TIN TỨC

Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-12-13 19:28:41
mail facebook google pos stwis
1283 lượt xem

VƯƠNG TRỌNG

Từ khi Đại thi hào nguyễn Du qua đời đến đầu thế kỷ 21, chúng ta chỉ biết đến tác phẩm của Cụ để lại gồm có 250 bài thơ chữ Hán cùng Truyện Kiều bất hủ và một số tác phẩm chữ Nôm. Tất cả đều ở dạng sáng tác. Đầu thế kỷ 21, mới phát hiện ra tập “Hoa nguyên thi thảo”, là một tập bình thơ của Đại thi hào, gồm 33 lời bình thật ngắn gọn cho 33 bài thơ. Tuy nhiên, khi chưa tiếp cận tập sách phê bình này, chỉ qua sáng tác, chúng ta cũng biết được một phần về sự đánh giá nhiều tác phẩm, đồng thời thấy rõ quan niệm sáng tác văn chương của Đại thi hào. Đó là nội dung bài viết này.


1- Sinh thời, Nguyễn Du, yêu mến, phục tài nhiều nhà thơ cổ điển Trung Quốc, đặc biệt là Đỗ Phủ. Sự gặp gỡ giữa hai nhà thơ này, ngoài tài thơ ra, cùng có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Đánh giá nhà thơ Đỗ Phủ và nói lòng yêu mến của mình đối với nhà thơ này, Nguyễn Du viết:

Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư)

Bình sinh bội phục vị thường ly

Nghĩa là: "Văn chương ông lưu truyền thiên cổ, ông là bậc thầy muôn đời. Tôi bình sinh khâm phục ồng, không lúc nào rời thơ ông". Nguyễn Du tôn Đỗ Phủ là người thầy muôn thuở, lấy thơ Đỗ Phủ làm sách gối đầu giường, bởi nhận thấy thơ Đỗ Phủ là thứ văn chương chói sáng về câu chữ và gần gũi với cuộc đời. Nhiều khi đọc thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du khóc một mình bởi thương người sống cách mình hơn ngàn năm trước.

Với Thôi Hiệu, người có bài thơ Hoàng Hạc lâu nổi tiếng đến mức Lý Bạch đến nơi này không dám làm thơ nữa vì đã có thơ Thôi Hiệu rồi, thì Nguyễn Du đánh giá: "Thi thành thảo thụ giai thiên cổ", nghĩa là bài thơ Thôi Hiệu làm xong thì cỏ cây trở thành thiên cổ. Tôi nghĩ rằng, khó tìm được một câu nào đánh giá thơ cao hơn thế! Với Lý Bạch, Nguyễn Du không bình thơ mà nói về quan niệm sống của "ông tiên trong làng rượu" này, rằng "ông coi thường vinh hoa như dép rách". Đó là ba nhà thơ đời Đường mà Nguyễn Du yêu mến nhất. Còn một nhà thơ nữa sống cách Nguyễn Du trên hai ngàn năm. Đó là Khuất Nguyên thời Chiến quốc. Nguyễn Du viết:

Tông quốc tam niên bi phóng trục

Sở từ vạn cổ thiện văn chương

Nghĩa là, ông buồn rầu suốt ba năm bị đày xa tổ quốc, tập Ly tao vẫn là áng văn muôn thủơ tuyệt vời! Nguyễn Du đã dành ba bài thơ nói về Khuất Nguyên, trong đó có bài Phản chiêu hồn quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc.

Còn Nguyễn Du nhận định như thế nào về các nhà thơ đương thời? Ông viết:

Tam Đường thiên tải hậu

Tịch mịch cửu vô văn

Nghĩa là, sau đời Đường nghìn năm, thi đàn vắng vẻ, đã lâu không nghe ai nổi tiếng hay thơ nữa! Nếu lời nhận xét này thốt ra từ miệng một nhà thơ bình thường, tôi tin rằng thời đó lắm kẻ đã nổi khùng lên, mắng người nói câu đó là chủ quan, là " mục hạ vô nhân", nhưng Nguyễn Du nói thì có cái lý của thiên tài từ đỉnh cao thi ca nhìn xuống.


2- Có một câu hỏi mà chúng ta đã bàn khá nhiều trên báo chí cũng như trong các cuộc hội thảo là làm thế nào để có thơ hay, như cố tìm bí quyết để các nhà thơ không cho ra đời những bài thơ dở. Vấn đề này, cách đây trên hai trăm năm Nguyễn Du đã từng "phát biểu" trong Truyện Kiều:

Ngổn ngang trăm mối bên lòng

Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình.

Tôi nghĩ rằng, ở đây Nguyễn Du không chỉ nói chuyện Thuý Kiều ban ngày thăm mộ Đạm Tiên, lòng cám thương, rồi đêm về làm thơ; mà là câu trả lời cho câu hỏi trên kia: Khi lòng ngổn ngang trăm mối là điều kiện cho những câu tuyệt diệu ra đời. Như vậy, thơ hay thường đến với những người có nỗi lòng đau đáu, trăn trở, cám thương, dằn vặt... chứ thơ hay không thể có được với những ai sống đơn giản, dửng dưng, " trơ như đá, vững như đồng" trước nỗi đau và niềm vui của người khác. Thực tế cũng đã kiểm chứng điều này khi chỉ ra rất nhiều nhà thơ có tác phẩm hay nhất của mình vào những năm đời sống khó khăn, nhiều dằn vặt suy nghĩ, còn khi đời sống khấm khá rồi, không phải lo nghĩ gì, thì "nhà càng lộng gió, thơ càng nhạt" (Xuân Sách) là không phải chuyện cá biệt.

Khi lòng ngổn ngang trăm mối thì dễ có thơ hay, nhưng chỉ có thơ hay về điều mình đang dằn vặt suy nghĩ, chứ thật khó làm thơ về đề tài khác. Khi Thúc Sinh mê mẩn Thuý Kiều, chàng có làm một bài thơ Đường luật, muốn Thuý Kiều hoạ lại, nhưng Thuý Kiều đã từ chối:

Lòng còn gởi áng mây hàng

Hoạ vần xin hãy chịu chàng hôm nay

Nghĩa là, lòng Thuý Kiều đang "ngổn ngang trăm mối" về quê hương, gia đình thì không dễ gì làm thơ thù tạc được.

Tuy nhiên, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn chỉ ra rằng, đối với những người có tài thơ, tâm hồn thơ thường trực, thì có thể làm thơ theo "đơn đặt hàng" của người khác, vẫn có được những bài thơ hay. Đó là trường hợp Thuý Kiều làm bài thơ tứ tuyệt vịnh bức tranh tùng theo yêu cầu của Kim Trọng, hay vịnh cái gông theo yêu cầu của Chánh án "mặt sắt đen sì" ngay trong phiên toà. Thế mà hai bài thơ đặt hàng ấy được "khen tài nhả ngọc phun châu" hoặc "giá đáng Thịnh Đường"! Thế là Nguyễn Du vừa coi trọng hoàn cảnh ra đời của bài thơ, vừa đánh giá cao tài năng thiên bẩm của người làm thơ.

Chất lượng cuộc sống và chất lượng tác phẩm không đồng hành cùng nhau, thậm chí có khi còn ngược nhau. Nguyễn Du đã chỉ ra trường hợp Khuất Nguyên, một nhà thơ nước Sở, thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Khuất Nguyên giữ chức Tam lư đại phu (dưới Tể tướng). Lúc đầu Sở Hoài Vương tín nhiệm Khuất Nguyên, bằng lòng thực hiện chủ trương chính trị của ông, nhưng sau bị Thượng quan Ngân Thượng gièm pha, Sở Tương Vương không dùng Hiến lệnh của Khuất Nguyên, đày ông đi Giang Nam. Ông đi qua hồ Động Đình, theo dòng sông Nguyên đến Thần Dương, Tư Phố rồi theo dòng sông Tương đến Mịch La và ngày 5 táng 5 ông trẫm mình tại đó. Đối với Khuất Nguyên, việc Hiến lệnh của ông không được dùng là một tai hoạ, dẫn đến lưu đày và cái chết, nhưng đối với thơ cổ điển Trung Quốc, thì đó là điều may mắn, bởi nhờ cuộc lưu đày đó mà có được Ly tao, một tuyệt tác. Nguyễn Du viết:

Trực giao Hiến lệnh hành thiên hạ

Hà hữu Ly tao kế Quốc phong?

Nghĩa là: Giá như Hiến lệnh ông thảo ra được ban hành khắp thiên hạ, thì thơ ca Trung Quốc làm gì có Ly tao kế tiếp Kinh thi? Qua trường hợp Khuất Nguyên, phải chăng, Nguyễn Du muốn nói rằng, có khi điều bất hạnh trong cuộc sống, lại là điều may mắn trong sáng tác thi ca?

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du nói nhiều về quan hệ giữa tuổi tác và sáng tác thơ văn, hay nói chính xác hơn là ông nêu những hạn chế, nhược điểm trong sáng tác do tuổi tác mang lại. Nguyễn Du là người về hình thức già trước tuổi, đầu bạc ở tuổi ba mươi và là một nhà thơ có nhiều câu thơ nói về tóc bạc nhất trong tất cả các nhà thơ mà tôi được đọc. Chỉ sáu mươi bài thơ đầu tiên trong Thanh Hiên thi tâp, thì có đến 22 lần ông nhắc đến tóc bạc, lúc thì lô đầu, bạch đầu lúc thì bạch phát, tiêu tiêu bạch phát...Còn trong hai tập Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, tóc bạc trù mật khắp nơi. Có người nói rằng, tuổi càng cao, có từng trải và chiêm nghiệm, thơ viết càng sâu sắc, nhưng với Nguyễn Du thì ngược lại. Ông nói: "Lão khứ văn chương diệc tị nhân", nghĩa là, "già rồi văn vẻ cũng xa lánh người". Đồng hành với sự già đi của thân thể là sự chai lỳ của cảm xúc, thưa vắng sự sửng sốt trước con người và cảnh vật, lòng hiếm khi "ngổn ngang trăm mối", tất nhiên ít có điều kiện cho thơ ra đời. Khi đó nhà thơ phải sáng tác theo ý thức và trách nhiệm, chứ không phải do sự thúc giục của nội tâm. Chất lượng của những tác phẩm đó sẽ như thế nào? Nguyễn Du nói:"Văn chương tàn tức nhược như ti", nghĩa là, khi sức mình đã tàn thì văn chương chỉ mong manh như sợi tơ, dễ đứt lắm! Không chỉ đối với các nhà thơ "thường thường bậc trung" mà ngay đối với Đại thi hào, thì cũng trở nên bất lực trong sáng tác khi tuổi già đến nơi. Nguyễn Du thừa nhận rằng:

Tráng niên ngã diệc vi tài giả

Bạch phát thu phong không tự ta

nghĩa là, thuở trẻ ta cũng là kẻ tài ba, nay đầu đã bạc, chỉ còn than thở trước gió thu mà thôi! Vẫn làn gió thu ngàn năm ấy, với tuổi trẻ, có thể thành thơ, với tuổi già chỉ còn lời than thở suông, chẳng làm được gì. Hai câu thơ này tác giả viết trong chuyến đi sứ, vô hình trung góp phần phản bác lập luận của những ai bảo rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều sau chuyến đi sứ, tức là từ năm 1814 đến 1820.

Bắc hành tạp lục là tập thơ cuối cùng của Nguyễn Du viết trong chuyến đi sứ nhà Thanh, gồm 132 bài mà bài cuối cùng viết cuối năm 1813. Thế là từ năm 1814 đến khi mất, năm 1820, Nguyễn Du không để lại một bài thơ chữ Hán nào, còn Truyện Kiều, theo các nhà nghiên cứu có uy tín thì được sáng tác trước năm 1802. Phải chăng những năm cuối đời, văn chương đã xa lánh nhà thơ như ông đã nói, và ông không muốn sáng tác nữa, vì biết rằng, có viết ra thì " văn chương tuổi lão mảnh như tơ" là điều ông không bao giờ muốn đem đến cho bạn đọc. Nếu vậy, đó là thái độ tôn trọng người đọc của Đại thi hào.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm