TIN TỨC

Nỗi niềm suy tư, trăn trở về con người và thế sự trong Sóng đời

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-03 07:58:05
mail facebook google pos stwis
4444 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA
(Nhân đọc tập thơ Sóng đời của Trần Ngọc Phượng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023)

Sóng đời là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Trần Ngọc Phượng. Tập thơ tập hợp hầu hết những bài thơ của anh viết từ những năm tháng tuổi trẻ, tham gia chiến đấu ở chiến trường cho đến những bài thơ sáng tác rải rác sau đó và cả những bài thơ anh viết trong thời gian gần đây. Có thể xem Sóng đời như bản nhật ký về hành trình sống, hành trình cuộc đời vô cùng phong phú, đa sắc màu của Trần Ngọc Phượng. Ở đó mọi ký ức, niềm vui, nỗi buồn được nhà thơ giãi bày một cách chân thành, hồn hậu. Bản lĩnh, cốt cách của một người lính đã hun đúc nên một con người sống có tình cảm, có tinh thần ý thức trách nhiệm công dân. Điều này được thể hiện rõ nét và xuyên suốt trong cả tập thơ.

 

Sóng đời gồm 156 bài thơ và chia làm 3 phần:

Phần 1: Dòng sông quê hương (48 bài).

Phần 2: Ký ức (48 bài).            

Phần 3: Dốc chiều (60 bài).

Việc chia bố cục tập thơ làm 3 phần như thế là có dụng ý của nhà thơ Trần Ngọc Phượng. Đó là sự sắp xếp theo lôgic và theo dòng hoài niệm, sự liên tưởng trong cái nhìn đa chiều của nhà thơ.

Dòng sông quê hương, nơi Trần Ngọc Phượng đã một thời tuổi thơ tắm mát, nơi cất giữ nhiều kỷ niệm đẹp của thuở thiếu thời. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Ngọc Phượng phải chào tạm biệt “dòng sông” để vào Nam làm nhiệm vụ. Con sông chảy qua một thời gian khó/ Ấm áp tình thương ngôi nhà đầu phố/ Sóng nào dìu tôi qua sông vượt lũ/ Đò nào đưa tôi ra đi từ đó.

Từ biệt dòng sông quê hương vào Nam chiến đấu với bao nhiêu ký ức về quê hương và cả những tháng ngày gian khó, cam go ở chiến trường miền Đông. Đất nước hòa bình, ở vào tuổi xế chiều (theo cách nói đầy ám gợi của Trần Ngọc Phượng là ở “dốc chiều”) của đời mình, nhà thơ lại “trở về dòng sông xưa” để “tìm lại quãng đường trai trẻ”. Lòng lại rưng rưng nhớ một thời đã qua, ngẫm ngợi về cái được mất của quá khứ và cả hiện tại trong nỗi niềm day dứt, trăn trở, suy tư.Bến bờ neo cuối đời/ Cũng bên bồi bên lở/ Cay đắng và ngọt bùi/ Là tình đời muôn thủa.

Nam Định là nơi mà Trần Ngọc Phượng có những năm tháng tuổi thơ, lớn lên và học hành ở đó. Vì thế, hình ảnh của đất và người quê hương Thành Nam luôn hiện diện trong tâm thức của nhà thơ. Chính mảnh đất này đã trở thành cội nguồn sinh dưỡng, chỗ dựa tinh thần vững chắc để cho Trần Ngọc Phượng vững tâm sống, chiến đấu, làm việc cho đến ngày hôm nay. Vì thế dù có đi đâu, làm gì, dù có rời xa “chốn cũ” nhưng tận trong sâu thẳm tâm can anh vẫn luôn hướng về nơi đóbằng một tình cảm thân thương đến lạ. Nhà thơ nhớ tất cả hình ảnh quê nhà với từng con người, cảnh vật, góc phố, con sông, cánh đồng...

Nam Định những phố xưa/ Trải dài theo nỗi nhớ/ Len lỏi vào giấc mơ/ Nỗi lòng người xa xứ// Hàng Nâu liền Hàng Bát/ Hàng Mâm nối Hàng Song/ Đi học qua Hàng Cót/ Vào chợ qua Hàng Đồng/... Tuổi trẻ sống vô tư/ Thả diều nơi Gốc Mít/ Tập bơi hồ La Két/ Đá bóng sân Khoái Đồng// Thành phố như bàn tay/ Ta ấp vào lồng ngực/ Đường phố như chỉ tay/ Dọc ngang trong ký ức (Nam Định những phố xưa).

Chính vì lẽ đó mà Trần Ngọc Phượng có nhiều bài thơ nhắc đến tên đất, tên làng và những gì có liên quan đến Thành Nam:Sông Đào, Chiều đông phố quê, Viếng mộ cụ Tú, Ký ức sông Đào, Bến xưa, Bên hồ Vị Xuyên, Trở lại trường xưa, Tiếng vọng Thành Nam, Dệt xưa, Đâu chỉ có thế thôi, Đêm tháng Bảy...

Đặc biệt là những người thân yêu của anh, nhất là hình ảnh người bà, người cha, người mẹ, người chị, người em... Trong hành trình làm người, khi đã ý thức được sự yêu thương, mối quan hệ ruột rà, máu mủ thì nhà thơ chưa bao giờ nguôi quên đến họ. Để rồi, khi đã đi qua bao dâu bể, sương gió của cõi người Trần Ngọc Phượng lại càng trân quý, càng yêu thương hơn gấp bội phần. Tiếc rằng, tuổi thanh xuân phải đi chiến đấu, nên anh không có thời gian, không có điều kiện để chăm sóc cho Cha và những người ruột thịt của mình. Để giờ đây anh cảm thấy như mình có lỗi, cảm thấy hụt hẫng, ăn năn. Hình ảnh “Nơi bậu cửa Cha ngồi” đã ăn sâu vào tiềm thức của đứa con xa quê như anh. Vì thế, khi trở về quê cũ, việc đầu tiên là Trần Ngọc Phượng “tìm lại” ngôi nhà xưa với bao nhiêu ký ức của cả gia đình gắn liền ở đó.Con về quê/ Tìm lại ngôi nhà xưa/ Nơi bậu cửa/ Cha ngồi/ Chờ đàn con trốn nhà, đi bơi, đá bóng/ Ba ngồi lặng yên/ Trong buổi chiều ảm đạm/ Chúng con về/ Len lét sợ đòn roi/ Bữa cơm nghèo/ Cha chống đũa nhìn/ Những đứa con vô tư/ Khua nồi vét đĩa/ Mẹ ra đi khi ba còn trẻ/ Một mình ba gà trống nuôi con/ Ăn học nên người/ Ba nhìn đâu, về phía chân trời/ Nơi ấy một thời khá giả/ Nơi ấy con ra đi/ mười năm trời,/ Ba ngồi chờ đợi/ Đón con về/ Mấy tấm huân chương/ Ba lô rỗng tuếch/ Ba thắp nén nhang lên bàn thờ Mẹ/ Mừng đứa con từ cõi chết trở về/ Ba nói cứ vui đi/ Mặc đời đói nghèo tem phiếu thiếu ăn/ Chúng con ăn năn/ Chưa lo cho Ba được phút giây thanh thản/ Cả đời người chìm nổi trầm luân/ Trong xã hội một thời binh đao khói lửa/ Người ra đi/ Nước nhà vẫn còn nghèo khổ/ Nhưng an lòng/ Với bốn đứa con/ Nên người tử tế/ Trong đất nước cựa mình đổi thịt thay da/ Nén nhang này/ Con xin tạ lỗi/ Với đất trời/ Với cả Mẹ con/ Mâm cúng đủ đầy/ Cháu con đủ mặt/ Mà lòng sao quặn thắt vô cùng/ Cha Mẹ hãy về phù hộ cháu con.

Biểu tượng quê hương, dòng sông, con đường, thời gian, đêm, ngày, tháng... trong Sóng đời của Trần Ngọc Phượng được dùng với tần số dày đặc. Đó cũng là cách để nhà thơ chuyển tải được hết những cung bậc cảm xúc, ký gửi tất cả những nỗi niềm của bản thân về con người, cuộc đời và thời cuộc.

10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, tham gia nhiều trận chiến, đi đến nhiều nơi, gặp rất nhiều người, qua nhiều vùng đất, chứng kiến không biết bao cảnh tượng bi hùng... Nhưng có lẽ ám ảnh nhất đối với Trần Ngọc Phượng là sự hy sinh của những người đồng chí, đồng đội.

Trần Ngọc Phượng nhớ tất cả từ khi mình bước chân vào Nam cho đến lúc đất nước hoàn toàn độc lập: anh đi những đâu, làm những gì, gặp những ai... và cả những băn khoăn, trăn trở, day dứt, xót thương về những điều đã xảy ra, những thứ đang hiện hữu ở hiện tại. Tất cả được anh ghi lại rất cụ thể, chi tiết bằng những lời tâm tình rất đỗi tự nhiên, lối nói nhẹ nhàng, chững chạc nhưng cũng rất dứt khoát, chân tình.

Ký ức Mậu Thân, Ngã ba Cây Cầy, Bên nấm mộ vô danh, Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, Cái ba lô con cóc, Chiều núi Ông, Sốt rét, Đêm mưa, Tiền phương, Anh báo vụ, Đứng gác đêm trăng, Tháng Tư Long Khánh, Họp mặt sư đoàn, Bến không chồng, Chiều nghĩa trang Trường Sơn, Gió tháng Tư, Trận địa bến sông, Bà Rịa thân thương, Cảm xúc tháng Tư, Dọc đường miền Trung, Lời thề ấy đi cả đời chưa trọn...

Là người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường nên nhà thơ càng thấu rõ những gian khó, vất vả, thiệt thòi. Trong những lúc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, cái chết cận kề nhưng không thể làm cho anh chùn bước. Niềm tin và ý thức của một người lính bộ đội cụ Hồ đã tiếp cho anh sức mạnh. Giữa mưa bom, bão đạn những đồng chí, đồng đội của anh có người đã hy sinh không kịp nói lời từ biệt. Chứng kiến những cảnh bi thương ấy làm cho Trần Ngọc Phượng không khỏi day dứt, nghẹn ngào.Có những bài thơ anh chép vào nhật ký mà cho đến tận bây giờ anh vẫn còn cất giữ. Nhà thơ xem đó là những kỉ vật của đời mình.

Khóc bạn là bài thơ Trần Ngọc Phượng viết cho Dũng, người bạn, người đồng chí thân yêu đã hy sinh cạnh mình trong trận chống càn vào tháng 6/1968 tại Bảo Bình, Long Khánh bằng tiếng khóc nấc nghẹn.

Dũng chết rồi, Dũng không còn nữa/ Tim không đập và ngực không còn thở/ Dũng chết rồi có phải thật không?/ Nét mặt đây máu vẫn tươi hồng/ Mắt nhắm lại hiền lành như giấc ngủ/ Ta bàng hoàng không sao tin được/ Dũng bỏ mình đi không nói đến một lời/ Hỡi bạn quê hương thương mến ơi/ Ta sống với nhau mấy mùa mưa nắng/ Bom đạn quanh mình sống chết vào ra/ Mà nay đành phải cách xa/ Quân thù đã giết bạn ta mất rồi/ Máu xương đồng chí ta ơi!/ Xót xa căm giận sục sôi trong lòng... // Chỉ còn đây nấm mộ đắp cao/ Chỉ còn đây mảnh đất này Long Khánh/ Mà năm tháng là tình sâu nghĩa nặng/ In dấu chân ta sương gió mấy mùa/ Thấm máu anh em mình vì độc lập tự do/ Ta lao tới quân thù/ Đuổi không còn tên xâm lược/ Đất nâng chân ta đất nóng bỏng căm hờn/ Đau thương không làm ta rơi nước mắt/ Món nợ này không thể nào quên...

Khóc bạn là một trong số những bài thơ cảm động viết về người đồng chí, đồng đội của của Trần Ngọc Phượng đã đi qua bao gian khó, vất vả và cả những hy sinh mất mát. Đây là những tình cảm thật, được viết ra bởi một con người đã từng đi qua hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Nỗi đau ấy vẫn dai dẳng, đau đáu khôn nguôi cho đến thời hậu chiến. Bởi chiến tranh là đi kèm với đau thương và chết chóc. Cái chết không từ một ai, mới vừa gặp nhau nói cười đó thì cũng có thể ra đi vĩnh viễn.

Đọc bài Lời mẹ, bất giác tim tôi lại nhói đau, cay cay nơi khóe mắt vì xúc động.

Cha con/ Hy sinh ở Điện Biên/ Lịch sử đã kết thành hoa đỏ// Anh con/ Bỏ mình nơi Thành Cổ/ Thạch Hãn/ về/ Hoa phượng rãi đầy sông// Con ngã xuống/ Nơi biên cương/ Đánh bọn giặc ác như thú dữ/ Chúng lẻn vào nửa đêm/ Lúc cụ già trẻ con đang ngủ/ Giết người cướp của dã man/ Khi đất nước/ Ngàn cân treo sợi tóc/ Máu xương con/ Gìn giữ nươc non này!// Đừng buồn con ơi/ Nếu kỷ niệm hôm nay/ Đất trời còn im ắng/ Hương khói bay/ Trong lòng người im lặng/ Lịch sử công bằng không thể nào quên/ Dòng chảy bốn ngàn năm/ Không bao giờ tắc nghẽn!

Nhưng chính nhờ những hy sinh lớn lao của nhiều đồng chí, đồng đội ở khắp các chiến trường đã tạo nên bước ngoặt cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đi đến đại thắng mùa xuân 1975, mở ra một trang sử mới đầy vẻ vang cho lịch sử nước nhà.

Đất nước hòa bình, người cựu binh năm nào may mắn trở về vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột cùng. Được gặp lại bạn bè, người thân, đồng chí, đồng đội của mình sau bao nhiêu năm xa cách. Gặp lại người đồng đội cũ sau 50 năm xa cách, Trần Ngọc Phượng không giấu được sự vui mừng, xúc động: Năm mươi năm, mới gặp nhau/ Chúng mình giờ đã bạc đầu gió sương/ Bên nhau ôn chuyện chiến trường/ Một thời gian khó, bão giông hiện về/.../ Dấu chân trên đất Thủ Biên/ Vượt qua Sông Bé đường lên Cây Cầy/ Dốc Năm Cua tựa khuỷu tay/ Bao nhiêu đồng đội đến nay không về// Em cười đôi mắt đỏ hoe/ Cảm ơn trời đất chở che đến giờ/ Cứ an nhiên sống như xưa/ Mặc nhìn chiếc lá vật vờ cuối thu (Gặp em vào buổi thu tàn).

Với một người lính như Trần Ngọc Phượng, anh cho rằng những năm tháng ở chiến trường đó là những năm tháng không thể nào quên. Bởi ở đó gắn liền với bao kỷ niệm, mà mỗi lần nhắc đến lòng lại rưng rưng:

Có thể nào anh lại quên em/ Như quên đi một thời trai trẻ/ Kỷ niệm xưa như bông hoa mới hé/ Cả đời ta chưa khép lại bao giờ/ Em nhớ không buổi tối mùa mưa/ Anh lội qua những hố bom chi chít/ Để được nghe giọng em tha thiết/ Tiếng quê hương giữa đất miền Đông/ Anh thương em giữa chiến trường ác liệt/ Mong manh sao phận gái thân gầy/ Giữa muỗi vắt bom mìn sốt rét/ Em làm sao trụ nổi nơi này/ Mới gặp nhau đã vội chia tay/ Anh xa em đi về phía trước/ Em ở lại nơi đầy quân Mỹ Úc/ Bám trụ ngày đêm chăm sóc thương binh/ Thư gửi nhau thấm máu giao liên/ Vượt lộ băng rừng qua sông qua suối/ Lá thư nào gửi anh em cũng hỏi/ Anh còn sống không ráng đợi ngày về/ Giải phóng rồi không tìm thấy em tôi/ Thư anh gửi như lời hẹn ước/ Khi gặp nhau mái đầu tóc bạc/ Mắt lệ rơi trên trang giấy nhạt nhòa... (Có thể nào quên).

*

Trở về sau chiến tranh, sống trong những năm tháng đất nước hòa bình, độc lập nhà thơ có điều kiện đi đến nhiều nơi trên dải đất cong cong như hình chữ S này. Dấu chân Trần Ngọc Phượng đã in dấu trên mọi miền đất nước, từ địa đầu phía Bắc - Lũng Cú đến cực Nam -  Mũi Cà Mau. Là người tinh tế, nhạy cảm nên nơi nào anh đi qua cũng đều để lại những dấu ấn riêng. Điều này được Trần Ngọc Phượng ghi lại bằng những bài thơ cụ thể ở từng vùng đất mà anh đã đến như: Lũng Cú, Từ tận cùng chữ S, Nụ cười Thành Cổ, Hòn Chồng, Du lịch Đắc Lắk, Tết Đà Lạt, Hải Đăng Kê Gà, Cà Ná, Về quê em, Cà Mau...

Sau Đại thắng mùa xuân 1975 cho đến hôm nay, trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn Trần Ngọc Phượng có dịp “về nguồn” và gặp lại những người đồng đội, đồng chí của mình. Về thăm nghĩa trang Trường Sơn, về Thành Cổ Quảng Trị, về Ngã ba Đồng Lộc, Long Khánh, Bà Rịa...Rồi những buổi họp mặt Sư đoàn, họp mặt cuối năm, những buổi cà phê, trà lá... Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, vui vì thấy mình may mắn còn sống, được sống hạnh phúc bên gia đình, vợ con, cháu chắt; vui vì được gặp mặt những người bạn một thời vào sinh ra tử để hàn huyên trò chuyện; nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều nỗi buồn len lỏi tạo nên những nỗi day dứt khôn nguôi. Những người đồng chí đồng đội, sau mấy mươi năm vẫn chưa tìm được hài cốt; những người may mắn còn sống trở về có người lại sống trong bệnh tật do di chứng của chiến tranh và khó khăn vào tuổi xế chiều; họp mặt mỗi năm điểm danh lại thiếu vắng... Bên cạnh đó, nhà thơ còn mang một nỗi buồn lớn đó là phải đối mặt với nhiều bất trắc của thời hiện tại mà anh đang sống.

Quá khứ đồng hiện cùng với hiện tại và cả những dự cảm về tương lai trở thành thủ pháp nghệ thuật chủ đạo trong thơ Trần Ngọc Phượng. Đó không chỉ là sự nhắc nhớ, lòng biết ơn sâu sắc với quá khứ, biết quý trọng hiện tại và sống có lý tưởng, trách nhiệm với tương lai.

Sài Gòn chính là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Trần Ngọc Phượng và sau chiến tranh nhà thơ đã sống và gắn bó sâu nặng với thành phố này. Vì thế, trong Cõi đời, Trần Ngọc Phượng dành những vần thơ da diết nhất để “tâm tình” với Sài Gòn: Em là Sài Gòn đấy anh ơi, Đêm Sài Gòn, Cà phê Sài Gòn, Hẻm nhỏ phố tôi, Bên dòng kênh Nhiêu Lộc, Thơ phố, Cà phê Dinh, Đường hoa, Tháng Tư chống Covid...

Với Trần Ngọc Phượng, Sài Gòn là mảnh đất giàu nghĩa tình và bao dung, người Sài Gòn hào sảng, luôn mở rộng vòng tay chào đón tất cả bằng tình thương mến, sẻ chia. Vì thế, tận trong sâu thẳm con tim mình anh tự hào mình là người Sài Gòn, được làm người Sài Gòn. Sài Gòn đây/ Đất lành chim đậu/ Anh sinh ra/ Biền biệt bốn phương trời/ Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ/ Gọi anh về nơi cắt rốn chôn nhau/ Đến bây giờ tóc trắng bạc đầu/ Vẫn muốn hỏi/ Mình Sài Gòn chưa nhỉ? (Em là Sài Gòn đấy anh ơi!).

Yêu Sài Gòn, tự hào về Sài Gòn nên nhà thơ luôn dõi theo và quan tâm đến những đổi thay của thành phố thân yêu. Ấn tượng và thiết thực nhất là việc giải tỏa những ngôi nhà ổ chuột, cải tạo dòng kênh ô nhiễm, đem lại môi trường trong lành cho thành phố: Hơn bốn mươi năm rồi/ Em ơi còn nhớ/ Con kênh đen giữa lòng thành phố/ Bạt ngàn những túp lều khốn khổ/ Chông chênh mấy cột cây/ Ngập tràn rác rưởi/ Anh ngỏ lời đến thăm/ thương mắt em bối rối/ Cái “ổ chuột” này đây sao dám gọi là nhà/.../ Tháng năm nào quên/ Một thời ngụp lặn/ Tuổi trẻ ta ngâm mình nạo vét/ Con cái ta/ Thiết kế dựng xây./ Con kênh giờ in bóng hàng cây/ Đàn cá về tung tăng bơi lội (Bên dòng kênh Nhiêu Lộc); Chiều nay bên dòng kênh Nhiêu Lộc/ Dòng nước xanh in bóng hàng cây (Gió tháng Tư).

Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất đối với nhà thơ Trần Ngọc Phượng. Vì thế lúc còn nhỏ, đến khi trưởng thành, lập gia đình và cả khi về già nhà thơ vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt với tất cả những người ruột thịt. Ngoài tình cảm thiêng liêng dành cho ông bà, cha mẹ, anh, chị, em thì Trần Ngọc Phượng vẫn dành tình cảm ấm áp, sự quan tâm chở che dành cho vợ và con cháu của mình (Tặng vợ, Gửi con, Nắng và Gió, Thiên thần bé nhỏ...).

Nhà thơ tự ý thức được chính mình, khi đã ở vào cái tuổi gần về “cuối dốc”.Rồi đây về cuối con đường/ Nắng chiều sắp tắt, khói hương sắp nhòa/ Rồi đây còn chót tuổi già/ Cứ mơ trăng gió như là còn xuân/ Rồi đây rệu rã bước chân/ Cứ vui những lúc quây quần bên nhau/ Rồi đây sóng cả, sông sâu/ Cứ thơ lục bát bắc cầu mà đi/ Rồi đây đời lắm thị phi/ Cứ quên như chẳng cần gì mang theo/ Tháng năm còn được bao nhiêu? Xin đừng hiu hắt liêu xiêu cuối đời (Rồi đây).

Gặp lại người đồng đội cũ với những mảnh đời khác nhau. Có người may mắn có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, con cháu. Nhưng cũng có những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, cảnh ngộ đáng buồn như câu chuyện mà nhà thơ chuyển tải trong bài thơ Chuyện của Dè: Mười năm là chiến sĩ thông tin/ Quen trèo dừa nên giỏi mắc ăng ten/ Lo đánh giặc đâm ra ít học/ Chữ nghĩa không qua lớp đánh vần.// Sau giải phóng trở về làm dân/ Huân chương dũng sĩ cất trong hòm/ Không nghề, không chữ, không ruộng đất/ Lại đi làm mướn để nuôi thân.// Chê nghèo vợ bỏ con nheo nhóc/ Không đứa nào học đến cấp hai/ Biết vậy nên đành xin ra Đảng/ Đã dốt lại nghèo lãnh đạo ai?

*

Lời thề ấy đi cả đời chưa trọn là bài thơ bộc lộ thành thật nhất những suy nghĩ của Trần Ngọc Phượng từ khi tuyên thệ vào Đảng cho đến tận hôm nay. Buổi lễ kết nạp được mô tả chân thực và xúc động. Hồi đó vào Đảng là phải tiên phong đi trước, sẵn sàng hy sinh trên những con đường rập rình cái chết. Tôi tuyên thệ vào Đảng/ trong buổi lễ đơn sơ/ Không có hoa, có cờ/ Không có băng khẩu hiệu/ Ngay cả bạn tôi người giới thiệu/ Cũng hy sinh trong trận đánh chiều qua/ tôi đọc lời thề trong tiếng pháo tầm xa/ Trong thét rú bầy máy bay phản lực/ Vẫn ráng chiều hoàng hôn đỏ rực/ Trười quê hương không một phút bình yên/ Vẫn đồng đội sốt rét ngồi bên/ Vẫn con đường chiến tranh rập rình cái chết/ Mà sao nghe thiêng liêng giây phút/ Nghe gọi tên mình hai tiếng Đảng viên. Lời thề ấy, đã ăn sâu trong huyết mạch trở thành niềm tin, niềm tự hào của bản thân anh để sống, làm việc có ích cho đời.

*

Hiện thực cuộc sống sau chiến tranh, đặc biệt là ở thời kỳ hội nhập vô cùng bộn bề, phức tạp; các giá trị bị đảo lộn. Ý thức trách nhiệm công dân, bản lĩnh của người cựu chiến binh đôi lúc làm cho Trần Ngọc Phượng cảm thấy chạnh lòng với bao nỗi trăn trở, suy tư. Bởi bao bất cập của đời sống vẫn đang tồn tại và diễn ra trước mắt.

Đường Trường Sơn cheo leo ghềnh thác/ Bước chân rung đòn gánh trĩu hai đầu/ Những đoàn quân xưa đi đánh giặc/ Máu xương còn để lại rừng sâu// Anh đi vào tận cùng khúc ruột/ Trẻ đến trường còn lội suối, đu dây/ Nắng thì hạn, đồng khô đất nứt/ Mưa lũ về trắng ruộng dân cày// Người miền Trung kiên cường chịu đựng/ Những buồn vui cũng đến tột cùng/ Tiếng nói át gió mưa giông bão/ Sức người như nén bật dây cung (Đường miền Trung).

Không chỉ có bất công, đói nghèo mà còn bao mối nguy khác luôn thường trực và trở thành nỗi lo canh cánh:

Đất nước hòa bình/ Nhưng nào đã bình yên/ Giặc ngoại xâm, nội xâm đe dọa/ Biển trước mặt phơi đầy xác cá/ Rừng sau lưng trơ trọi gốc cây/ Trẻ đến trường/ Phải lội suối, leo dây/ Tàu ngư dân/ Bị đâm từ tàu lạ... (Chiều Nghĩa trang Trường Sơn).

Đồng tiền với sức mạnh ghê gớm của nó đã làm chao đảo nhiều thang bậc giá trị. Đồng tiền có thể mua quan, bán tước; đồng tiền có thể thay trắng đổi đen; lương tâm con người trở thành món hàng trao đổi...

Bây giờ lắm của nhiều tiền/ Lương tâm đổi chác, chức quyền bán mua/ Nhớ không? Còn nợ ngày xưa/ Cốt xương liệt sĩ vẫn chưa tìm về (Ngày xưa).

Câu hỏi đầy nhức nhối, đánh thức lương tri và trách nhiệm của những người đang sống hôm nay, nhất là những người đang giữ những vị trí, chức vụ chủ chốt của các cấp, các ngành...   

Cái hay ở thơ Trần Ngọc Phượng là dù anh nói nhiều, nhắc nhiều đến nỗi buồn, sự nhớ thương, nuối tiếc... nhưng vẫn không có sự bi lụy, não nề, bế tắc, tiêu cực. Ở đó là những trăn trở, suy tư đầy tinh thần trách nhiệm công dân. Sống có trách nhiệm với gia đình, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, chan hòa với bạn bè và mọi người xung quanh.

Thơ Trần Ngọc Phượng với ngôn ngữ trong sáng, giản dị, đi thẳng vào lòng người đọc nhưng cũng không kém phần tinh tế và sâu lắng, gợi lên nhiều suy ngẫm cho bạn đọc:  Đời đâu phải lập trình/ Nên chợt này chợt nọ/ Đủ cho ta giật mình/ Còn bao điều mắc nợ (Chợt); Ta đi suốt cuộc đời/ Đuổi theo miền sáng tối/ Rồi cũng về nghỉ ngơi/ Trong bóng đêm vời vợi (Bóng đêm); Ngã lưng trên thảm cỏ mềm / Chia nhau chú ánh lưỡi liềm trăng non (Chơi vơi) Anh về trở lại bến sông/ Em đi lấy chồng vọng tiếng ầu ơ/ Hắt hiu chiều vắng con đò/ Lục bình hoa tím như vừa qua đây (Hoa tím lục bình) Và ở vào tuổi tám mươi, Trần Ngọc Phượng vẫn viết những câu thơ ấm áp tình đời: Trăm năm trong cõi Ta Bà/ Mượn vay ai trả phúc quà ai cho...

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm