- Thế giới sách
- Nhà thơ Trần Trí Thông viết về thế hệ của mình
Nhà thơ Trần Trí Thông viết về thế hệ của mình
ĐÀO VĂN SỬ
(Đọc trường ca “Mặt trận gần phía trước” của CCB, nhà thơ Trần Trí Thông)
Nhà thơ, CCB Trần Trí Thông - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư chi bộ thuộc Đảng bộ phường 5, Gò Vấp; Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Phương Nam - vừa cho ra đời tập thơ thứ 8 của mình, đó là trường ca “Mặt trận gần phía trước”. Anh viết về thế hệ cầm súng của mình - ra trận những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trường ca này anh viết về thế hệ cầm súng của mình từ khi rời quê hương, xa người thân, xa thày cô, bạn bè lên đường nhập ngũ, vượt Trường Sơn, đánh giặc rồi trở về khắc phục hậu quả chiến tranh; lại ra biên giới chống kẻ thù mới sau đó về xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình. Đúng như vậy, song không hẳn chỉ có như vậy. Đọc trường ca của anh, chúng ta còn thấy hình bóng hào hùng, lạc quan yêu đời của nhiều thế hệ cha anh - Thế hệ thời đại Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là hình tượng xuyên suốt của Trường ca, là tượng đài hùng vĩ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nơi ấy người chiến sĩ đã thể hiện tâm tư tình cảm, ý chí quyết tâm, lý tưởng và lẽ sống của mình. Tác giả - nhà thơ Trần Trí Thông tâm sự: “Tôi viết để tri ân tất cả các thế hệ thanh niên Việt Nam, những người đi trước đã vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu”. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Người chiến sĩ Trần Trí Thông đã đến Trường Sơn, đã hiểu rõ mình và làm thơ về thế hệ của mình.
Để truyền tải cảm xúc đa dạng, nhiều cảnh huống ấy, Trần Trí Thông chủ yếu dùng thể thơ tự do xen lẫn với những đoạn lục bát truyền thống. Lục bát của anh vẫn ngọt ngào, ấn tượng gim vào người đọc. Đã từ lâu Trần Trí Thông thành danh ở thể thơ lục bát. Ai cũng biết thơ lục bát dễ làm nhưng để có bài thơ hay thì rất khó. Nhiều người cứ gieo vần lan man, bị vần dẫn dụ, lạc hẳn ý tứ hoặc dễ dãi dùng từ ngữ sáo mòn, ít hình ảnh tạo nên những bài thơ lục bát nhạt, đểnh đoảng, không sâu sắc. Còn những bài lục bát của Trần Trí Thông thì luôn đằm sâu, với ngôn từ nhẹ nhàng, không cầu kỳ, không gồng lên mà nhân cách hóa, gần gụi, thân thương như hạt lúa củ khoai quê nhà, có sức gợi cảm lớn. Nói về ngày nhập ngũ, anh viết: “Tôi đi nhập ngũ sáng nay/Tháng Năm hoa phượng đỏ đầy ba lô/ Giàn trầu bông nắng ngẩn ngơ/ Vườn cau cổ tích làm thơ dưới trời”. Nhiều nhà thơ đã vẽ lên Trường Sơn hùng vĩ với nhiều xúc cảm về người chiến sỹ. Còn Trần Trí Thông với những câu lục bát thật hào sảng khiến chúng ta thấy ngay tầm vóc của Trwongf Sơn và đường ra trận như trẩy hội mùa xuân: “Trăng nghiêng trên mái rừng già/ Trường Sơn vang khúc quân ca chiến trường”. “Tôi mang thơ đến Trường Sơn/ Viết câu lục bát vào cơn mưa rừng/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Dép râu dấn bước tận cùng nước non”. Anh khéo gói gém tình cảm với người em gái hậu phương, qua lời nhắn gửi rằng vì đất nước còn giặc, miền Nam đang vẫy gọi, chúng ta hãy chấp nhận “Ba khoan” - khoan yêu, khoan cưới, khoan sinh con. Chiến tranh ác liệt kéo dài, cái gì cũng có thể xảy ra, đâu biết ngày về? Còn nhớ nhà thơ Vương Hàn thời nhà Đường Trung Quốc viết “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay đi chiến trận mấy ai trở về): “ Em nhé, đừng buồn hãy chấp nhận “Ba khoan”/ Mỗi bước anh đi Mặt trận gần phía trước/ Chiến tranh em ơi điều gì biết được/ Trường Sơn xanh lá đỏ vẫn xa cành”.
Thơ anh đã nói hộ thế hệ mình và nói hộ các thế hệ cha anh đã dấn thân vượt Trường Sơn vì nghĩa lớn, trong tâm thế vững vàng, kiên định, lạc quan: “Chúng tôi đi thẳng hướng về Nam/ Đường thiên lý dài theo đất nước/ Qua suối, qua sông, qua đèo, qua dốc/ Trên đỉnh Trường Sơn có thể hái sao trời”.
Bằng lối so sánh, nhân cách hóa nhuần nhuyễn, sử dụng tu từ hợp lý trong thơ, chúng ta thấy rõ hơn cái nhìn, nếp nghĩ, cuộc sống chiến đấu của anh bộ đội tình nguyện đi đánh giặc thật đẹp, thật giàu chất thơ: “ Tội ác chiến tranh xếp chật bên đường/ Nham nhở hố bom như dấu răng quái thú/ Khúc ruột miền Trung thắt vào gian khổ/ Khô vạt gió Laò, câu Ví, Giặm còng lưng”. “Sau mỗi trận mưa dép tuột đường trơn/ Vai làm thang đồng đội tỳ lên dốc”. “Cơn sốt vắt ngang làm lõm đội hình/ Lính uống ký ninh cả cánh rừng đắng nghét!”…
Trong niềm vui vỡ òa Sài Gòn giải phóng, anh nhớ lại cảm xúc của người lính lần đầu vào thành phố: “Sài Gòn ùa ra đón quân giải phóng/ Một ngày kết thúc chiến tranh/ Ngày ấy chúng tôi còn trẻ lắm rất xanh/ Ngượng ngùng gặp cô gái Sài Gòn/ Diện quần ống loe hỏi chuyện”. Không lâu sau đó, lửa cháy bùng lên từ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc, thơ anh điềm tĩnh mà chất chứa căm giận trong lòng: “Chợt những loạt AK bội nghĩa vong ơn/Găm đầy biên giới/ Súng đã cất vào kho/ Giờ đơn vị lại truyền tay lau vội/ Những ánh mắt nhìn nhau dò hỏi/ Chuyện gì xảy ra/ Lệnh hành quân lên biên giới như một lời thề!”
Đọc những vần thơ anh viết “Khi trận mạc đã qua” về với đời thường thẳm sâu tình người, tình đồng đội son sắt thủy chung. Anh nhớ thương những đồng đội mãi mãi không về và đầy nỗi niềm cảm thông với những người mang trên mình thương tật, trở lại “chân lấm tay bùn” cực nhọc, gian khó nơi quê nhà.
Dù vậy, anh vẫn khẳng định điều quý giá nhất của anh Bộ đội Cụ Hồ - người cựu chiến binh hôm nay là bản chất tốt đẹp luôn giữ vững không hề phai nhạt: “Dẫu thế thời biến chất đổi màu/ Bản chất lính không bao giờ thay đổi/ Tình đồng đội vẫn vững bền như núi/ Vẫn nhớ gọi tên nhau cả lúc đã già.”