TIN TỨC

Nhà thơ Đoàn Vy đi xa lắm rồi nhưng tình thơ ông mãi còn ở lại

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-28 07:51:50
mail facebook google pos stwis
736 lượt xem

NGUYỄN VŨ QUỲNH

Cách đây hai năm con gái nhà thơ Đoàn Vy gọi cho tôi nói rằng: Chú ơi! Bố cháu ốm nặng lắm rồi, chỉ trong nay mai thôi. Tôi hỏi lại thầy bệnh lâu chưa, anh gọi mấy lần nhưng thầy không cầm máy, gọi các lần sau thì máy tắt. Thế thầy đang ở đâu? Tôi nghe đầu dây bên kia cháu trả lời: Bố cháu bệnh mấy tháng nay. Máy điện thoại tắt lâu rồi, hôm nay tìm trong máy có tên của chú, cháu gọi xem chú có tấm hình nào của bố cháu không để làm hình cho ông.

Nghe đến đấy tôi giật mình và nói lại thầy có gì thì báo cho chú nghe, để chú tìm ảnh cho. Tôi lục lại máy ảnh cũng may còn lưu mấy tấm hình của thầy, tôi gửi qua email cho con của thầy. Mười bốn giờ hôm nay xem trên Fb mới biết tin thầy đã ra đi nhưng lúc này dịch dã covid chưa chấm dứt mà chỉ còn một giờ nữa di quan thầy đã về thế giới bên kia rồi chỉ để lại tình thầy và thơ thầy ở lại. Biết thầy sẽ ra đi nhưng trong tôi vẫn sững sờ trên dòng tin của nhà thơ Phùng Hiệu ở HNVTP: Nhà thơ Đoàn Vy đã vĩnh biệt chúng ta. Nhà giáo, nhà thơ Đoàn Vy đã về với thế giới bên kia vào lúc 22g 25 ngày 28 tháng 7 hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ Đoàn Vy thuộc lớp nhà giáo đầu tiên dạy ở trường tôi, ông cũng là nhà giáo, nhà thơ đầu tiên của trường PTTH Tĩnh Gia 1 Thanh Hóa.

Có thể nói, tôi có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Đoàn Vy. Năm mươi ba năm rồi đấy, vì tôi là học trò của ông từ năm 1968-1970 ở trường cấp 3 Tĩnh Gia 1 Thanh Hóa. Nhà giáo, nhà thơ Đoàn Vy thầy giáo của tôi dạy môn hóa học từ năm 1962-1970 thì trở về Hà nội dạy tiếp đến năm 1977 thì vào TP. Hồ Chí Minh dạy ở trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn quận Ba đến lúc về hưu năm 2000. Thời dạy chúng tôi nhà giáo Đoàn Vy một người Sài Gòn thứ thiệt vì ông được sinh ra, lớn lên ở đây, sau đó gia đình lại trở ra Hà Nội. Ông đẹp trai, đàn giỏi, hát hay, dạy môn hóa, học sinh ai cũng thích lại là trưởng ban văn nghệ nhà trường. Người tập hát cho chúng tôi những ca khúc như: Bài ca đường Chín, Nghe tiếng pháo Khe Sanh, Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân đại thắng… Nhà giáo Đoàn Vy vui tính thời ấy ông thường đi trên chiếc xe đạp hiệu Cady, vừa đi vưa huýt sáo, để lại nhiều ấn tượng đẹp với đám học trò chúng tôi. Tôi nhớ trong giờ dạy hóa đi tìm công thức của nước (H2O). Thầy nói khi có Hydro (H2) rồi, thầy hỏi còn Oxy ở đâu các em? Chưa ai trả lời, thầy nói: Oxy đang chạy loăng quăng phớt phơ lơ mơ trên trời và xung quanh chúng ta đây này, đưa O vào là thành nước, là H2O các em nhé. Ai cũng nhớ cách dạy dễ nhớ ấy và khen thầy Đoàn Vy vui tính. Riêng tôi là đội trưởng đội văn nghệ của lớp 8D, được thầy Đoàn Vy đưa vào đội văn nghệ của trường hồi ấy là oách lắm. Các bạn đi lao động, tôi được đi tập văn nghệ là sướng và hãnh diện rồi.

Câu chuyện tréo ngoe của thầy là nhà giáo dạy hóa học ở ngoài Bắc vào TP. Hồ Chí Minh môn dạy giáo dục công dân mà là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố mới hay chứ. Ông nói với tôi: - “Ở thành phố này ít ai biết thầy dạy hóa học mà chỉ biết thầy dạy giáo dục công dân. Khi ấy giáo viên chính trị ít lắm. Ở sở Giáo dục khi thầy vào nhận công tác, họ nói thầy về trường phổ thông cấp ba Lê Quý Đôn dạy môn giáo dục công dân vì thầy được đào tạo chính quy ngoài Bắc. Thầy biết “chính chị, chính em” giúp trường điểm của quận Ba một thời gian rồi sau đó trở lại dạy hóa học”. Ông cũng gượng ép nhận lời và về trường dạy môn giáo dục công dân đến hai mươi ba năm. Đến lúc về hưu cũng là giáo viên dạy giỏi cấp thành về môn giáo dục công dân. Hay thật, việc này chỉ nước mình mới bố trí giáo viên như vậy và chỉ có nhà giáo Đoàn Vy làm được việc ấy. Ông nói vui trong lần trà dư tửu hậu: “Từ ngày mình dạy giáo dục công dân ở trường tỉ lệ học sinh kém về môn học này giảm xuống rất thấp nhưng tỉ lệ học sinh yêu nhau lại rất cao thế mới hay chứ. Bốn mươi năm đi làm thầy giáo từ Hà Nội vào Thanh Hóa, từ Thanh Hóa ra Hà Nội, rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ có các em ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa đưa thầy ba lần trở về trường cũ chu du bằng máy bay, ô tô, tàu hỏa, được đón tiếp như bộ trưởng. Thầy còn nhớ mấy câu thơ của Vũ Quỳnh đọc lần về thăm ấy: Các em chiều nay về thăm trường cũ/ Đón thầy giáo già về lại bến xưa/ Lưng thầy còm mà sân trường thì rộng/ Mắt thầy nhòa trong nhịp tiếng vỗ tay”. Tôi cũng đọc lại mấy câu trong bài thơ của thầy viết về thời trường sơ tán về xã Hải Thanh có câu thật là ấn tượng nhớ mãi không quên: Đò Lạch bạng có bao xa/ Mãi nhìn hoa bướm, em và mây bay/ Bàn tay lỡ chạm bàn tay/ Niềm vui chưa trọn đã đầy hoàng hôn Nếu không có cái dấu phẩy nơi từ hoa bướm, thì khác đi biết mấy nhưng đó là sự tài ba của câu chữ trong bài thơ hay.

Tôi mất liên lạc với thầy Đoàn Vy từ năm 1970 mãi đến năm 1992, khi tôi về công tác ở cơ quan thường trú báo Quân đội nhân dân ở 63 Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh mới gặp thầy. Một lần gặp đại tá nhà giáo tiến sĩ Nguyễn Duy Thuân lúc ấy đang là giáo viên ở trường đại học An ninh cũng là học trò cũ của thầy Đoàn Vy, cho tôi biết thầy đã vào Sài Gòn đang dạy học ở trường Lê Quý Đôn quận Ba. Tôi đến trường hỏi thăm và gặp ông ở đấy. Thế là từ đó các bạn tôi cùng thời gắn bó với thầy và biết ông là nhà thơ trong những năm đầu tiên của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đây cũng là sự bất ngờ thứ hai của bọn tôi đối với nhà thơ Đoàn Vy. Ông nói nếu ông không đi dạy giáo dục công dân thì chắc không làm thơ được. Chính cái sự tréo cẳng ngỗng ấy đã tạo điều kiện cho ông gặp mấy người bạn văn chương thành phố như Đoàn Vỵ Thượng, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương…thơ đã cuốn ông vào làng văn nghệ, chơi với thơ như ngọn sóng tình dào dạt và mênh mông từ ngữ. Nhà thơ Đoàn Vy cho biết, ông bắt đầu làm thơ từ những năm tám mươi.

Thầy trò tâm sự với nhau, ông nói rằng: Thầy vào Hội Nhà văn thành phố khi tập thơ đầu tay Chỉ là giấc mơ thôi khi mới hoàn thành bản thảo, chưa đưa ra nhà xuất bản và nhà in. Có những bài thơ mà ban thơ, lãnh đạo hội nhà văn trân quý. Nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Lê Văn Thảo quyết định cho ông vào Hội Nnhà văn thành phố. Xin trích mấy bài thơ và mấy đoạn trong tập thơ Đột Ngột Hoa Về của ông để ta thấy chữ nghĩa của một nhà giáo, nhà thơ hay như thế nào:

 

VÔ ĐỀ

 

Lá lẫn vào lá

Hoa lẫn vào hoa

Riêng khuôn mặt

Mỗi chúng ta

Không lẫn vào đâu được.

 

CHỈ GIẤC MƠ THÔI
 

Tim tôi giữa những vòng tròn nghiệt ngã

Trường bắn là tấm ngực này

Họ đã bắn và tôi không né

Đạn chưa trúng tim

Cái chết

Thật gần

Hú vía

Chỉ là giấc mơ thôi.

 

KINH ĐÔ CỔ

 

Hà Nội là của riêng tôi

Hồ Gươm trái nắng trở trời mưa ngâu

Những còn những mất mai sau

Liệu mà giữ lấy nhịp cầu nhân duyên

Cũng từ thuở ấy bút nghiên

Xa xưa đền Ngọc bao miền quân đi

Cửa ô năm cửa ô gì

Non sông gấm vóc lại vì ai đây

Hoa huệ thiếu nữ hương say

Mảnh mai mà vẫn đặn đầy tháng năm

Là đây phố Phái lặng câm

Lấy thiêng làm trọng lấy trầm làm sang

Trống đồng nét rạng hoa văn

Âm vang mấy thuở trầm luân mấy hồi

Thủ đô nào của riêng tôi

Vẫn còn nhau mãi nụ cười để yêu.

                    

HÀ NỘI XƯA SAU

….

Hai đứa xuýt xoa tay cầm tay dung dăng dung dẻ

Nhớ một điều, hôn nhau đâu dễ hai trái tim thiên thần

Đền Ngọc Sơn phút giây trầm ngâm

Ta rạch nước mời thần Kim Quy phỏng vấn

Ngàn năm dồn lại một tiếng sấm vang rền

Và mỗi độ Thu về ngàn lá vàng rơi

May mà còn búp đa Tháp bút

Còn chút linh thiêng, còn những khu nhà ngõ cụt

Mệnh lệnh này là lối mở hồn ta

…..

LỤA LÀ HÀ ĐÔNG

 

Hà Đông có dịp tôi về

Lụa nhà nõn qua tôi đề câu thơ

Câu thơ áo mẹ tôi thờ

Áo em tôi khoác đôi bờ Nhuệ giang

Câu thơ vất vả chạy càn

Chạy từ thời chiến chạy sang thời bình

Còn đây bao nét tươi xinh

Là cô hàng xóm nặng tình nước non

Vì ai đôi mắt mỏi mòn

Lưng ong em đó gọi cồn cát lên

Môi em thoáng nụ cười duyên

Quê nghèo vẫn lúm đồng tiền má em

Nhớ kì bạc tóc thì thôi

Ngờ đâu xanh lại một trời Hà Đông.

 

TỪ NGÃ BẢY BÙNG BINH

…..

Đùa thôi chẳng trách mưa đâu

Thiếu mưa sao có được câu tỏ tình

Mưa từ Ngã bảy bùng bình

Ngã sáu là hướng chúng mình đụt mưa

Mưa thương nên chỉ mưa vừa

Ướt đầu hai đứa chỉ chừa hai vai

……..

Còn rất nhiều bài hay với giá trị uyên nguyên đích thực của nhà thơ Đoàn Vy chưa trích ra. Làm thơ như thế đã đầy đủ khả năng, trách nhiệm với bầu trời thi ca đủ để mời vào hội nhà văn rồi, chẳng cần sách in mấy tập, chẳng cần phải xét duyệt nữa. Phải nói rằng nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo thật sáng suốt để thành phố có một nhà thơ Đoàn Vy đích thực của thơ.

Sau tập thơ Chỉ là giấc mơ thôi in năm 1998 mãi đến năm 2013 trong lần cùng chung li bia với thầy ở quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo, ông nói với tôi thế này: “Vũ Quỳnh ạ, mười mấy năm rồi thầy chưa ra tập thơ mới. Bây giờ gom lại cũng đủ cho ra tập thơ rồi, thầy nhờ em nhặt nhạnh lại trên đống gấy vụn này, đánh máy, biên tập, làm bản thảo để xin giấy phép xuất bản được không?” Ông móc trong túi xách ra một tập lộn xộn đủ các loại giấy tờ ghi chép thơ. Thơ của ông viết được in báo, được cắt ra từ các bài báo, từ trong vỏ bao thuốc lá, từ trang giấy học sinh, từ các tờ lịch, giấy lộn xộn hai mặt xếp chồng lên dày cả tấc ố vàng. Có tờ rách phải tìm cách chắp lại đưa cho tôi. Tôi sắp xếp mang về mất cả mấy tuần mới soạn xong bản thảo ngót nghét gần 150 bài thơ, ngắn dài cùng với ba bài viết về thơ của ông trong ba quyển sách. Đó là bài các nhà văn Triệu Xuân, nhà thơ Đoàn Vỵ Thượng và nhạc sĩ Nguyễn Hiển viết. Nghe tin tôi nói gần xong bản thảo, thầy gọi điện thoại nói với tôi: Thế là xong một nửa rồi Vũ Quỳnh ạ, còn một phần quan trong nữa là tiền. Tôi nói với thầy: Bây giờ thầy đọc lại toàn bộ, kiểm tra lần cuối, sau đó em làm thành ba cuốn. Một cuốn gửi Hội Nhà văn xin tài trợ, môt cuốn gửi nhà xuất bản xin giấy phép, một cuốn giữ lại. Em sẽ gọi vài học trò cũ của thầy góp một chút nữa là in tốt thầy ạ. Ông nói với tôi: Thế mà thầy không biết, chết thật say sưa mãi già mất rồi. Thế là tháng giêng năm 2015 tác phẩm Đột ngột hoa về của nhà thơ Đoàn Vy được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh do nhà thơ Phan Hoàng trưởng ban tổ chức ra mắt bạn đọc rất long trọng tại văn phòng hội. Mọi người ai cũng thích cái duyên thơ ông có chút trào phúng hóm hỉnh dí dỏm sâu sắc mà đẹp và kể lại những câu chuyện kỷ niệm nhậu thơ với ông như nhà thơ Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim…

Ở trong Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh thời còn quán nhậu cho anh em văn nghệ sĩ tụ tập ở 81 Trần quốc Thảo, nhà thơ Đoàn Vy hình như không trưa nào là không có mặt. Có người bảo ông ấy từ khi về hưu đóng cổ phần trong đấy nên trưa nào cũng đều có mặt. Hôm nào không đến là bữa trước quá li rồi. Nói vui thôi, tôi cũng thỉnh thoảng vài tuần một lần đáo lại nơi ấy uống với thầy mấy ly rồi đi làm. Ông buồn nhất là từ khi trụ sở 81 xây mới không còn chỗ lai rai cho các văn nghệ sĩ như trước nữa, bạn nhậu tứ tán nhiều nơi. Không gặp bè bạn thơ, không rượu bia khó trào dâng cảm xúc nên ông bảo rằng, “thiếu em nên thiếu cả ngà ngọc xưa” thầy thường nói với tôi như vậy. Nhiều người nhắc tôi: Dạo này có gặp Đoàn Vy không? Lâu rồi không thấy Đoàn Vy để quên xe qua đêm ở 81. Không nghe Đoàn Vy đọc thơ trên bàn nhậu, nhớ quá… Một chi tiết này nữa chiếc xe dams của ông thuộc loại cổ nhất miền Nam được chắp vá lại từ nhiều thứ nhưng được cái đạp cái nổ ngay. Có lúc say quá ông để lại quán, nơi gốc cây cũng chẳng ai lấy, trưa hôm sau xuống lại thấy xe còn nguyên. Thầy bảo đó là đồ quý cho nên không ai dám đụng vào cả. Con ông và anh em bọn tôi bảo ông vứt cái xe ấy đi mua xe khác, ông không chịu vì cái xe ấy có vô vàn kỷ niệm với ông.

Mấy năm gần đây con cái ông lớn lên và trưởng thành, các cháu chuyển công tác lên Bình Dương, ông từ biệt tầng 4 khu E chung cư Thanh Đa về Thủ Dầu Một đến sáu, bảy năm nay. Mấy năm trước mỗi khi về dự tổng kết năm ở Hội Nhà văn thầy còn về được. Năm ngoái tôi gọi điện cho thầy nhắn ông vể họp, thầy nói thầy mệt không đi được em ạ, báo cáo với hội cho thầy. Năm nay tôi gọi cho thầy mấy lần nhưng thầy không nghe máy, tôi đoán ông mệt nặng. Và bây giờ thầy đã đi về thế giới bên kia.

Bây giờ nhà thơ Đoàn Vy đã đi xa về miền cực lạc nhưng thơ để lại tình ông ai cũng quý mến. Hôm nay buồn đau khôn kể, bởi cõi trần gian này cũng đang trong cơn bạo bệnh nặng nề. Thưa thầy! Thầy ra đi mà bạn bè người thân, bạn thơ, bạn rượu của thầy không ai đến tiễn thầy vì đang chống dịch hiểm nguy. Xin thắp nhang lòng tiễn biệt thầy giáo, nhà thơ Đoàn Vy về miền cực lạc nhưng tiếng thơ thầy còn mãi mãi trên cõi đời này: Hỏi rằng ai đã đem trăng/ Khắc vào kỷ niệm trên vầng trán tôi/ Trong veo ánh mắt nụ cười/ Thay cho cơm áo một thời đò đưa… Hôm nay đến ngày giỗ lần thứ hai của ông tôi gửi lại bài viết này như một nén tâm nhang gửi đến nhà giáo, nhà thơ Đoàn Vy và chắc có lẽ giờ này ở thế giới bên kia thầy cũng đang làm thơ trên vũ trụ bao la.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm