- Lý luận - Phê bình
- Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
NGUYỄN VĂN HÒA
(Nhân đọc tập thơ Ấm lạnh pháp đình của Nguyễn Minh Tâm, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
Ấm lạnh pháp đình là tập thơ thứ 3 của nhà thơ, luật sư Nguyễn Minh Tâm. Đây là một tập thơ khá đặc biệt, bởi tác giả tập thơ là người hành nghệ luật chứ không phải hoạt động bên lĩnh vực văn chương. Và tất cả 104 bài thơ đều xoay quanh vấn đề pháp đình. Để thể hiện và chuyển tải những vấn đề nơi pháp đình bằng thơ với những vần thơ đậm chất trữ tình, sâu lắng thì không phải ai cũng có thể làm tốt như Nguyễn Minh Tâm.
Ở Ấm lạnh pháp đình, hiển hiện rất nhiều những sự việc, tình huống với nhiều cung bậc sắc thái mà nhân vật trữ tình là người chứng kiến, thậm chí những hình ảnh đó đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm hồn. Vì thế, xuyên suốt trong thi tập là những vấn đề được nói đến rất thành thực, bộc lộ rõ những tâm tư, nỗi lòng của một con người có trái tim nhân ái, biết đau nỗi đau của người khác, biết cảm thông cho những phận người bé mọn trong cõi nhân sinh rộng lớn này.
Một đời mải miết bôn ba
Ước mong tìm một bài ca nhân tình
Nắng mưa ấm lạnh pháp đình
Thương bao thân phận bập bình nổi trôi…
Ấm lạnh pháp đình là nhật ký hành trình cả trong hiện thực lẫn trong tâm tưởng. Ở đó là tấm lòng, là thái độ sống với những suy ngẫm, triết luận sâu sắc của một người sống có trách nhiệm, có nghĩa khí và hơn hết là con người sống có tâm. Nhà thơ, luật sư Nguyễn Minh Tâm không phải chỉ sống cho bản thân mà luôn nghĩ về người khác, những người có số phận, hoàn cảnh đáng thương.
Tôi đã từng được nghe anh kể về những câu chuyện nhói lòng sau mỗi phiên tòa xét xử. Mỗi gia đình, mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh đều có những nỗi niềm riêng. Nhưng cái hiện hữu vẫn là tình người. Không ở đâu thấy rõ sự đau đớn, chua chát, phân ly và rất nhiều câu chuyện bi hài như ở những phiên tòa. Là vị “lão làng” trong ngành luật như Nguyễn Minh Tâm thì hơn ai hết anh thấu rõ điều đó. Có lẽ, với chuyên môn thâm niên như anh cộng với sự nhạy cảm, tinh tế của một tâm hồn thi sĩ đã giúp Nguyễn Minh Tâm “phóng bút” để cho ra những vần thơ da diết, thấm đẫm nỗi đời, nỗi người, nỗi nhân tình thế thái như thế. Cái tôi triết luận của Nguyễn Minh Tâm được đúc kết từ sự trải nghiêm của bản thân, từ những chiêm nghiệm, suy nghĩ thật chín chắn nên rất mực chân thành và có sức thuyết phục.
Điều làm nên sự khác biệt và cũng là điểm nổi bật trong thơ Nguyễn Minh Tâm dường như dù có nói đến những nỗi buồn, nỗi đau, sự trăn trở, khát vọng, hoài nghi... nhưng vẫn thấy đằng sau đó có chút hóm hỉnh. Cái hóm hỉnh của một người giàu trải nghiệm và đậm chất trí tuệ.
- “Anh một nửa khô cằn như pháp luật/ Một nửa mình lại ướt đẫm thi ca/ Hai nửa ghép thành trái tim u uất/ Nên chẳng giọt máu nào nở được thành hoa”.
- “Quá nửa đời mải miết đi/ Vẫn chưa tìm được cái gì.../ Chán chưa/ Thì quay về với muối dưa/ Chấm thêm chút nắng chút mưa cho nồng/ Chan thêm một chút đèo bòng/ Rồi sùm sụp húp.../ Cho lòng/ đỡ vênh!!!” (Tìm).
Hiện thực xã hội càng trở nên nhức nhối do tác động của nền kinh tế thị trường với những lối sống phức tạp. Chính vì thế, nơi pháp đình cũng có nhiều những điều cần phải xem xét lại. Thế nhưng, đôi lúc Nguyễn Minh Tâm cũng phải tự thán:
“Công lý vốn dĩ công bằng
Chả phân biệt ông với thằng đâu em
Chỉ vì thời buổi nhá nhem
Thì thằng, ông mới nhập nhèm thế thôi”.
Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Minh Tâm còn đến từ cảm giác bất lực trong việc nhận thấy đạo đức xã hội đang băng hoại, xuống cấp một cách nghiêm trọng.
Những trạng huống bi - hài trong đời sống trở nên phổ biến nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn người thi sĩ, luật sư Nguyễn Minh Tâm vẫn còn niềm tin và khát vọng về những điều tốt đẹp ở phía trước. Không chỉ lạnh lẽo, giá băng ở nơi pháp đình mà ở đó vẫn còn những ấm áp của tình thương, tình người, sự ấm áp của công lý, của lẽ phải và những giá trị nhân bản vĩnh hằng.
Nhà thơ Nguyễn Minh Tâm và tác giả (TP.HCM, ngày 31/8/2024)
Trong Ấm lạnh pháp đình, Nguyễn Minh Tâm đã tạo ra nhiều tiếng nói, nhiều đối tượng để đối thoại nhưng kỳ thực là nhà thơ đang nói với chính mình. Bộc lộ một cái tôi muốn bứt phá vượt qua mọi giới hạn để thể hiện tình yêu thương da diết, sự cảm thông sâu sắc đến thân phận con người.
Nhà thơ có những khoảnh khắc phơi trải đến tận cùng nỗi buồn, sự trăn trở, hoài nghi. Đây không phải là sự suy nghĩ tiêu cực của nhà thơ mà đó là một thực tế. Nguyễn Minh Tâm nhận thức rõ điều đó để khẳng định cá tính và nhân cách của chình mình.
Chỉ mong sao công lý/ Đừng đội nón ra đi/ Cho niềm tin còn lại/ Khỏi đến ngày suy vi (Đại, tiểu).
Là người có thâm niên trong nghề luật nhưng đôi lúc anh cũng tỏ ra hoài nghi về kết quả của một số phiên tòa.
Lại cái chuyện oan khuất/ Ám ảnh suốt mười năm/ Cứ dằng dai dai dẳng/ Bây giờ lại sủi tăm!// Bản án vô thiên lý/ Bất cần cả Đạo Đời/ Xói vào Luật Nhân Quả/ Cứ như là khoái chơi!// Này nọ kia là thế/ Vì oan khuất ở đời/ Chẳng còn là cá biệt/ Thiên lý Nhân lý ơi !!!// Ngồi lặng thương thân chủ/ Lặng lẽ viết thành thơ/ Nghe lòng mình rỉ máu/ Suốt mười năm đến giờ...
Vì thế, Nguyễn Minh Tâm có nỗi đau riêng của chính anh, của nghề mà anh đã và đang làm. Ở đó, anh tự dặn mình phải sống và làm việc cho đúng với đạo đức, lương tâm của người thực thi công lý. Trong bài thơ Đau nghề, người đọc sẽ thấy rõ điều đó.
Đau cho thế thái nhân tình
Buồn cho hai chữ nhục vinh của đời
Đau cho nghề lắm, nghề ơi
Coi chừng chết đuối khi bơi giữa dòng
Ta đau như muối xát lòng
Nỗi đau vón cục ở trong dạ này
Tưởng là xuân đến trong tay
Ai hay tuyết lạnh còn bay giữa trời
Thương con trẻ dạ non người
Buồn vui lẫn trộn khóc cười thế gian
Đường nghề còn lắm gian nan
Có đâu chỉ một cung đàn này thôi...
Ngẩng đầu nhìn bóng mây trôi
Cái tôi nào cũng là tôi vô thường
Ta đau trong một niềm thương
Vẫn tin con vững trên đường mai sau...
Nỗi niềm của chính những người trong ngành lại làm cho những người ngoài cuộc cũng cảm thấy xót xa.
Cái tôi thao thức, trăn trở trước những điều đã và đang diễn ra trong đời sống là hoàn toàn có cơ sở. Công việc và cuộc sống đã cho nhà thơ, luật sư Nguyễn Minh Tâm những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời, tình người.
Người đời sẵn căm thù cái ác/ Bất lực nhìn cái ác cứ lên ngôi/ Bao điều thiện rẻ ròng như cỏ rác/ Thiện lương ơi?/ Người ngủ ở đâu rồi?// Trưa không ngủ lão nằm trơ mắt ếch/ Thơ lên tiếng kêu dưới đáy giếng cạn dòng/ Vòm trời rộng trên cao xanh tít tắp/ Có áng mây nào ghé xuống giếng này không?”.
Người đọc dễ nhận ra, trong Ấm lạnh pháp đình, Nguyễn Minh Tâm dùng nhiều cặp phạm trù đối lập. Nhằm làm nổi bật những mảnh đời, những hoàn cảnh, số phận con người thật đáng thương tâm trước bao đảo điên, phi lý. Đó là thực tế đáng buồn.
Vấn đề mang tính thế sự, đạo đức đang hiện diện. Ở đó còn có những bất công, ngang trái, những tiếng kêu oan rên xiết thấu trời, bởi:
“Hành luật mà bất luật/ Thì luật sẽ bị hành/ Vì đã biến luật thật/ Thành luật của rừng xanh// Và những lúc như thế/ Oan khuất sẽ xảy ra/ Tiếng kêu oan thảm thiết/ Sẽ rung cả sơn hà”.
Và ở đó, nhà thơ, luật sư Nguyễn Minh Tâm còn đưa ra lời cảnh báo:
“Kẻ gây ra oan khuất/ Bất kể động cơ gì/ Nếu ngày xưa chắc chắn/ Sẽ phạm tội: tru di// Đạo lý đang thầm thì:/ Quay đầu là bờ đấy”.
Đọc Ấm lạnh pháp đình của Nguyễn Minh Tâm tôi càng trân quý hơn tấm lòng, phẩm hạnh của người luật sư có tâm hồn thi sĩ sống nghĩa khí, trách nhiệm như anh! Anh dám nói lên những sự thật, sự thật đang hiện hữu, ai cũng biết nhưng có thể nhiều người ngại nói hoặc không dám nói.
Nhiễu từ tên xuống dưới/ Nhiễu từ dưới lên trên/ Nhiễu ba bề bốn bên/ Chẳng biết đâu mà tính// Cái hôm qua tưởng chính/ Hôm nay lại hóa tà/ Tưởng đã có đường ra/ Ai ngờ đâu ngõ cụt// Cũng từ một ngọn bút/ Vẽ đảo đủ mọi chiều/ Vừa ghét đấy lại yêu/ Cứ xoay như chong chóng// Vừa mở ra lại đóng/ Chả ai biết thế nào/ Nhấp ly cà phê nóng/ Tự mình ngồi chiêm bao (Nhiễu).
Để rồi, có lúc Nguyễn Minh Tâm lại tự vấn, độc thoại với chính mình trước những biến động xảy ra trong cuộc sống lẫn trong chiều sâu tâm cảm.
Có những lúc ta ngồi vơ vẩn/ Đằm mình trong chuyện nọ chuyện kia/ Lại có khi tự mình ngơ ngẩn/ Cứ loay hoay trong ruột ngoài rìa/ Lại có lúc thờ ơ mọi thứ/ Đưa mình về một ốc đảo hoang vu/ Như Robinson của câu chuyện cũ/ Giữ lòng trong không một gợn mây mù/ Và có lúc cuộn sôi dữ dội/ Như khơi xa ào ạt sóng xô bờ/ Em - bờ cát cứ trơ mình vô cảm/ Để con sóng hữu tình vỗ ất vỗ ơ/ Cũng có lúc.../ Thôi chả cần nói nữa/ Tâm trạng kia có gì lạ đâu mà/ Đời dẫu lạnh như băng, có cồn cào như lửa/ Thì với mình ta vẫn cứ là ta (Độc thoại).
Ấm lạnh pháp đình là một tập thơ mang nhiều nỗi trắc ẩn của một người đi qua những thăng trầm của cuộc sống, của hoạt động nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh những hoài nghi, trăn trở, thao thức Nguyễn Minh Tâm còn có niềm tin vào những điều thiện lương tốt đẹp ở phía trước.
Ta vẫn giữ một niềm tin có thật/ Vầng trăng kia sẽ tỏa sáng bầu trời/ Như Công lý dẫu xa mờ trong đục/ Sẽ có ngày như trăng đấy, trăng ơi… (Vầng trăng).
Với nhà thơ, luật sư Nguyễn Minh Tâm thì dù rơi vào tình huống bi đát nhưng nếu chúng ta có niềm tin, có sự kiên trì, tinh thần lạc quan thì mọi thứ cũng sẽ dần được hóa giải.
“Đêm tối như hũ nút/ Có một vầng sáng xa/ Cứ đi về hướng ấy/ Sẽ gặp một bao la// Phải kiên trì nhẫn nại/ Trái tim thắp sáng mình/ Khi vượt qua đêm tối/ Sẽ òa một bình minh// Với niềm lạc quan ấy/ Dẫu dò từng bước đi/ Sẽ nghe tiếng chim hót/ Vọng trong ta thầm thì…”.
Ở Ấm lạnh pháp đình, Nguyễn Minh Tâm đã tạo ra được một hệ thống từ ngữ mang nét riêng, vừa trữ tình, sâu lắng, vừa chân thành, triết lý, chiêm cảm. Tất cả những nét riêng này được đặt trong từng chỉnh thể của mỗi bài thơ trong một không - thời gian khác nhau tạo thành một giọng điệu thơ Nguyễn Minh Tâm rất riêng. Ấn tượng nhất là không gian, thời gian ở pháp đình, ngôn ngữ chuyên môn về chốn pháp đình được dùng với tần số cao. Cùng với đó là cách vận dụng linh hoạt các thể thơ, các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa và cả phép đối lập... Điều này đã tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ đa thanh với những sáng tạo mới mẻ: vừa hiện thực, triết luận, vừa truyền thống, vừa cách tân, vừa bình dị nhưng cũng vừa trang trọng.
Ấm lạnh pháp đình của Nguyễn Minh Tâm là tiếng lòng của một nhà thơ, một luật sư sống có tinh thần trách nhiệm với công việc, sự quan tâm, sẻ chia với mọi người xung quanh, sống nghĩa tình trước sau trọn vẹn.