- Thế giới sách
- Hồ Sơn Đài với “Nhân chứng và lịch sử”
Hồ Sơn Đài với “Nhân chứng và lịch sử”
Đã gần nửa thế kỷ nay, khi nào ra sách mới, chúng tôi đều trao cho nhau những cuốn “nóng hổi” mới ra lò. Lần này, ngày cuối cùng của năm 2024, Hồ Sơn Đài nhắn tin hỏi tôi có nhà không để anh ghé qua tặng sách. Tôi đi vắng và giáp giao thừa tiễn năm cũ, tôi đã nhận 2 cuốn sách anh gửi, trong đó có “Nhân chứng và lịch sử” (NXB Quân đội nhân dân - 11/2024).
“Nhân chứng lịch sử” là một cuốn sách đầy đặn dầy gần 400 trang (khổ 14,5x 20,5 cm). Đó là cuốn sách mà Hồ Sơn Đài dụng công sưu tầm, gặp gỡ, biên soạn dưới bút pháp nửa lịch sử nửa văn chương. Tôi đã đọc hàng chục tập sách của Hồ Sơn Đài hoặc chính tác hoặc chủ biên. Bút pháp của nhà sử học có tâm hồn thi sĩ này không lẫn vào đâu được.
“Nhân chứng và lịch sử” thì khác. Với bút pháp chính luận, đặc biệt vốn sống phong phú và phương pháp tiếp cận trực diện, Hồ Sơn Đài đã cung cấp cho bạn đọc một “ kho tư liệu “ về đất và người Miền Đông Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Tôi đọc một mạch cuốn sách dầy gần 400 trang ấy và nghĩ đến lời căn dặn của Cụ Hồ “Người trước súng sau”. Vâng , không chỉ Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc “người trước súng sau” mà cả dân tộc ta đã thế. Đó chính là bí quyết giải mã vì sao một dân tộc nghèo nàn như thế mà đánh thắng những thực dân, đế quốc đứng đầu thế giới.
Vấn đề con người là yếu tố quyết định của mọi cuộc cách mạng. Với vài trang đến trên dưới chục trang cho một nhân vật, nhưng với tài chọn lọc, Hồ Sơn Đài đã khắc hoạ chân dung những nhân vật nổi tiếng của Nam Bộ một cách sâu sắc, tiêu biểu. Đó là Giáo sư Trần Văn Giàu bàn về truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam; Lê Duẩn “ngọn đèn hai trăm nến”; Nguyễn Văn Linh ở Sài Gòn những năm 1947-1949; Nguyễn Bình với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ… Và, còn nhiều nhân vật lừng danh nữa mà cứ như thể không có họ không thể có những chiến công đi vào sử xanh của dân tộc ta; không có ngày toàn thắng như hôm nay. Những nhân vật đó là: Huỳnh Văn Một, Phạm Văn Chiêu, Huỳnh Văn Nghệ, Trần Xuân Độ, Lê Đức Anh, Lương Văn Nho, Nguyễn Văn Bứa, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Thế Thiện, Mai Văn Phúc… Tôi đồng ý với tác giả đội ngũ “người trước tạo nên diện mạo cách mạng Miền Nam có in tập sách dày hàng vạn trang cũng không thể kể hết. Nhưng xuất phát từ mục đích làm “một cuốn “lịch sử” bằng các mảnh đời của nhân chứng lịch sử, một “ Oral history” (Lời nói đầu) nên bạn đọc không “vặn vẹo” ai trước ai sau, kể cả có người này mà không có người khác .
Tôi thích nhất những trang viết về các nhân vật mà tác giả Hồ Sơn Đài đã từng sống và làm việc bên cạnh. Đó là Đại tướng Lê Đức Anh, Thiếu tướng Lương Văn Nho, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Trung tướng Triệu Xuân Hoà…Và, cả những người không phải là tướng nhưng đã gắn bó với tác giả thấm đậm kỷ niệm vui buồn như: Nguyễn Viết Tá, Huỳnh Lứa, Nguyễn Đình Đầu…
Nếu mỗi nhân vật, chủ thể kể trên tạo chỗ đứng cho “Nhân chứng và lịch sử” thì bài cuối tập sách “Những người bạn ở báo Quân đội nhân dân chi nhánh phía Nam” Hồ Sơn Đài đã làm người đọc hiểu sâu sắc thêm ý tưởng “người trước súng sau”.
Là thông tín viên rồi cộng tác viên “đặc biệt” của báo Quân đội nhân dân, Hồ Sơn Đài gắn bó với Ban Đại diện phía Nam của báo hàng chục năm với những kỷ niệm về người và việc. Những con người, những nhà báo mà ông gặp như: Nguyễn Vũ Linh, Phạm Đình Trọng, Trần Thế Tuyển, Phạm Văn Mấy… được nhà sử học có tâm hồn thi sĩ tả chân vừa dí dỏm, vừa mạch lạc. Nhất quán điểm đến nên Hồ Sơn Đài đã chọn họ để khoá đuôi - khép lại tập sách. Như thể gởi gắm thông điệp: Từ các vị tướng lừng danh đến những người bình thường, họ đều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho quê hương đất nước theo cách của mình. Và chính họ là những nhân chứng lịch sử tạo nên sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hôm nay. Các thế hệ hôm nay và mai sau không thể quên những cống hiến của họ.
TP Hồ Chí Minh, đêm cuối năm 2024