TIN TỨC

Nuôi hồn thơ bằng kí ức

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-12-10 20:44:25
mail facebook google pos stwis
275 lượt xem

TRƯƠNG THỊ THÚY

Đọc xong tập thơ “Như vừa hôm qua” của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy, tôi tự nghĩ, phải chăng kí ức chính là mạch nguồn vô tận khơi hồn thơ anh. Từng mảng kí ức được tâm hồn đa cảm của anh níu giữ, khi hoan ca hay lúc bâng khuâng nhớ, khi cô đơn và cả lúc rưng rưng buồn sẽ dệt lại thành thơ.

 “Như vừa hôm qua” được ấn hành bởi NXB Hội nhà văn vào tháng 11 năm 2024. Tập thơ gồm 73 bài thơ, nội dung chứa đựng những tâm tư, tình cảm của Lê Bá Duy với người thân, anh em, bè bạn, với cả những sự kiện xảy đến với chính nhà thơ hoặc được anh chứng kiến. Tất cả, dù đã là quá vãng nhưng trong tâm hồn của người thơ Lê Bá Duy thì nó vẫn tươi mới, vẹn nguyên như vừa hôm qua.

Những kí ức đằm sâu

Theo dòng chảy của xã hội, chúng ta cứ luôn bị cuốn vào những nhộn nhịp mưu sinh, những lo toan, những vui thú để đến khi bất chợt nhìn lại thì thảng thốt buột miệng mà rằng: trời ơi! Mới đó mà… Tất cả như mới đây thôi, như vừa hôm qua thôi. Thời gian trôi nhanh quá. Với kí ức, có người chọn cách quên, có người lưu trữ trong tâm hồn. Còn Lê Bá Duy gửi cả vào thơ. 

Mười năm nghiêng một giấc trưa

ngang qua mùa hạ như vừa hôm qua

trăm năm còn đó quê nhà

nghìn năm sương khói la đà quạnh hiu

                                             (Như vừa hôm qua)

Có lẽ, mỗi người sẽ có cách “ứng xử” riêng với kí ức của chính mình. Còn với Lê Bá Duy, tôi nhận thấy, anh chăm chút, nâng niu mọi kí ức bởi với anh, mỗi lát cắt, mỗi khoảnh khắc qua đi đều là duy nhất.

Đó là vào một đêm cuối năm, thời khắc ấy, trời không còn lạnh lẽo, chân không còn đau nhức, nỗi buồn năm cũ không còn. Chỉ còn “những sợi tơ lòng” giăng giăng, chỉ còn yêu thương ngân lên bao ước vọng an lành, đón chào mùa xuân mới.

Đó là kí ức về một mùa khai giảng đặc biệt khi cả nước đang oằn mình trong sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Hẳn “người đưa đò” Lê Bá Duy với ba mươi tư năm thâm niên đứng trên bục giảng không thể quên mùa khai giảng đặc biệt đó. “Khai giảng online” – thế hệ chúng tôi – những người đã từng trải qua mùa khai giảng ấy thường nói vui với nhau như vậy. Nói vui mà thật. Bởi “lễ khai giảng phát trực tiếp trên sóng BTV”. Chúng ta không thể quên, cũng như Lê Bá Duy còn nhớ mãi mùa Khai giảng trong đại dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp/ hàng chục nghìn ca mỗi ngày”. Để rồi “nước mắt rơi/ nước mắt của đớn đau/ nước mắt của mất mát tang thương bất hạnh/ nước mắt của chia ly/ nước mắt khi thấy trẻ thơ chưa thể cắp sách tới trường”. Kí ức đó, mỗi người trong chúng ta không ai muốn gặp lại. Bởi nó đau, nó gợi lên sự điêu linh, mất mát, chia lìa. Chúng ta hiểu điều đó, Lê Bá Duy thấm thía điều đó. Nhưng ghi lại để nhắc nhớ về những ngày như thế, những ngày mà nhà nhà đóng cửa, người người lặng im, đến hơi thở cũng cần nén lại. Bởi vậy, thầy trò khai giảng online là điều đương nhiên. Khoảnh khắc ấy, xúc động đến nghẹn ngào.

Đó là Mùa khai trường thứ 37: “Ba mươi bảy mùa khai trường/ mở tri thức Chân trời sáng tạo/ những hàng cây đời áo trắng/ lớn lên cùng thời gian”. Dấu mốc đặc biệt của mùa khai giảng này khiến tác giả lưu vào trong thơ là sự hoàn thiện của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm học 2024-2025). Qua những câu thơ chân thật, giản dị, người đọc biết được rằng, ngôi trường tác giả đang theo giảng dạy đã chọn chương trình ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo. Trước những điều bất ngờ, mới mẻ, con người hay có tâm lí hoài cổ, ôn cố tri tân. Thầy giáo Lê Bá Duy không nằm ngoài quy luật đó. Anh nhớ lại từ thời mình còn là một cậu bé “vô tư cắp sách đến trường” đến “giờ tóc bạc như màu phấn điểm”. Thời gian qua đi, “ký ức thêm dày”. Và nhà thơ đã trân trọng từng khoảnh khắc qua đi như thế, để mỗi khi nhớ lại, lại thêm bồi hồi, xuyến xao.

Đó là kỉ niệm Một chiều tháng Chạp, khi cùng người thân đi chạp mả, nghe bâng khuâng vọng về bao điều xưa cũ. Để rồi, khi đón Tết, lòng mừng vui quê hương đang đổi mới từng ngày “Chợ Gò vẫn đông như mọi năm, sắc hoa vàng dọc đường phố/ quảng trường Xuân Diệu nhộn nhịp đón Xuân” (Trích Chào tân niên), không còn tiếng rú ga, nẹt pô của mấy thanh thiếu niên nghịch ngợm làm những người đi đường hiền lành phải lắc đầu ngao ngán, không còn “những gương mặt đỏ chếnh choáng hơi men” như một Tết năm nào. Tân niên bình an, lòng người bình an. Đời còn gì đáng yêu hơn thế. Nhưng nếu với một người bình thường, đó là chuyện thường ngày, không có gì đáng nói. Vậy nhưng, với Lê Bá Duy – một người thơ đa cảm thì những hình ảnh của năm mới đó chính là nốt nhạc êm dịu trong bản nhạc đầy cung bậc thăng trầm của cuộc sống.

Cùng Lê Bá Duy lần tìm về kí ức, người đọc nhận ra, nhà thơ không chỉ lưu giữ trong tâm hồn những kí ức của riêng mình (tôi) mà còn trân trọng gìn giữ những kí ức của chung (chúng ta). Ví như Với nhà thơ Nguyễn Tấn On: “Gặp lại ngày anh vẫn còn chưa khoẻ/ vẫn nụ cười như xưa/ vẫn ánh mắt thơ có nắng, có mưa/ gùi từ xứ Quảng lên cao nguyên thơ mộng/ vẫn một tấm lòng với bè bạn văn chương...”. Tấm lòng trước sau như một đó của Nguyễn Tấn On hay của Lê Bá Duy, hay của những người đang giữ nghiệp văn chương? Có lẽ tất cả. Người đọc không cần phải cất công đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn hiện hữu, bởi chỉ với Như vừa hôm qua cũng đủ để giúp mỗi chúng ta có được lí giải cho riêng mình.

Kí ức của riêng mình, kí ức với bạn bè và cả kí ức với người thân. Trong Mừng sinh nhật ba, Lê Bá Duy viết: “Mừng ngày sinh nhật của Ba/ cháu con họp mặt như là đầu năm/ Một đời ba tựa kiếp tằm/ nhả tơ rút ruột quặn đằm yêu thương…”. Chỉ với mấy câu thơ ngắn gọn thôi, nhà thơ đã gửi cả vào trong đó niềm vui, niềm hạnh phúc trong ngày sinh nhật của đấng sinh thành. Hình ảnh “cháu con họp mặt như là đầu năm” gợi lên sự ấm ấp, đoàn kết của gia đình. Có lẽ “ba” sẽ rất vui. Sự quây quần, hòa thuận của cháu con là món quà quý giá hơn bất cứ món quà quý nào mà những người làm cha làm mẹ mong muốn. Lê Bá Duy trân trọng khoảnh khắc ấy, tạc vào thơ, qua đó thể hiện niềm kính yêu, biết ơn đối với những vất vả, hi sinh của cha dành cho gia đình “Một đời ba tựa kiếp tằm/ nhả tơ rút ruột quặn đằm yêu thương…”.

Những nhớ thương xa cách

Đọc Như vừa hôm qua, tôi nhận thấy, Lê Bá Duy dành nhiều trang viết để nhớ nhung, thương tưởng đến những người em, người anh, người bạn, những tri âm của mình. Như với người em út đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn: “Tạm biệt Út, anh về với lúa/ với hàng cau giếng nước ruộng đồng / em ở lại gieo trồng nhân ái/ tình yêu nồng nàn gặt quả nghĩa nhân” (Trích Sài Gòn với Út). Tạm biệt đấy mà dặn dò đấy. Có lẽ dặn em nhưng nhà thơ cũng đang dặn chính mình. Ở đời, sống nhân ái, thiện lành, yêu thương nhân nghĩa, trên kính dưới nhường sẽ có được phúc phần phước đức, đời sống an lành viên mãn. Có lẽ tâm lí của một người anh là vậy, luôn lo lắng cho em, dù em có không còn khờ dại, dù em đã có đủ những kinh qua nơi Sài thành hoa lệ. Nhưng với nhà thơ, người em ấy vẫn là Út nhỏ bé ngày nào. Như một Đêm Chư Pứ với những người anh em, người bạn: “Năm trái tim xích lại gần nhau hơn/ Chếnh choáng men tình anh em sau bao ngày hội ngộ/ phút tâm sự hiểu ra/ chúng ta ngoài năm mươi có lẻ/ thèm những giây phút bên nhau...”. Tác giả trân trọng những phút giây ngắn ngủi của đêm khi được hội ngộ cùng anh em, được tâm sự cùng nhau, được sẻ chia với nhau bao buồn vui nhân thế. Được lắng nghe và được thấu hiểu, đó là điều mà bất kì ai cũng mong muốn. Vậy nên, sau bao cách xa, nay gặp lại, hàn huyên thâu đêm cũng là điều dễ hiểu. Đêm Chư Pứ vì vậy càng thêm đáng nhớ.

Đời có vui, có buồn. Người có hợp, có tan. Đó là quy luật. Nhưng có những lúc dẫu biết là quy luật mà vẫn đau, vẫn buồn thương vô hạn. Đó là khi nhà thơ Tiễn anh Chín Hiên: “Mùa đông về Chư Pứ lạnh không anh?/ ở thế giới bên kia anh vẫy chào nhân thế/ người ở lại vẫn chưa thôi dòng lệ/ sụt sùi kẻ ở người đi”; hay khi Tâm sự với anh Hai Lê Công Định: “Đêm nay tâm sự chân thành/ mình em nói với trăm nhành khói hương/ vãn đêm anh sẽ lên đường/ một ngọn lửa cháy khói sương bên đời.../ Đêm nay nói chửa hết lời/ lặng bao nhiêu giọt u hoài tiễn anh”; và cả lúc Nhớ nhà thơ Lê Văn Ngăn (Nhân 6 năm ngày mất của anh): “Nhìn ảnh nhớ người đã đi xa/ mười hai năm lẻ ngỡ hôm qua/ nghe sóng vẫn đập vào eo biển*/ rưng lòng giọt lệ cứ trào ra...”. Cả trong những Cha về, Nhớ mẹ, Thăm ngoại đều là những dòng cảm xúc nhớ thương vô bờ đối với những người thân yêu, những đấng sinh thành một đi đi mãi, đi về miền mây trắng thong dong.

Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tất yếu của cuộc đời, vậy mà sao vẫn xót xa khi nghĩ đến những người thân đã đi xa. Bởi vậy mới “cay khóe mắt” trong “nhang khói chờn vờn” khi về thăm ngoại, mới “héo hon nỗi buồn” khi thiếu vắng bóng cha và mẹ. Có lẽ Lê Bá Duy đã nói thay cảm xúc, tâm trạng chung của bao người khi phải chịu trùng trùng âm dương cách biệt với người thân của mình.

Và còn mãi những tin yêu                                  

Bên cạnh những tiếc nuối, chia li, đớn đau, xa cách, người đọc còn nhận thấy trong Như vừa hôm qua một hồn thơ đầy những tin yêu với người, tha thiết với đời của Lê Bá Duy. Đó là những vần thơ chân thành, mộc mạc của Đêm cuối năm: “Chuyến tàu bình minh đã vào ga/ đón mùa xuân 2024/ mang theo ước vọng an lành/…/ Đêm cuối năm/ tôi gieo niềm vui/ trên mảnh vườn thi ca bao năm dệt mơ ước” thể hiện niềm vui tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới với tâm thế háo hức, với niềm tin về một tương lai an lành, thịnh vượng cho mình, cho người, cho hết thảy nhân gian.

Có cả niềm tin vào những điều thiện lành, vào con người và mảnh đất phương Nam mà nhà thơ hẳn ít khi được “gặp gỡ”: “Người phương Nam bộc trực thẳng ngay/ giàu nhơn nghĩa tánh tình hồn hậu/…/ những tấm lòng sẻ chia nhân ái/ sống một đời yêu sông nước thiên nhiên” (Trích Giấc mơ hành phương Nam). Tôi đã từng nghe, từng đọc đâu đó về lối sống chân chất, nghĩa tình, hào sảng của con người phương Nam, để đến bây giờ đọc Giấc mơ hành phương Nam của Lê Bá Duy, tôi tin những vần thơ của anh là thật, rất thật. Tôi thích thú với suy nghĩ Giấc mơ hành Phương Nam chính là một trang nhật kí bằng thơ mà thầy giáo Duy đã ghi lại để lưu giữ những nghĩ suy, những tình cảm tốt đẹp của mình về con người bộc trực, thẳng ngay, nhân nghĩa, yêu thiên nhiên nơi mảnh đất phương Nam của tổ quốc.

Lê Bá Duy luôn tin vào những điều thiện lành trong cuộc sống có khả năng nảy nở, đâm chồi, kết trái. Bởi, trong quan niệm của nhà thơ: “Vạn tấm lòng chung một tấm lòng/ tuy nhỏ bé mà tâm hồn rộng lớn/ quán cơm 2000 và những trẻ em nghèo hiếu học/ nhận sẻ chia thắp sáng những cuộc đời…” (Trích Từ một đêm thơ ca và tình thương). Trong Bên kia bờ thương nhớ nhà thơ cũng khẳng định niềm tin đó: “Cây nửa đêm/ nẩy mầm khắc khoải/ khắc khoải lên xanh/ trĩu những quả sai trên cành thiên phúc/ hái về những niềm vui…”. Chính bởi vậy, Lê Bá Duy nói với “em” hay cũng chính là nhắc nhở mình về lẽ sống ở đời: “Em ơi tham vọng lớn sẽ làm ta mù quáng/ hạnh phúc gom từ nhỏ nhặt đời thường/ hãy học cách bám cát như xương rồng vậy/ và cuộc đời mãi nở hoa!” (Trích Viết cho ngày Nô-en).

Tin vào sức mạnh của ý chí và nghị lực sẽ giúp con người vượt qua những khó khăn, những chông gai thử thách, Lê Bá Duy viết: “trong đau thương mất mát/ lớn lên sức mạnh khát vọng sinh tồn/ lớn lên kinh nghiệm từ trải nghiệm/ rồi thích nghi với lẽ tự nhiên/…/ hãy tạo ra/ sức mạnh kháng vi rút từ vắc-xin từ ý chí kiên cường/ vượt qua đại dịch/ sức mạnh của lòng yêu thương… (Trích Khai giảng trong đại dịch). Điều mà nhà thơ tin tưởng, sức mạnh của lòng yêu thương đó đã được chứng minh, kiểm nghiệm qua thực tế. Chúng ta đã cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, vượt qua đại dịch Covid-19 dựa vào tình yêu thương, bao bọc, dựa vào ý chí kiên cường, dựa vào truyền thống của cha ông, của nghĩa đồng bào.

Rất nhiều, rất nhiều những câu thơ thể hiện niềm tin yêu của Lê Bá Duy vào cuộc đời, vào tình người. Từ Với bạn bè tôi đến Khai giảng trong đại dịch; từ Nốt lặng đến Trên quê hương tứ hữu Bàn thành; từ Chiếc lá đến Từng đêm,… đều chung một cảm xúc như thế.

Khép lại Như vừa hôm qua, người đọc cảm thấy như được tiếp thêm niềm tin yêu vào cuộc đời, con người, vào những điều thiện lành trong cuộc đời này. Đó có lẽ cũng là con người Lê Bá Duy. Anh vốn vậy, từ đời thực đến thi ca, cứ chân chất, hiền hậu, dễ mến như thế.

T.T.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học
Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm