TIN TỨC

Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
53 lượt xem

Phùng Văn Khai

Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.

Nhà thơ Hoàng Cầm

Phải nói rằng phim khiến mọi người xúc động trước hết bởi bài thơ Bên kia sông Đuống. Đây là một trong những bài thơ hay nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nói như một nhà thơ nổi tiếng, Bên kia sông Đuống cùng với Núi đôi của Vũ Cao; Đồng chí của Chính Hữu; Việt Bắc của Tố Hữu; Tây Tiến của Quang Dũng là năm ngón tay trên một bàn tay, năm đỉnh núi bổ sung sự hùng vĩ cho nhau trong thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Khi thực hiện những cảnh quay phim tại gia đình nhà thơ Hoàng Cầm ông đã rất yếu, gần như phải ngồi yên một chỗ. Các nhà văn nhà thơ được Hoàng Cầm mời đến tham dự cảnh quay ai cũng đều rất xúc động khi nghe nhà thơ Hoàng Cầm đọc thơ trên nền tiếng đàn tam thập lục của một nữ nghệ sĩ khá nổi tiếng luôn gắn bó với Hoàng Cầm. Không khí lung linh và có phần ma mị ấy đã luôn theo tôi trong hành trình thực hiện các phim về văn nghệ sĩ sau này.

Hoàng Cầm sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922 tại xã Phúc Tằng, nay là phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hoàng Cầm cũng gắn nhiều với cái tên Thuận Thành - Bắc Ninh với tập thơ Mưa Thuận Thành nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, Hoàng Cầm từng thi trượt và về dạy chữ Hán kiêm thầy thuốc bắc ở Bắc Giang. Hoàng Cầm chính là tên bút danh của ông tự lấy trong một vị thuốc đắng bậc nhất - hoàng cầm. Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt. Ông mất năm 2010 tại Hà Nội ở tuổi suýt soát 90.

Tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Cầm phải kể đến các phóng tác truyện thơ và kịch thơ: Hận ngày xanh (1940); Bông sen trắng (1940); Cây đèn thần (1941); Thoi mộng (1941); Mắt thiên thu (19410; Hai lần chết (1941); Tỉnh giấc mơ vua (1942); Hận Nam Quan (1942); Kiều Loan (1945); Viễn khách (1952); Lên đường (1952); Ông cụ Liên (1952); Đêm Lào Cai (1957); Tiếng hát quan họ (1956); Mưa Thuận Thành (1987); Men đá vàng (1989); Trương Chi (1993); Bên kia sông Đuống (1993); Lá diêu bông (1993); Về Kinh Bắc (1994); Tương lai (1995); Chín chín tình khúc (1995); Văn xuôi Hoàng Cầm (1997);… cho thấy không chỉ sức lao động nghệ thuật mà ý thức trách nhiệm trình ra những bản sắc văn hóa dân gian, sự kiện và dấu mốc lịch sử trong văn học nghệ thuật của Hoàng Cầm là vô cùng lớn lao, thậm chí ở như một vĩ nhân.

Trong cuộc đi công tác Điện Biên Phủ đầu năm 2024, giữa những cung đường đèo trơn trượt khúc khuỷu đầy bất trắc, chúng tôi vẫn đọc thơ của Hoàng Cầm, trò chuyện về Hoàng Cầm với những câu chuyện đã trở thành giai thoại. Chuyện rằng, ngay sau chiến thắng Điện Biên, nơi hầm hào còn khét lẹt mùi thuốc súng, Hoàng Cầm khi đó là trưởng Đoàn Văn công đã lập tức tổ chức một đêm liên hoan văn nghệ rất đặc sắc. Khán giả đông nghịt ở dưới ai nấy đếu rất xúc động chăm chú lắng nghe những lời ca, tiếng hát, điệu múa của văn công. Đỉnh điểm là màn hát quan họ tình tứ giao duyên. Trên sân khấu, những anh hai, chị hai xúng xính mớ ba mớ bảy lúng liếng trao tình vào câu hát. Bỗng từ phía khán giả, một người cao lớn nhảy phắt lên sân khấu rút súng chĩa lên trời bắn chỉ thiên miệng hô lớn: “Đả đảo bọn đồi trụy! Bao nhiêu xương máu để các người diễn trò chim chuột trên sân khấu là làm sao…” Không khí căng như dây đàn. Các diễn viên sợ hãi dạt vào một góc cánh gà. Ở hàng ghế đầu tiên, đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi đó đang ngồi dự đã lập tức bước lên sân khấu yên ổn trật tự và nói rõ: “Quan họ là hồn cốt của dân tộc. Chúng ta phải biết giữ gìn và thưởng thức những giá trị văn hóa đó. Ai không muốn xem đều có thể trở về quân doanh, tuyệt đối không được làm bừa”. Không khí khi đó tuy đã được lập lại trật tự song không còn được như trước. Đoàn trưởng Hoàng Cầm rất hiểu sự biểu hiện của văn học nghệ thuật, nhất là các loại hình như quan họ không phải lúc nào và ở đâu mọi người cũng hiểu và hoan nghênh, đón nhận tài hoa của tác phẩm và người nghệ sĩ.

Ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm đã có bài thơ dài Giữ lấy tuổi trẻ với nội dung là một bức thư của người em gái nông thôn hậu phương, gửi người anh ngoài tiền tuyến tố cáo tội ác của giặc Pháp bắt phụ nữ làm lính: Em viết thư cho anh/ Trong làng còn lửa đỏ/ Tay viết, lòng càng nhớ/ Thầy, giặc giết nằm kia/ Tiếng súng bờ sông khuya/ Đến nay còn xé ruột… - Em thấy bóng các chị/ Dù bị giặc giày vò/ Đôi mắt còn mở to/ Nhìn trời sao sáng mãi/ - Tuổi trẻ quyết giằng lại/ Chặt tay lũ súc sinh/ Trong ấy bùng đấu tranh/ Ngoài này súng lên đạn… - Thư em viết không cạn/ Lòng căm giận tràn đầy/ Anh xuất trận đêm nay/ Bao quân thù gục xuống?

Bài thơ Giữ lấy tuổi trẻ của Hoàng Cầm khi ra đời trên báo Quân đội nhân dân ấn hành tại mặt trận đã nhanh chóng trở thành bài thơ trong ba lô của chiến sĩ và cán bộ ta ở Điện Biên, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi. Tác giả Hoàng Cầm được tặng Huân chương Kháng chiến Hạng nhì trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài thơ Giữ lấy tuổi trẻ đã cho thấy ý thức công dân và quân nhân của Hoàng Cầm luôn sâu sắc, ông luôn đặt trọng trách và nghĩa vụ người chiến sĩ trong phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nhưng Hoàng Cầm trước hết và trước tiên luôn thuộc về thơ. Những vần thơ nhuốm sắc màu phiêu diêu, ma mị, thậm chí là bí ẩn của Hoàng Cầm luôn ám ảnh người đọc: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ/ Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng... - Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị chau mày đâu phải lá diêu bông! - Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông/ - Ngày cưới chị em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ - Chị ba con em tìm thấy lá/ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn - Từ thuở ấy em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời!... Ới diêu bông (Lá diêu bông).

Đã trên nửa thế kỷ từ dấu mốc 1959 khi bài thơ ra đời, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc đã trở thành một dấu mốc của thơ ca và âm nhạc. Lời thơ rất lạ. Tình ý cũng khác thường. Lá diêu bông càng không có thật. Tại sao tình chị duyên em dang dở vẫn luôn gây cho người đọc sự tiếc nuối, sự vận vào vô khối mối tình chị - em vừa chính đáng vừa cắc cớ. Tại làm sao chị cứ phải đặt em vào những khoảnh khắc, câu chuyện, thậm chí là đặt ra những bài toán không thể nào giải được? Làm gì có lá diêu bông? Tại sao em mãi đi tìm? Điều này cả chị và cả em đều biết rõ. Thơ ca là như vậy. Sức sống và sự sống bền lâu của Lá diêu bông chính là như vậy.

Trong các lần trực tiếp gặp gỡ, ghi hình và phỏng vấn nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi luôn có cảm giác ở trong ông có rất nhiều con người ẩn hiện chập chờn, khi xa vắng, khi mộng mị lại có khi rất đỗi tinh khôn. Ông đã thừa bầm dập để không cần thiết phải trả lời cánh trẻ chúng tôi những câu chuyện tai ách của văn chương nghệ thuật. Không ít tác phẩm thơ văn như Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Lời mẹ dặn của Phùng Quán; Tây Tiến của Quang Dũng và trong đó có n kia sông Đuống của Hoàng Cầm đã từng một thời bị “khoanh lại” mà các vị Hữu Loan, Phùng Quán, Quang Dũng, Hoàng Cầm đều tuyệt nhiên không nói một lời. Đã có khoảng thời gian là như vậy. Nói như giáo sư Trần Quốc Vượng là “cái nước mình nó thế”.

Với các văn nghệ sĩ tên tuổi trong đó có Hoàng Cầm, ông thừa hiểu đã mang trong mình dòng máu của thi ca, thì điều quan trọng nhất là phải tận hiến cho thơ ca, để thơ ca đến được đời sống con người mặc kệ những dập vùi, khúc khuỷu và thậm chí là thua thiệt sẽ giáng trực tiếp vào những người viết ra những tác phẩm theo đúng với sự rung động của trái tim. Những tác phẩm máu thịt nhất nhiều khi phải chịu ở số phận ngặt nghèo nhất.

Một trong những dấu ấn rất Hoàng Cầm, đó là Mưa Thuận Thành.

Nhớ mưa Thuận Thành/ Long lanh mắt ướt/ Là mưa ái phi/ Tơ tầm óng chuốt/ Ngón tay trắng nuột/ Nắng bồng Thiên Thai - Hạt mưa chèo bẻo/ Nhạt nắng xiên khoai/ Hạt mưa hoa nhài/ Tàn đêm k nữ/ Hạt mưa sành sứ/ Vỡ gạch Bát Tràng...  - Chiều khô lá ngải/ Mưa gái thương chồng/ Ướt đầm nắng quái/ Sang đò cạn sông...

Mưa Thuận Thành chính là sự tiếp tục một cách rõ ràng nhất của Lá diêu bông với một mạch ngầm văn bản đậm đặc chất Hoàng Cầm. Chỉ có thể là Hoàng Cầm mới sắp đặt chữ nghĩa, nhất là ý tứ trong thơ ông luôn chẳng bao giờ bạn đọc dễ dàng đoán định. Phẩm chất này đã theo suốt Hoàng Cầm từ sáng tác đầu tiên tới sáng tác cuối cùng của ông. Mưa Thuận Thành được viết năm 1987, sau Lá diêu bông gần 20 năm, song tinh chất của nó đều là một mẹ sinh ra, cùng xương cùng thịt đã cho bạn đọc một rung động thẩm mĩ nhất quán như ngày đọc Lá diêu bông.

Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ thời kỳ chống Pháp có nét riêng độc đáo không lẫn với ai. Ông khác Nguyễn Đình Thi cả về thơ cả và những biểu hiện trong đời sống. Ông càng khác với các nhà thơ Chính Hữu, Quang Dũng, Vũ Cao, Hữu Loan,... Trong thơ ca, Hoàng Cầm luôn thắm thiết. Trong đời sống, Hoàng Cầm càng thắm thiết hơn nhiều. Có biết bao người đẹp yêu thơ ông, tình nguyện đến với ông đến hôm nay vẫn còn là một ẩn số. Các nhà thơ thành danh có thể ít khâm phục nhau nhưng dường như tất cả mọi người đều khâm phục Hoàng Cầm. Đó cũng là một điều bí ẩn.

Nhưng với Hoàng Cầm, đỉnh cao của ông phải là Bên kia sông Đuống - một tượng đài thơ giờ đây không chỉ thuộc riêng của Hoàng Cầm.

Khi thực hiện phim tài liệu Bên kia sông Đuống - cái nhìn về một cuộc chiến tranh, đoàn làm phim chúng tôi đã phải nhiều lần sững sờ trước vẻ đẹp của bài thơ mà không dễ gì đưa hồn vía của nó vào phim được, cho dù đã dùng đủ cách, mời các nam, nữ nghệ sĩ tên tuổi trình diễn một cách hết sức tâm huyết. Tôi còn dàn dựng bối cảnh đưa diễn viên vào trong một ngôi đình cổ trên đất Sóc Sơn, dùng chiêng trống, đèn nến và trang phục cổ để ghi hình mà vẫn chỉ thấy mình đang ở vòng ngoài của bài thơ. Hình ảnh truyền hình làm sao mô tả hết: Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường k/ Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc/ Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ Sao sót xa như rụng bàn tay...

Tượng đài thơ n kia sông Đuống được Hoàng Cầm viết ra rất sớm trên núi rừng Việt Bắc tháng 4 năm 1948. Tất nhiên là trong một đêm lạnh vắng giữa núi rừng xa núi thẳm nghìn trùng nhớ về dòng sông Đuống với những cung bậc cảm xúc khác thường. Nhà thơ Hoàng Cầm từng nói và điều này tôi đã ghi hình cẩn thận rằng Bên kia sông Đuống chính là có một người ở cõi âm đã đọc cho ông nghe từng câu, từng chữ trong đêm khuya và ông cứ thế chép ra một mạch không phải chỉnh sửa gì. Tôi khi đó bỗng chốc rùng mình nhìn vào môi miệng Hoàng Cầm đang bỏm bẻm nhai trầu đỏ rực giữa hàm răng đen chiếc còn chiếc mất càng như không tin ở tai mình. Hoàng Cầm như không để ý đến máy quay phim phía trước cứ thể đọc từng dòng Bên kia sông Đuống càng khiến đoàn làm phim chỉ biết phăng phắc bấm máy ghi lại.

Bên kia sông Đuống/ Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong/ Dăm miếng cau khô/ Mấy lọ phẩm hồng/ Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm/ Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn/ Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo/ Xì xồ cướp bóc/ Tan phiên chợ nghèo/ Lá đa lác đác trước lều/ Vài ba vết máu loang chiều mùa đông... Hoàng Cầm rất giỏi đặc tả những khung hình bằng thơ tài tình đến mức hôm nay cánh trẻ làm truyền hình đã phải bất lực trước các hình ảnh trong thơ ông. Chỉ đơn thuần dùng máy quay phim để diễn tả Bên kia sông Đuống chẳng khác gì đánh trống qua cửa nhà sấm, bì phấn với vôi, song chúng tôi cũng chỉ biết dùng hết khả năng thế mạnh của hình ảnh, âm thanh, và nhất là sự rung động của con tim để thể hiện tác phẩm phim tài liệu về Hoàng Cầm. Phim ấy, sau này tôi có báo cáo với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và bàn giao ổ cứng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Khi tôi viết những dòng về nhà thơ Hoàng Cầm, không hiểu tại sao luôn văng vẳng lời thơ Bên kia sông Đuống, không hiểu tại sao lời thơ cứ thế ùa về: Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân/ Gió đưa tiếng hát về gần/ Thợ cấy đánh giặc dân quân cầy bừa/ Tiếng bà ru cháu xế trưa/ Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu/ - Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau/ Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu/ Cánh đồng im phăng phắc/ Để con đi giết giặc/ Lấy máu nó rửa thù này/ Ly súng nó cầm chắc tay/ Mỗi đêm một lần mở hội/ Trong lòng con chim múa hoa cười...

Thơ Hoàng Cầm luôn là như  vậy, luôn để người đọc phải bất ngờ cho dù bài thơ đã hiện hình và quen thuộc trên 70 năm, đã chịu sự thử thách nghiệt ngã về thời gian, nhất là sự cọ xát, đào thải khốc liệt của bạn đọc nhiều thế hệ.

Đối với lứa nhà văn trẻ chúng tôi, nhà thơ Hoàng Cầm như một đỉnh núi quanh năm mây phủ mà nhiều khi chỉ có thể đứng ở dưới chân núi từ xa vái vọng mà thôi. Những tác phẩm, câu thơ của Hoàng Cầm, chúng tôi chỉ có thể mê đắm ở trong lòng chứ tuyệt đối không thể nào viết ra chúng được. Thơ của chúng tôi ở một tầm thấp hơn nhiều. Chúng tôi hãy còn to tiếng, khoe khoang chữ nghĩa, nhất là khoe công khoe của, khoe tài khoe mẽ ở văn chương nên càng đi càng thấy thấp dần là như vậy chăng? Chẳng như Hoàng Cầm, không bao giờ ông đao to búa lớn trong văn chương nghệ thuật.

Nhà thơ Hoàng Cầm, thơ ca và những gì cao rộng hơn thơ ca từ đời sống của ông, đã cho thế hệ hậu sinh chúng tôi, những bài học vô cùng đích đáng và thấm thía.

Xin được tạm kết bài viết về ông bằng một bài thơ tôi làm khi ông mất:

 

Mưa Xứ Đông

(Kính viếng Hoàng Cầm)

 

Một lạy Hoàng Cầm

đếm mưa Kinh Bắc

ta nghe xứ Đông

giọt buồn lắc thắc

 

Nên Vua nên Chúa

thương gạch Bát Tràng

ta đành phận cỏ

ôm vào đa mang

 

Mặn giọt mưa oan

nhẹ hồn kỹ nữ

đắng nghẹn trong lòng

bàn chân lữ thứ

 

Nghe bàn tay ấm

lạnh dần mưa rơi

nghe bàn chân ấm

chạm toàn gió thôi

 

Trời rộng như nhau

mưa dần xanh cỏ

đời chật như nhau

bốn bề sóng gió.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm