân, chị ngẩng lên. Mắt ướt và đỏ. Nét mặt, đôi mắt ấy báo cho tôi biết: vợ chồng họ vừa xảy ra chuyện hờn giận gì đó! Hờn giận là chuyện bình thường thôi trong đời sống vợ chồng, như biển thì dù bình yên vẫn có sóng. Quy luật tự nhiên vận vào quy luật cuộc sống! Chính tôi nhiều khi cũng quát vợ vì tính hay tranh biện của cô ấy. Kết thúc dỗi hờn, tranh cãi nho nhỏ là lúc tình yêu  thêm nhiều gia vị, vợ chồng càng nhớ nhau khi đi xa. Nhưng trong vài trường hợp sự cự cãi liên quan đến vấn đề quan trọng, không ai nhường ai, thì việc người thứ ba xuất hiện nửa mang đến cơ hội giảng hòa, nửa mang nguy cơ lửa cháy lan. Tôi rất sợ lửa cháy lan.

Quang đánh tiếng:

 - Anh Hoàng tới chơi.

Chị Ngọc gượng gạo mỉm cười. Cái cười không làm nét mặt tươi lên chút nào, nó ngầm tố giác người cười kia đang buồn nẫu lòng. Trong tình huống này, tôi nghĩ không nên ở lại lâu. Tôi nói nhân tiện đi ngang qua, ghé thăm và sẽ về ngay vì cơn mưa đang tới. Chị Ngọc nhìn chồng, ngầm ra hiệu anh tiếp tôi, còn chị lấy cớ bận chút việc ở nhà sau phải đi, cũng như bảo tôi tự nhiên, trò chuyện. Còn lại hai người, tôi nói Quang biết, công ty chỉ định Quang làm Đội trưởng Đội tận thu lâm sản lòng hồ. Lòng hồ cần được dọn sạch cây cối trước khi cơ giới thi công. Quang im lặng vài giây rồi hỏi tôi, Đội tận thu có bao nhiêu người? Tôi nói 200, Quang than nhỏ:

- Đông vậy? Biết có quản nổi không?

Quang lại làm tôi ngạc nhiên. Hắn từng quản lý mấy trăm người, công trình rải mấy chục cây số ở địa bàn khó khăn, nhưng rồi đâu vào đó. Rõ ràng, Quang có cái gì đó không ổn. Nhưng lúc này chưa phải lúc truy vấn. Quang tự nói vẫn tốt hơn. Chuyện vãn một lúc, tôi nói đến lúc phải về. Quang tiễn tôi ra cửa. Chợt Quang à lên “còn chai rượu” rồi quày quả ra nhà sau. Ở thành phố này, nhiều người giàu sang, nhiều ông trọc phú, chưa kể những ông quan địa phương bước ra một bước có xe đón, mặt vênh lên kiêu hãnh…  có rượu tây, rượu ngâm các loại động vật chồng uống vợ vui, song khó ai có hầm rượu như Quang, dưới mặt đất sâu. Vang Pháp, Mỹ, các loại rượu đắt tiền… được giữ ở đó với nhiệt độ thích hợp. Thỉnh thoảng Quang mời bạn bè tri kỷ đến rồi những cuộc vui kéo dài. Đang nghĩ về hầm rượu, tôi nghe bước chân đi nhẹ, kèm tiếng tằng hắng, quay lại thì ra chị Ngọc.

- Anh  Hoàng về à? - Chị hỏi.

Tôi lại viện cớ cơn mưa...

Nét mặt chị Ngọc trở nên nghiêm trang, thăm dò:

- Anh Hoàng có thấy sức khỏe chồng em dạo này xuống? Em thấy mặt ảnh sạm đi. Em khuyên đừng đi Sông Khán nhưng anh ấy không nghe.

Lúc này tôi thầm đoán vợ chồng họ có thể tranh cãi nhau chuyện đi Sông Khán trước khi tôi đến. Ở cơ quan, tôi hay lấy tư cách Chủ tịch Công đoàn khuyên người này thế này, người nọ thế nọ... nhưng lúc này, chuyện khuyên  bạn thôi đi Sông Khán không dễ dàng vì Quang đã gặp giám đốc công ty tôi, đòi đi bằng được. Tuy vậy, để yên lòng chị, tôi nói sẽ cố gắng khuyên Quang.  

2.

Ở miền Trung, phần lớn sông ngắn và dốc. Sông Khán từ Trường Sơn Nam đổ vào thung lũng cùng tên, nằm cạnh cái buôn đồng bào K’ho sinh sống lâu đời. Sông kiệt nước vào mùa khô. Đồng bào phải đào những hố nhỏ bên những hốc đá giữa, bên bờ sông, đợi một thứ nước màu rêu ri rỉ ra rồi múc lấy. Một buổi sáng đi lấy nước may ra được một thùng nhỏ. Nước thiếu, da, tóc con người đều bạc ra, khô lại. Công ty tôi muốn đắp một con đập dựa vào một bên núi, tích nước. Mùa khô, hồ cấp nước cho buôn đồng bào vừa đưa về xuôi, nuôi cây lúa. Hồ mang tên là hồ Sông Khán theo cách đặt tên gắn với địa danh.

Một tuần sau tôi cũng theo Quang lên Sông Khán vì phải lo mở đường cho cơ giới vào vùng lòng hồ, khi mà đội của Quang đã khai thác hết cây to nhỏ. Anh em người ta kể về Quang:

Sáng ra, mặt trời hửng chóp núi, Quang đã ra thung lũng. Hôm nào làm thông tầm, mọi người về sớm, nhưng Quang đến tối mới mò về. Thinh thoảng, anh em mời Quang uống chút rượu giải mỏi, Quang đều từ chối. Quang hay ghi nhật ký vào những ngày này.

Năm giờ chiều hôm đó, đứng ở cửa lán nhìn ra, tôi thấy Quang về. Trong chiếc áo thun tay dài, quần jean bạc màu, nom Quang gầy hẳn. Vai bạn vát chiếc chà gạc, tay kẹp chiếc chiêng to như chiếc nón lá thâm xỉn bên nách.

- Mấy thứ đó tìm đâu ra vậy? - Tôi bắt chuyện.

Quang thản nhiên:

- Ở bờ sông. Bọn mình phát cây, thấy. Với đồng bào K’ho, lễ hội lớn nhỏ đều có tiếng chiêng. Con trai, con gái K’ho đi xa, nghe chiêng đánh đều muốn về nhà. Người già đi về với Giàng, tiếng chiêng là lời đưa tiễn.

Quang tỏ ra biết văn hóa K’ho - Tôi nghĩ bụng. Quang bước vào bên trong lán. Trong lán có mỗi chiếc bàn để khi hội họp, ghi chép. Anh cân nhắc đặt  chiếc chà gạt và chiếc chiêng lên bàn sau khi lót lớp khăn bên dưới.

Chúng tôi trao đổi nhau phần việc liên quan. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ thi công lòng hồ trong điều kiện cho phép. Lúc này cuối xuân. Từ lán trại nhìn lên, một phần sườn núi trước mặt, nơi có một khoảnh bằng lăng mọc dầy, thân cây nào cũng đều mốc trắng, cành khẳng khiu. Cành nào còn lá thì lá chuyển sắc đỏ. Dấu hiệu đó cho biết mùa mưa không lâu nữa sẽ về. Một thời điểm nào đó, các đỉnh núi quanh thung lũng, mây xếp lớp nhiều hơn vào cuối ngày, mưa có thể đổ xuống. Những tháng mưa, đồng bào trong buôn ít khi ra sông vì hay có lũ cuốn, lũ ống. Tôi và Quang xác định trong vòng tháng nữa, khả năng có mưa núi, sẽ có lũ, nhưng cũng không có gì chắc bởi thiên nhiên đôi khi bất thường. Toàn bộ lâm sản lòng hồ cần khai thác nhanh. Quang cho hay: khâu bài cây, đánh số gần xong. Số cây có đường kính gốc lớn khá nhiều. Tôi phải cho xe kéo mới lấy ra được. Đang nói chuyện, Quang đưa tay đè ngực. Cơn ho kéo dài nẩy lên từ lồng ngực làm mặt Quang xám ngắt, lưng còng xuống. Lúc này không còn đâu hình ảnh một Quang da trắng hồng, nét mặt có phần hiền hậu, đôi mắt sáng, khi nói, hay chớp mắt. Quang trước tôi lúc này là người bạn có phần tiều tụy. Nguyên nhân vì sao thì chưa rõ. Tôi lại nhớ ánh mắt, gương mặt buồn rầu của Ngọc khi đề cập đến sức khỏe của anh ấy tại nhà hôm nọ. Tôi nghĩ tới việc chở Quang về lại thành phố khám tổng quát. Hiện nay tại thành phố có nhiều bác sĩ giỏi, họ nhanh chóng tìm ra điều gì không ổn ở Quang. Tôi nói ý định. Quang day day cằm, lắc đầu:

- Mấy hôm trước mình mất ngủ nên về chiều hay ho vậy thôi!

- Ông bớt hút thuốc rồi chớ?

- Bỏ hẳn rồi.

Tôi nói như sợ bạn chặn lại:

- Điều gì làm Quang tình nguyện lên đây? Chỗ của bạn dưới kia. Nơi các công trình xây dựng đang cần một kỹ sư giỏi. Còn việc ông phụ trách hiện nay chỉ cần một người biết việc là đủ.   

- Sao nói chuyện đó lúc này? Tôi đang cần ông giúp cho cái máy ủi, hai thiên gạch, xi măng, xây bể nước cho đồng bào. Giúp đồng bào cái bể là hạn chế rủi ro khi họ ra sông lấy nước gặp lũ về.

Sau đó là những phút im lặng. Đã đến lúc cần tắm rồi cơm nước, nhưng Quang nằm phịch xuống ghế bố, hai tay gối đầu. Quang nói nếu tôi không bận việc gì, anh kể cho nghe câu chuyện. Lúc này không kể chờ tối, muỗi rừng không cho phép làm điều đó.

3.

- Mình về tới buôn sớm chứ anh? - K’ Nga hỏi.

K’ Nga là đội viên Đội công tác huyện, còn Quang là chiến sĩ trinh sát. Quang có nhiệm vụ đưa K’Nga từ cứ về buôn K’ho, vận động cha cô, một Già làng dời buôn vào vùng giải phóng bởi trước đó chính quyền Sài Gòn định đưa cả buôn về xuôi, để đồng bào cắt đứt sự liên hệ với Cách mạng. K’ Nga lo hai người không kịp về buôn trước tối. Quang đáp:

- Chừng hai giờ nữa mình ra tới cửa rừng. Từ đó về buôn chỉ nửa giờ. Tối nay, con gái mặc sức ở bên cha.

K’ Nga cười nhỏ sau lưng Quang.

K’ Nga đi bộ đội 3 năm nay. Người cha chắc hẳn nhớ con gái vì sau khi mẹ K’Nga mất, chỉ còn hai cha con. Thấy con trở về phổng phao, nét mặt giống y  mẹ, lại đi với anh bộ đội, nói lời thiệt hơn, già làng ưng cái bụng. Ông bằng lòng họp buôn trong một buổi tối, bàn chuyện dời buôn... Ông nói, vô vùng giải phóng, bộ đội sẽ giúp dân làng phát nương rẫy mới, không lo bị lùng xét như lâu nay. Với dân làng, già làng là người thay mặt Giàng, chẳng mấy chốc đồng lòng. K’Nga gợi ý một nửa buôn đi chuyến đầu. Số trước ổn định rồi, số sau tiếp tục. Buổi tối trước ngày đi, K’Nga và Quang treo võng ngoài hiên nhà sàn, cách nhau vài bước chân, trò chuyện:

- Ở đây em có nhiều kỷ niệm. Những ngày mưa ra sông đâm cá. Hôm nào không ra sông thì phát rẫy, tỉa bắp…   

Quang dùng chân đưa nhẹ võng. Tiếng K’Nga nói không làm Quang thôi để tâm đến những tiếng động khô khốc phía sau tấm vách nứa căn nhà sàn. Trong đó là nơi già làng nằm. Đêm nay, người già sẽ khó ngủ và ông đang sắp xếp cái gì đó cho chuyến ra đi. Ai cũng vậy, trước khi rời xa một nơi thân thuộc đều ít nhiều trăn trở? Mỗi con người đều có chuỗi kỷ niệm trong đời, vui có buồn có, luôn làm người ta nhớ. Bởi vậy, nghe K’Nga nói, anh thấy cái tâm trạng luyến lưu nơi ở thật đáng yêu, đáng trân trọng, cũng như mỗi lúc càng mến K’ Nga, cô gái 17 tuổi, mặt tròn, mắt sáng lanh lợi.

 Quang tiếp chuyện:

- Anh muốn hỏi em. Đồng bào có nhiều chiêng đồng. Lúc nào thì đồng bào đánh chiêng?

- Khi lễ hội, Tết đầu lúa. Tiếng chiêng vang xa lắm. Em biết đánh chiêng chút chút.

- Dạy anh đánh nhé?

- Đánh đau cái tay lắm đó!

K’Nga cười khúc khích. Họ còn nói chuyện một lúc nửa mới thiếp đi.

Mặt trời lên đầu ngọn cây. Đoàn người xuất phát. Quang đi trước dò đường. K’ Nga phụ trách tốp đi sau. Khi đã leo lên hòn đá to bên kia sông, quan sát thấy mọi điều bình thường, Quang ra hiệu vượt sông. Đồng bào mang vác nặng, đi chậm. Lúc K’ Nga ra giữa sông, từ phía núi vọng lại tiếng ầm ầm như sấm rền. Quang hướng mặt về phía núi nhủ thầm sấm hay rền vào thời điểm giao mùa. Mưa lớn ít ra phải mươi hôm nữa, khi phía Tây đầy mây, như những chiếc chảo gang úp trên đầu mỗi ngọn núi. Tuy vậy, đề phòng vẫn hơn, Quang che tay làm loa dục mọi người bước nhanh. K’ Nga giơ cao tay ra hiệu đang cố gắng đây! Đoàn người tiến dần ra giữa sông như con sâu khổng lồ. Hai mươi phút, hoặc hơn một chút, tất cả sẽ lên bờ. Đúng lúc ấy, tiếng ầm ầm to dần, như tiếng voi bầy di chuyển, có lúc như từ lòng đất dội lên, từ trên núi đưa xuống, rồi khối nước màu vàng đục, quặn xiết, dựng buồm, cuộn sôi, ầm ầm xô tới. “Lũ về K’ Nga ơi”, Quang gào lên, mắt trừng trừng nhìn ra sông. Đoàn người đang hướng vào bờ kia, bỗng chốc xiêu vẹo đứt rời ra. Một dúm người sau giây phút hốt hoảng, đã bừng lên ý muốn ham sống, nắm chặt tay nhau, cúi người về phía trước, chân bám chặt vào đá cốt giữ lấy nhau, không cho nước đẩy đi. Những tiếng kêu, tiếng ới, tiếng thét vang lên, cùng lúc với những thân người, những cái đầu đen bị nước đẩy đi, cố gắng chồm lên một vài lần trước khi mất dạng trong làn nước đục. Hai bờ cây lưa thưa ven sông chìm dần, chìm dần trong nước. Trong mươi phút ngắn ngủi, tất cả chìm trong khối màu vàng ám ảnh. Quang phục xuống hòn đá, ôm lấy đầu, ràn rụa nước mắt.

- Hai vật nhặt được là của trận lũ năm đó. Mấy chục con ngườimất trong dòng nước xiết.

- Có lẽ vì vậy ông quyết định lên đây?

Tôi nhìn thẳng Quang.

- Còn một lý do nữa, hạ hồi ông rõ.

4.

Hồ Sông Khán hình thành hơn chục năm. Một cái xã mang tên Sông Khán  thành lập sau đó và đồng bào K’ho là cư dân bản địa. Mười năm tôi trở lại thăm hồ. Trên đỉnh đập, người ta dựng một tháp xi măng cao, ghi ngày khởi công, hoàn thành, tên những người gắn bó với công trình. Tôi đọc thấy tên Quang trong đó. Quang đã về với mây trời thung lũng Sông Khán, với buôn làng anh yêu.

Mấy ngày sau, Quang ho ra máu và một chuyến xe vội vã đưa anh về thành phố. Tôi tìm thấy cuốn nhật ký bên trong chiếc gối anh nằm, sau ngày trở lên công trường thu dọn đồ vật Quang để lại.

Ngày… tháng…

Hôm nay, tìm thấy chiếc chà gạc ven sông. Nhớ K’ Nga! Tôi như thấy lại cảnh em ngụp lặn trong làn nước dữ. Có thể, chà gạc tôi tìm thấy là chà gạc K’Nga vác vai hôm ấy. Cả một bờ sông xơ xác… sau khi lũ rút... Tôi nhớ  gương mặt thất thần, đôi mắt đục đỏ, cái nhìn câm nín của già làng khi đi tìm người bị lũ cuốn.  

 

Ngày… tháng... năm

Tháng này, tháng thứ  bảy, tôi  bị bạo bịnh.  Một lần khám chuyên khoa, cho tôi biết điều đó. Thời gian tôi ở trên cõi đời đang được tính từng ngày.

Những ngày cuối cuộc đời, nhiều đêm tôi thấy K’Nga về, áo ướt sủng, tóc rối bời, mặt đầy vết xước. Em hỏi, có còn nhớ đến em khi tôi ít nhiều thành đạt? Tôi không chỉ nhớ mà còn nợ. Làm sao quên được khi trái tim bạn cảm thấy mắc nợ cuộc đời, những người cưu mang mình? Mỗi người đều chỉ một lần sống. Biết vậy nên có người làm đủ mọi cách để người khác nhớ đến mình, kể cả khi làm những việc tày đình. Tôi thì sức yếu, mạng mỏng, chỉ xin góp sức mình cho hồ Sông Khán, như là một cách tạ lỗi với đồng bào, với K’Nga, cũng như thầm nhủ giá như không có chuyến đi hôm ấy!

Ngọc thương yêu của anh! Anh nghĩ, nói ra em lo toan, nhưng không được gì em à. Thà em buồn chuyện anh đi, còn hơn thấy em võ vàng. Hãy tha lỗi cho anh! Nếu có kiếp lai sinh, anh mong được ở bên em. Người sống mà nặng tình thường khổ, nhưng biết làm sao được! Đêm nay anh ho nhiều quá…Ngọc ơi!

Quang, tôi thầm gọi, mắt cay xè!

H.T.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm